Những ngày sau đó, Thảo cũng lòng dạ nơm nớp chờ đợi hậu quả của việc dám tự ý bỏ về đó. Cái con người ấy đã từng cho du côn đập phá nhà cô thì thực sự hắn chẳng thương xót cô một chút nào và cô không thể chủ quan được.
Nhưng nỗi lo này chưa xong thì nỗi lo khác lại ập tới. Cô bị thất nghiệp. Cái xưởng gia công bao bì mà cô đã có thời gian gắn bó khá lâu, nơi đã cho cô công việc ổn định và đồng lương tạm được ở vùng quê này, bây giờ bỗng làm ăn khó khăn phải cho nghỉ bớt người, và cô là người đầu tiên. Cô đã được gọi vào gặp riêng và đích thân ông chủ đã cho cô nghỉ việc.
Cô đã tự trách bản thân đã để mình kém cỏi mới nên nỗi bị thành người thừa đầu tiên như thế. Nhưng cô lại hoang mang vì ngoài việc làm tốt nhiệm vụ được giao thì không biết còn phải phấn đấu cái gì nữa. Chắc tại tính cô quá thật thà, chưa biết nịnh bợ ai nên không được người ta quý. Cô tự nhủ như vậy để an ủi mình.
Nhưng bây giờ thì cô thực sự nghi ngờ về bản thân vì bao ngày qua cô vẫn không thể tìm được công việc khác. Cô đã xin nhiều nơi nhưng không ai nhận, kể cả chỗ đang thông báo tuyển lao động. Lý do họ từ chối cô thật hết hi vọng: nào là không có nhu cầu, nào là không tuyển nữ, nào là không tuyển người chưa có kinh nghiệm, rồi lại tại cô không có bằng nghề… Và kể cả cô đã thiết tha xin được làm bất cứ công việc gì thì họ cũng chỉ ghi nhận bằng câu “Khi nào chúng tôi cần thì sẽ liên lạc sau”!
Chuỗi ngày tìm việc càng ngày càng trở nên vô vọng. Ông Mạnh thì bỗng im hơi lặng tiếng. Cô cũng thắc mắc vì kiểu trở chứng này. Nhưng cô không còn tâm can mà nghĩ nhiều về ông ta. Bởi trong cô chỉ có mối lo duy nhất: phải đi làm kiếm tiền trả nợ.
Song song với nỗi lo của cô là ánh mắt lo lắng của mẹ mỗi khi cô trở về nhà:
-Hôm nay thế nào con? Có xin được không?
Đáp lại luôn là cái lắc đầu chán nản. Mẹ Thảo đã phải nghi ngờ thốt lên:
-Lạ thật, con làm việc ai cũng khen mà sao xin đâu cũng không được nhỉ. Hay lúc trước con có làm gì mất lòng ai không. Nhớ xem.
Thảo cố nghĩ nhưng cô nhớ là mình chẳng hề xích mích với ai, thậm chí cô còn luôn được lòng mọi người. Đáng buồn hơn nữa là cô được biết ngay sau khi cho cô nghỉ, người ta lại nhận người khác vào làm luôn chỗ đó. Vậy nguyên nhân thực sự là đâu, có trời mà biết. Chỉ biết một sự thật rõ ràng là, cô đây, thân phận hẩm hiu, bố cô đã bỏ hai mẹ con cô đi lấy vợ khác từ khi cô lên chín, mẹ cô ốm đau bệnh tật, thân cô thì đeo một khoản nợ khổng lồ, chuyện thúc nợ, chuyện thúc cưới, rồi bị đe dọa hầu tòa… khiến cô giờ chỉ còn biết cắm mặt đi tìm việc.
Quá nản trước những cái lắc đầu từ chối, nhiều lần cô đứng trước gương tự hỏi, cô khỏe mạnh, chăm chỉ, trung thực, học hết lớp mưởi hai, hình thức không đến nỗi nào, đầu óc bình thường, nhưng sao lại không xin được việc?
Thấy rằng không thể xin được ở đây nữa, cô phải tính đến nước đi xin việc làm ở nơi khác. Nhưng như vậy thì phải được sự đồng ý của ông Mạnh. Bởi nếu chưa trả hết nợ cho ông ta thì cô không được đi khỏi cái xã này, đó là cam kết của cô đã được ông ta long trọng bắt lập thành văn bản, không chỉ một cái mà còn đến mấy cái.
Cô đành lóp ngóp đến nhà ông ta thương lượng, nhưng vừa thành thật trình bày thì đã bị ông ta gạt bay.
-Không được, con nợ của tôi, tôi phải quản trong tay. Em có việc hay không có việc, không liên quan tới tôi. Tôi không bao giờ cho em đi đâu hết.
Ông ta còn lôi cả mấy bản cam kết ấy ra, giương lên và không quên nhắc đi nhắc lại cô mà vi phạm thì ông sẽ kiện, sẽ cho cô ngồi tù. Mặt ông ta lạnh te, không chút tình người khiến cho cô rụt lưỡi lại, không dám cầu xin gì nữa. Cô mang nỗi tủi nhục này về mà ngậm ngùi khóc suốt nửa ngày trời.
Nhưng dù thế nào cô vẫn là lao động chính trong nhà, không thể trông vào mỗi một thu nhập ít ỏi mà mẹ cô túc tắc kiếm được qua những công việc lặt vặt làm mướn. Mẹ cô sức yếu còn làm được, huống hồ cô đang sức dài vai rộng như thế này. Thế là cô theo chân mẹ đi làm mướn công buổi. Ai kêu đâu làm đấy. Từ những việc bình thường đến những việc nặng nhọc, cô nhận làm hết. Đúng dịp làng đang vào vụ nông, hai mẹ con cô có khá nhiều việc.
Từ ngày cô gia nhập đội quân làm mướn trong làng, tự dưng ông Mạnh năng ghé qua nhà cô. Vẫn cái ánh mắt cứ dán vào cô từ lúc đến tới lúc về và thêm thái độ lầm lì dò xét. Ông ta sắp làm gì cô đây? Cô căng óc đoán mãi mà không ra.
Cuối cùng cô có nhà mà không dám về, cái công việc giờ giấc thất thường này giúp cô tìm lý do để trốn ông ta khá dễ. Ông ta cũng hậm hực nhưng cũng không bắt bẻ được cô. Nhưng ông ta không chịu thua, chuyển đóng đô ở nhà cô vào buổi tối. Cô hoảng quá, tối đến phải sang nhà con bạn gần nhà mà né.
Nhưng chỉ được ba tối thì ông ta quyết phục cô tới tận khuya để gặp cô cho bằng được. Cô vừa mới bước chân đến cửa nhà thì ông ta đã từ trong nhà xông ra trước mặt cô, sấn sổ quát:
-Em đi đâu mà bây giờ mới về? Hả? Đợi thêm lúc nữa mà không thấy là tôi đi tìm em đấy! Biết chưa!
Thảo sững lại, nhìn cái mặt ông ta đang phừng phừng dữ tợn. Cô biết rồi, ba tối chờ đợi cô đã đủ tích thành một quả bom, bây giờ thì nó phát nổ. Cô cố bình tĩnh bước vào nhà, im lặng, quyết không đụng vào quả bom.
-Nói đi! Em vừa đi đâu! Đi đâu! - Ông ta nhảy xổ chặn chân cô, quát như sấm.
Thảo nhăn mặt quay đi. Ông ta sòng sọc nhìn cô mà quát.
-Nói ngay! Cô vừa đi đâu về? Nói!
-Cháu đi đâu, chú hỏi làm gì? - Thảo khó chịu cất lời.
Ông Mạnh trợn mắt gào lên:
-Tôi muốn biết cô vừa đi đâu? Giờ này còn nhà nào thuê cô nữa? Thế thì cô đi đâu. Hả? Nói ngay!
Thảo ngạc nhiên nhìn ông ta, chưa khi nào ông ta nổi nóng như hôm nay. Mẹ cô đang lấm lét đứng một góc. Nỗi căm tức dấy lên đầy lồng ngực. Ít ra ông ta cũng phải biết tôn trọng mẹ cô chứ. Cô bực bội cãi.
-Chú đừng có ầm ầm lên thế, đừng làm mẹ cháu đau tim.
Ông ta vung hai tay lên mà gào rống.
-Thế thì cô nói ngay cho tôi biết là cô đi đâu! Đi đâu mà tận giờ mới về? Biết bây giờ là mấy giờ rồi không! Hả!
Cô chẳng muốn cãi nữa, cúi đầu bước đến bên mẹ, mẹ cô giật tay cô ra hiệu cô hãy trả lời ông ta. Cô lắc đầu bướng bỉnh. Ông ta nghiến răng.
-Không nói à! Vậy có phải cô đi với thằng nào không?
-Không phải! – Cô bật ngay.
-Con gái đi tối đi tăm thế này, không phải thế thì là đi đâu?
Ông ta nhìn xoáy vào mắt cô, cô phát hoảng, bịa vội một lý do.
-Cháu … cháu đi liên hệ tìm việc. Buổi… buổi tối người ta mới về.
Tưởng thế là xong, ai dè ông ta hùng hổ hơn.
-Tìm việc à? Tìm việc cái cứt! Cô ở nhà đi cho tôi nhờ. Đừng có lọ mọ thế nữa. Cô sẽ không thể tìm được việc đâu!
Tự dưng cô phát hiện ra một điều gì kỳ lạ trong mắt ông ta. Cô nhìn vào ánh mắt ấy, cùng với một linh cảm tệ hại xuất hiện. Vài giây yên lặng trôi qua. Ông ta đáp lại sự đón đợi của cô bằng cái giọng tuyên bố chắc nịch.
-Tất cả các xưởng, các doanh nghiệp trong xã sẽ không nhận em. Tôi đã có lời rồi, đừng phí công vô ích.
Cái gì? Cô không muốn tin vào tai mình. Nhưng cô đã hiểu ra sự thật. Lồng ngực cô chỉ muốn vỡ tung, nỗi uất ức đã vượt quá giới hạn. Cô nhìn mẹ, bà cũng đang bàng hoàng nhìn cô. Cô lại quay nhìn ông ta đầy căm giận, ông ta liền quay mặt đi. Thật là đồ táng tận lương tâm, ông ta mà cũng biết hổ thẹn cơ à. Cô nhìn kẻ xấu xa kia mà không biết phải làm gì mới trút được cơn uất hận, nước mắt cô tuôn rơi, giọng cô nghẹn lại.
-Thảo nào… thảo nào, tôi không thể xin được việc. Ai người ta cũng từ chối tôi. Hóa ra là do ông. Ông… Ông quá đáng thế, sao ông quá đáng thế. Hu hu… hu hu..
Cô khóc thành tiếng. Tiếng khóc nức nở làm ông ta động lòng. Ông ta luống cuống tới bên cô. Cô nhìn ông ta qua làn nước mắt.
-Đã thế sao ông không nói cho tôi biết trước. Ông có biết là suốt thời gian qua tôi đã khổ sở như thế nào không… Hu hu… tôi đã đi khắp nơi… hu hu… lại còn đến cầu xin ông nữa… hu hu, tôi đâu có ngờ…hu hu…
-Thảo à… Thảo à, đừng khóc… đừng khóc mà…- Ông ta đỡ tay Thảo.
-Bỏ ra! - Thảo hất ra, đấm thùi thụi trả lại - Ông làm tôi sống tủi sống nhục suốt bao ngày qua. Ép tôi thất nghiệp à… hu hu … việc đó mà ông cũng làm được sao. Đồ dã man! Huhu…
-Đừng khóc nữa – Ông ta có vẻ thương xót cô – Anh vì bắt buộc nên mới làm như thế. Lẽ ra… anh không nói cho em biết. Nhưng tại vì… em cứ làm những chuyện rồ dại…
Ông Mạnh mồm thì nói, tay lại nắm tay cô.
-Đừng giận nữa. Anh làm thế chỉ vì để lấy em.
-Nhưng tôi không thích ông! Sao cứ bắt tôi phải lấy chứ! - Thảo hét lên, hất ra.
Mẹ cô đứng cạnh cũng nước mắt ngắn nước mắt dài từ bao giờ. Bà sụt sùi lên tiếng.
-Ông Mạnh. Ông làm thế là không được. Ông là người lớn, ông phải đàng hoàng chứ. Sao ông lại gây ra chuyện này với nó. Ông muốn cưới nó, thì ông phải làm cho nó thích ông, chứ sao lại toàn đi làm những chuyện ngược lại. Những việc ông làm, nói thật, đến tôi, tôi cũng không chấp nhận được.
Ông ta có vẻ bối rối, cứ cúi nhìn vào gương mặt chan hòa nước mắt của cô. Cô căm ghét bỏ ra ghế ngồi, quay lưng lại, bờ vai cô rung lên, kèm theo những tiếng nấc uất ức.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT