Thầy Hữu bấy giờ tận tình trút bỏ khăn trầu áo ngự trên người của Tử Thanh xuống, đoạn gấp lại một cách cẩn trọng rồi đưa cho anh Thuận ở phía sau. Tử Thanh lúc này dường như đã trở về đúng với trạng thái ban đầu, cậu ta liền quay sang thầy Hữu, sắc mặt tươi tắn đến lạ thường.
- Đây là lần đầu tiên trong đời ta thực hiện một giá hầu, quả thật đúng như những gì mà các đồng thầy vẫn thường hay đồn thổi. Việc trắc giáng dương đồng của tiên thánh không chỉ đơn thuần là một nghi thức tâm linh, nó còn đem đến một nguồn lợi vô cùng mãnh liệt về thần trí.
Thầy Hữu một tay thu dọn đồ đạc, một tay phì phèo điếu du lịch trông thực phong trần. Đoạn nói:
- Phàm là những ông đồng, bà cốt, khi thực hiện công việc tâm linh có liên quan tới âm phần, bản thân của họ rất cần được bổ sung dương khí, cân bằng sự thịnh suy của âm dương trong cơ thể. Thông qua nghi thức hầu bóng, khi đồng thầy tiếp nhận sự trắc giáng dương đồng của tiên thánh, bản thân sẽ được ban tặng một luồng sinh khí phù hợp qua từng giá hầu. Từ đó, con người của họ dần dần trở nên mạnh mẽ, khoẻ khoắn hơn so với thường nhật. Nhưng điều này không phải bất cứ ai cũng được lãnh hội một cách trọn vẹn. Xem ra thì cậu quả thực là có căn duyên với cửa đình thần Tam Tứ Phủ.
Thầy Hữu nói đến đây thì mấy người chúng tôi bất ngờ chột dạ. Từ đằng xa, tiếng chuông điểm canh của nhà đền dội về lanh lảnh tựa hồ như muốn đập tan sự trầm luân trong cõi không gian vô định. Bất giác, người thủ nhang vội kéo tay thầy Hữu, hai người này đi thẳng vào trong gian hậu của đền Bảo Lộc. Độ khoảng mươi phút, thầy Hữu trở ra, khuôn mặt lấy làm hồ hởi lắm. Ánh mắt của thầy tập trung cao độ vào một hộp gỗ vuông, bản nhỏ, bên ngoài có tạc hình lưỡng long chầu nguyệt thực rất kì lạ. Đoạn chúng tôi vội vã dọn dẹp đồ đạc, tác phong ai nấy cũng đều nhanh nhẹn, duy chỉ có Tử Thanh, cậu ta tách biệt hoàn toàn so với mấy người chúng tôi, toàn thân bất động mà đưa mắt nhìn thẳng vào đền Bảo Lộc. Dường như, con người này đang muốn nhìn thấu tận trời đất, thỉ như cuộc đời của cậu ta vậy, dù cho có sự học hiểu tinh thông âm dương đến mấy, bản thân cũng khó lòng mà thay đổi được vận số.
- Chuyến này Bạch Hạc đại phá vạn vong, sợ rằng lành ít dữ nhiều, mẹ con cái Trà sức khoẻ còn yếu, đành phiền bác tài ở lại săn sóc cho vài hôm. Chúng ta về quán trọ chuẩn bị đồ đạc, nhất định phải đến được Bạch Hạc trước giờ mão.
Chúng tôi vội vàng từ biệt thủ nhang đền Bảo Lộc, người này đưa mắt nhìn theo Tử Thanh, nhãn lực toát lên một vẻ âu sầu đến cùng cực. Trở lại quán trọ, tôi cùng thầy Hữu thu dọn vài bộ quần áo, anh Thuận chỉ kịp ghé vào tai em mình mấy lời thủ thỉ đậm tình ân nghĩa ruột thịt. Tử Thanh ở phía ngoài gọi lớn, cậu ta nãy giờ hoàn toàn không hề để ý đến những gì mà chúng tôi đang làm, bản thân dường như muốn đắm mình trong những suy nghĩ mang tính biệt lập.
- Xe đến rồi, đi thôi kẻo muộn.
Mấy người chúng tôi lên xe, tạm thời từ biệt vùng đất Nam Định để xuôi dòng đến Bạch Hạc. Mỗi người lúc này đều ngả tâm trạng mình về một phía không gian riêng biệt, duy chỉ có tôi, giữa màu sắc của đêm đen dặm trường, tôi tự hỏi lòng mình về hai chữ nhân duyên. Cớ sao trong cuộc sống này luôn tồn tại những thứ được coi là thiên định, được gọi là bất khả kháng. Cớ sao con người lại luôn phải tự buộc mình vào những câu chuyện mà chính họ cũng không thể đoán biết được sự hư thực, thành bại. Phía trước, con đường ngày một dài thêm, hai bên chỉ thấy là những màu đen trập trùng, bất tận. Thầy Hữu bất ngờ đánh điện cho một người thân quen trên đất Việt Trì:
- Số máy của cậu Hà đúng không? Là tôi, Hữu đây, lần này tôi có chuyến đi đến Bạch Hạc, cậu chuẩn bị giúp tôi ba cỗ quan tài cho người trưởng thành, chút đàn mã cùng với nhang đèn, tôi sẽ nhắn tin chi tiết cho cậu ngay đây. Mong cậu nhớ chuyện năm xưa mà ra tay giúp sức cho tôi được toại lòng.
Đầu dây bên kia có tiếng nam nhân trung tuổi, nghe qua âm lực thì phần nào có thể đoán biết được sự dũng mãnh và khí chất của người này:
- Thầy yên trí, chỉ cần thầy nói là tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ, ơn cứu mạng của thầy tôi khó lòng mà quên được. Hẹn gặp lại thầy trên đất Bạch Hạc.
Thầy Hữu dập máy, tâm trạng dường như đang có phần ngổn ngang lắm, khuôn mặt thầy sạm lại là những đường nét của sự nhọc nhằn. Nhưng kì lạ, tại sao thầy Hữu lại muốn nhờ mua ba cỗ quan tài, điều này thực khiến cho con người ta phải bận lòng suy nghĩ. Quay sang Tử Thanh, vẫn là những nét u buồn trầu trực trên khuôn mặt của người thanh niên đã sương gió mấy phen với cuộc đời. Anh ta nhoài mình trên chiếc ghế phụ, ngả đầu vào những nỗi cô đơn chẳng ai thấu. Bất giác, tôi thấy đôi mắt của Tử Thanh ngấn lệ, anh ta vội vã đưa tay lên che đi sự dâng trào của xúc cảm, miệng lẩm bẩm vài câu nghe thực xót xa,
- Tu trọn một kiếp nhân sinh, tốt đời đẹp đạo ân tình còn vương. Cứu sinh giải độ luôn thường, vậy mà nghiệp quả tang thương muôn phần.
Câu chữ của Tử Thanh cùng những nỗi buồn không tên cứ thế cuốn lấy tôi trên con đường tới Bạch Hạch. Chỉ trong thoáng chốc, khi sự âu sầu vẫn còn đọng trên đôi mắt của kẻ trượng phu, mặt trời đã len lói sau những vùng mây hắc ám hỗn độn. Cả một khoảng không phía sau lúc này tựa hồ như bức tranh xích hoả vô cùng lẫm liệt. Chúng tôi đặt chân đến cửa đền Tam Giang vào độ gần 6h sáng, cảnh vật xung quanh có phần ngược lại so với sự lên xuống bất định của lòng người. Nơi đây sơn thuỷ hữu tình, địa thế bốn bề vô cùng đặc sặc, nhà đền lại được sắp đặt theo thiết kế cột trụ, các gian giữa nhà vô cùng khoáng đãng. Nếu như đứng trên tầng lầu, hoàn toàn có thể thu về dưới tầm mắt là bức tranh tam thuỷ cuồn cuộn sóng nước. Đặc biệt, nơi đây còn tồn tại một sắc thái đền phủ vô cùng khác biệt so với những nơi thờ tự trên đất Nam Việt. Điều này thể hiện qua những bức tượng quân thần và lính gác lộ thiên được đặt hai bên bậc thềm dẫn từ gian khách của nhà đền xuống dưới mé nước dòng tam thuỷ. Những bức tượng này được điêu khắc và phối màu dựa trên nền tảng trang phục binh lính thời xưa. Thoạt nhìn sẽ tạo cho con người ta cảm giác như được bước vào một thế giới phong kiến đượm hồn, sống động. Hơn nữa, giữa vùng trời đất thênh thang rộng lớn, nơi hội tụ cảnh sắc thần thuỷ ảo kỳ, bức tượng Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư đứng trước mũi thuyền, một tay cầm sách, một tay ghìm gươm, ánh mắt trông theo giang sơn Đại Việt bên ba dòng sông đỏ nặng phù sa thực khiến cho con người ta phải cảm thấy kiêu hùng trước sự oai linh của bậc tiên tổ.
- Thầy Hữu, tôi đây.
Tiếng gọi thất thanh của nam nhân đương trên chiếc thuyền độc mộc ở mé bên sông chợt làm cho mấy người chúng tôi giật mình. Theo sau anh ta còn có hai con đò nhỏ, một con thuyền lớn. Thầy Hữu bắt gặp người này thì hồ hởi, liền vẫy tay ra dấu cho anh ta đi thuyền gần lại. Bấy giờ, tôi mới có dịp nhìn rõ nhân diện của người này, trông qua thì chỉ đoán độ chừng hơn ba mươi tuổi. Thân hình anh ta cao lớn dị thường, khuôn mặt tuy rằng góc cạnh như vẫn thấy được phần nào là đường nét của sự phúc hậu. Đặc biệt, ánh mắt của người này vô cùng hoạt bát, thoạt nhìn qua thì hoàn toàn có thể đoán biết được sự lanh lợi trong hành động. Thầy Hữu thấy anh ta tiến lại gần thì liền nói lớn:
- Mấy năm không gặp, cậu trông khá hơn trước nhiều rồi đấy.
Người đàn ông mau miệng:
- Thầy cứ nói quá, năm ấy nếu như không có thầy cứu giúp thì tôi đã bỏ mạng trên biên rồi.
Người đàn ông cười sảng khoái, anh ta lại tiếp:
- Thầy xem, những gì thầy cần tôi đều đã sắm đủ, ba cỗ quan tài cùng đồ vàng mã tôi đều sắp xếp ngay ngắn trong khoang giữa của thuyền lớn. Mọi thứ đều sẵn sàng, chỉ chờ lệnh thầy mà thôi.
Người này ngôn từ quảng giao, xem cách anh ta nói chuyện thì hình như bản thân đã từng mang ơn cứu mạng của thầy Hữu. Đoạn anh ta chỉ tay về phía mấy con đò nhỏ, miệng nói:
- Tôi đặc biệt nhờ vả hai tay chèo thuyền thượng hạng tới đây để giúp đỡ thầy, hy vọng họ sẽ đảm bảo được sự an toàn cho mấy người khi ra đến vùng hợp thuỷ.
Thầy Hữu nghe vậy thì liền lấy làm ưng thuận.
- Cậu thật cẩn thận quá, Hữu đây có tài cán gì mà lại được cậu trân trọng đến vậy. Nếu như qua được chuyến này, tôi hứa sẽ không để cậu phải chịu thiệt thòi.
Thầy Hữu nói rồi liền nhanh nhẹn bước lên chiếc thuyền lớn đang đậu bên mé phải của mép nước. Người đàn ông lạ mặt thấy vậy thì cũng nhanh nhẹn theo sau, hai người này trên thuyền nói cười rất sảng khoái. Chừng độ mươi phút, thầy Hữu một tay đỡ mã, một tay ôm hoa, nụ cười vẫn còn đương đọng lại trên khuân miệng móm mém. Thầy nói:
- Tử Thanh, cậu cùng mấy người giúp ta bày biện đàn lễ trước tượng đài của Tả Thánh Thái Sư, ta tranh thủ vào bên trong yết bái đương cảnh bản thần rồi sẽ trở lại.
Kỳ thực, một con người có cá tính bất phàm, nội tâm đặc biệt như Tử Thanh, ít ai sẽ nghĩ rằng cậu ta cũng là một tay khéo léo trong mấy việc như têm trầu, chọn hoa. Nhìn đàn lễ do Tử Thanh bày biện thật khiến cho con người ta phải say mê cái thứ hương sắc đượm vị trên những nhành hoa, cánh trầu. Xong xuôi đâu đấy, Tử Thanh cùng chúng tôi đứng gọn vào một bên. Bởi lẽ, nơi đặt tượng đài của Tả Thánh Thái Sư vốn là trên một mũi thuyền được làm bằng đất đá, tính từ nơi đặt tượng cho đến mũi thuyền thì không mấy rộng rãi về cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Tử Thanh châm ba nén nhang, cậu ta lẩm bẩm khấn vái một hồi, đoạn quay lưng nhìn về phía con nước vẫn đang cuồn cuộn. Ánh mắt nặng trĩu là bầu tâm sự mà bản thân đã đem theo trên khắp quãng đường từ Nam Định tới Bạch Hạc. Tử Thanh lúc bấy giờ ngân nga hát, lời ca nghe thật ý vị lắm:
- Bồng bềnh nhân thế kiếp âm dương, đùng đùng sóng cuộn nổi bên đường. Ta nghe ai nói về sinh tử, hỏi cửa hoàng tuyền có tương tư.
Tử Thanh ánh mắt trùng xuống, cậu ta nhìn vào dòng chảy mà im lặng hồi lâu. Bất giác, Tử Thanh quay sang tôi, miệng nói:
- Cậu cầm lấy tấm vải này, khi nào trăng tàn mây khuất thì hãn mở nó ra.
Bản thân tôi lúc ấy thật sự vô cùng hiếu kì, Tử Thanh càng lúc càng thần bí. Con người cậu ta quả thực khó đoán vô cùng.
- Thời khắc đã điểm, tất cả xuống thuyền lớn để chuẩn bị.
Thầy Hữu nói xong thì liền vội vã cùng người đàn ông lạ mặt xuống thuyền. Khi tất cả đã hội họp đủ trên khoang lớn, thầy Hữu mới bắt đầu lấy trong bọc vải ra mấy tầm bùa hình bát giác. Đoạn thầy Hữu cặn dặn:
-Ba cậu mỗi người một tấm, giựt tóc của mình rồi cuốn vào.
Chúng tôi cẩn trọng làm theo, duy nhất chỉ có anh Thuận là chần chừ, anh ta đánh mắt sang mấy cỗ quan tài ở kế bên, đoạn hỏi thầy Hữu:
- Thầy Hữu, thứ này để làm gì vậy?
Không gian bốn bề lúc đấy im lặng đến tột cùng, chúng tôi mấy người nhìn nhau thất thần chẳng ai nói điều gì. Duy chỉ có thầy Hữu cùng Tử Thanh là còn giữ được nét bình tĩnh, thầy Hữu trấn an:
- Ta định làm lễ nhập quan giả cho ba cậu để mấy người có thể thông linh được âm dương trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy rằng Tử Thanh có học được đạo pháp khai nhãn, nhưng điều này vẫn rất cần thiết. Bởi lẽ, thứ bùa thuật này không chỉ giúp ta thấu thị được âm phần, nó còn đặc biệt khiến cho bản thân ta cũng như những âm vong quỷ tướng có thể tương giao tác động lẫn nhau. Hiểu đơn giản là một vong linh khi công năng đủ mạnh thì hoàn toàn có thể hạ sát được mấy người các cậu.
Thầy Hữu trầm ngâm nhìn sang Tử Thanh, khuôn mặt có đôi chút nghi ngại, thầy Hữu thở dài, tiếng thở như muốn kéo cả bầu không gian xuống tới tận cùng nơi đáy vực. Tử Thanh nhìn chúng tôi mỉm cười, nụ cười này thực gượng gạo lắm. Hình như, có vài nét khắc khổ đương ẩn hiện đâu đó trong ánh mắt của cậu ta. Lại nói về thầy Hữu, khi chúng tôi đã lấy tóc cuốn kín tấm bùa, thầy Hữu liền lật đật di chuyển ra phía sau của con thuyền, đoạn chỉ vào mấy hình nộm giấy mà nói:
- Mỗi người chọn lấy một hình nhân rồi bỏ vào quan tài, tấm bùa phải đặt dưới đầu của hình nộm. Các cậu chịu khó cắn tay bứt máu, nhỏ vài giọt lên tứ chi của thứ này.
Chúng tôi theo lời của thầy Hữu mà làm, Tử Thanh liền bỏ hình nhân vào chiếc quan tài ở chính giữa, anh Thuận thì bên phải, còn tôi lại bên trái. Xong xuôi, thầy Hữu lấy ba bát nhang để vào trong từng chiếc quan một bát. Đoạn nói:
- Ba cậu mỗi người hai nén nhang, một nén cắm vào bát, nén còn lại thì giữ lấy.
Mọi thứ lúc này xem chừng thì đã được chuẩn bị một cách kĩ lưỡng, thầy Hữu lập tức ra dấu cho Tử Thanh. Hiểu ý, Tử Thanh nhanh nhẹn cầm lên hai chiếc la bàn từ trong tay nải của thầy Hữu, một chiếc có chữ tàu, một chiếc thì lại không hề thấy mũi kim. Cậu ta đặt hai chiếc la bàn vào trong lòng bàn tay, miệng lẩm bẩm mấy thứ phổn ngữ nghe hệt như đang thủ thỉ. Hiếu kì, tôi đưa mắt sang nhìn vào hai chiếc la bàn, kì lạ, một chiếc trên tay trái của Tử Thanh thì kim nam châm xoay vòng liên tục, chiếc còn lại thì thoạt bất ngờ vỡ tan mặt kính. Cả thầy Hữu cùng anh Thuận lúc bấy giờ cũng đều được chứng kiến cảnh tượng quái dị này.
- Thuận đâu, lấy thần kiếm chỉ vào kim la bàn đang quay!
Thầy Hữu quát lớn, giọng điệu nghe thực gấp gáp. Giật mình, anh Thuận lật đật mở hộp gỗ lấy kiếm, anh ta một tay dơ lên cao, một tay chỉ thẳng thần kiếm vào mặt của chiếc la bàn. Không gian lúc này như đương chậm lại, ai nấy cũng đều tập trung cao độ nhìn vào sự chuyển động của kim châm. Tiếng mòn rỉ trên sắt thép lâu ngày vang lên yếu ớt một hồi, chiếc kim định hướng dần dần chậm lại cho đến khi nó chỉ thẳng vào phương vị tây bắc, thầy Hữu thấy vậy thì cả kinh.
- Không ngờ nơi này đã từng có cao nhân ghé qua, việc dựng lên tượng đài Chiêu Văn Vương quả thực không hề đơn giản như những gì chúng ta thấy. Theo như chiếc la bàn này, cửa duy nhất trong vạn vong ở đây có thể phá được chính là cửa tây bắc. Và trùng hợp thay, tượng đài Chiêu Văn Vương cũng nhìn theo hướng đó. Như vậy há chẳng phải là sự chỉ điểm của cố nhân?
Cả thầy Hữu cùng Tử Thanh đều tỏ ra vô cùng tâm đắc với dữ kiện này, hai người họ hệt như đương tìm được một bí mật kinh thiên động địa vậy. Thầy Hữu bước ra mũi thuyền, đoạn lên gọi hai người đằng xa đi đò lại gần chiếc thuyền lớn. Thầy Hữu đưa cho họ mỗi người một cây kì lệnh ngũ sắc bản to, đoạn dặn dò rất kĩ:
- Hai người cầm cờ này đi đò theo hướng tay ta chỉ, tới dòng hợp thuỷ thì giữ nguyên vị trí, lát nữa dù có điều gì kinh hãi thì cũng phải vững tâm, không được hoảng loạn kẻo mang hoạ diệt thân. Hãy nhớ, tất cả chỉ là ảo ảnh mà thôi.
Chúng tôi lúc này đều đã tề tựu đầy đủ trước mũi thuyền lớn, thầy Hữu đốt lửa châm nhang, toàn thân hướng thẳng về phía tượng đài của Chiêu Văn Vương, khuôn mặt tỏ rõ là sự kính trọng đến muôn phần. Thầy Hữu hô:
- Họ Nguyễn con là Văn Hữu, tự Phúc Môn, nay dâng nhang mà thành tâm khấn vái chư vị linh thần tiên tổ Đại Việt. Họ Nguyễn con vì cơ duyên mà được biết đến quỷ trận vạn vong trên đất Bạch Hạc, lại từng nghe nơi đây linh khí đắc địa, thần nhân ngự về, quả thực không nên để cho những thứ như ma binh quỷ tướng nơi đất bắc xâm phạm. Nay Hữu con theo sự chỉ điểm của Tả Thánh Thái Sư, hộ pháp thần tướng hai bên là Lê Thạch và Hà Anh, được biết có ba người trần gian là tam niên xuất thế. Hữu con vì sinh lòng hiếu đạo, muốn được trả lại sự tôn nghiêm cho non sông Đại Việt, bản thân đã chủ động triệu tập ba người này lại. Hôm nay, xin được bố cáo với trời đất, kính mong chư vị chứng dám cho lòng thành của mấy người chúng con mà hiển linh ứng cứu.
Thầy Hữu vừa dứt lời thì lập tức chiếc thuyền của chúng tôi chao đảo dữ dội, sóng nước cuồn cuộn nổi lên trông thực kinh hồn. Chỉ trong chớp mắt, từng tầng mây đen đã chồng chéo lên nhau mà phủ kín cả bầu trời, cảnh sắc thực giống như một bức hoạ đồ hắc ám, lạnh lẽo. Thoạt, có cơn gió lớn thốc mạnh về phía chúng tôi, bụi cát mịt mùng làm mờ đi toàn bộ cảnh vật trước mắt. Tôi cố định thần trở lại, khi mọi thứ lúc này dần được hoạ hình một cách rõ nét, chính bản thân tôi cũng không thể nào giấu đi được sự kinh ngạc. Bấy giờ, chúng tôi đương đứng trên một con thuyền gỗ vô cùng đồ sộ, theo sau là ba chiếc thuyền nhỏ có cùng một thiết kế. Đặc biệt, trên mỗi chiếc thuyền này đều có sự hoạt động của nhân mạng, tất thẩy bọn họ đều mang trên mình là giáp phục nhìn hệt như quân lính của các triều đại phong kiến. Tôi đánh mắt sang anh Thuận, nét mặt anh ta lúc này cũng không khác gì tôi là mấy, thoạt nhìn qua là hoàn toàn bắt được cái sự rối ren trong suy nghĩ. Đúng lúc ấy, thầy Hữu hô lên:
- Chúng ta đã bước vào ảo ảnh của âm phần, tất cả phải cẩn thận, những thứ ở đây tuy rằng hư thực bất phân nhưng lại hoàn toàn có thể tác động được vào thực thể của con người.
Tôi tiếp tục quan sát xung quanh, cảnh sắc Bạch Hạc bấy giờ đã có sự thay đổi một cách rõ rệt, bốn bề rộng khắp ra muôn phương, sóng nước mênh mông trùng điệp đến quá cả tầm mắt. Quả thực là một ảo cảnh vô cùng ngoạn mục. Phía trước, hình như có mấy người đương đi thuyền độc mộc, họ mặc kim giáp trông thực khác biệt, trang phục này được ghép lại từ nhiều những miếng sắt nhỏ hình vuông, hai bên bả vai được kéo dài thành hình tam giác đủ để che phủ hết tất thẩy những điểm trọng yếu từ cổ trở xuống. Mấy người này đầu đội nón sắt, đỉnh nón có một thanh kim loại dài được vuốt nhọn trông hệt như đầu thương. Họ di chuyển đến cách thuyền chúng tôi chừng vài mét, sơ qua cũng phải đến độ hai chục nhân mạng.
- Nguyên triều hiệu sứ thuỷ quân vạn hộ phủ, trấn cổng tây bắc vạn vong Ngột Lang Sứ. Kẻ nào trên thuyền muốn đến phá trận thì mau bước ra xưng danh.
Kẻ lớn giọng vừa rồi nhân diện trông thực quái gở, hai bên gò má của hắn nổi cao, ánh mắt nặng trĩu là những hằn học không nguôi. Thầy Hữu nghe được lời kích tướng này thì cũng lấy làm ấm ức lắm, đoạn gọi anh Thuận lại gần:
- Tam niên xuất thế, Thuận nhi bước lên nghe phong. Nay chuẩn theo sắc lệnh của Chiêu Văn Vương mà tấn phong cho Thuận nhi làm Thuỷ Quân Đại Trương Quân, hai bên tả Hữu có nhị vị huynh đệ Tử Thanh, Ngọc Quang theo sau tương trợ. Lập tức chỉ huy đại binh tiến lên nghênh địch.
Bốn bề lúc này cuồng phong nổi lên, tiếng trống dồn dập vang lên đến tận trời xanh nghe thực kiêu hùng. Nhân mã trên thuyền ai nấy cũng hò reo khích lệ chủ tướng, đây hoàn toàn không phải những điều dễ thấy trong cuộc đời, dẫu chỉ là một thứ ảo cảnh, nhưng những gì mà tai nghe mắt thấy lại chân thực đến vô cùng. Anh Thuận cầm kiếm đứng ra mũi thuyền, miệng quát lớn xuống phía dưới:
- Ta người Hải Dương, tên Thuận, kẻ dưới kia có bản lãnh thì lên đây.
Tên tướng triều Nguyên nghe thế thì đùng đùng chửi bới, hắn ta dồn sức đạp chân xuống mặt thuyền mà nhảy lên chỗ chúng tôi. Thân thủ hết sức kinh ngạc, tên này tuy rằng lực lưỡng nhưng sự nhanh nhẹn của hắn ta thì thực không thể xem thường. Anh Thuận dơ kiếm ngang ngực mà lao tới, chiêu thức này phải chăng là muốn đoạt mạng tên tướng Nguyên? Việc này thật khó đoán định. Tên tướng Nguyên thấy đối phương ra đòn hiểm hóc thì liền thu mình mà nhảy sang một bên, hắn ta rút đao bên sườn chém xuống phía sau lưng của anh Thuận. Bất giác, anh Thuận ngã hẳn người xuống, thì ra anh ta đã biết trước điều này nên mới cố tình buông sức hạ thân. Kế đó, anh Thuận liền vung kiếm quét ngang tầm mắt cá chân của tên tướng Nguyên. Tên này cũng chẳng phải một tay vừa, hắn ta lần lượt nhấc hai chân lên để tránh đòn, chỉ trong chớp mắt mà chiêu thức đã ngưng lại. Anh Thuận bật dậy, anh ta lùi lại phía sau dồn sức rồi bất ngờ choãi người vung kiếm ra trước. Tên tướng Nguyên khéo léo vô cùng, hắn đứng rộng chân, người ngả hẳn ra phía sau, tên này căn đúng khi mũi kiếm của anh Thuận đâm tới thì liền xoay mình trên không mà né đi. Chiêu thức của hắn không chỉ dừng lại ở mức đơn giản như vậy, khi thực hiện cú xoay vòng, hắn còn nhanh nhẹn cầm đao chém lên ngang người anh Thuận, nhét chém đó tuy rằng không sâu nhưng cũng đủ khiến cho anh Thuận phải thất thế. Bấy giờ, xung quanh tiếng trống giục giã ngày một nhanh dần, ba quân reo hò vang dội khắp cả một vùng trời, chỉ nghe thôi cũng đủ làm cho con người ta phải cảm thấy kinh hồn. Chợt, Tử Thanh lao lên, anh ta tay không tiến tới tung quyền nhắm thẳng vào ngực của tên tướng Nguyên. Anh Thuận thấy thời cơ đã điểm thì cũng xông thẳng tới, trước sau tương trợ rất nhuần nhuyễn. Dẫu vậy, tên tướng giặc này thân thủ lại hơn người, hắn ta né đòn của anh Thuận, một tay cầm đao đâm thẳng vào bụng của Tử Thanh, máu tươi đỏ lòm chảy xuống. Cậu ta gục ngay trên sàn gỗ của thuyền lớn, tình thế vô cùng hỗn loạn. Tên giặc bắc đắc chí nhìn Tử Thanh cười lớn ra bộ hả hê lắm, anh Thuận lợi dụng khi hắn ta đương không để ý thì liền một kiếm từ phía sau vung lên, tên tướng Nguyên vì bất ngờ nên liền quay đi nhưng không kịp, thần kiếm lúc này đã đâm ngập quá ổ bụng, hắn ta lảo đảo một hồi rồi ngã xuống đất. Toàn thân chảy thành đống bày nhày đen đặc. Thấy sự đã yên, anh Thuận vội vã tiến đến cầm máu giúp Tử Thanh. Bất ngờ, trên trời nổ ba tiếng sấm vô cùng mãnh liệt, bốn bề quang mây tạnh gió, ngũ sắc hào quang toả sáng chói lọi trên đỉnh đầu, chỉ nghe trong không trung có tiếng người nói vọng lại.
- Đệ Tam Quan lớn ngang đây, gặp phen hắc đạo che mây phủ trời. Ra tay diệt giặc giúp đời, mạch long cuồn cuồn đời đời phồn vinh.
Mọi thứ ảo ảnh thoạt nhiên biến mất, chúng tôi trở lại cảnh sắc trên con thuyền gỗ lớn đương lênh đênh giữa dòng. Hai bên bờ sông, cỏ cây đua nhau toả hương khoe sắc, tất thẩy đều tươi tốt đến lạ kì. Thứ không khí nơi này vô tình trở nên sảng khoái, chỉ cần hít một hơi thật dài, cảm giác sẽ như được bổ sung thêm một luồng sinh khí cuồn cuộn. Lại nói về Tử Thanh, cậu ta thần sắc nhợt nhạt, toàn thân dựa vào bên mạn thuyền, ánh mắt phóng về nơi muôn ngàn vạn dặm, trông cậu ta lúc này thì thật không giống con người của thường nhật, có nét gì đó buồn lắm trên khuôn mặt của cậu ta thì phải. Hoạ chăng, giữa những câu chuyện tâm linh kì bí, giữa những dòng nước lên xuống tựa hồ như lòng người, có điều gì khiến cho cậu ta phải nặng lòng hay sao? Thầy Hữu lúc này mới cất tiếng:
- Vạn vong đã mất cửa tây bắc, việc hoá giải này coi như xong, quỷ khí sẽ tự động tan dần, long mạch nơi đây nội trong vài năm nữa sẽ thịnh phát trở lại. Duy chỉ có điều…
Thầy Hữu ngập ngừng, Tử Thanh liền quay sang nhìn từng người chúng tôi rồi cười nhạt. Bấy giờ, ngay sát mạn thuyền, thoạt nhiên xuất hiện một xoáy nước vô cùng lớn, chúng tôi đang bận tâm quan sát điều này thì bất ngờ Tử Thanh liền trèo qua mạn thuyền, cậu ta chẳng nói một lời, cũng không ai biết rằng cậu ta muốn làm gì. Đoạn Tử Thanh bỏ hai tay khỏi mạn thuyền, cậu ta vội vã buông mình theo dòng nước đang dữ tợn, tất cả từ đầu chí cuối chỉ xảy ra trong vòng chớp mắt. Anh Thuận thấy thế thì toan lao theo, người đàn ông lạ mặt từ trong khoang thuyền vội vã chạy ra gàn lại:
- Mùa này nước đang lên, xoáy nước lại lớn như vậy, cậu nhảy xuống chẳng khác nào tự đưa mình vào chỗ chết.
Anh Thuận trong cơn hoảng loạn thì liền hét lớn:
- Chẳng lẽ để cậu ta chết sao? Thầy Hữu, như này là như nào?
Khuôn mặt thầy Hữu lúc đó lạnh tanh, ánh mắt vô hồn nhìn xuống con nước mà đẫm lệ. Thầy Hữu đứng đó, giữa trời đất bao la, giữa cuộc đời của một con người đã đi đến quá nửa, hình như, có phần nào đó xúc cảm đang trì trệ, đang đau xót, đang khổ ải với những gì mà bản thân vừa được chứng kiến.
- Còn nhớ lúc ở Bảo Lộc, trong số những con hình nhân thế mạng mà ta đã dùng để cúng tiến nhằm giải trừ tai ách cho các cậu thì có thiếu đi một con. Chính Tử Thanh hình như đã cố tình tạo nên thiếu xót này, bản thân cậu ta khi lên quẻ bói ở Nam Định đã đoán biết được rằng ngày hôm nay cậu ta phải chết. Và cái chết này có lẽ là để bảo toàn tánh mạng cho tất thẩy chúng ta. Việc chúng ta đại phá vong trận, đánh tan hồn phách của quỷ tướng, dù là điều nhân nghĩa hay sai trái thì cũng đã tạo nên một nghiệp sát nhất định cho chính bản thân. Xưa nay đối với các vong linh, khi đến một thời điểm nhất định, hồn phách đều phải quy về thập điện diêm la để được luận công định tội, kẻ tốt thì được luân hồi, kẻ xấu thì bị đẩy vào cửa ải để tiếp tục tu tập. Nay ta đánh tan hồn phách của quỷ tướng, hành động thực chẳng khác nào huỷ hoại cơ hội siêu sinh của hắn. Nếu như xét theo đúng nghiệp quả nhân gian, một trong chúng tất phải gánh hoạ sát thân. Dẫu rằng đã làm lễ giải trừ nhưng bốn cái hoạ nhẹ ắt phải bằng một cái hoạ lớn. Tử Thanh vì biết được điều này nên đã lấy thân mình để đền tội cho tất cả. Cậu ta lục thân không còn, hiếu sinh hiếu đạo lại một lòng hết mực mà cứu dân độ thế, chỉ mong ở nơi chín suối sẽ được yên nghỉ.
Tất cả chúng tôi đều yên lặng, giữa cái cảnh sắc thiên nhiên sóng nước hùng vĩ, giữa bầu trời xa cách đến vạn phương, lòng ai nấy cũng nặng trĩu, chẳng một nhãn quan nào thu về được sự thi vị trong cảnh vật. Giờ đây, có một chút kì lạ đang dâng lên trong lòng, có một thứ sâu sắc đang xé nát tâm can…
Một năm sau khi Tử Thanh mất, cô Trà và anh Đoan đã chính thức bình phục hoàn toàn, chúng tôi sau đó dần mất liên lạc với thầy Hữu. Cho đến một ngày, mẹ con tôi nhận được một bưu kiện từ Nghệ Tĩnh gửi ra, ở đó có một bức thư tay có đề tên Văn Hữu cùng hai cuốn sách đã cũ. Đại loại, thầy Hữu không hề thấy nhắc đến nơi chốn cụ thể, bản thân chỉ nói sơ qua rằng hiện tại đương vui thú điền viên ở một vùng quê trên đất Nghệ, tránh xa thời kì mạt pháp vô đạo. Thầy Hữu còn gửi kèm cho tôi hai cuốn sách, một cuốn có tên là “An Nam lược đồ tự”, một cuốn thì mất hoàn toàn bìa sách, trang đầu có bút tích của thầy Hữu. Thầy viết:
- Đây là nhật kí của tôi trong suốt những năm tháng mà bản thân đã đồng hành cùng với âm phần và dương thế, nay trao lại cho người có thể đem nó mà biến trở thành một tuyệt phẩm li kì.
-Hết phần 2-
--
Nghiệp Âm phần 2 như vậy đã kết thúc, cảm ơn quý bạn đọc trong suốt quãng thời gian vừa rồi đã sát cánh cùng họ Nguyễn tôi. Hy vọng câu chuyện này sẽ cho quý bạn hiểu thêm về cuộc sống, về nhân sinh, về lịch sử và tâm linh ảo bí. Chắc chắn, giữa dòng đời này, tôi tin rằng sẽ có ngày chúng ta hiểu được cái gì gọi là duyên nghiệp.
Hẹn gặp lại quý vị trong những tác phẩm tiếp theo của Ngọc Quang.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT