Bởi vì nhà khi chuyển đến là chưa từng có người ở, cho nên bên trong căn bản là trống trải. Mà tôi thì bận rộn không có thời gian đi mua thêm những đồ nội thất gì mới, vì vậy thời điểm cuối tuần thảnh thơi, tôi liền đưa Tôn Dập ra ngoài mua sắm. Em cũng đề cập đến việc cùng tôi trả tiền nhà, nhưng tôi chỉ cười, bảo em đừng quên lần trước tôi còn vay em mười vạn. Em cũng lại cười, sau đó không nhắc đến chuyện này nữa.
Bây giờ có rất nhiều người nói yêu, nghĩa là trước đó còn phải tìm hiểu xem hoàn cảnh gia đình người kia thế nào đã. Cái này cũng không sai, chỉ là không phải tình yêu, hoặc thứ tình yêu đó quá ít ỏi. Đã chân thành yêu nhau, con người ta không nên tính toán vấn đề này…
Chúng tôi mua được khá nhiều đồ. Mua được một chiếc ghế bành đặt cạnh cửa sổ lớn để nằm đọc sách, còn mua được một bàn trà nho nhỏ, rồi radio mới, hay những chậu cây lá xanh ngát… Chúng tôi lại y như ngày đó, Tôn Dập cũng chỉ cái này chỏ cái kia, bảo tôi đặt cho hợp vị trí.
Đầu tháng tư, một dự án tôi đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo đã hoàn tất, các nhân viên vui vẻ ra mặt, hồ hởi muốn tôi tổ chức một buổi tiệc mừng. Đoạn thời gian đó là bởi vì mải chăm lo cho em, vậy nên phần đa công việc tôi đều phân công hết cho các thành viên thuộc tổ dự án. Hiện tại Tôn Dập đã tốt hơn nhiều lắm, tôi quyết định cho mọi người ăn chơi một bữa, muốn mang theo người cũng được. Tám người tranh cãi đến nửa ngày, tôi ngồi một bên âm thầm cười, thật may mình không tham dự bàn tán. Cuối cùng mọi người thống nhất đi KTV.
Buổi tối ngày hôm đó tôi dẫn em đi theo, bọn họ lập tức kinh ngạc trông thấy. Bảo rằng vẫn nghĩ sẽ không được trông thấy mặt mũi “bạn gái” tôi mà họ đã mong chờ từ lâu, còn nghĩ không biết đó là người đẹp như thế nào…Tôi cười, hỏi: “Làm sao? Thế này còn chưa đủ đẹp hả?” Các đồng nghiệp nữ thi nhau lắc đầu nguầy nguậy, bảo em đẹp lắm, còn có thể làm ngôi sao điện ảnh.
Mặc dù tổ chúng tôi chỉ có chín người, nhưng ai cũng mang theo bạn hoặc là người yêu, cho nên trong phòng ngót đến gần hai chục người, cùng với rất nhiều bia và đồ ăn. Sau khi chơi mấy trò chơi, bọn họ nhất quyết bảo Tôn Dập hát một bài. Em từ đầu tới cuối chỉ ngồi sát bên cạnh tôi nhâm nhi ly nước, em mỉm cười, đứng lên chọn bài hát.
Giọng của em so với thanh điệu trong bài hát gốc khác hẳn, dẫu vậy ai cũng chăm chú nghe em ca. Đám người nháo loạn cả buổi cuối cùng an tĩnh, đôi tai lắng nghe ca khúc ngọt ngào, lắng sâu. Em quay lưng về phía chúng tôi, hát đến mấy câu cuối mới quay mặt lại, đứng ngược với ánh sáng từ màn hình lớn, em như một bóng đen hao gầy, đôi mắt rũ xuống, lúc ngẩng lên, nhìn chằm chằm vào những rượu, bia trên bàn. Câu cuối cùng vang lên, “…đồng ý được không, đừng rời xa em nữa, chúng ta ở đây, cùng đợi mặt trời lên.” Không biết vì em hát hay quá, hay bởi đôi mắt của em lúc ấy thật buồn, khi em hát xong liền có mấy người đưa tay lau nước mắt.
Ngày đó tôi đưa em về trước, dù sao sức khỏe em cũng không bằng người bình thường, không nói đến đám đồng nghiệp kia sức khỏe trâu bò. Mà dù là về trước như thế, buổi tối hôm sau em nhăn mày, kêu khó chịu. Tôi lo lắng hỏi xem có đi bệnh viện không, em lại bảo ngủ một giấc sẽ tốt hơn, bởi thế liền đi ngủ. Ngày thứ hai tôi phải đi làm, buổi trưa vẫn như mọi ngày về nhà cùng em ăn cơm, nhìn thấy em vẫn không khá hơn chút nào, tôi bảo “Đến chiều sẽ đi bệnh viện.”
Em cười cười, đáp: “Tới chủ nhật thì đi.”
Đến khi tan tầm trở về nhà, nhìn em miễn cưỡng tỏ ra bình thường để tôi khỏi lo, tôi lại lên tiếng. “Ngày mai chúng ta đi bệnh viện một chút thôi nhé?” Em trầm mặc một lúc, sau đó gật đầu… Tôn Dập có thân nhiệt thấp, tôi vẫn luôn ôm em khi ngủ. Đêm ấy em ngủ không ngon giấc, tôi mơ màng ngủ vẫn cảm giác em tỉnh, giống như đang chịu nhịn cái gì đó, chờ đến khi trời sáng.
Lúc em làm kiểm tra, tôi một mực ở đó chờ, nhìn dáng người đằng sau cửa kính mà lòng lo lắng không yên. Sau đó có kết quả, những điều bác sĩ nói làm tôi như thể phát điên lên, đầu óc trống rỗng. Trong thời gian ngắn như vậy, tim em lại có vấn đề, chẳng những thế còn ảnh hưởng đến hiệu quả của lần phẫu thuật vừa rồi. Đơn giản mà nói, em chính là cần làm phẫu thuật một lần nữa. Thế nhưng mới phẫu thuật cách đây chưa lâu, cho nên tình trạng của em không đủ khả năng tiếp tục làm. Em ngồi nghe bác sĩ nói, môi mím chặt, không nói lời nào. Bác sĩ bảo tôi thu xếp, để em ngay lập tức nằm viện. Tôn Dập không có ý định ở lại chờ, thế là em theo tôi về nhà thu dọn.
Chỉ vài tiếng ngắn ngủi, trước khi ra khỏi nhà tâm tình còn nhẹ bẫng, cũng chỉ nghĩ đi khám xem sao, sau đó trở về, chúng tôi lại tiếp tục cuộc sống hạnh phúc. Mà bây giờ, có lẽ không phải như vậy nữa… Thu dọn đồ dùng cá nhân, đủ các đồ cần thiết, cho đến lúc ăn xong bữa trưa, chúng tôi vẫn không nói lời nào. Dọn bát đũa xong, đến lúc phải đi, Tôn Dập đi tới đi lui trong phòng, cẩn thận nhìn mỗi mội đồ vật trong nhà, rồi lại nhè nhẹ chạm vào chiếc bàn, chiếc ghế trong nhà… Tôi thoáng vô lực, ngồi phịch xuống chiếc ghế bành cạnh khung cửa sổ, trong lòng đau đến khó thở, nhìn em… Cuối cùng, em bước tới cạnh tôi, ánh mắt nhìn tôi cũng tha thiết như nhìn từng thứ đáng trân quý trong căn nhà của em và tôi. Ngón tay em chạm lên da tôi, em nói: “Ngôi nhà này, em lưu luyến nhất, chính là anh.” Em nói, đôi mắt mông lung nhìn. Tôi vươn tay kéo em vào trong ngực, muốn ôm em chặt thật chặt, vẫn là sợ khiến em đau… Người tôi yêu chính là một người có sinh mạng yếu ớt như thế, yếu ớt đến nỗi ôm thật chặt cũng không thể. Chỉ có thể coi em như bảo vật nhỏ bé, thận trọng yêu thương trong lòng bàn tay. Nếu như không cẩn trọng giữ lấy, có khi em sẽ ở ngay trước mặt tôi mà biến mất…
“Hạo Nhiên, thật xin lỗi.” Em khóc. Trong trí nhớ của tôi, em chỉ khóc trước mặt tôi đúng hai lần, đây là lần thứ hai, và cũng là lần sau cuối…
Không sao, sẽ tốt, anh sẽ nghĩ cách giúp em, anh sẽ đi tìm bác sĩ giỏi nhất, đừng sợ… Muốn nói với em thật nhiều, muốn nhẹ nhàng vuốt lên mái tóc để an ủi em, nhưng tôi lại cũng khóc không thành tiếng mất rồi. Thật ra trong lòng đã rõ, lần này có lẽ không còn cơ hội nữa.
Ánh mặt trời ôm trọn trên người chúng tôi, ánh nắng xuân biếng lười mà ấm áp. Chúng tôi vẫn nghĩ đông qua đi rồi mùa xuân nhất định sẽ tới, cứ đinh ninh như vậy, và đi hết mùa đông… Chúng tôi ôm lấy nhau, khóc, mà không có tiếng.
Buổi chiều ở bệnh viện làm xong thủ tục này nọ, tôi gọi điện cho ba em.Ba em cùng bác sĩ trưởng nói chuyện, vẻ mặt nặng nề. Vị bác sĩ kia lần trước làm phẫu thuật cho em là chuyên gia, có thể coi là rất được kính trọng. Người đó nói em làm phẫu thuật còn chưa tới hai tháng, hơn nữa lần này sẽ vô cùng thống khổ, tỉ lệ thành công không cao, nhưng chướng ngại vật không thể không vượt qua. Suốt buổi chiều ngày đó, ba em dáng sẻ u sầu, đứng tựa vào cầu thang mà hút thuốc. Tôi muốn cất tiếng nói điều gì đó, cuối cùng chỉ lẳng lặng tựa vào lan can, không nói lời nào. Hai người cứ thế trầm mặc, sau đó cùng trở lại phòng em.
Tôn Dập đang nằm trên giường bệnh, còn đeo máy thở. Hình ảnh vui vẻ, hoạt bát của em những ngày gần đây cứ thế mất tăm, cứ như vậy dễ dàng tan biến. Ánh sáng hắt lên khiến cho khuôn mặt em càng thêm trắng bệch, nhìn vào sẽ thấy em khổ quá, hô hấp thôi cũng thật khó khăn. Em lặng lẽ nhìn chúng tôi bước vào, thế rồi hồi lâu, ánh mắt em dừng lại nơi tôi, nhưng không nhìn ra bất cứ tình cảm khác lạ nào, giọng nói lại kiên định. Em nói: “Ba à, con muốn sống.”
Ba em nhìn em, sửng sốt, sau đó khẽ gật đầu, giống như đang lầm bầm một mình “Được, được. Ba sẽ tìm bác sĩ tốt nhất cho con. Con kiên nhẫn đợi một chút, ngày mai ba đi tìm…”
Ngày sau đó ba em đi Bắc Kinh tìm người, hai ngày sau nữa thì trở về cùng với một người lớn tuổi và hai thanh niên trẻ. Bọn họ đều là những người giỏi được giới thiệu tới, cùng là bác sĩ ngoại. Người lớn tuổi đã từ lâu không còn trực tiếp làm phẫu thuật, nhưng ông ấy vẫn luôn là người hướng dẫn người khác, tỉ lệ thành công cao, hơn thế đã nhiều lần cứu được những ca nguy hiểm. Hai vị trẻ tuổi là học trò ông ấy đắc ý nhất, có đôi mắt tinh, còn có đôi tay linh hoạt, cho nên trẻ tuổi chưa chắc đã là không có kinh nghiệm… Trong thời gian ngắn có thể mời về chuyên gia như vậy, ngoại trừ có quen biết bên ngoài, hẳn là ba em đã bỏ ra rất nhiều thứ vì em… Tôi thực sự không rõ tình cảm ông ấy dành cho em là gì. Mặc dù bỏ ra bao nhiêu tiền cho em cũng được, mọi chuyện cũng làm theo ý em, thế nhưng tôi cảm thấy…ông ấy có chút lạnh nhạt. Có lẽ tính cách ông ấy vốn như vậy? Tôi chưa từng trông thấy ba em vì em mà rơi lệ, bất kể là nhìn em có đáng thương đến thế nào, khiến cho người khác đau lòng đến thế nào, ông ấy cũng không lộ ra một tia khổ sở. Ngay cả ngày em ra đi, ông ấy cũng hết sức bình tĩnh. Giờ nghĩ lại, ba đối với em, có nhiều trách nhiệm cùng áy náy hơn là tình cảm. Mà tình cảm có lẽ cũng có, chỉ là nhìn không ra được.
Các vị bác sĩ dùng thời gian nhanh nhất có thể cùng nhau đưa ra phương án hữu hiệu nhất, tiến hành một cuộc đánh cược, mà được đánh cược, chính là sinh mạng người tôi yêu nhất. Ngày thứ hai sẽ tiến hành phẫu thuật, tuần trước chúng tôi còn vui vẻ ở KTV, em còn thương lượng sang tuần mới đi bệnh viện. Nhanh quá, mọi thứ cứ vậy ùa đến, tôi không tài nào giải thích nổi. Hết thảy là thế nào đây, Tôn Dập của tôi?
Đêm trước ngày phẫu thuật, tôi và cả ba em ở với em trong phòng bệnh. Những ngày qua ba em đều ở bên ngoài, mọi chuyện cũng thuận tiện lo liệu, em cũng không cần người ngủ đêm bên cạnh, nhưng chúng tôi mỗi ngày đi rồi sẽ lại quay lại xem em… Căn phòng này không giống lần trước, chỉ là một phòng bệnh bình thường, có ba giường một phòng. Nhưng ba em thuê cả phòng luôn, tuy đắt, nhưng rất thanh tịnh. Ba chúng tôi ai cũng có tâm sự, ai cũng không nói lời nào, trong phòng yên lặng đến kì quái. Đang nằm nhắm mắt trên giường, bỗng dưng Tôn Dập hỏi ba. “Ba, chuyện hiến tặng cơ thể, vẫn không thể đồng ý sao?”
Ba em thở dài, bất đắc dĩ bảo: “Con cứ lành lặn không được sao, cứ phải đem tặng đi làm gì? Ba cái gì cũng có thể đáp ứng, riêng chuyện này thì đừng bao giờ nghĩ tới.”
Tôn Dập lại nhắm mắt lại. Tôi nghe đến phát lạnh cả người, mặc dù rất muốn để em toại nguyện, nhưng trong lòng thực chất cũng không muốn để người khác làm thế này thế kia với cơ thể em. Em lại lần nữa mở mắt ra, nói: “Thế thì hải táng đi.” Nói xong không nhìn ông nữa, kéo chăn lên bắt đầu ngủ,.
Ba em kinh ngạc hồi lâu, cuối cùng nặng nề thở dài…
Giống như mọi lần, sau khi ba em đi rồi, em không ngủ, ngồi trên giường đợi tôi quay lại. Trông em tiều tụy và mệt mỏi, chúng tôi nói chuyện thật lâu, em mỗi một câu nói ra đều khiến tôi muốn khóc, mà cố nén khóc, cho nên đầu óc rối loạn một mảng. Còn nhớ em nói một câu thế này. “Hạo Nhiên, cuộc sống tựa như một cây đao, nếu như không mài, sẽ không thể sắc bén.” Thanh âm nghe khàn khàn, trầm trầm. Trải qua nhiều đau khổ như vậy, ở đoạn đường cuối cùng của sinh mệnh, em lại nói với tôi lời đó… Tôi chỉ có thể gật đầu, sợ vừa mở miệng sẽ lại rơi nước mắt. Dừng lại một lát, em nói tiếp: “Anh hãy sống tốt…” Nói xong liền tắt đèn, kéo chăn lên.
Ở trong đêm tối tôi đã khóc rất nhiều, ngồi cạnh em, nắm tay em, suốt đêm đó. Câu nói của em ngày đó tôi vẫn khắc ghi thật sâu trong lòng.
“Cuộc sống tựa như một cây đao, nếu như không mài, sẽ không thể sắc bén.” “Anh hãy sống tốt…”
Đây là câu sau cùng em nói với tôi, sống thật tốt…Bây giờ tôi vẫn lấy câu đó làm châm ngôn sống. Là bởi em đã nói, cho nên tôi đáp ứng em…
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT