Và với vẻ ngoài giống như đã chết
Con sẽ thiêm thiếp trong bốn mươi hai giờ
--- --------oOo---- -------
Siena, 1340 Công nguyên
Chao ôi, họ là những anh hề của số phận!
Họ đã lên dường được ba ngày, chơi trò trốn tìm với tai họa và sống bằng bánh mì rắn như đá. Cuối cùng, trong một ngày hè nóng nực nhất, khốn khổ nhất, họ đã bước vào đoạn cuối cuộc hành trình, tu sĩ Lorenzo có thể nhìn thấy các ngọn tháp đẹp mê hồn của Siena dần hiện lên, trên dường chân trời phía trước. Nhưng buồn thay, ở đây, bài kinh roze của thầy đã không còn sức mạnh che chở.
Ngồi trên cỗ xe song mã mệt mỏi lắc lư cùng sáu người bạn đồng hành – đều là tu sĩ giống thầy – cưỡi ngựa phía sau, vị tu sĩ trẻ đang hình dung ra món thịt bò kêu xèo xèo và ly rượu vang êm dịu đang đợi họ ở đích thì một tốp kỵ sĩ trông đằng đằng sát khí từ một vườn nho phi nước đại tung bụi mù mịt, vây quanh nhóm lữ khách và chặn đường khắp mọi phía, gươm tuốt trần.
-Chào những người xa lạ! – Tên toán trưởng gầm lên, hắn không còn chiếc răng nào và người đầy bụi bẩn nhưng ăn vận xa hoa, chắc đó là quần áo của các nạn nhân trước.. – Ai đang xâm phạm địa hạt Salimbeni?
Tu sĩ Lorenzo giật mạnh dây cương để dừng ngựa, trong lúc các bạn đồng hành của thầy đã đứng yên giữa cỗ xe và bọn cướp.
-Các ông thấy đấy, - vị thầy tu già nhất đáp và giơ cái áo khoác bằng vải loại xấu ra như một bằng chứng, - chúng tôi là các đạo hữu hèn mọn ở Florence, thưa ông bạn quý tộc.
-Hừ. – Tên cầm đầu nhìn khắp các vị thầy tu, mắt hắn nheo lại. Cuối cùng, cái nhìn chằm chằm của hắn chiếu vào bộ mặt khiếp đảm của tu sĩ Lorenzo. – Trên xe có thứ gì quý giá không?
-Không có gì giá trị với ngài, - vị thầy tu già đáp và lùi ngựa một chút để chặn tên cướp đến gần chiếc xe. – Xin cho phép chúng tôi đi qua. Chúng tôi là người sùng đạo và không có gì đe dọa ngài hoặc bà con của ngài.
-Đây là đường của Salimbeni, -tên toán trưởng nói và dứ lưỡi gươm để nhấn mạnh lời nói, một dấu hiệu cho đồng bọn của hắn tiến gần hơn. – Nếu các người muốn đi qua, các người phải nộp tiền mãi lộ. Vì sự an toàn của các người thôi.
- Chúng tôi đã nộp tiền mãi lộ cho Salimbeni năm lần rồi.
Tên côn đồ nhún vai:
- Công che chở đắt lắm đấy.
- Nhưng ai sẽ tấn công một nhóm người sùng đạo đến Rome? – Vị thầy tu già cãi lại, vẻ bình tĩnh cứng cỏi.
- Bọn chó Tolomei vô lại chứ ai! Tên toán trưởng nhổ hai lần xuống đất, rất xa, và cả bọn chúng nhất loạt làm theo. – Bọn chó đẻ ấy ăn cướp, hãm hiếp, giết người!
- Chính vì thế, - vị thầy tu nhận xét, - chúng tôi muốn đến thành phố Siena trước khi trời tối.
- Không còn xa lắm đâu, - tên toán trưởng gật gù, - nhưng thời buổi này cổng thành thường đóng sớm vì tình trạng chia rẽ tởm lợm do bọn chó dại Tolomei gây ra, quấy nhiễu toàn thể dân chúng Siena hiền lành, chăm chỉ và có thể nói thêm rằng càng đặc biệt tệ hại với tòa nhà uy nghi và nhân từ mà ngài Salimbeni, chủ nhân cao quý của ta đang cư ngụ.
Bài diễn văn của tên toán trưởng được cả bọn lầm bầm tán thưởng.
- Vì thế, chắc các người hiểu rằng – hắn tiếp tục, - chúng ta cai quản con đường này và hầu hết các con đường khác trong vùng lân cận nói chung của nước cộng hòa Sin huy hoàng, và lời khuyên sáng suốt của ta với các người, như một người bạn, là nộp tiền mãi lộ ngay bây giờ và hãy nhanh chân lên, để có thể lên đường và lọt vào trong thành trước khi cổng đóng vì sau lúc sẩm tối, những lữ khách vô tội như các người sẽ làm mồi cho bọn du thủ du thực Tolomei xông ra cướp bóc, chúng chẳng tha gì những người mộ đạo.
Sau khi tên côn đồ nói xong, chỉ còn lại sự im lặng thâm hiểm. Nép mình trong cỗ xe sau các bạn đồng hành, vẫn nắm dây cương chùng, tu sĩ Lorenzo cảm thấy tim đập loạn xạ trong ngực như đang tìm chỗ trốn, và trong giây lát thầy ngỡ mình sắp ngất. Hôm đó trời nóng như thiêu và không hề có một làn gió nhẹ, giống như đang trải qua một trong những nỗi kinh hoàng ở địa ngục. Nhiều giờ trước, họ đã hết cả nước uống. Nếu tu sĩ Lorenzo chịu trách nhiệm giữ túi tiền, thầy sẽ sẵn sàng trả cho bọn côn đồ mọi thứ để được đi tiếp.
-Thôi được, - vị thầy tu già dường như cảm thấy lời cầu xin thầm lặng của tu sĩ Lorenzo, - vậy sự che chở của các ông đáng bao nhiêu đây?
-Tùy thôi, - tên cướp cười nhăn nhở. –Các người có những gì trong xe kia, và nó đáng giá bao nhiêu với các người?
-Đây là cỗ áo quan, chứa một người bạn cao quý, nạn nhân của một bệnh dịch khủng khiếp.
Nghe câu này, hầu hết bọn cướp lùi phắt lại, nhưng tên toán trưởng không dễ dàng bỏ cuộc.
- Được, - hắn nói, càng cười nhăn nhở, - để chúng tôi nhìn một cái.
-Tôi không khuyên nên thế đâu! – Vị thầy tu nói. – Quan tài phải niêm kín, đấy là luật của chúng tôi.
- Luật ư?- Tên toán trưởng kêu lên. – Bọn thầy tu ti tiện này có luật từ bao giờ vậy? – Hắn ngừng để lấy uy và cười mỉa. – Và bọn chúng bắt đầu cưỡi ngựa nòi Lipicia từ bao giờ thế?
Im lặng tiếp theo lời hắn nói, tu sĩ Lorenzo cảm thấy áp lực đang đè xuống tận đáy lòng như một quả chì, báo trước một kết cục khác.
- Nhìn xem! – Tên cầm đầu nói tiếp, gần như để gây cười cho đồng bọn. – Bọn mày đã bao giờ thấy các thầy tu xoàng xĩnh diện giầy dép oách như thế kia chưa? Nhìn kia, - hắn chỉ gươm vào đôi dép xăng đan há mõm của thầy dòng Lorenzo, - đây có phải là mọi thứ các người dùng, hỡi các ông bạn cẩu thả của ta để định trốn thuế? Ta có thể nói rằng, vị đạo hữu nhún nhường duy nhất ở đây là cái gã im thin thít trong xe kia kìa, còn tất cả các người, ta đánh cược cả cái củ c…của ta rằng, các người phụng sự cho một ông chủ hào phóng hơn Chúa nhiều, và ta tin rằng cái quan tài kia với ông chủ các người còn giá trị hơn rất nhiều so với những đồng năm florin khốn khổ mà ta sẽ có trách nhiệm lấy của các người.
- Ông nhầm rồi, - vị thầy tu già nói, - nếu ông tưởng chúng tôi có khả năng tài chính như thế. Hai florin là tất cả những gì chúng tôi có thể nộp. Cản trở Giáo hội vì lòng tham không đúng chỗ sẽ làm xấu mặt ông chủ của ông đấy.
Tên cướp khoái chí vì lời sỉ nhục:
- Ngươi gọi là lòng tham ư? Không, lỗi của ta là tò mò. Trả năm florin hoặc ta sẽ biết nên xử ra sao. Để cái xe và cỗ quan tài ở lại đây dưới sự bảo vệ của ta, cho đến khi ông chủ của các người đích thân đến xin. Ta rất khoái nhìn thấy thằng chó đẻ giàu có nào phái các người đi.
- Chẳng mấy chốc, các ông sẽ chẳng bảo vệ gì ngoài mùi hôi thối của xác chết.
Tên cầm đầu cười to, thô bạo:
- Mùi của vàng xua tan mọi thứ ùi như thế, ông bạn ơi.
- Không núi vàng nào cần đến sự bảo vệ của các ông, - cuối cùng vị thầy tu vặn lại, gạt phắt sự nhún nhường của mình sang một bên.
Nghe lời lăng mạ này, tu sĩ Lorenzo cắn môi và bắt đầu tìm lối thoát. Thày biết rõ các bạn đồng hành nên có thể đoán ra hậu quả của cuộc cãi vã này, và không muốn dây dưa vào.
Tên cầm đầu không hề bất ngờ vì sự cả gan của nạn nhân.
- Ngươi quyết chết dưới lưỡi gươm của ta? – Hắn nói, nghiêng đầu sang một bên.
-Tôi quyết thực hiện sứ mệnh của mình. – Vị thầy tu nói, - Không một lưỡi gươm gỉ nào của các ông có thể làm tôi từ bỏ sứ mệnh.
- Sứ mệnh của ngươi ư? – Tên cướp gầm lên. – Này, các anh em, ở đây có một thầy tu tưởng Chúa biến hắn thành hiệp sĩ!
Cả bọn cười ho hố, ít nhiều hiểu được ý nghĩa câu nói đó, rồi tên toán trưởng hất đầu về phía cỗ xe:
- Giờ hãy xua lũ ngợm này đi và chiếm lấy ngựa, xe cho Salimbeni…
- Tôi có một ý hay hơn, - vị thầy tu cười khinh bỉ và xé toạc cái áo choàng, để lộ bộ quân phục bên trong. – Tại sao chúng ta không đến gặp chủ nhân Tolomei của ta với cái đầu của ngươi trên cọc?
Tu sĩ Lorenzo thầm rên rỉ vì sự khiếp sợ của thầy đã lên đến đỉnh điểm. Không còn ý định che giấu nữa, các bạn đồng hành của ông – tất cả đều là hiệp sĩ Tolomei cải trang – rút kiếm, dao găm trong áo choàng và túi yên ra, chỉ riêng âm thanh sắt thép khua cũng đủ khiến cả toán cướp dạt ra kinh hoàng, nếu không bọn chúng đã lao cả người cả ngựa để la hét và liều lĩnh tấn công ngay tức khắc.
Tiếng ồn ào đột ngột khiến những con ngựa của tu sĩ Lorenzo cuộn hông phi nước đại điên cuồng, kéo theo cỗ xe. Thầy chỉ còn biết kéo mạnh day cương một cách vô ích, cầu xin lý trí và sự tiết chế của hai con vật chưa bao giờ nghiên cứu triết học. Sau ba ngày trên đường, chúng thể hiện sự hăng hái khác thường khi kéo cỗ xe khỏi chỗ náo loạn và lao lên con đường mấp mô đến Siena, bánh xe rền rĩ và cỗ quan tài xóc nẩy lên, đe dọa mọi thứ sẽ bắn tung khỏi xe và vỡ thành nhiều mảnh.
Không sao điều khiển được lũ ngựa, tu sĩ Lorenzo quay ra để giữ cho chắc cỗ quan tài hơn. Dùng cả hai tay và hai chân, thầy cố giữ nó yên vị, nhưng trong lúc thầy cố vật lộn nắm chặt lấy thứ kềnh càng, phía sau có sự chuyển động khiến thầy phải ngoái nhìn và nhận ra rằng làm sao để giữ cho cỗ quan tài an toàn là mối quan tâm lớn của thầy.. Vì hai tên cướp đang phi nước đại theo sau, cố giành lại kho báu của chúng. Bò toài chuẩn bị phòng thủ, tu sĩ Lorenzo chỉ tìm thấy cây roi da và chuỗi tràng hạt, thầy run rẩy theo dõi lúc một tên cướp đuổi kịp – con dao ngậm giữa hai hàng lợi không răng – và với tay túm lấy lớp ván gỗ bên ngoài xe. Vốn bản tính khoan dung song thấy cần phải quyết liệt, tu sĩ Lorenzo vung ngọn roi quất thẳng vào mặt tên cướp và nghe thấy tiếng hắn rú lên đau đớn khi cái roi đuôi bò đẫm máu. Song tên côn đồ chỉ để bị đánh một lần, vì khi Lorenzo đánh lần nữa, hắn liền nắm lấy đầu roi và giật khỏi tay thầy. Không còn gì ngoài chuỗi tràng hạt và cây thánh giá đung đưa để tự vệ, tu sĩ Lorenzo vớ ngay lấy bữa trưa còn lại ném vào đối thủ. Tuy bánh mì khô cứng như đá, thầy vẫn không thể ngăn được hắn trèo lên thành xe. Nhìn thấy vị thầy tu đã hết vũ khí, tên cướp đứng hẳn lên, hân hoan đắc thắng, rút con dao khỏi miệng và nhắm hướng vào mục tiêu đang run rẩy.
- Dừng lại, nhân danh Chúa! – tu sĩ Lorenzo kêu lên lúc giơ cao chuỗi tràng hạt. –Ta có bạn bè trên Thiên đường, họ sẽ đập ngươi đến chết!
- Thật thế sao? Ta không nhìn thấy họ ở đâu hết!
Đúng lúc đó nắp quan tài bật mở, người ở trong – một cô gái có mớ tóc rối bù và cặp mắt bừng bừng khiến cô trông rất giống Thần Báo thù – ngồi dậy với vẻ vô cùng khiếp đảm. Chỉ riêng cái nhìn của cô đã đủ khiến tên cướp rơi dao vì kinh hãi và mặt hắn xám như tro. Không hề do dự, nữ thần ngoài ra khỏi quan tài, nhặt dao và đâm thẳng vào da thịt chủ nhân của nó, bên trên đùi hắn, nơi cơn giận của cô với tới. Rú lên đau đớn, tên cướp mất thăng bằng và ngã khỏi đuôi xe khiến vết thương càng nặng thêm. Má cô gái ửng hồng vì khích động, cô quay sang cười với tu sĩ Lorenzo và sẽ trèo ra khỏi quan tài nếu Lorenzo không ngăn lại.
-không, Giulietta! – Thầy khăng khăng nói và đẩy cô trở lại. – Vì Chúa, cô hãy ở yên đó và im lặng!
Sập nắp quan tài xuống, che đi bộ mặt phẫn nộ của cô gái, tu sĩ Lorenzo nhìn quanh xem tên còn lại ra sao. Than ôi, gã này biết suy tính hơn bạn hắn và không có ý định leo lên đằng sau xe với tốc độ hiện tại. Thay vào đó, hắn té ngựa lên trước, giành lấy dây cương và ghìm ngựa lại. Lorenzo rất thất vọng vì thấy biện pháp này có hiệu quả. Trong vòng một phần tư dặm lũ ngựa dần dần buộc phải chạy nước kiệu, rồi chạy lóc cóc và cuối cùng thì dừng hẳn. Chỉ lúc đó, tên cướp mới áp sát cỗ xe và lúc hắn phi tới, tu sĩ Lorenzo thấy không còn ai khác ngoài tên toán trưởng ăn vận xa hoa vẫn đang cười tự mãn và không hề động lòng vì cảnh máu me. Mặt trời đang lặn, trùm xuống hắn vầng hào quang màu đồng không xứng đáng với hắn, còn tu sĩ Lorenzo sửng sốt vì cảnh trái ngược giữa vẻ đẹp lấp lánh của vùng thôn dã và sự xấu xa hiển hiện trong các cư dân ở đây.
-Thế nào, tu sĩ, - tên côn đồ bắt đầu với vẻ hòa hoãn nguy hiểm. –Tôi sẽ để ông sống – thực ra, ông có thể đưa cái xe đẹp đẽ này và lũ ngựa đi, không cần nộp tiền mãi lộ - chỉ đối lấy cô gái nhé?
- Tôi cảm ơn lời đề nghị hào phóng của ông, - tu sĩ Lorenzo đáp, nheo mắt vì ngược sáng, - nhưng tôi đã thề sẽ làm người che chở cho tiểu thư quý phái này, và không thể để ông có nàng. Nếu tôi làm thế, cả hai chúng tôi sẽ sa xuống địa ngục.
- Chà chà! – Tên cướp đã nghe chuyện này từ trước. – Cô gái ấy chẳng hơn gì ông hoặc tôi, chỉ là một đứa con gái, Thực ra, tôi ngờ ả chính là một con điếm Tolomei!
Một tiếng rít căm phẫn vọng ra từ bên trong quan tài, tu sĩ Lorenzo vội đặt chân lên nắp, giữ nó đóng chặt.
- Tiểu thư có ý nghĩa rất lớn với ngài Tolomei, đó là sự thực, - thầy nói, - và bất cứ tên đàn ông nào đặt bàn tay lên nàng sẽ dẫn đến một cuộc chiến cho cả dòng họ hắn. Chắc rằng chủ nhân của ông, ngài Salimbeni, chẳng ham gì mối hận như thế.
- Chà chà, thằng thầy tu và bài rao giảng của mày! - Tên cướp phi thẳng đến cỗ xe, và đến lúc đó vàng sáng của hắn mới bị nhòa đi. – Đừng lôi chiến tranh ra dọa tao, thằng thuyết giảng ti tiện. Đấy là thứ tao thạo nhất.
- Tôi xin ông, hãy để chúng tôi đi! – tu sĩ Lorenzo van nài, tay run run giơ cao chuỗi tràng hạt, hy vọng nó bắt được những tia sáng cuối cùng của mặt trời. – Hoặc tôi sẽ nguyền trên chuỗi hạt thiêng liêng và những vết thương của Đức Chúa Jesus rằng, các tiểu thiên sứ trên Thiên đường sẽ xuống và đánh chết các con của ông ngay trên giường!
- Họ sẽ được đón mừng! – Tên cướp rút gươm lần nữa. – Ta đang có quá nhiều đứa phải nuôi đây. – Hắn vung chân qua đầu ngựa, nhảy phắt lên xem nhẹ nhàng như một vũ công. Thấy tu sĩ lùi lại hoảng hốt, hắn cả cười. –Sao lại ngạc nhiên thế hả? Mày tưởng tao sẽ để mày sống thật sao?
Tên cướp rút thanh gươm ra, tu sĩ Lorenzo vội quỵ gối phục xuống,nắm chặt chuỗi tràng hạt và đợi nhát chém cắt đứt lời cầu nguyện. Chết ở tuổi mười chin thật đáng tiếc, nhất là không có người nào chứng kiến cảnh tử vì đạo của thầy ngoài Đức Chúa thiêng liêng trên Thiên đường, nhưng Người lại không đến giải cứu cho những đứa con sắp chết của Người.
Ngồi xuống nào, ông Capulet
Ông và tôi đã qua cái thời nhảy nhót lâu rồi
--- --------oOo---- -------
Tôi không thể nhớ đêm hôm ấy mình đã đọc được đến đâu, nhưng cuối cùng, khi tôi gục trên đống giấy, bên ngoài chim chóc bắt đầu hót líu lo. Lúc này tôi đã hiểu mối liên quan giữa nhiều văn bản khác nhau trong chiếc hộp của mẹ tôi; tất cả đều là các bản Romeo và Juliet – mỗi bản theo một kiểu – trước Shakespeare. Thú vị hơn, các bản từ năm 1340 không phải là hư cấu, chúng là những miêu tả xác thực, chứng kiến tận mắt các sự kiện góp phần sáng tác nên câu chuyện nổi tiếng kia.
Dù không xuất đầu lộ điện trong nhật ký, danh họa Ambrogio bí ẩn hình như biết rất rõ những người thật đằng sau các nhân vật bất hạnh nhất trong văn chương. Tôi phải thừa nhận rằng không dòng nào của ông chồng chéo quá nhiều với bi kịch của Shakespeare, nhưng, hơn hai thế kỷ rưỡi đã qua giữa các sự kiện thật với vở kịch của Shakespeare, và câu chuyện chắc hẳn đã qua tay nhiều tác giả khác nữa.
Háo hức san sẻ những hiểu biết của mình với ai đó biết đánh giá, - không phải ai cũng thấy buồn cười khi, qua nhiều thời đại, hàng triệu du khách vẫn lũ lượt kéo đến thành phố để ngắm nhìn cái ban công phần mộ của Juliet mà không hề biết nơi đó là không đúng. – Sáng ra, vừa tắm xong, tôi gọi ngay cho Umberto.
- Xin chúc mừng! – Ông kêu tokhi nghe tôi kể đã dụ thành công chủ tịch Maconi cho tôi lấy chiếc hộp của mẹ tôi.
- Bây giờ chắc cô giàu sụ rồi nhỉ?
- Ờ,- tôi nói, liếc nhìn cả đống hỗn độn trên giường. – Cháu không nghĩ trong hộp kia có châu báu. Giá như có một báu vật.
- Lẽ tất nhiên là có cả một kho báu, - Umberto phản công, - nếu không mẹ cô gửi nó ở nhà băng làm gì? Xem cho cẩn thận nhé.
- Có một thứ…-Tôi ngừng một chút, cố tìm cách nói để không vẻ ngớ ngẩn. – Cháu cho rằng cháu có mối liên quan nào đó với Juliet của Shakespeare.
Tôi cho rằng không thể trách khi Umberto bật cười, nhưng dù sao tôi cũng mếch lòng.
- Cháu biết nghe có vẻ kỳ cục, - tôi nói tiếp, cắt ngang tiếng cười của ông, - nhưng tại sao bọn cháu cùng tên là Giulietta Tolomei?
- Cô định nói tới Juliet Capuilets ư? – Umberto sửa lại. – Tôi không thích làm cô cụt hứng, công chúa ạ, nhưng tôi không chắc nàng có thật trên đời…
- Tất nhiên là không! – Tôi nói lại, mong không bao giờ phải nói đến việc này nữa. – Nhưng hình như câu chuyện lấy cảm hứng từ những người có thật…Ồ, bác đừng để tâm! Cuộc sống ở bên ấy ra sao rồi ạ?
Sau khi tạm nghỉ, tôi bắt đầu giở qua những bức thư bằng tiếng Ý mà mẹ tôi nhận được từ hơn hai chục năm trước. Ở Siena chắc phải có người biết cha mẹ tôi, và có thể giải đáp mọi câu hỏi mà bà Rose một mực gạt đi. Nhưng không biết có người Italy nào sẵn lòng thuật lại những bức thư do bạn bè hoặc gia đình mẹ tôi viết; manh mối duy nhất của tôi là một trong những thư ấy bắt đầu bằng: “Carissima Diana” và tên người gửi là Pia Tolomei.
Mở bản đồ thành phố vừa mua hôm trước cùng quyển từ điển, tôi dành thời gian đi tìm địa chỉ viết nguệch ngoạc ở mặt sau phong bì, cuối cùng xác định được nó là một quảng trường nhỏ xíu, tên là Castelare ở khu thương mại Siena. Nó ở chính giữa khu Cú, lãnh địa của gia đình tôi, cách lâu đài Tolomei không xa, nơi hôm trước tôi đã gặp chủ tịch Maconi.
Nếu tôi may mắn, Pia Tolomei – dù bà là ai đi nữa – nếu vẫn còn sống, sẽ sốt sắng trò chuyện với con gái của Diana Tolomei và đủ minh mẫn để nhớ ra vì sao.
Quảng trường Castellare giống một pháo đài nhỏ trong lòng thành phố, và thật không dễ dàng để tìm ra nó. Sau khi đi bộ qua đó vài lần, rốt cuộc tôi phát hiện ra mình đã xuyên qua một phố hẻm có mái mà lúc đầu ngỡ là lối vào một cái sân riêng. Khi đã ở trong quảng trường, tôi mắc kẹt giữa những tòa nhà cao, lặng lẽ, và khi ngước nhìn các cửa chớp đóng chặt trên tường quanh mình, tôi gần như tưởng tượng ra một lúc nào đó ở thời Trung cổ, người ta đã khép chặt các cánh chớp và từ đó không bao giờ mở ra nữa.
Thực ra, nếu không có hai chiếc Vespa đỗ ở góc, một con mèo mướp có cái cổ đen bóng ngồi chồm chỗm trên ngưỡng cửa, tiếng nhạc phát ra từ một cửa sổ lẻ loi mở rộng, tôi đã ngỡ các tòa nhà bị bỏ quên từ lâu, trở thành nơi trú ngụ của lũ chuột và những bóng ma.
Tôi rút chiếc phong bì tìm thấy trong hộp của mẹ tôi và nhìn lại địa chỉ một lần nữa. Theo bản đồ, tôi đã ở đúng chỗ, nhưng khi đi một vòng, tôi không sao tìm ra cái tên Tolomei trên bất cứ cái chuông nào, cũng không sao tìm ra con số tương ứng với số nhà trên thư. Tôi cho rằng, làm người đưa thư ở một nơi như thế này, sự sáng suốt ắt hẳn là điều kiện tiên quyết.
Không biết làm gì hơn, tôi bèn giật chuông cửa, mỗi cái một tiếng. Khi tôi sắp giật đến cái chuông thứ tư, một người đàn bà mở tung hai cánh chớp bên trên và quát to bằng tiếng Ý.
Đáp lại, tôi giơ bức thư:
- Pia Tolomei
- Tolomei?
- Vâng! Bà có biết bà ấy sống ở đâu không? Bà ấy còn sống ở đây không?
Bà ta chỉ một cánh cửa bên kia quảng trường và nói gì đó, có lẽ ngụ ý: “thử đến đằng kia”.
Chỉ đến lúc này tôi mới nhận ra một cánh cửa có vẻ hiện đại hơn, với tay cầm đên – trắng được chạm trổ tinh tế ở bức tường phía xa, và khi thử vặn, cánh của liền mở ngay. Tôi dừng lại một lát, không rõ phép tắc chính xác khi vào các tư gia ở Siena ra sao. Trong lúc đó,người phụ nữ ở cửa sổ đằng sau cứ giục tôi vào trong – rõ ràng bà ta thấy tôi tối dạ một cách khác thường – và thế là tôi làm theo.
-Xin chào. – Tôi rụt rè bước qua ngưỡng cửa và nhìn chăm chú vào bóng tối mát mẻ. Khi đã quen mắt, tôi thấy mình đứng trong một phòng ngoài có trần rất cao, nhiều tấm thảm thêu, tranh vẽ và đồ cổ trưng bày trong các tủ kính vây quanh. Tôi buông cánh cửa và gọi to:
-Có ai ở nhà không? Bà Tolomei?
Nhưng tôi chỉ nghe thấy tiếng cánh cửa khép lại sau lung như một tiếng thở dài.
Không biết chắc phải làm gì tiếp, tôi bắt đầu xuống hành lang, ngắm các đồ cổ ven đường đi. Trong số đó có một bộ sưu tập các lá cờ dài thẳng đứng in hình ngựa, tháp và phụ nữ, tất cả trông đều giống Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Rất ít thứ rất cổ và phai màu, các món đồ khác đều hiện đại và sặc sỡ; chỉ lúc đến cuối hàng, một ý nghĩ chợt lóe lên trong tôi rằng đây không phải là nhà riêng, mà thuộc loại bảo tang hoặc nhà công cộng.
Cuối cùng, tôi nghe thấy tiếng bước chân không đều và một giọng nói trầm trầm, gọi to một cách nôn nóng:
-Salvatore phải không?
Tôi quay lại, đối diện với chủ nhà, vô tình xuất hiện từ căn phòng bênh cạnh, chống nạng. Ông đã già, chắc khoảng ngoài bảy mươi và vẻ khắc khổ khiến ông trông càng già hơn.
-Salva….? –ông dừng lại ngay lập tức khi nhìn thấy tôi, và nói thêm gì đó, có vẻ không đặc biệt đón mừng.
-Ciao! – Tôi nói, phần nào cảnh giác và giơ bức thư như người ta giơ cây thánh giá trước giới quý tộc Transylvaia. – Tôi đang tìm bà Pia Tolomei. Bà ấy quen biết cha mẹ tôi. – Tôi chỉ vào mình. – Tôi là Giulietta Tolomei. To-lo-mei.
Ông già đến chỗ tôi, nặng nề dựa lên cây nạng và giật mạnh bức thư khỏi tay tôi. Ông ngờ vực nhìn phong bì, lật lên lật xuống vài lần và đọc đi đọc lại địa chỉ cả người nhận lẫn người gửi.
- Vợ tôi đã gửi thư này từ nhiều năm trước, - cuối cùng, ông ta nói bằng thứ tiếng Anh uyển chuyển đến ngạc nhiên, - cho Diana Tolomei. Bà ấy…hừm…là dì tôi. Cô tìm thấy thư này ở đâu?
- Diana là mẹ tôi, - tôi nói, giọng tôi vang lên nghe nhút nhát lạ lùng trong căn phòng rộng lớn.- Tôi là Giulietta, là chị trong hai chị em song sinh. Tôi muốn đến và thăm Siena, xem nơi mẹ tôi đã sống. Ông có …nhớ ra mẹ tôi không?
Ông già không trả lời ngay. Ông nhìn tôi với cặp mắt đầy băn khoăn, rồi giơ tay ra chạm vào má tôi để biết chắc là tôi có thật.
-Bé Giulietta đấy ư? – Cuối cùng, ông nói, - Lại đây! – Ông chộp lấy vai tôi và kéo tôi lại, ôm thật chặt. – Ta là Peppo Tolomei, cha đỡ đầu của cô đây.
Tôi chợt hiểu mình phải làm gì. Bình thường, tôi không phải là người chạy quanh ôm người khác – tôi để việc đó cho Janice – nhưng ông già này làm tôi không để tâm.
-Tôi xin lỗi đã đường đột…- Tôi bát đầu nói rồi ngừng lại, không biết nói gì tiếp.
-Không - không- không- không- không- không! – Peppo gạt phắt đi. – Ta rất mừng vì cô đã đến đây! Đi nào, ta sẽ chỉ cho cô xem bảo tàng! Đây là bảo tàng của lãnh địa Cú…- Ông không biết bắt đầu từ đâu và tập tễnh trên cây nạng, tìm thứ ấn tượng để chỉ cho tôi. Nhưng thấy vẻ mặt của tôi, ông dừng ngay. - Ồ không! Cô không muốn xem bảo tàng! Cô muốn nói chuyện kia! Đúng, chúng ta phải nói chuyện!- Ông giơ tay lên và suýt đụng vào cây nạng vào một pho tượng. – Ta phải được nghe mọi chuyện. Vợ ta – chúng ta phải đi gặp bà ấy. Bà ấy sẽ vui lắm đây. Bà ấy đang ở nhà. Salvatore!.. Ôi chao, hắn ở đâu nhỉ?
Năm phút sau, tôi đã lao vọt ra khỏi quảng trường Castellare, ngồi sau chiếc xe Vespa màu đỏ-đen. PeppoTolomei giúp tôi ngồi lên yên với vẻ lịch sự như cách một nhà ảo thuật giúp cô trợ lý trẻ đáng yêu chui vào cái hòm mà ông ta định cưa làm đôi, và tôi vội nắm chặt lấy cái móc trên xe cho vững, sau đó chúng tôi lao vọt qua phố hẻm có mái, không đụng phải ai.
Peppo nhất quyết đóng cửa bảo tàng ngay lập tức và đưa tôi đi gặp Pia, vợ ông và bất cứ ai tình cờ có mặt ở đó. Tôi rất vui vẻ nhận lời mời vì ngỡ ngôi nhà ông nói tới chắc chỉ ở quanh góc phố. Chỉ đến khi chúng tôi lao như tên lên Corso, qua lâu đài Tolomei, tôi mới nhận ra mình lầm.
- Có xa không ạ? – Tôi hét và bám chặt hết mức có thể.
- Không – không – không! – Peppo đáp, suýt đâm phải một bà xơ đang đẩy một ông già trên xe lăn. – Đừng lo, chúng ta sẽ gọi tất cả mọi người và có một cuộc đoàn tụ gia đình vui vẻ! – Phấn khích vì viễn cảnh đó, ông bắt đầu miêu tả tất cả các thành viên trong gia đình mà tôi sắp gặp, tuy tôi chỉ nghe được loáng thoáng trong gió. Ông kể quá mải miết nên không nhận thấy rằng lúc chúng tôi đi ngang qua lâu đài Salimbeni, ông đã lao thẳng vào những người lính gác, buộc họ phải nhảy sang một bên.
-Kìa! – Tôi kêu lên, không hiểu Peppo có nhận thấy chúng tôi có thể có cuộc đoàn tụ gia đình vui vẻ trong nhà tù không. Nhưng những người lính gác không ngăn chúng tôi lại, chỉ đứng đó quan sát chúng tôi lao qua đường, giống như đàn chó bị xích chặt giương mắt theo dõi một con sóc phủ đầy lông tơ oai vệ băng qua đường. Thật không may, một trong những lính gác đó là Allessandro, con trai đỡ đầu của Eva Maria, và gần như chắc chắn anh ta nhận ra tôi, vì anh tỏ ra kinh ngạc khi thấy tôi ngồi đu đưa hai chân, có lẽ đang tự hỏi đôi dép lê của tôi ra sao rồi.
- Peppo! – Tôi hét lên, giật dây đeo quần của ông anh họ. – Em thực sự không muốn bị bắt đâu!
- Đừng lo – Peppo rẽ vào một góc phố và tăng tốc. – Ta đi quá nhanh để không bị cảnh sát bắt đấy!
Một lúc sau, chúng tôi lao qua cổng một thành phố cổ kính, giống như con chó xù lao qua cái vòng, và bay thẳng vào một công trình nghệ thuật của mùa hè Tuscan rực rỡ. Lúc tôi ngồi đó, ngắm phong cảnh qua vai ông, tôi rất muốn được rót đầy sự quen thuộc trong chuyến trở về quê nhà. Nhưng mọi thứ quanh tôi đều mới lạ, hơi ấm thoang thoảng của cỏ dại và cây gia vị, những cánh đồng cuộn sóng uể oải, ngay cả thứ nước hoa Peppo dùng cũng có phần xa lạ, hấp dẫn một cách ngớ ngẩn.
Nhưng làm sao chúng tôi thực sự nhớ được ba năm đầu đời của mình? Thỉnh thoảng tôi chợt nhớ đến cái ôm ghì một cặp chân trần mà chắc không phải chân bà Rose, cả tôi và Janice đều nhớ một cái bát thủy tinh to đầy những nút chai vang, nhưng không thể nói những thứ ấy thuộc về nơi nào. Đôi khi cố nhớ những kỷ niệm từ hồi lẫm chẫm biết đi, chúng tôi thường bị lộn xộn.
-Em chắc chắn cái bàn đánh cờ lung lay là ở Tuscany, - Janice hay khẳng định. – Mà nó có thể ở đâu được chứ? Bà Rose chẳng bao giờ có cái đó.
-Em giải thích ra sao khi Umberto đã phạt em lúc em đẩy nó? – Tôi phản đối.
Nhưng Janice không thể giải thích được. Rốt cuộc, nó chỉ lẩm bẩm:
-Nhỡ đấy là người khác. Khi mình lên hai, mọi người đàn ông trông đều giống nhau. – Rồi nó khịt mũi. – Quái quỷ, họ vẫn thế mà.
Khi còn niên thiếu, tôi thường mơ đến chuyến trở về Siena và bỗng nhiên nhớ ra mọi thứ thời thơ ấu; rốt cuộc, bây giờ tôi đã ở đây, đang lao ầm ầm trên những con đường hẹp mà chẳng nhận ra thứ gì, tôi bắt đầu tự hỏi, liệu phần lớn cuộc đời sống xa nơi này có làm thui chột phần tinh túy trong tâm hồn tôi không?
Pia và Peppo Tolomei sống ở nông trại trong một thung lung nhỏ, bao quanh là những vườn nho và rừng ôliu. Những quả đồi thoai thoải nhấp nhô từ phía quanh cơ ngơi của họ, sự thoải mái của cảnh ẩn dật thanh bình phần nào bù đắp cho sự thiếu thốn tầm nhìn rộng mở. Ngôi nhà không đẹp theo nghĩa thông thường: tường màu vàng, cỏ dại mọc trong các kẽ nứt, các cánh cửa chớp màu xanh cần sơn lại, mái nhà màu nâu đỏ cũ kỹ, nếu có cơn bão tiếp theo – hay chỉ cần ai đó hắt hơi bên trong – là các viên ngói sẽ rào rào đổ xuống. Song vẫn còn nhiều dây nho bò lan và những chậu cây cảnh đặt ở vị trí chiến lược bổ sung cho tình trạng mục nát làm cho nơi này trở nên hấp dẫn khó cưỡng lại.
Sau khi đỗ xe và vớ lấy cây gậy dựng vào tường, Peppo đưa tôi vào thẳng khu vườn. Đằng sau vườn, trong bóng ngôi nhà, vợ ông, bà Pia ngồi trên chiếc ghế thấp giữa đám cháu chắt, giống như nữ thần thu hoạch trẻ mãi không già, vây quanh là các nữ thần, bà đang dậy chúng tết dây bằng tỏi tươi. Sau nhiều cố gắng, Peppo mới làm cho bà hiểu được tôi là ai, vì sao ông đưa tôi tới đây, và đến khi đã tin vào tai mình, bà Pia liền xỏ chân vào đôi dép lê và đứng dậy, có người dìu đỡ rồi ôm tôi, khuôn mặt đầy nước mắt.
-Giulietta! – Bà kêu lên, ép tôi vào ngực bà và hôn tới tấp lên trán tôi. – Thật là một phép màu!
Niềm vui của bà khi nhìn thấy tôi chân thành đến mức tôi gần như cảm thấy xấu hổ. Sang nay, tôi không có ý định đến Bảo thàng Cú tìm cha mẹ đỡ đầu thất lạc từ lâu, và trước lúc này tôi không hề hay biết tôi từng có cha mẹ đỡ đầu, vậy mà họ vui biết nhường nào khi thấy tôi còn sống và khỏe mạnh. Họ vẫn ở đây cho đến bây giờ, và sự ân cần của họ khiến tôi hiểu rằng tôi chưa bao giờ được thực sự đón mừng ở bất cứ nơi đâu, ngay cả trong nhà tôi. Chí ít thì không phải lúc Janice quanh quất gần đó.
Trong vòng một giờ, ngôi nhà và khu vườn đã đầy người và đồ ăn thức uống. Như thể mọi người đã đợi sẵn ở đâu đó, các món đặc sản cầm sẵn trong tay, chỉ mong có cớ để tổ chức tưng bừng. Một số là người nhà, một số là bạn và hàng xóm, tất cả đều khẳng định biết cha mẹ tôi và chuyện xảy ra với hai đứa con song sinh của họ. không ai nói thẳng ra nhưng tôi cảm thấy hồi đó, bà bác Rose đã lao vào giành lấy Janice và tôi, trái ngược với mong muốn của gia tộc Tolomei – nhờ ông bác Jim, bà có nhiều mối quan hệ ở Bộ Ngoại giao Mỹ - và chúng tôi biến mất không để lại dấu vết, khiến cha mẹ đỡ đầu của chúng tôi là Pia và Peppo rất thất vọng.
-Nhưng mọi chuyện đã là quá khứ, - Peppo nói mãi và vỗ nhẹ vào lưng tôi, - giờ cô đã ở đây, rốt cuộc chúng ta có thể trò chuyện.
Nhưng thật khó mà biết nên bắt đầu từ đâu, đã nhiều năm cần giải thích, nhiều câu hỏi cần trả lời, kể cả lý do vắng mặt bí ẩn của em gái tôi.
-Nó bận quá nên không đi cùng, - tôi nói và quay đi. – Nhưng em chắc nó sẽ sớm đến thăm mọi người.
Còn một việc nữa là rất ít khách nói được tiếng Anh, vì thế mọi câu trả lời và các câu hỏi trước hết phải được người thứ ba hiểu và dịch lại. Mọi người thân mật và đầm ấm đến mức một lát sau, tôi cũng bắt đầu thấy thoải mái và thích thú. Chúng tôi không hiểu nhau chẳng thành vấn đề gì, quan trọng là những nụ cười và những cái gật đầu nói nhiều hơn lời lẽ.
Lúc Pia ra hiên, mang theo tập album ảnh và ngồi xuống, chỉ cho tôi ảnh đám cưới của cha mẹ tôi. Ngay khi bà mở quyển album, những người phụ nữ khác đã xúm xít xung quanh, háo hức cùng xem và giúp giở sang trang.
-Đây! – Pia chỉ vào bức ảnh cưới to – Mẹ em mặc bộ váy ta đã mặc trong đám cưới của ta. Họ thật đẹp đôi, nhỉ?...Còn đây là anh họ Francesso của em…
-Khoan đã! – Tôi cố ngăn bà giở sang trang nhưng vô hiệu. Chắc bà không hiểu rằng trước kia tôi chưa bao giờ nhìn thấy ảnh cha tôi, còn bức ảnh duy nhất lúc trưởng thành của mẹ tôi là ảnh lễ tốt nghiệp trung học, đặt trên cây đàn dương cầm của bà Rose.
Album của Pia khiến tôi rất ngạc nhiên. Tôi không ngạc nhiên nhiều lắm vì dưới tấm áo cưới, rõ ràng mẹ tôi đang có mang, mà vì cha tôi trông già như một trăm tuổi. Chắc chắn cha tôi không thế, nhưng đứng cạnh mẹ tôi – cô gái bỏ trường đại học, có lúm đồng tiền lúc cười – trông ông như ông già Abraham trong minh họa cuốn Kinh Thánh dành cho thiếu nhi.
Tuy vậy, họ có vẻ hạnh phúc và dù không có những bức ảnh họ hôn nhau, trong hầu hết các bức ảnh, mẹ tôi đều bám lấy khuỷu tay cha tôi và nhìn ông với ánh mắt vô cùng ngưỡng mộ. Lát sau, tôi gạt bỏ sửng sốt và quyết định chấp nhận khả năng rằng ở đây, tại nơi rạng rỡ và sung sướng này, các khái niệm về thời gian và tuổi tác có rất ít ý nghĩa đến cuộc sống của con người.
Những người phụ nữ quanh tôi khẳng định suy nghĩ của tôi, hình như không ai thấy cuộc hôn nhân có gì khác thường. Trong chừng mực tôi có thể hiểu, họ vui vẻ dẫn giải – đều bằng tiếng Ý – trước hết về tấm áo cưới, mạng che mặt của mẹ tôi, và quan hệ phức tạp trong phả hệ của từng vị khách trong đám cưới với cha tôi và giữa các vị khách vơi nhau.
Sau những ảnh cưới là vài trang dành cho lễ rửa tội của chúng tôi, nhưng cha mẹ tôi không có trong ảnh. Những bức ảnh cho thấy Pia bế một đứa trẻ không rõ là Janice hay tôi – không thể nói là ai, vì Pia không thể nhớ ra – và Peppo hãnh hiện bế đứa kia. Hình như có hai nghi lễ khác nhau, một ở trong nhà thờ, còn một ở bên ngoài, dưới nắng trời, cạnh bình đựng nước thánh của địa hạt Cú.
-- Hôm đó rất đẹp trời, - Pia nói, mỉm cười buồn bã. – Hai chị em em trở thành hai con cú nhỏ. Thật quá tệ…- Bà không nói hết câu và gấp quyển Album lại rất thận trọng – Chuyện này xảy ra từ rất lâu rồi. Đôi khi ta tự hỏi nếu thời gian thực sự hàn gắn…- Bà bị một tiếng động đột ngột trong nhà cắt ngang, một giọng nôn nóng gọi tên bà. – Tôi đến đây! – Pia đứng dậy, bất chợt Lorenzo lắng. – Chắc hẳn là Nonna của chúng ta.
Bà lão Tolomei mà mọi người gọi là Nonna, sống với một trong số các cháu gái ở khu thương mại Siena, nhưng chiều nay được mời đến nông trại để gặp tôi, một sự sắp xếp rõ ràng không khớp với lịch trình riêng của bà. Bà đứng trong hành lang, một tay bực bội sửa lại chiếc khăn ren đen, còn tay kia đè nặng lên vai cháu gái. Nếu tôi cũng khắc nghiệt như Janice, ngay lập tức tôi sẽ cho rằng bà là hình ảnh hoàn hảo của mụ phù thủy trong truyện cổ tich. Chỉ thiếu con quạ đậu trên vai mà thôi.
Pia ào tới chào mừng bà lão, bà ta miễn cưỡng cho phép chị họ tôi hôn lên hai má và hộ tống vào cái ghế bà đặc biệt ưa thích trong phòng khách. Mất nhiều phút để dỗ dành Nonna, nhiều tấm nêm được mang tới, xếp đặt, chuyển quanh, cốc nước chanh đặc biệt từ nhà bếp bưng vào bị trả lại ngay lập tức, rồi bưng vào lần nữa, lần này có một lát chanh cắm trên miệng cốc.
-Nonna là cô của chúng ta, - Peppo thì thầm vào tai tôi, - là em gái út của cha cô đấy. Đi nào, tôi sẽ giới thiệu cô với bà ấy. – Ông đẩy tôi tới và đứng nghiêm trước mặt bà lão, hăng hái giải thích tình hình với bà ta bằng tiếng Ý, rõ ràng mong nhìn thấy dấu hiệu vui mừng trên mặt bà.
Nhưng Nonna không chịu mỉm cười. Mặc cho Peppo giục giã – thậm chí van nài – bà hãy vui cùng chúng tôi, và bà vẫn không bị thuyết phục, không thể hiện bất cứ niềm vui nào vì sự có mặt của tôi. Ông đẩy tôi tới trước để bà có thể nhìn tôi rõ hơn, nhưng chỉ càng khiến bà thêm cau có, và Peppo chưa kịp kéo tôi ra khỏi tầm, bà đã nhô về trước và càu nhàu câu gì đó mà tôi không hiểu, nhưng làm mọi người đều há hốc miệng, ngượng ngùng.
Pia và Peppo gần như lôi tuột tôi ra khỏi phòng khách, xin lỗi suốt dọc đường.
-Ta rất tiếc, - Peppo cứ nói mãi, bẽ mặt đến mức không dám nhìn vào mắt tôi. – Ta đã không biết bà ấy bị sao nữa! Ta ngỡ bà ấy sắp điên!
-Đừng ngại, - tôi nói, quá sững sờ nên chẳng cảm thấy gì, - em không trách bà vì bà không tin. Mọi chuyện mới mẻ quá kể cả với em
-Chúng ta đi dạo một lát, - Peppo nói, vẫn bối rối, - và sẽ trở lại sau. Đây là lúc ta chỉ cho cô mộ của họ.
Nghĩa trang là nơi yên nghỉ dễ chịu, im lìm, khác xa với các nghĩa trang mà tôi từng biết. Toàn bộ nơi này là một mê cung những bức tường trắng, không giá đỡ, không mái, các bức tường chính là những ngôi mộ khảm từ đầu xuống chân. Tên tuổi, ngày tháng, ảnh xác nhận người nằm sau tấm bia cẩm thạch, các bình bằng đồng thau cắm hoa của người thăm viếng mang đến - chúng như thay mặt chủ nhân tạm thời không còn khả năng đón nhận.
-Đây…- Peppo đặt một tay lên vai tôi vẻ an ủi, nhưng động tác đó không cản ông lịch thiệp mở cái cổng sắt cót két và để hai chúng tôi lọt vào một điện thờ nhỏ, cách xa đường chính. – Đây là một phần…hưm…ngôi mộ cổ Tolomei. Phần lớn lăng mộ ở dưới lòng đất và chúng tôi không xuống đó nữa. Ở trên này tốt hơn.
- Đẹp quá. – Tôi bước vào một căn phòng nhỏ, nhìn khắp những phiến đá cẩm thạch và hoa tươi cắm trên bàn thờ. Một ngọn nến đang cháy trong cái bát thủy tinh màu đỏ hình như quen quen với tôi, cho thấy mộ cổ Tolomei là nơi được gia đình chăm sóc chu đáo. Tôi bỗng cảm thấy đau nhói, có lỗi vì đã đến đây một mình, không có Janice, Nhưng tôi gạt vội ý nghĩ đó đi. Nếu Janice ở đây, có lẽ nó sẽ làm hỏng khoảnh khắc này vì một lời nhận xét độc địa.
- Đây là cha cô, - Peppo chỉ, - còn mẹ cô ở ngay cạnh ông. – Ông ngừng lại, suy tưởng một hồi ức xa xôi. – Bà ấy còn trẻ quá. Tôi cứ nghĩ bà ấy có thể sống lâu sau khi tôi mất ấy chứ.
Tôi nhìn hai phiến đã cẩm thạch là tất cả những gì còn lại của giáo sư Patrizio Scipione Tolomei và vợ ông, bà Diane Lloyd Tolomei, cảm thấy lòng vô cùng xao xuyến. Trong chừng mực tôi còn nhớ, cha mẹ tôi chẳng khác gì những cái bóng xa vời trong mộng tưởng, tôi chẳng bao giờ hình dung mình lại ở gần họ như thế này, ít nhất là về mặt thân xác. Ngay cả khi mường tượng đến những chuyến đi, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc đầu tiên khi tới là phải tìm ra mộ họ, và tôi cảm thấy ấm áp biết ơn Peppo đã giúp tôi làm một việc phải đạo.
-Cảm ơn, - tôi nói khẽ và xiết chặt bàn tay ông vẫn để trên vai tôi.
- Họ chết thật thê thảm, - ông nói và lắc đầu, - và thế là mọi công trình của Patrizio bị thiêu trong hỏa hoạn. Ông có một nông trại đẹp ở Malamerenda cũng bị tiêu hủy hết. Sau tang lễ, mẹ cô mua một ngôi nhà nhỏ gần Montepulciano và sống một mình ở đó với hai đứa con sinh đôi – cô và em gái cô – nhưng bà không bao giờ còn như xưa nữa. Cứ đến Chủ nhật bà lại đến đặt hoa trên mộ ông, nhưng … - ông ngừng lại, rút khăn mùi soa trong túi ra, - bà ấy không bao giờ còn được hạnh phúc nữa.
- Đợi một chút, - tôi chăm chú nhìn ngày tháng ghi trên mộ cha mẹ mình. – Cha em mất trước mẹ em ư? Em tưởng họ qua đời cùng nhau…- Nhưng vừa nói xong, tôi đã thấy ngày tháng đã khẳng định sự thật: cha tôi mất trước mẹ tôi hơn hai năm. – Mà hỏa hoạn gì vậy?
-Có người…không, tôi không nên nói đến chuyện đó….- Peppo cau mày. – Một vụ hỏa hoạn, vụ cháy thật kinh khủng. Nông trại của cha cô bi thiêu rụi. Mẹ cô gặp may, lúc đó bà đang ở Siena, mua sắm cùng các con. Đấy là một thảm kịch. Tôi phải nói Chúa đã giơ tay che chở bà, nhưng hai năm sau…
-Tai nạn ô tô, - tôi lẩm bẩm.
-Ờ, - Peppo dũi mũi giày xuống đất. – Tôi không biết sự thật. Chẳng ai biết sự thật. Nhưng…- cuối cùng, ông nhìn vào mắt tôi, - tôi ngờ rằng gia đình Salimbeni đã nhúng tay vào việc này.
Tôi không biết nói gì. Tôi hình dung Eva Maria và chiếc vali đầy ắp quần áo của bà vẫn nằm trong phòng tôi ở khách sạn. Bà ân cần với tôi như thế, sốt sắng kết bạn với tôi như thế.
-Có một thanh niên, Luciano Salimbeni, - Peppo nói tiếp. – Hắn là kẻ hay sinh sự. Có nhiều tin đồn này nọ. Tôi không muốn…- Peppo bồn chồn liếc nhìn tôi. – Vụ hỏa hoạn. Vụ hỏa hoạn đã giết chết cha cô. Người ta nói đấy không phải là ngẫu nhiên. Họ bảo có người muốn giết ông và phá hủy các công trình nghiên cứu của ông. Thật khủng khiếp. Ngôi nhà đẹp nhường ấy. Nhưng tôi cho rằng mẹ cô đã giữ được thứ gì đó khỏi ngôi nhà đã bị cháy. Một thứ quan trong. Những tư liệu. Bà ấy sợ nói đến việc đó, nhưng sau vụ hỏa hoạn, bà bắt đầu hỏi nhiều câu kỳ quặc về…nhiều sự việc
- Những sự việc loại gì?
- Đủ loại. Tôi không biết các câu trả lời. Bà ấy hỏi tôi về dòng họ Salimbeni. Về những đường hầm ngầm bí mật. Bà ấy muốn tìm ra một ngôi mộ. Nó có từ hồi bệnh dịch.
- Bệnh…dịch hạch ư?
- Phải, một trận dịch kinh khủng. Năm 1348. – Peppo hắng giọng, bứt rứt vì đề tài này. – Mẹ cô tin rằng có một lời nguyền cổ xưa vẫn săn đuổi dòng họ Tolomei và Salimbeni. Bà đang cố tìm cách ngăn nó lại. Bà bị ý nghĩ này ám ảnh. Tôi muốn tin bà, nhưng…- Ông giật cổ sơ mi, dường như bỗng nhiên cảm thấy nóng bức. – Bà ấy là người kiên quyết. Bà tin rằng tất cả chúng ta đều bị nguyền rủa. Phải chết. Bị hủy diệt. Bị tai nạn. “Một bệnh dịch cho cả hai dòng họ chúng ta”…là câu bà ấy thường nói. – Ông thở dài, nhớ lại nỗi đau trong quá khứ. – Bà ấy hay trích dẫn Shakespeare. Bà ấy hiểu tác phẩm Romeo và Juliet rất sâu sắc. Bà cho rằng sự việc đó sẽ diễn ra ở đây, ở Siena. Bà có một giả định….- Peppo lắc đầu phân vân. – Bà bị ý nghĩ ấy ám ảnh. Tôi không hiểu nổi. Tôi không phải là giáo sư. Tôi chỉ biết có một người đàn ông là Luciano Salimbeni muốn tìm một kho báu…
Không đừng được, tôi phải hỏi:
- Kho báu gì vậy?
- Ai mà biết được? – Peppo giơ tay lên. – cha cô đã dành toàn bộ thời gian nghiên cứu các truyền thuyết cổ xưa. Ông hay nói đến các kho báu mất tích. Nhưng có lần, mẹ cô kể với tôi và một thứ…ờ, bà ấy gọi là gì nhỉ? Tôi nghĩ bà ấy gọi nó là Mắt Juliet. Tôi không hiểu bà có ngụ ý gì, nhưng tôi nghĩ nó rất giá trị và có lẽ đấy chính là thứ Luciano Salimbeni theo đuổi.
Tôi thèm được biết nhiều hơn, nhưng lúc đó trong Peppo mệt lả gần như ốm, ông loạng choạng và phải chộp lấy cánh tay tôi để giữ thăng bằng.
- Nếu tôi là cô, - ông nói tiếp, - tôi sẽ rất, rất thận trọng. Tôi sẽ không tin bất cứ người nào mang họ Salimbeni. – Nhìn thấy vẻ mặt của tôi, ông cau mày. – Cô tưởng tôi điên ư? Chúng ta đang ở đây, cạnh ngôi mộ của người phụ nữ chết quá trẻ. Bà ấy là mẹ cô. Tôi là ai mà dám kể cho cô biết ai đã làm việc này với bà, và tại sao? – Cái xiết tay của ông chặt cứng. – Mẹ cô mất rồi. Cha cô mất rồi. Tôi chỉ biết có thế. Nhưng trái tim Tolomei già cỗi của tôi bảo rằng cô phải hết sức thận trọng
Khi chúng tôi học trung học phổ thông, Janice và tôi đều tình nguyện diễn kịch hàng năm, và tình cờ, đó chính là vở Romeo và Juliet. Sau nhiều lần thử vai, Janice được phân vai Juliet, trong khi vai của tôi là một cái cây trong vườn quả nhà Capulets. Lẽ tất nhiên, Janice dành nhiều thời gian để cắt sửa móng tay hơn là học thoại, và mỗi khi diễn tập cảnh trên ban công, tôi là người thì thầm nhắc nó những từ đầu tiên của mỗi câu thoại, hơn nữa, tôi còn là người đứng thoải mái trên sân khấu với các cành cây quấn vào cánh tay.
Tuy vậy, trong đêm mở màn tôi thấy nó đặc biệt quá quắt. Khi chúng tôi ngồi trong phòng hóa trang, nó cười nhạo bộ mặt mày nâu của tôi và rứt những cái lá trên đầu tôi, trong khi đó, nó được diện các bím tóc vàng hoe và gò má ửng hồng. Lúc đến cảnh trên ban công, tôi không còn lòng dạ nào yểm hộ nó nữa. Thực tế, tôi đã làm ngược lại hoàn toàn. Khi Romeo nói: Tôi sẽ viện ra lời thề gì đây?”, tôi thì thầm “ba lời thôi”
Janice nói ngay lập tức:
-Ba lời thôi, Romeo yêu quý, và đêm mới đẹp làm sao! – khiến Romeo hoàn toàn lúng túng, và cảnh này đã chấm dứt trong náo loạn.
Sau đó, khi đứng làm cây đèn nến trong phòng ngủ của Juliet, tôi đã làm cho Janice tỉnh dậy cạnh Romeo và nói ngay, không chậm trễ: “ Nhanh lên, xéo đi, cút ngay!” bằng giọng không mấy tử tế cho phần còn lại trong cảnh âu yếm của họ. không cần phải nói, Janice điên tiết đến mức đuổi tôi khắp trường, thề sẽ cạo sạch lông mày của tôi. Lúc đầu thật vui, nhưng rốt cuộc, nó giam mình trong buồng tắm của trường và khóc suốt một giờ liền, làm tôi không dám cười đùa nữa.
Quá nửa đêm, tôi vẫn ngồi trong phòng khác nói chuyện với bà Rose, sợ đi nằm thì sẽ ngủ và lưỡi dao cạo của Janice sẽ xử lý tôi, thì Umberto mang vang santo vào cho hai bà cháu. Ông không nói gì, chỉ đưa cốc cho chúng tôi, và bà Rose cũng không thốt một lời về việc tôi chưa đủ tuổi uống rượu.
- Cháu có thích vở kịch ấy không – Bà hỏi. – Hình như cháu thuộc lòng vở đó.
- Thực ra cháu không thích cả vở đâu ạ, - tôi nhún vai thú nhận và nhấp một ngụm vang. – Chỉ vì…nó cứ dính chặt trong đầu cháu thôi
Bà chậm rãi gật đầu, nhấm nháp rượu vang.
- Mẹ cháu cũng y như thế, thuộc lòng vở kịch. Cứ như bị ám ảnh vậy.
Tôi nín thở, không muốn phá vỡ dòng suy nghĩ của bà. Tôi đợi một ý niệm mơ hồ nữa về mẹ tôi, nhưng chẳng bao giờ đến, Bà Rose chỉ ngước mắt, cau mày, hắng giọng và nhấp thêm ngụm vang nữa. Thế đấy. Đấy là một trong nhiều câu đáng chú ý nhất bà kể về mẹ tội dù không bị giục, và tôi chưa bao giờ nói lại với Janice. Nỗi ám ảnh chung của chúng tôi với kịch của Shakespeare là bí mật nho nhỏ tôi chia sẻ với mẹ và không với ai nữa, giống như tôi chưa bao giờ kể với bất cứ ai về nỗi sợ đang lớn dần trong tôi, vì mẹ tôi đã mất ở tuổi hai mươi lăm, tôi cũng sẽ thế.
Ngay khi Peppo thả tôi xuống cửa khách sạn Chiusarelli, tôi liền chạy thẳng đến quán cà phê Internet gần nhất và lục tìm tên Luciano Salimbeni trên Google. Nhưng mất mấy vòng tìm đi lục lại, tôi vẫn chẳng thu được điều gì có ích. Sau ít nhất một giờ và gặp rất nhiều rắc rối với tiếng Ý, tôi mới khá tự tin với những kết luận sau:
Một: Luciano Salimbeni đã chết.
Hai: Luciano Salimbeni là một thanh niên bất lương, thậm chí có thể là một kẻ giết người hàng loạt.
Ba: Luciano và Eva Maria Salimbeni có mối quan hệ nào đó.
Bốn: Có điều gì đó ám muội trong vụ tai nạn ô tô đã giết chết mẹ tôi, và Luciano Salimbeni bị truy nã để thẩm vấn.
Tôi in các trang này để về sau có thể dùng từ điển đọc lại. Cuộc tìm kiếm này đã cho tôi biết thêm chút ít ngoài những điều Peppo Tolomei đã kể chiều nay, nhưng ít ra bây giờ tôi đã biết ông anh họ cao tuổi của tôi không bịa chuyện, và hơn hai mươi năm trước, ở Siena có một Luciano Salimbeni thực sự nguy hiểm mà không bị giam giữ.
Nhưng cũng mừng là hắn đã chết. Nói khác điều chắc chắn hắn không thể là kẻ mặc thường phục lén theo tôi – có thể có, có thể không – ngày hôm trước, sau khi tôi rời nhà băng ở lâu đài Tolomei cùng cái hộp của mẹ tôi.
Sau đó một ý nghĩ chợt đến, tôi tìm trên Google từ Mắt Juliet. Không lạ là chẳng có kết quả tìm kiếm nào dính dáng đến kho báu huyền thoại. Gần như tất cả đều là các cuộc thảo luận học thuật về ý nghĩa những cái nhìn trong Romeo và Juliet của Shakespeare, và tôi đọc cẩn thận vài đoạn trong vở kịch, cố phát hiện ra một thông điệp bí mật. Một trong những đoạn đó là:
Than ôi, trong mắt nàng có nhiều ước lệ sai lầm hơn nguy hiểm.
Hơn cả hai mươi lưỡi kiếm của họ.
Tôi tự nhủ, nếu gã Luciano Salimbeni nọ thực sự giết mẹ tôi để đoạt kho báu gọi là Mắt Juliet thì lời tuyên bố của Romeo là đúng; dù bản chất những cái nhìn huyền bí ấy là gì đi nữa, chúng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn cả vũ khí, đơn giản thế thôi. Ngược lại, đoạn thứ hai phức tạp hơn dòng bắt gặp tình cờ trước:
Hai vì sao sáng nhất trên bầu trời
Khẩn khoản nài xin làm mắt nàng
Chúng lấp lánh trên bầu trời cho đến khi được đáp lại
Nếu mắt nàng đã ở trên đó, liệu chúng có trên đầu nàng?
Tôi suy đi nghĩ lại những dòng này suốt quãng đường xuống phố Paradiso. Romeo đang cố ca tụng Juliet khi nói mắt nàng lấp lánh như những vì sao, nhưng chàng diễn đạt hơi khôi hài. Theo tôi, chẳng ngọt ngào tí nào khi tán tỉnh một thiếu nữ bằng cách so sánh nàng giống như cặp mắt đã bóc ra của nàng
Nhưng những câu thơ này là trò tiêu khiển đáng hoan nghênh so với những sự việc khác tôi được biết trong ngày hôm ấy. Cả cha và mẹ tôi đều chết theo những kiểu kinh khủng, và có thể bởi cùng một kẻ giết người. Dù đã rời khỏi nghĩa trang nhiều giờ trước, tôi vẫn cố tiếp tục cuộc tìm hiểu khủng khiếp này. Sửng sốt và bất hạnh nhất là tôi lại cảm thấy nhoi nhói sợ hãi y như ngày hôm trước, khi tôi nghĩ mình bị theo dõi sau khi rời nhà băng. Peppo đúng khi cảnh báo tôi chăng? Có lẽ tôi đang gặp nguy hiểm, dù là nhiều năm sau? Nếu thế, tôi có thể rứt khỏi nguy hiểm bằng cách trở về nhà ở Virginia. Nhưng nhỡ có một kho báu thực sự thì sao? Nhỡ đâu trong hộp của mẹ tôi có một manh mối tìm ra Mắt Juliet, dù là gì đi nữa.
Mải mê suy nghĩ, tôi đi vào khuôn viên của một tu viện hẻo lánh, cách xa quảng trường San Domenico. Lúc này trời nhá nhem tối, tôi đứng một lát dưới cái cổng mái của một hành lang ngoài, ngắm những tia sáng cuối cùng trong lúc bóng tối đang chầm chậm trườn lên chân. Tôi vẫn chưa muốn về khách sạn, nơi cuốn nhật ký năm 1340 của danh họa Ambrogio đang đợi tôi, rồi sẽ là một đêm nữa không ngủ.
Lúc tôi đứng đó, mải mê trong cảnh chạng vạng, ý nghĩ của tôi trở lại với cha mẹ mình, và lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông, một họa sỹ bậc thầy.
Ông đang đi xuyên qua các chỗ tối của hành lang đối diện, cắp giá vẽ và một vài thứ khác cứ tuột khỏi tay, buộc ông phải dừng lại sắp xếp cho gọn gàng. Ban đầu, tôi chỉ nhìn ông chằm chằm. không thể thế được, ông không giống những người Ý mà tôi đã gặp, mái tóc ông dài, hoa râm, chiếc áo len đan võng xuống và đôi dép thưa. Thực ra, ông giống một kẻ lang thang từ Woodstock lê bước ở một nơi toàn các người mẫu hơn. Lúc đầu ông không nhìn thấy tôi, và khi tôi đuổi kịp để đưa cái bút vẽ ông đánh rơi, ông giật mình sợ hãi.
- lỗi, - tôi nói, - nhưng tôi nghĩ nó là của ông.
Ông nhìn cây bút vẽ như không nhận ra, rồi cuối cùng lúc nhận cây bút, ông cầm nó vụng về như thể không biết dùng làm gì. Rồi ông nhìn tôi, vẫn bối rối và nói:
- Tôi có biết cô không nhỉ?
Tôi chưa kịp trả lời, thì một nụ cười đã hiện rõ trên môi ông, và ông kếu lên:
- Lẽ tất nhiên là tôi biết! Tôi nhớ ra cô rồi. Cô là…Hãy nhắc tôi….cô là ai?
- Giulietta Tolomei. Nhưng tôi không nghĩ là…
- Đúng – đúng – đúng! Lẽ tất nhiên rồi! Cô ở đâu vậy?
- Tôi vừa tới.
Ông ta nhăn mặt vì sự ngớ ngẩn của mình.
- Ra vậy! Cô đừng bận tâm. Cô vừa tới. Cô ở đây. Giulietta Tolomei. Xinh đẹp hơn bao giờ hết. – ông ta mỉm cười và lắc đầu. – Tôi chưa bao giờ hiểu thứ này, thời gian ấy mà.
- Vâng, - tôi nói, có phần ngỡ ngàng, - ông không sao chứ?
- Tôi ư? Ồ! Vâng, cảm ơn cô, Nhưng…cô phải đến và gặp tôi. Tôi muốn chỉ cho cô một thứ. Cô có biết xưởng vẽ của tôi không? Nó ở đường Santa Caterina. Cửa màu xanh lơ. Cô không phải gõ đâu, cứ vào thôi.
Lúc đó tôi chợt nghĩ ông ta tưởng tôi là một du khách và muốn bán cho tôi vài món đồ lưu niệm.
Được thôi, ông bạn, tôi nghĩ, tôi sẽ tới đó ngay đây.
Đêm hôm đó, khi tôi gọi điện cho Umberto, ông rất bối rối vì những hiểu biết sâu sắc về cái chết của cha mẹ tôi.
-Nhưng cô có chắc không? – Ông nói. – Cô có chắc đây là sự thật không?
Tôi nói với ông là tôi tin chắc. Không chỉ làm rõ sự thật rằng có những thế lực đen tối trong vở kịch hai mươi năm trước, mà tôi còn thấy những sức mạnh đó có lẽ vẫn còn rớt lại và đang lảng vảng rình mò.
- Cô có chắc hắn theo dõi cô không? – Umberto phải đối. – Có khi…
- Umberto, - tôi ngắt lời ông, - hắn mặc quần áo thể thao.
Cả hai chúng tôi đều biết trong cõi nhân gian của Umberto, chỉ có loại côn đồ tâm địa đen tối mới vận đồ thể thao đi lại trên một đường phố sang trọng
- Ờ, - Umberto nói, - có khi hắn chỉ định móc túi cô thôi. Hắn thấy cô ra khỏi nhà băng và nghĩ rằng cô vừa lĩnh tiền…
- Vâng, cũng có thể. Cháu chắc chẳng có ai muốn lấy cái hộp này. Cháu không thể tìm ra thứ gì trong đó dính dáng đến “Mắt Juliet..”
- Mắt Julie ư?
- Vâng, đó là thứ Peppo nói. – Tôi thở dài và lăn ra giường. – Hình như đấy là một kho báu. Nhưng nếu bác hỏi cháu, cháu nghĩ rằng những chuyện này chỉ là một mưu đồ bất lương lớn. Cháu nghĩ lúc này mẹ cháu và bà Rose ở trên Thiên Đường đang có một trận cười no nê. Vả lại…bác nghĩ gì thế?
Chúng tôi trò chuyện thêm khoảng dăm phút, tôi mới phát hiện ra Umberto không còn ở nhà bà Rose nữa, mà trong một khách sạn tại New York, đang tìm việc làm, bất cứ việc gì. Mất một lúc lâu tôi mới hình dung ra cảnh ông đợi bên các bàn ăn tại Manhattan, nạo phomat Pacma lên món mì ống của người khác. Chắc ông có chung những cảm nghĩ như tôi, vì ông có vẻ mệt mỏi và ngã lòng, còn tôi muốn kể với ông tôi đang tìm cách giành lại một kho báu lớn, Nhưng cả hai chúng tôi đều hiểu rằng dù đã lấy được cái hộp của mẹ tôi, tôi vẫn hầu như không biết nên bắt đầu từ đâu.
Thần Chết đã hút hết mật ngọt trong hơi thở nàng
Nhưng chưa làm gì được trước dung nhan nàng
--- --------oOo---- -------
Siena, 1340 Công nguyên
Cú đánh chết người không bao giờ đến. Thay vào đó, tu sĩ Lorenzo – vẫn đang quỳ gối cầu nguyện trước mặt tên cướp – nghe thấy một tiếng thở khò khè ngắn, khủng khiếp, tiếp theo là một chấn động làm toàn bộ cỗ xe lắc lư, và tiếng một thân người rơi bịch xuống đất. Sau đó là…im lặng.
Thực ra, một cái hé mắt liếc nhìn đã khẳng định rằng tên giết người không còn lù lù phía trước thầy, gươm tuốt trần, và tu sĩ Lorenzo lắng vươn người xem tên cướp biến đi đâu đột ngột làm vậy.
Hắn nằm kia, gẫy xương và đẫm máu trên bờ mương, vài phút trước còn là tên cầm đầu cực kỳ kiêu ngạo của toán cướp đường. Trông hắn lúc này mới yếu ớt và con người làm sao, tu sĩ Lorenzo nghĩ, với mũi dao nhô lên từ ngực hắn, máu nhỏ giọt từ cái miệng hiểm ác vào cái tai đã nghe những lời cầu nguyện thổn thức nhưng chẳng bao giờ thương xót lấy một người.
- Lạy Đức Mẹ cao cả! – Vị thầy tu chắp hai bàn tay vào nhau và giơ lên trời. – Tạ ơn Người, ôi Đức Mẹ Đồng Trinh linh thiêng đã cứu vớt kẻ bầy tôi hèn mọn của Người!
- Chào mừng tu sĩ, nhưng tôi không phải là trinh nữ.
Nghe giọng nói như ma và nhận thấy người nói ở rất gần, diện mạo khá khủng khiếp với cái mũ cắm lông chim, giáp che ngực, cây thương trong tay, tu sĩ Lorenzo đứng bật dậy.
- Thánh Michael cao quý! – Thầy kêu lên, vừa tán dương vừa kinh hãi. – Ngài đã cứu mạng tôi! Tên kia là kẻ bất lương, hắn suýt giết tôi!
Thánh Michael nâng tấm che mặt lên, để lộ gương mặt trẻ măng.
- Phải, - chàng nói, lúc này là tiếng người, - tôi đã ngờ ngợ mà. Nhưng tôi phải thêm nào nỗi thất vọng của thầy: tôi chẳng phải thánh thần gì đâu.
- Dù ngài nói gì đi nữa, thưa hiệp sỹ cao quý nhất, - tu sĩ Lorenzo kêu lên, - ngài tới đây thật là một phép mầu, và tôi tin rằng Đức Mẹ Đồng Trinh thiêng liêng sẽ ban thưởng cho những hành động như thế trên Thiên đường!
- Cảm ơn thầy, - hiệp sỹ đáp, cái nhìn của chàng đầy tinh quái, - nhưng sau này nói chuyện với Đức Mẹ, thầy có thể nói với bà rằng tôi sẽ rất sung sướng được nhận phần thưởng ở ngay trên cõi trần này. Có lẽ một con ngựa chăng? Vì phần thưởng này sẽ giúp tôi giải quyết một gã thô lỗ ở Palio.
Tu sĩ Lorenzo chớp mắt một, có lẽ hai lần vì thầy bắt đầu nhận ra vị cứu tinh của thầy đang nói thật; Chàng không phải là thánh. Theo cung cách suồng sã, xấc xược mà chàng trai nói về Đức Mẹ Đồng Trinh, chắc chắn chàng chẳng phải là người ngoan đạo.
Có tiếng cót két yếu ớt của nắp áo quan, có lẽ người nằm trong đó muốn liếc trộm vị cứu tinh dũng cảm một cái, tu sĩ Lorenzo vội ngồi lên, giữ cho nắp quan tài khép chặt, lòng tự nhủ lòng rằng ở đây có hai người trẻ tuổi, họ không bao giờ được phép biết nhau.
- E hèm, - thầy nói, cố gắng tỏ ra lịch thiệp, - vậy trận chiến của chàng ở đâu, thưa hiệp sĩ cao quý? Hay chàng đã bỏ việc bảo vệ Đất Thánh.
Trông chàng thanh niên có vẻ hoài nghi:
- Thầy ở đâu ra vậy, vị tu sĩ khôi hài này? Chắc chắn một người liên thông với Chúa như thế phải biết rằng thời Thập tự chinh đã qua rồi. – Chàng giơ cánh tay về hướng Siena. – những quả đồi kia, những ngọn tháp kia…là Đất thánh của tôi.
- Tôi thực sự vui mừng, - tu sĩ Lorenzo hấp tấp nói, - vì tôi không đến đây với ý định xấu xa!
Chàng hiệp sĩ không tin:
- Tôi có thể hỏi, - chàng nói và liếc nhìn, - thầy có việc gì ở Siena vậy, thưa thầy? Và thầy có gì trong cỗ áo quan kia vậy?
- Không có gì!
- Không có gì ư? – Chàng ta liếc nhìn cái xác trên mặt đất, - Bọn Salimbeni xưa nay không đổ máu vô bổ bao giờ. Chắc thầy phải có thứ đáng thèm muốn lắm?
- Không có gì mà! – tu sĩ Lorenzo khăng khăng, thầy vẫn quá sợ hãi, không dám đặt lòng tin vào con người vừa giết người dễ như bỡn. – Trong quan tài này là một trong các huynh đệ tội nghiệp của tôi, bị biến dạng khủng khiếp vì ngã từ tháp chuông lộng gió ba ngày trước. Tôi phải mang anh ta về cho chủ nhân… cho gia đình anh ta ở Siena tối nay.
Tu sĩ Lorenzo nhẹ cả người vì vẻ mặt chàng hiệp sỹ thay đổi từ thù địch sang thương cảm, và chàng không hỏi gì về cỗ áo quan nữa. Thay vào đó chàng ngoảnh đầu, sốt ruột nhìn xuống con đường phía dưới. Dõi theo cái nhìn đăm đăm của chàng, tu sĩ Lorenzo chẳng thấy gì ngoài mặt trời đang lặn, nhưng cảnh tượng nhắc thầy rằng, nhờ có chàng trai trẻ này, dù ngoại đạo hay không, thầy mới có phần còn lại của tối nay, và Chúa còn hài lòng hơn nữa.
- Các anh em! –Vị cứu tinh gầm vang. – Cuộc thi đấu của chúng tôi bị chậm trễ vì vị tu sĩ bất hạnh này!
Đến lúc này tu sĩ Lorenzo mới nhìn thấy năm kỵ sĩ khác đang lao ra khỏi ánh mặt trời, và khi họ đến gần hơn, thầy nhận thấy mình đang giao thiệp với một tốp thanh niên cường tráng. Không người nào mặc áo giáp, ngoài một người – một cậu bé – cầm cái đồng hồ cát rất to. Lúc cậu bé nhìn thấy cái xác trên bờ mương, cái đồng hồ tuột khỏi tay cậu và rơi xuống đất, vỡ làm đôi.
- Đây là một điềm gở cho cuộc đua của chúng ta rồi, chú em, - chàng hiệp sĩ nói với cậu bé, - nhưng có khi ông bạn mộ đạo của chúng ta đây có thể hóa giải điềm xấu này bằng một hoặc hai lời cầu nguyện. Thầy nói sao, thầy có thể đọc bài kinh tạ ơn cho con ngựa của tôi không?
Tu sĩ Lorenzo trừng trừng nhìn chàng hiệp sĩ, ngỡ mình là nạn nhân của một trò đùa. Nhưng nghe chừng chàng ta hoàn toàn chân thành vì chàng ngồi trên lưng ngựa thoải mái như những người khác ngồi trên ghế bành ở nhà vậy. Tuy nhiên, thấy vị thầy tu cau mày, chàng thanh niên mỉm cười và nói:
- Ồ, không sao. Không bài kinh tạ ơn nào khiến con ngựa này mệt lử đâu. Nhưng trước khi chúng ta chia tay, hãy cho tôi biết, liệu tôi đã cứu một người bạn hay một kẻ thù đây?
- Thưa chủ nhân cao quý nhất, - bàng hoàng vì đã trót nghĩ xấu về người được Chúa cử đến cứu mạng, tu sĩ Lorenzo bật dậy, ôm lấy ngực trái, vẻ phục tùng. – Tôi nợ ngài mạng sống của mình! Tôi có thể làm gì khác ngoài việc làm người hầu tận tụy mãi mãi của ngài?
- Lời lẽ hay ho quá! Nhưng lòng trung thành của thầy để ở chỗ nào vậy?
- Lòng trung thành của tôi ư? – tu sĩ Lorenzo ngó ngược nhìn xuôi, khẩn cầu một gợi ý.
- Đúng thế, - cậu bé đánh rơi cái đồng hồ cát thúc giục, - thầy sẽ reo hò cổ vũ ở Palio chứ?
Sáu cặp mắt nheo lại khi tu sĩ Lorenzo cân nhắc câu trả lời, thầy nhìn chằm chằm từ cái mỏ chim vàng óng trên chiếc mũ cắm lông chim của chàng hiệp sĩ, đến đôi cánh đen trên ngọn cờ buộc vào cây thương rồi đến con đại bàng khổng lồ trải rộng hết mảnh giáp che ngực của chàng.
- Tất nhiên rồi, - tu sĩ Lorenzo vội vã nói, - tôi ủng hộ… cho Đại Bàng. Vâng - Đại bàng vĩ đại…vua của bầu trời!
Thầy nhẹ người khi câu trả lời được hò reo tiếp nhận.
- Giờ thì thầy là một người bạn đích thực, - hiệp sĩ kết luận – và tôi mừng vì đã giết hắn chứ không giết thầy. Lại đây, chúng tôi sẽ đưa thầy vào thành phố. Cổng Camollia không cho xe ngựa vào sau khi mặt trời lặn, nên chúng ta phải nhanh nhanh lên.
- Lòng tốt của ngài khiến tôi ngượng ngùng, - tu sĩ Lorenzo nói. Xin ngài cho biết danh tính để tôi có thể cầu chúa phù hộ cho ngài trong mọi lời cầu nguyện của tôi, từ nay và mãi mãi về sau không?
Cái mũ nhọn hơi cúi trong cái gật đầu thân mật.
- Tôi là Đại bàng. Người ta gọi tôi là Romeo Marescotti
- Marescotti là dòng họ ghê gớm của ngài sao?
- Họ ấy thì sao? Loài Đại bàng sống mãi.
- Chỉ có Thượng đế, - trong giây lát, tính keo kiệt tự nhiên che mờ lòng biết ơn của thầy, - mới có thể ban cho muôn loài cuộc sống vĩnh cửu.
Chàng hiệp sĩ tươi tắn:
- Hiển nhiên rồi, - chàng trả miếng, gần như để mua vui cho các bạn đồng hành, - Đại bàng hẳn phải là loài chim ưa thích của Đức Mẹ Đồng Trinh!
Lúc Romeo và các huynh đệ của chàng đưa người tu sĩ và cỗ xe ngựa vào thành phố Siena, bóng chiều chạng vạng đã trở thành tối tăm, sự im lặng đề phòng bao trùm vạn vật. Lúc này, các cửa ra vào và cửa chớp đã đóng chặt, ngăn chặn những kẻ hung ác ở bên ngoài ban đêm, trời không trăng, thỉnh thoảng mới có một người qua đường cầm đuốc, tu sĩ Lorenzo không biết mình đang ở chốn nào giữa mê cung các đường phố dốc.
Khi Romeo hỏi thầy phải đến thăm ai, vị thày tu đã nói dối. Thầy biết rõ mối cừu hận đẫm máu giữa hai dòng họ Tolomei và Salimbeni, và nếu nhận là đến Siena gặp ngài Tolomei vĩ đại mà nhầm bạn đồng hành thì có thể gặp tai họa chí tử. Họ sốt sắng giúp đỡ thật, song chẳng bao giờ biết Romeo và huynh đệ của chàng phản ứng ra sao nếu biết sự thật. Thay vào đó, tu sĩ Lorenzo kể cho họ nghe rằng đích đến của thầy là xưởng vẽ của danh họa Ambrogio Lorenzetti, vì đây là cái tên duy nhất thầy có thể nghĩ ra ở Siena.
Ambrogio Lorenzetti là họa sĩ, một danh họa đích thực, nổi tiếng như cồn vì những bức bích họa và chân dung. Tu sĩ Lorenzo chưa gặp ông lần nào, nhưng chợt nhớ có người kể con người vĩ đại này sống ở Siena. Thầy nói cái tên đó với Romeo Marescotti, lúc đầu hơi lo lắng, nhưng khi chàng trai không phủ nhận, thầy đủ cam đảm cho rằng, nhắc đến tên người nghệ sĩ này thầy đã có một lựa chọn khôn ngoan.
- Vậy thì, - Romeo nói và ghìm ngựa giữa một đường phố hẹp, - chúng tôi đến đây thôi.. Đây là cánh cửa màu xanh lơ.
Tu sĩ Lorenzo nhìn quanh, ngạc nhiên vì họa sĩ nổi tiếng lại không sinh sống ở khu vực sung túc hơn. Xung quanh họ, rác rưởi bừa bãi trên đường phố, những con mèo gầy giơ xương trên ngưỡng cửa và các xó xỉnh tối tăm đang giương mắt nhìn thầy.
- Cảm ơn sự giúp dỡ to lớn của các ngài – thầy nói và xuống xe. Thượng đế sẽ đền ơn các ngài trong suốt cuộc đua.
- Thầy hãy đứng tránh sang một bên, - Romeo đáp và xuống ngựa, - để chúng tôi khiêng cỗ áo quan giúp thầy.
- Không! Xin đừng chạm vào nó! – tu sĩ Lorenzo cố đứng chắn giữa Romeo và cỗ quan tài. – Các ngài giúp tôi thế là đủ lắm rồi.
- Vớ vẩn! – Romeo chỉ nói thế và gạt vị tu sĩ sang một bên. – Thầy làm thế nào đưa nó vào trong nhà nếu không có sự trợ giúp của chúng tôi?
- Tôi không cần…Chúa sẽ tìm ra cách! Danh họa sẽ giúp tôi…
- Các nghệ sĩ chỉ có trí tuệ, chứ không có cơ bắp. Hãy đứng đây…- Lần này, Romeo gạt tu sĩ sang bên, nhưng nhẹ nhàng vì nhận thấy chàng đang dàn xếp với một người yếu hơn mình.
Người duy nhất không ý thức được sự yếu đuối của bản thân là tu sĩ Lorenzo.
- Không! Thầy kêu to, cố khẳng định mình là người bảo vệ duy nhất cho cỗ áo quan, - Tôi van các ngài, tôi ra lệnh cho các ngài…!
- Thầy ra lệnh cho tôi? – Romeo khoái chí. – những lời này khuấy động sự tò mò của tôi đây. Tôi vừa cứu mạng thầy. Tại sao bây giờ thầy không chịu nhượng bộ sự tử tế của tôi nhỉ?
Bên kia cánh cửa màu xanh, trong xưởng vẽ của Ambrogio Lorenzetti, họa sĩ đang bận vói công việc ông thường làm vào giờ này trong ngày: trộn và thử các màu vẽ. Ban đêm thuộc về những kẻ liều lĩnh, điên rồ và các họa sĩ, vì đây là thời gian làm việc lý tưởng, vì mọi khách hàng của ông đang ở nhà, ăn ngủ như mọi người, và sau bình minh mới đến gõ cửa.
Mê mải trong công việc, Ambrogio không để ý đến tiếng ồn trên phố, cho đến lúc con chó Dante của ông bắt đầu gầm gừ. Không đặt bảng màu xuống, họa sĩ đến gần cửa hơn và căn cứ vào âm thanh, cố phán đoán sự nghiêm trọng của cuộc tranh cãi đang diễn ra ngay trên bậc cửa nhà mình. Nó đưa tâm trí ông đến cái chết cao cả của Julius Ceasar, bị đám nguyên lão nghị viên La Mã đánh và chết huy hoàng, quần áo màu đỏ tươi giữa những cây cột đá cẩm thạch đóng thành khung cân đối. Có lẽ một cư dân Siena nào đó muốn chết theo kiểu ấy, cho phép danh họa xả láng vung bút trên một bức tường ở địa phương
Lúc đó, có người đập cửa và Dante bắt đầu sủa.
- Suỵt! Amborogio quát, -tao đã bảo mày nấp đi, nhỡ con thú có sừng đang cố vào, Tao biết nó rõ hơn mày.
Ông vừa mở cửa, một cơn gió cuốn những giọng nói tức tối đang tranh cãi kịch liệt về việc gì đó phải làm với một đồ vật cần khiêng vào trong nhà, ùa vào bên trong và bao trùm vị danh họa.
- Hãy nói với họ, hỡi đạo hữu tốt bụng của Chúa Cứu thế! – Một tu sĩ hổn hển giục giã, - Hãy bảo họ chúng ta sẽ giải quyết việc này một mình!
- Việc gì vậy? – danh họa Ambrogio muốn biết.
- Cỗ áo quan, - người kia đáp, - chứa xác người kéo chuông! Nhìn kìa!
- Tôi nghĩ thầy vào nhầm nhà, - danh họa Ambrogio nói, - tôi không có lien quan đến những việc như thế.
- Tôi van ngài, - vị tu sĩ năn nỉ, - xin ngài cho chúng tôi vào trong. Tôi sẽ giải thích ngọn nguồn.
Chẳng biết làm gì hơn là bước tránh sang một bên, và Ambrogio mở rộng cửa để tốp thanh niên khiêng cỗ quan tài vào xưởng vẽ của ông và đặt xuống giữa sàn. Ông chẳng ngạc nhiên vì những gì nhìn thấy, ngỡ chàng Romeo Marescotti và bạn bè lại một lần nữa rắp tâm giở trò ma mãnh gì đây. Danh họa chỉ ngạc nhiên vì sự có mặt của vị tu sĩ đang đan mười ngón tay vào nhau.
- Đây là cỗ quan tài nhẹ nhất tôi từng khiêng, - một trong các bạn của Romeo nhận xét. – Người kéo chuông của thầy chắc phải rất mảnh khảnh, tu sĩ Lorenzo ạ. Lần sau, thầy hãy chọn người béo tốt hơn để đứng cho vững trên gác chuông lộng gió ấy nhé.
- Chúng tôi sẽ làm thế! – tu sĩ Lorenzo nói to với vẻ nôn nóng bất chợt. – Giờ xin cảm ơn các quý ngài vì đã giúp đỡ. Cảm ơn ngài Romeo đã cứu mạng chúng tôi, cứu mạng tôi! Đây ạ…-Thầy móc một đòng xu nhỏ, cong queo từ đâu đó dưới áo choàng, - một xu vì đã quấy rầy các vị!
Đồng xu lơ lửng trong không trung một lát, không người nhận. Rốt cuộc tu sĩ Lorenzo lại nhét nó vào dưới áo choàng, tai thầy đỏ rực như hòn than trong gió.
- Tôi chỉ yêu cầu, - Romeo nói, gần như trêu chọc, - thầy cho chúng tôi xem cái gì trong cỗ quan tài đó. Dù đấy không phải là một tu sĩ, béo hay gầy, chỉ để biết chắc chắn thôi.
- Không được! – Vẻ mặt lo lắng của thầy Lorenzo biến thành hoảng sợ. – Tôi không thể cho phép điều ấy! Có Đức Mẹ Đồng Trinh chứng giám, tôi xin thề với các vị, với từng vị rằng quan tài này phải đóng chặt, hoặc một tai họa lớn sẽ hủy diệt tất cả chúng ta!
Danh họa Ambrogio rất đỗi kinh ngạc vì trước kia, ông chưa bao giờ chứng kiến những điều đặc biệt đến thế. Vị tu sĩ trẻ tuổi này đứng đó, giống hệt con chim sẻ nhỏ bé rơi khỏi tổ, lông xù lên, cặp mắt là những hạt đen nhỏ sợ hãi đang bị lũ mèo khét tiếng nhất Siena dồn vào góc.
- Thôi nào, thầy tu ơi, - Romeo nói. – Tối nay tôi đã cứu mạng thầy. Lẽ nào tôi không xứng với lòng tin của thầy sao?
- Tôi e rằng, - danh họa Ambrogio nói với tu sĩ Lorenzo, - thầy sẽ phải giữ lời đe dọa và để tất cả chúng ta bị hủy hoại thôi. Danh dự đòi hỏi thế.
Tu sĩ Lorenzo nặng nhọc lắc đầu:
- Thôi được! Tôi sẽ mở nắp quan tài. Nhưng hãy cho phép tôi giải thích, - trong giây lát, cái nhìn của thầy đảo tới lui tìm lời, rồi thầy gật đầu và nói, - ngài nói đúng, không có tu sĩ nào trong quan tài này hết. NHƯNG có một người sùng đạo. Nàng là ai nữ duy nhất của chủ nhân hào phóng của tôi, và…- thầy hắng giọng để nói cho mạnh mẽ hơn, - nàng đã chết rất thê thảm, hai ngày trước đây. Chủ nhân cử tôi mang xác nàng tới đây, van xin bậc danh họa đưa nét mặt nàng lên một bức tranh trước khi chúng mất đi vĩnh viễn.
- Hai ngày ư? – Danh họa Ambrogio thất kinh vì công việc sắp phải làm. – Nàng chết đã hai ngày sao? Ông bạn thân mến ơi…- Không đợi vị tu sĩ chấp thuận, ông ta mở nắp quan tài để đánh giá sự hư hại. Nhưng may thay, cô gái bên trong vẫn chưa bị Thần Chết hoàn toàn cướp đi.
- Hình như, - ông nói, ngạc nhiên một cách vui sướng, - chúng ta vẫn còn thời gian. Dù sao, tôi phải bắt đầu ngay lập tức. Chủ nhân của thầy có định rõ hình mẫu không? Thông thường, tôi vẽ hình tượng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria từ thắt lưng trở lên, và sẽ miễn phí thêm vào Chúa Hài đồng, vì thầy đã phải đi một quãng đường dài.
- Tôi…tôi tin là tôi sẽ ưng hình tượng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, - tu sĩ Lorenzo lo lắng nhìn Romeo đang quỳ gối cạnh quan tài, mê mẩn ngắm nhìn cô gái đã chết, - và Chúa Cứu thế siêu phàm của chúng ta, vì được miễn phí.
- Trời ạ! – Romeo kêu lên, phớt lờ tư thế cảnh cáo của vị tu sĩ. – Sao Chúa có thể tàn ác thế?
- Dừng lại! – tu sĩ Lorenzo quát, nhưng đã quá muộn; chàng trai đã đưa tay chạm vào má cô gái.
- Đẹp thế này, - chàng nói, giọng đau đớn, - lẽ ra không bao giờ chết. Tối nay, kể cả Thần Chết cũng căm ghét công việc của mình. Nhìn này, Thần Chết không lấy đi màu thắm trên môi nàng.
- Cẩn thận đấy! –Tu sĩ Lorenzo cảnh báo, cố đóng nắp lại. – Ngày có biết đôi môi ấy mang bệnh truyền nhiễm gì không?
- Nếu nàng là của tôi, - Romeo nói tiếp, ngăn những cố gắng của vị tu sĩ và không mảy may chú ý đến sự an toàn của bản thân, - tôi sẽ theo nàng đến tận Thiên đường và mang nàng trở về. Hoặc ở lại đó mãi mãi cùng nàng.
- Vâng – vâng – vâng, -tu sĩ Lorenzo nói, ấn cái nắp xuống và suýt sập lên cổ tay Romeo, - cái chết biến mọi người đàn ông thành những tình nhân say đắm. Lẽ ra họ nên mãnh liệt, nồng nàn như thế khi các quý cô còn sống!
- Rất đúng, thưa thầy, - Romeo gật đầu, rồi đứng dậy, -Trong một đêm, tôi đã nhìn thấy và nghe thấy đủ điều bất hạnh. Phải ghé thăm quán rượu thôi. Tôi sẽ để các vị lại với công việc buồn thảm của các vị và đi uống một cốc vì linh hồn cô gái tội nghiệp này. Thực ra, tôi sẽ uống vài cốc và biết đâu rượu vang sẽ đưa tôi lên thẳng Thiên đường để tôi có thể gặp nàng và…
Tu sĩ Lorenzo lao tới và rít lên, chẳng có lý do rõ ràng:
- Trước khi tôi lột cái vẻ lịch thiệp của ngài, ngài Romeo, xin ngài hãy giữ mồm giữ miệng!
Chàng trai cười toe toét
-…tỏ lòng ngưỡng mộ của tôi.
Lúc những kẻ lông bông rời hẳn xưởng vẽ và tiếng móng ngựa đã tắt, thầy Lorenzo lại mở nắp quan tài:
- Giờ thì an toàn rồi, - thầy nói, - tiểu thư có thể ra ngoài.
Cuối cùng, cô gái mở mắt và ngồi dậy, má hõm xuống vì kiệt sức.
- Thượng đế toàn năng! Danh họa Ambrogio thở hổn hển, đưa cái bảng màu làm dấu. – Ma thuật gì thế này?
- Tôi van ngài, thưa danh họa, - thầy Lorenzo nói và nhẹ nhàng đỡ cô gái đứng lên. – Xin ngài đi cùng chúng tôi tới lâu đài Tolomei. Tiểu thư đây là Giulietta, cháu gái của ngài Tolomei. Nàng là nạn nhân của nhiều tai họa, và tôi phải đưa nàng tới chỗ an toàn càng sớm càng tốt. Ngài có thể giúp chúng tôi không?
Danh họa Ambrogio nhìn vị tu sĩ và cô gái, vẫn cố hiểu sự thật. Bất chấp mệt nhọc, thiếu nữ đứng thẳng, mớ tóc rối bù của nàng sinh động trong ánh nến, cặp mắt nàng xanh biếc như bầu trời một ngày không mây. Chắc chắn nàng là một sinh linh hoàn mỹ nhất ông từng nhìn thấy.
- Cho tôi hỏi, - ông nói với vị tu sĩ, - sao thầy dám tin tôi?
Thầy Lorenzo chỉ vào các bức tranh quanh họ:
-Một người có thẻ nhìn thấy thần thánh trong những sự vật nơi trần thế, chắc hẳn là một huynh đệ của Chúa.
Vị danh họa cũng nhìn quanh, nhưng chỉ thấy những chai vang rỗng, tác phẩm dở chừng và chân dung của những người thay đổi ý định khi thấy hóa đơn của ông.
- Thầy quá hào phòng, - ông nói và lắc đầu, - nhưng tôi không có ý chống lại thầy. Vì không sợ, tôi sẽ đưa các vị đến lâu đài Tolomei, nhưng trước hết xin hãy thỏa mãn sự tò mò thô thiển của tôi và kể cho tôi nghe có chuyện gì đã xảy ra với cô gái này, vì sao cô ấy phải giả chết trong cỗ quan tài ấy.
Lần đầu tiên, Giulietta cất tiếng. Giọng nàng mềm mại và bình tĩnh dù gương mặt căng thẳng vì thương tiếc:
- Ba ngày trước – nàng nói, - bọn Salimbeni bất ngờ tấn công gia đình tôi. Chúng giết hết những ai mang họ Tolomei: cha tôi, mẹ tôi, anh chị em tôi, và tất cả những người chúng gặp trên đường, trừ người này, tu sĩ nghe xưng tội thân mến của tôi, tu sĩ Lorenzo. Khi cuộc đột kích xảy ra, tôi đang xưng tội ở nhà thờ, không thì tôi cũng…-Cô ngoảnh đi cố cưỡng lại nỗi tuyệt vọng
- Chúng tôi phải tới đây xin che chở, - tu sĩ Lorenzo nói tiếp, - và thuật lại với ngài Tolomei sự việc xảy ra.
- Chúng tôi tới đây để trả thù, -Giulietta sửa lại, mắt nàng mở to căm hận và nắm tay nàng ép chặt vào ngực dường như ngăn nàng khỏi một hành động bạo lực, - và moi ruột con ác quỷ Salimbeni, treo cổ hắn bằng chính lòng ruột của hắn…
- E hèm, - tu sĩ Lorenzo nói, - lẽ tất nhiên, chúng tôi sẽ sử dụng sự tha thứ của đạo Cơ đốc…
Giulietta hăng hái gật đầu tuy chẳng nghe thấy gì.
- …Khi đó, chúng tôi sẽ vứt từng mảnh thịt hắn cho đàn chó của hắn ăn!
- Tôi thấy thương cô, - danh họa Ambrogio nói, mong muốn được bế cô bé xinh đẹp này trong tay và an ủi. – Cô đã phải chịu đựng quá nhiều…
- Tôi không chịu đựng gì hết! – Cặp mắt xanh biếc của cô gái xuyên thủng trái tim người họa sĩ. – Ông đừng thương tôi, nếu có lòng tốt, xin ông hãy đưa chúng tôi đến nhà bác tôi và đừng hỏi han gì hết. – Nàng trấn tĩnh và khẽ nói thêm. – Tôi xin ông
Khi Ambrogio đã đưa vị tu sĩ và cô gái đến lâu đài Tolomei an toàn, ông gần như phi nước đại trở về xưởng vẽ. Trước kia, ông chưa bao giờ cảm thấy như thế này. Ông đang yêu, ông đang trong địa ngục…thực ra, ông làm mọi thứ ngay lập tức, khi cảm hứng vỗ phàn phật đôi cánh khổng lồ trong đầu và cào xé đau đớn lồng ngực, tìm lối thoát khỏi nhà tù đã đóng khung chí tử người đàn ông tài năng này.
Nằm dài trên sàn, không ngừng bối rối vì loài người, con mắt đỏ ngầu của Dante bực bội ngắm Ambrogio trộn màu, và bắt đầu đưa nét mặt Giulietta Tolomei lên bức tranh ĐỨC MẸ ĐỒNG TRINH cho đến nay vẫn chưa có đầu. Ông bắt tay ngay từ cặp mắt của nàng. Trong xưởng vẽ của ông, không chỗ nào có được một màu hấp dẫn như thế, trong cả thành phố cũng không tìm đâu ra bóng dáng ấy, ông phải sáng chế nó ngay trong đêm nay, trong lúc hình ảnh người thiếu nữ vẫn còn ướt trên bức tường tâm trí ông, trong cơn mê loạn xúc động này.
Được kết quả tức thì cổ vũ, ông không hề ngập ngừng phác họa những đường nét của gương mặt khác thường dưới suối tóc rực rỡ ấy. Các động tác của ông nhanh và tự tin đến kỳ diệu; chính lúc cô gái ngồi trước mặt ông ở tư thế bất diệt ấy, người họa sỹ cũng không thể làm việc với sự tin tưởng ngây ngất như lúc này.
“ Đúng!” là từ duy nhất ông thốt lên lúc ông hăm hở, gần như thèm thuồng đưa nét mặt hấp dẫn đó sống động trở lại. Khi bức vẽ hoàn thành, ông lùi lại vài bước và với cốc vang ông đã rót cho mình trong cuộc đời trước, năm giờ đồng hồ trước đó.
Đúng lúc đó, có tiếng gõ cửa.
- Suỵt!, Ambrogio vẫy ngón tay ra hiệu cho con chó đang sủa. – Mày lúc nào cũng nghĩ đến việc tệ nhất. Biết đâu là một thiên thần khác.
Nhưng vừa mở cửa, ông nhìn thấy ác quỷ được số phận gửi đến trong thời khắc không được chào đón này, và thấy Dante đúng hơn ông. Bên ngoài, trong ánh đước bập bùng trên tường, Romeo Marescotti đứng đó, cái cười nhăn nhở của kẻ say chia bộ mặt điển trai của chàng ra làm đôi. Khác hẳn với cuộc gặp mặt vài giờ trước, Ambrogio biết chàng quá rõ từ tuần trước, khi cánh đàn ông trong gia đình Marescotti ngồi trước mặt ông, từng người một, để ông vẽ họ trong bức tranh tường mới ở lâu đài Marescotti. Người cha, chỉ huy pháo đài Marescotti, một mực muốn ông miêu tả gia tộc ông ta từ qua khứ đến hiện tại với tất cả các ông tổ đáng tôn thờ - cộng thêm vài người không đáng - ở trung tâm, tất cả đều trong trận đánh nổi tiếng Montaperti, trong lúc người còn sống được vẽ lơ lửng ở bầu trời bên trên tư thế đại diện cho bảy vị Thần Đức hạnh. Muốn làm vui lòng mọi người, Romeo được vẽ ít giống bản tính của chàng nhất, vì vậy danh hoạ Ambrogio đã gò cả quá khứ lẫn hiện tại một cách thành thạo, biến tay chơi khét tiếng của Siena tành một mẫu hình huy hoàng ngự trên ngai vàng Trong trắng.
Lúc này, chàng Trong trắng tái sinh gạt phắt người sáng tạo ra mình sang một bên và vào trong xưởng, thấy cỗ quan tài vẫn nằm đó – đóng chặt - ở giữa sàn. Rõ ràng chàng trai ngứa ngáy muốn mở nắp và ngó cái xác bên trong lần nữa, như thế thì quá sống sượng với bảng mầu và mấy cây bút vẽ còn ướt để trên nắp quan tài.
- Ngài đã vẽ xong chưa? – Thay vào đó, chàng hỏi.
Danh họa khẽ đóng cửa lại sau khi nhận thấy vị khách của ông đã say túy lúy, khó mà giữ nổi thăng bằng.
- Tại sao chàng muốn xem chân dung của cô gái đã chết? Tôi chắc ở ngoài kia có nhiều người sống.
- Đúng, - Rome đồng ý, nhìn khắp phòng rồi cuối cùng phát hiện ra thứ mới có, - nhưng thế thì quá dễ, phải không? – Chàng đến thẳng chỗ bức chân dung và chăm chú ngắm với con mắt của một chuyên gia, không phải chuyên về nghệ thuật mà là chuyên về đàn bà. Một lát sau, chàng gật gù:
- Không tồi. Ông đã cho nàng một cặp mắt hoàn hảo. Làm sao ông…
- Cảm ơn công tử, - vị danh họa vội nói, - nhưng tài năng thực sự ở trong tay Chúa. Cậu uống thêm chút vang nhé?
- Được thôi, - Chàng trai cầm ly và ngồi lên nắp quan tài, cẩn thận tránh những cái bút lông đang nhỏ giọt. – Ta nâng cốc vì ông bạn Chúa Trời của ông, và mọi thứ trò ông ta đang chơi chúng ta, nhé?
- Muộn quá rồi, - nhà danh họa cất bảng màu và ngồi lên nắp quan tài, cạnh Romeo. – Chắc anh đã mệt, anh bạn của tôi.
Dường như sững sờ vì bức chân dung trước mặt, Romeo không thể rời cái nhìn chằm chằm để nhìn họa sĩ. Cuối cùng, khi chàng nói, sự chân thành trong giọng chàng thật mới mẻ, ngay cả với chính chàng:
- Tôi không mệt lắm, - Romeo nói, - và tôi đang rất tỉnh táo. Tôi băn khoăn rằng trước kia liệu tôi có tỉnh táo như thế này không.
- Việc đó thường xảy ra khi người ta nửa thức nửa ngủ. Chỉ khi đó, con mắt tinh thần mới thực sự mở.
- Nhưng tôi không ngủ, và cũng không muốn ngủ. Tôi không bao giờ muốn ngủ nữa. Tôi cho rằng đêm nào tôi cũng sẽ tới đây và ngồi đây thay vì đi ngủ.
Mỉm cười vì sự cảm thán nồng nhiệt, một đặc quyền đáng ganh tị nhất của tuổi trẻ, nhà danh họa ngước nhìn tác phẩm của mình:
- Công tử thích nàng ư?
- Thích à? – Romeo gần như nghẹn lời. – Tôi tôn thờ nàng!
- Công tử có thể thờ phụng một thánh cốt như thế sao?
- Tôi không phải là đàn ông ư? Là đàn ông, hẳn tôi phải cảm thấy rất đau buồn vì cảnh tượng một người đẹp chết uổng như thế. Giá như có thể thuyết phục được Thần Chết trả lại nàng.
-Rồi sao nữa? – Vị danh họa cố cau mày cho thích hợp. – Công tử sẽ làm gì nếu thiên thần này đang tồn tại, một phụ nữ sống động?
Romeo hít một hơi, nhưng lời lẽ biến đâu mất.
- Tôi…không biết. Hiển nhiên là yêu nàng. Tôi không biết cách yêu một người phụ nữ. Tuy tôi đã từng yêu nhiều người
- Có lẽ chỉ vì nàng không có thật. Tôi tin rằng yêu nàng đòi hỏi nhiều cố gắng vượt bậc. Trong thực tế tôi hình dung rằng tán tỉnh một phụ nữ như nàng, người ta phải đàng hoàng bước qua cửa trước và không lẩn lút dưới ban công của nàng như một tên trộm đêm. – Nhận thấy sự im lặng kỳ lạ của Romeo, một vệt màu hoàng thổ chạy dài qua bộ mặt quý phái của chàng, vị danh họa càng tự tin hơn. – Cậu biết đấy, trước tiên là sự thèm muốn, rồi sau đó là tình yêu. Chúng là những thứ liên quan nhưng vẫn rất khác nhau. Người ta tự cho phép mình đòi hỏi chút ít ngoài lời nói ngọt ngào và thay đổi trang phục; ngược lại, muốn có người phụ nữ, người đàn ông phải từ bỏ một chiếc xương sườn của mình. Để đền đáp, người đàn bà của chàng sẽ hóa giải tội lỗi của Eve và đưa chàng trở lại Thiên đường.
- Nhưng làm sao đàn ông biết được khi nào thì phải trao đổi chiếc xương sườn của mình? Tôi có nhiều người bạn không còn lấy một cái xương sườn nào, và tôi đảm bảo với ông, họ chẳng bao giờ được ở trên Thiên đường.
Nét lo âu thực sự trên mặt chàng trai khiến danh hoạ Ambrogio gật đầu:
- Cậu vừa nói rồi đấy, - ông thừa nhận. – Một người đàn ông thì biết. Còn một chàng trai thì không.
Romeo cười to:
- Tôi phục ông! – Chàng đặt tay lên vai nhà danh họa. Ông thật can đảm!
- Can đảm là gì mà đáng thán phục đến thế? – Họa sĩ vặn lại, táo bạo hơn vì lúc này, vai trò cố vấn của ông đã được chấp nhận. – Tôi đồ rằng phẩm chất này sẽ giết chết nhiều đàn ông tử tế hơn tất cả những thói hư tật xấu cộng lại.
Romeo lại cười to, dường như chàng ít khi có niềm vui của sự chống đối hài hước như thế này, còn bậc danh họa cảm thấy mến chàng trai, rất đột ngột và bất ngờ.
- Tôi thường nghe cánh đàn ông nói rằng, - Romeo nói tiếp, không muốn chuyển đề tài – họ sẽ làm mọi việc vì một người phụ nữ. Nhưng rồi, ngay từ yêu cầu đầu tiên của nàng, họ đã than vãn và lẩn mất như những kẻ đê tiện.
- Còn cậu thì sao? Cậu cũng lẩn mất ư?
Romeo ngạc nhiên, để lộ hàm răng trắng muốt, khỏe khoắn, vì người đàn ông này vẫn bị đồn có dịp là nói kháy, ở bất cứ nơi nào ông ta đến.
- Không, - chàng trả lời, vẫn mỉm cười. –Tôi rất thính mũi với những người phụ nữ không đòi hỏi gì ngoài thứ tôi muốn cho họ. Nhưng nếu có một người như thế, - chàng hất đầu về phía bức tranh, - tôi sẽ rất sung sướng bẻ gẫy mọi cái xương sườn để theo đuổi nàng. Còn hơn thế, tôi sẽ bước vào qua cửa trước như ông nói, và cầu hôn nàng trước khi chạm vào bàn tay nàng. Không chỉ có thế, tôi sẽ biến nàng thành của tôi, người vợ duy nhất và tôi sẽ không bao giờ để mắt đến người phụ nữ nào khác. Tôi thề đấy! Tôi tin chắc nàng xứng đáng được thế.
Hài lòng vì những điều nghe thấy, và rất muốn tin rằng tác phẩm của mình có tác dụng sâu sắc khi tránh cho cô gái khỏi những cung cách phóng đãng của Romeo, vị danh họa gật đầu, khá toại nguyện với công trình nghị thuật trong đêm của mình.
- Nàng thực sự xúng đáng.
Romeo quay đầu lại và nheo mắt:
- Ông nói cứ như nàng còn sống vậy?
Ambrogio ngồi lặng một lát, quan sát vẻ mặt của chàng trai và thăm dò độ sắc sảo trong ý kiến của chàng.
- Tên cô ấy là Giulietta, - cuối cùng, ông nói. – Tôi tin rằng, anh bạn ạ, cái vuốt mà của cậu đã đánh thức cô ấy khỏi cái chết đêm nay. Sau khi cậu rời chỗ chúng tôi đến quán rượu, tôi đã nhìn thấy thân hình đẹp đẽ của cô ấy nhỏm dậy khỏi cỗ áo quan…
Romeo nhảy vọt khỏi chỗ ngồi như thể bị bỏng:
- Đây là lời nói ma quỷ! Tôi biết tay tôi ớn lạnh không phải vì khiếp đảm hoặc thích thú!
- Cậu sợ sự sắp đặt của con người ư?
- Của con người thì không. Của Chúa thì rất sợ.
- Vậy bây giờ cậu hãy thoải mái nghe tôi kể đây. Không phải Chúa đặt cô ấy vào cỗ áo quan này vì đã chết, mà là vị tu sĩ kia, thầy dòng Lorenzo lo sợ cho sự an toàn của cô ấy.
Hàm Romeo trễ xuống:
- Ý ông là nàng chưa bao giờ chết?
Danh hoạ Ambrogio mỉm cười vì vẻ mặt chàng trai:
- Cô ấy vẫn sống như cậu vậy
Romeo ôm đầu
- Ông đang đùa giỡn tôi! Tôi không thể tin ông!
- Cứ tin vào điều cậu muốn, - Ambrogio nói, ông đứng dậy và thu dọn những cây bút vẽ, - Hoặc mở quan tài ra.
Sau một lúc phân vân, đi tới đi lui, cuối cùng Romeo thu hết can đảm mở tung cỗ áo quan. Khá hân hoan vì nó trống rỗng, song chàng trừng trừng nhìn vị danh họa với một mối ngờ vực mới:
- Vậy nàng đâu?
- Điều đó thì tôi không thể nói với cậu. Nó sẽ vi phạm lòng tin.
- Nhưng nàng còn sống chứ?
Vị danh họa nhún vai:
- Lần cuối cùng tôi nhìn thấy trên ngưỡng cửa nhà bác cô ấy thì cô ấy vẫn sống, còn vẫy tay chào từ biệt tôi nữa.
- Bác của nàng là ai?
- Tôi nói rồi: tôi không thể nói với cậu.
Romeo tiến thêm một bước tới chỗ Ambrogio, những ngón tay chàng co giật.
- Ông định nói rằng tôi phải hát các bản dạ khúc dưới ban công từng nhà ở Siena cho đến khi chính nàng xuất hiện chăng?
Dante nhảy dựng lên ngay khi chàng trai có vẻ dọa dẫm chủ nó, nhưng thay vì sủa cảnh cáo, con chó chỉ rụt đầu xuống và tru một tiếng dài, biểu cảm.
- Nàng sẽ không ra đâu, - Ambrogio đáp lại và cúi xuống vỗ về con chó. – Nàng chẳng còn bụng dạ nào mà nghe dạ khúc. Có khi chẳng bao giờ nghe nữa kia.
- Vậy tại sao, - Romeo kêu lên, chàng gõ vào giá vẽ và bức chân dung, thất vọng, - ông lại kể chuyện này cho tôi?
- Bởi vì, - danh họa Ambrogio nói, vui thích vì sự cáu tiết của Romeo, - thật nhức nhối con mắt của người họa sĩ khi nhìn thấy con bồ câu trắng muốt chơi đùa cùng lũ quạ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT