Tầm nhạc: chữ nhạc trong sự vui mừng, đọc nội dung chương các bạn sẽ hiểu, mình để tên chương như này cho nó hay J.
Đây là ngày làm công thứ hai của ta.
Tâm tình hôm nay so với ngày đầu có nhiều thay đổi. Hôm qua đến là nơm nớp lo sợ, vô cùng bất an. Hôm nay lại tương đối bình thản, thậm chí còn có chút chờ mong.
Còn chưa vào ngõ nhỏ, từ xa đã thấy Vương Hiến Chi đi tới, phía sau còn có hai đầy tớ đi cùng, trong đó một người mang đồ ăn, người kia cầm đồ, có vẻ như đang cầu xin hắn điều gì đó.
Vì không muốn đối mặt hắn nên ta lui ra sau vài bước, trốn vào một góc.
Đợi bọn họ đến gần, lại nghe một trong hai gã đầy tớ khẩn cầu:
- Thiếu gia, để nô tài vào một chút đi, dọn dẹp bàn học cho người, mài mực nữa.
- Ta nói không cần, giờ trong trường đã có người chuyên hầu hạ rồi, chuyện mài mực linh tinh nàng sẽ làm. Giọng nói lộ rõ sự mất kiên nhẫn.
- Nhưng mà… lúc trước thiếu gia luôn nói nô tài mài mực tốt nhất, thiếu gia cũng thích nhất dùng mực nô tài mài để viết chữ. Người kia ai oán.
Không có hồi âm, nghĩ lúc này mặt hắn nhất định là đen sì sì. Bị một nô tài tranh sủng cảm giác đáng sợ cỡ nào. Khó cho hắn phải chịu đựng, không một cước đá bay đi đã là ngoài dự đoán của ta rồi.
Người đầy tớ kia thì nói:
- Sáng nay thiếu gia ăn quá ít, phu nhân dặn nô tài nhất định phải nhìn thiếu gia ăn xong những thứ này.
- Không ăn!
- Thiếu gia… Giọng còn ai oán hơn người kia.
- Bảo các ngươi về thì về đi, đừng nhiều lời nữa!
Đại thiếu gia rốt cuộc thấy phiền, hạ lệnh đuổi người.
Vẫn đợi đến khi cửa yên tĩnh thì ta mới ra khỏi chỗ trốn. Ta vừa ra, lão Trương đang định đóng cửa thì lại thấy một người đến, đứng ngoài nói:
- Đợi chút, ta cũng phải vào!
Nhìn cẩn thận, ngoài cửa là một đại thúc trung niên đứng đó. Nhìn thêm lần nữa, tập trung vào mặt ông, trời ơi, người này sao giống con mèo vậy. Nhất là hai chòm râu của ông, sửa một chút thì giống râu mèo như đúc.
- Mao tiên sinh tới rồi?
Lão Trương cung kính đón ông vào.
Thiếu chút nữa ta phì cười. Người này quá tuyệt, đến họ cũng chuẩn như vậy, nghe thoáng qua còn tưởng là “Miêu tiên sinh” cơ.
Ta tò mò nhìn ông, ông cũng tò mò nhìn ta, thấy ta đi về phía phòng học, ông đi theo hỏi:
- Cô nương là người mới đến sao, trước kia hình như chưa từng gặp?
- Vâng, hôm qua ta mới đến
Đã có “trước kia” chứng tỏ vị Miêu tiên sinh là khách quen ở đây.
Mắt thấy trường học ngay trước mắt, ông mới giật mình nói:
- Thì ra ngươi chính là Đào Diệp cô nương sao?
Không thể ngờ ta lại là nhân vật nổi danh ở đây.
- Sao ngài lại biết ta? Là bọn họ nói với ngài?
- Ừm, thời gian đó phòng học bẩn muốn chết, mấy lần ta sai hạ nhân đi dọn nhưng đều bị bọn chúng đuổi đi. Nói rác này là để dành làm lễ gặp mặt cho Đào Diệp, nếu ít rác thì sẽ không đủ long trọng. Ặc, hôm qua ngươi đã đến, thế hôm nay hẳn là phòng sạch sẽ rồi chứ?
Ta vội nói:
- Không bẩn đâu, ngài cứ yên tâm đi vào là được, quyết không phải là đi vào bãi rác đâu.
Mấy tên nhàm chán kia, một tháng không cho người quét dọn, hại ta hôm qua phải chuyển bao nhiêu là rác.
- Vậy là tốt rồi, nếu không đúng là không biết đặt chân kiểu gì
Miêu tiên sinh kích động đi vào trường học. Vừa vào đã vui mừng kêu:
- Ơ? Hiến Chi, sao hôm nay trò đến sớm vậy?
Ngụ ý là bình thường vị này chuyên đến muộn.
Nhìn qua Vương Hiến Chi, mặt hắn đỏ một cách khả nghi, nhàn nhạt nói:
- Chào Mao tiên sinh.
Lễ phép chào hỏi tiên sinh rồi lập tức dùng ngữ khí cay nghiệp mà nói với ta:
- Ngươi còn đứng đó làm gì? Ngươi đến là làm việc chứ không phải chơi, mau đến mài mực cho ta!
Ta nén giận cười nói:
- Ta có thể quét dọn trước rồi mài mực cho thiếu gia sau được không? Chờ mấy vị thiếu gia kia đến quét dọn thì rất bất tiện
Thực ra buổi sáng ta nên đến sớm một chút nhưng sáng ngủ quên, lại phải đợi đò lâu nên muộn.
Chỉ là ta quên mất, tiểu ma đầu này đâu cho ai được thương lượng, hắn mặc kệ người khác có “tiện hay không”. Hắn cứng rắn nói:
- Mài mực trước đi, bổn thiếu gia muốn viết chữ.
Lúc này Miêu tiên sinh cười tủm tỉm nói:
- Hôm nay không cần mài mực sớm như vậy, Đào Diệp, ngươi đợi chút nữa cũng được. Hôm nay vi sư muốn đưa các ngươi ra vườn một chút, thời tiết thật đẹp.
Sắc mặt Vương Hiến Chi tối sầm lại nhưng dù sao là tiên sinh nói nên hắn cũng không tiện cãi lại.
Ta vội quét dọn rồi lấy nước lau bàn. Ba vị kia cũng lục tục kéo đến.
Người đến đông đủ, Miêu tiên sinh dặn dò ta:
- Tiểu Đào Diệp, ngươi ở đây mài mực đi, sau gọi hai người đến bưng bàn ra ngoài kia, đặt dưới tang cây kia và lấy thêm mấy băng ghế nữa. Nếu có nước trà, điểm tâm thì càng tốt, ha ha.
Lúc này, Vệ phu nhân xuất hiện tại cửa nói:
- Nước trà, điểm tâm ta sẽ sai người chuẩn bị, bàn ghế cũng sẽ chuyển ra ngay. Chút nữa ta phải đến tiệm cầm đồ một chút, ở đây phiền Mao tiên sinh chiếu cố.
Miêu tiên sinh vội khom người nói:
- Đa tạ phu nhân, phu nhân cứ đi đi, việc làm ăn không thể qua loa được.
Bọn họ được Miêu tiên sinh dẫn ra ngoài.
Ta vừa mài mực vừa nhìn qua cửa sổ. Thấy thầy trò bọn họ chậm rãi tản bộ trong vườn, vừa đi vừa thảo luận mà lòng vô cùng hâm mộ. Đồng thời cũng rất tán thưởng Miêu tiên sinh: dạy học như vậy thú vị hơn việc ngồi trong phòng học mà rung đùi gật gù nhiều lắm.
Đáng tiếc ta không nghe được bọn họ nói gì.
Một lát sau, Miêu tiên sinh lại gọi:
- Tiểu Đào Diệp, đem giấy bút, mực ra đây, dọn bàn xong chúng ta sẽ dùng ngay.
Ta đáp một tiếng rồi vội chuyển đồ ra ngoài rồi sửa sang lại, sau đó đứng đó không đi.
Chỉ thấy Miêu tiên sinh nói với mấy đệ tử:
- Không Tử nói: “Hiền tai Hồi dã, nhất đan thực, nhất biều ẩm, cư lậu hạng, nhân bất kham kỳ ưu, hồi dã bất cải kỳ lạc” (Nhan Hồi hiền lành thay, một giỏ cơm, một bầu nước, ở ngõ nhỏ, người khác không chịu nổi, còn riêng Hồi vẫn không thay đổi niềm vui), đây là niềm vui gì? “Mạc xuân giả, xuân phục ký thành, quan giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi quy” (Vào cuối mùa xuân khi áo xuân đã thành: rủ một ít bạn trạc mười sáu đôi mươi ra tắm sông Nghi, rồi lên núi Vũ Vũ hóng gió, đoạn ca hát mà về) là niềm vui gì?
Tạ Huyền đáp:
- Niềm vui của Nhan Hồi là ở chỗ “sống thanh bần, đức hạnh”. Cơm trong ống, nước trong bầu không thể là niềm vui nhưng Nhan Tử vẫn có niềm vui đó. Vui ở thoải mái vô cầu, hồn nhiên vô ưu, ngẩng đầu và cúi đầu cùng trời đất.
- Ừm!
Miêu tiên sinh khen ngợi gật đầu nói:
- Niềm vui của Nhan Hồi là ở không màng danh lợi, giữ lẽ phải, giữ trí tuệ,. Tiểu Huyền Tử, nếu trò hiểu niềm vui của Nhan Hồi thì trò hãy viết chữ “Nhạc” này ra cho mọi người xem.
Tạ Huyền theo lời đứng dậy đi viết chữ. Miêu tiên sinh lại hỏi Vương Hiến Chi:
- Hiến Chi, hôm nay trò định viết chữ “Nhạc” thế nào?
Vương Hiến Chi nhìn hồ nước cách đó không xa:
- Trò muốn viết chữ “nhạc” của loài cá.
Si Siêu lập tức đáp:
- Tử Kính không phải cá, sao biết cá có vui?
Vương Hiến Chi cũng đáp:
- Gia Tân không phải ta, sao biết ta không biết niềm vui của cá?
Lại một trận đùa giỡn vui vẻ.
Miêu tiên sinh nhân cơ hội trốn đi ăn bánh, uống trà, căn bản chẳng muốn ngăn cản bọn họ. Chờ bọn họ đùa bỡn xong mới hỏi Hoàn Tể:
- Trò nói xem, khi nãy bọn họ vui mừng cái gì?
Hoàn Tể đáp:
- Là niềm vui đùa giỡn, niềm vui bạn bè cùng học.
Miêu tiên sinh nhếch môi:
- Tốt lắm, chút nữa trò viết chữ “nhạc” này.
Khoảng chừng qua hai canh giờ, trên bàn đã có rất nhiều chữ “nhạc”, bọn họ vây quanh mà cùng bàn luận, cuối cùng, Miêu tiên sinh tuyên bố: Chữ “Nhạc” của Vương Hiến Chi viết thắng.
- Không công bằng! Ba người cùng hô lớn
- Lý do?
Miêu tiên sinh ăn điểm tâm thơm lừng, lúng búng hỏi. Với việc đệ tử tìm kiếm lẽ phải lại thoải mái, trắng trợn không để ý.
- Hiến Chi viết là niềm vui của cá, phải do cá bình chứ không phải do tiên sinh bình là được.
- Cũng có chút đạo lý. Nhưng mà, vi sư có lý do này càng hợp lý hơn nhiều
- Chúng đệ tử chăm chú lắng nghe!
- Ta là mèo!
Lúc nói câu này, ông còn có ý giật giật hai chòm râu mèo thần kỳ của mình. Chúng đệ tử cười ngất, mọi tranh chấp đều dừng.
Còn ta thì cười đến không thở nổi. Miêu tiên sinh đột nhiên hỏi ta:
- Tiểu Đào Diệp, lúc này nếu ngươi viết chữ nhạc thì sẽ là niềm vui gì?
Ta ngẩn người bởi vì không nghĩ ông sẽ hỏi ta. Một lát sau ta mới trả lời:
- Đa tạ tiên sinh hỏi. Tháng trước Đào Diệp buồn đau vì mất mẹ, cho nên lúc này Đào Diệp muốn viết chữ nhạc là niềm vui gia đình, là song thân mạnh khỏe, được hầu hạ bên gối…
Nghĩ lại lúc trước tự tay chôn mẹ, ta không nói thêm được.
- Vậy ngươi viết chữ “nhạc” này được không?
- Ta…
Ta hoảng hốt. Không phải không muốn viết mà là không dám viết. Từ sau khi phụ thân qua đời, ta đã chẳng động đến giấy bút, còn có thể viết sao?
- Đào Diệp, ngươi biết viết chữ sao? Thế thì viết đi
Bọn họ kích động giục giã, trong mắt có tò mò, cổ vũ cũng có cả bỡn cợt.
Ta chậm rãi đi qua, nhìn bút mà tay run lên không ngừng, nhất là khi trước mặt còn có bao con mắt nhìn ta chằm chằm.
Đứng giữa trời, nhìn vẻ mặt mất kiên nhẫn của tiểu ma đầu kia thì ta mới có dũng khí cầm bút, đồng thời vội nhắm chặt mắt lại. Ta không dám nhìn bọn họ, nhất là không dám nhìn hắn.
Vừa nhắm mắt lại, trong đầu lại hiện lên tình cảnh khi phụ mẫu còn sống. Khi đó nhà ta tuy không giàu có nhưng cả nhà nương tựa vào nhau, hòa thuận vui vẻ. Đáng tiếc niềm vui đó chẳng thể tìm lại được.
Theo trí nhớ đó, ta chậm rãi viết lên giấy một chữ “nhạc”.
Ta vừa lui ra, bọn họ liền vọt tới bên bàn học xem chữ ta viết. Nhưng “bọn họ” không bao gồm Vương Hiến Chi, hắn vẫn ngồi yên chỗ cũ.
Rất nhanh, chợt nghe Miêu tiên sinh tuyên bố:
- Ta thay đổi kết luận khi nãy, chữ “nhạc” trong niềm vui gia đình của Đào Diệp thắng, Hiến Chi, trò xếp thứ hai thôi.
Vương Hiến Chi đi tới, giật lấy tờ giấy kia, nhìn một chốc rồi nói:
- Trong chữ vui của nàng ấy có chứa nỗi buồn.
- Cho nên ta bình nàng đứng đầu
Nhân cơ hội Miêu tiên sinh dạy đệ tử về đạo lý âm dương:
- “Nhạc” và “bi” vốn không thể phân cách. Trên đời này chẳng bao giờ có niềm vui nào là thuần túy. Niềm vui của Nhan Tử ẩn chứa nỗi buồn của nhân sinh khốn quẫn, niềm vui giỡn nước song Nghi chất chữa nỗi buồn thời gian trôi nhanh, cho dù là niềm vui của cá mà Hiến Chi viết cũng chỉ là niềm vui hư ảo, nếu thực sự muốn truy ra, cá vui chỗ nào? Đào Diệp viết chữ nhạc mà chứa ý bi, đây chính là chân lý của niềm vui thực sự.
Vương Hiến Chi không nói gì, nhìn ta bằng ánh mắt phức tạp.
Miêu tiên sinh bàn luận xong, đứng lên nói:
- Hôm nay dừng lại ở đây, sau khi trở về, các trò mỗi người viết mười chữ “nhạc” khác nhau, lần sau mang đến cho ta xem
Lại nhìn ta nói:
- Đào Diệp, ngươi cũng viết
Ta cũng viết? Đây có phải là ám chỉ rằng ông đã nhận ta làm đệ tử?
Trước khi nhớ ra ta không có bút thì miệng ta đã tự động đáp lời, tim đập loạn:
- Vâng thưa tiên sinh, đêm nay trở về con sẽ viết.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT