Năm nay nghèo, đất đai phương Nam thì khô cằn không trồng ra được một hạt lúa. Phương Bắc mưa to cuốn sạch nhà cửa và đất đai. Kẻ mất nhà, người thì mất người thân có kẻ chẳng còn cái chó gì để mất hết. Thế là họ bỏ đi, đi tứ xứ đi từ Nam ra Bắc, đi từ khi tráng niên đến lúc bạc đầu.

Dòng người lũ lượt kéo nhau chạy ngược chạy xuôi chẳng biết đặt chân ở đâu. Có nơi sưu thuế cao quá mà cũng vô lý quá, mới nghỉ chân dưới bóng mát đã phải trả thuế cho quan, kẻ nào không có tiền thì bị gông cổ đem ra chiến trường làm lính. Cơ mà thế cũng hay, vào lính có cơm ăn không lo chết đói mỗi ngày.

Thế là mọi người kéo nhau đi làm lính. Từ trai đến gái, từ người già đến người trẻ. Có anh kia xung quân vì đói quá, lúc được cho ăn một bữa no bụng thì lăn ra mà chết, chết vì vui, chết vì được ăn ngon, người ta bảo thế đấy. Chết với nụ cười trên môi, mà cũng phải thôi, bây giờ người ta chỉ sống để được ăn no.

Mục tiêu cả đời của con người giờ không còn là học cho thành tài rồi ra làm quan nữa, vì bọn nhà giàu đã bỏ tiền ra mua chức tước hết rồi, kẻ nhà giàu mà không có chức quyền xếp hàng để được ban chức khéo còn nhiều hơn số học sinh vào lớp thế nên người nghèo làm gì có cửa. Cũng chả ai dám nuôi mộng làm tướng quân, làm lính thì lám lính chả có thằng nào đủ gan để đi đầu xông pha cái, tại đói quá mà.

Lại một đoàn người nữa đi qua, trên lầu cao Trần Vũ chống cằm nhìn dòng người lũ lượt đang đi dọc về phía nhà của nó, vui lắm, đoàn người đó kéo dài gần như là vô tận. Trong ánh mắt ngây ngô của một đứa trẻ như Trần Vũ thì có gì tuyệt vời bẳng chốn đông người, chẳng qua nhìn thì nhìn như thế. Trần Vũ cũng không lại gần cái lũ bẩn thỉu và rách rưới đó.

“Con lại trốn không học thầy đồ nữa rồi” Trần Vũ không nhìn thấy mặt nhưng nó biết chắc người đó là mẹ, bao giờ cũng thế mẹ luôn vuốt tóc nó bằng bàn tay dịu dàng và mềm mại. Mẹ có mùi thơm của trà, không biết có phải do gia đình của Trần Vũ có truyền thống ướp trà hay không nhưng hầu như ai trong gia đình hắn cũng có mùi đó.

Nó dễ chịu lắm.

“Mà kệ đi con, con còn nhỏ mà” Mẹ lại vuốt tóc nó, Trần Vũ không biết phải nói gì với mẹ nó cả. Trong đầu nó có cả một đại dương từ ngữ muốn nói với mẹ, nó muốn kể cho mẹ nghe suy nghĩ của nó về thầy đồ, muốn bảo cho mẹ nó rằng nó cảm thấy sơ hãi khi những ánh mắt ghen tỵ và căm ghét của những kẻ tha phương liếc về phía nó.

Nhưng bây giờ nó không nói được.

Thật ra, nó chả nói gì cả. Nó sợ lắm, hồi nó còn ba bốn tuổi, ba của Trần Vũ bị một đám người lạ mặt giết chết. Nó ở trên xe ngựa với ba nó lúc đó, ba Trần Vũ chả làm gì cả trong lời kể của mọi người thì ông chỉ là một doanh nhân buôn lá trà bình thường, chẳng ác ôn với ai mà cũng chẳng thánh thiện với ai cả.

Nghe cô Ba nói, lần đó ba nó chở một chuyến hàng để làm từ thiện, gạo và muối cho những kẻ tha phương đang dừng chân ở chùa Vĩnh Thuỵ cách nhà nó mấy ngày đường. Ngôi chùa đó là nơi mà ba nó gặp mẹ nó, cũng là nơi mà mẹ Trần Vũ chuyển dạ sinh ra nó, đáng tiếc mấy năm trước nơi này đã bị phiến quân quét tan bây giờ chỉ còn là một phế tích.

Ba của Trần Vũ là thế ông không tin vào triều đình, cũng không tin vào thần thánh. Nhưng ông tuyệt đối tin tưởng vào vợ mình, tình yêu của ông lớn tới mức một kẻ chả bao giờ thắp một nén nhang nào cho Phật như ông lại sẵn sàng ở chùa mấy tháng trời để chăm lo cho cô vợ đang mang thai của mình.

Đó là lần đầu tiên ông có niềm tin vào một thứ gì đó trong đời. Mà nói đi cũng phải nói lại, những kẻ giết chết ông chính là những kẻ tha phương đang dừng chân ở chùa Vĩnh Thuỵ, họ muốn giết ông để cướp lương thực, đợi thêm một chút thì chẳng phải cả hai bên đều không ai bị đau có phải không?

Trần Vũ nhớ, nó nhớ một cách tường tận về những gì xảy ra ngày hôm đó. Nó khóc ré lên khi máu của ba dính đầy lên người nó, mà nó không phải là khóc vì buồn, nó nhớ rõ nhất là cảm giác đó. Nó khóc vì mất ngủ, vì máu của ba nó văng lên người làm nó chợt tỉnh.

Trần Vũ theo mẹ xuống dưới nhà, trước cổng nhà những kẻ tha phương đã và đang nhìn thẳng vào ngôi nhà của mẹ con nó với ánh mắt căm hận và ghen tỵ.

“Tại sao mà người ta lại ghét mình thế hả mẹ?” Trần Vũ níu tay áo của mẹ nó, bà lại vuốt nhẹ lọn tóc mềm của nó. Bà chẳng nói gì cả, mà có gì để nói đây, có từ nào để giải thích cho một đứa con nít rằng những gì đang diễn ra khó hiểu và trừu tượng tới mức nào.

“Con người rất kỳ lạ. Vũ à, con phải nhớ là khi một người yêu thương con không đồng nghĩa với việc họ sẽ hy sinh bản thân mình vì con nhưng mà khi một ghét con thì chắc chắn họ sẽ sẵn sàng hy sinh bản thân mình để hãm hại con” Mẹ nó nói thế, Trần Vũ không hiểu gì cả.

Nó chỉ muốn khóc, không hiểu tại sao nó lại muốn khóc.

“Phát đồ ăn đi” Mẹ nó ra lệnh cho gia nhân, người làm trong nhà nghe như chỉ chờ có thế mang một thố bánh bao thật to ném ra bên ngoài. Họ không dám đưa trực tiếp, bởi vì những con người kia có ánh mắt rất đáng sợ, dường như họ chỉ trực chờ để ăn tươi nuốt sống bọn họ.

“Tại sao mẹ lại đi giúp những người đã giết ba vậy mẹ?” Trần Vũ lại hỏi, đám gia nhân tuy không ai lên tiếng nhưng vẫn nhìn Trần Vũ với ánh mắt đồng tình, từ khi ba của Trần Vũ chết, kinh tế trong nhà đi xuống rất trầm trọng. Có nhiều người bạn cũ của ba khuyên mẹ chuyển đi nơi khác sống, tuy nhiên mẹ vẫn quyết tâm bám lấy con phố nhỏ này.

Con phố này chẳng còn ai ở cả, chợ cũng không có mở cửa nữa. Chắc chỉ mấy năm nữa thôi, cái thành nho nhỏ này cũng sẽ sụp đổ và biến mất khỏi lịch sử. Thế nhưng mẹ vẫn không đi nơi khác, ba người ở con phố này tán gia bại sản treo cổ chết. Nhà đầu phố bán đồ gốm chả ai mua cũng đóng cửa đi đâu mất biệt, nhà đối diện làm đồ đồng uất ức vì con gái bị cưỡng gian bởi quan trên mà treo cổ chết.

Còn chưa bằng ông lão bán thuốc ở cách đây hai căn nhà. Lão bán thuốc giả để kiếm tiền chữa bệnh cho vợ con nhưng vì không có ai có tiền mua thuốc nên lão đành cho vợ con uống hết đống thuốc giả của mình với hy vọng có thể trị hết bệnh cho hai người. Ôm cái hy vọng ảo mộng ấy một đêm rồi lão cũng qua đời bên hai cái xác thối rữa.

Tháng trước, dì Hoa mở quán rượu bị dân tha phương phá cửa giết chết nửa đêm, đầu tuần này con phố bên cạnh cháy rụi, người hàng xóm cuối cùng của gia đình Trần Vũ tuyệt vọng lao vào biển lửa mà chết, khi chết còn cười rất to.

Thời đại này thật tuyệt vời.

Trần Vũ nghĩ thế, cuồn loạn và điên loạn vô cùng.

Bánh bao nhanh chóng đã phát hết nhưng đôi mắt đỏ ngầu vì đói và hận còn chưa nguôi đi một lúc nào cả. Cả đám người đó nhìn gia đình bé nhỏ của Trần Vũ với một ánh mắt kỳ lạ rồi họ nhìn nhau cười thật to.

Phút chốc sóng lưng của Trần Vũ lạnh hẳn đi.

Mẹ đóng cửa vào nhà, vẫn giữ một nụ cười hiền lành như thế.

Tối đến, Trần Vũ được đưa vào phòng ngủ từ rất sớm. Nằm cựa quậy một hồi Trần Vũ vẫn không làm sao ngủ được, tâm trí của nó rất bất an, nó có cảm giác nó cần phải nói ra hết những suy nghĩ chất chứa trong lòng nó, dù suy nghĩ đó có là gì đi chăng nữa. Trần Vũ gục gà gục gật, cố gắng nhắm mắt nhưng vẫn chẳng thể nào an tâm.

Những đôi mắt kia đáng sợ thật, trông chúng còn sắc bén hơn cả dao găm.

Cửa bị xô mạnh ra, Trần Vũ ngay lập tức mở mắt ra. Thì ra là cô gia nhân, trông sắc mặt cô ta hốt hoảng lắm. Trần Vũ nhắm mắt lại giả vờ ngủ, cô gia nhân tất tưởi chạy đến bồng Trần Vũ lên, khi thấy nó nằm yên không động đậy cô mới thở phào nhẹ nhõm.

Trần Vũ lại tỉnh giấc, mắt Trần Vũ he hé mở.

Cô gia nhân bỗng mất đà ngã xuống, cơ thể của cô lạnh dần rồi cứng đơ. Một người đàn ông gầy gò với đôi mắt đỏ hoe nhìn Trần Vũ, mái tóc ông ta rối như một ổ quạ trong tay ông vẫn còn cầm một cây gậy gỗ dính đầy máu.

“Phòng mẹ mày ở đâu?” Ông ta có chất giọng khàn khàn rất khó nghe cộng với ngoại hình đáng sợ của ông ta thì trông ông chẳng khác gì quỷ sứ.

Trần Vũ chỉ tay cho ông về phía trước, một đứa trẻ bảy tuổi như Trần Vũ chả biết phải làm gì cho đúng. Nó muốn khóc lắm nhưng giống với những suy nghĩ trong đầu nó, nó khóc không nỗi.

Nó dẫn người đàn ông về phòng mẹ nó, dọc đường nó thấy xác của những gia nhân nằm la liệt. Tất cả đều bị cắn xé và chết trong khi hai mắt vẫn mở to.

Cửa phòng mở ra, mẹ vẫn như thường lệ ngồi bên gương đồng. Người đàn ông gần như là không nói gì cả, chỉ lao về phía mẹ của Trần Vũ kéo vạt áo của bà xuống. Bà không chống cự gì cả, chỉ cười một nụ cười hiền diệu như mọi khi mà thôi. Mẹ nằm im, khi người đàn ông kia toan cởi nốt chiếc quần con của mình ra thì cây trâm trên tóc của mẹ không biết từ lúc nào đã cắm sâu vào cổ của hắn.

Mẹ khóc, khóc trong khi vẫn nở nụ cười hiền lành của mình. Mẹ sợ lắm, Trần Vũ đoán thế nhưng hắn nào có thể nói gì lúc này. Đáy quần của Trần Vũ ướt sũng, hắn sợ lắm.

Mẹ của Trần Vũ ôm hắn vào lòng, nước mắt của bà rơi ướt hết vai áo của hắn.

“Uống cái này đi con, để mẹ giải thoát con khỏi cái thế giới đáng sợ này” Mẹ nó vừa khóc vừa chìa cho nó một gói thuốc, mẹ nhìn nó bằng đôi mắt nghẹn ngào.

Tại sao phải tới nông nỗi này chứ, mẹ ơi con không hiểu chuyện gì đang diễn ra hết. Tại sao chúng ta phải rơi vào tình trạng như thế này.

Mẹ Trần Vũ mếu máo.

“Bao năm nay, mẹ sợ lắm. Mẹ phải giả vờ đạo mạo hiền lành, mẹ không dám làm trái lời Phật nhưng mẹ chỉ biết làm hại cha con và con thôi, mẹ xin lỗi, mẹ xin lỗi”

Mẹ khóc thật to.

Trần Vũ cũng khóc, nó uất ức lắm. Nó biết mà, nó nhìn thấy mẹ khóc khi ở một mình hoài mà, nó thấy mẹ run rẩy hoài mà, nó biết mẹ nó không muốn đi chỗ khác vì sợ nó bị người ta hãm hại như cha nó mà.

“Con yêu mẹ” Trần Vũ gục vào lòng mẹ nó.

“Mẹ ơi, so với núi đao biển lửa thì thế gian này kinh khủng quá mẹ nhỉ. Con yêu mẹ lắm, cho nên” Trần Vũ xiết chặt mẹ nó.

“Để con giải thoát cho mẹ, để con trai của mẹ tồn tại trong thế giới chịu khổ thay cho mẹ”

Nó nhẹ nhàng rút cây trâm cuối cùng trên mái tóc dài của mẹ, mái tóc của mẹ xoã ra.

Cây trâm bạc nhẹ nhàng xuyên qua cổ họng của mẹ nó.

Năm đó, Trần Vũ bảy tuổi.

Năm đó Hoàng Thượng si mê nữ nhân mà bỏ quên việc nước, năm đó hạn hán phương Nam, lũ lụt phương Bắc.

Năm đó nghèo, người ta chết nhiều lắm.

Năm đó, Trần Vũ mở mắt lần đầu tiên trong đời, hắn vụt chạy qua con phố cũ mà không thèm ngoái đầu lại, trời tối đen như mực, tối tới mức chả thấy được lòng bàn tay của mình.

Nhưng tối hôm đó Trần Vũ đã thấy cả thế gian này rồi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play