Chưởng quản bộ lễ Cố Trưng Cố Thiên Phàm dặn dò kiệu phu đi theo chiếc
kiệu nhỏ của Từ Nhân Mậu, trong lòng tuy hơi trách sự lỗ mãng của Từ
Nhân Mậu song cũng có vài phần mừng rỡ. Lần này hắn đến Nam Kinh làm
việc mấy tháng mà thật như là được đại xá vậy. Tuy vào những năm đầu
Tuyên Đức, “Bắc kinh hành tại” đã trở thành Kinh sư, nhưng mãi đến mấy
năm về trước, triều đình mới chính thức dời đô về Bắc Kinh, và ba năm
trước đây, hắn cũng được điều đến đấy. Bắc Kinh là nơi rất lạnh, không
thể so với Nam Kinh là nơi phồn hoa đô thị, cuộc sống rất an lạc. Cố
Trưng là một kẻ phong lưu, chẳng mấy chốc mà đã nổi danh phong nguyệt
tại Tần Hoài Tô Dương; hơn nữa, người nhà của hắn còn ở tại Nam Kinh, ba năm lưu lại đây làm hắn trở nên rất tồi tệ. Tuy hắn không quá nguyện ý
gần gũi với Từ gia, nhưng do Từ Nhân Mậu quý mến mà kéo hắn cùng đi tìm
lạc thú, nên hắn chỉ đành ỡm ờ theo sau.
Hai người đổi kiệu sang thuyền hoa của Từ gia, Cố Trưng nhìn sự bày trí
trên chiếc thuyền xa hoa lộng lẫy nhưng đầy tục khí, thầm lắc đầu. Từ
Nhân Mậu Từ nhị gia chẳng qua chỉ là một kẻ nịnh bợ, còn tứ đệ của hắn
là Từ Nhân Tú thì không thể đắc tội được. Từ Nhân Tú vốn chỉ là một gã
hộ thuyền, sau gặp thời lại phất nhanh, trở thành một đại thuyền chủ. Từ Chiết Mân đến Lưỡng Việt [1], rồi từ Ma Lạt Gia đến Nhật Bổn, đội
thuyền của hắn đều có thể thông hành mà không có trở ngại gì. Vốn dĩ,
Đại Minh triều từ lâu đã có lệnh cấm tàu thuyền giao thương, và cả việc
khai thác mỏ cũng bị cấm ngặt. Nhưng mười năm trở lại đây, dân gian vẫn
thường lén lút buôn lậu với nhau, Từ Nhân Tú trở nên giàu có là do dựa
vào sự nâng đỡ của các quan viên phụ trách trông coi thuyền bè trên sông nước. Quy mô đội thuyền của hắn càng lúc càng lớn, thậm chí còn thường
thay thế một số tiểu quốc ở Nam Dương để “kiểm kê” các hàng triều cống
nữa. Triều cống vốn là những cuộc giao thương giữa các nước chư hầu với
Đại Minh, chẳng qua cũng chỉ là vật đổi vật, nhưng Từ Nhân Tú lại thông
đồng với các quan viên, lợi dụng hàng triều cống mà lén chuyển hàng lậu
qua lại. Cố Trưng chỉ là một vị quan tứ phẩm đến từ kinh đô, nhưng vì y ở lễ bộ, phải phụ trách những chuyện liên quan tới triều cống, nên trước
sau đã thu được của Từ Nhân Tú ba, bốn nghìn lượng rồi.
Thật tình mà nói, cùng là thương nhân, hắn thà là giao du với Cung Hổ
Thần còn hơn, vì dù sao thì họ Cung cũng xuất thân từ Huy thương [2], có đọc sách từ nhỏ. Còn Từ Nhân Tú chẳng qua chỉ là một phú hộ mới phất.
Hơn nữa, còn một nguyên nhân khác, đó là họ Cung suy cho cùng cũng phải e dè quan phủ, còn Từ Nhân Tú thì thực chất chẳng hề để quan phủ vào
trong mắt. Hắn trên từ các Ty lễ đại thái giám và nội các đại học sĩ,
dưới đến các quan viên chỉ huy vùng duyên hải, đều có cấu kết với hắn
cả. Có một lần say rượu, vị Từ tứ gia này nhướn mắt nói :
- Nếu triều đình muốn điều tra ta, ta sẽ không như Trầm Vạn Tam [3] năm
xưa mà để cho họ tha hồ mổ xẻ. Ta tiến có thể đút bạc vào tận bên gối
Hoàng thượng [4], thoái thì có thể chạy đến tận hải đảo hoặc Nam Dương,
học theo Cầu Nhiêm Khách tự lập làm vua cũng dễ như trở bàn tay.
Những lời đó đã khiến cho các quan viên sợ đến đổ mồ hôi như mưa.
Từ Nhân Mậu thì lại không giống vậy, hắn hoàn toàn chỉ là một kẻ giàu
sang nhàn rỗi, chỉ biết phong hoa tuyết nguyệt. Cố Trưng dù ngại hắn thô lậu, nhưng ba năm rồi không đến Tần Hoài, giờ đây Từ Nhân Mậu ngẫu
nhiên trở thành hướng đạo cho y. Tuy nhiên, khi nhớ đến chuyện nửa tháng trước đây, ngực y vẫn phập phồng lo sợ và thấy bất an. Mấy năm trước y
từng quen biết ca kỹ Thư Ngọc Sanh kia, chẳng những thế mà còn rất thích nàng nữa. Ngày đó Cung Hổ Thần và Từ Nhân Tú đã uống nhiều lắm, lại còn đề cập đến một số việc cơ mật ở trong cung nữa. Thư Ngọc Sanh nghe xong thì sợ điếng hồn, mượn cớ để rời khỏi nơi đó, không ngờ lại chọc giận
đến Từ Nhân Tú. Còn Cung Hổ Thần lúc trước từng nhờ vào Từ Nhân Tú mà
được giàu sang, do đó tất nhiên hắn phải giúp cho họ Từ trút giận, thế
là đã ra tay đánh chết Thư Ngọc Sanh tại chỗ để diệt khẩu. Cố Trưng nghĩ đến đó mà trái tim thấy lạnh buốt. Từ Nhân Mậu là một cái bị thịt,
chuyến này đổi lại vậy mà may, ít ra đi với hắn cũng không cần phải lo
lắng nhiều.
* * * * *
Thuyền hoa chạy đến trước một tòa hà phòng rồi dừng lại. Trên sân thượng của hà phòng, có một nữ tử ăn mặc đạm bạc đang dựa lan can mà đăm chiêu nhìn ra xa, môi nàng khẽ khàng ngâm xướng, nếu chú ý lắng nghe thì
người ta sẽ nghe ra bài ca mà người đương thời phỏng theo bài Bặc Toán
Tử của Nhiếp Đại Niên [5], người Lâm Xuyên: “Dương liễu tiểu man yêu,
quán trục đông phong vũ. Học đắc tỳ bà xuất giáo phường, bất thị thương
nhân thụ. Mang chỉnh ngọc tao đầu, xuân duẩn tiêm tiêm lộ. Lão khước
giang nam đỗ mục chi, lại vi thu nương phú”.
Cố Trưng mắt nhìn, tai nghe mà toàn thân cũng cảm thấy bay bổng, thật không khỏi bị điên đảo vì lời ca du dương ấy.
Lại nghe Từ Nhân Mậu nói :
- Thiên Phàm tiên sinh, ngài đúng là ngựa quen đường cũ, không thể so
với những phú hộ mới phất như chúng ta. Ngài có nhận ra nữ tử kia chính
là Ngu Uyển Lan, người mà năm, sáu năm trước đã làm kinh động Nam Kinh
chăng?
Cố Trưng hạ giọng nói :
- Ngoài nàng ta ra thì còn ai có được phong thái này nữa? Nhị gia khi
trước nếu thường ở tại Nam Kinh thì chắc ngươi cũng biết, Ngu Uyển Lan
năm xưa so với trăng còn thanh khiết hơn, so với mai còn nhiều ngạo khí
hơn, cao cao tại thượng, không hề gần gũi với hạng phàm phu tục tử,
không bợ đỡ nịnh nọt giới phú thương quyền quý, mà sắc nghệ của nàng lại là song tuyệt, đứng nhất trong giới quần thoa. Vừa rồi ngươi cũng nghe
nàng ca một khúc rồi đó, thật như là chim loan cô độc rời khỏi đám mây
trời...Nghe nói mấy năm trước, nàng ta nhất mực thủ thân để hoàn lương,
từ đó về sau thì không ai biết hạ lạc nơi đâu. Nhị gia quả nhiên là có
thủ đoạn, không ngờ lại tìm được nàng ta ở chốn này.
Từ Nhân Mậu cười nói :
- Ngài nói làm như là ta thật sự tới đây để tìm ca kỹ vậy? Hôm qua ở
thành Nam Kinh đã xảy ra chuyện lớn như vậy, lẽ nào Cố đại nhân lại
không biết? Chúng ta đi điều tra một người họ Ngô từng làm bộ khoái ở
Sơn Dương huyện, hắn đã một thân một đao xông vào dinh phủ của Cung Hổ
Thần mà giết người. Việc này hẳn là có liên quan đến việc một ca kỹ đã
bị chết vào nửa tháng trước. Đáng lẽ họ Cung có chết cũng không sao,
nhưng ngài cũng biết đấy, tứ đệ của ta là một người cẩn thận, do đó mới
muốn ta điều tra chuyện này. Ngài cũng biết việc của họ Ngô kia mà, tất
nhiên là phải tìm tung tích của hắn từ trên người của Ngu Uyển Lan rồi.
Hắn vẫy vẫy tay, thuyền liền tiền lại gần bờ. Họ Từ dẫn theo bốn, năm người dũng mãnh nhanh nhẹn, rồi quay đầu lại nói :
- Cố đại nhân ở đây chờ ta chốc lát, khi trở lại ta sẽ đưa ngài hồi phủ.
Cố Trưng nghe vậy thì toàn thân toát mồ hôi lạnh, lòng thầm hối hận. Y
hạ quyết tâm sau khi trở lại kinh đô thì sẽ không bao giờ nhúng tay vào
việc của Từ Nhân Tú nữa, và cũng không bao giờ nhận tiền của hối lộ của
hắn nữa. Lúc này y ngẩng đầu lên nhìn, thì ra mỹ nhân ở trên sân thượng
đã trở về phòng từ lúc nào. Hắn thẫn thờ như vừa mất đi vật gì đó, rồi
trở vào trong khoang tiếp tục thưởng thức trà. Không lâu sau, thân
thuyền khẽ chao đảo một chút, rồi chợt có người bước vào trong khoang.
Người nọ nhìn Cố Trưng, cười nói :
- Ta chính là người mà các ngươi muốn tìm.
* * * * *
Đây là lần đầu tiền mà quan Giám sát Ngự sử Trần Trinh Cát đến tuần án
tại Nam Kinh. Tuổi hắn chừng ba mươi bốn, rất nhiệt tình ở trên quan
trường, quả đúng là tuổi trẻ khí thịnh. Giám sát Ngự sử chỉ là một chức
quan thất phẩm, hơn nữa tiền triều đã từng định ra quy củ là dùng những
người thanh niên tuổi trẻ để bổ nhiệm vào chức này. Kỳ thực, chức vụ này chủ yếu chỉ là để giám sát các quan viên có phẩm hàm thấp, do tuổi trẻ
nên thường đàn hặc các quan viên khác mà không hề cố kỵ gì. Giờ đây,
Trần Trinh Cát nhìn phong thư trước mắt mà không khỏi lắc đầu. Hắn quay
lại hỏi sư gia :
- Các ngươi điều tra việc Cố đại nhân đến đâu rồi?
Người sư gia đáp :
- Không biết thế nào mà Cố đại nhân lại bảo là vì bị té kiệu nên mới thọ thương, hiện tại đang ốm nằm liệt giường. Nhưng nghe đâu thì y đã từng
đi kiếm ca kỹ nên mới ra cớ sự như thế.
Y đến gần Trần Trinh Cát thêm một bước, rồi tiếp :
- Các huynh đệ đã điều tra được, y đã mua một tòa nhà ở cửa thành Nam,
phải cần hơn ba ngàn lượng. Lương bổng của y vẫn chưa nhận được, nghe
môn hạ của y nói, y quả thật đã từng tìm mua một tòa nhà với giá bốn
ngàn lượng, mà số tiền đó thì đều do Từ Nhân Tú và Cung Hổ Thần cung cấp cho.
Trần Trinh Cát khẽ gật đầu, hắn bắt đầu một mặt viết tấu chương, mặt khác lại nói :
- Vị Thiên Phàm tiên sinh này cũng nổi danh là tài tử phong lưu, nhưng
lại đi bức tử dân nữ, thay đổi chứng cứ, nhận tiền hối lộ, lại cải trang đi tìm ca kỹ, tất cả đều là những tội hạnh không thể chối cãi được.
Hắn đóng dấu vào bản tấu chương, sau đó nói với sư gia :
- Một lát nữa ngươi đến dinh phủ của Cố đại nhân, nói cho y biết rằng
mặc kệ bệnh tình của y thế nào, ngày mai ta nhất định phải đến gặp y.
-----------
[1] Lưỡng Việt: chỉ hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây -- 粤 江 流 域 lưu vực sông Châu Giang -- 粤 汉 铁 路 thiết lộ Quảng Châu Hán Khẩu.
[2] Huy Thương là tên gọi của tập đoàn các thương nhân phủ Huy Châu cũ, còn gọi là “Tân An thương nhân”, thường gọi là Huy bang.
[3] Trầm Vạn Tam: là một phú ông, tương truyền ông ta có vật báu “Tụ Bảo Bồn”, hễ đặt thứ gì vào đó cũng biến thành châu báu, về sau bị hoàng đế bắt vì tội có bảo vật mà không dâng lên, tội đáng muôn chết, nên bị chu di cửu tộc.
[4] ý câu này là muốn nói nếu tiến thì hắn có thể hối lộ tới người ở bên cạnh Hoàng thượng.
[5] Nhiếp Đại Niên (1402 - 1455), một quan viên đời Minh, người Lâm
Xuyên, tỉnh Giang Tây, giỏi thi ca, thông hội họa. Các tác phẩm của ông
lưu truyền khắp vùng Giang Nam, được nhiều người ca tụng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT