Giang Hoài Nhã quả thực đã rất nể mặt anh mà ngủ mê mệt.

Có lẽ vì ngủ ở nhà Nhiếp Phi Trì nên rất nhiều chuyện trong mơ cũng liên quan tới anh.

Những hình ảnh vụn vặt ấy đa phần đều dừng lại ở thời trung học.



Đồng phục trường cấp ba của họ, dù là nam hay nữ, cũng đều là sơ mi trắng. Mấy cậu con trai hiếu động hay thích phanh ra, để lộ đủ các loại màu sắc bên trong tay áo. Nhiếp Phi Trì thì khác, cậu luôn ăn mặc rất thoải mái nhưng cúc áo bao giờ cũng cài nghiêm chỉnh, chỉ mở hai cúc trên cùng, đủ để khơi dậy sự hiếu kỳ muốn ngó vào của người ta.

Có một dạo, Triệu Khan Khan rất thích cá cược với cô xem Nhiếp Phi Trì có mặc gì bên trong sơ mi hay không. Họ hay tranh thủ sáng sớm ngày thứ hai, trốn lên hành lang tầng hai, nhìn lén cổ áo của cậu qua vô số góc độ, muốn mượn ánh nắng để vụng trộm kiểm tra màu sắc áo ba lỗ bên trong.

Kết luận là… không mặc.

Tia nắng trong mơ cũng nhức mắt như thế, thông qua một lớp vải mỏng manh, mơ hồ rọi sáng cả cảnh tượng trước mắt cô.

Khi Giang Hoài Nhã tỉnh lại, võng mạc mông lung trong giây lát, cứ như cô đã bị ánh mặt trời năm mười sáu tuổi chiếu rọi cả một đêm vậy.

Cô mơ màng nghĩ, với mức độ thân thiết của cô với anh năm đó mà vẫn còn làm mấy chuyện ngu ngốc kiểu ấy, có thể nói là đầu óc có vấn đề.

Nhưng lúc đó anh hot lắm, đâu có như bây giờ, căn nhà chung cư tiêu điều quạnh quẽ, trong tủ lạnh cả miếng thịt cũng không có.

Đây là cảm nhận cô có được sau khi mở ngăn đá tủ lạnh ra và bắt gặp cảnh tượng trống rỗng đáng thương.

Lúc này là mười giờ sáng, ánh nắng mùa thu ở Bắc Kinh đang giờ đẹp nhất.

Giang Hoài Nhã hai tay cầm một lon soda, đi tới trước ô cửa sổ sát sàn, nheo mắt lại.

Nếu không phải vì lý do phải tới Bắc Kinh quá tệ hại, quãng thời gian này kỳ thực cũng đáng để người ta chờ đợi đấy chứ.

Nhiếp Phi Trì đã đi từ lâu, đồng thời cũng đã thu dọn đống bừa bộn hoang tàn mà tối qua cô đã dặn lòng phải dọn thế mà chẳng hiểu sao lại quên bẵng mất. Phim truyền hình chỉ toàn lừa gạt. Tối qua cô thiếp đi trên sô pha, ngủ dậy vẫn ở nguyên chỗ cũ, điểm khác biệt là Nhiếp Phi Trì quăng lên người cô một chiếc chăn mỏng. Chắc tại sợ cô vừa mới tới đã bị cảm phải vào bệnh viện, dì Tạ sẽ đích thân tới Bắc Kinh tính sổ với anh.

Còn về bữa ăn tình yêu ban sáng, chắc chắn là không có rồi.

Một người rời xa quê hương đã nhiều năm như cô không đăng ký phần mềm thanh toán trên di động, mở ví ra cũng gần như không còn đồng Nhân dân tệ nào. Cô đang định tra xem gần đây có ngân hàng nào thì bỗng liếc thấy trên bàn trà có một con thỏ đang đè lên di động của cô.

Anh dùng một cách thức thô lỗ nhất, đơn giản nhất để tuyên bố với cô rằng, thứ đồ chơi này đã thuộc về cô.

Giang Hoài Nhã buồn cười cầm ông thỏ ra, chợt nghe thấy tiếng kim loại va chạm rất khẽ.

Tối qua cô đã phát hiện ra món đồ này thể tích không lớn nhưng thể trọng thì nặng vô cùng. Lúc đó cô còn tưởng nó đặc ruột nên không chú ý quá nhiều. Giờ cô cầm lên tay lắc lắc rồi ngó ngó lên phần cổ của nó, lập tức sửng sốt.

Hóa ra con thỏ này bản chất là một hộp đựng tiền.

Cô mở phần đáy, đổ ra cả một bàn đồng xu, đếm được hơn một trăm đồng.

Tức là thật ra tối qua… cô đã biến tướng xin tiền Nhiếp Phi Trì sao?

Ôi…

Giang Hoài Nhã quyết định cầm số tiền này đi ra cửa hàng tạp hóa mua một phần đồ ăn làm sẵn để bản thân bình tĩnh lại.

Cuộc điện thoại của dì Tạ tới ngay lúc này, chẳng qua chỉ hỏi cô ngủ có ngon không, ở đã quen chưa, và cậu anh Phi Trì có thờ ơ với cô không.

Giang Hoài Nhã liếc nhìn nhân viên thu ngân đang đếm từng xu bằng ánh mắt kỳ quái và mỉm cười, “Không có ạ, anh ấy cũng khá... chu đáo”.

Dì Tạ rõ ràng quá hiểu tính khí cậu con trai, bèn hoài nghi: “Thật không?”.

Thân là một nhân viên thu ngân ở một thành phố phương Bắc, có lẽ cô gái kia cả đời chưa từng nhìn thấy nhiều xu như vậy.

“Thật ạ.” Giang Hoài Nhã nhìn cô nhân viên đã sắp định cầm chổi đuổi cô ra khỏi cửa tới nơi, ra sức gật đầu.

Dì Tạ trong điện thoại vẫn còn đang quan tâm tới cuộc sống cùng công việc mới sắp tới của cô, hai “mẹ con” nói chuyện suốt dọc đường, chủ đề đi từ hỏi han thông thường tới phòng triển lãm dì Tạ sắp khai trương, dì mời cô lúc đó tới tham quan. Giang Hoài Nhã ngạc nhiên: “Ở Bắc Kinh ạ? Vâng, lúc đó con nhất định sẽ tới!”.

Bước vào trong khu nhà, trước mặt là cửa thang máy và lối thoát hiểm. Cô chần chừ một giây rồi chọn thang bộ.

Dì Tạ lại bắt đầu nói với cô về tình hình gần đây của Giang Triều, tiện thể còn kể lể với cô về hai ông bà đã đi tuần trăng mật hai mươi mấy năm của nhà họ. Cuối cùng dì Tạ dịu dàng dừng lại, “Được rồi, thỏ con nhà ta bên đó cũng có việc rồi, dì không quấy rầy con thêm nữa”.

Giang Hoài Nhã chầm chậm bước từng bậc một, “Đâu có, mấy hôm nay con rảnh lắm. Nhiếp Phi Trì ít nói chết đi được, chẳng ai nói chuyện với con”.

“Haizz, dì cũng cảm thấy nó hơi nội tâm quá, không giống con ruột của dì gì cả. Hồi ấy dì còn nói với mẹ con đấy, là muốn nuôi một cô con gái. Ai ngờ cuối cùng lại thuộc về mẹ con.” Dì Tạ thở dài xong thì cười ha ha, “Thỏ con mà là con gái dì thì hay biết mấy”.

Thế rồi hi hi ha ha ngắt máy.

Một mình Giang Hoài Nhã nhàm chán đi lên cầu thang, trong đầu văng vẳng câu nói của dì Tạ, cảm thấy quả là có lý.

Mẹ anh là một nhiếp ảnh gia có chút tên tuổi, bà ngoại trước khi về hưu là giáo sư tại một Học viện âm nhạc. Mặc dù bố theo nghiệp kinh doanh nhưng cũng coi như nửa gia đình có gen nghệ thuật rồi. Thế mà Nhiếp Phi Trì hoàn toàn không được hun đúc, từ nhỏ điểm Toán, Lý, Hóa của anh luôn đứng nhất nhưng bài tập môn Mỹ thuật thì đều ném cho cô làm hộ. Vị trí số một kỳ sát hạch hàng tháng thường xuyên bị một nữ sinh cướp mất vì điểm Văn của anh luôn thấp lè tè.

Nhớ lại lịch sử đen tối của Nhiếp Phi Trì, cơn đau nhức nơi cẳng chân khi phải đi bộ mười một tầng lầu bỗng tan biến đâu hết.

Cũng may cô không phải là một nữ sinh thiếu hụt gen vận động. Mặc dù lết lên tới tầng mười một cũng thở hồng hộc nhưng ngay sau đó đã cảm nhận được sự sảng khoái của vận động. Cô mỉm cười ngẩng đầu...

Lập tức đập vào mắt là Nhiếp Phi Trì.

Vừa mới nghĩ về người ta, kết quả đụng phải ngay chính chủ. Giang Hoài Nhã quả thật hơi chột dạ.

Tầm mắt của anh liếc qua chai BAILEYS® cô đang ôm trong lòng rồi dịch chuyển lên lớp mồ hôi mỏng lấm tấm trên trán, cuối cùng anh cất giọng nhạt nhòa: “Sao không đi thang máy?”.

“Ban nãy nói chuyện với mẹ anh. Sợ vào đó bị mất tín hiệu.” Giang Hoài Nhã mệt mỏi đứng dựa vào cửa, đưa chai rượu cho anh, “Cửa hàng tạp hóa ở khu nhà anh đầy đủ phết đấy, lại có cả BAILEYS®. Để lạnh chút xíu là tối uống được rồi”.

Cô thay dép lê, bỗng nhiên nhớ ra, “Hôm nay là ngày đi làm cơ mà, sao anh lại về?”.

Nhiếp Phi Trì khẽ liếc rồi nói: “Xem em thế nào”.

“...”

Trong lòng Giang Hoài Nhã bỗng như xuất hiện một con tằm bé như con muỗi đang nhai lá dâu. Cô á khẩu một lúc, đúng lúc nhìn thấy hộp đựng tiền bị mình moi ra trên bàn, “Đúng rồi, em rút ruột ông thỏ nhà anh rồi. Vừa đủ mua một chai rượu”.

Anh bỏ rượu vào tủ lạnh, “Chưa ăn gì sao?”.

“Ăn rồi.”

Tối qua thì ăn xiên nướng, hôm nay ăn đồ đông lạnh, cô nghĩ bụng từ lúc tới đây mình toàn ăn mấy thứ linh tinh, rồi đề nghị, “Trưa nay anh rảnh không? Em biết một nhà hàng rất được, ở ngay gần đây thôi. Có nể mặt không? Em mời”.

Nhiếp Phi Trì đứng dựa vào cánh cửa tủ lạnh, trong đáy mắt không có bóng cô, dường như đang suy tư.

Biểu cảm của anh luôn rất hờ hững, khi suy nghĩ con ngươi sẽ cố định ở một phương hướng mông lung nào đó.

Cuối cùng anh thông báo kết quả cho cô.

“Hôm nay không tiện.”

Anh rút một tập giấy trắng từ trong ngăn kéo ra, cúi đầu viết gì đó.

Vì thế, Giang Hoài Nhã không còn quan sát được biểu cảm của anh nữa, mấy lời khách khí như “Cảm ơn anh đã thu nhận em” cũng chẳng thốt được thành lời.

Người này đúng là... chẳng nể mặt gì cả.

Cô bĩu môi tự cười mình, liếc nhìn mặt trên tập giấy.

“Đối diện tiểu khu có ngân hàng Trung Quốc.”

Đúng loại thẻ của cô.

“Trên giấy là số di động của anh, bên dưới là máy bàn cơ quan.”

Còn gì muốn nói nữa?

“Di động của em hình như chặn số máy lạ, tối qua không thể liên lạc được với em, phải vòng vèo mấy vòng.”

Kết thúc.

Nhiếp Phi Trì đứng dậy, lúc ngang qua vô thức xoa đầu cô, dịu dàng nói: “Đừng giận nhé”.

Bên trong có quá nhiều chuyện cần phải giận nhưng anh đã đồng thời an ủi hết, tiết kiệm một cách triệt để.

“Vậy anh đi đi, lần sau lại hẹn.”

Giang Hoài Nhã đứng yên tại chỗ, rõ ràng được dặn dò tỉ mỉ chu đáo mà cô chẳng cảm nhận được chút ấm áp nào. Chẳng thể phân biệt rõ trong đôi mắt luôn bình thản ấy phần quan tâm nhiều hơn hay lãnh đạm nhiều hơn.

Vô cớ khiến người ta nhớ lại quá khứ.

Trong giấc mơ tối qua, có một đoạn cô đánh nhau với em trai mình. Lý do không đầu không cuối, chỉ vì Giang Triều ôm một con chó về nhà. Một con chó con màu vàng nằm rạp, lông ngắn cũn, mắt lim dim, trông cực kỳ xấu xí. Sau khi cô dõng dạc nhận xét như thế, Giang Triều đã nhảy xổ lên đánh nhau với cô một trận, đánh cho một bên má của cô sưng hếu.

Lần đó, chính Nhiếp Phi Trì chườm má cho cô.

Anh mua cây kem muối đơn giản nhất, không bóc ra mà để cô áp lên má. Dưới bóng cây loang lổ mùa hạ, ánh nắng loang lổ, anh nhếch môi, muốn cười nhưng lại không cười: “Có cần phải thế không, vì một con chó mà cũng đánh nhau được?”.

“Anh không hiểu, đây là chuyện giữa hai chị em em!”

“...”

Một lát sau, có lẽ là khi chiếc kem đã có tác dụng.

Cơn giận trong người Giang Hoài Nhã cũng bốc hơi, cô hạ giọng ấm ức nói: “Giang Triều bị dị ứng lông chó nhẹ. Mặc dù chỉ nhẹ thôi nhưng cứ chạm vào chó là cả người ngứa ngáy, nửa đêm nó gào cho đến sáng, thế mà cứ nhất quyết đòi nuôi. Bố em cũng mặc kệ nó, anh bảo em không đánh nó được chắc?”.

Lúc đó mẹ cô vừa làm một phẫu thuật quan trọng, đang điều dưỡng ở nước ngoài, chuyện trong nhà do bố một tay quản lý. Quan điểm dạy dỗ của bố là rộng rãi, đến nỗi mà lần nào cô cũng có thể giành chiến thắng áp đảo nếu so xem “bố mẹ nhà ai vô trách nhiệm hơn”.

Có lúc Giang Hoài Nhã nghi ngờ bố cô nuôi dưỡng họ chỉ nhiệt huyết nhất thời, giống như chơi bời vậy, đẻ ra rồi chơi với nó vài ngày, chơi chán thì quên luôn. Nếu không, sao có thể vô trách nhiệm với cô rồi với cả Giang Triều, nó dù sao cũng là con trai mà... Có thể tiếp thu chút “tốt đẹp” của đạo lý trọng nam khinh nữ không?

“Tóm lại là anh không có em trai, anh không hiểu đâu.” Giang Hoài Nhã tổng kết xong bèn bỏ cây kem xuống, nhàm chán bóp bóp, “Anh bảo mặt em nóng như vậy, liệu kem bên trong có tan chảy hết không?”.

Nhiếp Phi Trì hờ hững đáp: “Tan thì thôi”.

“Không được. Thế thì lãng phí lắm...”

Anh xì một tiếng, “Vậy em bóc ra ăn đi”.

Giang Hoài Nhã bày ra biểu cảm khó tin: “Đùa sao, lúc kem nửa tan nửa không là mềm nhất, em không ăn đâu.” Cô khó xử một lúc rồi ngang nhiên đưa cho anh: “Hay là anh ăn đi!”.

Rất khó xác định lúc ấy Nhiếp Phi Trì có muốn đấm cho cô một trận hay không.

Nhưng đôi mắt anh thì chẳng mấy khi nổi sóng, anh xoay mặt cô đi, áp cây kem vào vị trí cũ, “Ngồi yên chườm đi.” Anh bắt lấy một tay cô dựng thẳng lên để giữ kem, “Tự cầm lấy. Anh về đây”.

Giang Hoài Nhã không thể tin nổi, biểu cảm còn có chút quyến luyến không muốn rời.

Rất nhiều năm sau cô lại cảm thấy dường như anh rất hiểu. Anh hiểu đôi mắt cô có ý gì, hiểu rõ cô còn muốn bỏ bao nhiêu nước bọt vào những chuyện nhạt nhẽo như “em trai không hiểu chuyện” và “bố mẹ vô trách nhiệm”. Giống như bây giờ, rõ ràng anh biết cô thật sự rất muốn ngồi xuống, cùng anh ăn một bữa cơm đàng hoàng, rút những tình cảm bị năm tháng đông đá ra cho tan hết.

Thế nhưng con người Nhiếp Phi Trì có lúc hết sức tuyệt tình, anh khoác túi lên vai, nói đi là đi.

Lúc đó anh mới mười sáu tuổi.

Dáng người thanh tú tới mức đủ để khiến biết bao cô gái rung rinh, nhưng chẳng bao giờ dám cất bước lại gần.

Đây có lẽ là nguyên nhân mà hơn hai mươi năm nay cô đã vô số lần bị bạn bè người thân, thậm chí là bố mẹ khuyên “Con yêu luôn Nhiếp Phi Trì cho xong”, nhưng bản thân lại chưa bao giờ dám có suy nghĩ ấy.

Trăng có khi nào không đẹp, đáng tiếc, nó quá xa vời.

Thôi bỏ đi, chí ít thì cô từng có được thứ ánh sáng ấy của anh vào lúc nó rực rỡ nhất, chiếu rọi khắp nhân gian...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play