Việt-Kim ngẩng phắt đầu như một con búp bê hình nộm có giây giật. Em đưa tay lên dụi mắt, vén gọn những lọn tóc nâu tơ mịn lòa xòa che kín cả mắt.
Tia nhìn loang loáng, bao quát một vòng kéo tâm trí em trở về thực tại... Thì ra thân mình em đang lơ lửng trên chín tầng mây trắng cách mặt biển trong xanh, mênh mông sóng nước của Ấn-Độ Dương có trên 3.000 thước. Kề sát ngay bên cạnh là ký giả Hải Âu, cha em, trong một chiếc ghế nệm nhung êm của chiếc phi cơ vĩ đại đang soải cánh trực chỉ Du-Ráp! Một tiểu vương quốc, nhỏ bé nhưng nổi tiếng nhờ những giếng dầu lửa. Chỉ chút nữa đây, máy bay sẽ hạ cánh ghé Ba-Lê, tại phi trường Óoc-Ly.
Việt-Kim vươn vai thoải mái tự nhủ:
- "Chuyến bay du lịch này quả là một cuộc phiêu lưu kỳ thú chỉ có được trong những chuyện thần tiên".
Việt Kim đã được đọc nhiều sách báo nói về tiểu quốc Du-Ráp. Những trang sách kể các chuyện kỳ thú về sự tích "Ngàn lẻ một đêm"...
Trí óc lâng lâng, em hình dung lại bóng vị "thần" vừa hiện ra trong giấc mơ hồi nãy. Và em thấy vị thần đó thật là giống "chú Ngọc" ghê. Giống chú Ngọc? Tại sao lại có thể giống chú Ngọc được nhỉ?... À, chắc vì, có tới gần một tuần nay, chú Ngọc cứ bắt Việt Kim đọc mãi để được biết nhiều tin tức về cái tiểu quốc tí hon của miền Trung Đông đó. Chắc thế rồi! Chú Ngọc chả là Giám Đốc Nha Thông Tin Đô-Thành vừa là bạn rất thân của ký giả Hải Âu, ba em mà. Và việc em được theo ba đi du lịch đây cũng là nhờ chú Ngọc một phần lớn.
Tiếng ngáy pho pho của ký giả Hải Âu nơi ghế nhung bên cạnh đã làm em tỉnh ngủ. Em nhẹ nhàng đỡ đầu, khẽ nâng vai cha cho ngồi ngay ngắn lại, và tủm tỉm cười thầm nghĩ:
- Ba chỉ ngủ là tài! Vậy mà hứa là sẽ đánh thức mình dậy khi phi cơ bay tới trời Âu đấy. Té ra chính mình lại phải đánh thức ba ấy chứ!
Việt Kim đưa tia mắt trìu mến ngắm khuôn mặt rắn rỏi, đường nét thanh tú, rám nắng của người cha thân yêu. Ngay cả khi ngủ, ký giả Hải Âu cũng vẫn có cái vẻ đặc biệt của người có một sức sống mãnh liệt.
Ngồi thoải mái trong ghế bành bọc nhung êm, hai tay khoanh lại, bắt chéo trước ngực, đôi mắt nhắm kín, nhưng sắc diện ông vẫn toát ra một cái gì rất sống động như đang ngưng tụ thần trí đặng đặt một vài câu phỏng vấn một nhân vật trứ danh trên màn ảnh truyền hình vậy.
Nhưng Việt Kim chợt nhận ra hình bóng một nếp nhăn rất nhỏ chạy ngang trán ông Hải Âu. Chắc trong lòng ông đang có một sự gì lo lắng. Và chẳng hiểu điều lo lắng ấy liệu có gì dính dáng đến công việc của ông tại Du-Ráp không? Tuổi trẻ dễ buồn mà cũng dễ vui. Nếp nhăn nhỏ trên trán cha chợt làm em áy náy, nhưng khi nghĩ tới "chú Ngọc", giám đốc Nha Thông Tin Đô Thành, em lại thấy trong lòng phấn khởi vô cùng.
Hơn một năm nay, ông Ngọc tuyển Việt Kim vào tập sự làm ký giả. Mấy tháng sau, ông lại chiều ý, biệt phái em qua phụ tá cho ông Hải Âu, cha em, một cây viết kỳ cựu, tuy tuổi mới ngót 40, của đài Phát Thanh và Vô Tuyến Truyền Hình. Hải Âu! Cứ nhắc đến hai tiếng đó, các khán thính giả của Vô Tuyến Truyền Thông, Truyền Hình lại nhớ ngay đến những cuốn phim tài liệu thời sự quốc tế với những bài dẫn giải rất có giá trị của ông. Tại khắp mọi nơi trên thế giới hễ nơi nào hơi có một cái gì lạ, là thế nào ký giả Hải Âu cũng cậy cục xin đi cho bằng được, để săn tin và thu hình.
Với danh nghĩa phụ tá, Việt Kim thường tháp tùng cha hầu hết trong các cuộc du lịch từ Á sang Âu, Úc, Mỹ, Phi... Ký giả Hải Âu thường hay nửa đùa nửa thật, bảo con gái yêu:
- Con sẽ là đôi mắt, đôi tai thứ hai của ba đó, nghe!
Quả có thế! Công việc của Việt Kim là sưu tầm các sự kiện, tổng hợp mọi yếu tố, moi móc, phát giác ra những chi tiết đặc biệt và đôi mắt thì lúc nào cũng phải có một cái nhìn thật tinh tế để nhận ra được những nét độc đáo, những khía cạnh đặc biệt của sự việc và sự vật.
Giờ đây, em đang cúi xuống, khom người bới tìm dưới gầm ghế ngồi, cái sắc tay và đôi giày đã tháo ra cho đỡ tức chân từ lúc lên phi cơ. Em muốn sửa soạn lại một chút cái khuôn mặt đẹp, rồi sau đó mới đánh thức ba dậy để ba được vui sướng với niềm kiêu hãnh có được một đứa con gái rất xinh tươi.
Nhấc bỏ tấm chăn len mềm thơm vắt ngang người, Việt Kim nhẩy nhẹ qua chân ông Hải Âu, lướt ra lối đi ở giữa phi cơ, tiến về phía đuôi. Hành khách, đa số vẫn còn ngủ gà ngủ gật trong lòng ghế ấm.
Việt Kim ngắm bóng mình từ tấm gương sáng trong phòng rửa mặt. Sau tiếng la khẽ "Trời! Đầu với tóc!" em rút trong sắc tay ra một cái lược dài, đưa lên gỡ rối những lọn tóc nâu mịn đẹp như tơ. Úp mặt vào làn nước từ vòi "la va bô" chẩy đầy chậu men, Việt Kim nhẹ rùng mình khoan khoái với cảm giác toàn thân mát rượi. Một nốt ruồi tròn lệch về phía bên trái cái cằm xinh xinh khi em nheo mũi làm mặt xấu. Việt Kim lấy bông phấn chấm chấm, xoa xoa như muốn che lấp cái mụt ruồi "ăn tham" đó đi. Em tưởng như tiếng cô Hiền lại dịu dàng văng vẳng đâu đây. "Tại sao cháu lại cứ phải bôi xóa che lấp cái điểm ông trời đánh dấu đó vậy? Người ta kiêng cữ lắm đó nghe! Mà cô thấy cứ để thế lại càng đẹp, càng tôn nước da trắng hồng của cháu lên đấy chứ! Nhiều cô gái khác mong còn không được đó!"
