Ngày kế tôi lại giữ kiếng cho Brenda, lần này không phải như một tay sai tạm thời mà là khách mời buổi chiều; hoặc có lẽ là cả hai, nhưng đó vẫn là một bước cải thiện. Nàng mặc bộ đồ đen và đi chân không, và giữa những phụ nữ khác, với những gót giày đế bằng và những bộ ngực căng cứng, những chiếc nhẫn to bằng khớp ngón tay, những chiếc mũ rơm, thứ coi y chang mấy đĩa bánh pizza to tướng đã bán cho ai rồi, và tôi nghe một bà da rám sậm vì nắng càm ràm, "từ tay một chàng bợm bảnh nhất khi bọn tôi cặp cảng Barbados," Brenda giữa đám họ coi đơn sơ một cách dễ nể, cứ như giấc mơ của gã thủy thủ về một trinh nữ Polynesia, dù chỉ là một trinh nữ đeo kính thuốc và có họ là Patimkin. Nàng vỗ nước bì bọp khi trườn tới mép hồ, và ở mép hồ nàng thò tay lên và nắm trúng cổ chân tôi, bấu chặt và ướt mem.
"Xuống nào," nàng ngước lên nói với tôi, hấp háy mắt. "Mình chơi đi."
"Còn mắt kiếng," tôi nói.
"Ôi đập quách nó đi. Ghét nó quá."
"Sao em không đi chữa mắt?"
"Anh cũng nói vậy nữa."
"Xin lỗi," tôi nói. "Để tôi đưa cho Doris."
Doris, giữa cơn kinh ngạc mùa hè, đã vượt qua được chuyện hoàng tử Andrey chia tay với vợ, và bây giờ ngồi ưu tư, té ra không phải về số phận tội nghiệp lẻ loi của công nương Liza tội nghiệp, mà về lớp da mà cô ta mới nhận thấy là đang tróc ra trên vai mình.
"Bà giữ giùm mắt kiếng cho Brenda nghe?" tôi nói.
"Ưøa." Cô ta phủi những mẩu da mờ mờ ra khỏi vai. "Mồ tổ nó."
Tôi đưa cặp mắt kiếng cho cô ta.
"Trời đất," cô ta nói, "tớ không cầm nó đâu. Cứ để đó. Tớ đâu phải đầy tớ bà ấy."
"Bà thiệt khó chịu, biết không, Doris?" Ngồi ở đó, cô ta trông hơi giống Laura Simpson Stolowitch, nhân vật đang lang thang đâu đó ở cuối hồ đàng kia, tránh mặt Brenda với tôi vì (tôi thích nghĩ vậy) Brenda đã làm cô ta bêu mặt tối hôm trước; hay có thể (tôi không thích ý nghĩ này) vì sự hiện diện kỳ cục của tôi. Dù thế nào Doris cũng phải lãnh trọn lời rủa xả của tôi cho cả Simp lẫn cô ta.
"Cám ơn," cô nàng nói, "Sau khi tôi đã mời anh tới chơi bữa nọ."
"Đó là hôm qua."
"Còn năm ngoái thì sao?"
"Đúng, mẹ bà cũng nói với bà năm ngoái rồi... hãy mời cậu trai nhà Esther như thế khi nó viết thư cho bố mẹ nó rằng họ sẽ không phàn nàn là mình không chăm sóc nó. Mùa hè nào tôi cũng có lúc của mình."
"Lẽ ra cậu phải đi với họ. Đâu phải lỗi tụi tôi. Cậu đâu phải người tụi tôi phải coi sóc," và khi cô ta nói thế, tôi chỉ có thể hiểu rằng đó là điều cô ta nghe được ở nhà, hoặc nhận được trong một lá thư trong đợt thư vào thứ Hai nào đó, sau khi cô ta đã trở về Northampton từ Stowe, hoặc Dartmouth, hoặc có lẽ từ đợt nghỉ cuối tuần nọ khi cô ta tắm vòi sen với thằng bạn trai ở Lowell House.
"Bảo bố bà đừng có lo. Chú Aaron, ông bạn già. Tôi tự lo cho mình được," và tôi chạy trở lại hồ, phóng xuống một phát, và trồi lên như một con cá heo bên cạnh Brenda, đôi chân tôi trườn đè lên chân nàng.
"Doris sao rồi?" nàng hỏi.
"Đang tróc da," tôi nói. "Bà ấy sắp phải đi chữa da."
"Dẹp màn đó đi," nàng nói, và chúi xuống dưới cho đến khi tôi cảm thấy nàng nắm lấy gan bàn chân tôi. Tôi co chân lại rồi chúi xuống theo, và rồi, ở đáy hồ, chỉ độ hai tấc cách những đường sọc đen chập chờn dùng để chia hồ thành những làn bơi đua, tụi tôi hôn nhau giữa đám bọt khí thoát ra. Nàng mỉm cười ở đó, với tôi, tuốt dưới đáy hồ bơi câu lạc bộ Green Lane Country. Bên trên chúng tôi, những đôi chân chờn vờn trong nước và một đôi vây xanh lướt qua: con em họ Doris có lột đến hết da thì tôi cũng mặc, bà dì Gladys dọn ăn hai mươi lần mỗi tối, cha mẹ tôi cứ nướng tiêu chứng hen suyễn của họ ở cái lò lửa Arizona, những kẻ trốn lánh không xu dính túi ấy – tôi chẳng quan tâm bất cứ cái gì ngoại trừ Brenda. Tôi vươn tới kéo nàng lại gần ngay khi nàng định trồi lên; tay tôi móc trúng ngực áo nàng và nó tuột ra. Bộ ngực nàng trôi lờ lững trước mặt tôi như hai con cá mũi hồng và nàng để tôi chạm tay vào đó. Rồi, trong giây lát, ánh mặt trời hôn lên cả hai đứa tôi, và chúng tôi trồi khỏi mặt nước, quá hài lòng về nhau đến không mỉm cười được. Brenda lắc mái tóc bắn nước tung toé qua tôi và với những giọt chạm vào người, tôi cảm thấy như nàng đã có một hứa hẹn với tôi về mùa hè, và, tôi hi vọng, còn hơn thế nữa.
"Em cần mắt kiếng chưa?"
"Anh gần xịt em dư sức thấy," nàng nói. Chúng tôi ngồi dưới một cây dù lớn màu xanh, kề bên nhau trên hai chiếc ghế dài, áo tắm và da thịt chúng tôi cứ kêu rin rít trên mặt nhựa; tôi quay đầu lại để nhìn Brenda và ngửi mùi nắng rám dễ chịu trên vai mình. Tôi lại quay nhìn lên, giống như nàng, và khi chúng tôi trò chuyện, trời bắt đầu sáng và nóng hơn, những màu sắc cứ xé ngang dọc sau mi mắt khép của tôi.
"Mọi chuyện này nhanh quá," nàng nói.
"Chẳng có gì xảy ra cả," tôi nói nhẹ nhàng.
"Không. Em cũng nghĩ là không. Nhưng hơi có cảm giác điều gì đó đã xảy ra."
"Trong mười tám giờ qua?"
"Phải. Em thấy... bị theo đuổi," nàng nói sau một lát im lặng.
"Em rủ anh mà, Brenda."
"Sao lúc nào anh cũng có cái giọng khó ưa với em vậy?"
"Anh có giọng khó ưa sao? Anh không hề cố ý. Thiệt đó."
"Anh có mà! Em rủ anh mà, Brenda. Vậy thì sao?" nàng nói. "Dù gì em cũng không cố tình như thế."
"Anh xin lỗi."
"Dẹp màn phân bua đi. Anh luôn tự động như thế, dù anh không thực lòng muốn thế."
"Bây giờ em đang khó chịu với anh đấy," tôi nói.
"Không. Chỉ nêu sự kiện thôi. Thôi đừng tranh cãi nữa. Em thích anh." Nàng quay đầu đi và trông cứ như nàng mải ngưng một giây để ngửi cái mùi mùa hè trên da thịt của mình. "Em thích cái tướng của anh." Nàng tránh không làm tôi rầu với cái giọng tỉnh bơ của nàng.
"Sao vậy?" tôi hỏi.
"Anh xoay đâu ra được đôi vai đẹp thế? Anh có chơi môn gì không?"
"Không," tôi nói. "Anh cứ lớn lên là tự nhiên như thế thôi."
"Em thích thân người anh. Trông đẹp lắm."
"Nghe sướng quá," tôi nói.
"Anh có thích thân người em không?"
"Không," tôi nói.
"Vậy nó không dành cho anh đâu," nàng nói.
Tôi dùng mu bàn tay vuốt tóc nàng sát vào vành tai và rồi chúng tôi im lăng một lát.
"Brenda," tôi nói, "em không hề hỏi gì về anh cả."
"Anh thấy làm sao? Anh có muốn em hỏi anh thấy làm sao không?"
"Muốn," tôi nói, chấp nhận trò ma mãnh nàng bày ra cho tôi tuy có thể không vì cùng lý do mà nàng đã bày nó ra.
"Anh thấy làm sao?"
"Anh muốn bơi."
"Được," nàng nói.
Chúng tôi ở dưới nước suốt buổi chiều còn lại. Có tám đường vạch sơn suốt chiều dài của đáy hồ và đến cuối ngày tôi nghĩ hai đứa tôi đã trụ ở mỗi đường bơi được một lúc, đủ gần sát những vạch đen để có thể thò tay ra chạm vào chúng. Lâu lâu chúng tôi lại trở lên ghế ngồi và ngâm nga những đoạn thơ tự do êm ái, bồn chồn, dí dỏm, ngập ngừng về chuyện chúng tôi bắt đầu cảm nghĩ gì về nhau. Thực tình thì chúng tôi chẳng hề có những cảm giác mà chúng tôi nghĩ rằng mình có cho đến khi nói được chúng ra thành lời – ít nhất là tôi thấy mình như thế; nói chúng ra thành lời tức là sáng tạo và có được chúng. Chúng tôi quậy cảm giác lạ lẫm và mới quen của mình thành một thứ bọt từa tựa như tình yêu, và chúng tôi không dám đùa quá lâu với nó, nói quá nhiều về nó, e rằng nó sẽ xẹp xuống và tan đi. Nên chúng tôi hết trên ghế lại dưới nước, hết nói chuyện lại im lặng, và nếu xét theo cảm giác bồn chồn khôn nguôi của tôi trước Brenda, và những bức tường cái tôi cao vòi vọi dựng lên, cùng trụ ốp các thứ, chắn giữa nàng và nhận thức của nàng về chính mình, thì chúng tôi xoay xở cũng tạm.
Tới khoảng bốn giờ, từ đáy hồ, Brenda đột nhiên rời xa tôi và trồi lên mặt nước. Tôi trồi lên theo.
"Có chuyện gì vậy?" tôi hỏi.
Đầu tiên nàng vuốt tóc khỏi trán. Rồi nàng chỉ một tay xuống cuối hồ. "Thằng anh của em," nàng nói, ho văng chút nước trong người ra.
Và đột nhiên, giống như một Proteus(#1) húi cua từ dưới biển hiện lên, Ron Patimkin từ đáy sâu ngay dưới chỗ chúng tôi vừa bơi trồi lên và thù lù một đống trước mặt chúng tôi.
"Ê, Bren," anh ta nói, và quạt bàn tay trên mặt nước khiến cả một cơn bão nhỏ hắt vào mặt tôi với Brenda.
"Anh khoái chí chuyện gì vậy?" nàng nói.
"Đội Yankees gác hai cú."
"Vậy là mình lại ăn tối với Mickey Mantle à?" nàng nói. "Mỗi khi đội Yankees thắng," nàng bảo tôi, bước đi dễ dàng có vẻ như nàng vừa biến chất clor thành đá hoa dưới chân mình, "chúng tôi lại đặt thêm một chỗ cho Mickey Mantle."
"Em muốn đua không?" Ron hỏi.
"Không, Ronald. Đua một mình đi."
Chẳng ai nói gì tới tôi. Tôi cố lặng lẽ bỏ đi, như một kẻ thứ ba, không được giới thiệu, sẽ bước sang một bên và chẳng nói gì cả, chờ đợi những điều vui thú. Tuy nhiên, tôi đã mệt vì thể thao cả buổi chiều, và cầu mong hai chị em quái qủi kia đừng tào lao tán dóc thêm nữa. May thay lúc đó Brenda lại giới thiệu tôi. "Ronald, đây là Neil Klugman. Đây là anh tôi, Ronald Patimkin."
Từ tất cả những thứ có dưới ba thước nước, Ron thò tay ra bắt. Tôi bắt lại, không đầy ấn tượng như anh ta có vẻ trông đợi; cằm tôi chìm xuống nước mấy phân và lập tức tôi thấy mình mệt rũ.
"Muốn đua không?" Ron vui vẻ hỏi.
"Tới đi, Neil, đua với ảnh đi. Em muốn gọi điện về nhà báo là anh sẽ ghé ăn tối."
"Anh hả? Vậy anh cũng phải gọi cho bà dì. Em đâu có nói trước. Áo quần của anh..."
"Nhà em ăn tối cởi mở lắm."
"Cái gì?" Ronald hỏi.
"Bơi đi, cha," Brenda nói với anh ta và tôi thấy ngứa chút đỉnh khi nàng hôn vào mặt anh chàng.
Tôi thoái thác vụ bơi đua, nói rằng phải đi gọi điện, và khi đến được mép gạch xanh của hồ bơi, tôi nhìn lại thấy Ron đang quạt những sải tay mạnh mẽ dọc hồ. Anh ta khiến mình có cảm giác rằng sau khi bơi sáu bảy lần chiều dài hồ thì anh ta sẽ được quyền uống nước trong hồ đó; tôi tưởng tượng anh ta, giống chú Max của tôi, có chứng khát nước khủng khiếp và một bàng quang to tướng.
Dì Gladys có vẻ không nhẹ nhõm hơn chút nào khi tôi bảo tối nay dì chỉ phải làm ba suất ăn thôi. Qua điện thoại dì ấy chỉ nói, "Ly kỳ."
Chúng tôi không ăn trong bếp, mà sáu người – Brenda, tôi, Ron, ông bà Patimkin và Julie, em gái Brenda- ngồi quanh bàn trong phòng ăn, trong khi cô giúp việc Carlota, một chị da đen có nét của bộ tộc Navaho với những lỗ xỏ trên tai nhưng không đeo gì cả, dọn ăn cho chúng tôi. Tôi được xếp ngồi cạnh Brenda, nàng ăn mặc theo kiểu gọi là cởi mở của nàng: quần kaki, thứ bó, áo thun trắng, giày tennis với vớ trắng. Đối diện tôi là Julie, mười tuổi, mặt tròn, sáng sủa, cô bé mà trước giờ ăn tối, trong khi những cô bé khác còn ở ngoài đường chơi với nhau hay với bọn con trai, thì cô ở sân sau chơi đánh golf với bố. Ông Patimkin làm tôi nhớ đến bố tôi, ngoại trừ chuyện ông không bọc mỗi âm tiết trong hơi gió nặng nề. Ông ta cao, khoẻ mạnh, phi văn phạm và ăn mạnh. Khi ông tấn công món rau trộn, sau khi đã xịt ngập vào đó thứ dầu dấm Pháp đóng chai – những mạch máu dưới làn da cánh tay của ông phồng lên. Ông ăn ba suất rau trộn, Ron ăn bốn, Brenda với Julie ăn hai, chỉ có bà Patimkin và tôi mỗi người dùng một. Tôi không thích bà Patimkin, tuy bà là người xinh đẹp nhất trong bàn. Bà lịch sự với tôi một cách quá tai hại, và với đôi mắt tím, mái tóc đen, và vóc người đẫy đà, quyến rũ, bà tạo cho tôi cảm giác của một nhan sắc bị tù hãm, một công nương hoang dã, kẻ đã bị thuần hóa và biến thành gia nhân cho con gái của một ông vua – đó là Brenda.
Bên ngoài, qua khung cửa sổ lớn, tôi có thể thấy bãi cỏ sau nhà với hai cây sồi sinh đôi. Tôi gọi là sồi, tuy qua tưởng tượng, người ta có thể bảo đó là cây dụng cụ thể thao. Dưới những cành nhánh, như trái cây vừa rụng, là hai cây gậy đánh golf, một trái banh golf, một ống banh tennis, một cây gậy bóng chày, quả bóng rổ, một găng tay bóng chày, và một cái trông như cán roi quất ngựa. Xa hơn, ở chỗ những bụi cây bao quanh sở đất của nhà Patimkin và ngay trước một sân bóng rổ nhỏ, có một cái chăn vuông màu đỏ, với một chữ O trắng đính ở giữa, trông cứ như đang bốc cháy giữa thảm cỏ xanh. Ngoài đó chắc đang có gió nhẹ, vì lưới bóng rổ giao động; trong này chúng tôi ăn trong bầu khí mát mẻ nhờ máy điều hòa Westinghouse. Cảm giác thật dễ chịu, có điều là ăn uống giữa những người Brobdingnag,(#2) tôi có cảm tưởng trong một lúc lâu là đôi vai tôi đã bị cắt đi cả tấc, chiếu cao của tôi bị giảm mất bảy phân, và thêm vào đó, có ai đã gỡ mất xương sườn của tôi và lồng ngực tôi đã bẽn lẽn nép sát vào lưng.
Chẳng có trò chuyện gì nhiều trong bữa ăn; việc ăn thì nặng nề, có phương pháp và nghiêm trọng, và sẽ là công bằng khi ghi lại những gì được nói ra một mạch hơn là chỉ rõ những câu bị thức ăn nhận chìm, những lời lẽ lọc ọc trong miệng đầy thức ăn, cấu trúc câu bị cắt đoạn và bỏ qua khi trút thức ăn vào dĩa, làm đổ tháo, và nhai nuốt ừng ực.
NÓI VỚI RON: Harriet gọi lúc nào?
RON: Năm giờ.
JULIE: Lúc đó sáu giờ rồi.
RON: Giờ ở chỗ họ đó.
JULIE: Tại sao giờ ở Milwaukee lại sớm hơn? Nếu như anh cứ đi máy bay từ đây tới đó suốt ngày. Anh sẽ không bao giờ già.
BRENDA: Đúng đó, cưng.
BÀ P.: Mày giải thích bậy cho nó làm gì? Đó là lý do nó phải đi học đó hả?
BRENDA: Con đâu biết tại sao nó đi học.
ÔNG P. (giọng thương yêu): Cô sinh viên.
RON: Carlota đâu rồi? Carlota!
BÀ P: Carlota, dọn thêm cho Ronald.
CARLOTA (gọi lên): Thêm cái gì?
RON: Mọi thứ.
ÔNG P: Tôi nữa.
BÀ P.: Tụi nó chắc phải lăn ông bằng xích quá.
ÔNG P. (kéo áo lên và vỗ vào cái bụng ú nụ ngăm đen của mình): Bà nói cái gì đó? Nhìn thấy chưa?
RON (tuột áo thun ra): Nhìn nè mẹ.
BRENDA (nói với tôi): Anh có muốn phơi bụng ra không?
TÔI (lại là chú bé trong dàn đồng ca): Không.
BÀ P.: Được đó, Neil.
TÔI: Dạ, cám ơn.
CARLOTA (nói qua vai tôi, như hồn ma không gọi mà tới): Anh muốn thêm không?
TÔI: Không.
ÔNG P.: Cậu ấy ăn như chim.
JULIE: Có loài chim ăn dữ lắm.
BRENDA: Chim gì?
BÀ P.: Không nói chuyện loài vật ở bàn ăn. Brenda, sao mày lại xúi nó?
RON: Carlota đâu rồi, tối nay con phải thi đấu.
ÔNG P.: Nhớ bó cổ tay lại.
BÀ P.: Cậu sống ở đâu, Bill?
BRENDA: Neil chứ.
BÀ P.: Không phải tao nói Neil sao?
JULIE: Mẹ nói 'Cậu sống ở đâu, Bill?' mà.
BÀ P.: Chắc là tao mải nghĩ cái gì khác.
RON: Con ghét bó lắm. Làm quái gì chơi được khi bị bó cổ tay?
JULIE: Đừng văng tục.
BÀ P.: Phải đó.
ÔNG P.: Bây giờ Mantle đánh gì?
JULIE: Ba hăm tám.
RON: Ba hăm lăm.
JULIE: Hăm tám.
RON: Hăm lăm, dẹp đi! Nó đánh trúng ba trên bốn quả trong ván hai.
JULIE: Bốn trên bốn.
RON: Trái đó bị lỗi, Minoso lẽ ra ăn quả đó.
JULIE: Em không tin.
BRENDA (với tôi): Thấy chưa?
BÀ P.: Thấy gì?
BRENDA: Con đang nói chuyện với Bill.
JULIE: Neil chứ.
ÔNG P.: Im mồm lo ăn đi.
BÀ P.: Nói ít đi một chút, tiểu qúi nương.
JULIE: Con có nói gì đâu.
BRENDA: Bả đang nói chuyện với chị, cưng.
ÔNG P.: Cái vụ bả là sao. Mày kêu mẹ mày như thế à? Tráng miệng cái gì đây?
Điện thoại reo, và tuy chúng tôi còn chờ món tráng miệng, nhưng bữa ăn có vẻ đã chính thức kết thúc, vì Ron đã đứng dậy về phòng, Julie gào lên "Harriet!" và ông Patimkin chặn một cú ợ hơi không thành công lắm, tuy rằng thất bại ấy còn hơn cả một nỗ lực khiến tôi có thiện cảm với ông hơn. Bà Patimkin đang chỉ đạo Carlota đừng để lộn đồ bạc ăn sữa với đồ bạc ăn thịt nữa, còn Carlota nhai một trái đào trong khi lắng nghe bà ta; dưới gầm bàn tôi cảm thấy mấy ngón tay của Brenda đang khều bắp chân tôi. Tôi ứ tới cổ.
* * *
Chúng tôi ngồi dưới bóng cây sồi to nhất trong khi ngoài sân bóng rổ ông Patimkin chơi với Julie. Trên lối chạy xe Ron đang nổ máy chiếc Volkswagen. "Ai làm ơn chuyển cái Chrysler khỏi đuôi xe tôi giùm được không?" anh ta kêu lên bực bội. "Chắc tôi trễ mất."
"Xin lỗi," Brenda nói và đứng dậy.
"Chắc xe anh đậu sau cái Chrysler," tôi nói.
"Vậy thì đi," nàng bảo.
Chúng tôi de xe ra để Ron có thể phóng tốc hành tới trận đấu của anh ta. Rồi chúng tôi cho xe vào chỗ cũ và trở lại xem ông Patimkin với Julie chơi.
"Anh thích cô bé ấy," tôi nói.
"Em cũng vậy," nàng nói. "Em tự hỏi không biết sau này nó ra sao."
"Thì giống em thôi," tôi nói.
"Em không chắc," nàng nói. "Có thể còn ngon hơn." Rồi nàng thêm, "hoặc có thể tệ hơn. Ai mà biết được? Bố em cưng nó lắm, nhưng em sẽ để nó sống thêm với mẹ ba năm nữa... Bill," nàng nói một cách lơ đãng.
"Anh chẳng lo điều đó," tôi nói. "Mẹ em rất đẹp."
"Em thậm chí chưa từng nghĩ bà là mẹ mình. Bà ghét em. Mấy đứa con gái khác, khi chuẩn bị đồ đạc trở lại trường vào tháng Chín, thì ít nhất cũng được mẹ giúp. Em thì không. Bà ấy thế nào cũng bận chuốt viết chì cho Julie khi em phải tha cái valy lòng vòng trên lầu. Và rõ ràng đó là lý do. Thực tế đó là một trường hợp điển cứu."
"Tại sao vậy?"
"Bà ấy ghen tị. Chuyện đó chán đến nỗi em mắc cở khi phải nói ra. Anh có biết mẹ em có cú rờ-ve tuyệt nhất New Jersey không? Thực tình bà ấy là tay tennis mạnh nhất tiểu bang, cả nam lẫn nữ. Phải chi anh thấy những bức ảnh của mẹ em thời con gái. Trông bà rất khoẻ mạnh. Nhưng không núng nính hay gì cả. Bà ấy nhạy cảm, thực đó. Em yêu bà ấy trong những bức ảnh. Có khi em nói với mẹ những bức ảnh đó đẹp làm sao. Thậm chí em còn xin mẹ cho phóng mấy tấm lên để em mang theo tới trường. 'Tiền mình phải dùng vào nhiều việc khác nữa, cô nương, thay vì tiêu vào hình với ảnh.' Tiền! Bố em dính chết ở đây với nó, nhưng mỗi khi em mua một cái áo khoác là thế nào cũng nghe mẹ cằn nhằn. 'Mày không cần phải tới tiệm Bonwit, tiểu thư ạ, tiệm Ohrbach có thứ vải chắc nhất có trên đời này.' Ai cần thứ vải chắc! Sau cùng em cũng có được thứ em muốn, nhưng phải đợi đến khi bà có dịp mỉa mai em kìa. Với mẹ tiền bạc là chuyện phung phí. Thậm chí mẹ chẳng biết cách hưởng thụ nó nữa. Mẹ cứ nghĩ nhà em còn sống ở Newark."
"Nhưng em có được thứ em muốn mà," tôi nói.
"Phải. Nhờ bố đấy," nàng chỉ ông Patimkin lúc đó vừa ném lọt rổ cú thứ ba liên tiếp trước vẻ rầu rĩ ra mặt của Julie, cô bé dậm chân thình thịch xuống đất làm bốc lên cả một đám bụi nhỏ quanh đôi chân rất xinh xắn của nó.
"Bố không chì lắm nhưng ít nhất bố cũng dịu dàng. Bố không cư xử với anh trai em theo kiểu mẹ cư xử với em. Cám ơn Chúa vì chuyện đó. Ôi, em mệt với chuyện cứ phải nói về họ. Ngay từ năm thứ nhất em đã nghĩ mỗi cuộc nói chuyện của em rút cuộc cũng là nói về bố với mẹ và vụ đó chán làm sao. Điều đó phổ biến lắm. Rắc rối duy nhất là họ không hề biết chuyện đó."
Nhìn cái kiểu Julie với ông Patimkin đang cười ngoài sân thì coi bộ không có vấn đề nào có vẻ kém phổ biến hơn; nhưng, dĩ nhiên, nó phổ biến đối với Brenda, thậm chí còn có tính toàn vũ trụ nữa kìa – nó khiến bất kỳ thứ áo mỏng nào cũng thành trận chiến với bà mẹ, và cuộc đời nàng, tôi chắc chắn, bao gồm phần lớn là chuyện chiếm lấy thị trường của những thứ vải mềm mại với da thịt, đến độ có tầm cỡ của Cuộc chiến Trăm Năm(#3)...
Tôi không định có những ý nghĩ phản thùng như thế, để bị xếp cùng hàng với bà Patimkin trong khi đang ngồi với Brenda, nhưng tôi không thể rũ bỏ khỏi bộ não voi của tôi cái kiểu ăn nói Mẹ- cứ- nghĩ- nhà- em- còn- sống- ở- Newark. Tuy nhiên, tôi không nói ra, e rằng cái giọng của tôi sẽ làm tan nát sự gần gũi và thoải mái sau bữa tối của chúng tôi. Thật là đơn giản khi gần gũi với làn nước vỗ về và bảo vệ mọi lỗ chân lông của mình, rồi sau đó, có nắng sưởi khô và ru ngủ các giác quan, và bây giờ, trong bóng râm và ngoài trời, mát và áo quần tươm tất trên sở đất nhà nàng, tôi không muốn nói một lời có thể đập bỏ lớp che phủ và làm lộ ra cái cảm giác dễ mích lòng mà lúc nào tôi cũng có đối với nàng, và đó là mặt dưới của tình yêu. Nhưng nó sẽ không chịu ở dưới mãi đâu – nhưng tôi cứ lao tới trước.
Đột nhiên, Julie xuất hiện trước mặt. "Muốn chơi hông?" cô bé hỏi tôi. "Bố mệt rồi."
"Thôi nào," ông Patimkin gọi. "Bố thôi rồi."
Tôi ngần ngừ – tôi đã không rớ tới quả bóng rổ từ hồi rời trung học – nhưng Julie kéo tay tôi, còn Brenda nói, "Chơi đi."
Ông Patimkin tung trái bóng về phía tôi khi tôi không nhìn và nó tưng trúng ngực tôi, để lại một dấu bụi tròn, như bóng của một vầng trăng, trên lớp áo. Tôi bật cười ngu ngơ.
"Anh không chụp được hả?" Julie hỏi.
Giống cô chị, Julie coi bộ cũng có khiếu nêu những câu hỏi thực tiễn, nghe rất chọc ngứa.
"Ờ."
"Tới lượt anh đó," cô bé nói. "Bố thua băm chín bốn bảy. Hai trăm là thắng."
Trong giây lát, khi tôi đặt đầu ngón chân lên vết mòn mà qua nhiều năm đã được coi là đường biên lỗi, tôi lại thấy một trong những giấc mơ thấp thoáng giữa ban ngày thỉnh thoảng vẫn ám lấy tôi và, như nhiều bạn bè cho biết, thường phủ một lớp màng trong mắt tôi: mặt trời đã lặn, những con dế đã đến rồi đi, lá cây đã sẫm đen, mà Julie với tôi vẫn đứng lẻ loi trong sân cỏ, ném banh vào rổ; "Năm trăm thắng," nó kêu lên, và khi nó đạt điểm đó trước tôi nó lại kêu, "Bây giờ anh phải đạt điểm đó," và tôi làm như thế, và buổi tối cứ kéo dài, rồi nó kêu, "Tám trăm thắng," và chúng tôi cứ chơi rồi tới lúc một ngàn mốt thắng và chúng tôi chơi tiếp và trời không bao giờ sáng.
"Ném đi," ông Patimkin nói. "Anh thế cho tôi đó."
Điều đó khiến tôi hoang mang, nhưng tôi cũng làm một cú ném tại chỗ và, dĩ nhiên, hụt rổ. Nhờ ơn thượng đế và cơn gió nhẹ, tôi cũng ném được một cú dội bảng vào rổ.
"Anh được bốn mốt. Đến em nghe," Julie nói.
Ông Patimkin ngồi trên cỏ ở cuối sân. Ông đã cởi áo sơ mi và chỉ còn áo lót, và với lớp râu mọc lại trong ngày, trông ông giống một tay làm vườn chuyên ngiệp. Cái mũi trước đây của Brenda rất hợp với ông. Nó có một cái mụn trên đó, ở phía trên sống mũi trông như có một viên kim cương tám cạnh đã được cấy vào dưới da. Tôi biết ông Patimkin sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện cắt bỏ cái cục đó, nhưng tuy vậy, với lòng vui sướng và tự hào, rõ ràng là thế, ông đã chi tiền để cắt bỏ cục kim cương đó cho Brenda và vất vào bồn cầu nào đó trong Bệnh viện Đại lộ Năm.
Julie ném hụt cú ném tại chỗ, và tôi cho phép mình một cảm giác hơi hơi khoái chí.
"Cho bóng xoáy một chút," ông Patimkin bảo nó.
"Cho em ném lại nghe?" Julie hỏi tôi.
"Ừ." Với những chỉ đạo của ông bố đứng ở đường biên và máu lịch sự miễn cưỡng của tôi trên sân, xem ra chẳng có chút cơ hội nào cho tôi san bằng tỷ số. Và đột nhiên, tôi muốn thắng, muốn cho cô bé Julie thua tơi tả. Brenda ngả người tựa vào một khuỷu tay, dưới bóng cây, nhai một chiếc lá, đang theo dõi. Trong nhà trên kia, qua cửa sổ nhà bếp, tôi có thể thấy màn cửa đã được kéo dạt ra – lúc này mặt trời đã xuống quá thấp không còn rọi sáng những dụng cụ điện trong đó nữa- và bà Patimkin đang chăm chú theo dõi trận đấu. Và rồi Carlota xuất hiện ở bậc thềm cửa sau, nhai một trái đào và tay kia cầm một giỏ rác. Cô ta cũng dừng lại xem cuộc chơi.
Lại đến lượt tôi. Tôi ném hụt một cú ném tại chỗ và bật cười quay sang Julie rồi nói, "Cho anh ném lại nghe?"
"Không!"
Thế là tôi biết trận đấu này phải chơi như thế nào. Qua nhiều năm, ông Patimkin đã dạy cô con gái rằng những cú ném tự do thì tùy nghi xin ném lại được, ông chấp nhận cho. Tuy nhiên, với những cặp mắt xa lạ của Short Hills này đang chăm chú nhìn tôi, từ những bà nội tướng, những gia nhân, và người cung cấp, tôi ít nhiều cảm thấy mình không làm được. Nhưng tôi phải làm và đã làm được.
"Cám ơn nhiều, anh Neil," Julie nói khi kết thúc trận đấu – ở điểm 100 – và những con dế đã tới.
"Đâu có chi."
Dưới hàng cây, Brenda mỉm cười. "Anh để cho nó thắng phải không?"
"Anh nghĩ thế," tôi nói. "nhưng không dám chắc."
Có cái gì trong giọng nói của tôi khiến Brenda nói tiếp, một cách vỗ về, "Ngay đến Ron cũng để cho nó thắng."
"Thế là quá đẹp cho Julie rồi," tôi nói.
Chú thích:
(1-)Proteus: Tiểu thần biển dưới trướng Thần biển Poseidon, có phép biến hình theo ý muốn.
(2-)Brobdingnag: xứ của những người khổng lồ có tầm cao khoảng 20 thước trong Gulliver Phiêu Lưu Ký.
(3-)Cuộc chiến trăm năm: một cuộc chiến giữa Pháp và Anh từ 1337 đến 1453 khiến Anh mất hết nhượng địa ở Pháp, trừ Calais.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT