Nỗi buồn bủa vây nơi gác trọ, giờ Nam chỉ biết ngồi nhặt nhạnh những gì còn sót lại của mối tình vừa tan vỡ là những đau thương và niềm nhớ khắc khoải: “Nam đừng chạy, chờ Khánh với…”. Tiếng nói, tiếng cười của Khánh… Tất cả là sự hồi tưởng đầy ắp trong tâm trí của Nam. Như hối thúc, như đang gọi, đang chờ mình ở một nơi nào đó rất quen. Không cần biết có phải Khánh đang gọi, đang chờ hay không, Nam dắt xe gắn máy ra khỏi phòng, anh chạy xe trong tâm trạng bất thường, đi qua một đoạn đường đất, Nam dừng lại ở rặng cây mù u. Phía ngoài sông, bầu trời đang ngả nghiêng soi bóng nước, chiều tím hoàng hôn dần biến mất bởi màn đêm sắp bao phủ khắp không gian. Trên những cội mù u, thánh thót tiếng chim kêu gọi đàn về chốn ngủ, thỉnh thoảng vài cơn gió ngoài sông thổi qua rặng mù u làm cho cái lạnh vây quanh Nam. Mơ hồ khi đã kiệt sức, đầu óc Nam quay cuồng chao đảo “Nam ơi, Khánh ở đây, lại đây, lại đây…”. Phải chăng tiếng gọi của ma quái đang giả giọng Khánh? Bùa ngải đang khiến Nam lịm dần trong bóng tối rồi anh nằm bất động dưới thảm cỏ.

“Chiều chiều mượn ngựa ông Đô

Mượn ba chú lính đưa cô tôi về

Đưa về chợ Thủ bán hủ, bán ve

Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu”

Thỉnh thoảng Tám Lữ hay đi bưng về tối, chân bước thì cái miệng cũng ngâm ca theo, vừa dạo qua mấy câu, Tám Lữ nhìn xuống bên dưới đường, miệng ông lẩm nhẩm:

- Ai vậy ta, ai mà nằm kia?

Chân quần bên thấp bên cao, Tám Lữ bước lại gần chỗ Nam, ông gọi:

- Cậu ơi! Xỉn rượu hả? Dậy đi, ngồi dậy về đi, trời tối rồi.

Mặc cho tiếng gọi của Tám Lữ, Nam vẫn nằm im không hề động đậy. Tám Lữ chạm bàn tay vô bắp tay Nam để lay gọi lần nữa:

- Trời ơi, sao da thịt lạnh vậy? Cảm, đúng là mắc cảm rồi!

Vóc dáng Tám Lữ hom hem, ông ráng cõng Nam tới nơi gần nhất là quán bà Bảy ven sông. Thấy Tám Lữ cõng người đi liêu xiêu, bà Bảy chạy ra hốt hoảng:

- Ai bị sao vậy ông Tám?

- Cảm, có lẽ cậu ta bị cảm.

Tám Lữ vừa thở vừa trả lời bà Bảy, bà Bảy bật thêm cái bóng đèn:

- Ông đặt cậu ta nằm lên giường đi, để tôi xức dầu cho cậu ta…

- Bà xức dầu cho cậu ta đi, tôi đi ra tôi dắt xe gắn máy của cậu ta vô.

- Ở đâu vậy ông Tám?

- Ngoài kia, ngoài rặng mù u.

- Ừa, ông đi dắt xe đi…

Bà bảy lấy thêm cái mền đắp lên người Nam. Tám Lữ dắt xe của Nam vô quán. Nam vẫn còn trong cơn mơ hồ, miệng liên tục gọi: “Khánh, Khánh ơi…”. Tám Lữ nhìn chăm chú vô mặt Nam, ông nói với bà Bảy:

- Không biết cậu này nhà ở đâu? Nhưng tôi nhìn cậu này quen quá, như là đã từng gặp ở đâu rồi!

Bà Bày cũng nói:

- Tôi cũng thấy quen quen, mà hằng ngày nhiều người ghé quán nên cũng có nhiều người giống nhau nên tôi không nhớ nổi.

Tám Lữ quay mặt nhìn biển số xe gắn máy của Nam:

- 67, biển số 67 là ở tỉnh nào hả bà?

- Ông hỏi cái này thì tôi đâu có biết, mà tôi nghe tiếng cậu ta gọi ai đó, tên là Khánh, Khánh nào đó!

Tám Lữ suy nghĩ hoài không ra, bỗng bà Bảy nói toáng lên:

- Nhớ ra rồi! Thằng Khánh, thằng Khánh con ông Năm.

Tám Lữ giật mình, Nam mở mắt tỉnh lại. Bà Bảy đưa ly nước cho Nam:

- Ngồi dậy ráng uống miếng nước ấm đi cậu, cậu thấy trong người sao rồi? 

- Con, con cảm ơn… con không sao!

Tám Lữ nói:

- Xe của cậu tôi dắt vô đây rồi, nhìn cậu rất quen, không biết cậu có phải là bà con nhà ông Năm Long không? Ông Năm có con trai là thằng Khánh đó!

Nam không nói mà chỉ lắc đầu, đôi mắt chứa đựng nỗi sầu không ai có thể hiểu. Bà Bảy tiếp lời:

- Tôi vừa nghĩ ra, cậu và thằng Khánh đã từng ghé đây mua rượu, không thể lộn được.

Nam vẫn lắc đầu, Tám Lữ vỗ vai Nam:

- Thôi, chuyện đó không nói nữa, cậu tỉnh lại là tốt rồi.

Nam vịn tay bước xuống giường, bà Bảy hỏi:

- Cậu đi đâu vậy?

Nam đứng trước bà Bảy và Tám Lữ:

- Con cảm ơn hai bác, bữa nay không có hai bác, con cũng không biết giờ mình ra sao rồi! Giờ con xin phép hai bác, con về nhà trọ của con trên An Phú.

Bà Bảy ngăn Nam lại:

- An Phú xa lắm! Cậu còn mệt thì ở lại đây đi, sáng mai khỏe hãy về!

Tám Lữ tiếp lời:

- Đúng đó! Cậu còn mệt thì ở lại đi.

Nam vẫn bước lại dắt xe gắn máy ra trước quán:

- Con cảm ơn hai bác, con xin phép…

Nam vừa nổ máy thì Tám Lữ lại hỏi:

- Biển số 67 là ở đâu vậy cậu?

- Dạ, ở An Giang quê con.

Bà Bảy ngỡ ngàng vì chính quê gốc của bà cũng ở Châu Đốc, An Giang. Điều mà bà Bảy đang thắc mắc là bà nhớ ra cậu thanh niên vừa rồi chắc chắn đã từng ghé quán bà vài lần, và còn đi cùng con trai ông Năm. Nhưng cớ sao mà cậu ta lại lắc đầu phủ nhận

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play