Ông Trần là một trong những người vây quanh cái máy ghi âm để nghe vợ của vị lãnh đạo tỉnh kể câu chuyện của bà. Sau đó, ông bảo tôi rằng ông không ngạc nhiên trước câu chuyện đó. Nhiều người đàn ông theo cách mạng đã bỏ lại vợ con để đi theo Đảng. Khi họ lên những vị trí cao hơn, Đảng sẽ lấy cho họ người vợ mới vì vợ cũ của họ đang bị kẹt trong vùng bị địch chiếm đóng.
Phần lớn những người vợ mới là các sinh viên nhiệt thành tin vào Đảng Cộng Sản và tôn sùng những người đàn ông mang súng là thành viên của Đảng. Nhiều người trong số họ xuất thân từ gia đình giàu có; tất cả đều là những thiếu nữ được ăn học tử tế. Lẽ ra họ không nên khác hơn so với những người vợ đầu, vốn hầu hết là nông dân. Sự thanh nhã của các cô gái kích thích tính hám của lạ của các sĩ quan, đồng thời nền tảng giáo dục của họ khiến họ trở thành những giáo viên và tham mưu tốt.
Vào năm 1950, sau khi Đảng Cộng Sản nắm quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ Trung Quốc, chính phủ mới phải đối mặt với vấn đề là phải xử lý ra sao đối với vợ đầu của các lãnh đạo. Vợ đầu của nhiều người đã trở thành quan chức cấp cao giờ tìm về Bắc Kinh dắt díu theo lũ con, hy vọng tìm được chồng. Chính phủ đã đề cao giải phóng phụ nữ, quyền bình đẳng giới và chế độ hôn nhân một vợ một chồng, thế nên chuyện đó gây ra một tình trạng khó xử. Các quan chức đã lập gia đình mới với những người vợ mới: ai phải ra đi và ai sẽ ở lại? Không thể quyết định dựa trên luật nào cả.
Cho đến khi nào gia đình nào có lợi cho sự nghiệp và địa vị của họ trong xã hội, lựa chọn hết sức hiển nhiên. Tuy nhiên, những người đàn ông đó lại không thể nói một lời trước mặt các bà vợ đầu, những người đã phải gánh chịu bao năm tháng khó khăn vì họ. Những người đàn bà thất học đó, một chữ bẻ đôi không biết, chỉ hiểu mỗi một điều: họ thuộc về người đàn ông đã nhấc tấm mạng che mặt của họ lên và biến họ từ một thiếu nữ trở thành một người vợ.
Cuối cùng, chính phủ thảo một văn kiện thừa nhận địa vị chính trị của những người phụ nữ đó. Họ được cấp cho một số quyền lợi chính trị đặc biệt và nguồn kinh phí đảm bảo cho họ sinh sống suốt đời. Tuân thủ những mệnh lệnh mà họ hầu như chẳng hiểu, những người phụ nữ đó trả về làng cùng với lũ con, những đứa con lớn đầy phẫn nộ với cả cha lẫn mẹ.
Dân làng không dám chỉ trích hay chế nhạo những người phụ nữ bị bỏ rơi đó vì họ được chính quyền bảo vệ. Tuy nhiên, rất ít người trong số những người phụ nữ đơn giản, chất phác đó sử dụng địa vị đặc biệt hay đặc quyền của họ để tìm cách sống dễ dàng hơn. Họ chỉ nhận trợ cấp từ chính phủ - một khoản tiền nhỏ, hầu như chẳng tăng chút nào do lạm phát - và nuôi nấng lũ con một mình. Rất ít người trong số họ tái hôn.
Ông Trần bảo rằng một trong số những người phụ nữ đó đã nói với ông, “Ai lại đi xát muối vào vết thương của mình bằng việc sử dụng các đặc quyền chứ? Mọi người sẽ chỉ nói về chồng tôi, khiến tôi càng nhớ tới ông ta hơn thôi.”
