Căn hộ của ông Zemirli nằm ở tầng ba một tòa nhà bình dị trên phố Isklital. Cửa nhà mở ra một hành lang dẫn vào nơi những cuốn sách cũ chất đống dọc theo tường.

Ogür Zemirli mặc một chiếc quần flanen, áo sơ mi trắng, áo choàng ở nhà bằng lụa và đeo hai cặp kính. Một cặp được kéo vội lên trán, một nằm trên sống mũi. Ogür Zemirli đổi gọng kính luân phiên, tùy vào lúc ông phải đọc hay phải nhìn xa. Râu ria được cạo nhẵn nhụi, chỉ trừ một vài sợ hoa râm nằm ở chỏm cằm hẳn đã thoát khỏi bàn tay thợ cạo.

Ông dẫn các vị khách vào căn phòng khác bày biện đồ gỗ kiểu Pháp và Ottoman, rồi mất hút trong bếp sau đó trở ra cùng một phụ nữ dáng vẻ đẫy đà. Bà mang trà cùng bánh ngọt kiểu phương Đông ra, ông Zemirli cảm ơn rồi bà nhanh chóng rút lui.

- Đó là bà bếp của tôi, ông nói, bánh của bà ấy ngon tuyệt, các vị dùng đi.

Daldry không đợi phải nài.

- Vậy ra cô là con gái của Cömert Eczaci? ông hỏi.

- Không thưa ông, nố tôi mang họ Pendellbury, Alice đáp rồi đưa ánh mất tiếc nuối nhìn Daldry.

- Pendelbury sao? Tôi không nghĩ ông ấy đã bảo với tôi thế... Nhưng cũng có lẽ trí nhớ của tôi không còn được như trước nữa, người đàn ông tiếp tục.

Đến lượt Daldry nhìn Alice, và cũng giống cô, anh đang tự hỏi liệu vị chủ nhà của họ có còn minh mẫn hay không; anh oán giận Can vì đã dẫn họ tới đây, càng giận hơn nữa vì đã khơi dậy trong Alice niềm hy vọng được biết thêm chút ít về bố mẹ cô.

- Ở khu này, ông Zemirli nói tiếp, người ta không gọi ông ấy là Pendelbury, nhất là vào thời ấy, chúng tôi đặt cho ông ấy biệt danh Cömert Eczaci.

- Thế nghĩa là “vị dược sĩ tốt bụng”, Can dịch.

Khi nghe những từ ấy Alice thấy tim mình đập rộn.

- Đó có phải cha cô không? Người đàn ông hỏi.

- Rất có thể, thưa ông, bố tôi đều có hai phẩm chất ấy.

- Tôi vẫn nhớ rất rõ ông ấy, cả mẹ cô nữa, một người phụ nữ đặc biệt. Cả hai người đều làm việc ở bệnh viện trường đại học. Hãy theo tôi, ông Zemirli nói rồi khó nhọc đứng dậy.

Ông lại gần cửa sổ rồi chỉ căn hộ nằm ở tầng hai tòa nhà đối diện. Alice thấy dòng chữ “Cư xá Roumélie” khắc trên tấm biển treo phía trên cổng xe vào.

- Ở lãnh sự quán người ta nói rằng bố mẹ tôi sống ở tầng ba.

- Còn tôi, tôi nói với cô rằng họ đã sống ở kia, ông Zemirli vừa nhấn mạnh vừa chỉ vào những ô cửa sổ tầng hai. Cô có thể tin lãnh sự quán nước cô nhưng chính bà cô tôi đã cho họ thuê căn hộ nhỏ đó. Cô thấy không, kia, ở bên trái, đó là phòng khách của họ, còn cửa sổ còn lại là cửa sổ phòng ngủ, căn bếp nhỏ nhìn ra sân, cũng giống như ở tòa nhà này. Thôi nào, các vị tới đây ngồi đi, chân tôi đau quá. Vả lại chính nhờ cái chân này mà tôi quen cha mẹ cô. Tôi sẽ kể cô nghe mọi chuyện. Khi ấy tôi còn trẻ, và giống như bao thằng nhóc khác, trò chơi ưa thích của tôi sau khi tan trường cấp ba là nhảy xe điện...

Cụm từ ấy phải hiểu theo đúng nghĩa đen của nó bởi vì để được đi không mất tiền, các cậu thanh niên choai choai Istanbul phải nhảy lên xe điện lúc nó đang chạy rồi ngồi vắt vẻo trên cái đèn pha lớn nằm phía sau xe. Nhưng vào một ngày mưa Ogüz nhảy hụt nên bị móc vào giá chuyển hướng và bị lôi đi mấy mét. Các bác sĩ phẫu thuật đã gắng hết sức khâu vá các vết thương lại đồng thời vừa khéo tránh không phải cắt chân. Ogüz được miễn nghĩa vụ quân sự nhưng sau đó không có ngày mưa gió trở trời nào mà cái chân cậu lại không trở chứng đau nhức.

- Khi ấy thuốc men còn đắt đỏ, ông Zemirli giải thích, quá đắt nên người ta chẳng thể mua nổi ở hiệu thuốc. Cha cô đã mang thuốc từ bệnh viện về rồi cho tôi cũng như tất cả những người nghèo khó khác trong khu; trong thời gian chiến tranh, có thể nói ông ấy đã giúp rất nhiều người ở đây những lúc họ lâm bệnh. Trong căn hộ nhỏ ấy, bố mẹ cô đã dựng nên một dạng phòng khám bí mật. Ngay sau khi từ bệnh viện trường đại học về, mẹ cô liền bắt tay vào chăm sóc và băng bó cho bệnh nhân còn cha cô phát những loại thuốc ông ấy có thể kiếm được cũng như tự mình kê các đơn thuốc chữa bệnh. Vào mùa đông, khi bọn trẻ con mắc dịch sốt, đôi khi người ta thấy các bà mẹ xếp hàng dài ra đến tận phố. Nhà chức trách không dễ bị lừa nhưng do việc làm này hoàn toàn vì mục đích từ thiện và có lợi cho người dân nên cảnh sát cũng nhắm mắt làm ngơ. Bản thân con cái họ cũng tới khám chữa bệnh trong căn hộ nhỏ đó. Tôi không biết có anh cảnh sát nào lại dám đối mặt với vợ mình lúc về nhà nếu trước đó đã bắt bớ cha mẹ cô, và vì thời đó tôi còn trẻ nên quen biết tất tần tật đám cảnh sát. Nếu tôi nhớ không lầm thì cha mẹ cô đã lưu lại đây hai năm. Và rồi một buổi tối, cha cô phát thuốc nhiều hơn thường lệ, mỗi người được nhận gấp đôi so với thường lệ. Hôm sau, cha mẹ cô không còn ở đây nữa. Bà cô tôi đợi hơn hai tháng mới dám dùng chìa khóa riêng của mình mở cửa vào tìm hiểu sự tình. Căn hộ đã được xắp xếp gọn gàng, không thiếu lấy một chiếc đĩa, một bộ đồ ăn; trên bàn bếp, bà tìm thấy số tiền thuê nhà còn thiếu cùng một lá thư giải thích rằng họ phải trở lại nước Anh. Những dòng chữ viết tay của cha cô khiến mọi người ở đây trước đó đều rất lo lắng cho Cömert Eczaci cùng vợ đều thở phào nhẹ nhõm, cả đám cảnh sát trong khu vực cũng vậy, vì trước đó chúng tôi vẫn nghi ngờ họ. Cô biết không, ba mươi lăm năm sau, mỗi lần tới hiệu thuốc tìm mua thuốc để làm cái chân tệ hại này im đi, tôi thường ngẩng đầu lên khi ra khỏi nhà và tôi tưởng như mình đang thấy khuôn mặt tươi cười của Cömert Eczaci bên khung cửa sổ đối diện. Vậy nên tôi muốn nói với cô rằng tôi thật xúc động khi tối nay được gặp con gái ông ở nhà mình.

Phía sau cặp kính dày của ông Zemirli, Alice thấy đôi mắt của người đàn ông ấy ướt lệ và cô cảm thấy bớt bối rối hơn khi chính mình cũng không cầm được nước mắt.

Cảm xúc dâng trào cũng khiến cả Can lẫn Daldry đều ngạc nhiên, Ông Zemirli lấy khăn mùi soa từ trong túi ra chấm chấm đầu mũi. Ông nghiêng người rót thêm trà cho các vị khách.

- Chúng ta hãy nâng ly tưởng nhớ vị dược sĩ tốt bụng của Beyoğlu và chúc sức khỏe vợ ông.

Mọi người đều đứng dậy và cùng nhau cụng ly... trà bạc hà,

- Thế còn tôi, Alice hỏi, ông có nhớ gì về tôi không?

- Không, tôi không nhớ là đã nhìn thấy cô, tôi thực lòng muốn nói ngược lại nhưng như thế sẽ là dối cô. Khi ấy cô lên mấy?

- Năm tuổi.

- Vậy thì đúng rồi, cha mẹ cô làm việc cô hẳn phải đến trường.

- Rất hợp lý, Daldry nói.

- Theo ông thì tôi học trường nào? Alice tiếp lời.

- Cô không nhớ gì sao? Ông Zemirli hỏi.

- Không chút nào, một khoảng đen khổng lồ cho tới tận khi chúng tôi trở lại Luân Đôn.

- À, tuổi của những ký ức đầu tiên! Cô biết đấy, điều này tùy thuộc vào từng đứa trẻ. Một số đứa nhớ được nhiều thứ hơn bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, đó là những kỷ niệm thực sự hay lại được tạo từ những điều người ta kể cho chúng ta? Tôi thì tôi quên tất tật mọi thứ xảy ra trước năm lên bảy, hoặc hơn nữa có thể là lên tám. Khi tôi thổ lộ điều ấy với mẹ tôi, bà rất tức giận, bà bảo: “Bao năm tháng mẹ phải chăm bẵm con mà con quên hết rồi sao?” Nhưng cô đang hỏi về chuyện trường học cơ mà. Rất có thể bố mẹ cô đã đăng kí cho cô học tại Saint-Michel, không xa đây lắm và ở đó người ta dạy tiếng Anh, Đó là một ngôi trường nghiêm khắc và có tiếng; sổ sách của họ hẳn vẫn còn được lưu giữ, cô nên tới đó xem sao.

Đột nhiên ông Zemirli có vẻ mệt. Can húng hắng ho để mọi ngời hiểu là đã đến lúc rời đi. Alice đứng dậy cảm ơn người đàn ông đứng tuổi vì lòng hiếu khách của ông. Ông Zemirli đặt tay lên ngực.

- Cha mẹ cô là những người vừa khiêm nhường vừa đầy nghị lực, hành động của họ thật anh hùng. Tôi rất vui vì giờ đây đã chắc chắn được rằng họ đã hồi hương an toàn, và càn vui sướng hơn nữa khi được ưu ái làm quen với con gái của họ. Nếu họ không kể gì với cô về thời gian lưu lại tại Thổ Nhĩ Kỳ thì chắc chắn đó là vì họ khiêm tốn. Nếu cô ở lại Istanbul đủ lâu, cô sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Hãy sáng suốt nhé, Cömert Eczaci’nin Kizi.

Sau khi họ ra đến phố, Can đã dịch lại cho mọi người hiểu cụm từ đó nghĩa là “con gái của vị dược sĩ tốt bụng”.

Giờ mà tới gõ cửa trường Saint-Michel thì quả là không tiện. Sáng mai Can sẽ tới đó xắp xếp một cuộc hẹn cho họ.

Alice và Daldry ăn tối ở phòng ăn của khách sạn. Suốt bữa ăn họ không chuyện trò mấy. Daldry tôn trọng khoảng lặng của Alice. Đôi lúc, anh cố làm cho cô vui bằng cách kể vài giai thoại tiếu lâm về thời trẻ của mình nhưng tâm trí Alice đang ở tận đẩu tận đâu và nụ cười của cô ấy đầy gượng ép.

Lúc họ tạm biệt nhau ở thềm nghỉ, Daldry nhắc Alice rằng cô có lý do chính đáng để vui mừng, Ogüz Zemirli chắc chắn là người thứ ba, nếu không thì cũng là người thứ tư trong số sáu người mà bà thầy bói ở Brighton đã nhắc đến.

Alice đóng cửa phòng rồi sau đó một lát, cô tới bên chiếc bàn viết kê cạnh cửa sổ.

Anton,

Mỗi tối khi băng qua sảnh khách sạn, em đều hy vọng rằng người gác cổng sẽ chuyển cho em lá thư của anh. Một mong đợi thật ngớ ngẩn, sao anh lại viết thư cho em chư?

Em đã có một quyết định, em phải rất can đảm mới dám hứa điều này và hẳn rồi còn phải can đảm nhiều hơn nữa mới giữ lời được. Ngày trở lại Luân Đôn, em sẽ tới gõ cửa nhà anh, em sẽ đặt ngày trước cửa một bó thư được để trong một chiếc tráp nhỏ mà trong tuần này em sẽ tới mua ở khu chợ lớn. Trong đó, em bỏ lại tất cả những lá thư đẵ viết cho anh nhưng không gửi.

Có lẽ anh sẽ đọc thư ngay trong đêm và rồi có lẽ hôm sau anh sẽ tới gõ cửa nhà em. Như thế thật là nhiều “có lẽ” nhưng từ lâu nay, “có lẽ” đã thành một phần cuộc sống hằng ngày của em.

Và để ví dụ cho anh thấy, có lẽ cuối cùng em đã tìm ra ý nghĩa của những cơn ác mộng vẫn ám ảnh em.

Bà thầy bói ở Brighton nói đúng, ít nhất là ở một điểm. Em đã trải qua tuổi thơ ở đây, trên tầng hai của một tòa nhà tại Istanbul. Em ở đây hai năm. Em hẳn đã chơi đùa trong một con hẻm mà ở đầu hẻm có một cầu thang lớn. Em không nhớ gì về thời kỳ này nhưng những hình ảnh về một cuộc sống khác cứ ùa về trong những giấc đêm của em. Để tìm ra điều bí ẩn phủ bóng lên một phần thời thơ ấu của em, em phải tiếp tục cuộc tìm kiếm. Em đoán ra lý do tại sao bố mẹ em không bao giờ kể chuyện này với em. Nếu là mẹ, em hẳn cũng làm như bà và tránh cho con gái em phải nghe những kỷ niệm quá mức nặng nề.

Chiều nay, một người đã chỉ cho em thấy khung cửa sổ của căn hộ nơi nhà em từng sống, nơi hẳn mẹ em đã ngó ra ngắm cảnh dưới phố. Em tưởng tượng ra căn bếp nhỏ nơi mẹ chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà, căn phòng khách nơi em hẳn đang ngồi trên đầu gối bố. Em cứ tưởng rằng thời gian rồi sữ làm liền viết thương do sự vắng mặt của họ gây ra, nhưng không phải thế.

Em ước một ngày nào đó được đưa anh đi khám phá thành phố này. Chúng ta hẳn sẽ cùng nhau dạo trên phố Isklital, và khi tới chân khu cư xá Roumélie, em sẽ chỉ cho anh nơi em từng sống lúc lên năm.

Một ngày nào đó chúng ta sẽ dạo bước dọc eo Bosphore, anh sẽ chơi kèn và ở tận những ngọn đồi Üsküdar người ta vẫn sẽ nghe thấy tiếng trompet của anh.

Hẹn gặp anh ngày mai, Anton.

Hôn anh.

Alice

* * *

Cô thức dậy cùng bình minh; ngắm nhìn ngày mới đang lên với những tia sáng màu xám bạc của buổi sớm rọi trên eo Bosphore khiến Alice muốn rời khỏi phòng.

Phòng ăn của khách sạn vẫn còn vắng vẻ, những người hầu bàn mặc chế phục có gù vai cầu kỳ đang hoàn tất việc dọn bàn. Alice chọn một bàn trong góc. Cô mượn một tờ báo số ra ngày hôm trước bị bỏ lại trên bàn thu dọn chén đĩa. Ngồi một mình trong phòng ăn của một khách sạn sang trọng ở Istanbul đọc tin tức về Luân Đôn, cô để tờ báo tuột khỏi tay trong khi tâm trí bay về phía đồi Primrose.

Cô hình dung ra Carol đang xuôi xuống phố Albermarle để tới Piccadilly nơi cô bắt xe buýt. Cô nhảy lên chỗ đứng giữa cuối chiếc xe buýt hai tầng và bắt chuyện ngay với người soát vé hòng khiến anh a quên luôn đục lỗ trên vé. Cô bảo trông anh ta có vẻ không được khỏe, rồi tự giới thiệu và khuyên anh ta hôm nào đó nên tới chỗ cô làm việc, và chắc chắn đến 50% là cô sẽ xuống xe trước cổng bệnh viện với tấm vé vẫn còn nguyên vẹn.

Cô nghĩ tới Anton đang bước đi, túi khoác trên vai, cổ áo khoác để mở, ngay cả trong tiết trời giá lạnh mùa đông, món tóc dựng đứng trên trán cùng đôi mắt vẫn còn ngái ngủ. Cô thấy anh băng qua sân xưởng mộc, ngồi vào chiếc ghế đẩu trước bàn thợ, tính toán những nhát dao cần chạm, vuốt vuốt núm quả táo trên cái bào, rồi liếc mắt sang chiếc kim ngắn trên đồng hồ quả lắc và vừa thở dài vừa bắt tay vào việc. Cô nhớ tới Sam, anh vừa bước vào hiệu sách Camden qua lối cửa sau, cởi áo khoác rồi xỏ chiếc áo bờ lu màu xám vào. Sau đó anh mới bước vào gian hàng, phủi bụi trên các giá sách hoặc kiểm kê sách trong lúc chờ khách tới. Cuối cùng, cô mường tượng ra cảnh Eddy đang nằm khoanh tay trên giường, gáy ro ro. Và hình ảnh ấy khiến cô mỉm cười.

- Tôi có làm phiền cô không?

Alice giật mình ngẩng lên. Daldry đang đứng trước mặt cô.

- Không, tôi đang đọc báo.

- Mắt cô tinh thật đấy!

- Sao anh lại nói thế? Alice hỏi.

- Vì tờ báo đang ở dưới gầm bàn, cạnh chân cô.

- Tôi đang nghĩ vẩn vơ, cô thú thật.

- Nếu không bí mật thì là nghĩ tới đâu vậy?

- Tới nhiều địa điểm khác nhau ở Luân Đôn.

Daldry quay về phía quầy bar với hy vọng khiến anh chàng phục vụ chú ý.

- Tối nay, tôi sẽ đưa cô tới dùng bữa tại một nơi đặc biệt, một trong những nhà hàng tuyệt vời nhất Istanbul.

- Chúng ta ăn mừng điều gì à?

- Có thể nói như vậy. Chuyến du hành của chúng ta đã bắt đầu tại một trong những nhà hàng tuyệt vời nhất Luân Đôn, tôi thấy vô cùng hợp lú nếu nó kết thúc với riêng tôi bằng cách tương tự.

- Nhưng anh sẽ không đi trước khi...

- ... khi máy bay của tôi cất cánh!

- Nhưng nó sẽ không cất cánh trước...

- Cô có nghĩ tôi cần phải lăn ra đất thì người ta mới mang cà phê đến cho không? Như thế thật là quá lắm! Daldry thốt lên khi ngắt lời Alice lần thứ hai.

Anh giơ tay vẫy cho tới khi anh chàng phục vụ có mặt tại bàn, rồi gọi một bữa sáng thịnh soạn và năn nỉ họ mang ra sớm vì anh đang đói ngấu.

- Vì chúng ta có một buổi sáng rảnh rỗi, anh tiếp tục, nên cô nghĩ sao nếu chúng ta tới khu chợ lớn? Tôi muốn tìm mua cho mẹ một món quà và cô sẽ giúp đỡ tôi rất nhiều nếu tư vấn cho tôi, tôi không có mảy may ý tưởng nào về thứ hợp với sở thích của bà.

- Một kiểu đồ cổ xinh xắn?

- Kiểu thế nào?

- Tráp đựng nữ trang chẳng hạn, tôi đã thấy một cái được khảm trai tuyệt đẹp.

- Sao lại không nhỉ, nhưng bà từng nói với tôi là chỉ thích đồ gỗ dát của Anh.

- Một món đồ bạc thật đẹp?

- Bà chỉ thích đồ sứ.

Alice nghiêng người về phía Daldry.

- Anh nên nán lại thêm vài ngày rồi vẽ tặng bà một bức tranh, giả dụ anh có thể bắt đầu ở ngã tư lớn, ngay lối lên cầu Galata.

- Phải rồi, quả là một ý hay. Tôi sẽ phác thảo qua để ghi nhớ chỗ ấy rồi bắt tay vào việc khi đã trở lại Luân Đôn. Như thế không sợ bức tranh tổn hại gì khi đi lại.

- Vâng, Alice thở dài, chúng ta cũng có thể làm thế.

- Vậy thì, đồng ý, Daldry nói, chúng ta sẽ đi dạo trên cầu Galata.

Rồi ngay khi bữa sáng kết thúc, Alice cùng Daldry bắt xe điện tới Karaköy, xuống ở chỗ lối lên cây cầu bắc qua vịnh Sừng Vàng vươn mình trên mặt nước tới tận Eminönü.

Daldry lấy từ trong túi ra một cuốn sổ bìa giả da cùng cây bút chì đen. Anh vẽ tỉ mỉ từng chỗ, đánh dấu bến đỗ taxi, phác một nét vẽ bến tàu thủy nơi những con tàu hơi nước khởi hành tới Kadiköy, thảo hình dáng những người đi tàu về phía đảo Moda và bờ Üsküdar, rồi bến cảng nhỏ nơi những con thuyền qua lại giữa hai bời vẫn cập vào, quảng trường hình ovan là điểm dừng của tuyến xe điện từ Bebek và Beyoğlu. Anh kéo Alice tới chỗ một băng ghế.

Tiếp tục vẽ kín từng trang giấy trong cuôn sổ, giờ anh chuyển sang những khuôn mặt, khuôn mặt người bán dưa hấu phía sau sạp hàng, khuôn mặt người đánh giày đang ngồi trên một cái thùng gỗ, người mài dao kéo đang đạp bàn đạp để quay bánh mài. Sau đó tới một chiếc xe ba gác do con la bụng to thõng xuống kéo, một chiếc ô tô bị hỏng, hai bánh đỗ ghé lên vỉa hè, anh tài xế đang chúi nửa người dưới nắp ca pô.

- Xong rồi, anh vừa xếp lại vừa nói sau khoảng một giờ đồng hồ. Tôi đã ghi lại những chi tiết cơ bản, phần còn lại thì nhớ trong đầu. Dù sao chúng ta cũng làm một vòng quanh khu chợ lớn thôi.

Họ lên một chiếc dolmuş.

Họ sục sạo trong những con hẻm ở khu chợ lớn đến tận trưa. Alice mua một chiếc tráp bằng gỗ có viền khảm trai, Daldry tìm được một chiếc nhẫn đá xinh xắn. Mẹ anh thích màu xanh, có thể bà sẽ đeo nó.

Họ ăn trưa bằng kebab rồi trở về khách sạn lúc đầu giờ chiều.

Can đang đợi họ trong sảnh, khuôn mặt rầu rĩ.

- Tôi chán qua, công việc của tôi lật úp rồi.

- Anh ta nói cái quái gì vậy? Daldry làu bàu vào tai Alice.

- Rằng nhiệm vụ của anh ta đã thất bại.

- Phải rồi, nhưng tóm lại là không sáng sủa một tí nào, làm thế nào mà tôi hiểu được cơ chứ?

- Đấy là một câu hỏi quen thuộc rồi, Alice cười.

- Như đã hứa, sáng nay tôi đã hiện diện ở trường Saint-Michel để gặp hiệu trưởng. Ông ấy rất dễ giao du và đã cho tôi tra sổ sách. Chúng tôi xem hết lượt sổ của hai năm mà các vị đã nói, từng lớp một. Không dễ dàng cho lắm, chữ viết đã lâu rồi mà giấy thì đầy bụi. Chúng tôi đã hắt hơi nhiều lần nhưng vẫn xem kỹ từng trang, không bỏ qua bất cứ trường hợp nhập học nào. Vậy mà chúng tôi không được thưởng cho những nỗ lực của mình. Không gì cả! Chúng tôi không tìm được ai mang họ Pendelbury hay Eczaci. Chúng tôi chia tay nhau mà lòng đầy mừng hụt và tôi lấy làm buồn báo với cô rằng cô chưa từng học ở Saint-Michel. Ngài hiệu trưởng thì không thể chối cãi được rồi.

- Tôi không biết cô làm thế nào mà giữ nổi bình tĩnh, Daldry thì thầm.

- Vậy anh hãy thử dịch ra tiếng Thổ những gì anh ấy vừa nói với chúng ta bằng tiếng Anh đi, rồi chúng ta sẽ thấy trong hai người ai có khiếu hơn, Alice đáp trả.

- Dù thế nào thì cô cũng luôn bênh vực anh ta.

- Có thể tôi được đăng ký học ở trường khác? Alice quay sang phía Can gợi ý.

- Đó chính xác là điều tôi đã tự gợi ý với mình lúc tạm biệt ngài hiệu trưởng. Vậy nên tôi nảy ra ý tổ chức một danh sách. Chiều nay tôi sẽ làm một chuyến viếng thăm trường Chalcédoine ở Kadiköy, và nếu không tìm được gì thì ngày mai tôi sẽ tới trường Saint-Joseph, cũng nằm trong khu ấy, và còn có một khả năng khác nữa là ngôi trường dành cho nữ sinh Nişantaşi. Cô thấy không, chúng ta còn rất nhiều nguồn phía trước, vẫn còn quá sớm để nói rằng chúng ta đang trong thất bại.

- Cô nên khuyên anh ta tận dụng khoảng thời gian viếng thăm các trường học sắp tới mà tham gia vài tiết học Anh ngữ ở đó, như thế sẽ không bị coi như “đang trong thất bại” đâu.

- Đủ rồi đây Daldry, chính anh mới là người phải quay lại trường học.

- Nhưng tôi có tự coi mình là phiên dịch xuất sắc nhất Istanbul đâu...

- Bù lại, bên trong anh mới chỉ là đứa trẻ lên mười thôi...

- Tôi đã nói rồi mà, cô lúc nào cũng bênh vực anh ta. Điều ấy khiến tôi an lòng, khi tôi đi rồi các vị sẽ không quá nhớ tôi, hai vị đều khá hiểu nhau.

- Nhận xét này quả là chính chắn đấy, rất khôn ngoan, anh đang tiến bộ từng giờ.

- Cô biết không, chiều nay cô nên đi cùng Can đến trường Chalcédoine đi. Biết đâu khi thăm thú ngôi trường đó, cô lại chẳng nhớ ra vài kỷ niệm.

- Anh dỗi đấy à? Anh thật xấu tính!

- Không phải kẻ xấu nhất đâu. Tôi phải đi mua bán mấy thứ trong thành phố, việc ấy hẳn sẽ khiến cô buồn phát ốm. Chúng ta nên tận dụng thời gian còn lại trong ngày một cách khôn ngoan rồi sẽ gặp nhau vào bữa tối. Vả lại nếu cô muốn thì Can sẽ rất niềm nở đấy.

- Daldry, anh đang ghen với Can phải không?

- Về điều này thì, cô bạn thân mến ơi, cho phép tôi được nói rằng cô thật hài hước. Ghen với Can, rồi tiếp đến là gì nữa đây? Không hẳn thế đâu, chẳng lẽ tôi phải lặn lội đến tận đây để nghe những lời ngu ngốc như thế này ư!

Can hẹn gặp lại Alice ở sảnh khách sạn lúc bảy giờ tối rồi bỏ đi mà gần như không chào tạm biệt.

* * *

Một cánh cửa chính bằng sắt rèn trổ trên bức tường rào, một khoảnh sân vuông vắn nơi gốc vả già đang héo mòn, những băng ghế dài nhuốm màu thời gian dưới mái hiên sân chơi. Can gõ cửa phòng người gác cổng và yêu cầu được gặp hiệu trưởng. Người gác cổng chỉ cho anh khu văn phòng rồi lại tiếp tục đọc báo.

Họ băng qua một hành lang dài, dãy phòng đều đang có lớp học, các học sinh chăm chỉ lắng nghe lời thầy cô giảng bài. Bà giám thị bảo họ đợi trong một văn phòng nhỏ.

- Anh có ngửi thấy không? Alice thì thầm với Can.

- Không, mùi gì vậy?

- Loại cồn người ta dùng để lau của sổ, bụi phấn, lớp xi trên ván sàn, tất cả đều dậy mùi tuổi thơ.

- Cô Alice, tuổi thơ của tôi chẳng có bất cứ thứ mùi nào cô vừa kể. Tuổi thơ tôi mang mùi của những buổi sớm, của những người trở về nhà mà đầu cúi gằm, của những bờ vai mệt nhoài vì lao động cả ngày, của bóng tối trên đường ray, của sự bẩn thỉu ở vùng ngoại ô vẫn bao phủ lên nỗi thống khổ của những mảnh đời và ở nhà tôi không có cồn, không có phấn cũng chẳng có sàn gỗ đánh xi. Nhưng tôi không than phiền gì, bố mẹ tôi là những người tuyệt vời, tuy vậy bạn bè tôi không phải ai cũng được thế. Cô hứa với tôi là không nói với Ngài Daldry rằng tiếng Anh của tôi vốn khá hơn anh ta vẫn tưởng nhé, tôi rất thích thú khi chọc tức được anh ta.

- Tôi xin hứa. Lẽ ra anh nên tiết lộ cho tôi biết.

- Tôi tưởng mình vừa làm điều đó rồi.

Bà giám thị dùng cây thước kẻ sắt gõ lên bàn lệnh cho họ giữ im lặng. Alice nhỏm dậy khỏi ghế rồi đứng im như tượng. Thấy vậy, Can đưa tay lên che miệng để tiếng cười khỏi bật ra. Ông hiệu trưởng xuất hiện, bảo họ vào phòng mình.

Quá sung sướng vì có thể chứng tỏ khả năng nói tiếng Anh trôi chảy của mình, ông lờ Can đi, chỉ chú ý đến Alice. Anh chàng hướng dẫn viên nháy mắt đồng lõa với khách hàng của mình; suy cho cùng, kết quả mới là quan trọng. Ngay sau khi Alice trình bày thỉnh cầu của mình, ông hiệu trưởng đáp rằng vào năm 1915 trường vẫn chưa nhận học sinh nữ. Ông rất lấy làm tiếc. Ông dẫn Alice cùng Can ra tận tường rào và lúc tạm biệt họ, ông thổ lộ rằng rất muốn một ngày nào đó được thăm thú nước Anh. Có thể ông sẽ đi du lịch khi đã về hưu.

Sau đó họ tới trường Saint-Joseph. Cha xứ đón họ là một người đàn ông dáng vẻ khắc khổ. Ông chăm chí lắng nghe Can trình bày lý do cuộc viếng thăm. Ông đứng dậy đi ngang qua phòng, tay bắt chéo sau lưng. Ông lại gần cửa sổ nhìn ra sân chơi nơi đám con trai đang đánh nhau.

- Sao lúc nào bọn chúng cũng phải đánh lộn thế nhỉ? Các vị có nghĩ rằng bạo lực là đặc tính cố hữu của nam giới không? Tôi có thể hỏi chúng câu này trong giờ học, đây sẽ là một đề bài thú vị, các vị có thấy thế không? Cha xứ hỏi, vẫn không rời mắt khỏi sân chơi.

- Cũng có thể, Can nói, đây thậm chí còn là cách tuyệt vời để khiến chúng phải suy nghĩ về cách cư xử của mình.

- Tôi muốn hỏi cô đây thôi, cha bề trên chữa lại.

- Tôi nghĩ làm như vậy chẳng ích gì, Alice đáp luôn, không hề do dự. Câu trả lời với tôi là hiển nhiên. Đám con trai thích gây gổ với nhau và đúng là bản chất cố hữu của chúng. Nhưng khi vốn từ càng phong phú thì tính hung hăng của chúng càng suy giảm. Bạo lực chỉ là hậu quả của việc bị tước đoạt, việc không thể diễn tả nỗi tức giận thành lời, vậy là, khi không cất được thành lời thì đành để nắm đấm nói thay.

Cha bề trên quay về phía Alice.

- Ngày trước cô hẳn phải học giỏi lắm. Cô có thích trường học không?

- Nhất là khi tôi rời khỉ trường buổi tối, Alice đáp.

- Tôi thấy nghi ngờ đấy. Tôi không có thời gian tìm kiếm cho cô, và tôi cũng không đủ nhân lực để giao thực thi nhiệm vụ này. Điều duy nhất tôi có thể làm cho cô là để cô tới phòng đọc tra cứu sổ sách vẫn được lưu trữ. Dĩ nhiên, tuyệt đối không được nói chuyện trong căn phòng đó, nếu không sẽ bị đuổi ra ngoài ngay lập tức.

- Dĩ nhiên, Can hấp tấp trả lời.

- Tôi vẫn đang muốn nói với cô đây, cho bề trên nói.

Can cúi đầu chiêm ngưỡng sàn nhà được đánh xi.

- Nào, theo tôi, tôi sẽ dẫn đường cho các vị. Người gác cổng sẽ mang sổ nhập học đến cho các vị ngay khi ông ta lấy được. Các vị được ở lại đến sáu giờ tối, đừng lãng phí thời gian đấy. Đúng sáu giờ, không hơn một phút, đồng ý không?

- Ông có thể tin tưởng chúng tôi, Alice đáp.

- Vậy thì đi thôi, cha bề trên nói rồi tiến về phía cửa văn phòng.

Ông nhường bước cho Alice rồi quay sang phía Can vẫn ngồi im trên ghế.

- Anh định ở lại văn phòng tôi cả buổi chiều hay sẽ bắt tay vào việc? ông hỏi giọng lạnh lùng.

- Tôi không biết là lần này ông cũng định nói với cả tôi nữa, Can đáp.

Tường trong phòng đọc được sơn màu xám đến lưng chừng, phần còn lại sơn xanh đến tận trần nhà nơi có hai hàng đèn nê ông. Đa phần đều đang bị phạt, đám học sinh cười khẩy khi thấy Alice và Can ngồi vào băng ghế cuối phòng. Nhưng khi cha bề trên nhịp nhịp chân thì bầu không khí lập tức im ắng trở lại rồi duy trì ngay cả khi ông đã rời đi. Không để phải đợi lâu, người gác cổng đã mang đến cho họ hai tập hồ sơ màu đen được buộc dây ruy băng. Ông giải thích với Can rằng mọi thứ ở đây cả, phiếu nhập học, giấy ra trường, bào cáo cuối năm, mỗi loại đều được xếp theo lớp.

Các trang giấy được chia đôi ở giữa, bên trái là họ tên được phiên sang chữ Latin, bên phải là họ tên viết bằng chữ Ottoman. Can đưa tay dò từng dòng và xem xét tỉ mỉ từng trang sổ sách. Khi chiếc đồng hồ quả lắc chỉ năm rưỡi chiều, anh gập chồng hồ sơ thứ hai lại rồi nhìn Alice vẻ buồn tiếc.

Mỗi người bọn họ ôm một chồng hồ sơ mang trả lại cho người gác cổng. Khi ra khỏi tường bao của trương Saint-Joseph, Alice quay lại đưa tay vẫy chào cha bề trên đang kín đáo nhìn theo họ từ cửa sổ phòng làm việc.

- Sao cô lại biết ông ấy đang quan sát chúng ta? Can hỏi lúc xuống phố.

- Tôi cũng làm thế khi học trung học ở Luân Đôn.

- Mai chúng ta sẽ tìm ra, tôi chắc chắn thế, Can nói.

- Vậy thì hẹn gặp lại vào ngày mai nhé.

Can đưa Alice về tận khách sạn.

* * *

Daldry đã đặt bàn trước tại Markiz, nhưng khi đến trước cửa nhà hàng Alice lại do dự, Cô không muốn một bữa tối khuôn phép lịch thiệp. Không khí buổi tối thật dịu ngọt nên cô gợi ý nên đi dạo dọc en Bosphore thay vì ngồi hàng giờ đồng hồ trong một căn phòng ồn ào toàn mùi khói thuốc. Nếu đói họ có thể dừng chân và tìm được một quán nào đó. Daldry đồng ý, anh cũng không muốn ăn.

Trên bờ kè cũng có vài người đi dạo giống họ, ba người câu cá thử vận may bằng cách quăng lưỡi câu ra vùng nước thẫm màu, một người bán báo đang bán tống bán tháo những tờ tin tức từ buổi sáng và một thợ đánh giày đang chăm chú làm sáng bóng một đôi bốt cho một anh lính.

- Trông anh có vẻ lo lắng, Alice vừa nói vừa ngắm nhìn ngọn đồi Üsküdar nằm ở bờ bên kia eo biển Bosphore.

- Tôi đang mải nghĩ, không có gì nghiêm trọng đâu, Buổi chiều nay của cô thế nào?

Alice kể với anh về các chuyến viếng thăm trong buổi chiều mà không thu được kết quả gì.

- Cô có nhớ lần chúng ta tới Brighton không? Daldry vừa châm thuốc vừa nói. Trên đường về, cả cô lẫn tôi đều không mảy may tin lời người phụ nữ đã tiết lộ với cô về tương lai đồng thời kể về một quá khứ còn bí hiểm hơn nữa. Ngay cả khi cô không nói ra, tôi đoán là vì lịch sự, nhưng hẳn cô vẫn tự hỏi tại sao chúng ta lại đi từng ấy cây số vô ích, tại sao chúng ta lại dành cả đêm Giáng sinh để thách thức băng tuyết và giá lạnh trong một chiếc ô tô với hệ thống sưởi ấm tậm tịt, để mạo hiểm mạng sống của mình trên những con đường đóng đầy váng băng. Tuy nhiên, từ khi đó chúng ta đã vượt biết bao cây số, băng qua bao chặn đường. Và biết bao sự kiện dường như không tưởng đã xảy đến với chúng ta? Tôi vẫn muốn tiếp tục tin vào điều ấy Alice ạ, tôi muốn tin rằng những nỗ lực của chúng ta không vô ích. Istanbul xinh đẹp đã tiết lộ với cô nhiều bí mật mà trước đây cô chưa từng ngờ tới... Biết đâu vài tuần nữa cô chẳng gặp được người đàn ông sẽ khiến cô trở thành người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian. Về chuyện này, tôi phải nói với cô một điều mà tôi cảm thấy mình cũng có chút tội lỗi...

- Nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc mà, anh Daldry. Nhờ anh, tôi đã có một chuyến đi ngoài sức tưởng tượng. Trước đó tôi từng khó nhọc bên bàn làm việc, tôi cạn ý tưởng vậy mà nhờ anh, giờ đây trong đầu tôi biết bao sáng kiến. Tôi chẳng buồn nghĩ đến chuyện liệu lời tiên đoán phi lý kia có trở thành hiện thực hay không. Nói thật, tôi cảm thấy nó có gì đó thật đáng ghét, nếu không muốn nói là tầm thường. Nó gợi tôi nghĩ đến một hình ảnh của bản thân mà tôi không thích, đó là hình ảnh một người phụ nữ cô độc chạy theo ảo tưởng. Vả lại, tôi đã gặp người đàn ông sẽ làm thay đổi cuộc đời mình rồi.

- Vậy sao, là ai thế? Daldry hỏi.

- Người thợ làm nước hoa ở Cihangir. Nhờ ông ấy tôi đã có được những dự án mới. Hôm trước ở nhà ông ấy tôi đã lầm, không phải tôi chỉ tìm kiếm loại nước hoa dùng cho không gian nội thất mà là loại nước hoa của nơi chốn, loại nước hoa nhắc nhớ đến những thời khắc đã in dấu ấn trong chúng ta, những thời khắc chỉ đến có một lần rồi biến mất mãi mãi. Anh có biết là ký ức khứu giác là loại ký ức duy nhất không bao giờ phai tàn không? Khuôn mặt của những người ta yêu thương nhất rồi cũng nhòa dẫn theo thời gian, những giọng nói cũng phai mờ, nhưng mùi hương thì không bao giờ. Với một người phàm ăn như anh, khi hương vị của một món ăn từ thời thơ ấu trỗi dậy, anh sẽ thấy mọi thứ hồi sinh sống động đến từng chi tiết. Năm ngoái, một người đàn ông ưa thích một loại nước hoa của tôi được bán ở của hàng nước hoa tại Kensington và hỏi được địa chỉ của tôi ở đó đã tới nhà tôi. Anh ta mang tới một chiếc hộp sắt rồi mở ra, chỉ cho tôi những thứ bên trong: một đoạn thừng bện mảnh cũ kỹ, một món đồ chơi bằng gỗ, một chú lính chì mặc quân phục đã bong tróc, một miếng mã não, một lá cờ nhỏ cũ mòn. Tuổi thơ của anh ta nằm cả trong chiếc hộp kim loại đó. Tôi hỏi anh ta những thứ này thì có liên quan gì đến tôi và anh ta mong chờ điều gì ở tôi. Khi ấy anh ta liền thổ lộ rằng khi phát hiện ra loại nước hoa của tôi, một điều gì đó kỳ lạ đã xảy đến với anh ta. Lúc trở về nhà, anh ta thấy cần phải đi lục lọi tầng áp mái ngay lập tức để tìm lại kho báu kia, kho báu lâu nay vẫn hoàn toàn nằm trong quên lãng. Anh ta đưa chiếc hộp lại gần để tôi có thể ngửi rồi yêu cầu tôi chế lại mùi hương ấy, trước khi nó tan biến mãi mãi. Tôi đã ngu ngốc trả lời anh ta rằng việc ấy là không thể. Tuy nhiên, sau khi anh ta đi rồi, tôi liền ghi lại vào một mảnh giấy tất cả những gì mình đã ngửi thấy trong chiêc hộp. Mùi kim loại gỉ dưới nắp hộp, mùi gai dầu từ đoạn thừng, mùi chì của chú lính, mùi dầu của một loại sơn cũ được dùng để tô màu cho chú lính, mùi gỗ sồi được chạm khắc để tạo ra món đồ chơi, mùi lụa bụi bặm của lá cờ nhỏ, mùi đá mã não, rồi tôi cất mẩu giấy ấy đi mà không biết sau này sẽ dùng vào việc gì. Nhưng giờ thì tôi đã biết. Tôi biết sau này phải làm nghề này thế nào, phải chịu khó quan sát, giống như anh vẫn làm với các ngã tư, phải cố thử làm điều không thể để tái tạo lại một mùi hương từ hơn chục loại nguyên liệu. Nếu như chính hình dạng và màu sắc khích lệ anh thì với tôi đó là ngôn từ và mùi vị. Tôi sẽ quay lại gặp người thợ làm nước hoa ở Cihangir, xin phép được ở bên ông ấy, được học cách ông ấy làm việc. Chúng tôi sẽ trao đổi với nhau vốn kiến thức cũng như kỹ năng của mình. Tôi muốn tái hiện lại những thời khắc đã biến mất, đánh thức những nơi chốn đã say ngủ. Tôi biết mình giải thích không được rõ ràng lắm, nhưng nếu anh phải ở lại đây và anh thấy nhớ Luân Đôn, thử hình dung xem việc có thể lại được ngửi thấy mùi cơn mưa quen thuộc có ý nghĩa với anh thế nào? Những con phố của chúng ta mang mùi hương của riêng chúng, mùi vào ban sáng cũng như mùi mỗi tối; từng mùa, từng ngày, từng phút trong cuộc đời chúng ta đều có mùi hương riêng của chúng.

- Thật là một ý tưởng kỳ lạ, nhưng đúng là không chỉ một lần tôi từng muốn tìm lại được mùi hương vẫn ngự trị trong phòng làm việc của bố mình. Cô có lý, khi nghĩ lại thì đúng là nó phức tạp hơn vẻ bề ngoài. Trong đó có mùi củi đang cháy trong lò sưởi, mùi tẩu thuốc của bố tôi, mùi da từ chiếc ghế bành, mà lại khác với mùi da của tấm lót tay ông kê lên để viết. Tôi không thể tả chi tiết hết cho cô được, nhưng tôi vẫn nhớ cả mùi tấm thảm được đặt trước bàn làm việc của bố, nơi tôi vẫn chơi đùa lúc nhỏ. Tôi ở lì đó hàng giờ đồng hồ với những trận chiến lính chì khốc liệt. Những đường sọc đỏ ấn định vị trí của quân đội Napoléon, còn những đường viền xanh là quân mình. Và chiến trường ấy tỏa ra lùi len cùng mùi bụi khiến tôi thấy vững lòng. Tôi không biết liệu ý tưởng của cô có giúp chúng ta làm nên cơ nghiệp hay không, và tôi không chắc loại nước hoa mang mùi thảm hay mùi phố xá dưới mưa thu hút được nhiều khách hàng, nhưng tôi thấy nó cũng khá thú vị.

- Nước hoa mang mùi phố xá thì có lẽ không, nhưng nước hoa tuổi thơ thì... Nếu không đi cùng anh hẳn tôi đã lùng khắp Istanbul tìm cho ra lọ nước hoa mang mùi hương của những ngày đầu thu ở Công viên Hyde. Có lẽ tôi sẽ mất nhiều tháng, Alice tiếp tục, nhiều năm mới có thể chế ra được thứ gì đó vừa ý, phù hợp nhu cầu của số đông. Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình vững lòng hơn với nghề, cái nghề mà từ trước đến giờ tôi không ngừng đắn đo, do dự dù luôn muốn làm. Tôi sẽ luôn biết ơn anh, và cả bà thầy bói nữa, vì mỗi người theo cách riêng của mình đã thúc đẩy tôi tới được với ngày hôm nay. Còn về cảm giác bối rối trước những phát hiện về quá khứ của bố mẹ tôi... đó là một thứ cảm giác mơ hồ hòa trộn giữa vui sướng, luyến tiếc, êm dịu, buồn bã và cả những nụ cười nữa. Ở Luân Đôn, mỗi khi đi qua khu phố nơi mà tôi từng sống, tôi không còn nhận ra gì nữa, kể cả tòa nhà của gia đình tôi lẫn những cửa hàng nhỏ tôi vẫn thường ghé qua cùng với mẹ bởi tất cả đã biến mất. Giờ đây, tôi biết rằng vẫn còn tồn tại một nơi mà tôi cùng bố mẹ đã từng sống bên nhau; những mùi hương của con phố Isklital, những viên đá xây nên tòa nhà, những chuyến xe điện và hàng nghìn thứ khác giờ đay sẽ thuộc về tôi. Ngay cả khi ký ức tôi không lưu lại dấu vết gì của thời kỳ ấy nhưng tôi vẫn biết nó đã từng diễn ra. Rồi khi đêm về, trong lúc rình chờ giấc ngủ, tôi sẽ không còn nghĩ đến việc bố mẹ mình không còn nữa, mà sẽ nghĩ tới những gì họ đã trải qua ở đây. Như thế đã là rất nhiều rồi, tôi cam đoan với anh vậy, Daldry ạ.

- Nhưng không phải vì thế mà cô định dừng tìm kiếm đấy chứ?

- Không, tôi xin hứa với anh, dù tôi chắc rằng sau khi anh đi rồi thì mọi việc không còn được như trước nữa.

- Tôi mong thế lắm! Dù cho tôi biết sẽ hoàn toàn ngược lại. Cô và Can rất hợp nhau, dù thỉnh thoảng tôi cũng làm ra vẻ mếch lòng trước việc hai người đồng lõa với nhau nhưng thực tâm tôi rất mừng. Anh chàng đó nói tiếng Anh như gà mắc tóc nhưng tôi phải thừa nhận rằng anh ta là tay hướng dẫn viên có một không hai.

- Lúc nãy anh định nói với tôi chuyện gì cơ mà, gì thế?

- Tôi cho là không có gì quan trọng cả, tôi quên biến mất rồi.

- Khi nào anh rời Istanbul?

- Sắp rồi.

- Sớm vậy sao?

- Vâng, tôi e là thế.

Họ tiếp tục dạo bước dọc bờ kè. Đứng trước bến tàu nơi chuyến tàu hơi nước cuối cùng của buổi tối cập bến buông neo, Alice nắm lấy bàn tay Daldry vừa sượt qua tay mình.

- Hai người bạn cũng có thể nắm tay nhau, đúng không?

- Tôi đoán là có, Daldry đáp.

- Vậy thì, nếu anh muốn, chúng ta dạo thêm chút nữa nhé.

- Được thôi, ý hay đấy, cùng dạo thêm chút nữa nào Alice.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play