“Thư Thù ngắm mình trong gương, đưa tay lên sờ vào kẹp tóc rồi cười, giờ khắc này cô bé cảm thấy mình chính là nàng công chúa, hạnh phúc đơn giản là vậy.”

Thế sự vô thường, nếu có thể so sánh đời người như một đường cong đồ thị lên xuống nhấp nhô thì Thư Thù nghĩ cuộc đời của cô có lẽ phù hợp lắm.

Khi hồi tưởng lại, không có hình ảnh của cha mẹ, chỉ có bà ngoại với nụ cười hiền hòa và đầu tóc bạc trắng, với sự ra đời đáng xẩu hổ của cô nhìn từ góc độ luật pháp mà nói – cô là một cô nhi, bà ngoại đã tự mình nuôi lớn cô.

Bà ngoại vốn là tiểu thư con nhà quan lại trong xã hội cũ, họ Lưu, có ba cô con gái. Người chồng đầu tiên của bà chết vì bệnh tật trong chiến loạn, con gái lớn của bà là cùng ông sinh ra, họ Trần tên Tú. Thời đại thay đổi, vì nguồn gốc xuất thân mà bà ngoại phải chịu không ít đàn áp nhưng bất luận là đau khổ gì bà đều vui vẻ đối mặt, bà luôn tươi cười. Người chồng thứ hai họ La, lớn hơn bà vài tuổi, là một kỹ sư cao cấp của nhà máy, hai người sinh được một cặp sinh đôi, con gái đặt tên là La Lâm, con trai gọi là La Đào.

Sau khi người chồng thứ hai của bà qua đời chưa tới nửa năm, con gái lớn Trần Tú và con rể cũng vì tai nạn xe mà qua đời để lại một đứa con mồ côi. Cho đến khi bắt đầu hiểu chuyện, Thư Thù đã được cho biết, cô là trẻ mồ côi.

Khi còn bé, trước thân phận cô nhi của mình Thư Thù cũng không có bao nhiêu cảm xúc, sống cùng bà ngoại cuộc sống đơn giản mà vui vẻ. Bà ngoại cưng chiều cô nhưng không dung túng. Bà nỗ lực dành cho Thư Thù những thứ tốt nhất nhưng cũng dạy cô hiểu rằng cuộc sống không dễ dàng. Bà ngoại còn rất khéo tay, biết may nhiều loại trang phục, bà thêu bướm rất sống động. Khi đó, Thư Thù rất đỏm dáng, để tóc dài và thích khiêu vũ.

Nếu nói trước mười tuổi cuộc sống của Thư Thù là một đường thẳng tắp, không gợn sóng gió thì sau mười tuổi, có lẽ Thượng Đế đã ngủ gật, thế giới của Thư Thù bỗng nổi lên cuồng phong bão táp.

Ngày quốc tế thiếu nhi năm ấy có lẽ là khởi đầu.

Ngày 1 tháng 6, dì út ở nội thành đến thăm Thư Thù, mang cho cô bé một đôi giày da bò màu đỏ. Ban đêm, Thư Thù cứ nghĩ về đôi giày da mới mà không ngủ được, nửa đêm len lén bò xuống giường, xỏ giày vào, giẫm phải con mèo đang loanh quanh trong nhà. Cô bé lén cười, khi ngừng lại thì phòng khách vọng đến giọng nói của dì út và bà ngoại.

“Mẹ, không phải là con nhẫn tâm nhưng thật sự con cũng rất khó xử.”

“Lâm Lâm, con bé chỉ còn vài năm nữa là lên năm nhất trung học rồi, chỗ của mẹ đường xá quanh co khúc khuỷu, lại còn nằm ở ngoại ô, vùng lân cận cũng không có trường học tốt, dù nói thế nào thì việc học của con trẻ cũng không thể bỏ mặc được.”

“Thành tích của nó không phải rất bình thường sao? Thật ra thì... thật ra thì, con cũng chẳng trông mong nó sẽ vào được đại học.”

“Lâm Lâm, con không thể nhất bên trọng nhất bên khinh như vậy.”

“Nhưng con bé này không làm người khác yêu thích như Tiểu Ngọc.”

Im lặng một lúc lâu, Thư Thù dựa vào ván cửa nhìn qua khe, thấy dưới ánh đèn lờ mờ dì út đang cầm tay bà ngoại, nói: “Mẹ, mẹ giúp con đi. Đường gia ngàn vạn lần cũng không chấp nhận nó đâu. Nếu không, sinh hoạt phí mỗi tháng con sẽ tăng thêm một chút…”

Bà ngoại thở dài, lắc đầu nói, “Lâm Lâm, thân thể mẹ ngày càng tệ, không biết còn có thể chăm nom cho con bé bao lâu nữa. Con đừng nghĩ nó còn nhỏ, cái gì nó cũng hiểu đấy. Đừng tưởng nó không có tim không có phổi, trong lòng không để tâm việc mình không cha không mẹ à? Nó rất thông minh.”

“Con biết…” La Lâm nói, “Đúng rồi mẹ, mẹ có phát hiện không, con bé này thích lẳng lặng nhìn chằm chằm vào người khác, có lúc còn như đang cười nữa.”

“Trẻ con đứa nào chẳng vậy, Chắc là tò mò thôi.”

“Không phải, ánh mắt của nó và cả nụ cười của nó nữa, con luôn cảm thấy có ý châm chọc…”

“Càng nói càng linh tinh. Đứa trẻ 10 tuổi thì biết cái gì gọi là châm chọc? Con nói thử xem, nó châm chọc con cái gì?”

“Ơ, con không nói rõ được.”

“Mẹ nghĩ trong lòng con có quỷ thì có.”

Thư Thù loáng thoáng nghe nội dung cuộc nói chuyện của họ ngoài xoay quanh vấn đề học hành của mình thì còn dính líu đến một chuyện khác. Cô bé yên lặng trở về giường, cởi bỏ đôi giày da màu đỏ rồi bò lên giường, nằm đó trằn trọc không sao ngủ được. Trong ngực bức bối, bé quy kết cảm giác đè nén trong lồng ngực là do khí trời nóng bức.

Ấn tượng của Thư Thù đối với dì út là: yêu quái bước ra từ Tây Du kí. Bà rất đẹp, lông mi dài như lá liễu, mặt trái xoan đúng chuẩn, khi bước đi thì vai bất động, thắt lưng đong đưa để mông tạo thành một đường cong như sóng gợn. Khi còn bé, Thư Thù chỉ cảm thấy đẹp mắt, sau mới biết đó nét quyến rũ đặc biệt của phụ nữ.

Dĩ nhiên bất kể La Lâm yêu mị như thế nào, suy nghĩ của trẻ con thật ra rất đơn thuần, ai đối tốt với nó, nó sẽ thích người đó. Hiển nhiên, Thư Thù đối với người dì La Lâm một năm gặp có vài lần cũng không có hảo cảm, cô bé biết La Lâm không hề thích mình vì ánh mắt bà ta nhìn bé có chút là lạ, ngập đầy sự đề phòng.

Nhớ tới mùa xuân năm bảy tuổi ấy, La Lâm về thăm ngoại, dắt theo một đứa bé gái nhỏ hơn cô bé một tuổi, đôi mắt to tròn rất đáng yêu, mặc một chiếc áo vải bông màu tím nhạt, váy kẻ ca rô, đi một đôi giày nhỏ, trên đầu cái một chiếc kẹp hình con bướm, khi nó quay đầu, con bướm cũng di động theo. Con bé tên Đường Ngọc với nụ cười ngọt ngào gọi cô là “chị.”

Thư Thù đưa Đường Ngọc vào phòng mình, lục tung tìm kiếm con búp bê vải mình yêu quý đã được giấu thật kỹ để đưa cho nó chơi, Đường Ngọc bĩu môi nói, “Xấu xí, lần sau đến nhà tôi, cho chị xem búp bê Barbie của tôi.”

“Barbie là cái gì?” Thư Thù hỏi.

“Barbie là Barbie.” Đường Ngọc suy nghĩ một chút, nhoẻn miệng cười nói, “mẹ mua cho tôi đó.”

Khi đó Thư Thù cũng không biết Barbie là cái gì nhưng bé biết mẹ có nghĩa gì. Bé buồn bã lấy lại con búp bê, nhìn thấy kẹp tóc bươm bướm của Đường Ngọc thì không tự chủ vươn tay lên sờ, “Đẹp quá!”

“Này, làm gì đấy, đừng có đụng vào.” Đường Ngọc lùi về sau, trừng mắt nhìn cô bé, dậm chân, “Đáng ghét!”

Tay Thư Thù rút lại lơ lửng giữa không trung, cô bé lúng túng.

Đường ngọc nói, “chị xin lỗi tôi ngay!”

Thư Thù nói, “Tại sao?”

“Nếu không tôi sẽ méc mẹ là chị đánh tôi.”

“Vậy chị sẽ nói cho mẹ em biết là em nói láo.” Thư Thù nói, “con nít mà nói láo sẽ giống chú bé người gỗ Pinocchico mũi dài.”

Đường ngọc khinh thường hừ mũi, “Chị nói có người tin à? Chị chỉ là con bé quê mùa, không cha mẹ…”

Nó còn chưa dứt lời đã bị Thư Thù xô xuống đất. Con gái đánh nhau thì dù có bao nhiêu tuổi cũng vẫn là cào mặt, nắm tóc, hai đứa trẻ này cũng không ngoại lệ. Chúng ôm nhau lăn lộn mấy vòng trên mặt đất, vừa đấm đá vừa cào cấu, cuối cùng mặt mũi trầy xước, cả người đau đớn, tóc tai rối tung còn quần áo thì xộc xệch. Thư Thù lớn hơn một tuổi nên dù sao khí thế cũng vẫn lấn lướt. Cô bé cưỡi lên người Đường Ngọc, quyết liệt nói, “Nói xin lỗi tao đi! Ngay lập tức! Ngay lập tức!”

Đường Ngọc đương nhiên không cam chịu nhưng đánh không lại, vậy phải làm sao đây? Nó hít hít mũi rồi òa khóc.

Tiếng khóc nhanh chóng làm kinh động người lớn bên ngoài, La Lâm xông vào đầu tiên, đẩy Thư Thù đang cưỡi trên người Đường Ngọc ra, ôm nó dỗ dành, “Bảo bối đừng khóc, sao thế con? Sao thế? Nói cho mẹ nghe nào.”

Đường Ngọc rúc vào ngực La Lâm khóc nức nở, “Mẹ ơi, cậu, mợ, bà ngoại, chị bắt nạt con.”

Thư Thù lao vào lòng bà ngoại, chỉ vào Đường Ngọc phản bác, “Nó nói láo, con…”

“Chẳng phải vừa rồi mày bắt nạt đó sao?” La Lâm ngắt lời cô bé, “Huống chi em mày mới bây lớn, làm sao có thể nói láo được?”

“Trong sách có nói, trẻ con 5 tuổi đã nói láo được, nó còn lớn hơn 1 tuổi nữa mà.”

“Thư Thù!” La Lâm vừa vỗ lưng Đường Ngọc dỗ dành vừa cáu kỉnh nói, “Sao dám cãi người lớn hả? Không có quy củ gì hết.”

“Dù sao cũng không phải là mẹ dạy.” Thư Thù nhỏ giọng thầm nói.

“Mày, mày nói cái gì?” La Lâm biến sắc buông Đường Ngọc ra, kéo Thư Thù lại tính đánh. La Đào ở bên ngăn cản, “Em gái, em tính làm gì? Trẻ con cãi nhau thôi mà em đã muốn đánh người rồi?”

“Anh! Anh xem nó đấy.”

“Được rồi, được rồi.” La Đào nói, “con bé không hiểu chuyện mà em còn không hiểu chuyện hơn à?”

Bà ngoại hỏi Đường Ngọc, “Tiểu Ngọc, cháu và chị cãi nhau phải không?”

“Dạ” Đường Ngọc gật đầu

“Bà ngoại.” Thư Thù kéo tay bà ngoại. Bà ngoại sờ đầu cô, tiếp tục hỏi Đường Ngọc, “Vì sao các con đánh nhau? Con nói ngoại nghe, ngoại sẽ thay con chủ trì công đạo.”

Đường Ngọc chớp mắt, suy nghĩ một chút rồi nói, “Chị đánh con trước.”

“Sao chị lại đánh con trước?”

“Bởi vì chị muốn sờ vào kẹp bướm đẹp của con, đúng rồi, chị còn dọa con, nói mũi con sẽ dài ra.” Đường Ngọc bĩu môi, ôm cổ La Lâm làm nũng, “mẹ mua đồ không được tùy tiện cho người ta đụng vào.”

Người lớn nghe xong vừa buồn cười vừa tức giận, cảm thấy điệu bộ ngây thơ của nó rất đáng yêu nên cũng chẳng ai trách cứ Đường Ngọc, dù sao trẻ con đánh nhau là chuyện như cơm bữa, họ nói với Thư Thù: con là chị, phải nhường em.

Thư Thù cau mày không nói lời nào, cô bé thấy Đường Ngọc núp trong lòng La Lâm chỉ lộ ra đôi mắt, nhìn cô cười đắc ý. Cô bé còn thấy La Lâm ôn nhu dỗ dành Đường Ngọc, rồi sửa lại mái tóc rối cho nó, trong lòng tự dưng chùng xuống, lại nghĩ: thì ra, có mẹ yêu thương là như vậy. Bé khẽ ngước mắt, bắt gặp ánh mắt ôn hòa của ngoại, ngoại không nói gì cả, chỉ nắm chặt tay bé.

Mấy ngày sau, Thư Thù tỉnh dậy nhìn thấy ở gối đầu bên cạnh có đặt một chiếc kẹp tóc hình bướm. Bà ngoại kẹp lên cho bé, “Thư Thù kẹp cái này lên đúng thật rất đẹp.”

Thư Thù ngắm mình trong gương, đưa tay lên sờ vào kẹp tóc rồi cười, giờ khắc này cô bé cảm thấy mình chính là nàng công chúa, hạnh phúc đơn giản là vậy.

Ánh trăng xuyên qua rèm cửa sổ hắt vào, tiếng nói ngoài phòng ngày càng nhỏ, Thư Thù nhìn đôi giày da đặt ngay ngắn trước giường, lật người cô bé che mền kín đầu, cảm giác ngột ngạt đè ép khiến bé không cách nào thở nổi.

Hôm sau, Thư Thù dậy trễ, vội vã mặc quần áo, xách cặp chạy ra ngoài.

Bà ngoại cầm trứng gà đứng dưới lầu gọi cô lại, nhét trứng vào tay cô, “Con bé này, gấp mấy cũng phải ăn sáng chứ.”

Thư Thù cắn môi, cúi đầu đột nhiên hỏi, “Bà ngoại, bà sẽ đưa con đi sao?”

Bà ngoại sửng sốt, Thư Thù mở miệng nói một hơi: “Con không muốn học ở trường nội thành đâu, trung học ở đây cũng rất tốt mà, bạn học cùng lớp con đều biết. Từ hôm nay con sẽ học hành thật tốt, hàng năm tranh thủ vào top 10, không không, là top 3, đừng đuổi con đi, được không?” Hai chữ cuối cùng gần như nức nở, cô bé vẫn cúi đầu, nhìn xuống chân mình.

Bà ngoại nhìn theo ánh mắt bé, vuốt đầu hỏi, “Sao không đi giày dì út mới mua cho con?”

Thư Thù nói, “Giày nhỏ…” ngập ngừng một chút rồi bổ sung, “đau ngón chân.”

Ba tháng sau, Thư Thù lên lớp bốn, cô bé đeo cặp đi học vô cùng vui vẻ. Cuối cùng dì út cũng không nhận bé. Đúng vậy, bé ở lại bên cạnh bà ngoại. Thế nhưng, nửa năm sau, một chuyện ngoài ý muốn cùng việc gặp gỡ Cố Diệc Thành đã thay đổi cả cuộc đời cô bé.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play