Sau này tôi khám phá ra rằng, giống như người phụ nữ đã gọi điện tới chương trình của tôi, nhiều người vợ mới cũng không hạnh phúc trong hôn nhân: liệu khi biết điều đó những người vợ đầu có cảm thấy được an ủi không? Giống như người gọi nặc danh đó, nhiều người vợ mới bị ghép đôi với người chồng mà họ chẳng biết chút gì về anh ta cả. Trình độ học thức, văn hóa, vẻ thanh nhã và chủ nghĩa lãng mạn theo kiểu Phương Tây mà họ học cách cảm nhận trong các trường học tiến bộ lúc đầu còn hấp dẫn các ông chồng, nhưng cuối cùng lại không thể chấp nhận được. Chồng họ trưởng thành trên cánh đồng và giữa sự tàn bạo của chiến tranh. Cha ông họ dạy rằng đàn bà cần phải được kiểm soát và khóa lại. Cái hố ngăn giữa những mong đợi của người chồng và của người vợ thu hẹp lại nhờ sự phục tùng của người vợ, nhưng rồi người chồng sẽ sớm thấy chán và bắt đầu xem vợ chỉ như công cụ của mình mà thôi.
Khi đi thăm bố mẹ vào một dịp cuối tuần, tôi nói với mẹ rằng tôi thấy thật khó phân biệt một cuộc hôn nhân trơ lì không tình cảm với cuộc sống trong tù. Mẹ tôi nhẹ nhàng đáp, “Có bao nhiêu phụ nữ trên đất nước Trung Quốc này lấy chồng vì tình yêu?” Khi tôi hỏi tại sao bà lại nói như vậy, bà tìm cớ rời khỏi phòng. Tôi biết hầu như ngày nào mẹ cũng nghe chương trình của tôi trên sóng phát thanh, nhưng mẹ con tôi hiếm khi nói về cảm giác của mình. Suốt cuộc đời, tôi khao khát được bà ôm vào lòng: bà chưa bao giờ ôm hôn tôi khi tôi còn nhỏ; khi tôi trưởng thành, bất kỳ một biểu hiện tình cảm thắm thiết nào giữa chúng tôi cũng đều bị ngăn cản bởi sự dè dặt truyền thống của người Trung Quốc.
Trong khoảng từ năm 1945 đến năm 1985 (khi việc đi lại khắp đất nước lại được cho phép) nhiều gia đình Trung Quốc đã bị chia cắt. Chúng tôi cũng không ngoại lệ và tôi có rất ít thời gian sống bên bố mẹ. Tôi rất muốn hiểu mẹ mình nhiều hơn, người phụ nữ đã cho tôi cuộc sống, người đã đặt ra trong tôi biết bao câu hỏi về phụ nữ. Sự tự tin ngày càng lớn lên khi làm nhà báo đã giúp tôi bắt đầu chắp các mảnh chuyện đời bà lại với nhau.
Mẹ tôi xuất thân trong một gia đình tư sản lớn ở Nam Kinh, một thành phố tấp nập nhưng lại thanh bình và hòa hợp, khác hẳn với Bắc Kinh chính trị, Thượng Hải thương mại và Quảng Châu xô bồ. Tôn Dật Tiên, người sáng lập ra Trung Quốc hiện đại lựa chọn Nam Kinh là nơi an nghỉ cuối cùng và Quốc Dân Đảng cũng từng đặt thủ đô của họ ở nơi này.
Nằm trên bờ sông Dương Tử ở phía Đông Nam Trung Quốc, bên cạnh dãy Tử Kim Sơn hùng vĩ, Nam Kinh là một thành phố nhiều hồ và những vùng xanh tươi. Những đại lộ rợp bóng mát trồng cây hai bên chạy đi mọi hướng, những cung điện lịch sử, những bức tường thành cùng những công trình xây dựng hiện đại ven sông phô bày sự giàu có của di sản văn hóa Nam Kinh. Người Trung Quốc nói rằng non nước đất đai tạo nên con người mỗi xứ sở; từ những điều biết được về gia đình bên ngoại, tôi tin câu nói đó là đúng.
Gia đình bên ngoại nhà tôi từng sở hữu một tài sản khổng lồ ở Nam Kinh: mọi thứ nằm ở phía Nam đường ranh kéo dài từ cửa Tây thành Nam Kinh tới trung tâm thành phố cách phía Đông thành gần ba cây số đều thuộc sở hữu của họ. Ông ngoại tôi là chủ soái ngành công nghiệp gai dầu ở ba tỉnh: Giang Tô, Chiết Giang, và An Huy, đồng thời sở hữu một loạt nhà máy. Ở miền Nam phồn thịnh của Trung Quốc, tàu thủy là phương tiện giao thông quan trọng nhất. Ông sản xuất mọi thứ từ vải dầu cho tàu chiến tới cáp neo cho các thuyền đánh cá loại nhỏ.
Dù không được ăn học nhiều, ông ngoại tôi vẫn là một doanh nhân và nhà quản lý rất giỏi. Tuy thế, ông nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa và giáo dục nên đã cho cả bảy người con của mình đi học ở những trường tốt nhất, và tự mình lập ra một trường học ở Nam Kinh. Dù đó là thời đại mà người ta vẫn còn tư tưởng không có tài năng chính là cái đức của người phụ nữ vậy, song các con gái của ông vẫn được học hành hoàn thiện.
Qua các cô dì chú bác, tôi được biết rằng nhà ông ngoại tôi đề ra những quy tắc nghiêm nhặt. Trong bữa ăn, nếu có ai ăn uống gây tiếng động, bỏ bàn tay trái khỏi bát cơm hay vi phạm một quy tắc nào khác, ông ngoại tôi sẽ đặt đũa xuống và bỏ đi. Không ai được phép tiếp tục ăn sau đó; họ phải nhịn đói cho tới bữa sau.
Sau khi chính quyền mới được thành lập năm 1949, ông ngoại tôi phải giao tài sản cho nhà nước để bảo vệ gia đình. Có lẽ rằng, để nổi loạn với sự dạy dỗ hà khắc của ông, các con ông đều tích cực tham gia vào phong trào cách mạng của Đảng Cộng Sản, chống lại các nhà tư bản như cha mình.
Ông ngoại tôi chia tài sản khổng lồ của mình hiến cho chính phủ làm ba đợt: năm 1950, 1959, và 1963 - nhưng sự hy sinh này không bảo vệ được ông. Vào giai đoạn đầu của Cách Mạng Văn Hóa, ông đã bị chọn ra để đưa đi đấu tố bởi vì ông đã từng được hai kẻ tử thù của Mao Trạch Đông ca ngợi. Người thứ nhất là Tưởng Giới Thạch, Tưởng đã hết lời khen ngợi ông ngoại tôi bởi ông đã làm việc để phát triển nền công nghiệp của đất nước trước sự xâm lăng của Nhật Bản. Người thứ hai từng là bạn nối khô của Mao, Lưu Thiếu Kỳ, tuyên dương ông tôi vì đã tặng cho đất nước một tài sản lớn. Tưởng đã bị đuổi khỏi Trung Quốc sang Đài Loan, còn Lưu đã bị bỏ tù sau khi bị thất sủng.
Ông ngoại tôi đã ngoài bảy mươi khi bị tống giam. Ông sống sót qua thử thách đó với một ý chí khủng khiếp. Hồng Vệ Binh nhổ nước bọt và hỉ mũi vào xuất ăn tồi tàn và thứ trà nhạt nhẽo mà họ mang cho tù nhân. Một ông già ở cùng phòng giam với ông tôi đã chết vì đau khổ, giận dữ và tủi nhục vì cách đối xử này, nhưng ông tôi vẫn giữ nụ cười trên mặt. Ông hớt chỗ nước nhầy và nước bọt đi rồi ăn hết tất cả những gì có thể ăn được. Đám Hồng Vệ Binh dần dần cảm thấy nể phục ông, thậm chí còn đưa đến cho ông xuất ăn tốt hơn những người khác một chút.
Khi ông tôi ra tù vào cuối thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, một người bạn ở chung phòng giam mời ông đi ăn đặc sản Nam Kinh - vịt xát muối, để chúc mừng. Khi món ăn ngon lành được dọn ra bàn, người bạn của ông đã đột quy và chết vì xuất huyết não do phấn khích quá độ.
Ông ngoại tôi không tỏ ra vui vì được tự do hay đau khổ trước cái chết của những người bạn và sự mất mát của gia đình cũng như của cải; cảm xúc của ông dường như vĩnh viễn câm lặng. Chỉ khi ông cho phép tôi đọc nhật ký của ông khi tôi về Trung Quốc chơi tháng Ba năm 2000, tôi mới nhận ra rằng ông chưa bao giờ thôi cảm nghĩ trước những thăng trầm của thời đại. Những trải nghiệm và hiểu biết của ông về cuộc đời đã khiến ông cảm thấy không thể bộc lộ bản thân mình thông qua phương tiện truyền đạt nông cạn là lời nói, nhưng, dù tình cảm trong những trang nhật ký đó không bao giờ công khai, những cảm xúc tận đáy lòng của ông vẫn nằm trong đó.
Mẹ tôi tham gia Đoàn Thanh Niên Cộng Sản năm mười bốn tuổi, sau đó nhập ngũ rồi vào Đảng năm mười sáu. Trước đó, bà đã có chút tiếng tăm ở Nam Kinh vì những thành tựu trong học tập và tài múa hát. Trong quân đội, bà vẫn tiếp tục tỏa sáng. Bà đứng đầu lớp về rèn luyện cũng như thi cử, và luôn đứng đầu bảng trong những cuộc thi của quân đội diễn ra trong cả nước. Thông minh và xinh đẹp, bà được nhiều nhân vật trong Đảng cũng như quân đội theo đuổi, họ luôn tranh nhau để được cầm tay bà khi nhảy. Nhiều năm sau, mẹ tôi bảo bà đã cảm thấy mình như cô bé Lọ Lem xỏ vừa như in chiếc giày thủy tinh của cách mạng, thứ thỏa mãn mọi giấc mơ của bà. Tắm trong màn sương mù của sự thành công, mẹ tôi không biết được rằng thành phần gia đình sẽ ám bà như thế nào.
Vào đầu những năm 1950, quân đội tiến hành cuộc thanh lọc nội bộ đầu tiên theo kiểu Stalin. Mẹ tôi bị giáng xuống giai cấp “Đen” là con cháu tư sản và bị đẩy ra khỏi hàng ngũ những người cách mạng cao nhất. Bà bị chuyển đến làm việc trong một nhà máy của quân đội, ở đó bà hợp tác với các chuyên gia Đông Đức sản xuất thành công một chiếc máy công cụ dùng để chế tạo trang thiết bị quân sự. Khi người ta tới chụp một chùm ảnh để đánh dấu thành tựu này, mẹ tôi được thông báo rằng bà không thể đứng hàng đầu do thành phần gia đình, nên bà bị đẩy xuống hàng sau.
Trong thời gian Trung - Xô chia rẽ, mẹ tôi trở thành đối tượng bị thẩm tra đặc biệt. Thành phần gia đình tư sản của bà là cái cớ để người ta kiểm tra sự trung thành của bà đối với Đảng. Cho tới chặng cuối của Cách Mạng Văn Hóa, bà đã lãnh đạo một nhóm kỹ sư nhỏ thiết kế một công cụ làm tăng hiệu quả sản xuất lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, bà lại không được công nhận là người thực hiện công việc đó. Bà bị từ chối không được phong là Kỹ Sư Trưởng bởi vì người ta cho rằng một người có xuất thân như bà không thể thực sự trung thành với Đảng.
Hơn ba mươi năm, mẹ tôi đấu tranh để được đối xử và thừa nhận giống như các đồng nghiệp có năng lực tương đương với bà, nhưng hầu như lần nào bà cũng thất bại. Không gì có thể thay đổi thực tế rằng bà là con gái một nhà tư bản.
Một người bạn của gia đình có lần kể với tôi, bằng chứng rõ ràng nhất về tính cách mạnh mẽ của mẹ tôi là quyết định lấy cha tôi. Khi cha mẹ tôi lấy nhau, cha tôi là giảng viên được đánh giá cao trong một học viện quân đội; ông là thầy dạy mẹ tôi, được nhiều sinh viên nữ ngưỡng mộ. Dù mẹ tôi được nhiều giảng viên theo đuổi nhưng bà lại chọn cha tôi, một người không đẹp trai, nhưng tài giỏi nhất trong số họ. Các đồng nghiệp của mẹ tôi tin rằng bà không lấy ông vì tình yêu, mà để chứng minh giá trị của mình.
Trí tuệ của cha tôi có vẻ như thực sự là lý do bí mật để mẹ tôi lấy ông. Mỗi khi nói về ông, mẹ sẽ luôn nói ông thông minh khủng khiếp như thế nào; ông là chuyên gia cấp nhà nước về lĩnh vực cơ khí và máy tính, lại nói được mấy ngoại ngữ. Bà không bao giờ mô tả ông như một người chồng tốt hay một người cha tốt. Đối với anh trai tôi và tôi, thật khó lòng gắn kết cách nhìn của mẹ tôi về cha với người đàn ông ngơ ngơ ngẩn ngẩn mà chúng tôi hi hữu lắm mới gặp khi còn nhỏ và gọi là Chú.
Có vô số chuyện minh họa cho sự đãng trí của cha tôi; nhiều chuyện tạo thành những giai thoại hài hước khi nhớ lại. Trong bữa ăn của các sĩ quan, có lần ông kẹp chiếc đĩa bẩn dưới cánh tay, rồi mang một quyển từ điển to đùng ra vòi nước rửa trước con mắt kinh ngạc của các đồng nghiệp. Một lần khác, đang đọc một cuốn sách, ông bước vào căn hộ của một gia đình khác qua cánh cửa để mở, nằm xuống sôpha và ngủ khò khò. Gia đình kia lúng túng không dám đánh thức ông dậy.
Để chứng minh rằng ông cũng giỏi giang trong thực hành, và trong các kỹ năng đời thường như mẹ tôi, cha tôi đã cố nấu một bữa ăn. Ông mua một bộ cân, tổng cộng có hai mươi quả cân, nhờ đó ông có thể theo các công thức nấu ăn một cách chính xác. Trong khi ông cẩn thận cân muối thì dầu ăn trong chảo đã bốc cháy bừng bừng. Mẹ tôi kể rằng một hôm ông hớt hải chạy qua đám đông trên Quảng Trường Thiên An Môn đến gặp bà bên Đài Tưởng Niệm Cách Mạng Nhân Dân. Ông hớn hở bảo bà rằng đơn vị vừa phân cho ông hai chai dầu mè. Chỉ khi ông giơ hai tay lên để cho bà thấy dầu thì ông mới nhận ra rằng cái chai đã vỡ trong khi ông chạy tới đó và cái ông đang nắm khư khư trong tay chỉ là hai miệng chai.
Lòng thông cảm thường bị lẫn lộn với tình yêu, khiến người ta mắc kẹt trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc kết hôn trong khoảng những năm 1950 - 1980 bị sa vào chiếc bẫy này. Bị đày đọa bởi những phong trào chính trị và sự khổ sở về vật chất, cảm thấy sức ép của truyền thống, nhiều đàn ông và phụ nữ lấy nhau vì sự đồng cảm và có lẽ cả vì ham muốn, chứ không phải vì tình yêu. Chỉ sau đám cưới họ mới khám phá ra rằng cái khiến họ thương nhau cuối cùng lại đẩy họ rời xa nhau, khiến gia đình họ sống trơ lì về tình cảm.
Cha mẹ tôi có chung nguồn gốc tư sản “Đen” - ông bà nội tôi làm việc cho công ty GEC của Anh ở Thượng Hải suốt ba mươi lăm năm - vì thế sự thương cảm lẫn nhau hẳn phải đóng vai trò nào đó trong cuộc hôn nhân của họ. Tôi nghĩ, năm tháng qua đi, họ mới dần dần phụ thuộc vào nhau và cảm thấy quý mến nhau. Họ có yêu nhau không? Họ có hạnh phúc không? Tôi chưa bao giờ dám hỏi, ngại khuấy đảo ký ức về những năm tháng không hạnh phúc của họ, những ký ức về những cuộc chia ly bị ép buộc, cảnh tù đày và gia đình ly tán.
Tôi được gửi đến sống với bà nội khi mới một tháng tuổi. Tính tất cả tôi chỉ sống với mẹ chưa đầy ba năm. Tôi không thể nhớ nổi có ngày sinh nhật nào mà cả gia đình được quây quần bên nhau không.
Mỗi lần nghe thấy tiếng còi tàu tôi lại nghĩ tới mẹ. Âm thanh chói tai rít lên một hồi dài ập vào tai tôi nghe như tuyệt vọng rồi hy vọng, gợi tôi nhớ tới một ngày hồi tôi lên năm. Bà tôi đưa tôi tới nhà ga Bắc Kinh, và nắm tay tôi khi hai bà cháu đứng ở sân ga. Nhà ga không hề đông như bây giờ, nó cũng không có nhiều thứ làm sao lãng thị giác như biển hiệu và các loại quảng cáo. Không biết lý do tại sao bà và mình lại có mặt ở đó, tất cả những gì tôi còn nhớ là chúng tôi chờ đợi lặng lẽ trong khi tôi nghịch những ngón tay cứng ngắc của bà, cố gập chúng lại với nhau giống như múi của chiếc bánh bao.
Một hồi còi kéo dài thê lương dường như đẩy chiếc tàu rất dài tới sát bên bà cháu tôi. Khi con tàu lách cách dừng lại, nó kêu phì phì, dường như mệt mỏi vì phải chở quá nhiều người đi xa đến thế, nhanh đến thế.
Một người phụ nữ xinh đẹp bước về phía chúng tôi, chiếc vali trong tay bà lắc lư theo nhịp bước; mọi thứ trôi qua như trong một giấc mơ. Bà tôi cầm tay tôi và chỉ vào người đàn bà, bảo, “Mẹ con đấy. Gọi Mẹ đi!”
“Cô,” tôi thốt lên, gọi người thiếu phụ xinh đẹp đó giống như gọi bất kỳ người phụ nữ nào khác.
"Đây là mẹ con, gọi Mẹ chứ, không phải Cô, bà tôi nói, ngượng ngùng.
Mắt tròn xoe và im lặng, tôi nhìn người phụ nữ đó chăm chăm. Đôi mắt bà ngấn lệ, nhưng bà cố gượng một nụ cười buồn bã, mệt mỏi. Bà tôi không ép tôi nữa; hai người đàn bà đứng trân trân.
Ký ức đặc biệt đó đã ám ảnh tôi suốt. Tôi cảm nhận tới tận cùng nỗi đau đó sau khi chính tôi trở thành mẹ, và trải nghiệm mối ràng buộc lại giống, không thể lờ đi được mà một bà mẹ cảm thấy với đứa con của mình. Mẹ tôi nói được gì đây khi đối diện với đứa con gái gọi mình là “Cô”?
Trong nhiều năm liền, mẹ tôi đã phải đè nén nữ tính của mình. Canh tranh với đàn ông và đấu tranh với vết nhơ của nguồn gốc gia đình để thành đạt trong sự nghiệp và trong Đảng, bà đã cảm thấy rằng con cái là gánh nặng, rằng gia đình đã phá hoại cuộc đời bà. Từng là hoa khôi trong quân đội, song bà không còn xem trọng quần áo và ngoại hình của mình nữa.
Tôi đã gọi cho mẹ từ Anh vào lúc tôi cảm thấy cuộc sống ở một nền văn hóa xa lạ quá khó khăn. “Đừng lo,” bà bảo. “Điều quan trọng nhất là con đang dành thời gian để khám phá xem làm đàn bà là thế nào.”
Tôi kinh ngạc. Lúc đó đã ở tuổi sáu mươi, mẹ tôi đang thừa nhận sự thật là bà đã đè nén một phần quan trọng của cuộc đời mình, và đang khuyên tôi đừng lặp lại sai lầm đó.
Lần thứ hai tôi trở về Trung Quốc sau khi sang Anh, tôi ngạc nhiên thấy mẹ đánh son khi tiếp anh bạn người Anh của tôi. Cha tôi hầu như không thể nén nổi sự thích thú trước vẻ thanh lịch ngày nào của bà nay đã xuất hiện trở lại; đã hơn bốn mươi năm qua bà không trang điểm.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT