George ký vào tấm thẻ, giữ chặt nó bằng hai đầu ngón tay. Thậm chí ông ghét phải chạm vào những thứ này, vì sự thần bí ngu si nhưng đầy uy lực tiềm ẩn và ma thuật xấu xa của chúng: ma thuật của những vị thần tư duy máy móc, những kẻ chỉ có một giáo điều duy nhất là không được phạm sai lầm. Ma thuật này ở chỗ: bất kể khi nào họ phạm sai lầm (mà buồn cười thay là khá thường xuyên), họ sẽ nhớ mãi sai lầm đó và không bao giờ dám tái phạm. Cứ nhón hai đầu ngón tay mà cầm tấm thẻ như vậy, George mang nó lại chỗ một trong ba cô thư ký, người sẽ đảm trách việc trả nó về Phòng Tổ chức. George nhặt chiếc giũa móng tay trên bàn cô thư ký, vừa giả đò rạch một đường trên tấm thẻ vừa nói, “Để xem có đủ sắc không nào.” Cô thư ký cười nhạt, ánh mắt thoáng lên vẻ khó chịu vì bị quấy rầy. George coi đó như sự báng bổ.
Cảm thấy thà tự vui vẻ với chính mình còn hơn ở lại đây, George bước ra khỏi văn phòng, hướng tới khu căn-tin.
Ông bắt đầu sải bước trên con đường trống rộng lớn giữa khuôn viên trường, bao quanh bởi tòa nhà Khoa Nghệ thuật, phòng thể dục, tòa nhà khoa Công nghệ và tòa Quản lý. Bãi cỏ và những rặng cây con vừa được trồng với hy vọng sẽ cao lớn và tỏa tán xum xuê, đem lại cho nơi đây chút bóng râm dịu mát trong vài năm nữa, nhưng chẳng biết chừng khi đó chúng sẽ lại bị chặt bỏ cùng với các tòa nhà này để xây lại như ông đã dự đoán. Không khí phảng phất vị sương khói, khiến mắt ông cay cay. Những ngọn núi trong dãy San Gabriel - thứ vẫn mang lại cho trường Cao đẳng Bang San Tomas này vẻ huyền bí quyến rũ của một trường học cao chót vót trên rặng Andes - đang ẩn náu trong làn khói vàng chán ngấy tỏa ra từ thành thị dưới chân nó như thường lệ.
Và giờ thì, bốn bề xung quanh George, những bóng người đang tiến sát lại gần, từ mọi hướng vượt qua lối ông đi, đó là những cô cậu sinh viên, những sinh vật hữu hình, những nguyên liệu thô sơ được nuôi dưỡng hằng ngày tại nơi đây, vượt qua chặng đường dài trên xa lộ chờ để được nhồi nhét, đóng gói và chuyển ra chợ bán: Da đen có, Mexico có, Do Thái có, Nhật có, Trung Quốc có, La tin có, Đông Âu có, Bắc Âu có, những cái đầu đen nhỏm lấn át những cái đầu vàng. Có kẻ vội vã cho kịp thời gian biểu, có kẻ đứng quanh quẩn vô công rồi nghề buôn chuyện với nhau, có kẻ vừa đi vừa nghiêm túc tranh cãi, có kẻ lẩm nhẩm bài học một mình, kẻ nào cũng tay nách xách mang hàng đống sách trên mình, kẻ nào cũng căng thẳng lo lắng.
Chúng nghĩ chúng đang làm gì ở đây? Ừ thì còn gì khác ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống trước mắt (Có nghĩa là công việc, sự ổn định để có thể nuôi dưỡng con cái của chúng sau này). Nhưng bất kể những hướng nghiệp viên đã khuyên nhủ gì, bất kể những tờ bướm nói bao nhiêu tiền chúng sẽ kiếm được nếu chọn những ngành học tân tiến - như dược sĩ, kế toán hay hàng loạt những công việc đa dạng chúng có thể có nếu chọn ngành điện tử chẳng hạn - vẫn có không ít sinh viên theo đuổi văn chương, kịch nghệ. Đờ đẫn vì thiếu ngủ, chúng tranh thủ vội vàng nguệch ngoạc chút thơ văn trong giờ giải lao giữa các tiết, trong lúc chuyển ca làm thêm buổi tối, hay trong cuộc sống gia đình bận rộn. Đầu óc chúng mụ mị với ngôn từ khi đang lau chùi sàn nhà của các văn phòng cao ốc, phân loại thư trong bưu điện, pha sữa cho trẻ nhóc hay rán hăm-bơ-gơ trong nhà hàng. Đâu đó trong sự nô lệ của cuộc sống với những ràng buộc của chúng, một giọng nói thì thào thúc giục chúng hãy sống đi, hãy trải nghiệm và tận hưởng đi. Chúng tự hỏi, “Một mùa ở địa ngục”, “Hành trình xuyên đêm”, “Bảy cột thông thái”, “Ánh sáng khuyết”... Liệu chúng có bao giờ viết được thứ gì giống như vậy? Ồ, dĩ nhiên rồi. Ít là có một đứa, nhiều thì hai, ba đứa - trong cả chục ngàn người.
Ở đó trong chính giữa sự khởi đầu của hành trình của chúng, George cảm thấy chóng mặt bàng hoàng thay. Hỡi Chúa, tất cả chúng nó rồi sẽ về đâu? Chẳng lẽ ta nên hét vào mặt chúng nó, ngay lúc này đây, ở chính giảng đường này đây, rằng tất cả chỉ là vô vọng mà thôi?
Nhưng George không thể làm vậy. Bởi vì, lố bịch làm sao, bất công làm sao, cho dù thế nào đi nữa thì ông cũng là đại diện của hi vọng. Mà hi vọng thì không thể là sai lầm. Không, chỉ là, George giống như một người đang cố bán những viên kim cương để đổi lấy một đồng xu, trên đường phố. Viên kim cương bị ngó lơ bởi mọi người trừ một số hiếm hoi những người biết giá trị của nó, vì phần đông những người vội vã ngoài kia chẳng dám dừng lại để tin rằng nó lại có thể là thật.
Các thông cáo về hoạt động hiện thời của sinh viên được dán đầy ngoài cửa căn-tin: Đêm Bắc Mỹ, Dã ngoại Hiệp sĩ, Vũ hội Hoàng gia, Hội nghị Công dân và trận đấu quan trọng với LPSC. Những thông cáo về các sự kiện của các đoàn thể San Tomas này không được thuyết phục cho lắm, vì chúng được truyền thông chỉ bởi một số nhỏ những thành viên tích cực. Lũ nam sinh nữ sinh còn lại thì không nghĩ chúng thuộc về hội nhóm, đoàn thể nào cả, cho dù chúng sẵn sàng giả vờ là chúng có, trong những dịp lễ đặc biệt mà thôi. Điểm tương đồng duy nhất mà chúng chia sẻ với nhau là sự vội vã, gấp rút, sự cấp bách phải hoàn thiện bài tập mà chúng đáng lẽ phải nộp từ ba ngày trước. Mỗi khi George tình cờ nghe được cuộc hội thoại giữa chúng, thì luôn luôn là về những gì chúng đã không làm được, về nỗi sợ hãi của chúng trước những gì giáo sư sẽ bắt chúng làm, về sự liều mạng cố tình không làm và rồi may mắn thoát nạn.
Căn-tin chật ních. George đứng ở ngưỡng cửa, ngó xung quanh. Giờ đây khi đã trở lại là người có ích cho công chúng, ít nhất là cho công chúng ở trong trường này, một tấm gương ở Cao đẳng San Tomas, ông nóng lòng để được sử dụng. Ông ghét phải nhìn thấy dù chỉ một phút của mình bị lãng phí. Ông bắt đầu đi dọc các bàn với một nụ cười thăm dò trên môi, một nụ cười mang công suất 40 oát và sẵn sàng nhảy lên 100 oát ngay khi có người muốn thấy nó.
George đã nhìn thấy Russ Dreyer. Dreyer đang đứng lên khỏi bàn của mình để chào ông. Cậu ta thực sự hữu ích với George trong thời gian vừa qua. Dreyer đã dần dần trở thành người giúp việc, trợ lý và vệ sĩ cho George. Cậu ta là một chàng trai trẻ góc cạnh, khuôn mặt mỏng với kiểu đầu cắt thẳng băng ở đỉnh và cặp kính không vành. Dreyer đang mặc loại áo thể thao gì đó của người Hawaii, trông chẳng ăn nhập với tạng người cậu ta chút nào. Áo lót của cậu ta hiện ra lấp ló nơi cổ áo hình chữ V không cài khuy, trông sạch bong như áo mổ giống mọi ngày. Dreyer là một sinh viên xuất sắc, bản sao người châu Âu của cậu ta chắc hẳn phải khô khan và cáu bẳn lắm. Nhưng bản thân Dreyer thì không hề khô khan hay cáu bẳn chút nào. Ở cậu ta có sự hài hước ngầm, và với tư cách một cựu thủy quân, cậu ta khá mạnh mẽ. Có lần, Dreyer kể cho George nghe một buổi tối giản dị giữa cậu ta và vợ, Marinette, cùng với bạn cậu ta - Tom Kugelman và vợ Tom. “Tom và em đã tranh cãi về tác phẩm Finnegans Wake[9]. Nó kéo dài cho đến tận khi bữa tối đã kết thúc. Vậy nên cánh chị em nói họ chán nghe bọn em cãi nhau lắm rồi và bỏ đi xem phim. Tom và em rửa bát. Lúc đó, đồng hồ đã điểm 10 giờ đêm mà cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ.
Thế là bọn em lại lôi bia từ trong tủ lạnh ra, kéo nhau ra vườn. Tom đang xây một căn nhà kho ở đó, nhưng vẫn chưa lợp xong mái. Bỗng nhiên cậu ta thách em thi kéo xà. Thế rồi bọn em bắt đầu dùng dầm mái thay cho xà, em đã đánh bại cậu ta với tỷ số 13-11.”
[9] Finnegans Wake là tiểu thuyết của nhà văn người Ai Len, James Joyce, xuất bản ngày 4 tháng 5 năm 1939.
George bị mê hoặc bởi câu chuyện này. Bằng cách nào đó mà nó nghe như thể một câu chuyện thần thoại Hi Lạp.
“Chào buổi sáng, Russ.”
“Chào buổi sáng, thưa ngài.” Không phải vì sự khác biệt tuổi tác mà Dreyer gọi George là “ngài”. Ngay khi họ vượt qua mối quan hệ “giả quân đội” này, cậu ta sẽ gọi ông là “George” hay thậm chí là “Geo” không chút ngần ngại.
Họ cùng nhau đi đến máy pha cà phê, đổ đầy cốc, chọn doughnuts từ quầy bánh ngọt. Họ quay trở lại quầy thanh toán, Dreyer đã nhanh tay đưa tiền cho cô bán hàng. “Để em được trả cho ngài.”
“Ngày nào cậu cũng trả cho tôi rồi.”
Dreyer cười toe toét. “Kể từ ngày em bảo Marinette nhà em đi làm, chúng em ngập trong tiền.”
“Cô ấy đã bắt đầu đi dạy rồi sao?”
“Mới bắt đầu thôi ạ. Dĩ nhiên chỉ là tạm thời. Phiền nỗi, cô ấy phải dậy khá sớm để đến trường.”
“Vậy là cậu phải tự chuẩn bị bữa sáng cho mình?”
“Ôi, có gì to tát đâu ạ. Vả lại, chỉ cho đến khi cô ấy kiếm được việc gần nhà hơn. Hoặc cho đến khi em làm cho bụng cô ấy to ra.” Rõ ràng cậu ta thích thú với những chia sẻ kiểu đàn ông - với - đàn ông này với George. George tự hỏi liệu cậu ta có biết chuyện về ông? Liệu có ai biết? Ồ, dĩ nhiên là có rồi. Nhưng họ cũng chẳng thèm bận tâm. Họ không muốn biết về cảm xúc hay nỗi đau cũng như bất kỳ thứ gì từ cổ ta trở xuống. Ta chỉ như một cái đầu đặt trên đĩa được mang đến giảng đường để dạy.
“Nói mới nhớ,” Dreyer nói, “Marinette muốn nhờ em hỏi ngài, không biết ngài có thấy phiền nếu ghé qua nhà của bọn em một lần nữa không? Bọn em sẽ nấu spa-ghét-ti, có thể Tom sẽ mang cuộn băng mà em đã kể cho ngài nghe - cuộn băng cậu ấy lấy được từ cửa hàng băng đĩa trên Berkeley về Katherine Anne Porter[10] đang đọc tác phẩm của chính bà...”
[10] Katherine Anne Porter (15/5/1890 đến 18/9/1980): là nữ phóng viên, nhà văn, nhà báo, tiểu thuyết gia và nhà hoạt động chính trị đã đoạt giải Pulitzer.
“Dĩ nhiên rồi,” George trả lời bâng quơ. Ông liếc nhìn đồng hồ rồi nói “Chúng ta nên khẩn trương vào lớp đi thôi.”
Dreyer không phiền lòng vì sự thờ ơ của George. Có thể vì cậu ta cũng chẳng muốn George đến dùng bữa nhiều hơn bản thân George muốn đi là mấy. Tất cả chỉ là hình thức mà thôi. Marinette đã bảo anh mời ông, anh đã mời và George đã đồng ý ghé thăm nhà họ, một lần nữa. Điều này có nghĩa là George đã trở thành một người thân thiết và sẽ được nhắc đến sau nhiều năm nữa như một phần cuộc sống của họ trong những ngày xa xưa. Ồ phải, nhà Dreyer sẽ trung thành làm hết sức mình để vị trí của George được đảm bảo cùng với những câu chuyện cũ rích của những ngày xưa cũ. George có thể dễ dàng hình dung ra một buổi tối những năm 1900, khi Russ đã là Chủ nhiệm khoa Anh ngữ ở Trung Tây Mỹ và Marinette là mẹ của những cậu con trai, con gái đã trưởng thành. Trước sự có mặt của những trợ giảng trẻ và vợ của họ ngồi đó giải khuây cho ông bà Dreyer, vui mừng khôn xiết khi đưa được ông Chủ nhiệm khoa vào hứng kể chuyện, thơ thẩn và lầm bầm những giai thoại cũ rích với nụ cười ngà ngà say trên môi, viếng thăm lại mê lộ của các truyền kì, mà George và nhiều những người khác sẽ là những nhân vật của câu chuyện, dĩ nhiên sẽ bị xuyên tạc đi phần lớn. Còn Marinette sẽ không thôi mỉm cười, sẽ ngồi đó lắng nghe với một lỗ tai thứ ba - lỗ tai đã nghe những câu chuyện này không biết bao nhiêu lần trước đó - vừa cầu nguyện cho đồng hồ mau điểm 11 giờ. Và nó sẽ điểm. Và tất thảy mọi người sẽ gật gù tán thưởng rằng đó quả là một buổi tối đáng nhớ.
Vừa đi về phía giảng đường, Dreyer vừa hỏi George nghĩ gì về những điều giáo sư Leavis nói về ngài Charles Snow[11] (Những nhân vật già nua bất hạnh cũ kỹ và các câu chuyện chiến chinh từ thuở hồng hoang của họ vẫn còn là tin thời sự ở cái Bang rỗng tuếch luôn trong tình trạng lờ mờ ngái ngủ này). “Đầu tiên phải nói là...” George bắt đầu.
[11] Charles Percy Snow (15/10/1905 đến 01/01/1980): là nhà hóa học, nhà văn nổi tiếng với bộ tiểu thuyết Stranger & Brothers và The Two Cultes.
Lúc này, họ đang đi ngang qua sân tennis. Chỉ một phần sân là đang bận rộn. Một cặp thanh niên đang thi đấu đơn. Mặt trời đã ló dạng với cái nóng dữ dội xuyên qua màn sương đổ bóng lên hai chàng trai gần như đang trần truồng trên sân kia. Trên người họ hầu như chẳng có gì ngoài đôi giày thể thao và đôi vớ dầy cộm ướt đẫm mồ hôi, quần đùi giống của vận động viên đua xe đạp hay mặc, rất ngắn và bó sát làm hiện rõ hình dáng của cặp mông tròn căng và thắt lưng thon gọn. Họ hoàn toàn không nhận ra có kẻ vãng lai đang đi ngang qua, lạc lõng trong sự mải mê hăm hở với trận đấu của họ. Bạn sẽ cứ tưởng không có sợi dây liên kết nào giữa hai người bọn họ. Nhưng sự lõa lồ khiến họ gần nhau hơn và trực tiếp đối chọi, thân thể với thân thể, như những đấu sĩ. Nếu đây là một cuộc chiến, thì đó sẽ là cuộc chiến một chiều, vì cậu trai bên cánh trái nhỏ hơn rất nhiều. Có lẽ cậu ta người Mexico, tóc đen, điển trai, sắc sảo như một chú mèo, dữ tợn, săn chắc, uyển chuyển, cơ bắp, nhanh nhẹn và duyên dáng trên đôi chân của mình. Thân thể cậu ta màu vàng nâu sẫm tự nhiên. Những sợi lông tơ xoăn đen nhô ra ở ngực, bụng và đùi cậu ta. Cậu ta chơi rất nhanh nhẹn và mạnh mẽ với sự điều khiển quyết liệt, lộ ra hàm răng trắng bóng mỗi khi đánh bóng trả lại phía đối phương. Cậu ta sẽ thắng và đối thủ - một chàng trai tóc vàng to lớn - cũng đã biết điều này, nhưng vẫn can đảm chống trả. Anh chàng tóc vàng có vẻ đẹp tự nhiên ngọt ngào, lộng lẫy. Nhưng dáng dấp của một chiến binh Hi Lạp vô cảm mạnh mẽ dường như là bất lợi cho cậu ta. Những luật lệ của cuộc chơi đã ngăn cản hoạt động của chính cậu ta. Cậu ta chiến đấu trong sự bất lợi đến vô vọng. Đáng lý cậu ta nên vứt quách cây vợt đi, nhảy qua rào chắn giữa hai sân và chứng tỏ sức mạnh cơ bắp lạnh lùng cho con mèo vàng Mexico kia biết. Nhưng không, trái lại, cậu trai tóc vàng chấp nhận luật chơi và gắng gượng chống trả, cậu thà chấp nhận giãy giụa trong thất bại và tủi nhục còn hơn là phá vỡ luật. Vóc dáng to khỏe và mái tóc vàng tuy không giúp cậu chiến thắng nhưng sẽ giúp cậu có được tinh thần thượng võ mà ngày nay chẳng còn ai thèm bận tâm. Cậu sẽ chiến đấu công bằng, như một vận động viên chân chính nhất, cho đến khi cậu bị đánh bại. Liệu điều tương tự có xảy ra với cậu suốt cuộc đời này? Liệu cậu có tự đưa mình vào những trận đấu sai lầm, những trận đấu không dành cho cậu, chống lại những đối thủ nhanh nhẹn, mạnh bạo, thông minh và tàn độc?
Trận đấu này thật tàn nhẫn; nhưng chính sự tàn nhẫn đó khiến George bị kích động và rung cảm, dấy lên một nỗi hưng phấn tràn ngập trong lòng. Ông cảm thấy run lên bần bật vì sự thỏa mãn khi cảm nhận được sự hăm hở bùng nổ trên sân. Từ sâu thẳm trái tim, ông cảm ơn những con mãnh thú trẻ kia vì vẻ đẹp của chúng. Và chúng sẽ không bao giờ biết được việc chúng đang làm kia đã khiến giây phút này thật huy hoàng và rực rỡ đối với ông, khiến cho cuộc sống trở nên bớt cay nghiệt...
Dreyer vẫn đang liến thoắng bên tai ông, “Xin lỗi, thưa ngài - em không được hiểu ý ngài lắm. Dĩ nhiên, em hiểu về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, nhưng có phải ý ngài là ngài đồng ý với giáo sư Leavis?” Không chút bận tâm đến những gì đang diễn ra trên sân tennis, Dreyer sải bước quay lưng lại phía họ, tất cả sự tập trung của anh hướng vào đôi môi mấp máy của George.
Dĩ nhiên cái đôi môi đó vẫn đang liến thoắng không ngừng. George nhận ra với cùng một cảm giác hụt hẫng như lúc ở trên xa lộ, khi cái thân thể ông tự động lái cả con người ông đến đây. Ồ phải, ông biết cái miệng tự động nói của mình có thể làm được những gì, ông đã chứng kiến nó nói chuyện hàng giờ đồng hồ trong những buổi tối muộn, khi chính ông đang mệt, buồn chán và ngà ngà say, nó đã giúp ông vượt qua những buổi tiệc chán ngắt. Nó có thể tự động bắn ra những tràng diễn thuyết ưa thích của George, miễn sao không có ai cãi lại nó, nếu không nó sẽ bị làm cho rối ren. Nó biết ít nhất ba chục giai thoại về ông để kể. Nhưng hôm nay nó lại xuất hiện ở đây, trong ánh sáng ban ngày, giữa khuôn viên trường, giữa những giờ lên lớp, khi George cần phải ở trong trạng thái diễn kịch mọi phút giây và phải hoàn toàn kiểm soát vở diễn của mình. Liệu có phải cái miệng tự động và cái thân thể tự động của ông đang cùng nhau nổi dậy? Có phải chúng đang muốn hợp nhất?
“Chúng ta không có đủ thời gian để bàn về chuyện đó vào lúc này,” ông nhẹ nhàng nói với Dreyer. “Và thêm vào đó, tôi muốn tham khảo lại bài luận của Leavis thêm một chút. Tôi nghĩ mình vẫn còn giữ cuốn Độc Giả mà có đăng bài đó ở nhà... Ồ, nhân tiện, cậu đã đọc tác phẩm mới của Mailer[12] chưa? Đăng trên tạp chí Esquire[13] khoảng một tháng trước thì phải. Đó là một trong những tác phẩm hay nhất mà tôi được đọc trong một thời gian khá dài trở lại đây...”
[12] Norman Kingsley Mailer (31/01/1923 đến 10/11/2007): là nhà văn, nhà báo, nhà phê bình, biên kịch và là nhà sản xuất phim, diễn viên và ứng cử viên chính trị. Ông nổi tiếng với tác phẩm The Executioner’s Song, tác phẩm đã mang về cho ông một giải Pulitzer trên tổng số hai giải trong cả sự nghiệp của ông.
[13] Esquire: tạp chí đàn ông của Mỹ.
Giảng đường nơi George dạy là một phòng học dài có hai cửa ra vào, một ở trước, một ở cuối phòng. Hầu hết các sinh viên vào lớp qua cánh cửa ở đằng sau, bởi vì chúng, những thanh niên nhút nhát bướng bỉnh đến điên tiết thích hùa nhau đối mặt với các giáo sư sau rào cản của những hàng ghế trống đằng trước. Nhưng học kỳ này, số sinh viên ít hơn số ghế của căn phòng một chút, nên những kẻ đến sau buộc phải ngồi dần lên trước, tới gần sự thỏa mãn quỷ quyệt của George; rồi cuối cùng chúng cũng phải ngồi hết lên tới hàng ghế thứ hai. Riêng hàng ghế đầu, mà hầu hết bọn chúng đều cố tránh xa hết mức, George có thể lấp đầy với những sinh viên ruột của ông: Russ Dreyer, Tom Kugelman, Nữ tu Maria, ông Stoessel, bà Netta Torres, Kenny Potter và Lois Yamaguchi.
