Bấy giờ ở cách đó mấy dặm, trên núi Linh Sơn, lại có hai người tản bộ. Một thư sinh vận giáp vác kích, một thầy tướng số tay cầm cương giản thủng thẳng tản bộ dưới chạc cây.

Ấy đương nhiên là hai người Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi.

Trần Nguyên Hãn ngoái về phủ họ Lê ở đằng xa, cười khổ mà nói:

“ Ông anh cứ phải giả thần giả quỷ làm gì, lại còn phải nhờ em gửi mấy túi gấm này cho Đặng Dung, dặn đưa bốn người kia. Bây giờ họ nhìn mấy lời tiên đoán chẳng đầu chẳng đũa của anh chắc đang loạn cào cào lên đấy. ”

Nguyễn Trãi bèn cười, nói:

“ Quốc Tử Giám đã phong anh đây làm sứ giả Hộ Long, trách nhiệm nặng nề vô cùng, tất nhiên phải nhắc nhở bọn họ một phen. Nếu họ tin thì qua khỏi nạn kiếp, mà không tin thì cũng chỉ trách ông trời nữa thôi. ”

Trần Nguyên Hãn bèn cười khổ, nói:

“ Anh đừng bảo em anh quên cái mạng sao chổi cả đời chỉ đoán đúng được một việc của anh đấy! Anh làm cái bài thơ mừng công thắng lợi như vậy, khác nào rủa họ thân bại danh liệt? ”

“ Thiên cơ khó lường… ”

Nguyễn Trãi cười mỉm, đoạn lại nhìn về phương xa, ngâm khẽ:

“ Tiêu tiêu truỵ diệp hưởng đình cao,

Bệnh cốt tài tô khí chuyển hào.

Thiên địa tư văn tùng cổ trọng,

Hồ sơn thanh hứng nhập thu cao.

Kính trung bạch phát giai nhân lão,

Thân ngoại phù danh mạn nhĩ lao.

Miến tưởng cố viên tam kính cúc,

Mộng hồn dạ dạ thượng quy đao.

( Dịch nghĩa

Lá rụng tiêu điều nghe tiếng vì vèo ngoài sân

Bệnh nặng vừa khỏi, lấy lại được hào khí

Nền tư văn của trời đất từ xưa vốn được trọng nể

Nguồn cảm hứng với non nước sang mùa thu càng cao

Xem gương thấy tóc đã bạc, cũng già như thiên hạ

Danh hão ở ngoài cái thân con người, chỉ đưa đến sự nhọc mà thôi

Nhớ về vườn cũ xa vời ba luống cúc

Đêm đêm hồn mộng cứ giục lên thuyền để về.

Dịch thơ – Thăng Long thi văn tuyển, Bùi Hạnh Cẩn:

Đầy sân lá rụng tiếng lao xao,

Cơn ốm vừa qua khí lại hào.

Từ cổ đất trời văn vốn trọng,

Thu sang hồ núi hứng càng cao.

Trong guơng tóc bạc già theo đến,

Cõi thế danh hờ nghĩ mệt sao.

Mong nhớ vườn xưa ba luống cúc,

Đò về tối tối gửi chiêm bao.)”

Trần Nguyên Hãn thấy anh lại xuất khẩu ngâm vẩn vơ, bèn nói:

“ Sứ giả hộ long chia làm ba vị, gọi theo tứ linh long lân quy phụng, trừ long là chân mệnh thiên tử ẩn trong nhân gian ra. Anh là quy sứ, còn hai người phụng và lân thì ở đâu? ”

“ Xa tận chân… ”

Nguyễn Trãi chưa đọc xong, thì Trần Nguyên Hãn đã gầm lên, nói:

“ Thôi đi ông! Thần thần bí bí với ai? ”

Hai anh em vừa cười vừa đùa, trong nháy mắt bóng người đã khuất sau rặng cây.

Lại trở về Lê phủ, sau khi bát nháo một hồi, mọi người rốt cuộc cũng bình tĩnh lại. Bấy giờ Bùi Quốc Hưng nói:

“ Đặng Dung tài trí rất cao, có khi lại đoán được ý chúng ta không bằng. Ông ta trước thì làm thơ ý muốn giục ta tự lập một cõi, sau lại có ý để hai câu máu nhắc nhớ chúng ta phía trước gian truân khổ ải đây mà. ”

Lê Lợi bèn bảo:

“ Trước thì cứ biết vậy thôi, đừng vì mấy lời không có nguyên cớ mà tự hù dọa mình, thần hồn nát thần tính. Cũng đừng vì điềm lành mà tin tưởng thái quá kẻo mê tín dị đoan, chết khi nào không biết. Anh Hưng, anh dẫn theo mấy người Đỗ Bí, Lí Triện, Doãn Nỗ mau chóng phong tỏa tin tức về bức thư, chớ để truyền ra ngoài. ”

Mọi người ổn định được một chốc, thì trong buồng trong có tiếng ho khùng khục truyền tới. Liền đó, có một bà lão lưng còng lò dò trống gậy, được Phạm Ngọc Trần đỡ ra nhà ngoài.

Chư tướng thấy bà, thì nghiêm trang thẳng lưng hẳn lại. Tuy bây giờ Lam Sơn lại về quyền của Lê Lợi, nhưng lời nói của bà Thương vẫn có trọng lượng như cũ. Hà huống, còn có con gái cưng của Hổ Vương Đề Lãm.

Đi được mấy bước, bà bèn nói:

“ Mọi người bàn chuyện quân việc nước thế là tốt, nhưng có thể cho già xin một chút thời gian nói chuyện nhà được chăng? ”

Mọi người thấy bà Thương xuất hiện, đi bên cạnh lại là con gái Hổ Vương, trong lòng như đã hiểu chuyện nhà bà đang nhắc đến là gì, đương nhiên không ai nói nửa chữ không.

Lê Lợi tuy chưa hiểu mẹ muốn nói gì, song cũng nhường chủ vị cho mẹ, còn chàng thì đứng hầu bên trái.

Bà Thương bèn nói:

“ Các vị đây đều chẳng phải người ngoài, già cũng không giấu. Vì che giấu chuyện thằng con trời đánh này nhập ngũ đánh giặc Minh, mà già phải hi sinh thanh danh của con dâu, bảo nó sảy thai. Nay đã gần hai năm từ hồi “ khang phục ” mà chưa bầu bí gì, khó tránh khỏi người ngoài nói nọ nói kia. Tuy chuyện hỏng thai là giả, nhưng chuyện chi của thằng Lợi chưa có người nối dõi là thật. ”

Lê Lợi nghe lờ mờ có mùi không ổn, vội nói:

“ U à, chuyện phòng the là chuyện tế nhị, vợ chồng con đóng cửa bảo ban nhau là được. U đem ra nói trước chư tướng thế này thì ra thể thống gì nữa? ”

Bùi Quốc Hưng bèn nói:

“ Chúa công ngài chẳng nhẽ không hiểu? Ý bà lớn nói, thân là danh gia vọng tộc, từng đó năm chưa thấy sinh nở mà không lấy thêm vợ nữa, người ta ắt sẽ hoài nghi. Hà huống, hòn ngọc của Hổ Vương ở đây, không kết mối duyên lành chẳng nhẽ còn đợi phận gái bẽn lẽn mở lời trước hử? ”

Lê Lợi nghe xong thì á khẩu.

Chàng cũng đã lờ mờ đoán được, song chẳng thể nào ngờ, mọi chuyện lại xảy ra theo chiều hướng này.

Quay sang chỗ mẹ, chàng nói mà méo cả mặt:

“ U à, chẳng phải u hứa không dùng ước hẹn ngày xưa của thầy con và bác Lãm ép uổng lứa đôi hay sao? ”

Bà Thương cười vẻ thần bí, nói:

“ U hứa với mày như thế, nhưng mày xem thử xem con gái người ta có phải đang bị ép uổng hay không? ”

“ U à… ”

Lời vừa dứt, thì bấy giờ Lê Lợi đã thấy cô nàng Ngọc Trần đứng cạnh u đang mân mê vạt váy, mặt đỏ lựng, bẽn lẽn cúi đầu. Thế là bao nhiêu tâm tư kéo cô nàng về cùng một phe, phản đối tới cùng của chàng cũng tiêu tan thành mây khói.

Nay nghĩ lại, xưng hô của Ngọc Trần với chàng từ khi về Lam Sơn giống em gái, mà cũng giống như vợ chồng. Lại nói tối qua Ngọc Lữ úp mở về quả báo chàng sắp phải gánh, e là ám chỉ chuyện hôm nay rồi.

Nhất thời, Lê Lợi đứng đực như trời trồng giữa phủ đệ, chư tướng thì nhìn nhau, rồi ôm bụng cười phá lên.

Lại nói đến chuyện của Tạng Cẩu và Phiêu Hương…

Trong lúc lau chùi bức tượng của Lí Thân, hai người bỗng phát hiện ở mũi giày có chữ.

Hai người lấy mồi lửa, dí vào sát chân bức tượng thì phát hiện trên hai mũi giày có hai dòng thơ:

“ Phong cương hà sự cân khai tịch?

Nghiêu Thuấn đương niên chỉ cửu châu. ”

Tạng Cẩu đọc lẩm nhẩm, rồi quay sang Phiêu Hương, hỏi:

“ Ý của câu hai câu này là gì? ”

Hồ Phiêu Hương bèn đáp:

“ Bình thường bảo Cẩu đọc thêm sách thì lười biếng. Ý của hai câu này là cương thổ đâu cần chi phải mở rộng, năm xưa vua Nghiêu Thuấn – tức hai minh quân nổi tiếng thời xưa – cũng chỉ có lãnh thổ chín châu mà thôi. ”

Cô nàng lại trầm mặc, rồi nói:

“ Duy chỉ có cái ông này là chịu, chẳng biết là ai, cũng chưa từng nghe danh. Nhưng hai câu thơ hàm ý uẩn súc, lòng mang thiên hạ như thế há có thể là bậc vô danh cho được? ”

Tạng Cẩu cười, bảo:

“ Cứ nhìn đầm quan tài, phòng thây sắt này thì biết, khéo ông này còn chưa ra đời ấy. ”

Cậu chàng lại đọc nhẩm lại hai câu thơ mấy lần, đoạn vỗ tay cười:

“ Hay quá! ”

Hồ Phiêu Hương thì lại nghĩ:

[ Người xây mộ này là kẻ có đại tài, không bỗng dưng mà y lại để lại hai câu thơ trên tượng sắt. Có lẽ nào đây là manh mối chỉ lối ra chăng? ]

Tượng sắt có giáp lót đồng đen, đao Lĩnh Nam cũng không phá nổi. Mấy ngày bị giam Tạng Cẩu cũng có xách đao đến lấy mũi dí khắp mình tượng, nhưng ngoại trừ phát hiện tượng sắt tinh xảo vô bì, trong giáp có cả kinh mạch huyệt đạo như người còn sống ra thì không tìm được manh mối nào.

Cô nàng lại nhẩm tính, thấy trong bài có Phong Cương – biên giới – tức ám chỉ hành thổ, mà lại có “ Cửu Châu ” tức nhắc đến số chín.

Hồ Phiêu Hương nhẩm tính, thì khí đi theo vòng Tiểu Chu Thiên sẽ tiến vào các kì huyệt không thuộc mười hai chính kinh, nên cũng không thuộc vào ngũ hành, có thể bỏ qua khả năng này. Còn nếu khí theo vòng Đại Chu Thiên, thì kinh thứ chín đáng nhẽ phải là Thủ Quyết Âm Tâm Bào Kinh, Tâm Bào thuộc Tim, là hành hỏa, không ứng với thổ.

Cô nàng càng nghĩ, lại càng thấy đau đầu.

Bấy giờ, Tạng Cẩu lại chỉ vào lưng tượng, nói:

“ Này, Hương xem, liệu đây có phải manh mối hay không? ”

Hồ Phiêu Hương nghe lời vòng ra sau lưng tượng, thì phát hiện trên áo giáp có khắc một mặt trời rực lửa, trung tâm đề một chữ “nhật”. Mà rìa mặt trời lại có khắc hai mươi tư tia sáng cách nhau đều chằn chặn.

Lúc này, cô nàng đảo mắt một cái, nói đoạn vỗ trán kêu lên:

“ Thôi đúng rồi! Có khi sáu trăm năm sau, người ta không dùng mười hai canh giờ để đếm thời gian một ngày nữa cũng nên. ”

Hồ Phiêu Hương phân một ngày thành hai mươi tư lần nửa canh giờ, nhẩm đếm thì lần “ nửa canh ” thứ chún chính là giao giới giữa giờ Thìn và giờ Tỵ. Cứ theo vòng Đại Chu Thiên mà xét, thì ứng với sự chuyển giao của hai đường kinh là Túc Dương Minh Vị kinh và Túc Thái Âm Tì kinh.

Lúc trước cố công tìm kiếm tưởng như vô vọng, thế mà nay phát hiện được manh mối người xây mộ để lại, tưởng như chết đuối vớ được tấm ván, khiến cô nàng hăng hái hẳn lên. Hồ Phiêu Hương không kịp giải thích, ngồi thụp xuống bên tượng, tay phải nhanh chóng rờ vào bàn chân phải của tượng, tay trái thì lần vào chỗ lõm trong của xương chân.

Ấy là hai huyệt Xung Nguyên, Thái Bạch, lần lượt là huyệt nguyên của hai đường kinh Túc Thái Dương Minh Vị và Túc Thái Âm Tỳ. Sở dĩ gọi là huyệt nguyên, bởi hai huyệt này có cùng hành với kinh chủ là hành thổ. Mà huyệt Xung Nguyên lại chính là huyệt chuyển giao giữa hai kinh Thái Dương Minh Vị và Thái Âm Tì.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play