Lại nói, bấy giờ Chu Mộng Châu quyết định cho bọn người dám cả gan luồn gió bẻ măng này một trận, bèn cởi tăng y ra, chỉ vận chiếc Bạch Cốt Y, rồi vô thanh vô tức lướt đến sau người bọn họ chỉ cách ngoài chừng năm trượng.

Châu Mân và Lăng Dị Trí vỗ tay cười đắc chí, quên trời quên đất một trận, rồi định bỏ đi. Nhưng bất thần quay lui, nhìn thấy cách không xa một bộ xương khô trắng phếu, bọn chúng thất sắc, chẳng ai bảo ai tự động nhảy thoái về sau la oái lên một tiếng.

Châu Mân tay cầm cặp phán quan bút đánh bạo lên tiếng hỏi:

- Ngươi là người hay là quỷ?

Chu Mộng Châu đổi giọng cười lên tràng dài lành lạnh, rồi trầm giọng nói:

- Lão phu vừa là người vừa là quỷ, chính là nhân vật các người vừa nhắc đến - Bạch Cốt Ma Quân!

Châu Mân cả kinh thất sắc, chết trân người không thốt lên được tiếng nào. Chẳng ngờ nhắc quỷ thì quỷ đến.

Lăng Dị Trí người ma mãnh giảo hoạt, đảo mắt một vòng, liền có chủ ý, bèn khiêm tốn:

- Lão tiền bối đột ngột quang lâm, không hay có chuyện gì?

Lăng Dị Trí vốn người gian xảo đa nghi, nên chẳng tin có chuyện xảy ra khéo thế này, vừa hỏi hai ánh mắt vừa dò xét Chu Mộng Châu rất kỹ.

Chu Mộng Châu cũng đã nhận ra vẻ ngờ vực của lão ta, liền vận chân lực vào nhãn quang, khiến đôi mắt phát hàn quang quắc lên nhìn chăm vào lão.

Lăng Dị Trí ánh mắt bắt gặp đôi ánh mắt xanh lạnh của đối phương thì lòng run lên, vội vàng cúi đầu né tránh, trong lòng thầm nghĩ:

- Xem ra đúng là lão ma đầu kia rồi!

Thì ra, từ trong đôi ánh mắt của đối phương Lăng Dị Trí đã nhận ra đối phương có công lực rất thâm hậu, cho nên chẳng nghi ngờ nữa.

Châu Mân võ công có khá hơn Lăng Dị Trí, thế nhưng đầu óc mưu lược thì chẳng bằng Lăng Dị Trí. Lúc này thấy lão ta cúi đầu một mực cung kính thì lòng cũng tin người trước mặt đúng là Bạnh Cốt Ma Quân.

Chu Mộng Châu lạnh giọng, hừ một tiếng nói:

- Chủ các ngươi là ai, ta với hắn có gây cấn gì?

Nghe hỏi câu đột ngột, Châu Mân ngớ người lấp bấp nói:

- Lão tiền bối nói gì, vãn bối không hiểu.

Chu Mộng Châu giọng trở nên lạnh như băng:

- Lúc ngồi uống rượu với gã họ Hồ trong quán ăn, chẳng lẽ ngươi nói những gì mà chóng quên vậy sao?

Châu Mãn nghe vậy thì giật thót mình, thầm run, nghĩ:

- Lão ma đầu này chuyện gì của ta lão cũng biết, chẳng tà môn lắm sao?

Chu Mộng Châu thấy Châu Mân ngớ người hồi lâu không đắp, gằn giọng:

- Lão phu hỏi ngươi sao ngươi không đáp?

Châu Mân giật mình sực tỉnh, run giọng ấp úng nói:

- Vãn bối ... vãn ...

Một hồi mà hắn vẫn không thốt được thành câu.

Chu Mộng Châu thấy chỉ bằng chiếc Bạch Cốt Y trên người giả danh Bạch Cốt Ma Vương, mà có thể hù dọa đến bọn người như Châu Mân và Lăng Dị Trí, thì trong lòng rất cao hứng, cho nên quyết chí hỏi dồn chúng cho ra chủ nhân.

Lúc ấy, Lăng Dị Trí nhanh trí chen vào:

- Những gì vừa rồi hẳn lão tiền bối đã nghe thấy hết?

Chu Mộng Châu lại hừ một tiếng, tư ngạo nói:

- Chuyện gì mà có thể qua mắt được Bạch Cốt Ma Quân ta?

Lăng Dị Trí cúi đầu cung kính đáp:

- Chẳng giấu gì lão tiền bối, vãn bối và vị Châu huynh đệ đây năm xưa cũng là người trong chính phái, nhưng sau phạm môn quy mà bị trục xuất sơn môn, chịu không biết bao nhiêu sự ức hiếp sỉ nhục. Về sau chẳng ngờ khéo gặp nhau, đồng nạn tương liên, nên mới hành xử cùng nhau, rất mong sự chiếu cố ...

Chu Mộng Châu càng nghe càng hoài nghi những lời của Lăng Dị Trí, thế nhưng chàng chưa phân định ra được lão ta nói dối ở điểm nào.

Chính tại lúc ấy, từ một nấm mộ cách đó không xa, một giọng nói lạnh lẽo vang lên:

- Súc sinh to gan, ngươi dám hồ ngôn loan ngữ bêu xấu lão phu?

Lăng Dị Trí vừa nghe giọng người này, chưa thấy người mà đã run như cấy, quỵ xuống, cả hai tay vái lia vái lịa, run giọng như khóc:

- Ân sư hải hàm! Đệ tử ngu dốt nhất thời cầu sinh mà nói ra lời hàm hồ không cân nhắc, mong ân sư niệm tình sư đồ năm xưa khai ân cho đệ tử, tha thứ lần này!

Chu Mộng Châu giật mình cả kinh, thầm nghĩ:

- Người này là ai, sao đến mà ta chẳng hề phát hiện ra?

Từ phần mộ đã thấy một bóng người lướt nhẹ đến, chỉ thấy đó là nhột lão già râu dài quá rốn, tóc chấm đất, hai mắt như đôi hỏa tinh, trên mặt hằn lên bốn đạo ngân quang quái dị.

Chu Mộng Châu từng gặp qua nhiều nhân vật cổ quái hơn, cho nên lúc này đối mắt với lão quái nhân này, chỉ cảm thấy hứng thú chứ chẳng hề có chút khiếp sợ.

Ngược lại Lăng Dị Trí nhìn thấy lão quái nhân xuất hiện thì cả người run tợ như xương cốt muốn bủn ra, không quỳ nổi nữa.

Lão quái nhân bước đến, một chân đặt lên lưng Lăng Dị Trí, mắt nhìn Chu Mộng Châu nói:

- Đông Phương lão quái, nhiều năm không gặp, cứ ngỡ ngươi quy tiên từ lâu. Mấy hôm trước nghe tin ngươi xuất hiện trong Thiếc Ngõa Tự, ta còn bán tin bán nghi, nhưng giờ thì thấy lời đồn chẳng giả tí nào. Nhưng đến tên môn đồ khốn kiếp này của ta đã bị đuổi từ lâu mà ngươi cũng nhúng tay huấn giáo, thật hay đấy!

Chu Mộng Châu lúc đầu thì ngớ người, chẳng hiểu vì sao tự nhiên lão ta gọi mình là Đông Phương lão quái, nhưng rồi chợt hiểu ra, lão coi mình là Bạch Cốt Ma Quân, nhất định giữa bọn bọ từng có dây mơ rễ má với nhau, khi ấy nghĩ đã đến nước này cứ giả mạo tiếp tục, bèn lạnh giọng nói:

- Hừ? Quản giáo không quản giáo thì đã sao chứ? Ai dám nói là không nên nào?

Chẳng ngờ lão quái nhân ngửa cổ lên cười ha hả:

- Dám nói hai chữ không nên, chỉ e trong thiên hạ chỉ có lấy một người!

Chu Mộng Châu nhíu mày, trầm giọng hỏi:

- Ai?

- À đương nhiên là không phải ta. Ta muốn nói là Thiên Si Thượng Nhân.

Chu Mộng Châu "a" lên một tiếng làm vẻ cao ngạo nói:

- Thì ra là lão chăn cừu chết tiệt kia!

Chu Mộng Châu ăn nói rất cứng lại may mắn gặp toàn là những chuyện ngẫu nhiên, lúc này nghĩ nếu như cứ đấu khẩu một lúc nữa có thể sẽ bị lòi đuôi bèn trầm mặc nghĩ kế rút lui.

Lão quái nhân lão luyện giang hồ, chỉ nhìn thấy đối phương thần thái thay đổi thì đã nhận ra, nhưng cứ ngỡ Bạch Cốt Ma Quân trong lòng có điều gì, nên không hề ngờ vực.

Chu Mộng Châu gật đầu nói vẻ phóng khoáng:

- Hảo, hảo! Như ngươi đã xuất hiện thì mọi chuyện ở đây cứ để ngươi xử lý. Ta đi trước một bước, chúng ta tình xưa còn đó tất có ngày hội ngộ!

Lão quái nhân nghe vậy vội nói:

- Chúng ta đã nhiều năm không gặp, nên hàn đàm uống với nhau vài chén cho thỏa chí chứ. Trời đất này còn chuyện gì trọng đại bằng chúng ta ở chung với nhau.

Lão quái nhân có ý muốn giữ chàng lại, Chu Mộng Châu càng muốn nhanh rời khỏi đây, vì chàng không biết năm xưa giữa lão ta với Bạch Cốt Ma Quân quan hệ với nhau thế nào, chỉ cần nói thêm vài câu nữa, đối phương sinh nghi, thì rắc rối to. Bấy giờ chàng liền ngầm vận chân khí, rồi đột nhiên thi triển Lăng không nhiếp bộ lắc người một cái đã lướt ra ngoài mấy trượng như làn sương.

Lão quái nhìn thấy đối phương thì đã ngạc nhiên, lúc này thấy thân pháp của chàng thì càng ngạc nhiên hơn, "ái" lên một tiếng, la lên hỏi:

- Đông Phương lão nhi, ngươi cải luyện thân pháp chính phái từ hồi nào vậy hử?

Nguyện là Bạch Cốt Ma Quân không bao giờ luyện môn Lăng không nhiếp bộ này, cho nên nhìn thấy thân pháp vừa rồi lão ta mới ngạc nhiên hỏi.

Lúc ấy Chu Mộng Châu cần tung người phóng chạy nhanh hơn, chỉ nói vọng lại một câu:

- Trong tuyệt cốc Quát Thương Sơn chờ ngươi. Nếu nhàn rỗi đến đó gặp ta!

Nói đến đó chàng đã khuất người xa mười mấy trượng, phóng chạy thêm một hồi nữa mới thở phào nhẹ nhõm thầm nói:

- May thật!

Chàng đến lúc này vẫn không biết lão quái kia là ai, tánh danh thế nào, nhưng nhận định là lão hữu của Bạch Cốt Ma Quân. Đồng thời lão ta công lực cao thâm, may mà không động thủ nếu không thì lộ hết chân tướng, lúc ấy chẳng những rắc rối mà còn có lỗi với Bạch Cốt Ma Quân.

Sáng hôm sau chàng tiếp tục lên đường, lần này nơi chàng tìm đến là Thất Tinh Trang.

Mấy hôm trôi qua thì chàng đã đến được một tiểu trấn. Thất Tinh Trang chính nằm ngoài trấn này.

Kinh nghiệm lần trước vào Thiếc Ngõa Tự, Chu Mộng Châu trước hết thăm dò Thất Tinh Trang, biết Thất Tinh Trang người đông chúng mạnh, nếu như công nhiên xâm nhập như lần trước thì không tránh khỏi những cuộc đấu phí sức vô ích.

Trở lại khách điếm chàng vắt óc suy nghĩ cuối cùng cũng có được một kế khả thi.

Sáng hôm sau, chàng chuẩn bị sẵn một bức bái thiếp, rồi ngồi xe ngựa tìm đến Thất Tinh Trang.

Người trong trang thấy thiếu niên tuấn tú khôi ngô ngồi xe song mã đến viếng, thì lão tổng quản đon đả đón tiếp.

Chu Mộng Châu chẳng nói gì, trao thiếp nói ý định muốn bái kiến trang chủ, nhưng đáng tiếc trang chủ đã đi vắng, lão tổng quản lấy làm tiếc nói:

- Thiếu hiệp từ xa đến viếng, thật tiếc trang chủ ra ngoài có chuyện. Nên chẳng phiền gì mời thiếu hiệp nghỉ lại tệ trang vài hôm, nhất định trang chủ về đến sẽ rất vui!

Chu Mộng Châu nghe lão tổng quản đã nói vậy, nghĩ đã thế thì tạm thời nghỉ tại khách điếm vài hôm, nhân tiện đây du ngoạn thưởng cảnh vùng này vài ngày cho biết, bèn nói:

- Quý trang chủ như đã không có ở nhà, cũng không dám làm phiền, tại hạ hiện tại nghỉ ở Hương Xuân khách điếm. Chừng nào quý trang chủ hồi trang tôi sẽ trở lại bái kiến.

Nói rồi chàng cáo từ ra về, lão tổng quản càng không tiện lưu khách.

Ra khỏi Thất Tinh Trang, Chu Mộng Châu không quay trở lại khách điếm, mà tiện đường tìm đến vài nơi danh lam trang cảnh vùng này du ký một chuyến.

Chàng đi nhân lúc nhàn rỗi, chứ không có mục đích, cho nên tùy hứng thì đi, hết hứng thì nghỉ. Cuối cùng chàng đật chân đến một đỉnh núi, trên núi có một tòa cổ tự, từ đấy có thể nhìn hết toàn cảnh dưới bình nguyên xanh bao la, cảnh sắc quả thật tuyệt đẹp.

Chu Mộng Châu thật ra mấy năm nay đi đây đi đó rất nhiều nơi danh lam thắng cảnh, có điều chàng vô tâm chẳng nghĩ đến chuyện thưởng ngoạn, cho nên chung quy không để ý mà thôi, lúc này nhàn rỗi mới để mắt thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Qua một hồi chàng ngồi xuống nghỉ chân dưới một góc cây bên Nghênh phong đình.

Ngồi thảnh thơi ngắm nhìn cảnh một lát, gió mát hiu hiu khiến chàng ríu mắt, lim dim như muốn ngủ. Đột nhiên có tiếng người cười nói huyên náo khiến Chu Mộng Châu giật mình tỉnh dậy.

Chu Mộng Châu nhíu mày khó chịu, thầm nghĩ:

- Nơi danh sơn thắng cảnh tĩnh lặng thế này mà cũng bị bọn người quái nào làm náo động. Biết thế ta chẳng đã lên đây!

Bấy giờ đã nhìn rõ sáu bảy hán tử ăn vận lối võ phục đi thẳng vào Nghênh phong đình cách chỗ Chu Mộng Châu không đầy mười trượng. Bọn họ mỗi người một câu, nói nói cười cười nghe thật ầm ĩ chói tai. Chốc lát câu chuyện của bọn họ là bình phẩm những bài thơ của tao nhân mặc khách ước độ đã đề lên bức tường của Nghênh phong đình. Kẻ thì cho bài này hay, kẻ thì cho câu kia chưa đắc, chung quy ai cũng tự cho mình là hiểu biết thi phú.

Bỗng nhiên một gã hán tử mặt ngựa, mắt lớn mày thô, cất giọng ồm ồm như chuông vỡ:

- Nghĩ lại, những bài thơ này đều là của bọn văn nhân tự cho là thi phú bất phạm, chúng ta là những người thực múa kiếm khua đao, chẳng thú gì môn này. Nhưng những bài thơ đây chúng ta đã đọc hết, chẳng tìm ra một bài tuyệt cú nào đáng phục. Chẳng bằng cứ nghĩ ra một bài thơ hay, đề lên đây cho bọn văn nhân kia tức lộn ruột. Nếu các vị hữu nhã hứng, thì nhanh đi tìm bút mực lại đây, chúng ta làm một bài!

Đám còn lại liền vỗ tay họa theo.

Một gã mặt có vết thẹo bên má trái, nheo mắt cười chen một câu:

- Diêu đại ca công phu xuất chúng, huynh đệ ta đều bội phục, thế nhưng không ngờ Diêu đại ca là người văn võ song toàn. Lần này thưởng cảnh cao hứng, đại ca làm thơ cho chúng ta thưởng thức, thật tuyệt! Thật tuyệt! Các vị cứ ở đây tôi chạy vào chùa mượn bút mực.

Nói rồi gã liền phóng người chạy vào hướng ngôi cổ tự.

Lát sau gã trở ra, quả nhiên đã thấy ngọn bút lông và nghiên mực trên hai tay.

Gã họ Diêu được xưng là đại ca tay cầm bút, nhưng còn ngần ngừ, một lúc thành thật nói:

- Ta nghĩ ra một bài thơ chẳng tồi đâu, thế nhưng chữ viết bút lông thì tệ lắm, huynh đệ người nào viết chữ bay bướm, xin viết giúp ta!

Vừa nói gã vừa đưa mắt nhìn quanh sáu gã hán tử võ sĩ, thế nhưng người này đưa mắt nhìn người kia, chẳng ai lên tiếng.

Họ Diêu hơi bực mình, liền cầm ngọn bút vứt xuống đất nói:

- Thôi được chẳng cần phải dùng đến thứ này mới thành chữ?

Nói rồi, gã bước lên đứng trước bức tường, vận kình lực vào ngón tay không chỉ đề thơ lên tường đá.

Chu Mộng Châu theo dõi từ đầu đến giờ, bất giác kinh động, chẳng ngờ đám du thủ du thực này mà lại có công phu cao như vậy. Chàng ngưng mắt nhìn chúng, xem tuyệt công phu của bọn bhọ đạt đến trình độ nào.

Gã hán tử họ Diêu dùng chỉ lực viết một hơi xong bài thơ, ngửa mặt lên trời cười ha hả xem ra vô cùng đắc chí.

Bọn họ vỗ tay lên reo hò tán thưởng khiến họ Diêu câng mặt càng hiện nét dương dương tự đắc.

Gã mặt thẹo cười hi hi tán một câu:

- Thơ của đại ca thật tuyệt. Chúng ta hôm nay du sơn thưởng cảnh, đồng thời ai cũng nên thi thố chút tài năng, không chừng bảy huynh đệ chúng ta kẻ văn người võ xuất chúng, chẳng lẽ kém gì thất hiền?

Cả bọn nghe khen có mình trong đó thì vỗ tay lên khoát trá.

Gã mặt thẹo nói tiếp:

- Tiểu đệ hấp thụ được môn Vô thoại kịch xin hiến các huynh đệ một khúc. Nào, mời ra ngoài này!

Cả bọn nghe thấy thế khi ấy kéo nhau ra khỏi phong đình.

Khi bọn người này ra khỏi phong đình không lâu, Chu Mộng Châu định bỏ đi, nhưng bỗng nhìn thấy một thiếu niên mặt ngọc mày hoa, tuổi chừng mười tám mười chín, trong trang phục thư sinh bước vào phong đình. Chàng hơi ngớ người trước tướng mạo xinh đẹp của thiếu niên, bất giác đứng lại nhìn.

Chỉ thấy thiếu niên như nhàn du thưởng cảnh, bước vào phong đình hóng mát, mắt lại đưa lên tường thưởng thức những bài thơ của tao nhân mặc khách lưu lạc, càng đọc càng gật đầu tấm tắc khen hay, nhưng khi đọc đến bài thơ của gã họ Diêu đề lên vừa rồi, bỗng nhíu mày khó chịu, đoạn nhổ toẹt một bãi nước bọt vào tường.

Lát sau, đám người kia cười nói ồn ào kéo nhau trở vào lại phong đình. Gã họ Diêu nhìn thấy thiếu niên cứ chỉ chỉ chỏ chỏ vào bài thơ cười vẻ khinh bỉ, tức giận thét lên:

- Tiểu tử ngươi dám cười thơ lão đại gia ư? Vừa nói vừa sấn tới bồi một chưởng, thiếu niên ngửa người nhảy tránh lẹ làng.

Họ Diêu hơi ngớ người, nhưng rồi tức giận la lên:

- Ái? Chẳng ngờ tiểu tử ngươi tránh chưởng của lão đại gia. Đến đây, đến đây! Xem thêm một chưởng của ông thế nào?

"Vù" một tiếng, tả chưởng phát từ trước ngực đánh tới, nửa chừng bỗng đổi hướng hóa chiêu, ngũ trảo chộp vào trán thiếu niên.

Chỉ thấy thiếu niên chùn người lách nhanh, một trảo của họ Diệu lại rơi vào khoảng không.

Lần này thì họ Diêu biết thiếu niên chẳng phải hạng tầm thường, mấy tên còn lại cũng biết chuyện chẳng phải tự nhiên khéo ngộ đến thế.

Nên biết họ Diệu tên Hành Vũ, là cao thủ có tiếng trong làng võ lâm Tây vực này. Hai chưởng vừa rồi thoạt nhìn thì tầm phương, nhưng biến ảo lịnh diệu, công thế cực nhanh.

Đừng nói là một văn sinh nho nhã, mà đến những nhân vật cao thủ giang hồ cũng không dễ né tránh. Vậy mà thiếu niên nho sinh này lại thấy tránh một cách hết sức nhẹ nhàng.

Diêu Hành Vũ cười gằn lên nói:

- Thì ra là ông nhìn nhầm người! Tiểu tử khá lắm!

Thiếu niên nho sinh ngược lại làm như hốt hoảng, gật đầu tán thưởng:

- Thơ hay! Thơ hay tuyệt ...

Họ Diêu hừ một tiện lạnh lùng, quắc mắt ngắt lời đối phương:

- Ngươi dám giỡn mặt với ông!

Thiếu niên nho sinh như hoảng sợ:

- Ông như không tin tôi sẽ đề một bài thơ nói chỗ tuyệt diệu của thơ ông thế nào!

Diêu Hành Vũ chỉ trừng mắt nhìn đối phương im lặng không nói. Gã quả chẳng hổ danh lão luyện giang hồ, mỗi khi nhìn đối phương thân thế bản lĩnh khả nghi, là cố nén giận lại, chờ đến khi mò ra chân tướng đối phương rồi tính.

Thiếu niên nho sinh thấy Diêu Hành Vũ không phản đối, khi ấy nhặt bút lên, chấm mực khoa bút đề lên tường một bài thơ tuyệt cú.

Cả bọn vừa thấy thiếu niên ghi xong bài thơ lên tường thì tức giận gầm thét, họ Diêu thì tức điếng người hét lớn một tiếng nhảy bổ vào thiếu niên xuất thủ tấn công.

Nguyên là chỉ thấy thiếu niên đề bốn câu thơ châm biếm:

"Thum thủm trên tường thơ mấy câu Trách sao chuột bọ với ruồi trâu Con nhai con gặm con bu bám.

Thơ thúi đề chi, tường phát rầu!".

Diêu Hành Vũ tức giận từ đầu, giờ ra tay một chưởng vừa hiểm vừa cực mãnh, chỉ nghe kình phong cũng đủ rờn người.

Chu Mộng Châu từ nãy giờ đối với thiếu niên kia sinh hảo cảm, lúc ấy bất thần thấy Diêu hành Vũ ra tay, bất giác nhảy khỏi góc cây phóng nhanh vào phong đình.

Nhưng chỉ thấy thiếu niên cười nhạt một tiếng, khoa tay phát chưỡng rất nhẹ nhàng. Hai chưởng chạm nhau "bình " một tiếng, thiếu niên thân hình bất động, chỉ có dư phong làm phất tung tà áo trắng. Thế nhưng Diêu Hành Vũ cả người to lớn lảo đảo thoái liền về sau năm sáu bước, mặt xanh như đồng, miệng thở hồng hộc, hai mắt phát hỏa, tợ hồ như chỉ muốn ăn tươi nuốt sống thiếu niên kia.

Chu Mộng Châu vừa phóng được chừng trượng, ý đồ cứu thiếu niên, nhưng chẳng ngờ một chưởng của thiếu niên nho sinh đẩy Diêu Hành Vũ lùi sau năm sáu bước, bất giác chàng khựng người lại, thầm nghĩ:

- Ái, chẳng ngờ nho sinh kia thân hoài tuyệt học!

Chàng bèn khựng người lại bên ngoài phong đình chẳng phải vào trợ giúp cho đối phương.

Thiếu niên nho sinh đẩy lùi được Diêu Hành Vũ, người vẫn đứng bên tường lúc ấy quay lại đưa tay phải lên xoa nhẹ lên tường, chỉ thấy tường vụn vỡ rơi xuống, lát sau cả bài thơ mà Diêu Hành Vũ dùng chỉ lực để viết đã bị xóa sạch.

Diêu Hành Vũ thì đứng như trời trồng, trong lòng vì thầm hiểu hôm tay gặp phải đối thủ mà chẳng ngờ bên ngoài chỉ như một nho sinh tao nhã.

Bấy giờ trong đám có một gã trung niên vẻ lịch duyệt giang hồ, bước ra chắp tay thi lễ hỏi:

- Dám hỏi tôn giá là ai? Xin lưu lạc đại danh!

Thiếu niên nhếch mép cười nhạt nói:

- Ngươi từng nghe đến danh Nam Thiên Nhất Yến Đào Văn Kỳ chưa?

Trung niên đại hán cả kinh thất sắc.

- Tôn giá là Đào tiểu hiệp từng đấu với Nhĩ Hải Thất Sát và đại náo tây nam phân đà của Quy Hồn Bảo?

- Ừm, chính là kẻ hèn này.

Vừa nghe thiếu niên thừa nhận, cả đám người kia cúi đầu thiểu não, bọn chúng chẳng ngờ hôm nay chạm phải nhân vật vừa thịnh danh cách đây không lâu.

Nguyên là hơn nửa năm nay, trong giang hồ truyền xuất một thiếu niên anh hùng đơn thân độc hành gây sóng gió giang hồ không nhỏ. Đã nhiều cao thủ có tiếng tăm bị bại dưới thiếu niên này, chính là Nam Thiên Nhất Yến Đào Văn Kỳ.

Bọn Diêu Hành Vũ vốn kết bọn tự ngạo một phương, lần nay kéo nhau lên núi du sơn thưởng cảnh không ngờ chạm phải Nam Thiên Nhất Yến. Lúc ấy chẳng ai bảo ai, cũng không một lời giã biệt, lẳng lặng chuồn thẳng.

Chu Mộng Châu ngược lại cả năm vừa rồi sống ở hoang mạc học võ công với Thiên Lãng Tử cho nên chung quy chẳng biết Nam Thiên Nhất Yến là nhân vật thế nào. Nhưng có điều thấy cả bọn Diêu Hành Vũ bảy người vừa nghe đến danh thiếu niên thì cúi đầu lủi mất, đủ biết Nam Thiên Nhất Yến là nhân vật thế nào rồi. Khi ấy nghĩ lại chuyện vừa rồi mình lo hoảng cho hắn ta thì thật nực cười!

Đào Văn Kỳ thấy bên ngoại đình còn có một thiếu niên, chỉ liếc bằng một cái nhìn khinh thường, rồi kênh kiệu bỏ đi.

Chu Mộng Châu vốn có hảo cảm với thiếu niên, chẳng ngờ hắn chỉ nhìn mình bằng thái độ cao ngạo như thế, bất giác khó chịu trong lòng, mắt nhìn theo đối phương cho đến khi khuất dạng, rồi mới lững thững xuống núi.

Chẳng ngờ về đến khách điếm, lại nhìn thấy Đào Văn Kỳ đã ngồi trong khách phòng ăn uống, đến mắt cũng không thèm liếc nhìn lấy một cái, Chu Mộng Châu vừa bực vừa mừng, nhiều cảm xúc mâu thuẫn nhen nhóm lên trong lòng. Nhưng chàng chẳng chút phản ứng, lẳng lặng bỏ về phòng mình.

Không biết vô tình hay cố ý, hai người cùng ở trong khách điếm đến năm hôm, đương nhiên là mỗi ngày chí ít càng chạm mặt nhau một lần. Nhưng Chu Mộng Châu đã có chủ ý, quyết không cần đặt mắt đến hắn, nên chỉ nhìn hắn bằng cái nhìn lạnh nhạt thờ ơ.

Nhưng có một điều khiến trong lòng chàng không khỏi chút ghen tức pha lẫn ngưỡng mộ, đó là mọi người chung quanh đối với Đào Văn Kỳ xem ra rất nể trọng. Bằng vào một thiếu niên trẻ tuổi mà được nhiều người kính nể, há không đáng khâm phục sao. Chàng thầm nghĩ:

- Hừ, khá lắm! Cứ để có lúc ta sẽ so đấu với hắn vài chiếu, xem bản lĩnh của hắn đến cảnh giới nào?

Đào Văn Kỳ thì càng lúc càng tỏ ra kiêu ngạo, đến như lão tổng quản Thất Tinh Trang là Bát Diệu Lung Linh Trịnh Quảng Thái nghe tin Nam Thiên Nhất Yến trọ lại ở khách điếm, đã tự thân đến mời về trang nghỉ ngơi, chờ Trang chủ hồi giá sẽ chính thức nghênh tiếp. Vậy mà Đào Văn Kỳ nhất định từ chối, coi Thất Tinh Trang chẳng ra gì.

Sáng hôm ngày thứ sáu, từ rất sớm đã thấy lão tổng quản họ Trịnh đến khách điếm đón Nam Thiên Nhất Yến Đào Văn Kỳ, đồng thời cũng thông báo luôn cho Chu Mộâng Châu.

Chẳng hiểu sao, Đào Vãn Kỳ biết Chu Mộng Châu cũng có ý đến gặp Thất Tinh Trang chủ, thì chạy đến gặp chàng lần đầu tiên mặt tỏ ra vui vẻ, nói:

- Thì ra lão huynh cũng đến gặp Thất Tinh Trang chủ, vậy chúng ta cùng đi nhé?

Chu Mộng Châu vốn đã bực trong lòng không muốn đi chung với hắn, nhưng nghĩ cả hai đều là khách, chẳng có lý gì cự tuyệt, đã vậy nét mặt thanh tú khôi ngô của Đào Văn Kỳ vẫn lưu lại chút hảo cảm trong lòng. Cuối cùng thì chàng gật đầu đồng ý.

Bát Diệu Lung Linh dẫn hai thiếu niên vào phòng khách của Thất Tinh Trang, trước hết tiếp trà, lát sau đã thấy ngoài cửa xuất hiện vị trang chủ.

Vừa bước chân vào phòng, trang chủ lên tiếng ngay:

- Đổng Hằng vì có chuyện ra ngoài để nhị vị thiếu hiệp chờ đợi, thật đắc tội!

Đổng Hằng trạc ngoài năm mươi tuổi, mặt vuông, râu dài, người tầm thước chỉ nhìn cũng thấy là người chân chính bất tà.

Đào Văn Kỳ trẻ người khí thịnh, thấy chủ xuất hiện, lập tức đứng lên ôm quyền nói ngay:

- Đổng trang chủ bất tất nhiều lời khách sáo, tại hạ Nam Thiên Nhất Yến Đào Văn Kỳ từ lâu đã nghe thương pháp của trang chủ thuộc hàng võ lâm tuyệt thủ, nên đến cầu giáo!

Đống Hằng khiêm tốn nói:

- Đổng Hằng may được bằng hữu thưởng cho chút nhã hiệu, thật ra hữu danh vô thực, huynh đài từ nghìn dặm tìm đến chỉ e thêm thất vọng.

Đào Văn Kỳ nhíu mày nói:

- Trang chủ nói vậy không thấy quá ư khiêm tốn sao?

Đổng Hằng ngược lại nói chuyện thì nói với Đào Văn Kỳ, nhưng ánh mắt của lão để ý nhiều đến thiếu niên đi cùng Đào Văn Kỳ.

Chính điều này khiến Đào Văn Kỳ càng thêm ghen tức đố kỵ trong lòng, mặt càng tỏ ra câng câng kiêu ngạo.

Đổng Hằng chỉ cười nhạt nói:

- Cố nhân vẫn đã nói:

"Hậu sinh khả úy", Đào huynh đệ là một trong những cao thủ trẻ đời nay. Đổng mỗ chỉ một vài hư chiêu há có thể tiếp nổi cao chiêu tuyệt thủ của Đào huynh. Hôm nay gặp nhau âu cũng là hữu duyên, sao không uống cùng nhau vài chén?

Đào Văn Kỳ đã nghe ra lời lẽ của đối phương, bèn nhíu mày gắt giọng cắt ngang:

- Chẳng sợ trang chủ cười tại hạ không biết lễ số giang hồ, nhưng tâm nguyện cầu sở học, như khát thêm uống, đói thêm ăn, nghe danh mà đến. Chỉ mong mỏi trang chủ chỉ giáo vài chiêu, chuyện ăn uống xin gác lại cho vậy.

Đào Văn Kỳ từng lời từng lời bức dồn đối phương, khiến Đổng Hằng dù có dưỡng thân bình tâm nhẫn nại đến đâu, cũng phải nóng cả đầu lên. Lão xô ghế đứng dậy, nhưng mặt vẫn ẩn hiện nu cười nói:

- Đào huynh đệ đã nói như vậy, xem ra Đổng mỗ vô phương thoái từ. Hảo! Xin mời!

Vừa nói lão vừa chìa tay ra trước. Đào Văn Kỳ không chút do dự, đứng lên nghênh ngang đi ra cửa.

Chu Mộng Châu chưa rõ con người của Đổng Hằng thế nào, nhưng vừa rồi chỉ thấy lão ta trước sau giữ lễ với kẻ hậu sinh kiêu ngạo như Đào Văn kỳ cũng đủ biết phần nào. Có điều chàng không hiểu tại sao lão ta với sư phụ năm xưa hiềm khích gì nhau?

Lúc bấy giờ chàng ngồi bất động, đầu óc còn suy nghĩ mông lung, nên không nhận ra Đào Văn Kỳ đã ra bên ngoài sân, chau mày đợi chàng vẻ bực tức.

Đổng Hằng ngược lại thấy Chu Mộng Châu đồng hành vời Đào Văn Kỳ đến đây, ngỡ chàng là bằng hữu của họ Đào. Mặc dầu từ đầu đến giờ Chu Mộng Châu không hề lên tiếng nửa lời, nhưng Đổng Hằng lão luyện giang hồ, chỉ nhìn nhãn quang thần sắc của chàng cũng đủ biết chàng thân hoài tuyệt học, nên đối với chàng vẫn ngầm coi trọng.

Đổng Hằng cương vị là chủ, thấy Chu Mộng Châu còn đờ người chưa đi lão cũng không tiện đánh động, chỉ đứng chờ đợi.

Đào Văn Kỳ không nhẫn nại được, lớn tiến gọi:

- Chu huynh cớ sao ngẩn người ra thế? Chẳng mau ra đây lĩnh giáo thương pháp tuyệt thủ của Đổng trang chủ!

Chu Mộng Châu nghe gọi giật mình sực tỉnh cười gượng gạo rồi theo chân Đổng Hằng bước ra sân.

Lúc này, Đổng Hằng đã truyền lệnh cho Trịnh tổng quản tập trung đệ tử toàn trang trước quảng trường luyện võ để xem một trận ấn chứng võ công giữa trang chủ và vị thiếu hiệp mới khởi dạy gần đây.

Quanh quảng trường lúc này ngoài đệ tử trong trang, còn có một vài cao thủ bằng hữu lân cận nghe chuyện cũng tìm đến mục kích thưởng thức.

Đổng Hằng thấy mọi người đã tề tựu, khi ấy tiến lên mấy bước nói:

- Đổng Hằng mấy hôm nay có chuyện ra ngoài không tiếp đãi các vị được, hôm nay nhân tiện có vị thiếu hiệp vang danh gần đây là Nam Thiên Nhất Yến Đào Văn Kỳ đến ấn chứng võ công. Đổng Hằng không thể chối từ hảo ý của khách, chư vị bằng hữu xin thưởng mục đồng thời có gì sơ xuất thiển bạc xin chỉ giáo. Đa tạ! Đa tạ!

Vừa nói cuối câu lão vừa chấp quyền xá quanh một vòng đúng lễ số giang hồ.

Đào Văn Kỳ được chủ nhân giới thiệu cũng liền bước lên một bước, ôm quyền vái dài, rồi cởi bỏ áo choàng ngoài ra trao cho Chu Mộng Châu cầm hộ. Người chỉ vận bộ võ phục sát người, tay cầm thanh trường kiếm múa múa vài đường, kình phong phát ra nghe vù vù, đủ thấy kiếm pháp tạo chủ tinh nghệ.

Đổng Hằng cười điềm nhiên khen một tiếng:

- Hảo kiếm!

Chu Mộng Châu bấy giờ cầm chiếc áo choàng của Đào Văn Kỳ không chút phản ứng rồi đứng lui ra ngoài. Chàng tâm trí như để vào suy ngẫm năm xưa vì sao sư phụ với Đổng Hằng lại có khúc mắc với nhau, đồng thời để tâm chú ý theo dõi trận đấu của họ, thứ nhất là xem Đào Văn Kỳ bản lĩnh đến đâu, thứ hai là theo dõi thương pháp thành danh của Đổng Hằng, sau này còn động thủ với lão, như vậy có lợi.

Đúng lúc này,"vù" một tiếng, một vệt hàn quang từ Bách Hoa đình bay về phía Đổng Hằng. Mọi người chưa kịp nhìn thì đã thấy Đổng Hằng đưa tay bắt gọn, một ngọn trường thương dài đến gần cả trượng. Đây chính là ngọn Thủy ma thiết thương mà Đổng Hằng thành danh với ngoại hiệu Thất Bộ Truy Hồn là lấy danh từ pho Thất Bộ Truy Hôn thương pháp mà thành.

Đào Văn Kỳ nhìn thấy Đổng Hàng bắt trường thương nặng có đến trên mười cân nhẹ nhàng bằng hai ngón tay thì buộc miệng khen lên:

- Tuyệt thủ!

Đổng Hằng hoành ngọn thương trước ngực, cười tự nhiên:

- Đáng cười!

Đào Văn Kỳ nét kiêu ngạo đã thấy vơi đi, bất ngờ thanh nhuyễn kiếm trong tay đang cuộn tròn lại, bỗng thả lỏng khiến lưỡi kiếm bung ra phát tiếng kêu chói tai, trầm giọng nói:

- Trang chủ, xin ra chiêu!

Đổng Hằng chỉ cưỡi nhẹ, nói:

- Thiếu hiệp từ phương xa đến là khách. Đổng mỗ xin nhường chiêu!

Đào Văn Kỳ lúc này chỉ nhìn binh khí đôi bên cũng đã thấy được mình hơi yếu thế, nhuyễn kiếm đối trường thương nặng trên mười cân, từ trường độ tấn công cho đến cẩn trọng nhất thất đều kém thấy rõ, khi ấy nếu như không nhân thế tiên xuất thủ chiếm thế ưu, thì chỉ sợ khó thắng nổi đối phương. Bấy giờ hắn chẳng nhún nhường nữa, liền múa kiếm vun vút phát chiêu tấn công.

Đổng Hằng trầm tĩnh vô cùng, thế kiếm đã thấy đến gần, người chỉ còn cách mấy xích.

mà người lão vẫn bất động.

Quần hùng chung quanh thấy thế thì "ồ" lên kinh ngạc. Chu Mộng Châu ngưng lực nhãn thần chú ý xem Đổng Hằng ứng phó thế nào để tránh chiêu kiếm này.

Thật ra chiêu đầu của Đào Văn Kỳ chỉ là một chiêu kiếm hư phát, đợi khi đối phương tránh người thì biến chiêu và tấn công.

Chẳng ngờ Thất Bộ Truy Hồn Đổng Hằng lão luyện giang hồ, kinh nghiệm thì dồi dào, vừa nghe tiếng gió trong thế kiếm của đối phương thì thầm hiểu tâm ý đối phương, cho nên lão trầm tĩnh đáo để.

Đào Văn Kỳ thấy đối phương bất động thì giật mình, mới hiểu ra Thất Bộ Truy Hồn Đổng Hằng chẳng phải là hư danh, chẳng đơn giản như mình nghĩ.

Thế kiếm đã hết, từ hư thành thực, chém xuống trước ngực Đổng Hằng. Thế kiếm từ hư thành thực buộc người dụng kiếm phải lão luyện mới dụng đắc thủ. Chỉ thấy Đổng Hằng hơi nghiêng người, thương tà xuống kịp để lưỡi nhuyễn kiếm thuận thế thương chệch ra ngoài, rồi một đầu thương theo đà quét vào tiểu phức Đào Văn Kỳ.

Đào Văn Kỳ nhảy né hai bộ, tay rung nhẹ liền thấy nhuyễn kiếm như hồi long đoạt châu, nhắm đúng cổ tay trái trên ngân thương chém tới. Mọi chiêu biến hóa hồi kiếm này quả thực với loại kiếm bình thường không sao thi triển được, đây vẫn là biến chiêu của tiên pháp được những bậc danh kiếm chọn dụng cho loại nhuyễn kiếm, nên hiểm ác vô cùng. Lúc này nếu như Đổng Hằng không nhượng chiêu, buông tay ra thì lập tức bàn tay bị tiện ngọt.

Đổng Hằng thương pháp cao tuyệt mà cũng phải giật mình trước thế kiếm hiểm này, lúc ấy tay trái buông nhanh, tay phải quay thương biến đoạn ngắn nhất thành đoản kích mới hóa giải nổi thế kiếm.

Binh khí xưa nay sử dụng trường đoản đều có chỗ lợi thế của nó.

Vừa rồi Đào Văn Kỳ đã có chủ ý tiếp cận, ra tay trước chiếm tiên cơ, chẳng ngờ Đổng Hằng không hốt hoảng mà hoành thương phản chiêu giành lại nửa ưu thế. Nhưng chiêu kiếm biến ảo Hồi Long Đoạt Châu của Đào Văn Kỳ đắc thủ bức đối phương rất cận, chẳng khi nào chịu để đối phương thoát ra khỏi vòng phong tỏa của mình, nên một chiêu vừa dứt, chiêu thứ hai tiếp tục ngay.

Chu Mộng Châu thầm gật đầu khen:

- Tuyệt!

Mắt chàng luôn tập trung theo dõi kiếm pháp và thương pháp của cả song phương, trong đầu thì phân tích nhanh chỗ hay chỗ dở của cả hai.

Thất Bộ Truy Hồn Đổng Hằng xưa nay nhờ vào pho thương thành danh giang hồ, ấy cũng là dựa vào pho thương pháp tuyệt thủ. Lúc nãy đối phương bức cận chiến, chỉ dụng lưỡng đầu thương chính đoản kích đối phó, thì tự nhiên chiêu số bị hạn chế rất nhiều. Lại thêm thanh kiếm trong tay Đào Văn Kỳ lúc cương lúc nhu, chiêu thức quái lạ, thực khiến lão chống đỡ vất vả, trước mắt đã thấy Đào Văn Kỳ chiếm thượng phong hoàn toàn.

Qua chừng mười chiều, Đổng Hằng vừa hóa giải được một kiếm của Đào Văn Kỳ thì lại thấy kiếm loang loáng một chiêu Thái Sơn áp đỉnh bổ xuống.

Đổng Hằng hai tay giữ thương, khoát lên nghênh tiếp. "Koong " một tiếng, quả nhiên tiếp đúng thế kiếm đối phương. Nhưng chẳng ngờ thân kiếm của Đào Văn Kỳ từ cương hóa nhu, nửa đầu rủ xuống như thế Thùy phong đào liễu mũi kiếm nhằm đúng diện bộ Đổng Hằng lướt lời.

Đổng Hằng khiếp hoảng, lúc này kiếm đã giá trên thương, nếu hất ra cũng rất nguy, chỉ cúi nhanh đầu, những cũng nghe "soẹt" một tiếng, mũi kiếm chém đứt một mớ tóc của lão.

Đổng Hằng từ khi xuất đạo giang hồ đến giờ chưa từng bị thua một chiêu nhục thế này, lúc ấy mặt lão giận tái xanh, thét lớn một tiếng, cả người theo thế thương chống đất tung ra ngoài cả mấy trượng. Hẳn nhìn cũng biết chỉ là kế Thiền thoái thoát thân.

Đào Văn Kỳ một kiếm đắc thủ, khi ấy thấy đối phương thoát thân, không khi nào bỏ qua cơ hội nên liền tung người truy theo rất gấp.

Đổng Hằng vốn biết cận chiến tất thua, cho nên vừa rồi mới giở sách Thiền thoái thoát thân chẳng ngờ đối phương truy theo sát như vậy. Cả người đang lơ lửng không trung, lão bằng một chiêu Đơn thủ hồi thương, ngọn thương dài cả hơn một trượng đâm mạnh về phía sau nhằm đúng ngực Đào Văn Kỳ, chẳng kể gì thế kiếm của gã ta đang phóng tới.

Đào Văn Kỳ truy sát đúng sách, thế nhưng thật tình thì vừa rồi đã có hơi chậm một giây, nên để khoảng cánh giữa song phương kéo dài ra. Bởi vậy Đổng Hằng mới thi triển được chiêu Đơn thủ hồi thương, lúc này Đào Văn Kỳ thấy nguy mới chịu dừng chân lại, không truy nữa.

Người vừa chạm đất, Đổng Hằng quay lại bấy giờ mới thi triển hết tuyệt học chính danh Thất Bộ Truy Hồn thương pháp phản công đầu thương, chỉ thấy uốn lượn như mãnh xà, thượng hạ tả hữu, đâu đâu cũng như có ánh thương ào ào như thần thác lũ, hẳn là trong lòng lão đã giận cực.

Đào Văn Kỳ thấy thế thương dũng mãnh thì tạm thời thoái liền ba bộ, nhưng bỗng phát hiện thế thương chậm lại, tợ như sơ hở dễ vào chiêu. Đào Văn Kỳ thầm nghĩ:

- Chỉ cần nhuyễn kiếm quyện được thân thương thì chẳng khó gì tiếp cận đối phương ra tay.

Khi ấy hắn vung kiếm lên từ cương biến nhu, xem ra đã cuộn được thân thương, thế nhưng chợt nghĩ sao tự nhiên thế thương đối phương lỏng như vậy, chẳng phải là cố ý dụ mình hay sao?

Nghĩ đến đó, tự nhiên thế kiếm hơi chậm lại. Chính đúng lúc ấy "vút" một tiếng, đầu thương như mãnh xà nhất điểm lướt vèo tới. Đào Văn Kỳ bất thần nhảy né người sang trái, đồng thời tay phải phất kiếm chống đỡ theo phản xạ.

Chỉ nghe ""koong " một tiếng, kiếm chạm thương, cương biến nhu, quả nhiên thân kiếm cuộn thân thương.

Đúng ngay lúc ấy, Đổng Hằng cười nhạt một tiếng, trường thương rớt mạnh, cả người Đào Văn Kỳ bị chấn động, vội vận kình lực trụ lại. Nhưng người Đổng Hằng thuận thế lướt tới, lấy trái chộp vào cổ tay cầm kiếm của Đào Văn Kỳ.

Vừa rời chiêu thì đúng như dự liệu của Đào Văn Kỳ, nhưng vì nhất thời phân tâm, cho nên không chủ động mà chỉ phản xạ theo bản năng, ra nhiêu chủ động ngược lại Đổng Hằng, đúng như kế dụ đối phương của lão.

Lúc này thấy đã nguy, nên buông kiếm thì bị đối phương đoạt kiếm, Đào Văn Kỳ tay phải thâu lực khiến thân kiếm mềm ra, tay trái đồng thời phất chưởng đánh vào ngực đối phương.

Đổng Hằng chỉ chờ có thế, người thoái nửa bộ, tay trái thâu chiêu, tay phải nắm thương thuận thế quét một thương vào hạ bộ đối phương.

Đào Văn Kỳ thất sắc kêu lên một tiếng, nhảy lùi rất nhanh, nhưng nghe "soạt" một tiếng, mũi thương cũng đã chém thoạt một mảng quần ở đùi để lộ ra làn da trắng muốt. Đào Văn Kỳ thẹn đỏ cả mặt quay người phóng chạy, không quên buông một câu hằn học:

- Trang chủ thương pháp thật cao minh, nửa năm sau xin đến lĩnh giáo!

Nói đến đó cả người đã vọt ra ngoài tường phóng chạy như bay.

Chu Mộng Châu vừa rồi thần tình như say mê trầm nhập vào kiếm pháp và thương pháp của bọn họ, nhất là chiêu cuối cùng của Đổng Hằng khiến chàng suy ngẫm cách phá giải đến nát óc.

Bấy giờ Đào Văn Kỳ phóng chạy đột ngột, đã dẫn đến toàn trưỡng "ồ" lên reo lớn khiến Chu Mộng Châu giật mình sực tỉnh, nếu để hắn vận chiếc quần đã rách ở đùi thì chẳng ra làm sao, khi ấy tung người lướt đuổi theo như phi vân hành tẩu.

Đổng Hằng vốn chẳng để ý đến Chu Mộng Châu, khi nghe tiếng lướt gió, ngưng mắt nhìn thì đã thấy cả người Chu Mộng Châu như làn khói nhạt vọt ra ngoài sáu bảy trượng, khiến toàn trường lại lần nữa la lên kinh động.

Đổng Hằng mặt không chút biểu lộ, nhưng trong lòng đã tối xạm lại.

Vừa rồi, mọi người thấy rõ Chu Mộng Châu chỉ đi theo cầm áo cho Đào Văn Kỳ, nên chung quy chỉ tập trung chú ý đến hắn, ai cũng ngỡ Chu Mộng Châu thân thủ võ học đều kém Đào Văn Kỳ, nhưng vừa rồi chứng kiến Chu Mộng Châu thi triển khinh công thân pháp, thì bất giác suy nghĩ của họ đều cải đổi, nhận ra Chu Mộng Châu công lực bản lĩnh hẳn phải hơn cả Đào Văn Kỳ.

Lại nói, vừa rồi Chu Mộng Châu vì nhất thời muốn truy theo kịp Đào Văn Kỳ, cho nên chẳng suy nghĩ gì mà thi triển thặng thừa thân pháp. Lúc này vọt theo ra ngoài cả mấy dặm, thấy rõ ràng người trong Thất Thinh Trang không hề suy đuổi theo, vậy tại sao Đào Văn Kỳ vẫn phóng chạy như ma đuổi?

Chàng nhíu mày không hiểu nổi duyên cớ, trong lòng lấy làm lạ, nên gia tăng tốc độ, chỉ nhoáng sau đã thấy còn cách Đào Văn Kỳ chừng mươi trượng, liền lớn tiếng gọi:

- Đào huynh, xin dừng bước ...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play