George không bao giờ đi vào lớp cùng một lúc với Dreyer hay với bất kỳ sinh viên nào khác. Một bản năng chính kịch đã ăn sâu vào gốc rễ ngăn cấm ông làm điều đó. Chính trong những lúc như thế này là lý do duy nhất ông dùng đến văn phòng của mình - một nơi để ông rút lui vào trước khi bắt đầu giờ lên lớp, đơn giản chỉ để ông có thể tái xuất hiện trở lại từ đó và bước vào cửa lớp. Ông không tiếp sinh viên trong đó, vì những văn phòng kiểu này phải chia sẻ với ít nhất là hai thành viên khác của khoa, mà giáo sư Gottlieb, giảng viên Thơ Trừu tượng thì lúc nào cũng ở đó. George không thể nói chuyện với một người khác như thể chỉ có hai người với nhau khi mà thực tế không phải vậy. Ngay cả một câu hỏi vô hại nhất như, “Cậu thực sự nghĩ gì về Emerson?” cũng thật là quá mức riêng tư, và một lời phê bình hòa nhã như, “Bài cậu viết là một sự ẩn dụ nửa vời hỗn độn và nó không thực sự có nghĩa”, nghe cũng tàn nhẫn không cần thiết, khi mà giáo sư Gottlieb dang ngồi ngay đó, trên chiếc bàn làm việc của ông, nghe hoặc tệ hơn là giả vờ không nghe bọn họ nói chuyện. Hiển nhiên Gottlieb không nghĩ như ông. Có lẽ đó là sự thận trọng quá mức đến kỳ quặc của người Anh.
Chia tay Dreyer, George đi vào văn phòng của ông. Nó nằm ngay cuối hành lang. Lạ kỳ, Gottlieb chưa đến. George liếc nhìn qua cửa sổ giữa những khe hở của tấm rèm che mỏng và thấy ở xa xa, hai cậu thanh niên trẻ vẫn đang chơi trên sân tennis. Ông ho nhẹ, lật qua lật lại cuốn danh bạ mà không thèm nhìn vào nó, đóng lại ngăn tủ đang hé mở nơi bàn làm việc. Rồi ông đột ngột đứng dậy, lôi chiếc cặp ra khỏi tủ và rời văn phòng để lên lớp.
Sự xuất hiện của ông khá lặng lẽ so với tiêu chuẩn thông thường. Tuy nhiên, đây là một việc có tính toán trước, tinh vi và hiệu quả đặc biệt. Không có những tiếng “Suỵt!” vang lên khi George bước vào. Hầu hết các sinh viên vẫn tiếp tục trò chuyện ồn ào. Nhưng chúng đều nhìn và đợi ông ra hiệu, dù chỉ là một tín hiệu nhỏ, báo rằng lớp học bắt đầu. Sự căng thẳng dần tăng lên khi George cố tình chọc ghẹo bằng cách không đưa ra bất kì tín hiệu nào và các sinh viên thì kiên quyết không ngừng nói chuyện cho đến khi ông bảo ngược lại.
George cứ đứng đó, trầm lặng và khoan thai như một ảo thuật gia, ông lôi trong cặp ra một cuốn sách và đặt nó lên bàn. Trong khi làm việc đó, mắt ông thong thả đảo qua từng khuôn mặt các sinh viên trong lớp. Môi ông cong lên tạo ra một nụ cười phảng phất nhưng mạnh bạo. Một số sinh viên mỉm cười lại với ông. George thấy việc đối mặt này cực kỳ thú vị. Ông kéo sức mạnh từ những nụ cười, những ánh mắt sáng ngời của chúng ra. Với ông, đây là một trong những khoảnh khắc cao trào trong ngày. Ông cảm thấy sáng ngời, lỗi lạc, sống động, thử thách, một chút bí hiểm và trên hết là lạ lẫm. Bộ cánh sẫm màu thon gọn, áo sơ mi trắng và cà vạt (chiếc cà vạt duy nhất trong cả căn phòng) của ông lạc lõng đến khác thường trước những nam sinh viên trẻ xuề xòa và hung hăng. Hầu hết bọn họ đi giầy bệt và tất len trắng, mặc quần jean khi trời trở lạnh, quần soóc khi trời nóng (loại quần bó sát đến tận vùng Bermuda mà phải nói là ông cực ghét vì chúng thật khiếm nhã). Nếu nóng, chúng kéo tay áo lên cao và thi thoảng không thèm cài khuy áo để khoe những sợi lông ngực cong một cách khêu gợi. Trông chúng như thể sẵn sàng bỏ việc học hành bất cứ lúc nào để đi khai quật hay quyết đấu bang hội vậy. Chúng trông như những đứa trẻ vụng về nếu đem so với các cô bạn gái cùng lớp, những nữ sinh trưởng thành sớm hơn so với lứa tuổi vị thành niên của chúng trong những chiếc quần Capri, những chiếc áo hở hang và những cái đầu to tổ chảng vì mái tóc bồng quá lố. Chúng đã là những phụ nữ trưởng thành và đến trường ăn mặc như thể chúng đang đi dự dạ tiệc thượng lưu sang trọng.
Buổi sáng hôm nay, George để ý thấy tất cả sinh viên hàng ghế đầu của ông đều đã có mặt. Dreyer và Kugelman là hai người duy nhất ông đã từng nhờ ngồi đó để lấp đầy những ghế trống, số còn lại có lý do riêng của chúng để chọn chỗ này. Trong lúc George giảng bài, Dreyer nhìn ông với vẻ lanh lợi động viên; nhưng George biết rằng Dreyer không thực sự thấy ấn tượng với ông. Trong con mắt của Dreyer, ông sẽ mãi chỉ là một kẻ ngoại đạo với tấm bằng và lai lịch của một người Anh, điều đó có nghĩa rằng ông không đáng tin tưởng cho lắm. Cho dù vậy, George vẫn là cấp trên, là một Ông Già, và Dreyer bằng việc hỗ trợ quyền thế cho ông, sẽ là sự ủng hộ cho cơ cấu quyền lực thăng tiến mà cậu ta định trèo lên theo đó. Vậy nên cậu ta bám lấy George để được trở nên nổi bật và ấn tượng trước con mắt của người ngoài - mà ở đây là, tất thảy mọi người trong lớp. Điều buồn cười là, Dreyer, với lòng trung thành tuyệt đối không che đậy, được quyền tự do để rỉ vào tai Kugelman, cánh tay mặt của hắn, bất cứ khi nào cậu ta muốn. Và mỗi lần như vậy, George lại dừng lại để lắng nghe những gì họ nói về ông. Theo bản năng, George chắc chắn rằng Dreyer sẽ chẳng bao giờ dám nói về ai khác ngoài ông trong lớp, vì như vậy thì không được tốt đẹp cho lắm.
Sơ Maria thì ở đây theo yêu cầu. Cô sẽ sớm nhận được chứng chỉ sư phạm và trở thành một giáo viên. Không chút nghi ngờ, cô chính là một mẫu phụ nữ trẻ không tham vọng, cần cù và quá đỗi bình thường. Cô chọn ngồi ở hàng ghế đầu để có thể tập trung hơn, hoặc có thể vì những nam sinh viên vẫn còn thích thú với cô và cô muốn tránh nhìn vào chúng. Nhưng chúng ta, hay ít nhất là phần đông chúng ta, đều đánh mất sự cân bằng của bản thân trước sự hiện diện của một nữ tu; và George, với một khoảng cách ngắn tới cô dâu của Chúa trong trang phục nữ tu đó, thấy mình bối rối và cảnh giác. Là một cư dân của thế giới Địa ngục, ông đối mặt với chiến binh của Thiên đàng trong cuộc chiến tranh lạnh của sự lịch sự quá mức. Mỗi câu từ ông nói với cô, ông đều gọi cô là “Sơ”; mà có lẽ cô chẳng thích được gọi chút nào.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT