Đôi phu thê lẽ ra không nên từ chối, dẫu sao đồng ngôn vô kỵ, vả lại đứa bé chưa đầy hai tháng tuổi. Nhưng hai người cùng liên tưởng đến chênh lệch tuổi tác giữa Trịnh Hoằng và Nguyên Thù: sáu tuổi, giống hệt họ.

Nguyên Tứ Nhàn nhìn Lục Thời Khanh, ý trong ánh mắt: lúc chàng 6 tuổi, chàng có rung động vì bế thiếp vừa đầy tháng không?

Đáp án trên mặt Lục Thời Khanh hơi mơ hồ: có lẽ phải quay về 18 năm trước thử mới biết…

Nhưng hai người không thể do dự quá lâu, Trịnh Hoằng duỗi cánh tay chờ, hoàng hậu cũng đang bên cạnh, Nguyên Tứ Nhàn cười, đưa mắt ra hiệu Giản Chi bước lên.

Tâm tư người lớn đừng áp vào trẻ nhỏ, sáu tuổi vẫn chỉ là trẻ con, hiểu gì chứ.

Trịnh Hoằng thực sự không có ý nghĩ gì, chỉ là cậu từng bế tiểu đệ đệ Cư Nghiệp chứ chưa bế tiểu muội muội mà thôi, bèn đưa tay cẩn thận bế Lục Nguyên Thù vào lòng.

Giản Chi khom người, giúp nâng thêm bên dưới.

Tính tình không phòng bị người lạ của Nguyên Thù không phải ngày một ngày hai, Nguyên Tứ Nhàn tưởng con ở môi trường hoàn toàn xa lạ ít nhất sẽ nhận ra, ai dè bé chưa hề ngủ mà được Trịnh Hoằng bế lại thuận thế lăn một vòng, áp mặt vào lồng ngực nhỏ xíu của cậu, sau đó tựa vào cậu thoải mái nhắm mắt lại.

– Woa.

Trịnh Hoằng không khỏi kêu kinh ngạc, có lẽ chưa bao giờ thấy ai ngoan vậy.

Nhưng Nguyên Tứ Nhàn muốn đỡ trán. Nguyên Thù thực quá dễ nuôi, phải chi có một nửa sự gian trá của Nguyên Trăn thì tốt biết bao.

Lục Thời Khanh rất đau lòng. Dẫu biết trẻ con thuần khiết, nhưng lòng bảo vệ con khiến y cảm thấy không thích hợp, bèn nói:

– Cơ thể Nguyên Thù không nhẹ, điện hạ đừng để mình bị mệt.

Mắt Trịnh Hoằng lấp lánh tỏ ý không hề mệt. Hoàng hậu nghe hiểu ý Lục Thời Khanh, bèn cười bảo Giản Chi bế bé.

Trịnh Hoằng lưu luyến buông tay, nhưng vẫn luôn thích thú nhìn Nguyên Thù.

Hoàng hậu rất ra dáng mẹ hiền, vừa chuyện phiếm với Nguyên Tứ Nhàn về phụ mẫu nàng ở Diêu Châu xa xôi vừa vui vẻ qua lại trêu ba đứa trẻ.

Nhưng Nguyên Tứ Nhàn cảm nhận được hôm nay tinh thần bà không tốt lắm, tiều tụy hơn mấy ngày trước lúc tiếp đón Già Hộc rất nhiều, dù son phấn đậm đến đâu cũng không che được vẻ chán chường nơi khóe mắt.

Hậu cung có tính toán của hậu cung, chẳng ai dễ dàng, Nguyên Tứ Nhàn không quá đào sâu, chỉ nhiệt tình trò chuyện xã giao ứng phó. Lục Thời Khanh ban đầu cũng phụ họa, sau đó bị hoàng hậu gọi đi dạy Trịnh Hoằng học.

Y nghĩ như vậy cũng tốt, tránh cho tiểu tử đó cứ tò mò nghía Nguyên Thù hoài.

Trịnh Hoằng dường như rất ghét học văn chương với y, bèn do dự hỏi sang chuyện khác:

– Lục thị lang, a tỷ ta sống có tốt không?

Câu hỏi này không đầu không đuôi. Lục Thời Khanh lại không ở Nam Chiếu, làm sao biết Thiều Hòa sống có tốt hay không.

Nếu là trước đây, y chắc chắn sẽ đáp qua loa “không biết” cho xong, nhưng từ khi có con, tính y cũng dịu đi không ít, bèn nhẫn nại nói:

– Thần không rõ, sao điện hạ đột nhiên hỏi chuyện này?

Y hỏi xong thì cảm thấy bên kia yên tĩnh rõ rệt, hoàng hậu và Nguyên Tứ Nhàn dừng trò chuyện, dường như cố ý muốn nghe câu trả lời của y.

Lục Thời Khanh cong môi cười, hiểu ngay. Mục đích hoàng hậu bảo y và Nguyên Tứ Nhàn bế con qua là muốn nghe ngóng tin tức từ Nam Chiếu. Có lẽ bà gặp trở ngại chỗ hoàng đế, lại vì trong cung khắp nơi đều là tai mắt, không tiện trò chuyện riêng tư với triều thần, tránh phạm điều kiêng kỵ, nên bà đành mượn miệng Trịnh Hoằng để hỏi, sợ trẻ con truyền lời không rõ mới ở bên cạnh lắng nghe.

Đáng thương cho hoàng hậu một nước, muốn quan tâm con gái cũng phải vòng vo như vậy.

Trịnh Hoằng đáp:

– Đêm qua ta mơ thấy a tỷ khóc nói mình đau lắm.

Lục Thời Khanh hơi cau mày. Giấc mơ này chắc chắn không phải của Trịnh Hoằng mà là của hoàng hậu. Người ta hay nói mẹ con có thể cảm ứng lẫn nhau, trước đây y không rõ nhưng từ khi Nguyên Tứ Nhàn phát hiện đứa bé kia là giả, y cũng thấy mối quan hệ ấy dường như có gì đó rất huyền ảo.

Nhìn ánh mắt tha thiết của Trịnh Hoằng, y nói thật:

– Thần chỉ biết mấy ngày trước tân hoàng Nam Chiếu đăng cơ, công chúa được phong hậu, còn lại thì chưa nghe bệ hạ nhắc đến. Chỉ là một giấc mơ thôi, điện hạ cứ yên tâm.

Lục Thời Khanh nói xong, cảm thấy phương pháp quanh co của hoàng hậu không tồi nhưng không hề thông minh.

Chưa kể y thật sự không biết gì, dù biết tin tức ngầm nào đó, y cũng đâu thể tiết lộ với bà.

Hoàng hậu thở dài một tiếng như có như không, không lâu sau, bà nói vài lời khách sáo rồi bãi giá về Bồng Lai điện.

Nguyên Tứ Nhàn đứng dậy cúi đầu tiễn quý nhân rời điện, lòng thê lương nghĩ, nếu hoàng thất Đại Chu còn có người thật lòng lo nghĩ cho Thiều Hòa, có lẽ đó là hoàng hậu và Trịnh Hoằng.

Sau khi Hoàng hậu đi, Lục Thời Khanh định về phủ, không ngờ trước khi đi thì bị Huy Ninh Đế truyền gọi, bèn để Nguyên Tứ Nhàn và con ở Hàm Lương điện chờ y.

Nguyên Tứ Nhàn tiếp nhận việc dạy học Trịnh Hoằng, giảng được vài chỗ thì chợt nghe cậu hỏi:

– Sư mẫu biết phía tây đang chiến tranh không?

Vì Trịnh Hoằng chưa xác thực được chức quan của lão sư hoàng tử, lại vướng phải lời cha rằng “quân thần khác biệt”, nên khi xưng hô với Lục Thời Khanh, cậu không thể gọi quá thân mật, bèn trực tiếp gọi “lão sư”, nhưng khi xưng hô với Nguyên Tứ Nhàn thì tùy tiện hơn.

Nàng gật đầu nói biết.

– Chiến tranh không tốt.

Trịnh Hoằng lẩm bẩm:

– Lục ca nói ta phải học võ nhiều nhưng dùng võ ít.

Nàng hỏi:

– Ngài cảm thấy lục điện hạ nói đúng không?

Trịnh Hoằng nghiêm túc gật đầu:

– Lục ca muốn nói với ta là ta phải giỏi võ mới không bị người khác bắt nạt, nhưng ta nên ít dùng, không được tùy tiện bắt nạt người khác.

Nói xong, cậu bổ sung:

– Đại Chu của chúng ta cũng vậy.

– Đúng.

Nguyên Tứ Nhàn cười xoa đầu cậu, xoa xong lại cảm thấy mình to gan, bèn rụt tay về, nhìn hoa nở diễm lệ trong bụi hoa thấp ngoài điện, nghiêm túc nói:

– Nếu ngài từng thấy xương trắng đầy đồng, nạn dân khắp núi, ngài nhất định sẽ không muốn chủ động khơi dậy chiến tranh, trừ phi…

Trịnh Hoằng nghiêng đầu hỏi:

– Trừ phi gì?

Nàng mím môi cười, không đáp.

Trừ phi máu chảy trong trận chiến ấy là để ngăn những hi sinh càng to lớn hơn.

Huy Ninh Đế triệu Lục Thời Khanh không có việc gấp gì, chỉ bàn về Bình vương.

Lão hoàng đế luôn biết đứa con này rất nguy hiểm. Nhiều năm trước, ngoài Nguyên Dị Trực, trong triều còn một quận vương khác họ có đất phong chính ở Hoài Nam, phong hào là Hoài Nam vương. Thấy thế lực Hoài Nam có thể uy hiếp triều đình, nhằm trừ khử vị quận vương ấy, triều đình đã phí rất nhiều tâm tư và công sức, cuối cùng phái Bình vương đến Hoài Nam để giữ thế cân bằng. Nhưng những năm nay, Bình vương nghiễm nhiên trở thành một Hoài Nam vương thứ hai, tuy mang họ Trịnh nhưng cũng cùng ngấp nghé ngai vàng, vả lại còn danh chính ngôn thuận hơn vị quận vương khác họ kia nhiều.

Nếu hễ nhìn ra được thế lực nào nguy hiểm là có thể san bằng thế lực đó thì hoàng đế quá dễ làm rồi.

Huy Ninh Đế không phải không muốn mà là không thể bẻ cánh con trai. Họa ngoại xâm chưa trừ, nếu trong nước xảy ra nội chiến, ắt sẽ để dị tộc nắm lấy sơ hở, Hoài Nam không nhỏ, lại là nơi cực kỳ trù phú, không phải vạn bất đắc dĩ thì không nên mạo hiểm, cho nên ông luôn nắm sợi dây nguy hiểm ấy cứ như thả diều.

Nhưng bây giờ không thể.

Trước đây có nhị hoàng tử cùng tranh đoạt, ông còn hơi yên tâm, bây giờ thấy nhị hoàng tử không còn, lá gan của Bình vương cũng lớn không giới hạn, quả thực giống như ngang nhiên thị uy với cha mình, khiến ông ngày ngày thấp thỏm, chỉ sợ hôm nào đó vừa mở mắt thì dây diều đứt, nghênh đón một đợt “thanh quân trắc” (1).

(1) Thanh quân trắc: thanh trừ gian thần bên cạnh vua, ở đây chỉ việc cô lập vua.

Bình vương tính toán thật hay, Đại Chu xuất binh viện trợ Hồi Hột, sức mạnh vốn đã mỏng như cánh ve giờ tăng thêm sương giá, tổn thất non nửa năm nay khiến người ta không dám tính, ông muốn đánh phủ đầu cũng không có sức.

Thỉnh thoảng Huy Ninh Đế cũng phải chấp nhận hiện thực là ông làm hoàng đế quá bạc nhược.

Lục Thời Khanh trấn an vài câu, không đưa ra đề nghị nào có tính khả thi, chỉ nói chiến sự bên Hồi Hột sắp chấm dứt, nếu trận nội chiến này là không thể tránh khỏi thì đành tranh thủ thời cơ nghỉ ngơi lấy sức, gia tăng binh lực thành Trường An.

Lão hoàng đế gật đầu ủ rũ. Tuy ông đề phòng Lục Thời Khanh nhưng biết y chắc chắn không cùng phe với Bình vương, bởi thế vẫn có thể yên tâm hỏi y về chuyện của Bình vương.

Đàm luận xong xuôi, Huy Ninh Đế chợt nói sâu xa:

– Xem ra vẫn là Dị Trực quan tâm trẫm.

Lục Thời Khanh mỉm cười.

Có so sánh mới thấy Nguyên gia tốt.

Lão hoàng đế tính rất hay, mình kiêng kỵ thì kiêng kỵ nhưng nhiều năm nay, Nguyên Dị Trực đúng là không có hành vi gì không an phận, nếu triều đình gặp nạn, dù Nguyên Dị Trực ở Điền Nam xa xôi cũng không thể không giúp.

Nhưng lời này lão hoàng đế không cần nói với người không liên quan, sở dĩ ông nói câu ấy là muốn thông qua Lục Thời Khanh để thăm dò ý của Nguyên gia.

Lục Thời Khanh đương nhiên hiểu:

– Điền Nam vương rất ít nói chính sự với Tứ Nhàn, e là thần không thăm dò được gì từ nàng. Nhưng chỉ qua chuyện “rất ít nói” cũng có thể thấy được lòng trung thành của ông ấy.

Huy Ninh Đế gật đầu:

– Theo khanh thấy, nếu trẫm thực sự không đấu lại, liệu có thể động đến Điền Nam không?

Lục Thời Khanh gật đầu:

– Theo lý thì được. Nhưng bệ hạ chớ quên, Điền Nam là lá chắn phía tây nam của Đại Chu, ở đó mà trống rỗng thì Nam Chiếu sẽ thừa cơ xông vào.

– Tế Cư chưa đứng vững nhanh vậy đâu, vả lại, nhi tử của hắn chẳng phải ở chỗ trẫm sao?

Lục Thời Khanh cười nhạt, gật đầu không nói gì.

Hỏi xong chính sự, lão hoàng đế cảm khái:

– Chín năm rồi… Trẫm vẫn nhớ tháng ba chín năm trước, Dị Trực đi Điền Nam.

Y vốn không quá để ý lời cảm khái giả tình giả ý này, nhưng nghe xong hơi sững sờ:

– Bệ hạ nói là Điền Nam vương rời kinh vào tháng ba năm đó?

Huy Ninh Đế lấy làm lạ nheo mắt nhìn y:

– Không sai, trẫm nhớ rất rõ là sau khi khanh trở thành thám hoa lang, hôm đó…

Lão hoàng đế còn lải nhải gì sau đó nữa nhưng Lục Thời Khanh không nghe rõ, y đen mặt suốt quãng đường rời khỏi Tử Thần điện, đến Hàm Lương điện đón Nguyên Tứ Nhàn và con rồi ngồi trên xe ngựa về phủ.

Nguyên Tứ Nhàn tưởng trong triều xảy ra sự cố gì, nhưng trong cung nhiều tai mắt nên nàng không tiện hỏi, chờ các con được hai tỳ nữ bế ra xe ngựa phía sau, chỉ còn nàng và Lục Thời Khanh, nàng mới hỏi:

– Sao sắc mặt chàng khó coi thế?

Y không lên tiếng, mắt nhìn thẳng.

Nàng càng lấy làm lạ, bàn tay trắng như tuyết huơ huơ trước mắt y, còn kéo tay áo y hỏi:

– Ai chọc giận chàng à?

Lục Thời Khanh không chống lại nổi nhất là chiêu kéo tay áo này của nàng, nghe vậy mới chịu mở miệng vàng nghiêng đầu nói:

– Ai chọc giận ta, nàng không biết sao?

Nguyên Tứ Nhàn đúng là không biết, nhưng đã cảm nhận được mùi nguy hiểm, cảm giác chuyện này có liên quan đến mình, thầm nhủ bất kể là gì cứ cười trước đã, dù sao không thể đánh mặt người đang cười, nàng cong môi nói:

– Nếu thiếp biết thì đã xắn tay áo xử giúp chàng rồi chứ đâu còn hòa nhã ở đây hỏi?

Miệng lưỡi trơn tru!

Lục Thời Khanh chợt nghiêng người qua đánh vào thành xe không chút báo trước, vây nàng lại hỏi:

– Chín năm trước lúc ta cưỡi ngựa dạo phố, nàng vẫn ở kinh thành.

Nguyên Tứ Nhàn kinh hãi. Ai da, nàng thất sách.

Lần trước nàng căng thẳng nói dối y là lúc đó mình đã đến Diêu Châu. Nhưng giờ nghĩ lại, lời nói dối đó rất có khả năng bị vạch trần, còn không hay bằng nói lúc đó mình ru rú ở nhà không ra ngoài.

Nàng cười:

– Có lẽ lần trước thiếp nhớ nhầm chứ tuyệt đối không phải cố ý nói dối đâu!

Nói xong nàng gỡ nắm tay y đặt trên vách xuống, vừa hà hơi cho y vừa nói:

– Văn nhân mà bày đặt bắt chước võ nhân làm gì, bộ không đau à?

Nhưng nàng càng như vậy càng lộ vẻ chột dạ. Trước đây Lục Thời Khanh đã có thể dễ dàng nhìn thấu diễn xuất của nàng, giờ lại càng rõ như lòng bàn tay, chứng thực ngay suy đoán trong lòng mình.

Nếu không làm chuyện có lỗi với y thì nàng nói dối làm gì. Huống hồ y nhớ lần trước Tế Cư tới Trường An, lúc mọi người thi bắn chim ở Tự Vũ đình, nàng bắn rất giỏi.

Y trở tay lật ngược lại, không cho nàng dời đề tài, đè ép nàng từ trên cao, nói:

– Ná là do nàng bắn?

Nguyên Tứ Nhàn không cách nào biện luận, vừa vuốt ngực cho y vừa nhận sai:

– Là thiếp bắn là thiếp bắn, thiếp nhỏ tuổi không hiểu chuyện, chàng người lớn đừng chấp trẻ nhỏ… nếu biết chín năm sau chàng sẽ dùng thân phận phu quân để ép hỏi thiếp, chắc chắn thiếp sẽ không ngốc vậy đâu! Nhưng thiếp đã bắn rồi, chàng cũng sợ chó chín năm rồi, món nợ này chúng ta không tính rõ nữa…

Lục Thời Khanh thực bị nàng làm tức tới đau thịt.

Giỏi lắm, tại nàng mà y sợ chó khổ sở suốt chín năm, trong khoảng thời gian đó còn bị a huynh nàng năm lần bảy lượt nắm lấy khuyết điểm, đem chó ra dọa y. Nguyên Tứ Nhàn, nói cách khác là cả Nguyên gia nàng khắc y!

Y nghiến răng nghiến lợi:

– Ai bảo không tính rõ?

Nguyên Tứ Nhàn bĩu môi:

– Chàng tính được thì tính đi.

Lời nàng vừa dứt, xe ngựa hình như trúng phải ổ gà, lắc lư mạnh, hai người lăn xuống một trên một dưới.

Lục Thời Khanh như ngộ ra được gì đó từ tư thế này, cười giận dỗi:

– Nàng nói xem.

Nguyên Tứ Nhàn còn chưa phản ứng lại đã bị y đè vào một góc xe ngựa.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play