Cô Hiền là em ruột ba Việt Kim. Cô thay thế má em đã khuất bóng từ năm em mới lên hai tuổi. Tuy ở ngay tại Saigon với anh và cháu từ lâu lắm rồi, cô Hiền vẫn giữ nguyên được nếp sống ngăn nắp, trật tự như hồi còn ở Hà Nội. Thêm vào đó là một tấm lòng vị tha không bờ bến xen lẫn chút ít tư tưởng châm biếm khôi hài tính chất xây dựng cho cháu và anh.
Bỏ chiếc bông phấn xuống. Việt Kim đưa tay làm một cái hôn gởi theo gió về Saigon cho cô.
Mở cửa bước ra, quay về chổ ngồi, đã thấy nhiều hành khách thức giấc, mắt mở tỉnh táo. Một chú bé đói bụng khóc oa oa. Cô chiêu đãi lẹ chân bước tới, kê vào miệng "búp bê" bình sữa ấm. Tiếng ngáp khẽ vẳng lên đây đó, nhiều cánh tay vươn vai nhô lên thụt xuống sau lưng ghế nệm êm.
Máy bay cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất
Việt Kim ngó đồng hồ tay. Hai chiếc kim dài ngắn vẫn chỉ theo giờ Việt Nam. 1 giờ 30! Vậy mà qua cửa sổ tròn, mặt trời đã rạng đông. Cô chiêu đãi tươi cười khuyên Việt Kim nên lấy lại cho đúng giờ địa phương.
Ký giả Hải Âu vẫn say ngủ. Việt Kim ghé mắt qua lỗ cửa sổ tròn bịt kiếng dầy, ngắm bờ biển nước Pháp. Một giải viền màu nâu hiện ra rõ rệt về phía bên tay mặt, đẹp mơ hồ như trong một bức tranh thủy mạc.
Việt Kim lay tay cha:
- Ba ơi! Ba! Dậy đi ba! Âu châu đây này, ba!
Ông Hải Âu giật nẩy người:
- Gì... gì? Cái gì thế? Ủa! Con thức dậy hồi nào đó?
Việt Kim nũng nịu:
- Ba ngủ hoài à! Chút xíu nữa là con lỡ mất dịp ngắm Pháp quốc từ trên phi cơ đó, hà!
Sau một giấc ngủ ngon, ông Hải Âu cười tươi, giọng thật vui, nhưng câu nói của ông úp mở, thông minh một cách rất tinh quái:
- Pháp quốc hả! À... à! Nước Pháp đẹp lắm hả con? Ừ, đẹp lắm; - Ông Hải Âu ngó qua cửa sổ tròn, - Ừ, ừ đẹp thật. Nhưng... nước Pháp thơ mộng chưa kịp... trải dầu, chưa kịp... sửa soạn kỹ. Khi phi cơ hạ cánh, con sẽ thấy nó còn đẹp hơn nhiều nữa kia. À, mà ba tưởng con gái ba đã có dịp biết Pháp quốc rồi chứ?
Việt Kim chẩu đôi môi:
- Lâu lắm rồi, còn nhớ được gì đâu ba. Hồi đó con còn bé chút xíu à!
- Ba đã cho con học cả tiếng Pháp nữa mà. Không nhiều lắm, nhưng chắc cũng đủ để vượt bứt các bạn trong lớp chứ?
-... Chưa chắc đâu, ba! May mà chú Ngọc lại bắt con đi học thêm "cua" tối đấy. Nếu không, giờ đây chắc gì con nói được tiếng nào.
- Vậy thì tốt lắm! Nói riết rồi con sẽ thạo ngay đó mà. Nhẩy vào cái nghề "báo bổ" này, tối thiểu con phải biết thêm hai sinh ngữ, nói thông viết thạo, không được tiếng Anh thì ít ra cũng phải có chút ít tiếng Pháp. Nhất chuyến đi này, cần Pháp ngữ lắm đó Việt Kim! Du-Ráp chả là một vương quốc do nước Pháp bảo hộ mà dân bản xứ nói hai thứ tiếng: Ả-Rập và Pháp ngữ.
- Con biết rồi, ba! Bởi vậy con phải "vòi" chú Ngọc cho theo ba bằng được để thử lại cái vốn liếng "com sì", "com sà" ở trong cái đầu này xem còn lại được bao nhiêu. Nhiều động tự bất quy tắc lắm khiến con điên cái đầu luôn đó, ba!
Ký giả Hải Âu mỉm cười:
- Nhưng con lại được cái can đảm, tinh thần vững lắm. Cái đó mới là điều cốt yếu... Thôi, để ba đi rửa mặt đã, nghe!
Ngồi lại một mình, Việt Kim thả hồn cho trí óc tự do tưởng tượng đến những ngày sắp tới... và gần hơn, những giây phút sắp tới, lúc phi cơ hạ cánh xuống phi trường Óoc-Ly, nghĩa là vào địa phận nước Pháp. Có lẽ không đủ thời giờ đi thăm Ba-Lê. Gọi được giây nói cho vài nơi cũng đã là may lắm rồi đó.
- Hay mình gọi cho anh Di cái coi! Chắc anh chưa hay tin mình đi Du-Ráp với ba chuyến này đâu.
Di được Bộ Thông Tin biệt phái qua Pháp đã được hai tháng nay và anh đã tỏ ra thích thú vô cùng. Đầu óc Việt Kim đầy rẫy, tràn ngập hình ảnh Mạnh Di và Ba Lê, kinh thành ánh sáng, rồi em cứ tưởng tượng hoài bóng dáng của Mạnh Di đang hoạt động trong cái vùng ánh sáng đó.
Mạnh Di, một cây viết rất trẻ của Việt Tấn Xã, cơ quan thông tin Việt Nam, có chi nhánh trên khắp hoàn cầu. Chính anh đã xung phong dự kỳ thi tuyển lấy đặc phái viên đi ngoại quốc, tên dính bảng vàng. Khi mới qua Ba Lê được vài ba tuần, anh đã gửi về những bài rất giá trị, so với số tuổi còn rất trẻ của anh. Vậy mà Việt Kim, lúc còn ở Saigon cứ đoán giá đoán non những là "anh sang bên ấy sẽ lạc lõng, bơ vơ thất bại..." với những gì nữa nghe "kinh" lắm. Dụng ý của Việt Kim, Mạnh Di ngầm biết, là chỉ nhằm cầm chân anh tại Saigon để... gần em mà thôi.
Việt Kim nở nụ cười, hồi tưởng lại những giây phút Di-Kim còn ở gần nhau, đi săn tin tại cùng một địa điểm, nắm cùng một sự việc, thảo luận, cãi nhau ỏm tỏm, tưởng chừng như có thể giận hờn nhau được. Nhưng thực ra, càng cãi nhau, lại càng yêu quí nhau. Những ngày đầu, sau khi tiễn Mạnh Di lên máy bay qua Pháp, Việt Kim đã buồn rũ ra. Vì... còn ai nữa đâu để dẫn em đi chợ Bến Thành những chiều thứ Bảy, lên Sở thú viết bài những sáng Chủ nhật mát trời. Nhưng đôi lúc Việt Kim lại có cảm tưởng được "giải thoát" trong cái cảnh kẻ ở người đi ấy. Lý do: Mạnh Di hay chòng ghẹo em, chế riễu em là "ký giả Babilac, học đòi làm nữ trinh thám Mai Hương ra cái điều..." Ghét ghê! Ghét anh Di ghê! Nhất là khi thấy Việt Kim có ý không vui vì chuyện anh sắp ra đi, Di lại còn cứ cầm tờ Sự vụ lệnh múa may trước mắt em để trêu tức. "Gồ ghề lắm chứ! Hề hề! Viết gồ ghề lắm mới được đi đấy chứ bộ! Ngòi bút "yếu" như "ai" kia thì còn lâu hề hề!"
Những câu nói thật sóc óc móc tim, ai mà chịu được. Nhưng đến khi gã thanh niên tinh quái bay bổng đi Tây rồi, Việt Kim lại thấy bâng khuâng... Và một câu hỏi chợt loé trong tâm não:
- Sang tới Ba Lê thế nào Mạnh Di cũng tìm ra một cô bạn gái đặng làm đối tượng để trêu ghẹo chứ, hừ!
Chưa kịp tự trả lời đã thấy cha trở về chổ ngồi. Cô chiêu đãi viên xinh tươi bưng khay thức ăn lót dạ bước liền theo sau...
Vừa uống cà-phê nóng thơm, Việt Kim và cha vừa bàn chuyện công việc. Duyệt lại chương trình đã hoạch định trước, lúc ra đi từ Saigon Việt Kim chợt giật mình nhận ra là mình chưa được biết một chút gì về tình hình chính trị tại Du-Ráp cả. Em chỉ biết đại khái Du-Ráp là một tiểu quốc nhỏ bé do một vị vương gọi là "Shah" cầm đầu cai trị. Tên vị vương đó: El Mohama Shah-Ja. Vương quốc gồm nhiều bộ lạc. Mỗi bộ lạc có một nền luật pháp riêng, nhưng tựu trung đều thần phục trung thành với quốc vương Mohama. Vị chúa tể này là một nhân vật đầu óc thấm nhuần tư tưởng tiến bộ, bình dân, nên được quần chúng thương mến vô cùng.
Mọi điều hiểu biết của Việt Kim chỉ có chừng đó. Thật là ít ỏi vô cùng.
Đúng lúc hai cô chiêu đãi thu dọn các khay đồ ăn thì máy phóng thanh loan giờ giấc địa phương, hiện trạng thời tiết, giờ phút hạ cánh tại phi trường Óoc-Ly cùng một đôi điều về thủ tục quan thuế. Tiếng nói giọng oanh trong vắt, bằng tiếng Pháp, đoạn bằng Anh ngữ.
Việt Kim thích thú ngó cha:
- Tin tức loan bằng tiếng Pháp, con hiểu gần hết ba ơi, thú quá!
Phi cơ soải cánh thu ngắn dần khoảng cách tiến về phi trường. Qua ô kính tròn, ngoại ô Ba-Lê hiện ra, kéo dài tưởng chừng như bất tận, mờ mờ trong đám sương sáng xám đục như một làn khói.
Phi trường Óoc-Ly! Vẫn như tự bao giờ: hành khách đổ xuống, rồi các phi công, nhân viên phi hành đi lại nhộn nhịp. Đúng là cảnh ngựa xe như nước áo quần như nêm. Hai cha con Hải Âu theo làn sóng người tiến đến ô cửa quan thuế...
Mười phút sau, Việt Kim đã thở ra một hơi dài nhẹ nhõm:
- Họ làm lẹ ghê! Con cứ tưởng như ở nước nhà, các ông quan thuế khám xét tỉ mỉ ghê lắm chứ. Bắt mở tung va-li, sắc tay... đủ thứ. May quá! Ở đây họ chỉ hỏi có gì cần khai không, vậy thôi ba à!
Tiếng người cha:
- Ừ! Thủ tục quan thuế tại đa số phi trường Âu châu chỉ có thế thôi đó, con!
Bộ áo đầm màu đỏ tươi may rất khéo, ôm vừa sát, làm nổi bật thân hình xinh xắn khoẻ mạnh của cô tiểu ký giả có nước da trắng như một bông hoa hồng bạch. Việt Kim càng nghĩ lại càng thấy tự bằng lòng mình lắm vì đã mang đôi giày gót phẳng thay cho đôi giày gót nhọn nên mới bước theo kịp bước chân đi nhanh như gió của cha.
Đột nhiên em linh cảm có một người nào đó đi theo sát bóng em đã từ mười phút trước, giờ đây đang sán đến gần sát bên em. Và:
- Thưa cô!... Cô có đem theo kẹo ngon thuốc lá thơm và một vài cái... nắm tay thân mến cho một người bạn thân đấy không hà cô?
Tiếng nói thình lình bằng tiếng Pháp rất thạo nhưng giọng nói thì ối chao! Đặc biệt... Saigon.
Việt Kim dừng chân đứng sững lai. Âm thanh giọng nói đó, chỉ thoáng nghe, dù nói tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhựt, em cũng đã nhận ra được là của ai rồi: Mạnh Di! Hà! Mạnh Di! Dù ở Saigon hay ở Ba-Lê, anh cũng vẫn là anh, chẳng có cái gì thay đổi!
Việt Kim trả đũa ngay:
- Chẳng có kẹo ngon, chẳng thuốc lá và dĩ nhiên là cũng chẳng có...
Giọng nói tinh quái thật nhanh chận ngay:
- Ấy, ấy! Khoan chút! Để đoán thử cái coi xem dĩ nhiên cũng chẳng có... a... a... cái gì này, a, bàn tay ấm áp cho người bạn xưa, há?
Việt Kim quay lại chìa tay ra nắm chặt bàn tay Mạnh Di, không cất nổi tiếng nói. Nhưng cái nắm tay thầm lặng ấy đã nói nhiều: "gặp lại anh em mừng không để đâu hết!"
Chàng trai nheo mũi:
- Trời đất! Việt Kim! Ở đây vắng Kim, ngày giờ sao mà dài quá chừng hà!
- Ba ơi! Anh Di này ba!
Ký giả Hải Âu quay lại:
- A, cháu Di! Mạnh giỏi hả? Bác đang định dẫn em đi cho nó thưởng thức bánh mì đặc biệt của Pháp quốc đây. Thôi, vậy cháu cho em đi ăn dùm, bác còn cần gọi giây nói gấp chút xíu đây nhé!
Mạnh Di "xoắn" ngay lấy ông Hải Âu:
- Thưa bác, cháu tha thiết xin bác cho biết sơ qua sứ mạng của bác tại Du-Ráp?... Miệng nói nhưng tia mắt Mạnh Di lại hướng về phía Việt Kim, chăm chú ngắm nhìn khuôn mặt xinh đẹp của em.
Ông Hải Âu cũng đã nhận ra tia mắt chiêm ngưỡng ấy. Ông mỉm một nụ cười bao dung:
- Vì thế cháu mới lặn lội mò ra đây sớm thế? Thật không đó? Hay là lý do chính khiến cháu ra đây là cái mà cháu đang ngó đó! Mà thôi,... không có phỏng vấn, phỏng viếc gì đâu nghe Di! Chờ lúc về sẽ hay...
Vừa dứt lời, tia nhìn sắc bén của Hải Âu đã bắt gặp ngay một nhân vật nhỏ thó, nước da nâu thắm như màu đồng tụ. Người này mặc một bộ đồ lớn màu đen. Trên đầu nổi bật một vành khăn lụa trắng điểm những sọc đen nhánh, giắt đầy trân châu bảo ngọc. Người lạ đặt bước tiến thẳng tới chổ ba người. Việt Kim liếc nhanh mắt nhìn vành khăn kỳ dị: đúng là loại khăn thông dụng của dân Du-Ráp, trong tài liệu chú Ngọc đưa cho đọc, em đã được coi kỹ.
Giọng nói trong như pha lê của người lạ:
- Thưa, xin lỗi! Ký giả Hải Âu?
Đồng thời người khăn trắng rút trong túi áo ngực phía trong ra một chiếc phong bì dài dán kín. Sau một cái cúi đầu thật thấp, y trao phong thư cho ông Hải Âu. Lại một cái ngả người gập xuống gần như góc thước thợ, thoáng cái, người lạ đã lẹ làng bước đi mất hút trong đám đông.
Ông Hải Âu xé phong bì gắn si cẩn thận, rút ra một tờ giấy trắng gấp tư, liếc mắt thật nhanh. Phía trên lề mép giấy, ông thoáng bắt gặp đôi mắt tròn to chăm chú của con gái đang dõi theo tia mắt ông, ý chừng muốn tìm hiểu coi lá thư viết những gì. Việt Kim thoáng thấy trán cha cau lại, nếp nhăn em chợt bắt gặp lúc cha con còn ở trên phi cơ hằn sâu xuống. Nhưng giọng nói của ông vẫn điềm tĩnh như không:
- Mạnh Di! Dắt em đi mua bánh mì đặc biệt, rồi hai anh em liệu kiếm cái gì mà điểm tâm lẹ đi, nghe!
Đôi má xinh xinh phùng ra; đôi giày đế bẹt dậm dậm: "Ba mình không muốn nói vì vướng có anh Di ở đây!" và em nói to:
- Thôi đi anh Di! Đứng hoài à! Em đói lắm rồi! Mau thưởng thức bánh mì đặc biệt của "Tây" xem sao đi!
Rồi quay nhìn Di, Việt Kim nở nụ cười phô hàm răng trắng đẹp, đều như hàng hạt bắp.
Vừa nhấm nháp ly cà phê sữa bốc khói, đôi bạn trẻ vừa trò chuyện tưng bừng. Việt Kim cho Mạnh Di biết tình hình tại Saigon cùng các bạn hữu của hai người ra sao. Tuy miệng nói liến láu, tia nhìn của em đôi lúc lại thoáng bắt chợt một vài áng mây lướt nhanh trong đôi mắt người bạn trai. Linh tính em tự nhủ: "Anh này chắc chỉ thích hỏi đến công việc của cha con mình thôi đây!" Và Việt Kim đã đoán trúng:
- Việt Kim! Nói cho anh biết qua sứ mạng của ba em tại Du-Ráp đi! Công tác liệu có gì đặc biệt lắm không hả em?
- Quấy rầy hoài anh Di! Không nghe ba em nói gì hồi nãy sao? Đừng có hòng "thẩm vấn" em nghe!
- Thẩm vấn gì đâu, Việt Kim! Anh... anh chỉ hơi lo lắng chút xíu thôi!
Việt Kim nhổm người lên:
- Cái gì? Lo lắng gì hả anh Di? Anh lo lắng cái gì chứ?... Du-Ráp chỉ là một quốc gia nhỏ tí xíu, mới nổi tiếng gần đây nhờ những giếng dầu hỏa vừa khám phá được. Rồi là sự tương phản rõ rệt giữa hai nếp sống cổ truyền và văn minh tân tiến. Ba và em chỉ định làm một thiên phóng sự về sinh hoạt chung của toàn quốc, à... và cuộc khảo cổ tại vùng Can Pác, có vậy thôi mà.
- Hiểu rồi, anh hiểu rồi. Có điều là anh tính hay lẩm cẩm như một cô gái già, lúc nào cũng cứ lo lắng chỉ sợ có kẻ trộm lọt vào nằm gọn dưới gầm giường mà thôi. Nhưng, dù sao cũng nên dè dặt, cẩn thận chút nghe... Việt Kim!
Em ngẩng đầu nhìn bạn. Giọng nói Mạnh Di nghe có vẻ thản nhiên nhẹ nhàng, nhưng ánh mắt của anh thoáng lộ vẻ ưu tư. Lạ! Hay là Di đã biết được một điều gì kỳ bí tại Du-Ráp mà chính Việt Kim đã quên khuấy đi hoặc là chưa được đọc tới? Hừ! Biết đâu chừng! Và Mạnh Di định nói gì khi để thoát ra vành môi hai chữ "lo lắng"?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT