Lũ giặc cướp đang ngồi uống rượu vui vẻ với nhau, chợt thấy một tên gia đinh từ bên ngoài chạy vào, bẩm:
- Có người nhà của Ngô nha dịch tại thôn Bạch Sa Đồn huyện Cú Dung tới, xin được gặp mặt.
Trấn Giang Ninh nghe vậy, nói:
- Mau bảo hắn vào đây. Ta đang muốn hỏi hắn xem tình hình ra sao.
Tên gia đinh ứng tiếng, chạy ra ngoài, dẫn người nhà của Ngô Tín vào.
Không lâu sau, tên này đã có mặt trước bàn tiệc. Lũ cướp nhìn lên, nhận ra hắn chính là tên người ở trong nhà Ngô nha dịch, thường hầu hạ bọn chúng mỗi khi chúng tới nhà Ngô Tín. Vì vậy, mới liếc mắt qua, chúng đã nhận ra người này ngay. Trấn Lộc vốn là kẻ nóng tính, vội hỏi:
- Sao ngươi lại tới đây?
Trương Công (tên gã người ở nhà Ngô Tín) nghe hỏi, vội trả lời, nói:
- Xin các vị hãy nghe tiểu nhân nói, bà chủ nhà tôi sai tôi tới đây báo tin, nói cho các vị hay rằng ông chủ nhà tôi hiện nay gặp nạn, bị phủ Giang Ninh bắt đi lấy khẩu cung. Mọi loại cực hình đều đã chịu đủ nhưng ông tôi vẫn cắn răng quyết không khai nhận. Sau đó, Lưu lão gia bày kế, tới nhà tôi lừa lấy bốn đỉnh bạc tang vật nên đành phải nhận tội. Khẩu cung của ông tôi hiện đang được lưu giữ trong phủ Giang Ninh. Bà nhà tôi sai tôi tới đây khẩn cầu các vị nghĩ đến tình bằng hữu, mau nghĩ kế cứu ông tôi thoát khỏi nạn này.
Trấn Lộc nghe xong, khẽ gật đầu, nói lớn:
- Các anh em hãy nghe ta nói đây, Ngô ca nay đang gặp nạn, nếu chúng ta làm ngơ thực chẳng ra sao. Nay ta phải nghĩ lấy một kế, cứu Ngô ca thoát khỏi nạn này.
Từ Thành ở bên nói ngay:
- Cần gì phải bàn bạc nữa, cứ làm theo lời tôi: Chúng ta kéo thẳng tới phủ Giang Ninh, nhân lúc đêm tối, đánh thốc vào thành giết chết quan lại, cứu anh ta ra. Nhân tiện đánh cướp luôn vàng bạc trong phủ khố. Mọi người làm một vụ là xong, sống chết ra sao, mặc cho ông trời định đoạt.
Vương Khải nói:
- Nói xằng? Vụ này can hệ không nhỏ chút nào. Giết quan lại, cướp phủ khố đâu phải chuyện nhẹ nhàng, cần phải bàn bạc thật kỹ mới nên.
Ý của Trấn Giang Ninh là muốn giữ tròn nghĩa khí, tìm kế cứu cho được Ngô Tín ra. Từ Thành chỉ là tên hữu dũng vô mưu, hắn đòi giết quan lại, cướp phủ khố, đúng là muốn làm phản. Vương Khải vội ngăn lại, nói:
- Làm vậy sao được. Anh chớ nên coi phủ Giang Ninh như những huyện nhỏ khác! Ở đó quân đông, tướng nhiều, dân cư đông đúc. Giết quan, cướp kho, có khác gì chúng ta làm phản. Chỉ sợ, vẽ hổ không thành lại tự gánh lấy họa diệt môn. Vụ này nếu làm bừa tất không xong.
Tên đầu sỏ Trấn Giang Ninh hỏi:
- Vậy phải làm sao đây?
Vương Khải nói:
- Theo ý đệ, Ngô đại ca tuy gặp nạn, nếu bọn ta kéo tới đó có khác gì lũ thiêu thân tự đâm đầu vào đống lửa? Chi bằng chúng ta hãy lánh đi. Quan phủ không bắt nổi bọn ta, thiết nghĩ, họ cũng chẳng làm gì nổi Ngô đại ca. Có điều, anh ta sẽ phải chịu khổ sở ít nhiều, nhưng tính mạng vẫn còn giữ được.
Trấn Giang Ninh nói:
- Chúng ta biết lánh đi đâu bây giờ? Chẳng lẽ cả bọn lại phải mang cả gia quyến bỏ đi hay sao? Nếu bỏ đi một mình, bỏ gia quyến ở lại, nhất định họ sẽ bị bắt đi, bị giam cầm. Tiếng xấu của anh em ta sẽ để lại muôn đời. Không được, phải nghĩ cách khác.
Vương Khải nói:
- Nếu còn lưu luyến gia đình, không quyết đoán tất tự chuốc họa vào thân. Tới lúc ấy, có hối e cũng đã muộn rồi.
Trấn Giang Ninh nói:
- Người nhà họ Ngô, hãy đi ăn chút gì lót dạ rồi đợi ta nghĩ kế đã.
Nói xong, sai người dẫn Trương Công đi ăn.
Lại nói chuyện lũ giặc đang cùng nhau bàn kế, muốn được bình yên vô sự. Nói chuyện một hồi, sắc trời đã tối, những người sống quanh vùng tới mừng thọ Trấn Giang Ninh đều đã về cả.
Tạm gác chuyện lũ cướp trong nhà tên đầu sỏ Trấn Giang Ninh đang bàn kế, giờ ta lại nói tới chuyện thừa sai Trần Đại Dũng cùng hơn hai mươi người kia. Bọn họ mang theo binh khí chia nhau ra, nhằm hướng huyện Lục Hợp thẳng tiến.
Trần Đại Dũng không dám chậm trễ, lệnh cho mọi người tới huyện Lục Hợp. Họ phải chia lẻ ra đi vì sợ bị lũ cướp phát giác sẽ khó bề hành sự. Mọi người rời khỏi phủ, đi thẳng về phía nam, đi miết tới khoảng trời tối đã thấy huyện Lục Hợp xuất hiện trước mặt. Bên ngoài cổng thành phía đông, có một ngôi khách điếm, trước cửa treo tấm bảng hiệu viết hai chữ lớn "Tam Hợp". Ba người bọn Đại Dũng, Chu Văn, Vương Minh tiến vào trong quán. Thì ra bên ngoài cửa quán có ám hiệu nên cả đoàn đến tìm tới quán trọ này. Tuy gặp mặt nhau nhưng họ vẫn ở riêng lẻ không để lộ dấu vết gì. Mọi người gọi nước rửa mặt, tiểu nhị dâng trà nước lên. Uống trà xong, họ lại dùng cơm. Ăn xong, ai về phòng người nấy nghỉ ngơi. Không lâu sau, bóng tối đã bao trùm vạn vật. Trần Đại Dũng thả bộ ra khỏi quán trọ, đứng trước đầu đường nhìn quanh, thấy khách bộ hành đi lại nườm nượp, khác hẳn với trấn Giang Ninh. Hảo hán đang đứng nhìn quanh, chợt thấy một ông lão từ phía đông tiến lại ông ta tuổi độ hơn sáu mươi, tay cầm cây quái trượng, đi ngang qua quán trọ. Người trong quán thấy ông ta vội hỏi:
- Lý đại thái gia đi đâu vậy? Chắc hẳn phải có vụ gì?
Kính thưa quý vị độc giả. Tiểu nhị trong quán vừa thấy ông lão, tại sao đã hỏi ngay hai câu trên. Trong đó ắt có nguyên do của nó. Bởi vì nơi đây thuộc huyện nhỏ, không giống như chốn kinh đô. Nếu quý vị mặc trên người hai tấm áo mới, gặp ai người ta cũng sẽ hỏi: "Đi ăn cỗ đấy à?" Bởi đó là phong tục ở đây. Tiểu nhị trong quán hỏi ông già kia, bởi hắn thấy ông ta mặc trên mình hai tấm áo mới. Ở đây tôi đã nói rất rõ rồi.
Lại nói chuyện ông lão thấy tiểu nhị hỏi vậy, vội dừng bước, mỉm cười, nói:
- Lão tam đấy à? Hôm nay ta tới nhà họ Trấn mừng thượng thọ, tên hắn là Trấn Lộc, người ta gọi hắn là Trấn Giang Ninh. Hôm nay hắn làm sinh nhật nên ta đành phải đi chuyến này. Ta đi chẳng qua cũng chỉ vì để hắn vui lòng, không tới quấy quả nhà ta mà thôi. Hôm nay có không ít người tới dự sinh nhật của hắn, có lẽ phải tới bốn trăm người, lại còn có vô số bạn bè của hắn nữa, tên nào tên nấy đều cường tráng, đang ở tuổi thanh niên. Lúc trời sắp tối, mọi người ra về cả, bọn chúng vẫn còn ở lại uống rượu, xem ra chúng sắp say hết rồi. Tối nay không biết tới lượt nhà nào gặp họa đây! ông lão nói xong lại sải bước đi tiếp. Trần Đại Dũng đứng sau ông ta nghe thấy tất cả, bất giác, trong lòng cả mừng, vội vàng trở vào trong quán trọ, gặp hai người bạn Chu, Vương, kể cho họ nghe lại những thông tin mình vừa có được. Hai người ấy nghe xong cả mừng, nói: ý trời muốn chúng ta lập công đây! Nhưng còn chuyện này, xin Trần gia hãy nghe tôi nói: Tuy lũ giặc say rượu, nhưng bọn chúng không chỉ có một hai tên. Chúng ta không thể không đề phòng. Phải điều tra kỹ lưỡng rồi mới có thể hành sự.
Đại Dũng nghe, nói:
- Có lý lắm. Lời các vị nói quả không sai! Theo ý tôi, thôn Tiểu Liễu cách đây chỉ vài dặm đường. Chi bằng ta nhân lúc đêm tối, lén tới đó. Thiết nghĩ, lũ giặc đã say rượu cũng chẳng có gì đáng ngại.
Vương Minh nghe vậy, nói:
- Có lý! Ta không nên chậm trễ, mau chóng lên đường thôi.
Vương Minh nghe Trần Đại Dũng nói xong, đáp lời:
- Ý Trần gia hay lắm, ta cứ vậy mà làm, chắc sẽ thành công.
Nói xong, mọi người cùng thu xếp hành lý. Lúc này, chủ quán trọ cũng nhận ra sự lạ, nghĩ bụng: "Chắc hẳn họ là người của quan tới đây làm nhiệm vụ!" Nhưng cũng không dám lắm chuyện. Lại nói chuyện đám sai nha, từ Trần Đại Dũng, Chu Văn, Vương Minh cho tới những người khác, cả thảy có hai mươi mạng. Họ lục tục rời khỏi quán trọ, nhằm đường lớn dẫn tới thôn Tiểu Liễu tiến lên.
Trần Đại Dũng dẫn đoàn ngươi tiến lên, tới thẳng thôn Tiểu Liễu. Tạm gác chuyện đám công sai lại, giờ ta lại nói tới chuyện lũ cướp. Sau khi khách khứa đã ra về cả, sắc trời đã tối, người nhà châm đèn lên. Bọn chúng lại lôi rượu ra, tiếp tục đánh chén với nhau. Hai ả kỹ nữ đi tiếp rượu, Trấn Lộc nói:
- Theo ta nghĩ, chuyện này hẳn phải có ẩn tình gì bên trong đây. Ta từng nghe nói Lưu tri phủ của phủ Giang Ninh vốn nổi tiếng coi khinh tiền bạc. Ngay cả quan tổng đốc, cấp trên của ông ta, ông ta cũng không sợ, các quan châu, quan huyện hễ nghĩ tới ông ta lại thấy nhức cả đầu. Ông ta được Hoàng đế Càn Long đích thân tuyển chọn. Nhà ông vốn ở Sơn Đông, người huyện Chư Thành phủ Thanh Châu. Lưu đại nhân vốn là con nuôi của Thái hậu, tên gọi Lưu Dung. Nếu đã bắt được Ngô sai nha, lẽ nào ông ta chịu bỏ qua? E rằng Ngô Tín đã khai ra bọn ta trên công đường rồi. Lưu đại nhân tất sẽ sai người đi dò xét, bắt bọn ta về phủ Giang Ninh. Nghe nói, thủ hạ của ông ta có một người tên gọi Trần Đại Dũng. Người này nổi tiếng tinh thông võ nghệ, vốn xuất thân từ hàng võ cử, được giao nhiệm vụ chuyển lương thảo tới Tuyên Hưng, giữ chức thiên tổng. Bởi chuyển lương gặp sự cố nên mới bị cách chức thiên tổng, đuổi về quê. Chẳng còn đường nào khác, ông ta đành phải vào nha môn, hầu hạ Giang Ninh Lưu đại nhân. Người này từng bắt Từ Ngũ, Giang Nhị tại Thập Lý Bảo, bắt hòa thượng trong miếu Thủy tên là Uyển Vây Tăng...
Tên giặc còn chưa kịp kể hết, bên ngoài chợt có người chạy vào nói:
- Có chuyện rồi!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT