“Khi những kẻ ngu đần bất hòa, xung đột,

Chỉ bậc học giả mới có thể phân giải;

Khi nước sông ngầu đục,

Chỉ dụng cụ lọc mới giúp nước trong lại.”

(Cách ngôn Sakya)

Năm 1264 – tức năm Giáp Tý, Âm Mộc theo lịch Tạng – tức niên hiệu Cảnh Định thứ năm, nhà Nam Tống – tức niên hiệu Chí Nguyên thứ năm, triều Nguyên.

Bát Tư Ba ba mươi tuổi, Kháp Na hai mươi sáu tuổi.

- Kháp Na! – Tôi len lén thò đầu ra khỏi tấm bình phong, thấy chỉ có mình cậu ấy bước vào phòng, mới hoan hỉ gọi.

Chỉ vài thàng không gặp, Kháp Na nhìn tiều tụy, gầy đi nhiều. Cậu ấy ngẩng lên, thấy tôi đang lè lưỡi phía sau tấm bình phong, nụ cười rạng rỡ trên môi, lúm đồng tiền tinh nghịch lấp ló.

- Tiểu Lam, em đấy à? – Cậu ấy vội khép cửa lại, hăm hở lại gần. – Sao em lại hóa thành người thế?

Tôi quấn ngón tay vào sợi dây buộc tóc thả lủng lẳng dưới vành tai, ngượng ngùng đáp:

- Càng ngày tôi càng thích được mang hình dáng con người.

Một năm qua, đêm nào tôi cũng hóa thành người, xuất hiện trước mặt Bát Tư Ba. Theo thời gian, tôi đã quen dần với cách nghĩ và lời nói, cử chỉ của con người, cảm thấy đời sống mới này rất thú vị. Chả trách biết bao yêu tinh khổ công tu luyện không phải vì muốn trẻ mãi không già, mà là để có được dung mạo của con người, ggia nhập xã hội loài người.

Cậu ấy gật đầu khích lệ:

- Phép thuật của em ngày càng tiến bộ, không mệt mỏi thiếp đi như trước đây nữa.

Trong khoảng thời gian anh em họ ở hai nơi cách biệt, mỗi lần đưa tin, tôi liền thiếp đi vài ngày liền mới phục hồi linh khí. Nhưng đến hôm nay, phép thuật của tôi đã tiến bộ vượt mức, tôi không cần ngủ để bổ sung linh khí nữa. Điều này khiến tôi rất đỗi vui mừng.

Kháp Na nhìn tôi đăm đăm, nụ cười tỏa rạng như nắng xuân ấm áp:

- Đại ca muốn em đưa tin gì cho ta vậy?

Tôi rời tay khỏi sợi dây buộc tóc, nghiêm nghị nói:

- Lâu Cát muốn cậu về Yên Kinh ngay.

- Ta nói rồi, ta chỉ về nếu... – Rồi cậu ấy chợt biến sắc mặt, dồn ánh mắt về phía tôi, rảo bước lại gần, nắm lấy tay tôi. – Tiểu Lam, hai người... thành rồi ư?

Bàn tay cậu ấy đang run lên, lòng bàn tay lạnh toát. Tôi úp hai tay mình lên, sưởi ấm cho cậu ấy. Cậu ấy cúi xuống đuổi theo ánh mắt đang cố chạy trốn của tôi, xoay mặt tôi đối diện với cậu ấy.

- Hai má em đang đỏ lên kìa. Tiểu Lam, hãy cho ta biết sự thật, có phải hai người đã...

Làm người thật phiền phức, mọi biểu cảm đều lộ trên gương mặt, chẳng thể giấu giếm, tôi vội thanh minh:

- Đâu có. Cậu ấy... cậu ấy... – Tôi cứ ấp a ấp úng, càng nhìn vẻ nghiêm túc trong mắt cậu ấy, tôi càng bối rối, bèn cúi đầu, lí nhí. – Cậu ấy sắp chạm được vào tôi rồi.

Chúng tôi rất hợp nhau. Hằng ngày, buổi tối, việc đầu tiên sau khi về phòng của chàng là tìm kiếm tôi rồi cùng tôi ăn tối. Sau đó, chàng sẽ vừa viết lách vừa trò chuyện dông dài với tôi. Chúng tôi không khi nào hết chuyện để nói, và chàng không còn căng thẳng khi đối diện với dung mạo mới của tôi như trước nữa, giờ đây, nụ cười đã có thể nở rạng như đài sen trên môi.

Vào một tối nọ, cách đây mấy hôm, khi bầu không khí giữa hai chúng tôi đang diễn ra rất đỗi mỹ mãn thì khung cảnh ngọt ngào của ngày hôm trước lặp lại. Mặt chàng đỏ rần, hơi thở gấp gáp, chàng đột ngột cúi đầu, áp sát gương mặt tôi. Tôi có thể đoán định, chàng muốn hôn tôi (như năm xưa Kháp Na từng làm). Rút kinh nghiệm từ lần trước, tôi không tỏ ra khờ khạo nữa, tôi chờ đợi. Nhưng khi môi chàng sắp chạm vào môi tôi thì chàng đột nhiên kìm lại.

Kết cuộc ấy không biết là do sức kiềm chế của chàng thật đáng nể hay vì tôi quá ảo tưởng.

Ánh mắt da diết của Kháp Na vân du trên gương mặt tôi, những ngón tay dìu dặt, la đà trên má tôi:

- Nhưng huynh ấy vẫn chưa thực sự chạm vào em?

Tôi khép mi, khe khẽ đáp lại, xác nhận sự thật.

Cậu ấy siết chặt tay tôi rồi đột ngột buông lơi, giọng nói thấm vẻ chua chát:

- Hai người chưa thành đôi thì ta sẽ không về.

- Kháp Na, cậu không thể không về. – Tôi hốt hoảng nắm lấy cánh tay cậu ấy. – Hốt Tất Liệt đã lệnh cho Lâu Cát phải trở về Sakya, mồng Một tháng Năm sẽ xuất phát.

Kháp Na ngỡ ngàng:

- Về Sakya?

Tôi gật đầu:

- Đúng vậy, trở về quê nhà, nơi mà hai người đã cách biệt hai mươi năm.

Cậu ấy sững sờ, chừng như không phản ứng kịp, thận trọng nhắc lại từng tiếng một:

- Quê nhà...

Lưu vực sông Ili, nơi đóng quân của A Lý Bất Ca bị hạn hán nghiêm trọng. A Lý Bất Ca ra tay tàn sát, cướp bóc khiến quân và dân đều căm phẫn. Ông ta cùng đường, bị bức phải đầu hàng Hốt Tất Liệt. Đầu năm 1264, A Lý Bất Ca đến Yên Kinh, chưa đầy một tháng sau thì “qua đời vì ốm nặng”, cuộc nội chiến kéo dài suốt bốn năm của anh em họ đến đây là kết thúc.

Trong suốt bốn năm, từ năm 1260 đến 1263, Hốt Tất Liệt vừa phải lo đối phó với A Lý Bất Ca, mất nửa năm dẹp loạn Lý Thản, vừa phải ra sức xây dựng và củng cố vững chắc vương triều mới. Đây chính là sách lược sáng suốt của Hốt Tất Liệt. A Lý Bất Ca chỉ biết mặt sức phát hoại, vùng đất thuộc quyền cai trị của ông ta đã bị vắt kiệt nên ông ta mới bị đẩy vào đường cùng. Hốt Tất Liệt thì khác, ông dốc sức dựng xây, kiến lập bộ máy thống trị hoàn chỉnh cho vương triều của mình.

Vương triều mới của Hốt Tất Liệt, sau khi dẹp bỏ được mối nguy bên ngoài đã phát triển thịnh vượng. Sau bao suy tính cẩn trọng, Hốt Tất Liệt đưa ra những quyết định quan trọng: đổi tên thành Yên Kinh thành kinh đô Trung Đô, đổi niên hiệu Trung Thống thành niên hiệu Chí Nguyên. Ông đã thiết lập hàng loạt cơ cấu hành chính. Bước đầu tiên là lập ra khu Mật viện để thống lĩnh việc quân sự và chính trị của cả nước. Phong Hoàng tử Chân Kim làm Kiêm phán khu Mật viện, thống nhất việc điều phối thân quân thị vệ và quan lại vạn hộ người Mông Cổ và quân đội người Hán ở các địa phương. Hệ thống chỉ huy của khu Mật viện sẽ giúp cho quyền kiểm soát quân đội nằm gọn và nắm trong tay chính quyền trung ương.

Bước thứ hai là hủy bỏ chế độ phong đất trước đây của người Mông Cổ, các vùng đất sẽ được chia thành các tỉnh, các lộ và được quản lý thống nhất bởi chính quyền trung ương. Đất Tạng nằm trong số các lộ, các tỉnh đó. Nhưng suốt mấy trăm năm qua, vùng Wusi bị chia năm xẻ bảy, các tông phái Phật giáo đã hình thành phạm vi thế lực với sự hợp nhất giữa chính trị và tôn giáo của riêng giáo phái mình. Nếu ra sức đẩy mạnh việc áp dụng chính sách cai trị của chính quyền trung ương tại nơi đây, e rằng sẽ vấp phải sự ngăn trở kịch liệt.

Nếu muốn thiết lập hệ thống hoàn toàn mới trên đất Tạng, nhằm phục vụ mục đích thống trị vùng đất này của vương triều mới, Hốt Tất Liệt buộc phải tìm ra một người có thể nắm bắt toàn bộ cục diện Tây Tạng và có mối quan hệ khăng khít với lãnh tụ của các giáo phái lớn. Trọng trách này, ngoài Bát Tư Ba ra, không ai đảm đương nổi.

Sau khi suy xét thấu đáo, Hốt Tất Liệt đã hạ chỉ cho hai anh em Bát Tư Ba cùng trở về Sakya.

Giải thích tường tận ngọn ngành, tôi quay sang và thấy Kháp Na vẫn trầm lặng. Vẻ mặt cậu ấy không biểu lộ chút vui mừng hay xúc động như Bát Tư Ba khi vừa nghe Hốt Tất Liệt hạ chỉ, trái lại, tôi thấy cậu ấy buồn xo:

- Suốt hai mươi năm sống trên đất Hán, khi ai đó hỏi, ta đều dõng dạc trả lời, ta là người Tạng, là truyền nhân của phái Sakya. Nhưng Sakya rốt cuộc là nơi thế nào, ta thật sự không còn nhớ nữa.

Sáu tuổi đã phải rời quê hương nên cậu ấy không còn nhiều ấn tượng về nơi ấy cũng là điều dễ hiểu. Bát Tư Ba thì khác, chàng hơn Kháp Na bốn tuổi, chàng có không ít kỷ niệm tuổi thơ ở quê nhà. Sau khi đại sư Ban Trí Đạt viên tịch, lẽ ra Bát Tư Ba phải trở về Sakya theo di mệnh của người bác, nhưng trên đường đi chàng đã gặp và lựa chọn con đường đi theo Hốt Tất Liệt vì tương lai của giáo phái. Chàng là thủ lĩnh của giáo phái nhưng lại xa cố hương những hai mươi năm, điều đó thật khó chấp nhận. Bởi vậy những năm qua, Bát Tư Ba luôn đau đáu tâm nguyện trở về quê hương. Mệnh lệnh của Hốt Tất Liệt đã giúp chàng toại nguyện.

Ánh mắt của Kháp Na trôi miên man ngoài cửa sổ. Trời ngả về chiều, tơ liễu phất phơ trong gió, hoa đào khoe sắc rực rỡ trong vườn. Gió nhẹ thổi đầu cành, những cánh hoa đào đan cài vào tơ liễu lơ lửng trên không trung, dưới ánh nắng chiều vàng ruộm, những trận mưa hoa lả tả khắp không gian, đẹp mê tơi.

- Ta không thương quê nhớ xứ như đại ca, cũng chưa từng nghĩ rằng, một ngày nào đó nhất định phải trở về. Nhưng vì đây là mệnh lệnh của Đại hãn, ta buộc phải tuân thủ. Vả lại, mục đích của chuyến đi này không chỉ là việc đại ca trở về để chỉnh đốn lại giáo phái mà quan trọng hơn là, vâng mệnh Đại hãn, tái thiết đất Tạng. Và nếu vậy, đại ca sẽ phải xử trí rất nhiều công việc, phải thiết lập rất nhiều mối quan hệ, một mình huynh ấy chẳng thể cáng đáng nổi, ta phải giúp anh mình.

Cậu ấy thở dài thườn thượt, quay lại nhìn tôi, ánh mắt lấp lánh:

- Thôi được rồi, chúng ta cùng về Yên Kinh.

Tôi gật đầu, mỉm cười tinh nghịch:

- Không đúng, không được gọi là Yên Kinh, bây giờ phải gọi là Trung Đô.

Hôm sau, Kháp Na thu dọn hành lý, cùng một số hầu cận thân thiết rời khỏi phủ Phò mã ở Lương Châu.

Không ai ở Lương Châu không biết Mukaton là cô công chúa hung hăng, bạo ngược, cánh đàn ông cũng thấy ái ngại thay cho Kháp Na. Sau khi Mukaton qua đời, các đám mai mối chen chân và cổng phủ Phò mã. Nhưng những người đến cầu thân không ai có thể bước chân vào phủ Phò mã lần thứ hai. Kháp Na để tang vợ hơn một năm trời, người chồng nghĩa nặng tình sâu ấy đã khiến người dân Lương Châu cảm động. Các cô gái Lương Châu không ai bảo ai, đều lấy Kháp Na làm thước đo tiêu chuẩn. Những người đã lập gia đình đều muốn chồng mình chịu khó học tập cậu ấy. Những cô gái chưa chồng thì khát khao được bước chân vào phủ Phò mã, dẫu chỉ để rót nước pha trà hầu hạ cu cũng bằng lòng.

Vậy nên, vào ngày Kháp Na lên đường, ngoài Thiếp Mộc Nhi, còn có rất đông bà con Lương Châu đến tiễn. Các cô gái tung hoa tươi và khăn lụa lên xe ngựa nhiều vô kể. Kháp Na cảm động, vẫy tay từ biệt mọi người. Xe ngựa lăn bánh, tiến thẳng hướng cửa thành phía đông. Năm lên tám, Kháp Na lần đầu đặt chân đến Lương Châu. Chỉ vỏn vẹn hai năm ở Yên Kinh, còn lại phần lớn thời gian cậu ấy sống ở kinh thành quan trọng bậc nhất phía tây bắc này, vậy mà đã mười sáu năm trôi qua. Đối với Kháp Na, Lương Châu gắn bó và thân thiết với cậu ấy hơn cả quê hương.

Kháp Na không hề biết rằng, sau chuyến đi này, cậu ấy không còn cơ hội trở về Lương Châu nữa.

Suốt mấy tháng lênh đênh trên chặng đường trở về Trung Đô, chúng tôi đã trải qua mùa mưa giăng giăng, lầy lội, bởi vậy, thay vì lộ trình hai tháng bình thường, chúng tôi đã phải đi gần ba tháng mới đến nơi. Bình minh ngày Mười lăm tháng Tư, trời mới chịu hửng nắng nhưng chúng tôi vẫn còn cả một ngày đường nữa. Dù thúc ngựa chạy nhanh hết cỡ, cũng phải đến chiều tối hôm sau mới có thể tới nơi. Tôi đứng ngồi không yên, đành đề nghị Kháp Na để tôi về Trung Đô trước.

Bởi vì ngày Mười lăm tháng Tư là lần đầu tiên Bát Tư Ba chủ trì đại lễ Sitatapatra tại kinh thành Trung Đô của Hốt Tất Liệt.

Kinh Đại Nhật chép rằng: Trên đỉnh đầu của Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện hình luân vương – là pháp tướng tôn quý nhất của Như Lai, lấy pháp thanh tịnh, đại từ đại bi mà ban phước lành cho cả thế giới. Người Mông Cổ vốn sùng bài màu trắng, vậy nên ngày Mười lăm tháng Tư năm ngoái, Bát Tư Ba đã làm lễ dựng lên một chiếc lộng màu trắng che trên ngai vua tại điện Đại Minh. Chiếc lộng trắng được thêu kinh văn bằng gấm và bột vàng, xem đó như một dạng bùa trừ và cầu an cho quốc gia, bảo vệ Hốt Tất Liệt.

Ngày Mười lăm tháng Tư năm nay là tròn một năm kỷ niệm sự kiện lọng trắng che ngài vàng trên điện Đại Minh, Bát Tư Ba đã dâng tấy xin được tổ chức đại lễ kỷ niệm sự kiện trọng đại này. Hốt Tất Liệt lập tức phê chuẩn và hết lòng ủng hộ. Trước khi tôi lên đường đi Lương Châu, Hốt Tất Liệt đã lệnh cho tuyên chính viện dốc toàn lực tổ chức buổi lễ này.

Vì muốn lấy lòng Đại hãn, tuyên chính viện bỏ ra rất nhiều tiền bạc để sắm sửa áo giáp sắt, khiên đao, binh khí, đồng thời phân công nhiệm vụ cho Ti giáo phường nhạc lập đội nhạc khoảng hơn ba trăm người, đội tạp kỹ một trăm năm mươi người, đội trống một trăm hai mươi người, tất cả các ngôi đền ở Trung Đô sẽ chuẩn bị tượng Phật, cờ xí, ô lọng,... Họ còn điều động trong đội Cận vệ đóng tại kinh thành chừng năm trăm người để lập đội nghi thức và điều động năm trăm người làm công tác phục vụ. Lễ hội lần này còn long trọng, hoành tráng và quy mô hơn cả lễ hội hoa đăng trong dịp rằm Nguyên tiêu của người Hán.

Sao tôi có thể bỏ lỡ cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng phong thái của Bát Tư Ba trong buổi lễ hội trọng đại do chính chàng đề xướng và chủ trì kia chứ? Sau khi từ biệt Kháp Na, tôi biến phép để có thể về Trung Đô nhanh nhất. Nhưng khi tôi đến nơi, lễ hội đã diễn ra.

Sáng sớm hôm đó, Bát Tư Ba cùng các đệ tử ngồi tọa thiền tụng kinh trước ngai vàng trên điện Đại Minh, sau đó cung thỉnh tòa lọng trắng đã treo suốt một năm qua xuống, đặt vào kiệu trang trí nguy nga, tráng lệ đã được chuẩn bị từ trước. Hốt Tất Liệt cùng Khabi và toàn thể phi tần, công chúa ngự trên một lầu cao được dựng bên ngoài điện Ngọc Đức để chiêm ngưỡng lễ hội. Lúc này, đội nghi thức gồm năm trăm binh lính đã xếp hàng chỉnh tề ngoài điện Đại Minh để hộ tống Bát Tư Ba và các đệ tử lên kiệu xuất cung, chầm chậm tiến qua cửa Sùng Thiên.

Lúc tôi vừa đến nơi, đội nghi thức đã lần lượt diễu qua cửa Sùng Thiên, vậy là tôi đã bở lỡ những nghi thức đặc sắc diễn ra trong điện Đại Minh.

Hình dáng nhỏ bé của tiều hồ ly không thể giúp tôi quan sát mọi thứ giữa đám đông chen chúc, tôi phải hóa thành người, mặc áo choàng, đội mũ rộng che kín mái tóc và đôi mắt màu lam của mình, kiễng chân ngó nghiên tứ phía.

Đội kỵ binh áo giáp sáng loáng, oai phong, lẫm liệt hộ tống cỗ xe ngựa xếp lọng trắng bên trong. Cỗ xe được kéo bởi bốn con ngựa trắng thuần chủng, trên mình không một vết chàm. Bát Tư Ba cùng các đệ tử xếp thành hàng đi bên cạnh. Chàng vận áo cà sa dát kim tuyến lấp lánh, đầu đội mũ ngũ sắc, mọi động tác, cử chỉ, thần thái đều rất mực tao nhã, thanh thoát. Vẻ mặt an nhiên, pháp tướng trang nghiêm, đôi mắt sáng, thông tuệ dạo khắp chúng sinh.

Chàng giống như bậc tiên nhân, phong thái bất phàm khiến cho nam giới của nhân gian khi được chiêm ngưỡng dung mạo của chàng đều cảm thấy hổ thẹn. Những con mắt mang hình trái tim của các thiếu nữ trong đám đông đổ dồn về phía chàng, ai nấy đều hết lời ca tụng.

Tiếp theo đội nghi thức là đội trống, đội tạp kỹ và đội ca vũ, nối tiếp nhau kéo thành chừng hơn hai mươi dặm. Các nghệ sĩ ăn vận lộng lẫy, bắt mắt, trang sức cầu ký, tinh xảo. Họ vừa di chuyển vừa biểu diễn, không khí sôi nổi, những màn biểu diễn đặc sắc khiến cho đám đông hò reo cổ vũ không ngơi nghỉ. Dân chúng thành Yên Kinh dường như đều đổ ra đường, ai ấy đều vui mừng, hoan hỉ, tiếng cười đùa, tiếng hò reo của họ xen lẫn tiếng trống, tiếng nhạc và những điệu múa, những màn biểu diễn độc đáo, không khí sôi động khiến cả kinh thành như muốn vỡ tung.

Nhưng tôi chẳng để tâm đến những màn biểu diễn đó, chỉ biết len lỏi giữa đám đông hỗn loạn, bám theo đội nghi thức, đến chùa Khánh Thọ ở cổng thành phía tây vào buổi trưa.

Hôm nay tất cả văn võ bá quan trong triều đều mang trên mình trách nhiệm nặng nề. Lễ bộ phụ trách đội tạp kỹ và ca vũ. Hình bộ phụ trách đội tuần tra, đảm bảo an ninh cho lễ hội. Trung khu tỉnh được phân công đóng chốt ở các khu vực cổng thành hướng ra các phố lớn. Khu Mật viện phụ trách công tác tiếp đón khi đoàn rước đến chùa Khánh Thọ.

Viên quan đứng đầu Khu mật viện – Hoàng tử Chân Kim – đích thân đứng chờ ngoài cổng chùa để đón đoàn. Cậu ấy vận bộ triều phục quý phái, sang trọng, gương mặt cương nghị, thân hình cao lớn, vạm vỡ, từ con người đó toát ra khí phái của bậc anh hào. Năm ngoái mới lên chức cha, năm nay Chân Kim sẽ có thêm một nhóc tì nữa vì cô vợ Khoát Khoát Chân của cậu ta lại sắp sinh.

Người ta cung kính rước kiệu vào chùa. Đội nghi thức cùng các nhà sư dùng cơm chay trong chùa. Sau bữa trưa, chiếc kiệu sẽ được rước từ bờ phía nam hồ nước bên ngoài cổng thành phía tây qua cửa Hậu Tải, rồi từ cửa Đông Hoa qua cửa Diên Môn, tiến về phía tây. Sau đó, đoàn rước sẽ kết thúc tại điện Đại Minh trong cung, tại đây, Bát Tư Ba sẽ cung kính đặt lọng trắng về vị trí cũ trên ngai vàng.

Sau khi Bát Tư Ba dùng bữa xong, Chân Kim hộ tống chàng rời khỏi chùa Khánh Thọ. Đám đông chen chúc ngoài cổng chùa bỗng trở nên náo động khi Bát Tư Ba xuất hiện. Ai nấy đều nghễn cổ chiêm ngưỡng dung mạo của quốc sư rồi hò reo inh ỏi:

- Quốc sư của chúng ta kìa. Thật vinh hạnh khi được thấy ngài!

Đội nghi thức muốn tiến lên dẹp đám đông sang bên để dọn đường cho đoàn rước nhưng Bát Tư Ba đã ngăn họ lại. Chàng đứng trên đài cao ngoài cổng chùa, mỉm cười trang trọng, thân thiện vẫy tay chào.

Lâu nay, chàng vẫn là nhà sư được Hốt Tất Liệt trọng dụng, công việc thường ngày của chàng là truyền giảng pháp chỉ cho hoàng thân quốc thích của nhà vua ở trong cung nên thường dân Yên Kinh rất khó có cơ hội tiếp xúc với chàng. Nhưng tôi hiểu, chàng không hề muốn như vậy. Tâm nguyện của chàng là được truyền giải đạo Phật cho mọi chúng sinh. Có điều, đã là người của cung đình thì khó lòng được tự do tự tại.

Vì vậy, hôm nay là một cơ hội hiếm hoi, tôi phải giúp chàng tạo ấn tượng tốt trong lòng dân chúng mới được!

Thế là, khi đám đông đang chen vai chen chân ngước nhìn thì trên trời đột ngột xuất hiện một đám mây ngũ sắc tuyệt đẹp, đám mây bay đến, đậu lại trên đỉnh đầu Bát Tư Ba. Tiếp đó, một cơn mưa nhỏ tí tách trút xuống, tầng mây dày đặc che khuất vầng thái dương, bầu trời âm u. Đám mây ngũ sắc chiếu sáng không gian xung quanh, lập tức thu hút sự chú ý của tất cả mọi người, ai nấy đều tròn mắt, há miệng, ngơ ngác ngắm nhìn.

Bát Tư Ba sững sờ, ánh mắt chàng lập tức kiếm tìm trong đám đông. Tôi không thể cởi mũ nên nảy ra một cách khác, tôi cởi sợi dây buộc tóc, giơ cao lên. Chàng nhận ra, nụ cười ấm áp tỏa rạng trên môi.

Đám mây ngũ sắc tạo nên vầng hào quang rực rỡ bao bọc lấy thân hình mảnh khảnh của Bát Tư Ba, hệt như vầng hào quang tỏa rạng sau lưng các vị Bồ Tát. Gương mặt an nhiên, thanh tịnh như một vị thánh của chàng, ánh sáng thánh khiết tỏa ra từ con người chàng dường như tạo ra một lực hướng tâm vô cùng mạnh mẽ khiến cho đám đông muôn phần xúc động, cuống quýt hành lễ, vái lạy, thậm chí có người bật khóc. Quầng sáng dần tan biến, bầu trời trở lại vẻ ảm đạm như trước. Bà con dường như vẫn còn bội phần xúc động, họ reo lên:

- Phật sống hiển linh bà con ơi!

Bát Tư Ba gật đầu ra hiệu cho đoàn rước tiếp tục lên đường. Kèn trống tiếp tục vang lên, đội nghi thức dàn hàng thẳng tiến, cỗ xe từ từ rời khỏi cổng chính chùa Khánh Thọ, tiếp tục hướng về phía tây. Bát Tư Ba dõi mắt về phía tôi, tôi biết chàng lo lắng cho mình nên lắc đầu, mỉm cười để chàng yên lòng.

Đoàn người nối đuôi nhau theo sau đoàn rước cùng Bát Tư Ba, chỉ một lát sau, cổng chính của chùa Khánh Thọ đã không còn một bóng người. Đột nhiên tôi cảm thấy hoa mắt chóng mặt, bèn dựa vào một gốc cây. Tuy những năm qua, phép thuật của tôi đã tiến bộ rất nhiều, nhưng khi nãy, phép biến hóa trước ngần ấy con người đã khiến tôi tiêu hao rất nhiều linh khí. Mong là nghỉ ngơi một lúc, tôi sẽ về được đến phủ Quốc sư rồi mới xỉu đi.

Đúng lúc con buồn ngủ ập đến mãnh liệt, tôi bỗng nghe thấy giọng nói quen thuộc của ai đó sau lưng mình:

- Cô nương ơi, cô sao vậy?

Tôi đã xuống sức nghiêm trọng nên có người lại gần mà không hề hay biết. Không được, không thể để cậu ta nhận ra mình. Tôi gắng gượng đứng lên, nhưng chân tay cứ bủn rủn, cơ thể lảo đảo, chực đổ nhào về phía trước, chưa kịp chạm đất thì cánh tay rắn chắc của ai đó đã kéo tôi. Người đó xoay người tôi lại, chiếc mũ rơi xuống, để lộ suối tóc màu lam kỳ ảo.

- Là nàng ư? – Cậu ta thốt lên kinh ngạc, niềm vui cực độ xen lẫn sự hoài nghi. – Cuối cùng ta cũng gặp lại nàng!

Tôi gượng mở mắt, bắt gặp gương mặt tràn ngập niềm vui của cậu ta, cất giọng yếu ớt:

- Chân Kim...

Và rồi tôi thiếp đi. Trước lúc đó, tôi còn đủ tỉnh táo để niệm thần chú giữ nguyên hình dạng con người của mình sau khi rơi vào trạng thái hôn mê.

~.~.~.~.~.~

- Lúc trước cậu nói rằng, cậu cảm thấy Bát Tư Ba rất giống một chính khách, đúng không? – Tôi xuống giường, lại gần giá sách, vừa đi vừa nói. – Điều đó chính xác. Bát Tư Ba dốc toàn bộ tâm trí vào vấn đề chính trị của Tây Tạng. Tuy nhiên, với vai trò của một lãnh tụ tôn giáo, chàng cũng tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm hoằng dương Phật pháp. Ngoài các hoạt động trong cung đình của Hốt Tất Liệt, chàng còn tổ chức lễ hội Phật giáo rất lớn à ai cũng có thể tham dự: Lễ hội Sitatapatra.

Tôi rút cuốn Lịch sử triều Nguyên, lật đến chương 77, chỉ cho chàng trai trẻ những ghi chép về lễ hội diễn ra vào triều Nguyên:

- Lễ hội Sitatapatra được khởi xướng bởi Bát Tư Ba, từ đó về sau, năm nào lễ hội này cũng được tổ chức long trọng tại kinh thành triều Nguyên, khi ấy, người ta thường gọi lễ hội này bằng cái tên “Lễ diễu hành hoàng thành”. Quy mô của lễ hội này không hề thua kém lễ hội hoa đăng trong dịp Tết Nguyên tiêu của người Hán. Nếu vì có việc gì đó trọng đại mà năm nào đó không thể tổ chức thì lễ hội chắc chắn sẽ được tổ chức bù vào năm tiếp theo, tục lệ đó được duy trì mãi cho đến khi triều Nguyên bị diệt vong.

Chàng trai trẻ lật mở cuốn Lịch sử triều Nguyên, những dòng cổ văn ngắn gọn, súc tích khiến cậu ta khá vất vả để có thể đọc hiểu trọn vẹn. Chàng trai trẻ tán thưởng:

- Ghi chép về lễ hội này rất đầy đủ, chi tiết, với quy mô thế này, lễ hội Sitatapatra quả là có một không hai.

Tôi gật đầu:

- Hốt Tất Liệt rất coi trọng những ngày lễ tôn giáo trọng đại thế này, vì cả giới tăng ni Phật tử, dân thường và quân đội đều có thể cùng nhau tham dự. Về sau, ông đã hạ lệnh, cứ đến trung tuần tháng Sáu [1] hằng năm, lễ hội sẽ được tổ chức tại Trung Đô.

=========

[1] Theo ghi chép của cuốn Lịch sử triều Nguyên thì lễ hội Sitatapatra được tổ chức lần đầu tiên vào niên hiệu Chí Nguyên thứ bảy, tức năm 1270, sau đó được duy trì thường niên vào ngày Mười lăm tháng Hai hằng năm. Nhưng do yêu cầu của nội dung câu chuyện, chúng tôi xin phép mạo muội đẩy thời gian lên trước bảy năm và đổi thành ngày Mười lăm tháng Tư hằng năm.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play