Kỳ nghỉ cuối tuần đã cáo chung cho tháng Bảy. Sáng thứ Hai hôm ấy là mồng 2 tháng Tám năm 1943. Ngày hôm sau Marcel sẽ được báo thù, chiều hôm nay Lespinasse sẽ bị diệt khi y ra khỏi nhà, vào ba giờ rưỡi như thường lệ, vì đó là lệ thường duy nhất của y.
Buổi sáng thức dậy, Catherine như có một linh cảm kỳ lạ, cô lo lắng cho những người sẽ thực hiện hành động. Có lẽ một chi tiết đã bị cô bỏ qua. Trong chiếc xe hơi đậu bên lề đường có cảnh sát mai phục mà cô đã không nhìn thấy chăng? Cô duyệt lại không ngừng trong óc tuần lễ giám sát của m Đã bao nhiêu lần cô sải bước dọc con phố trung lưu nơi viên biện lý sống, một trăm lần, có lẽ nhiều hơn chăng? Cả Marianne cũng không nhìn thấy gì hết, vậy tại sao lại có nỗi lo âu đột ngột này? Để xua đuổi những ý nghĩ không hay, cô quyết định phóng đến tòa án. Cô tự nhủ ở đó mình sẽ nghe được những tiếng vang đầu tiên của hành động.
Kim chỉ ba giờ kém mười lăm trên chiếc đồng hồ lớn đang tích tắc trên mặt tiền tòa án. Bốn mươi lăm phút nữa, các bạn sẽ nổ súng. Để khỏi bị phát hiện, cô lững thững trong hành lang lớn, xem các thông cáo niêm yết trên tường. Nhưng cố đến mấy, cô vẫn cứ đọc lại một dòng chữ ấy, không sao nhớ nổi lấy một từ. Một người đàn ông tiến đến, bước chân vang trên nền nhà, ông ta mỉm cười, nụ cười kỳ cục. Hai người khác đến gặp ông ta và chào ông ta. Một người nói:
- Thưa ngài phó chưởng lý, xin cho phép tôi được giới thiệu ngài với một người bạn của tôi.
Tò mò băn khoăn, Catherine ngoảnh lại và theo dõi cảnh tượng. Người đàn ông chìa tay cho người đang mỉm cười, người thứ ba tiếp tục giới thiệu.
- Thưa ngài biện lý Lespinasse, đây là ông Dupuis, bạn thân của tôi.
Mặt Catherine sững lại, người đàn ông có nụ cười kỳ lạ chẳng hề là cái người mà cô đã rình rập suốt tuần. Tuy nhiên, chính Jan đã báo cho cô biết địa chỉ, và tên y có trên tấm biển đồng gắn ở cổng vườn nhà y. Đầu Catherine ong ong, tim cô đập gấp gáp trong lồng ngực và dần dần, mọi việc sáng tỏ. Gãống trong ngôi nhà trung lưu ở ngoại thành Toulouse là một kẻ trùng tên trùng họ! Cùng họ, tệ hơn nữa, cùng tên! Làm sao Jan có thể đủ ngớ ngẩn để nghĩ rằng địa chỉ một viên phó chưởng lý quan trọng đến thế lại ở trong cuốn danh bạ được? Và trong khi Catherine nghĩ ngợi, đồng hồ trên tường hành lang lớn tiếp tục hành trình không mệt mỏi của nó. Bây giờ là ba giờ, ba mươi phút nữa các bạn sẽ giết một người vô tội, một gã tội nghiệp chỉ có sai lầm duy nhất là mang tên một kẻ khác. Cô phải bình tĩnh, tỉnh táo lại. Trước hết, cần đi khỏi đây mà không để ai tấhy nỗi bối rối đang làm cô chìm ngợp. Sau đó, ra được ngoài phố rồi, thì chạy, ăn cắp một chiếc xe đạp nếu cần, nhưng bằng bất kỳ giá nào phải đến kịp, để tránh điều xấu nhất. Còn hai mươi chín phút, tuy nhiên với điều kiện là người mà cô đã muốn phải chết và giờ đây cô đang muốn cứu sống không thực hiện thời gian biểu của y sớm hơn... chỉ một lần.
Catherine chạy, đằng trước cô một chiếc xe đạp được một người đàn ông dựa vào tường, thời gian để ông ta mua tờ báo ở quán sách; thời gian thì cô chẳng có, chẳng có để ước lượng rủi may, càng chẳng có để mà do dự, thây kệ, cô cưỡi lên xe và đạp hết sức lực. Sau lưng cô, không ai kêu "Kẻ trộm", chắc người kia chưa nhận ra xe của mình bị cuỗm. Cô vượt một đèn đỏ, khăn quàng của cô đang tuột ra thì một chiếc xe hơi đột ngột xuất hiện, một tiếng còi rú lên. Sườn trái phía trước xe sượt qua đùi Catherine, tay nắm cửa xe quào vào hông cô, cô loạng choạng nhưng giữ lại được thăng bằng. Chẳng có thời gian để dau, chỉ được tí thời gian gọi là để nhăn mặt một cái, chẳng có thời gian để sợ, phải đạp nhanh hơn. Chân cô tăng tốc, các nan hoa bánh xe biến đi trong ánh sáng, nhịp điệu khủng khiếp như địa ngục. Ở lối đi dành cho khách bộ hành, người qua đường chửi bới cô, chẳng có thời gian xin lỗi, thậm chí chẳng có thời gian để hãm phanh ở ngã baChướng ngại vật mới, một chuyến tàu điện, vượt lên trước nó, chú ý đến đường tàu, nếu bánh xe lọt vào đấy là chắc chắn ngã và với tốc độ như thế thì lần này chẳng có cơ may nào ngóc dậy được. Những mặt tiền lướt qua, những lề đường chỉ còn là một vạch dài màu xám. Phổi cô sắp nổ tung, ngực cô đau đến chết, nhưng nỗi bỏng rát nơi cô không thấm vào đâu với cái bỏng rát mà kẻ tội nghiệp kia sẽ cảm thấy, khi nhận năm viên đạn vào lồng ngực. Mấy giờ rồi? Ba giờ mười lăm? Hai mươi? Cô nhận ra con đường dốc in hình xa xa. Trong tuần ngày nào cô cũng đi con đường ấy để đến thực hiện việc điều tra.
Và bảo là cô giận Jan, nhưng làm sao cô lại đủ ngớ ngẩn để nghĩ rằng viên biện lý Lespinasse lại ít đề phòng đến như cái người mà cô theo dõi? Ngày nào cô cũng chế nhạo y, lẩm bẩm trong những giờ chờ đợi đằng đẵng là con mồi quả thực quá dễ dàng. Sự ngu dốt mà cô chế nhạo, chính là sự ngu dốt của cô. Thật logic khi cái gã tội nghiệp ấy chẳng có lý do gì để nghi hoặc, khi gã chẳng cảm thấy mình bị lực lượng Kháng chiến hay người nào khác nhằm vào, cũng logic khi gã chẳng bận tâm điều gì hết, bởi gã vô tội trong mọi điều. Bắp chân cô đau như dần, nhưng Catherine tiếp tục phóng đi, không ngừng nghỉ. Đây rồi, đã vượt qua đường dốc, còn một ngã ba cuối cùng nữa và có thể cô sẽ đến kịp. Nếu hành động đã diễn ra, cô phải nghe thấy tiếng súng, mà lúc này chỉ có một tiếng rít dài vo vo bên tai cô. Đó là mạch đang đập quá mạnh bên thái dương cô, không phải âm thanh của cái chết, chưa phải.
Con phố đây rồi, kẻ vô tội đang đóng cửa ra vào và băng qua vườn. Robert tiến lên trên lề đường, tay thọc trong túi, các ngón tay siết lấy báng súng, sẵn sàng bắn. Giờ đây chỉ còn là vấn đề của vài giây. Một cú hãm phanh, chiếc xe đạp trượt đi. Catherine để mặc nó lăn trên lòng đường và lao mình vào vòng tay người kháng chiến.
- Cậu điên à! Cậu làm cái gì thế?
Cô không còn hơi để nói nữa, mặt tái nhợt, cô giữ lấy tay bạn. Bản thân cô cũng không biết mình còn lấy đâu ra chừng ấy sức lực. Và vì bạn không hiểu, cuối cùng Catherine nấc lên được:
- Không phải người ấy!
Tay Lespinasse vô tội đã lên xe hơi của mình, động cơ nổ khẽ và chiếc Peugeot 202 màu đen ra đi bình thản. Khi đi ngang qua cặp gái trai dường như đang quấn quít, người lái khẽ lấy tay ra hiệu với họ. "Thật là đẹp những đôi tình nhân", người đó nghĩ khi liếc nhìn vào kính chiếu hậu.
° ° °
Hôm nay là một ngày tồi tệ. Bọn Đức đã đến khám xét trường đại học. Chúng đã chất vấn mười thanh niên trong đại sảnh, lôi họ về phía bậc thềm, dùng báng súng thúc họ tiến và đã mang họ đi. Em thấy đó, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc; ngay cả nếu chúng tôi chết vì đói, ngay cả nếu nỗi sợ hãi ám ảnh chúng tôi đêm đêm, ngay cả nếu các chiến hữu của chúng tôi ngã xuống, chúng tôi vẫn tiếp tục ng chiến.
° ° °
Chúng tôi đã vừa vặn tránh được điều xấu nhất, nhưng em thấy đó, tôi đã bảo em rồi, chúng tôi chưa giờ giết một người vô tội, ngay một kẻ đần độn cũng không. Trong khi chờ đợi, viên biện lý vẫn sống, và phải làm lại cuộc điều tra từ số không. Vì chúng tôi không biết y ở đâu, nên việc theo dõi sẽ bắt đầu từ tòa án. Công việc khó khăn. Gã Lespinasse thật chỉ đi lại bằng chiếc xe Hotchkiss to màu đen, thỉnh thoảng đi xe Renault Primaquatre, nhưng trong mọi trường hợp, đều do tài xế lái. Để khỏi bị phát hiện, Catherine đã sắp đặt đâu ra đấy một phương pháp. Ngày đầu tiên, một anh bạn đi xe đạp theo sau viên biện lý từ lúc y ra khỏi Tòa án và vài phút sau thì bỏ đấy. Ngay hôm sau, một bạn khác, trên một xe đạp khác, tiếp tục con đường ở chỗ nó bị bỏ lại hôm trước. Qua từng khúc liên tiếp, chúng tôi đã đi theo được đến tận nhà viên biện lý. Từ giờ, Catherine có thể lặp lại các cuộc đi bộ dài trên một lề đường khác. Vài ngày mai phục nữa là chúng tôi sẽ biết được mọi điều về các thói quen của tên phó chưởng lý.
Đối với chúng tôi, có một kẻ địch còn đáng căm ghét hơn cả bọn quốc xã. Những tên Đức, thì chúng tôi đang có chiến tranh với chúng, còn Dân binh là bè lũ tồi tệ khốn khiếp nhất mà chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cơ hội có thể sản sinh, là sự căm ghét lang thang di động.
Bọn dân binh cưỡng bức, tra tấn, cướp đoạt tài sản của những người mà chúng tống đi dày, dùng quyền lực của chúng đối với cư dân để trục lợi. Biết bao nhiêu người đàn bà đã phải dang chân, mắt nhắm nghiền, hàm nghiến chặt đến mức chết đi được, để đổi lấy lời hứa hão rằng con cái họ sẽ không bị bắt? Biết bao nhiêu người già cả trong những hàng dài chầu chực trước các cửa hiệu thực phẩm trống rỗng đã phải trả tiền cho lũ dân binh hòng chúng để cho yên thân, và biết bao nhiêu người không nộp được tiền đã bị đưa đến các trại để lũ chó hoang đường phố thản nhiên đến khoắng sạch nhà cửa của họ? Không có lũ hèn hạ bẩn thỉu ấy, thì chẳng bao giờ bọn quốc xã có thể bắt đi đầy nhiều người đến thế, chẳng bắt được quá một phần mười những người sẽ không bao giờ trở lại.
Tôi hai mươi tuổi, tôi sợ, tôi đói, lúc nào cũng đói, còn bọn sơ mi đen ấy thì ăn uống tại những tiệm dành riêng cho chúng. Tôi đã quan sát bao nhiêu đứa trong bọn chúng sau những cửa kính mờ hơi nước mùa đông, đang liếm láp ngón tay, no ứ sau bữa ăn mà chỉ mơ đến thôi cũng khiến dạ dày tôi réo lên òọc? Sợ và đói, một hỗn hợp kinh khủng trong bụng.
Nhưng chúng tôi sẽ báo thù được cho mình, em thấy đó, chỉ nói lên cái tiếng ấy thôi, là tôi cảm thấy tim mình lại đập. Ý nghĩ báo thù thật gớm guốc, lẽ ra tôi không nên nói như thế; những hành động mà chúng tôi làm hoàn toàn khác hẳn sự báo thù, những hành động ấy là một bổn phận chân thành nghĩa hiệp, để cứu những ai sẽ không phải nếm trải cái số phận đó, để tham gia cuộc chiến tranh giải phóng.
Đói và sợ, một hỗn hợp có thể nổ tung trong bụng! Thật ghê gớm cái tiếng khe khẽ của quả trứng mà người ta đập ra ở quầy hàng, một ngày kia Prévert, được tự do viết lên điều đó, sẽ nói thế; còn tôi, bị sự sống cầm tù, ngày hôm ấy tôi đã biết điều đó rồi.
Ngày 14 tháng Tám vừa rồi, từ nhà Charles về hơi khuya và bất chấp lệnh giới nghiêm cùng vài chiến hữu, Boris thấy mình chạm trán với một nhóm dân binh.
Boris, từng đích thân quan tâm theo dõi nhiều tên trong bầy đàn của chúng, biết sơ đồ tổ chức của chúng rõ hơn ai hết. Chỉ cần ánh sáng nhân từ của một ngọn đèn đường là anh nhận ra ngay tức khắc bộ mặt hiểm ác của kẻ mang tên Costes. Tại sao lại là y? Vì cái gã đang nói đến này chẳng là ai khác ngoài tên tổng thư ký của bọn "vệ-binh-thuần-túy" 1, một bầy chó man rợ và khát máu.
Trong lúc bọn dân binh đi họ, ngạo mạn như thể đường phố là của chúng, thì Boris đã rút súng khỏi bao. Các bạn cũng làm như vậy và Costes đã gục xuống trong cuộc tắm máu, máu của y, để nói cho chính xác.
Nhưng tối hôm ấy, Boris đã nhằm cao hơn một nấc; anh sẽ tấn công Mas, chỉ huy Dân binh.
Hành động gần như mang tính tự sát. Mas đang ở nhà hắn, cùng nhiều vệ binh. Boris đã khởi đầu bằng việc nện gục tên bảo vệ dữ tợn canh giữ cổng tòa biệt thự phố Pharaon. Ở đầu cầu thang tầng hai, một tên khác lại nhận một báng súng chí mạng. Boris đã không đắn đo tỉ mỉ, anh vào phòng khách, súng cầm tay, và đã bắn. Tất cả bọn chúng đều ngã xuống, phần lớn chỉ bị thương, nhưng Mas đã trúng đạn ở chỗ hiểm. Co quắp dưới bàn giấy, đầu chúi vào giữa các chân ghế bành, tư thế của thân hình cho ta hiểu là chỉ huy Mas sẽ không bao giờ còn cưỡng bức, không bao giờ còn giết chóc, không bao giờ còn khủng bố được bất kỳ ai nữa.
Báo chí thường gọi chúng tôi là những tên khủng bố, một từ do bọn Đức mang đến và trên các tờ yết thị của chúng thường chỉ những người kháng chiến đã bị chúng bắn chết. Nhưng chúng tôi chỉ khủng bố bọn chúng cùng những tên hợp tác phát xít và tích cực mà thôi. Trở lại nói về Boris, chính sau hành động, sự việc mới thành ra phức tạp. Trong lúc anh xử lý công việc trên gác, thì hai người bạn đảm bảo việc rút lui của anh đã phải đối đầu với bọn dân binh đến tăng viện. Một trận nổ súng khiến cầu thang mù mịt khói. Boris đã nạp thêm đạn vào súng và bước ra đầu cầu thang. Hỡi ôi, các bạn của anh do lực lượng mỏng đã buộc phải rút lui, Boris bị kẹt giữa hai làn đạn. Đạn của những kẻ bắn vào bạn anh và của những kẻ bắn vào anh
Trong lúc anh tìm cách thoát ra khỏi tòa nhà, thì một toán sơ mi đen khác, lần này xuống từ các tầng gác trên, đã thắng được sự kháng cự của anh. Bị ôm ngang lưng và bị nện túi bụi, Boris ngã xuống. Sau khi anh đã xuyên thủng lỗ chỗ lồng ngực tên chỉ huy của chúng và làm bị thương nặng nhiều tên đồng bọn với chúng, có thể đoan chắc rằng chúng sẽ ra tay với anh. Hai anh bạn kia đã thoát được, một anh bị trúng đạn vào hông, nhưng Boris không thể chữa trị cho anh được nữa.
Lại kết thúc một ngày nữa trong những ngày buồn thảm của tháng Tám năm 1943. Một chiến hữu bị bắt, một sinh viên trẻ trung năm thứ ba ngành y, suốt thời thơ ấu đã mơ ước cứu sống những mạng người, bị tống vào một ngục tối trong nhà tù Saint-Michel. Và không ai trong chúng tôi hồ nghi việc viên biện lý Nespinasse, để được chính phủ đánh giá cao hơn, để củng cố vững hơn uy quyền của mình, sẽ muốn đích thân trả thù cho Mas bạn mình, cố chỉ huy Dân binh.
--- ------ ------ ------ -------
1 Franc-garde: bộ phận vũ trang của Dân binh Pháp, được thành lập đồng thời với tổ chức Dân binh Pháp, vào đầu năm 1943. Ban đầu lực lượng franc-garde chỉ gồm những kẻ tình nguyện, nhưng từ tháng 6 năm 1943, lực lượng chia làm hai, một bộ phận thường trực, tập trung và hưởng phụ cấp, một bộ phận không thường trực, huy động khi cần thiết và không ăn lương. Lực lượng này đã sát cánh cùng quân đội Đức trong các trận đánh chính chống lại các Chiến khu Du kích.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT