Ngày hôm ấy, Trịnh Uyên đứng dưới nắng sớm trong veo chào đón quân đội Tề - Trịnh chiến thắng quay về. Hơn nữa, uy lực mạnh mẽ không tin được của Khinh kỵ Niễn Trần khiến niềm tin và dũng khí tưởng chừng đã tiêu tan hết trong lòng họ một lần nữa tụ hội. Quân Niễn Trần mang theo hai loại cung tên trường, đoản khác nhau. Tên dùng cho đoản cung được treo bên hông ngựa. Tên dùng cho trường cung nặng hơn rất nhiều, được đeo chéo qua vai để tay có thể lấy ra thuận tiện. Sau khi đánh xong một trận, trên bờ vai ai nấy đều xuất hiện những vệt máu do túi da đựng tên hằn xuống, mà cũng chỉ có như vậy thì túi đựng tên mới không có khả năng bị trượt do va chạm. Khi tháo những chiếc túi ấy xuống, những lằn đỏ máu càng hiện rõ ràng hơn trước mắt, trên lớp áo trắng tinh. Trịnh Uyên trông thấy Thiệu Dương trở mình xuống ngựa, vội vàng bước lên phía trước. Hoàn vương thấy y đứng bên cạnh mình, hắn mỉm cười tháo túi đựng tên xuống. Trịnh Uyên chỉ biết nói rằng trong lòng tướng quân thiếu niên này quả nhiên không hề câu nệ, xem hôm nay thật sự cứ như là ngày mà thầy trò còn hòa hợp năm xưa.
Đêm hôm ấy, trong niềm sướng vui và phấn chấn không nén lại được của tất cả, quân doanh Tề - Trịnh mở một buổi chiêu đãi, xem như mừng công không chính thức. Trải qua nhiều ngày liên tục nặng trĩu lo âu, nay nghênh đón chúng tướng quân là những tràng huyên náo hô quát mà họ chờ đợi từ lâu. Người Tề chuộng võ, dù không hiếu chiến bằng người Ngụy nhưng hào sảng hơn người Trịnh rất nhiều. Trịnh Uyên tửu lượng không tốt, chỉ ngồi ở một góc, từ xa xa nhìn mọi người chè chén hát hò, gảy đàn trúc ca vang. Dường như trong tích tắc đó thời gian chảy ngược, trở về khi cậu còn thơ dại, tựa hồ cậu đang ở giữa thành Lân Tiêu cuồng hoan rộn rã chứ không phải đang ở trong quân doanh đơn sơ cô lạnh. Tâm tưởng ấy khiến tất cả trước mắt Trịnh Uyên thốt nhiên từ quen thuộc trở nên xa xôi lạ lẫm. Dường như có một bức tường bằng thủy tinh đang dựng lên chắn trước mặt cậu, nhìn thấy nhưng không thể chạm đến, nghe thấy mà không tài nào hiểu nổi.
Phía đối diện bên kia, Hoàn Vương đang ngồi một góc riêng tĩnh tọa. Dù hắn hai tay nâng chén đồng ẩm, nhưng từng cử chỉ đều giản đơn quá đỗi, không hiểu đang suy nghĩ điều gì. Vậy mà lạ thường thay, hắn hòa hợp với mọi thứ tưng bừng tràn ứa xung quanh mình đến hoàn hảo không tỳ vết. Tiệc mừng đã đến lúc phải vãn, có đôi ba vị tướng quân nước Tề thấm men say quây lấy Hoàn vương, chờ điện hạ thi triển tuyệt tích thần cung. Hoàn vương không từ chối được, đứng dậy cầm cung lên. Trịnh Uyên không nhớ rõ, mũi tên ấy hắn bắn về phía nào hay đã rơi xuống đâu. Cậu chỉ nhớ lúc mũi tên rời cỏi dây cung, trong bầu không khí mơn man theo những sợi tóc đen buông rối không kịp vuốt gọn sau ngày dài chinh chiến, có một phong thái yên tĩnh diệu kỳ đang mềm mại tỏa ra, cứ như đang níu thời gian dừng chân vô hạn. Thoảng như cậu nghe lại nghe thấy những cung đàn thảng hoặc dưới trăng, dịu dàng, êm mát, như một giấc mơ xuân tươi đẹp, lúc tỉnh giấc thì đã trăm năm.
Khi đó, Trịnh Uyên mới bỗng dưng biết, Thiệu Dương không ra khỏi doanh trướng như những người khác. Y chỉ đứng ở cửa lều xa xa, nhìn Hoàn vương đang bị vây lấy, ánh mắt cũng như mũi tên kia, đã ra đi không quay đầu lại nữa.
-
Một trận đánh ở Tây Doanh, quân Ngụy trước đó không hề biết Khinh kỵ Niễn Trần đến, do phòng bị quá sơ sài nên đội ngũ hoàn toàn tan rã. Vài lần chạm trán tiếp sau, quân Ngụy đã có tâm thế cẩn thận hơn, dù thương vong không nghiêm trọng nhưng cũng không tìm ra phương pháp nào đánh đuổi được Khinh kỵ Niễn Trần. Nhìn bề nổi, liên quân Tề - Trịnh vẫn đang trong trạng thái giằng co với quân Ngụy. Nhưng thực tế, quân Tề đã hoàn toàn lợi dụng trận thắng đầu tiên của Niễn Trần khinh kỵ mà một lần nữa đoạt được quyền chủ động chiến tranh, lần thứ hai ép quân Ngụy vào thế phòng thủ, từ đó có thể thay đổi toàn bộ cục diện trận chiến này.
Các học giả quân sự sau này có bình lận, cung kỵ binh gộp chung cả tốc độ và sức mạnh tấn công, cùng với khả năng bắn cung tầm xa mà chiến xa và bộ binh không bì nổi, là lực lượng quân sự khó phòng bị nhất vào thời vũ khí lạnh. Mà Khinh kỵ Niễn Trần nước Tề dựa vào trường cung đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi, đã bù đắp vào sức mạnh tấn công thiếu hụt của cung kỵ binh, từ đó trở thành đội quân mà kẻ khác nghe thấy đã sợ hãi vỡ mật của thời Lục Quốc. Trong chiến dịch diệt Ngụy của liên quân Tề - Trịnh, sự dũng mãnh phi thường của Khinh kỵ Niễn Trần được phát huy tối đa. Mỗi khi nói đến việc này, các học giả theo thói quen lại trích dẫn câu ngạn ngữ nổi tiếng, không rõ nguồn gốc từ đâu, được đúc kết từ thời Lục Quốc và lưu truyền đến tận bây giờ:
Kỳ mưu diệu kế chớ xưng thần, thiên quân vạn mã sợ Niễn Trần.
-
Vào sâu những ngày đông giá, đôi bên cầm cự lẫn nhau đều bắt đầu nảy sinh những thấp thỏm bất an. Đông về, đường sá khó di chuyển, vận chuyển lương thảo bất tiện. Tề đô Dao Kinh lại bỏ trống canh phòng, trở thành mối họa lớn trong lòng Tuyên Minh đế. Mặt khác, phần lớn vùng sản xuất lúa gạo của nước Ngụy đã bị liên quân Tề - Trịnh chiếm đoạt, hiện giờ toàn bộ quân phòng thủ tại La Độ phải dựa vào số lương thảo còn sót lại để tồn tại qua ngày, nên bản thân họ cũng đang gặp phải vấn đề tương tự về lương thảo. Liên quân Tề - Trịnh và nước Ngụy đều hiểu rõ, bản thân mình không thể chịu đựng đối phương kéo dài cuộc chiến tranh ra dai dẳng, mặc khác lại dường như mong muốn đối phương để lộ sự đuối sức trước. Cùng lúc đó, cho dù là Thiệu Dương, Trịnh Uyên hay Ngụy Ly, cũng đều mong muốn tìm kiếm cơ hội để đánh một trận nhanh chóng để đánh cho bên kia tan tác.
Sau mười hai tháng, từ phía Tây có tin truyền đến, rằng hai nước Vệ, Trần đang rắp tâm thừa cơ nhảy vào tấn công Dao Kinh để đòi lại đất cha ông. Tin tức này không rõ thực hư, khiến cho tướng lĩnh quân Tề bắt đầu sinh cơn khủng hoảng. Bọn họ lờ mờ đoán được là có quân Ngụy đứng sau giật dây mới xảy ra cớ sự, chủ yếu là muốn bệ hạ triệu hồi Khinh kỵ Niễn Trần. Tuyên Minh đế vẫn còn nằm dưới sự bảo bọc của Hoàn vương, há có chăng năng lực để tự mình chống lại hiểm cảnh như thế. Do đó Thiệu Dương bèn đến dò hỏi ý tứ của Hoàn vương, y nói, điện hạ cứ an tâm hồi kinh, ở đất Ngụy còn tôi đây mà.
Lúc ấy, Hoàn vương đang trải tấm địa đồ La Độ do người dân địa phương vẽ lên trên án lỷ trước mặt. Bàn tay hắn không phải thô cứng như những kẻ học võ bình thường, mà là thuôn dài vô ngần, thậm chí còn có đôi nét thanh tú một cách đoan chính. Những ngón tay như thế khiến Thiệu Dương nghĩ đến suối nguồn róc rách chảy xuôi, lặng lẽ mài những hòn cuội trong dòng nước thành nhẵn nhụi. Mặc dù y biết đôi tay ấy có thể kéo thanh cung nặng bằng trăm tảng đá, không có chút liên quan nào đến dòng suối mềm mại kia. Đôi mắt của Hoàn vương cũng không vì Thiệu Dương đứng đó mà rời khỏi án kỷ. Hắn chỉ thản nhiên đáp, bệ hạ không còn là trẻ nít nữa. Những biến cố thế này, người tất ứng phó được. Đoạn, dường như nhận thấy sự rụt rè bất an của Thiệu Dương, hắn ngẩng đầu lên nhìn y, nở một nụ cười nhàn nhạt, "Tướng quân không cần lo lắng. Dao Kinh không sao cả đâu."
Thiệu Dương biết, Hoàn vương rõ ràng hơn y rất nhiều lần, rằng Dao Kinh của hôm nay không chịu nổi bất kỳ một đợt công kích nào. Trong lòng y lo lắng, không tự mình quyết định được gì. Thế nên nụ cười làm ra vẻ trấn an kia chỉ khiến Thiệu Dương ủ rũ hơn, y cúi thấp xuống, "Nếu sớm đoạt được Tương Thành, hôm nay cũng không lâm vào cảnh khốn đốn như vậy --- Đều do tôi nhất thời lòng dạ đàn bà, liên lụy điện hạ phải nhọc lòng cả hai phía."
"Không, chiến dịch ở Tương Thành, ngươi không thể nào làm tốt hơn được nữa." Hoàn vương đẩy tấm địa đồ sang một bên án kỷ, đưa mắt lên đăm đăm nhìn Thiệu Dương đang cúi gằm đứng đó, "Kế Tương Thành mặc dù rất hay, nhưng đúng là quá đỗi tàn nhẫn. Chỉ khi ngươi chần chừ lúc ban đầu mới thể hiện rõ ràng tấm lòng nhân nghĩa -- Ngày ấy bệ hạ ban chiếu, thôi thúc ngươi phải cấp tốc phá Tương thành, cũng là đang xây đắp cho ngươi một thanh danh nhân ái. Kể từ đó, ngươi lấy thân là thần tử tận trung hành sự. Dù có trăm năm sau, cũng không có ai nói ngươi đánh mất đạo nghĩa."
Thiệu Dương còn muốn nói gì thêm nữa. Nhưng Hoàn vương đứng dậy dến gần y, giọng nói cũng mềm mỏng hơn, "Ngươi phải hiểu, trí giả trị nhân, nhân giả trị tâm. Nếu muốn làm một danh tướng lương thần lưu danh đến thiên thu ngàn đời, kẻ không có lòng nhân nghĩa không thể làm được."
"Nhưng mà, Thiệu Dương không cầu mong thiên thu ngàn đời." Y nói rất nhỏ, cơ hồ sợ người đứng cạnh bên nghe thấy, rồi cơ hồ sợ hắn không nghe rõ.
"Ta biết ngươi không quan tâm." Hoàn vương cười rộ lên, đôi mắt phượng thanh liệt chợt tỏa ra một vầng ấm áp, "Nhưng nếu không phải là thế, sao có thể tận trung báo quốc đây?"
Thiệu Dương khẽ chau mày, đến cuối cùng y chọn lặng im. Một lát sau lại nhẹ nhàng hỏi, "Mấy ngày nay điện hạ nghỉ ngơi có tốt không?"
Hoàn vương chỉ thoáng đáp một chữ, "Tốt", trong ánh mắt đã thay bằng vẻ ưu nhã thong dong như trước, nhẹ bẫng như mưa tuyết ngày đông.
Thiệu Dương gật đầu, đang định hỏi thêm chợt từ ngoài trướng, có tiếng tướng quân Vu Xà của Khinh kỵ Niễn Trần xin được cầu kiến Hoàn vương. Y không thể làm gì khác, đành xoay người rời đi. Y nhìn thấy ánh mắt ra vẻ thù địch của Vu Xà, biết rằng sau khi ra khỏi trướng, cuộc nói chuyện giữa y và Hoàn vương sẽ bị đồn đại trong quân thành y muốn khuyên Hoàn vương trở về Dao Kinh, buông tay khỏi cuộc thử nghiệm trên chiến trường nước Ngụy.
Thiên thu ngàn đời, tận trung báo quốc, những thứ này đều là chuyện của người ta, có can hệ nào đến y đâu? Từ nhỏ, y đã sống ở vùng biên giới hai nước Tề - Trần, đến tận bây giờ cũng không cảm thấy Tề và Trần có gì khác nhau. Mà dù trăm năm sau thanh danh hủy hoại, y cũng không còn biết, không còn nghe gì nữa. Y chỉ là một đứa trẻ bình thường sinh ra từ vùng hương đồng cỏ nội, đến ngày nay cũng nào muốn bái tướng phong hầu. Y chỉ lén khẩn cầu, đặng cho một người bình an vui vẻ, chỉ vì để người ấy mở lòng một chút, dù có là Tu La tràng hiểm nguy đáng sợ đến mấy, y cũng dám đâm đầu xông đến.
Chỉ là, trông mong ấy, đến tận cùng cũng đành giữ một mình luyến lưu trong lòng, không dám để cho người ngoài hay. Y đã nghĩ sẽ thổ lộ để người ấy biết, nhưng dù biết thì đã làm sao? Y mãi mãi không thể nào xứng với người ấy. Hơn nữa, giữa hai người còn có rất nhiều luân lý giáo điều ngăn cách, còn có một Tuyên Minh hoàng đế vĩ đại hơn trời cao, chẳng phải được nắm tay người ấy là việc gian nan lắm ư? Nếu có thể đứng từ phía xa ngoái nhìn, có thể bảo vệ người ấy trọn đời, cũng đã tốt hơn cái thanh danh để lại ngàn đời thiên thu nhiều lắm.
-
Đợi cho Thiệu Dương đi xa, Hoàn vương mới gọi người ngoài trướng vào. Vu Xà là phó tướng của hắn, theo bên cạnh hắn dễ đã tám năm. Thường ngày, gã phụ trách thao luyện và sàng lọc Khinh kỵ Niễn Trần, được Hoàn vương rất mực tin tưởng. Gã nhìn xung quanh không còn ai, mới bước lên một bước nhỏ giọng thưa với Hoàn vương, "Vương gia, thuộc hạ cho người dò hỏi, người chuẩn bị cung nỏ trong quân thật sự chính là nhân thủ mà mấy tháng trước bệ hạ tìm cớ thay đổi. -- Ngài có muốn..."
Hoàn vương chỉ bình thản, "Đừng để Thiệu Tướng quân biết."
Vu Xà gật đâu, "Thuộc hạ sẽ lưu ý. Nhưng, Vương gia muốn thay đổi hai người này thế nào?"
Trên môi Hoàn vương hiển hiện một nụ cười không thể nào nhạt hơn được nữa. Hắn từ tốn, "Không cần đổi, mặc kệ chúng."
Vu Xà vội la lên, "Như vậy thuộc hạ sao yên tâm được? Rõ ràng bệ hạ..."
"Bệ hạ, tự biết chừng mực." Hoàn vương khẽ nhướn mày quay lại nhìn gã. Trong nhất thời Vu Xà không nói được gì, "Sự việc liên quan đến tồn vong của Tề quốc. Bệ hạ đã tại vị bảy năm, khắc phải hiểu được nặng nhẹ."
"Thuộc hạ không lo lắng Niễn Trần, thuộc hạ là lo cho..."
"Vu Xà, năm đó ngươi cũng từng nói với bản phiên, Thiệu Dương là một đứa bé thông minh, ngày sau tất thành châu báu."
Vu Xà sửng sốt, gật đầu nói, "Thuộc hạ có nói vậy."
"Như thế, nếu có cậu ta tiếp nhận Niễn Trần, ngươi cứ an lòng."
Vu Xà nghe thế thì sợ hãi tột bực, hoảng hốt mất một lúc không nói được nên lời, chỉ cố hết sức mà rít lên, "Vương gia! Vương gia quyết không thể..."
"Đi ra ngoài trước đi." Sắc mặt Hoàn vương hơi trầm xuống, hắn quay người bước vào sâu trong trướng, "Thành bại do người, sống chết có số -- không cần để ý quá làm gì."
Vu Xà buồn bã, chỉ đành khom người quay ra. Nhiều năm theo bên cạnh, gã bỗng dưng nghe thấy trong ngữ điệu không thay đổi của Hoàn vương có chút gì đó mất mát buồn đau. Chỉ là, với thân phận của gã, dù có ra sao cũng không nên nói thêm bất kỳ điều gì khác.
-
Đúng như Hoàn vương chắc chắn, Tuyên Minh đế không vì Vệ, Trần làm phản mà cầu cạnh Hoàn vương giúp đỡ, ngược lại hạ ý chỉ cho tướng quân Thiệu Dương thống soái quân Tề không phá La Độ không được trở về. Ý chỉ này đã đánh tan sầu lo lưỡng lự ngập tràn trong quân, khiến toàn bộ quân Tề một lần nữa chú tâm vào cuộc chiến tranh phạt Ngụy.
Sau đó, giữa liên quân và nước Ngụy cũng xảy ra đôi ba lần giao tranh quy mô nhỏ. Sự hiện diện của Khinh kỵ Niễn Trần khiến cán cân lực lượng đôi bên thay đổi: Số lượng lớn chiến xa vốn mang lại lợi thế hàng đầu cho quân Ngụy, nay vì thiếu linh hoạt nên dễ dàng bị đạo kỵ binh hăng hái tràn lên đánh bại. Vu Xà lo lắng có mầm mống tai họa, nhưng cũng không nghĩ ra cách gì, chỉ đành bí mật sai thủ hạ thân tín tăng cường ở bên cạnh bảo vệ Hoàn vương hơn nữa. Sau vài lần, những người do Tuyên Minh đế hoán đổi dường như rất tận tụy với việc họ làm, không có hành vi nào khác lạ. Vu Xà vì thế cũng đỡ lo một chút.
-
Ở phương diện khác, từ lúc Hoàn vương đến, việc quản lý quân đội trong liên quân Tề - Trịnh cũng có những chuyển biến nhỏ. Sau khi Hoàn vương đến đây, Trịnh Uyên không còn nghe thấy Thiệu Dương luyện đàn. Ngược lại, Thiệu Dương còn lập lại kỷ luật quân đội, từ giờ Tuất tới giờ Sửu hằng ngày, trong toàn quân không được gây tiếng động ầm ĩ. Dù y không bao giờ nói lý do vì sao lại thế, nhưng ai có mắt đều nhìn thấy rõ. Người như Hoàn vương, từ thuở thiếu thời đã bận rộn trăm công nghìn việc, không có lấy nửa ngày thảnh thơi, nếu ngủ được cũng không thể ngủ sâu, chỉ cần một chút động tĩnh đã bị đánh thức. Dù là hộ vệ tùy thân của hắn cũng chỉ đứng gác từ khoảng cách hơn mười bộ ngoài lều Hoàn vương. Thiệu Dượng biết những nề nếp thường ngày của Hoàn vương, cho nên mới yêu cầu quân lính giữ gìn im lặng tuyệt đối vào ban đêm.
Đây cũng là lý do vì sao mà đạo quân Khinh kỵ Niễn Trần uy danh hiển hách trong thời đại Tề Chiêu Hòa, nay hầu như mai danh ẩn tích khi Tuyên Minh đế lên ngôi. Kỵ binh Niễn Trần được tuyển lựa từ lúc thiếu niên, được đưa đi huấn luyện sau đó không ngừng tranh đấu loại trừ lẫn nhau. Từ một vạn thiếu niên ban đầu dần dần bị thải loại đến khi chỉ còn một đạo kỵ binh ba ngàn quân, mỗi người đều là một tinh nhuệ ngàn dặm chọn được một. Từ xa xưa, đạo quân này đã do hoàng thất đích thân nhận lãnh, cũng chính họ hộ tống hoàng thất xuất chinh. Không chỉ vậy, trong quân còn có một luật lệ bất thành văn, rằng hoàng tộc nhận lãnh đạo quân này phải học được công phu Cầm Tiễn không truyền cho ai khác ngoài hoàng thất nước Tề.
Sau thời kỳ Chiêu Hòa đế, Tề Hiển Dương vì không thể học võ nên giao quyền thống lĩnh Khinh kỵ Niễn Trần cho Hoàn vương Tề Hoàn Duyên. Cũng như đa số nam tử trong hoàng tộc nhà Tề, từ thuở bé Hoàn vương đã học tập cung mã Cầm Tiễn, là một nhân vật kiệt xuất trong hoàng thất. Vốn hắn nên giống Tề Chiêu Hòa mà dẫn Khinh kỵ Niễn Trần chinh nam phạt bắc. Chỉ là, nếu Tề Hoàn Duyên dẫn quân xuất chinh, hằng đêm đều ngủ không yên giấc, vì chỉ vừa chợp mắt đã giật mình choàng tỉnh trong tiếng tù và, đến khi quay về triều là hắn đã trằn trọc đến tiều tụy bất kham. Hằn cũng từng nghĩ đến việc giao quyền chưởng quản Niễn Trần sang tay người khác, nhưng vì Tuyên Minh đế Tề Hiển Dương chỉ có một người anh em ruột là Tề Hiển Tư, người xưa nay luôn ôm tị hiềm đối với Tuyên Minh đế. Còn trong thế hệ hắn, chư vương kẻ thì nhận tội bị phế bỏ, kẻ thì ôm chí hướng khác không chịu nhận sự trọng dụng. Do đó, khi Khinh kỵ Niễn Trần dưới trướng hắn, vì lý do kia mà rất ít có dịp chân chính xuất chinh, chỉ phụ trách phòng vệ ở lân cận kinh đô. Lần này, nếu chẳng phải vì Tuyên Minh đế kiên quyết phạt Ngụy, tấn công đã lâu mà không thành, sợ hiểm họa sẽ tổn ại an nguy nước nhà, Tề Hoàn Duyên cũng chẳng nhọc lòng đảm đương việc phí sức hại thân như thế.
Từ góc nhìn của mọi người trong quân Niễn Trần, kỷ luật mới của Thiệu Dương lập ra chỉ là một cách để nói lên rằng y không có kỹ năng gì cả. Nhưng với các tướng quân nước Tề ủng hộ Thiệu Dương, cũng như các tướng nước Trịnh mà nói, họ ra chiều ngấm ngầm phật ý đối với sự lấy lòng thấy rõ của Thiệu Dương đối với Hoàn vương. Nhất là, đối với chúng tướng quân nước Trịnh, dù có là Tĩnh Hoài đế ngự giá thân chinh, cũng chưa từng được Thiệu Dương cung phụng chăm lo đặc biệt như thế.
Nhưng Trịnh Uyên không hề ngại. Trước khi gặp gỡ Tề Hoàn Duyên, cậu vẫn tò mò không biết, người nam nhân mà ngày đó Ngụy Ly xem là quân xanh, đồng thời cuối cùng là người dẫn đến việc nước Ngụy tiến hành phạt Trịnh trước, cho đến cùng có bao nhiêu năng lực. Hôm nay đã gặp được, quả thực là bậc nam nhi xứng đáng với bốn chữ "văn võ song toàn". Cũng chỉ có một nam tử như thế mới khiến cho Hộ Quốc tướng quân chiến công lừng lẫy của nước Tề chân thành kính phục.
"Văn võ song toàn", cũng chính là lời nhận định cuối cùng của các nhà sử học ngày sau đối với Tề Hoàn Duyên. Bốn chữ này, nom có vẻ bình thường đơn giản, nhưng người thật sự có thể thật sự xứng đáng với chúng không có mấy ai. Nhiều lúc, những ngôn từ cũ kỹ và nhàm chán được mọi người dùng tới dùng lui lại ẩn chứa sự tán dương cao nhất mà lịch sử có thể ban tặng. Có người thân là quan văn nhưng có thể ngồi giữa lòng quân mà bày mưu hiến kế, là một quan văn anh dũng nhưng không phải là võ tướng. Có người thân là võ tướng nhưng có thể nghĩ chước ra chiêu chỉ điểm giang sơn, là bậc trí võ nhưng thật ra không phải văn gia. Kẻ có thể đứng giữa điện Kim Loan phong lưu tột cùng, lại anh dũng đứng đầu ba quân trên chiến trường oanh liệt mới chính là người văn võ vẹn toàn. Các nhà sử học tổng kết, văn có thể an bang, võ có thể định quốc, kể từ sau Tề Hoàn Duyên, khắp Lục Quốc không ai dám sánh.
Dẫu vậy, vị Hoàn vương nướcTề đến như thần thoại ấy cũng nào có ngờ, chỉ vài hôm sau khi quân doanh nướcNgụy treo cao tấm thẻ bài miễn chiến, liên quân tự dưng nhận được một bức thưdo chính tay Cẩn Hâm hoàng đế viết. Ngự bút ấn son, đôi ba dòng chữ đều tậptrung hết vào một luậnđiểm, nhưng là một luậnđiểm màchẳng ai có thể đoán ra nổi: Cầu hòa.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT