Gió nhẹ hiu hiu thổi, canh đậu đỏ ướp lạnh mà hạ nhân bưng lên mang đến
cái mát mẻ nhè nhẹ thấm vào trong ruột gan, mà không khí hội thơ lại
càng thêm sôi nổi.
Người ở đây đều là văn nhân tài tử, biết được
ưu khuyết của thơ từ, ai cũng có vài tác phẩm hay đã chuẩn bị sẵn, lúc
này lấy ra từng bài rồi bình luận so sánh. Trong vài tác phẩm đầu tiên,
Phương Văn Dương đã viết ra một bài gây ra náo động, nhưng sau đó từ
khúc mới của Vu Thiếu Nguyên, "Thùy vãn mịch la thiên trượng tuyết", tất cả mọi người lại cảm thấy là cao hơn hẳn một bạc, đủ có thể trở thành
giai tác lưu truyền trăm năm.
Trong thành Biện Lương này, năm nào cũng có vài tác phẩm như vậy xuất hiện, đương nhiên có khi là vì bầu
không khí đã tới lúc sôi trào, được tâng lên, cũng có khi là vì bài thơ
đó thật sự quá hay. Dạo gần đây Vu Thiếu Nguyên rất nổi bật trong chốn
kinh đô, nhưng danh tiếng thì vẫn không thể sánh bằng những đại tài tử
đã nổi tiếng bao năm qua như Tả Tích Lương hay Phương Văn Dương được,
nhưng đang lúc thăng quan tiến chức thuận lợi, thực sự thời đến trời đất tác hợp, bài thơ hay này cho dù là ai đọc được thì đều phải tán thưởng
không thôi. Cơ Vãn Tình vừa cười vừa hát bài này, nhưng trong lòng lại
ảo não đôi phần. Bài thơ này so với bài thơ Đoan Ngọ mà gã viết cho mình còn hay hơn, sao lại cứ lấy ra ngay tại đây như vậy, nếu cất đi, có khi ngày mai có thể lấy ra so với Lý Sư Sư rồi.
Trong vài vị thi sĩ
có danh tiếng cao nhất đất Biện Lương này, người thật sự lợi hại vẫn là
Chu Bang Ngạn. Nhưng nay Chu Mỹ Thành đã lại bước lên con đường làm
quan, về chuyện thơ từ này có lẽ chỉ có Lý Sư Sư, người có mối tư giao
khá thân thiết với ông ta mới có thể có được. Nếu ông ta đưa cho Lý Sư
Sư một giai tác, như vậy bên mình mà lấy bài thơ của Vu Thiếu Nguyên thì có lẽ là đối phó được.
Vốn là nghĩ như vậy trong lòng, nhưng giờ đã lấy ra thì cũng chẳng còn cách nào nữa. Vu Thiếu Nguyên cũng khá đắc ý với từ tác của mình, hăng hái theo mọi người khiêm nhường một phen,
thi thoảng lại liếc mắt đưa tình với Cơ Vãn Tình, mà phần lớn dư quang
lại là nhìn về phía Lý Sư Sư. Bên này gã đắc ý, bên kia Phương Văn Dương lại cảm thấy mất mát vài phần. Nhưng tiêu điểm chú ý của toàn bộ hội
thơ đúng là ở trên người mấy vị tài tử này. Đám người Ninh Nghị ngồi
xuống, nhanh chóng tìm được nơi thuộc về mình trong không khí không bị
chú ý này, vui vẻ tham dự.
- Bái kiến Lục sư, đệ tử Vu Hòa Trung, hai năm trước từng được nghe Lục sư giảng "Mạnh Tử" tại nhà tranh Nhạc
Sơn, đạt được không ít. Hôm nay gặp lại, kính xin nhận của đệ tử một vái …
Từ một bên băng qua đám người, Vu Hòa Trung đúng là tìm được
một vị sư phụ từng có cơ hội nghe giảng bài. Trong vài vị có học thức
uyên bác ở phía trước, năm vị này là có danh tiếng nhất. Nay Tuyển Văn
xã "Mặc công" Tần Mặc Văn, Tiết Công Viễn, hay Lục Minh Phương vì chú
giải "Mạnh Tử" mà tiếng tăm lẫy lừng, với Phan Hồng Đạt mở trường khắp
nơi, đệ tử khắp thiên hạ; và cả Đại học sĩ Nghiêm Lệnh Trung nhậm chức ở Quốc Tử Giám. Vu Hòa Trung từng được nghe Lục Minh Phương giảng bài,
tuy Lục Minh Phương không nhớ gã, nhưng lúc này cũng cười nói mà đối
đãi, sau lại hỏi han nghiệp học và thành tựu hiện nay của gã một cách
tượng trưng, khích lệ một phen rồi bảo hắn đến gần đó ngồi.
Hội
thơ kiểu này chính là như thế, tâm tình giao hữu, tự nhiên mà giãi bày.
Học vấn có cao có thấp, cũng không có mấy người thực sự bức bách ai cả.
Về học vấn, Vu Hòa Trung không sánh bằng những người ở đây, nhưng xét
một cách công bằng, cho dù có đôi khi bị người ta coi là nhờ Sư Sư mà
được đến, nhưng phần lớn thì gã rất thích tham dự những tụ hội như thế
này. Chỉ cần không xảy ra quá nhiều chuyện phức tạp, được đặt mình ở nơi đây khiến gã cũng cảm thấy như mình là đại văn nhân, đại tài tử đang
giao hữu với thiên hạ, sống trong cuộc sống phấn khích. Mặc dù không thể làm ra vài bài kinh thế hãi tục, nhưng sau khi tham dự tụ hội về, thuật lại cho đám tiểu lại viết đơn kiện cùng cấp với gã trong nha môn bộ Hộ, đó cũng là chuyện rất có thể diện.
Lúc trước còn cảnh giác xem
phía Cơ Vãn Tình liệu có nổi lên xung đột với Sư sư không, hiện giờ
không khí hòa thuận thế này có vẻ không giống lắm, quay sang nhìn thì
Trần Tư Phong đang ở bên kia chào hỏi nói chuyện cùng vài người quen, ở
cuối hành lang, Ninh Nghị cũng đang cười cười nói nói với người bên
cạnh, xem ra đã hòa nhập và chưa bị bao nhiêu người chú ý. Trước khi Sư
Sư đến, mọi người đang nói cười xem bài thơ mới của Vu Thiếu Nguyên,
nàng nhìn hắn với ánh mắt kinh ngạc, xong cũng không khỏi quay sang khen ngợi tác phẩm thơ từ của đám người Phương Văn Dương một phen. Đúng là
cảnh tượng một hội thơ bình thường mà lại vui vẻ.
Nếu cứ tiến
hành như thế này, như vậy trong một khoảng thời gian không ngắn sau này, hội thơ hôm nay chắc chắn sẽ được truyền thành giai thoại. Lúc này, Vu
Hòa Trung và Trần Tư Phong cũng đã lơi lỏng cảnh giác trong lòng, Sư Sư
tuy cảm thấy kỳ quái, nhưng trong chốc lát cũng khó mà nghĩ ra sẽ xảy ra chuyện gì được. Phần lớn người tham dự đều là chỉ vì tụ hội, hưởng thụ
ánh nắng ban trưa mát mẻ khó có được trước tiết Đoan Ngọ, nhìn đám người Vu Thiếu Nguyên hăng hái, thi thoảng cũng cười nói xen vào vài câu,
thêm phần vui vẻ. Mà đám con cháu nhà giàu nhà quyền quý ôm cái tâm tư
tới xem trò vui trò hay thì cũng hưởng thụ không khí hội thơ này trước
đã.
Ở trong đám người, bên cạnh Ninh Nghị có một thanh niên tên
là Trịnh Khải Thanh, cũng đạt được chút tài danh nho nhỏ ở quê hương,
đến kinh thành này cũng được chừng hai, ba năm, đã quen thuộc với giới
văn nhân, cũng đạt được một địa vị nho nhỏ, cho dù chưa đạt tới bực
thanh danh như Vu Thiếu Nguyên, hay Phương Văn Dương, nhưng thi thoảng
lại có người mời làm thơ, đó chính là địa vị. Vốn nghĩ người bên cạnh là hảo hữu của Lý Sư Sư, nên mới bắt chuyện, nhưng hàn huyên vài câu rồi
mới phát hiện đối phương ăn nói khéo léo, lại hào phóng, khí độ cũng
không tệ, thế là mở miệng cười nói vài câu, rồi bỗng có thi cảo truyền
tới, thế là lại cùng nhau bình luận một phen.
Cứ như thế một lúc, Trịnh Khải Thanh rời đi một lát, sau khi trở về, đang định ngồi xuống
kể cho đối phương nghe vài câu chuyện thú vị thì nghe được phía trước có người nói:
- Vị này chính là Ninh Lập Hằng ở Giang Ninh sao?
Trịnh Khải Thanh thấy người kia nhìn sang bên này, còn chưa hiểu rõ là xảy ra chuyện gì thì người nọ lại bổ sung:
- Vị bằng hữu của Sư Sư kia, có phải chính là Ninh Lập Hằng với Giang Ninh "Nhất dạ ngư long vũ" không?
Trịnh Khải Thanh từng nghe qua "Nhất dạ ngư long vũ", hay "Minh nguyệt kỷ
thời hữu", lúc này lại thấy người bên cạnh đứng lên, chắp tay cười nói:
- Vâng, đúng là vậy …
Thế là gã chợt cảm thấy, hội thơ đúng là "ngọa hổ tàng long".
Mấy bài thơ đó của Ninh Nghị tuy lấy ra thì có thể khiến mọi người chấn
động, nhưng không trải qua sự lắng động cùng thăng hoa của thời gian,
nên vẫn chưa thể đạt tới cái mức vừa báo tên là có thể khiến tất cả mọi
người phải ngước lên nhìn. Cho dù thanh lâu có ca hát, có phổ biến một
thời ấy, ở nơi đây danh tiếng cũng chẳng thể nổi bằng những người đã nổi danh nhiều năm như Chu Bang Ngạn.
Không lâu sau, mọi người lấy
ra vài bài thơ đó, lại có người nói rằng Ninh Nghị là "Đệ nhất tài tử
Giang Ninh", khiến cho người ta cảm thấy cùng lắm thì lại xuất hiện một
đại nhân vật có thể sánh ngang với Vu Thiếu Nguyên, Phương Văn Dương.
Nhưng trong lúc chuyện trò, mới thấy Ninh Nghị nói năng khiêm tốn, cử
chỉ lịch sự, nên đã khiến không ít người có thiện cảm với hắn, cũng lại
cho rằng hắn tạm thời chưa muốn làm náo động, hoặc có khi là chưa làm
xong tác phẩm, cũng chỉ hơi chú ý, chứ chẳng thể vì mấy bài thơ hay đã
làm được mấy năm mà dồn hết lực chú ý sang bên này.
Nhưng cho dù
là vậy, vị "bạn cũ của Sư Sư" cũng khá được chú ý. Ở bên cạnh, Trịnh
Khải Thanh cẩn thận để ý Ninh Nghị, chờ mong xem liệu hắn có đưa ra tác
phẩm hay ho nào không. Chỉ là sau đó có một vị hảo bằng hữu gọi gã qua
xem một bài thơ, sau khi gã qua đó, mơ hồ nghe được trong đám người có
ai đó nói rằng:
- Tên kia là hạng mua danh chuộc tiếng đó …
Hội thơ có những nhóm riêng, người bên ngoài không đề phòng gã nên gã chú
ý, chỉ nghe là có một bộ phận nhỏ người đang nói rằng danh tiếng Ninh
Lập Hằng có vấn đề.
- Nghe đồn rằng là hòa thượng ngâm ra, hắn cầm lấy để đổi thanh danh …
- Đó không phải đạo văn sao …
- Phía Giang Ninh đã sớm có người vạch trần rồi …
- Nhìn hắn đi, cả một năm nay có làm ra được bài thơ nào đâu, có ai nghe nói qua bài thơ mới nào của hắn không …
- Đệ nhất tài tử Giang Ninh là Tào Quan mà … Hình như nghe nói là hắn tự nhận vơ đấy …
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT