Cùng Dữu Sướng đến chỗ Hoàng hậu chép kinh ba ngày, cuối cùng được Hoàng hậu giữ lại chức vị ở bộ tư tịch. Chờ ta quay về thì không cần làm thủ tục gì khác, cứ thế quay về làm là được.

Mấy người Hầu thượng nghi cũng được một người giúp đỡ, đó chính là Dữu Sướng. Đây là bản thân Dữu Sướng đề xuất. Nàng nói với Hoàng hậu, nàng ở bộ tư nhạc thực ra chỉ là một vật bài trí, chẳng làm gì cũng chẳng học được gì cả. Nàng muốn đổi chỗ khác, thực sự làm chút chuyện gì đó.

Cũng khó trách, vốn bên bộ tư nhạc nhiều người hơn bộ tư tịch, mà vì chiến sự căng thẳng, Hoàng thượng và các vị đại thần chẳng có tâm tình đâu mà đi xem múa hát, bộ tư nhạc sớm biến từ bộ bận rộn nhất thời còn ở Giang Bắc thành bộ nhàn rỗi nhất trong cung đình Giang Nam. Dữu Sướng tuổi còn nhỏ, lại là đại hồng nhân trước mặt Hoàng hậu, ở đó hầu nàng còn không kịp, nào dám bắt nàng làm việc? Mỗi ngày đến đó đều chỉ là uống trà, ngẩn người ngồi đó – đến trà cũng có người pha sẵn.

Lúc ấy ta đã khuyên nàng: “Muội muội đừng nên qua đó, Hầu thượng nghi rất nghiêm khắc, có thể nói ta qua đó làm bao lâu là bị nàng mắng bấy lâu. Có đôi khi trách mắng rất khó nghe. Lúc đầu ta còn không chịu nổi mà khóc mấy lần cơ nhưng lâu dần mới biết, nàng đều là vì muốn tốt cho ta.”

“Trách móc có thể học thêm được nhiều thứ như vậy? Nếu tiến cung chỉ để chơi thì muội thà ở nhà còn hơn, tự ho hơn nhiều.” Nói xong nàng lại nhìn Hoàng hậu làm nũng: “Di mẫu, để Sướng Nhi đến bộ tư tịch được không? Sướng Nhi thực sự không muốn chỉ làm cảnh, không muốn thành phế nhân.”

Hoàng hậu ôm nàng, đồng ý ngay: “Được được, Sướng Nhi muốn đi đâu cũng được. Di mẫu nói với Hầu thượng nghi một tiếng, bảo nàng sau này không được mắng chửi con.”

“Không được, nếu về sau Hầu thượng nghi không dám nói gì với con thì chẳng phải vẫn giống như ở bộ tư nhạc sao? Xin di mẫu đừng nói gì với nàng.”

“Được được được, không nói, Sướng Nhi đừng bực mình.”

Hoàng hậu nói với Dữu Sướng luôn là kiểu dỗ dành trẻ con. Ai, nữ nhân không có con, sủng một đứa con gái giả như vậy khiến người ta nhìn mà cay cay mũi. Con cái với phụ nữ nhất là phụ nữ trong hoàng cung – nơi khiến cả cơ thể và tâm hồn đều như cánh đồng hoang vu, có lẽ là rất quan trọng.

Chuyện này xử lý xong, chúng ta cũng bắt đầu xuất phát.

Ta cùng công chúa Tân An, còn cả Thái Châu và bốn thị nữ, cùng mười người trong Ngự lâm quân chuyên việc bảo vệ công chúa cũng cùng gia nhập đội ngũ này.

Buổi tối trước khi xuất phát, ta qua chỗ nghĩa mẫu chào từ biệt. Nghĩa mẫu đề nghị: “Hay là để Đào Căn và Yến Nhi cùng qua chỗ ta ở đi, để hai đứa nó ở bên kia ta rất lo lắng.”

Ta cười nói: « Từ sau khi con tiến cung, bình thường trong nhà cũng chỉ có hai nàng mà thôi, hẳn không sao đâu. Buổi tối Đào Căn phải đi tiểu đêm, con sợ làm phiền nghĩa mẫu.”

Nghĩa mẫu trừng mắt nhìn ta một cái: “Ta sợ Đào Căn làm phiền? Đào Căn là ai? Đó là tâm can bảo bối của ta đó! Ta còn sợ con cứ không ở nhà, người khác không chăm sóc nó được chu đáo đó. Bình thường tuy con nói không thể trở về thường xuyên nhưng thỉnh thoảng vẫn có thể quay về, lòng nàng còn có chút kiêng kị. Giờ con phải đi rất nhiều ngày, nhà đều bỏ hoang, bảo bối Đào Căn của ta phải ở bên ta thì ta mới yên tâm. Hơn nữa…” nghĩa mẫu thoáng dừng lại rồi lại nói: “Giờ con và Vương Hiến Chi chẳng còn quan hệ gì nữa, nha đầu kia có chịu ngoan ngoãn chăm muội muội cho con không cũng khó nói đó.”

Nói nửa ngày, thì ra là lo lắng Yến Nhi. Ta không khỏi chần chừ nói: “Nghĩa mẫu, có phải người phát hiện điều gì bất thường?”

Nếu Yến Nhi thực sự không muốn theo ta, giờ cũng là lúc nên để nàng quay về rồi.

Nghĩa mẫu nói: “Bình thường con cẩn thận là vậy nhưng sao giờ lại ngây ngốc đi thế? Con chẳng lẽ không phát hiện ra từ sau khi Vương Hiến Chi và biểu tỷ đính hôn, Yến Nhi có chút bất an sao.”

Ta cẩn thận lo nghĩ, không thể không bội phục sự cẩn thận và nhạy cảm của nghĩa mẫu. Quả thực, sau ngày đó, Yến Nhi ít nói ít cười, tuy rằng vẫn làm việc chăm chỉ nhưng cũng chỉ làm theo nghĩa vụ, cũng không quá quan tâm đến ta nữa.

Nếu không phải Yến Nhi từng thề son sắt tỏ ý muốn đi theo ta cả đời thì ta sớm đã nghi ngờ. Ta buồn rầu nói: “Từ sau khi tham gia thi tuyển tài nữ trong cung quay về, con đã từng bảo nàng về Vương phủ nhưng lúc ấy nàng khóc lóc, thề thốt nói nếu Vương Hiến Chi đưa nàng cho con rồi thì nàng chính là nha hoàn của con, cả đời này chỉ đi theo con. Giờ mới được vài ngày, sao lại thay đổi rồi.”

Nghĩa mẫu thở dài nói: “Nha đầu ngốc, lúc trước nàng khóc lóc thề thốt muốn theo hầu con là vì Vương Hiến Chi ở bên con, con có hi vọng trở thành thất thiếu phu nhân. Giờ Vương Hiến Chi đã đính hôn, con không thể trông cậy vào, nàng cũng vậy, đương nhiên sẽ không nguyện ý ở bên con nữa.”

Ta giật mình: “Nàng không trông cậy vào…”

Trông cậy gì chứ, ý của nghĩa mẫu chẳng lẽ là Yến Nhi cũng thích Vương Hiến Chi.

“Con nói xem?” Nghĩa mẫu hỏi lại ta.

Ta ngây dại. Thì ra Yến Nhi cũng có lòng đó với Vương Hiến Chi.

Nghĩa mẫu nhắc nhở ta: “Con có từng chú ý không, Yến Nhi trông cũng rất xinh đẹp. Nữ tử có mấy phần tư sắc, bình thường lại đảo qua đảo lại trước mặt quý công tử như Vương Hiến Chi, Vương Hiến Chi còn coi trọng nàng như vậy, lòng nàng ôm hi vọng cũng là dễ hiểu.”

Lời này càng khiến ta buồn bực: “Vương Hiến Chi rất coi trọng nàng sao?” Điều này làm sao nhìn ra được?

Nghĩa mẫu day trán ta rồi nói: “Con đúng là tuổi còn nhỏ nên thật đơn thuần. Vương gia có bao nhiêu nha hoàn? Không một ngàn thì cũng vài trăm đi. Vương Hiến Chi có thể tìm trong một đám nha hoàn đó ra được Yến Nhi để hầu hạ con thì tất nhiên là xem trọng nàng có năng lực, cơ trí. Bằng không chỉ là nha hoàn bình thường, có khi còn chẳng biết tên là gì. Có thể được Vương Hiến Chi tự mình lựa chọn theo hầu người Vương Hiến Chi thích thì với một nha hoàn mà nói đó cũng là sự vinh quang rồi, cũng là một nghề nghiệp có tiền đồ. Bởi vì nếu tương lai con là thất thiếu phu nhân, nàng tâm phúc của thất thiếu phu nhân, chẳng phải là nha đầu đắc ý nhất trong phủ sao?”

“Ừm, nghĩa mẫu phân tích rất có lý.” Ta gật đầu lia lịa. Quả nhiên gừng càng già càng cay.

“Không chỉ thế thôi đâu.” Nghĩa mẫu tiếp lời: “Quan trọng nhất vẫn là, như vậy nàng mới có thể thường xuyên tươi cười qua lại trước mặt Vương Hiến Chi. Lâu dần, chưa biết chừng sẽ trở thành di nương. Nha hoàn đắc lực nhất bên cạnh chủ mẫu được nâng thành di nương là chuyện bình thường. Con nghĩ Yến Nhi không có suy tính này sao?”

Ta im lặng. Nghĩa mẫu nói vậy khiến ta không khỏi nhớ lại rất nhiều chi tiết.

Quả thật mỗi lần Vương Hiến Chi đến nhà ta, Yến Nhi đều đặc biệt hưng phấn, càng không ngừng đi tới đi lui trước mặt chúng ta. Hại chúng ta đến muốn nói chuyện riêng cũng không dám nói ở nhà, chỉ có thể chạy ra bên ngoài.

Mà lần này cũng là nàng xung phong qua Vương phủ hỏi thăm tin tức Vương Hiến Chi đính hôn, sự vội vàng đó, giờ nghĩ lại, căn bản chính là hỏi thăm người trong lòng mình đã đính hôn hay chưa. Sau khi trở về, nàng đứng ở cửa ngơ ngác, vẻ mặt như bị đả kích nặng nề cho nên nghĩa mẫu hỏi nàng nàng cũng chỉ lắc hoặc gật đầu. Sau vẫn là nghĩa mẫu lớn tiếng hỏi thì nàng mới như bừng tỉnh khỏi giấc mộng, bắt đầu trả lời.

Ta buồn bã nói: “Chỉ vì Vương Hiến Chi đã đính hôn, con mất đi cơ hội tranh giành ngai vàng “Thất thiếu phu nhân”, với nàng mà nói cũng là đã mất giá trị. Nàng muốn hầu hạ là “Thất thiếu phu nhân” hoặc người được đề cử thành “Thất thiếu phu nhân”, gần quan được ban lộc, có thể trở thành di nương của thất thiếu gia. Giờ hi vọng thất bại, đương nhiên cũng không muốn ở lại bên con nữa.”

Nghĩa mẫu gật đầu, sau đó lại yêu thương an ủi ta: “Nha đầu kia đi rồi cũng tốt, lòng không ở đây thì người sao giữ lại được? Dù sao con ra tiền tuyến rồi, Đào Căn đi theo ta, phòng con cũng bỏ không, tội gì vô duyên vô cớ nuôi một người rảnh rỗi ở đó.”

Ta đứng dậy nói: “Nghĩa mẫu nói có lý, con sẽ để nàng đi.”

Người không thuộc về ta, chung quy cũng không giữ được, đi thôi, đều đi cả đi.

Quả nhiên, ta về nhà nhắc lại chuyện để Yến Nhi đi, nàng chỉ thoáng khách sáo đôi câu rồi ngượng ngùng nói: “Nếu Đào Căn có Hồ đại nương trông coi, em ở lại cũng chẳng làm gì, còn lãng phí cơm gạo của tiểu thư, không bằng ngày mai em sẽ về phủ.”

Rõ ràng chính nàng không muốn ở lại mà còn nói như ta không nuôi nổi nàng, muốn đuổi nàng đi vậy.

Thôi đi, so đo mấy cái này có nghĩa lý gì đâu. Ta chẳng nói gì, chỉ lấy ra chút tiền coi như đáp lễ cho nàng đã phục vụ ta lâu như vậy. Nàng cũng không khách khí nhận. Thực ra ta thuê người về trông Đào Căn còn chẳng tốn ngần đấy tiền đâu.”

Ngoài tiền, ta còn cho nàng hai bộ quần áo. Đều là quần áo làm để vào tiến cung. Giờ ta đi lại trong cung, đều mặc quan phục, lúc về Phượng Nghi cung cũng chỉ mặc quần áo ở nhà, cơ hội mặc đồ hoa lệ như vậy là rất ít. Đưa cho Yến Nhi hai bộ, đều là những bộ nàng từng khen “đẹp”, nàng cũng chỉ hơi từ chối rồi lại vui vẻ nhận lấy. Đại khái vì lòng vui vẻ nên đêm cuối cùng nàng lại trở lại với vẻ hoạt bát ban đầu, nói nói cười cười.

Buổi sáng tiễn Yến Nhi đi rồi, ta một mình ngồi buồn ở cửa.

Bỗng nhiên nghe thấy có tiếng động, cúi đầu, một đôi mắt sáng lấp lánh, thuần khiết không vương bụi trần đang nhìn ta.

Là Đào Căn kéo ghế của nó chạy đến chỗ ta. Ghế của con bé có bánh xe bằng gỗ ở chân.

Mắt ta nóng bừng lên, bế Đào Căn ôm vào lòng, vuốt ve gương mặt non nớt, nhỏ nhắn của nó rồi nói: “Muội muội, bây giờ cũng chỉ còn lại hai chúng ta nương tựa vào nhau mà thôi. Muội phải nhanh chóng lớn lên, mau học được cách nói chuyện, như vậy tỷ tỷ sẽ không cô đơn.”

Mọi người đều đã đi, chỉ có chúng ta là không rời bỏ nhau. Nếu có thể rời bỏ nhau thì sẽ chẳng phải là thân nhân thực sự.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play