Ý chỉ này như đất bằng dậy sóng, khiến cho trên dưới Nguyên Trưng triều đều choáng váng.
Văn võ bá quan được Tề Minh Diệu dẫn đầu, quỳ gối trước chùa Hộ Quốc, cầu xin Minh đế thu hồi mệnh lệnh đã ban ra.
Thế nhưng đã quỳ suốt ba canh giờ, ngay cả một vài cựu thần không thể chống đỡ nổi mà ngất xỉu, cũng chỉ nhận được một câu đáp lại “Ý trẫm đã quyết, các khanh không cần nhiều lời” của Minh đế.
Có người suy nghĩ nhanh nhạy đã vào cung cầu kiến Trịnh Thái hậu, hy vọng Trịnh Thái hậu khuyên giải Minh đế, Trịnh Thái hậu bất đắc dĩ nói: “Người ở tâm không ở, ích gì với giang sơn. Nếu Hoàng đế đã hạ ý chỉ, quân vô hí ngôn, ai gia cũng bất lực.”
Sau khi Trịnh Thái hậu đã tỏ thái độ như thế, tình hình bắt đầu nghiêng lệch.
Từ ngay đăng cơ tới nay, Minh đế vẫn luôn anh minh hiền đức, khôn ngoan tài cán khiến cả triều cúi đầu xưng thần, nhưng từ khi Trân phi xuất hiện, quả thật những hành vi của Minh đế đã làm mọi người khá thất vọng. Còn Tề Minh Diệu, sau khi được phong làm Đoan Thừa Thân Vương, ai ai cũng chứng kiến những biểu hiện xử lý chính sự thay Minh đế của hắn, là người có khả năng trở thành trữ quân nhất trong cảm nhận của tất cả mọi người. Vốn dĩ mọi người đều nghĩ dựa vào tuổi tác của Minh đế, nhất định có thể làm đế hoàng thêm hai mươi, ba mươi năm nữa, rồi mới đến lượt Tề Minh Diệu kế vị. Hiện giờ thời điểm lại nhanh như vậy, đúng là không thể ngờ.
Thánh chỉ đã hạ, Trịnh Thái hậu tôn quý nhất trong hậu cung cũng ngầm đồng ý kết quả này, mặc dù vẫn có một số đại thần chưa từ bỏ ý định muốn khuyên Minh đế, nhưng thật sự việc nhường ngôi cũng chẳng phải chuyện xấu khắp thiên hạ, không tới lượt họ lấy cái chết can gián để thể hiện tấm lòng trung trinh. Dù sau này đậy nắp quan tài mới luận định, sách sử vẫn ca tụng trí tuệ và quyết đoán của Minh đế. Từ xưa đến nay, đã lên được vị trí chí cao vô thượng, những đế hoàng có thể tử bỏ quyền lực trong tay để đi theo tình yêu, tuyệt đối không có mấy ai làm được.
Vì thế, ngày tổ chức đại điển nhường ngôi, bắt đầu được xác định trong những lời bàn bạc thảo luận.
Cứ đến thời khắc hai đời đế hoàng thay thế nhau, đều là lúc đế đô rối loạn bất an nhất. Dù hiện giờ việc lên ngôi của Tề Minh Diệu là danh chính ngôn thuận, nhưng toàn bộ thành Kiến Khang vẫn rơi vào trạng thái cảnh giới, để bảo đảm cho đại điển nhường ngôi có thể tiến hành thuận lợi.
Mà an nguy của Tề Minh Diệu được đặt lên hàng đầu. Từ lúc hắn trở về từ chùa Hộ Quốc vẫn luôn ở trong cung, chứ không về vương phủ.
Đoan Thừa vương phủ nhận được tin tức xác thực, toàn phủ vui mừng, chỉ có Đằng Huy Nguyệt là kinh hãi, cố gắng giữ vững vẻ bình tĩnh, trấn thủ ở vương phủ, ra lệnh đóng chặt cửa lớn.
Bất quá, rất nhanh sau đó cậu phải giao việc này cho Đại Tổng quản của vương phủ, Đoạn Phi. Vì mệnh lệnh đầu tiên mà Tề Minh Diệu đưa ra sau khi hồi cung, chính là đón hai phụ tử Đằng Huy Nguyệt vào cung.
Những người phụ trách hộ tống phụ tử Đằng Huy Nguyệt vào cung đều là tâm phúc của Tề Minh Diệu, thái độ thận trọng, làm Đằng Huy Nguyệt hiểu rõ giờ không phải lúc tùy hứng. Bất luận có thế nào, cậu cũng phải tiến cung chuyến này.
Từ khi gả cho Tề Minh Diệu, số lần Đằng Huy Nguyệt vào cung có thể đếm được trên đầu ngón tay, với Minh đế, đã gần một năm không gặp mặt. Mà lúc này, cũng không nhất định sẽ gặp được.
Người từng yêu say đắm trở nên xa lạ, bao nhiêu chốn cũ tràn ngập ký ức tuyệt đẹp đều thành nơi sợ hãi tránh né. Khi Đằng Huy Nguyệt trở lại hoàng cung mà mình chống cự đã lâu này lần thứ hai, trong lòng cũng kích động một hồi. Nhưng cúi đầu xuống nhìn thấy A Kiếp phấn điêu ngọc mài trong ngực, tâm tình Đằng Huy Nguyệt lại bình tĩnh lại.
Đằng Huy Nguyệt tới hoàng cung, xuống dưới kiệu, chuyển sang ngồi trên ngự liễn, đi tới đâu, cung nhân đều quỳ xuống nghênh đón. Nguyên Trưng Ung chủ đã từng vô cùng tôn quý, sau khi xuất giá xong, dùng một thân phận càng tôn quý hơn để trở lại hoàng cung. Tất cả mọi người đều biết, vị điện hạ này chính là Hoàng hậu tiếp theo của Nguyên Trưng triều!
Ngự liễn đi thẳng đến Văn Anh điện mà Tề Minh Diệu ở sau khi hồi cung. Văn Anh điện rất gần với Thái Cực cung của Minh đế, đối diện với Huy Nguyệt điện – nơi ở của Đằng Huy Nguyệt trong cung.
“A Việt, đệ đến rồi!”
Tề Minh Diệu đứng ở ngoài cửa Văn Anh điện đích thân tới đón Đằng Huy Nguyệt. Thấy Đằng Huy Nguyệt bế A Kiếp, bình an vô sự xuất hiện trước mắt, trong mắt Tề Minh Diệu hiện lên một chút yên lòng.
Lần nhường ngôi này trông như an toàn, kỳ thật ẩn chứa nhiều mối nguy. Hắn và Minh đế cố ý lợi dụng việc này để dẫn kẻ ẩn mình kín đáo kia ra ngoài. Trong cung cũng không phải nơi an toàn nhất, nhưng so với Đoan Thừa vương phủ, Tề Minh Diệu muốn để Đằng Huy Nguyệt ở nơi mà hắn có thể nhìn thấy.
Hơn nữa trong khoảng thời gian này, cuộc đời Tề Minh Diệu sẽ có bước chuyển ngoặt rất lớn, hắn hy vọng có thể cùng hưởng với Đằng Huy Nguyệt.
Giờ này khắc này, Tề Minh Diệu vốn luôn điềm tĩnh trầm ổn cũng không nhịn được mà tiến đến, đỡ lấy tay Đằng Huy Nguyệt, dung tư thế bảo vệ để đứng cạnh cậu.
Vị đế hoàng tương lai này dùng hành động để tuyên cáo sự sủng ái và xem trọng của hắn đối với Đằng Huy Nguyệt.
Nhìn thấy cảnh như vậy, những cung nhân đứng sau lưng Tề Minh Diệu hành lễ với Đằng Huy Nguyệt càng cúi đầu thấp hơn.
Trước mặt người khác, Đằng Huy Nguyệt vẫn giữ thể diện cho Tề Minh Diệu, để hắn tùy ý biểu hiện thân mật.
“Mọi thứ… đều bình an chứ?” Câu hỏi của Đằng Huy Nguyệt vừa đến đầu lưỡi đã thay đổi, cuối cùng nói một câu úp mở.
“Chỉ cần đệ bình an.” Tề Minh Diệu dừng một chút, nói với chút thâm ý, nhưng không đợi Đằng Huy Nguyệt phản ứng lại, nói tiếp: “Hoàng tổ mẫu đang chờ chúng ta ở Vĩnh An cung, chúng ta đến đó sớm một chút.”
Đằng Huy Nguyệt yên lặng gật đầu.
…
Gần một năm nay, dù Đằng Huy Nguyệt tiến cung cũng chỉ thỉnh an Trịnh Thái hậu, rồi nhanh chóng xuất cung với Tề Minh Diệu, tính ra, đã rất lâu không trò chuyện nghiêm chỉnh với Trịnh Thái hậu.
Đối với vị hoàng ngoại tổ mẫu vẫn luôn yêu thương sủng nịch mình, không phải Đằng Huy Nguyệt không thấy áy náy trong lòng.
Nhìn thấy Trịnh Thái hậu tuy đã già nhưng gương mặt vẫn hiền lành hòa ái như xưa, Đằng Huy Nguyệt giao A Kiếp cho Tề Minh Diệu, cúi người thật sâu: “A Việt bất hiếu, xin hoàng tổ mẫu thứ tội!”
Gọi là hoàng tổ mẫu, cũng là thừa nhận thân phận thê tử của Tề Minh Diệu.
Trong mắt Trịnh Thái hậu hiện lên vẻ kinh ngạc và hài lòng, nhưng sau đó lại trở thành đau xót: “Đứa ngốc, nói cái gì vậy? Mặt đất lạnh, mau đứng lên!” Thấy khóe mắt Đằng Huy Nguyệt đỏ lên, không động đậy mà cứ quỳ ở đó, Trịnh Thái hậu nói với Tề Minh Diệu: “A Diệu, còn không mau đỡ A Việt đứng dậy!”
Tề Minh Diệu nói: “A Việt, đứng lên đi, hoàng tổ mẫu vẫn đang chờ nhìn A Kiếp.”
Trịnh Thái hậu giả vờ tức giận: “Nếu con không mau đưa tằng tôn nhi bảo bối của ai gia đến đây, ai gia sẽ tức giận thật sự!”
Lúc này Đằng Huy Nguyệt mới mỉm cười, được Tề Minh Diệu đỡ đứng lên, bế A Kiếp, đi đến trước mặt Trịnh Thái hậu.
“Ai ya, dáng vẻ thật xinh đẹp…” Trịnh Thái hậu vui mừng nói. Bà biết thật ra A Kiếp là cốt nhục của Minh đế, là tôn nhi của bà, đồng thời cũng là con của ngoại tôn nhi mình yêu thương – cũng rất có thể là đứa con duy nhất đời này của cậu. Dù cho trước đây tức giận đến đâu, hiện giờ trong lòng Trịnh Thái hậu chỉ tràn ngập thương yêu với đứa trẻ khó khăn lắm mới ra đời này.
A Kiếp chớp chớp đôi mắt to tròn như quả nho, vừa quơ hai tay vừa kêu “A a”, đôi môi nhỏ xíu cong lên cười, trông cực kỳ đáng yêu.
“Tính tình còn tốt hơn con hồi nhỏ.” Trịnh Thái hậu chế nhạo Đằng Huy Nguyệt. Lúc nhỏ Đằng Huy Nguyệt lạ người thật sự rất lợi hại, đến giờ vẫn được nhớ rõ.
Đằng Huy Nguyệt nói: “Nó nhìn thấy hoàng tổ mẫu mới ngoan, cũng giống như hồi nhỏ con thấy người vậy. Bình thường người ngoài muốn bế, nó không khóc, nhưng miệng thì chu ra có thể treo được cả một cái bình. Không tin người hỏi A Diệu…”
Tề Minh Diệu cười nói: “Còn không phải sao, tính tình A Kiếp giống A Việt bảy phần.”
Trịnh Thái hậu được pha trò mà bật cười. Lúc Đằng Huy Nguyệt còn nhỏ cũng chỉ có mấy người bế mà không khóc, Trịnh Thái hậu chính là một trong số đó. Người ta đều nói trẻ con là ngây thơ trong sáng nhất, những người được trẻ con yêu thích đều là người rất tốt. Đó cũng là một trong những nguyên nhân mà Trịnh Thái hậu càng yêu thương Đằng Huy Nguyệt nhiều hơn.
Trịnh phi đang ngồi bên dưới tay trái Trịnh Thái hậu, nhìn Trịnh Thái hậu và Đằng Huy Nguyệt nói chuyện với nhau mà chả có cảm xúc gì, ngay đến Tề Minh Diệu cũng có mặt mà không một ai chú ý tới nàng!
Nàng chính là dưỡng mẫu của Tề Minh Diệu, là người sắp trở thành Thái hậu mà!
Trịnh phi nhẫn nhịn mãi mà không được, âm dương quái khí nói: “Vẫn là Thái hậu có phúc khí. Sau khi A Kiếp ra đời, thần thiếp làm tổ mẫu mà cũng không gặp mặt được một lần!” Ám chỉ Đằng Huy Nguyệt là nhi tức phụ mà lại giấu A Kiếp đi, không cung kính hiếu thuận với nàng.
Khóe môi Trịnh Thái hậu hạ xuống, liếc nàng một cái: “Giờ không phải đã cho ngươi gặp rồi sao? A Việt đang ở ngoài cung, có nhiều bất tiện, ngươi vội cái gì?”
Hiện giờ Trịnh Thái hậu càng lúc càng không muốn nhìn thấy Trịnh phi. Trước đây rõ ràng Trịnh phi được bà nâng đỡ nhiều năm như vậy mà không thể sinh cho Minh đế một đứa con, khó khăn lắm mới để Trưởng Hoàng tử Tề Minh Diệu có khả năng nhất được nuôi trong cung của nàng, hơn nữa còn rất xuất sắc, nàng không giúp được gì thì thôi, lại còn cản trở khắp chốn, chỉ hơi đắc ý một chút là tùy tiện bừa bãi. Trước đây đã không cung kính với nữ nhi thân sinh Phúc Khang Trưởng Công chúa của bà, hiện giờ cũng không hòa hợp với nhi tức phụ Đằng Huy Nguyệt từ nhỏ đã là kim tôn ngọc quý, chỉ toàn dùng những thủ đoạn bắt bí làm người ta chán ghét.
Hình như Trịnh phi quên mất, Trịnh Thái hậu là nữ nhi của Trịnh gia, không sai, nhưng Minh đế, Tề Mẫn, Tề Minh Diệu, Đằng Huy Nguyệt, thậm chí cả A Kiếp, mới là cốt nhục thân sinh của bà, huyết mạch trực hệ của bà.
Chẳng lẽ Trịnh phi tưởng, bà sẽ để mặc cho nàng tùy ý làm liều sao? Bà vẫn chưa chết đâu!
Nếu không phải quá mệt mỏi vì chuyện Minh đế trúng cổ độc, Trịnh Thái hậu đã ra tay ngăn cản Trịnh phi từ lâu. Sao có thể cho phép nàng ba lần bốn lượt tìm đến Tề Minh Diệu và Đằng Huy Nguyệt để gây phiền phức?
Trịnh phi còn cố nói: “Vậy giờ tiến cung, không bằng để A Kiếp ở cùng thần thiếp mấy ngày? Đúng lúc A Việt cũng nên học một chút quy củ trong cung…”
“A Việt còn phải học quy củ gì?” Trịnh Thái hậu bất mãn cắt ngang lời nàng. “A Việt lớn lên trong cung, là do chính tay ai gia và Hoàng đế nuôi lớn, tri thư đạt lễ đều hiểu rất rõ. Ngươi nói A Việt cần học quy củ, là cảm thấy chúng ta vẫn dạy chưa đủ tốt sao?”
Trịnh phi ủy khuất nói: “Thần thiếp không có ý này…”
“Vậy ngươi có ý gì?” Trịnh Thái hậu hỏi lại.
Trịnh phi ấp úng không dám nói nữa. Nàng nhận ra Trịnh Thái hậu quyết tâm bảo vệ Đằng Huy Nguyệt, không dám công khai phản bác, chỉ là cực kỳ không cam lòng. Nàng cảm thấy mình cũng chỉ là có ý tốt. Dù sao Tề Minh Diệu cũng sắp đăng cơ, dựa vào thân phận của Đằng Huy Nguyệt, chắc chắn sẽ làm Hoàng hậu. Nhưng Đằng Huy Nguyệt tùy hứng ngạo mạn, mục vô tôn trưởng, thật sự không thể làm mẫu nghi thiên hạ. Nàng không muốn Tề Minh Diệu phải mất mặt, mới đưa ra yêu cầu để Đằng Huy Nguyệt học tập quy củ với nàng, ít ra cũng phải học cách khoan dung độ lượng, không ghen không tức, để Tề Minh Diệu nạp nhiều phi tần, khai chi tán diệp…
Trong mắt Trịnh Thái hậu có chút phiền chán: “Được rồi, chuyện của A Việt, đã có A Diệu quan tâm. Trịnh phi không còn ít tuổi, nên có chút dáng vẻ của trưởng bối, đừng có chuyện gì cũng hấp tấp!”
Chuyện đến tận giờ vẫn còn không phân biệt rõ, thật sự cho mình là mẫu thân thân sinh của Tề Minh Diệu, bà mẫu chính thức của Đằng Huy Nguyệt sao? Dù có là thật, Tề Minh Diệu và Đằng Huy Nguyệt cũng không phải loại người ngu hiếu. Đến cả bà cũng không thể nắm giữ Minh đế, nói gì đến Trịnh phi còn lâu cũng không bằng bà!
Nói như vậy đã là cực kỳ không khách khí, Trịnh phi bị nói đến mức mặt mũi đỏ bừng. Nàng không dám chống lại Trịnh Thái hậu có uy nghiêm rất lớn, lặng lẽ trừng mắt với Đằng Huy Nguyệt.
Đằng Huy Nguyệt cũng chẳng thèm liếc nhìn nàng, dường như không cảm nhận được gì.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT