Trong một phòng trà nhỏ, hai ông lão đang ngồi. Không mấy ai biết hai ông lão này là ai. Nhìn bề ngoài đa phần mọi người sẽ không để ý tới hai ông lão này, họ hoàn toàn không có chút giao động linh khí nào. Thế nhưng, nếu như có tiếp xúc qua thì mọi người sẽ lại có một cảm giác vô hình rằng hai ông lão này không hoàn toàn “bình thường” như vẻ ngoài của họ. Mà hai lão, hiển nhiên là Nguyễn Lão và Quy Lão lâu ngày mới có dịp gặp nhau hàn huyên.
Quy Lão thì vừa mới về tới chỗ Lạc Long Quân chưa lâu, ngồi còn chưa ấm chỗ thì đã thấy Nguyễn Lão chạy tới cửa. Thế nhưng, Quy Lão còn chưa kịp mở miệng nói gì thì đã thấy Nguyễn Lão huơ huơ một hộp trà trong tay. Cả cái Hội Đồng mười người, ai cũng biết trà do Nguyễn Lão trồng và pha chế ngon đến không có chỗ chê. Cũng không biết ông ta có bí quyết gì hay đơn giản tay ông sinh ra để trồng, pha chè vậy, thế nhưng mỗi một khi Nguyễn Lão lấy hộp chè ra thì sẽ không có một thành viên nào trong Hội Đồng còn khả năng từ chối yêu cầu của ông. Quy Lão vừa nhìn thấy Nguyễn Lão “ra chiêu” thì cũng chỉ còn nước lắc đầu thở dài, ra dấu mời dẫn đường.
Cũng không rõ tại sao hai người không tới nơi nghỉ chân của Lạc Hồng Đạo Quán, cũng không ở lại chỗ của Lạc Long Quân, mà lại kéo nhau tới một phòng trà nhỏ gần như không có một chút gì đặc biệt ở ven đường. Tuy nói quán trà này “không có gì đặc biệt”, thế nhưng cũng là một quán khá to. Quán cũng chia nhiều gian nhiều phòng với cấp bậc khác nhau. Hai ông lão bước vào thì cũng không một ai để ý. Thế nhưng yêu cầu của họ thì lại khiến nhiều kẻ thấy khó hiểu: Họ đặt phòng hạng nhất, thế nhưng lại chỉ gọi loại trà bình dân nhất, không có một chút gì đặc sắc. Khi tiểu nhị gặng hỏi lại, cũng như giới thiệu các loại trà ngon hơn, thì hai ông lão chỉ cười rồi nói họ “quen” loại trà hạng bét kia rồi.
Đa phần mọi người, kể cả đám phục vụ trong quán trà chỉ lắc đầu. Theo họ nghĩ, hẳn là hai ông lão này thuộc loại “nhà quê, không biết thưởng thức”, chả qua không rõ việc gì kiếm được chút tiền nên định “học đòi làm sang”, nên mới “giấu đầu, lòi đuôi” như vậy. Lại thêm nhìn vào cách ăn mặc của Nguyễn Lão thì bọn họ lại càng tin như vậy.
Quả thật cái phong cách ăn mặc của Nguyễn Lão khiến đa phần mọi người phải che miệng cười. Ông thường mặc đạo bào, đội mũ bê rê, chân đi guốc mộc, dép lốp, hoặc dép tông. Cái trang phục có vẻ không ăn nhằm gì với nhau này đã khiến nhiều người kêu ca với Nguyễn Lão. Thế nhưng, ông chỉ cười mà không nói gì, cũng không thấy ông thay đổi cái phong cách vô cùng dị này. Thế nên, dần dà cũng không ai góp ý gì nữa.
Vậy nhưng, mấy ai biết đồ Nguyễn Lão khoác trên mình toàn là pháp bảo do chính tay ông khổ công luyện chế? Tuy bề ngoài không ăn nhằm gì với nhau, thế nhưng Nguyễn Lão là người thực dụng, ông quan trọng công dụng, chứ không quan tâm vẻ ngoài. Thực ra, ở trình độ của Nguyễn Lão, muốn biến hóa một chút cho đẹp mắt cũng được. Thế nhưng ông lại mặc kệ. Dị một chút, lạ một chút thì đã làm sao? Coi như là “phong cách” của ông đi. Tại sao phải đi lo làm hài lòng người đời? Chỉ cần ông thoải mái, lại không hại gì đến ai là được.
Bộ đạo bào rộng thùng thình trên người Nguyễn Lão chính là một pháp bảo chứa đồ kiêm phòng ngự. Về phòng ngự, đạo bào này có thể chịu công kích toàn lực của Đạo Tôn mà không chút ảnh hưởng. Trên Đạo Tôn, đánh vào đạo bào này công kích cũng bị giảm mạnh. Tuy tác dụng phòng ngự không quá lớn, thế nhưng vẫn giúp ích không ít đối với Nguyễn Lão. Còn về phần chứa vật, ống tay áo này kết nối tới một không gian túi khổng lồ. Nên nếu Nguyễn Lão muốn, ông ta có nhét bao nhiêu vào ống tay cũng được. Thậm chí, trong chiến đấu, chỉ một cái phất tay, ông ta có thể hút cả đối phương vào trong không gian túi này. Chỉ cần tu vi đối phương không vượt hơn hẳn ông thì trong thời gian ngắn tuyệt đối không thể thoát ra. Chiếc mũ bê-rê trên đầu ông khi cần có thể ném và điều khiển như mấy chiếc vòng của Kim Luân Pháp Vương trong Thần Điêu Hiệp Lữ của Kim Dung. Cuối cùng, ba loại giầy dép Nguyễn Lão sử dụng, lần lượt có tác dụng tăng phúc cho ba loại nguyên tố mà ông sở hữu, Mộc, Thủy, Hỏa.
Thế nhưng mọi người trong quán trà sao có thể biết? Họ chỉ thấy hai ông lão ăn mặc kỳ quặc mà thôi. Họ cũng lại tuyệt nhiên không nghĩ tới, nếu như hai ông lão thật sự đang “học đòi làm sang”, hẳn là sẽ chọn loại chè đắt tiền nhất, chứ sao lại có thể chọn loại bình dân như vậy được? Họ đâu hiểu được Nguyễn Lão và Quy Lão vốn chỉ cần phòng, còn trà thì đã có Nguyễn Lão lo? Thế nên, nếu trà được gọi đằng nào cũng không dùng tới, thì gọi đắt tiền hơn đối với hai người đơn giản chỉ là phí của giời mà thôi.
Tiểu nhị cũng không hỏi nhiều thêm nữa mà dẫn hai người lên phòng, trà cũng nhanh chóng được pha và mang lên. Sau khi tiểu nhị đã đi xuống, Quy Lão cẩn thận ra đóng, khóa cửa. Còn Nguyễn Lão thì bắt đầu lấy “đồ nghề” từ trong người ra.