Sau hôm đó, Porm lại chơi thân với tôi, và vậy là Ning cũng thân với Porm trở lại. Porm bắt đầu theo học cơ khí ở một viện kỹ thuật tư nhân nhưng dường như nó dành nhiều thời gian vào các hoạt động bên ngoài hơn là lên lớp nghe giảng. Tuy nhiên, mỗi khi rảnh rỗi, nó lại ghé qua nhà tôi, lúc thì trong chốc lát, lúc lại đến tận khuya. Nếu không lo học hát hay bàn mấy vấn đề quốc gia đại sự với Ning, nó lại ngồi im lặng nhìn tôi vẽ.
“Đáng lẽ cậu phải được học ở Sinlaparkorn.” Porm ngồi trên giường, hai tay ôm đầu gối, cố vươn ra phía trước ngắm bức tranh tôi đang tô bóng.
“Em chắc chắn là nếu năm sau thi lại, anh ấy sẽ đỗ.” Ning nói.
“Anh tin em một lần và suýt bị mẹ đập cho chết rồi.” Tôi đặt bút chì xuống nhìn em gái đang nằm ườn ra dưới sàn đọc một quyển sách khổ lớn.
“Lúc nào thì cậu mới vẽ chân dung mình?” Porm bỗng dưng hỏi.
“Khiếp!” Tôi vờ nôn nọe. “Đợi đến lúc cậu sắp tắt tiếng tàn hơi đi.”
“Sao lại có chuyện đó?” Ning ngồi bật dậy, sẵn sàng thay Porm chiến đấu đòi công bằng. “Ngày trước anh chả vẽ bà Jom còn gì, thế mà giờ không thể vẽ chị Porm?”
Tôi lướt mắt nhìn Porm và định mở mồm trả lời Ning nhưng khi thấy mặt Porm thất sắc, họng tôi cứng lại.
“Hôm qua mình gặp Jom.” Porm bất chợt nói.
“Ở đâu?” Tôi lập tức nhảy bắn ra khỏi ghế đến chỗ nó.
“Gần Rarm... mình không hẳn là gặp chị ấy, thực ra là nhìn thấy chị ấy thì đúng hơn, nhưng ô tô xếp hàng dài đặc, nên đến lúc mình qua đường được thì chị ấy đã lên xe buýt.”
“Chị ấy đi với ai?” Những lời ấy khe khẽ thốt lên từ miệng tôi.
“Yong. Cậu nhớ Yong chứ? Họ từng học chung lớp ở trường.” Dường như Porm còn định nói gì nữa nhưng cuối cùng nó lại thôi.
Hình ảnh Jom trong bộ đồng phục sóng vai cùng một nam sinh lớp mười hai dọc con đường mà tôi với chị vẫn hay đi qua hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác lúc ấy - oán giận, tổn thương, và đau nhói mà tôi vẫn cảm thấy mỗi lần nghĩ về chuyện đó.
“Cậu chắc là Yong chứ?”
“Dĩ nhiên là chắc. Cậu biết bao nhiêu người có mặt như con cá trống chứ?”
“Em không hiểu sao anh lại quan tâm đến Jom nhiều như thế.” Ning bỗng nhiên lớn tiếng xen vào. “Mỗi lần có chuyện gì với cô tiểu thư đó, anh bao giờ cũng lo lắng đến phát điên.”
“Im đi, Ning! Đây không phải việc của mày.”
“Nat!” Nó nhìn tôi như thể nhìn người lạ.” Anh chưa bao giờ quát em như vậy.”
Tôi sững sờ. Tôi tiến tới quỳ xuống trước em gái khẽ bóp vai nó. “Anh xin lỗi,” tôi lẩm bẩm, “anh xin lỗi.”
Sáng sớm hôm sau, tôi leo lên xe máy phóng đến cổng chính của Đại học Rarmkham-haeng, cố tìm kiếm Jon giữa đám người qua lại ở đó nhưng hoàn toàn không có vết tích nào của chị, nên đến gần trưa tôi đến trường mình rồi quay lại Rarmkham-haeng vào lúc chiều muộn.
Tôi lảng vảng ở cổng Rarmkham-haeng cả một tuần nhưng không một lần gặp được Jom hay thậm chí là Yong.
Những tia nắng cuối cùng đang giã biệt bầu trời. Cảnh tượng người người hướng về nhà như những đàn chim bay về tổ làm dấy lên một cảm giác cô đơn buồn bã lạ lùng. Cốc cà phê đen đã cạn đến giọt cuối cùng nhưng tôi vẫn ngồi ở quán cà phê đó căng mắt nhìn người qua lại.
“Ơ, Béo! Cậu làm gì mà một mình ở đây thế này?” Dáng người vừa đi vào quán dừng lại chào tôi với vẻ ngạc nhiên mừng rỡ,
“Chào, Chai!” tôi gọi. “Cậu biến đi đâu vậy?”
“Trường cũ của mình.” Chai chỉ ngón cái vào ngôi trường sau lưng đoạn ngồi xuống ghế. “Trông cậu gầy đi đấy. Dạo này thế nào rồi? Đã bảo rồi, cậu phải bình tĩnh với mấy cái chuyện này, phải từ từ thôi.”
“Biến đi!” Tôi hất bàn tay nó đang lắc lắc tay tôi ra.
“Bạn cũ gặp lại, mời mình một chầu whisky đi chứ?” Chai liếc mắt liếm cặp môi khô.
“Ồ, ra là bây giờ cậu bắt đầu sa vào rượu chè rồi đấy hả?” Tôi quan sát bộ dạng của thằng bạn lúc này luộm thuộm trông thấy. Nó gầy nhẳng và đen sạm, má hóp lại, tóc dài rối bù. Chiếc áo sơ mi tay xắn quá khuỷu cũ bẩn y hệt cái quần bò nó mặc.
“Cậu nói ‘sa vào’ là ý gì?” Chai cởi cúc áo lôi một quyển sách quăn queo ra đặt lên bàn. “Tiện là mình uống. Lúc nào không có rượu mạnh, mình chuyển sang rượu pha, thế thôi. Này, cho 250ml Maekhong, một chai soda và hai cái cốc.”
“Cậu cứ việc, mình không uống.” Tôi lắc đầu mệt mỏi.
“Cũng tốt thôi.” Chai gật đầu lia lịa. “Lúc nào xong, ta đi sang trường nhé. Mình sẽ giới thiệu cậu với mấy đứa bạn, mấy thằng rất khá. Thỉnh thoảng cả tháng mình chẳng về nhà, chỉ quanh quẩn ở trường và trong ký túc của mấy thằng bạn.”
“Ừ, mình biết. Eik đã kể rồi. Cậu nên nghĩ cho mẹ lấy một chút. Bác ấy đã già rồi và cũng chả khỏe mạnh gì.”
“Trời, cậu biết thừa Eik như thế nào mà, lúc nào chả phản ứng thái quá. Mẹ mình á? Bà ấy còn lâu mới ngỏm, đừng có lo. Xương bà ấy chắc như thép, đầu thì cứng và da thì dày, chỉ là bà ấy giả bộ thôi, cậu biết đấy: hễ có ai đến là bà làm như thể sắp chết đến nơi để người ta thương, nhưng lúc chỉ có hai mẹ con, trời ơi, cậu phải nghe bà ấy chửi mình suốt cả ngày như thế nào từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc lặn, và hơi bà ấy chả bao giờ yếu đi tí nào, tin mình đi!”
“Đây, rượu của cậu đây. Uống đi.” Tôi đẩy chai whisky mà người bồi bàn vừa mang đến về phía Chai.
“Sabbitiyo Vivajjantu...”[1] Chai ngân nga rồi thò bàn tay run rẩy ra nắm cái chai, mở nút rót thứ dung dịch màu hổ phách vào cốc.
[1] Cầu cho mọi tai ương sẽ qua đi...” lời mở đầu của những đoạn kinh chúc phúc bằng tiếng Pàli mà các nhà sư tụng để cảm tạ người cúng dường.
Tôi nhìn nó uống mà không nói một lời. Tôi thậm chí không thể miêu tả cảm giác khi chứng kiến một người bạn cũ từ thuở thơ ấu thay đổi đến chừng nay. Tôi nhớ hồi tiểu học - cuộc đời cùng thế giới này thật trong sáng và tuyệt vời trong những đôi mắt non trẻ của chúng tôi! Chúng tôi đợi báo hiệu giờ nghỉ trưa và tán gẫu với bạn bè, đứa nào không cẩn thận sẽ bị nhón ngay mất một viên thịt hay lát thịt lợn khỏi đĩa. Lúc nào bọn tôi cũng bày đủ trò trêu chọc nhau. Có những trò chả đáng kể, nhưng cũng có những trò thật thót tim và kỳ cục, như cái lần chúng tôi bắt con dê mà bác bảo vệ người Ấn nuôi rồi vắt sữa của nó, hay lúc chúng tôi đi bắt rắn bỏ vào mấy cái lọ thủy tinh như ở trong phòng thí nghiệm. Hồi đó, bên những bức tường của trường còn trồng đầy cây hoa bướm nở ra những bông hoa vàng rực. Bọn tôi hái hoa cài vào áo, ngực hay bắp tay. Cánh hoa có răng cưa như những ngôi sao khiến chúng tôi mơ màng tới đủ loại giấc mơ xoay quanh huy hiệu cảnh sát trưởng trong phim cao bồi hay quân hàm sĩ quan, nhưng Chai lại thích đính hoa lên vai nó rồi ưỡn ngực ra bảo với tất cả mọi người nó là đại úy. Những giấc mơ ấy của chúng tôi nào bền lâu mà vỡ tan như bong bóng xà phòng, nhưng có những thứ đã chôn sâu vào trái tim chúng ta để rồi không bao giờ có thể phai mờ, dù chỉ là một chút.
“Cậu đang làm gì ở đây vậy? Hay là đổ em nào rồi?” Chai hỏi sau khi chai rượu đã cạn phân nửa.
“Không.” Tôi lắc đầu. “Cậu hay loanh quanh ở đây à?”
“Ừ.” Chai gật đầu nhìn tôi vẻ lạ lùng.
“Có người nói nhìn thấy Jom ở gần đầy.” Tôi nhìn qua Chai ra ngoài cửa hàng. Dòng người vẫn qua lại như mắc cửi, nhưng bóng dáng Jom vẫn chẳng thấy đâu.
“Lâu lắm rồi mình không gặp chị ấy, từ khi chị ấy từ nước ngoài về. “ Chai im lặng một lúc. “Sao cậu không đến tận nhà thăm chị ấy thay vì ngồi vêu ngoài đường đợi như thằng lập dị?”
“Chị ấy bỏ nhà đi lâu rồi.” Tôi rời ánh mắt khỏi khung cảnh bên ngoài. “Cãi nhau với vợ bé của bố... Chắc chắn cậu phải nghe chuyện này rồi chứ nhỉ?”
“Chưa một lần.” Chai sửng sốt. “Nhưng ít nhất chị ấy cũng phải liên lạc với cậu chứ.”
“Thỉnh thoảng cậu có gặp Porm không?” Tôi hỏi để chuyển chủ đề.
“Vài lần, chắc vậy, nhưng bọn mình không nói nhiều lắm. Trông nó có vẻ bận rộn lắm, lúc nào cũng tất bật. Hồi xưa nó cũng đến trường này, nhưng bọn mình chỉ vô tình chạm mặt vài lần thôi. Còn cậu thì sao? Có hay gặp nó không?”
“Có.” Tôi gật đầu. “Nếu có cơ hội, hãy bảo nó bớt dính mũi vào chuyện chính trị đi. Mình khá lo cho tương lai của nó.”
“Thế sao cậu không tự nói với nó? Nó có bao giờ nghe lời mình đâu, cậu biết đấy.”
“Mình nói chuyện với nó vài lần rồi.” Tôi thở dài. “Nhưng nó cũng chả tin mình. Cũng có những lúc nó ngồi yên nghe, thế rồi lại bỏ đi làm những gì nó định làm từ đầu.”
“Vào Rarm chơi thôi.” Chai đặt cốc xuống sau ngụm cuối cùng và giơ tay quẹt miệng.
Tôi ra hiệu thanh toán rồi đứng dậy đi theo Chai qua đường về phía trường đại học đang trải ra trước mắt chúng tôi.
Chai dẫn tôi vào một khuôn viên rộng lớn, đi qua một cái bể bơi lấp lánh và những dãy nhà lờ mờ trong chiều muộn. Tôi chắp tay vái chào tượng vua Rarmkham-haeng đứng một mình uy nghi giữa một khu dạo mát rộng rãi. Có mấy tòa nhà vẫn còn sáng đèn. Chai chào nhiều người dọc đường đi. Ngay cả những con chó trốn trong góc tối dường như cũng quen nó.
“Hát một bài chứ nhỉ?” Chai quay sang hỏi khi thấy tôi vểnh tai nghe một điệu nhạc Thái vẳng đến cùng cơn gió.
“‘Karrakeit’ phải không?”
Chai gật đầu thay vì trả lời rồi hát.
“Ôi chàng Karrakeit trẻ tuổi
Cưỡi con tuấn mã, thẳng tới sau hoàng cung
Khua con dao găm, chàng hét rằng đâm thủng
Tên da trắng
Mặc vợ chàng la mắng
Ôi chàng Karrakeit trẻ tuổi.”[2]
[2] Bài hát ru thế kỷ 17 chỉ trích ảnh hưởng ngày càng tăng của phương Tây tới vương quốc người Thái Ayutthaya. Các phái sinh viên cực đoan thập niên 1970 đã thổi vào bài hát một hơi thở mới trong việc phản đối sự hiện diện của binh lính Mỹ ở Đông Nam Á.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT