(Trích từ nhiều lá thư từ cùng một người gửi đến cùng một người nhận)

“Ngày 26 tháng Chín.

“Anh có biết em đi đâu để đọc thư của anh không? Băng qua đường đi vào khu rừng nhỏ. Ở đó có một thung lũng xinh xắn nơi mặt trời rỏ những giọt lốm đốm lên lớp dương xỉ. Một dòng suối nhỏ uốn khúc chảy qua; em ngồi trên một thân cây ngoằn ngoèo phủ rêu, bên hàng bu lô non giống như tạc thú vị nhất trần đời. Sau này, khi em mơ một giấc mơ đặc biệt... một giấc mơ xanh thẫm đất vàng, với những đường vân đỏ tía... một giấc mơ kỳ ảo nhất trong mọi giấc mơ... em sẽ thỏa mãn trí tưởng tượng của mình với niềm tin rằng nó đến từ thung lũng bu lô bí mật của riêng em, được sinh ra từ một sự cộng hưởng huyền bí nào đó giữa một nàng bu lô mảnh dẻ nhất và duyên dáng nhất cùng dòng suối róc rách tỉ tê. Em thích ngồi ở đây lắng nghe sự thinh lặng của khu rừng. Anh có bao giờ để ý thấy rằng có rất nhiều kiểu yên lặng khác nhau không, Gilbert? Sự im lặng của rừng cây… của bờ biển… của đồng cỏ… của ban đêm… của buổi chiều hè. Chúng khác nhau bởi sắc thái liên kết chúng không giống nhau. Em chắc rằng dẫu em có hoàn toàn mù lòa và chẳng cảm nhận được nóng lạnh, em vẫn có thể dễ dàng biết được mình đang ở đâu nhờ vào đặc điểm của sự im lặng chung quanh.

“Trường học đã ‘tiến hành’ hai tuần nay và em đã thu xếp mọi việc khá là đâu vào đấy. Nhưng bà Braddock nói đúng… Đám Pringle là bài toán khó đối với em. Và em vẫn chưa biết mình sẽ giải quyết nó ra sao mặc dù đang nắm trong tay cụm cỏ bốn lá may mắn. Như bà Braddock nói, họ mềm mại như lươn… và cũng trơn tuột hệt thế.

“Đám Pringle là một dạng gia tộc mà ai cũng dòm ngó lẫn nhau, đấu đá với nhau khá ghê gớm nhưng luôn kề vai sát cánh trước bất cứ người ngoài nào. Em đã đi đến kết luận rằng chỉ có hai loại người ở Summerside… những kẻ thuộc họ Pringle và những người họ khác.

“Lớp của em đầy nhóc học trò họ nhà Pringle và rất nhiều trong số còn lại tuy mang họ khác nhưng trong người vẫn chảy xuôi dòng máu Pringle. Đầu sỏ của bọn chúng hình như là Jen Pringle, một cô bé mắt xanh sở hữu dáng vẻ hệt như Becky Sharp[1] hẳn phải có ở tuổi 14. Em tin rằng con bé cố ý vận động một chiến dịch phản kháng hỗn hào hết sức khéo léo, khiến em thấy khó mà đối phó được. Con bé có tài làm bộ mặt hài hước đến mức không thể chống cự được, và khi em nghe một chuỗi tiếng cười giòn tan cố nén đằng sau lưng, em biết rõ mồn một lý do, nhưng đến bây giờ vẫn chưa bắt quả tang con bé được lần nào. Con bé cũng rất là thông minh… nhóc con láu lỉnh!... có thể viết được những bài luận ngấp nghé họ hàng với văn chương thực thụ và khá chói sáng trong môn toán… một tai họa đối với em! Có gì đó đặc biệt sắc sảo trong những điều con bé nói và làm, và con bé có tài đánh hơi ra những tình huống hài hước, lẽ ra đó sẽ là sợi dây đồng cảm nối liền bọn em, nếu con bé không ghét em ngay từ đầu. bởi thế, em e rằng còn lâu nữa Jen và em mới có thể cùng cười đùa với nhau về bất kỳ chuyện gì.

[1] Nữ chính trong tiểu thuyết Hội chợ phù hoa của Thackeray.

“Myra Pringle, em họ của Jen, là hoa khôi của trường học… và ngốc ra mặt. Cô nàng là thủ phạm của vài tràng cười rú rít đến vỡ cả bụng… ví dụ như trong giờ lịch sử hôm nay, cô nàng phát biểu rằng người da đỏ nghĩ Champlain[2] và những kẻ đi cùng là thần hay ‘loại gì đó không phải người’.

[2] Samuel de Champlain: nhà thám hiểm người Pháp, lên đường thám hiểm Bắc Mỹ vào năm 1603.

“Về mặt xã giao, người họ Pringle là ‘quý xờ tộc’ của Summerside như Rebecca Dew nhận xét. Em đã được mời đến dùng bữa tối ở hai nhà họ Pringle… bởi vì cần phải mời giáo viên mới đến dùng cơm cho phải phép, và đám họ Pringle sẽ không lờ đi bất kỳ hành động nào cần làm. Tối qua em đến nhà James Pringle… cha của cô nàng Jen kể trên. Ông ta bề ngoài trông như giáo sư đại học, nhưng thực tế là rất ngốc nghếch và dốt nát. Ông ta nói rất nhiều về ‘kỹ luật’, một ngón tay có móng nham nhở cứ gõ gõ xuống tấm khăn trải bàn, và thỉnh thoảng lại nói sai ngữ pháp một cách khủng khiếp. Trường trung học Summerside lúc nào cũng cần một bàn tay thép… một giáo viên giàu kinh nghiệm, đàn ông càng tốt. Ông ta e là em hơi quá trẽ… ‘loại khuyết điễm mà thời gian sẽ sớm sữa chữa lại thôi,’ ông ta buồn bã thêm vào. Em không nói gì cả, bởi vì nếu mở miệng thì e là em sẽ nói nhiều hơn mức cần thiết. Vì vậy, em cũng ngọt xớt và trơn tuột như bất kỳ tay Pringle nào và đành tự thỏa mãn mình bằng cách nhìn ông ta một cách ngây thơ và lầm bầm nguyền rủa trong bụng, ‘Lão già khó ưa đầy thành kiến!’

“Jen hẳn phải thừa hưởng trí thông minh từ mẹ… em thấy mình cũng mến bà ta. Trước mặt cha mẹ, Jen là một cô gái đoan trang gương mẫu. Nhưng dẫu lời nói của con bé khá lịch sự, giọng điệu vẫn rất vô lễ. Mỗi khi gọi em là ‘cô Shirley’, con bé vẫn cố xoay xở cho nó nghe như một lời sỉ nhục. Và mỗi lúc nó nhìn tóc em, em cảm thấy tóc mình chỉ là màu đỏ cà rốt xoàng xĩnh. Em chắc chắn rằng chẳng có tay Pringle nào chịu thừa nhận nó có màu nâu đỏ.

“Em thích Morton Pringle hơn nhiều… mặc dù Morton Pringle chẳng bao giờ thực sự lắng nghe bất cứ điều gì ta nói. Ông ta nói gì với ta và rồi, trong khi ta đang trả lời, ông ta đã bận rộn suy nghĩ xem nên nói gì tiếp theo.

“Hôm qua bà Stephen Pringle… bà góa Pringle… Summerside đầy rẫy các bà góa… viết một lá thư cho em… một lá thư hòa nhã, lịch sự và độc địa. Millie có quá nhiều bài tập về nhà… Millie là một đứa trẻ yếu ớt và không nên làm việc quá nhiều. Thầy Bell chưa bao giờ giao bài tập về nhà cho con bé. Cô bé là một đứa trẻ nhạy cảm cần phải được thông cảm. Thầy Bell rất thông cảm với cô bé! Bà Stephen chắc chắn là em cũng sẽ thông hiểu cô bé thôi, nếu em chịu cố gắng!

“Em dám chắc bà Stephen nghĩ em làm cho Adam Pringle chảy máu cam trong lớp hôm nay, khiến cậu bé phải về sớm. Và đêm qua em giật mình tỉnh dậy, không thể nào ngủ tiếp được vì nhớ ra mình đã quên đặt dấu chấm lên một chữ i trong một câu hỏi viết trên bảng. Em chắc chắn là Jen Pringle sẽ phát hiện ra ngay và cả gia tộc sẽ xì xà xì xầm về chuyện này.

“Rebecca Dew bảo rằng tất cả các gia đình họ Pringle sẽ mời em đến ăn tối, ngoại trừ các bà già ở Đồi Phong, và sau đó sẽ lờ tịt em vĩnh viễn. Bởi bọn họ là đại diện cho giới ‘quý xờ tộc’, điều này cũng có nghĩa rằng em đã bị cho ra rìa về mặt xã giao ở Summerside. Được rồi, hãy đợi đấy. Trận chiến đã bắt đầu nhưng vẫn chưa phân rõ thắng thua đâu. Tuy nhiên, em vẫn cảm thấy khá bực bội về mọi chuyện. Anh không thể tranh cãi cho ra lẽ với thành kiến được. Em vẫn hệt như em thời thơ ấu… Em không chịu đựng nổi khi người ta chẳng ưa mình. Chẳng dễ chịu gì khi nghĩ rằng phân nửa số gia đình các học sinh của em ghét em. Mà đó không phải là lỗi của em. Sự bất công đó khiến em day dứt mãi. Em lại than thân trách phận rồi! Nhưng than thân trách phận đôi chút cũng làm ta khuây khỏa.

“Ngoại trừ đám nhà Pringle ra thì em rất mến những học sinh của mình. Có một số rất thông minh, đầy khát vọng, chuyên cần, thực lòng muốn học hành cho đến nơi đến chốn. Lewis Allen kiếm tiền trọ học bằng cách giặt giũ dọn dẹp cho nhà trọ và chẳng chút xấu hổ nào vì chuyện đó. Và Sophy Sinclair cưỡi con ngựa cái xám gìa nua không yên cương của cha đi sáu dặm đến trường và sáu dặm về nhà mỗi ngày. Một tấm gương về sự kiên cường đấy! Nếu em có thể giúp được một cô bé như vậy, em cần gì để ý đám Pringle cơ chứ?

“Vấn đề là… nếu em không thể chiến thắng đám Pringle, em sẽ không có cơ hội giúp đỡ bất cứ ai.

“Nhưng em yêu Bạch Dương Lộng Gió. Nó không phải là một căn nhà trọ… nó là tổ ấm! Và họ mến em… đến Xám Tro cũng mê em nốt, mặc dù nó đôi khi chê bai em và tỏ thái độ ra mặt bằng cách ngồi quay lưng lại, và thỉnh thoảng liếc một con mắt vàng ra sau xem em đối diện với việc đó ra sao. Em không vuốt ve nó nhiều mỗi khi Rebecca Dew ở gần bởi vì điều đó thực sự khiến chị rất bực bội. Ban ngày, nó là một con vật chất phác, dễ chịu, trầm tư… nhưng nó quả thực biến thành một sinh vật kỳ lạ vào ban đêm. Rebecca nói rằng đó là vì nó không bao giờ được phép ra khỏi nhà sau khi trời tối. Chị ghét phải đứng ở sân sau cao giọng gọi nó. Chị bảo là xóm giềng đang cười vào mũi chị. Chị gọi nó với giọng gay gắt và oang oang đến mức toàn thị trấn có thể nghe thấy tiếng chị gọi trong một đêm tĩnh lặng ‘Mèo… Mèo… MÈO!’ Các bà góa sẽ lo lắng đến phát khiếp nếu Xám Tro không ở trong nhà lúc bọn họ đi ngủ. ‘Không ai biết những gì tôi phải làm cho con mèo quái quỉ đó… không ai cả.’ Rebecca đảm bảo với em như thế.

“Các bà góa rất hòa hợp với em. Mỗi ngày em một thêm mến họ. Dì Kate không đánh giá cao việc đọc tiểu thuyết, nhưng thông báo với em rằng dì không định kiểm duyệt chuyện đọc sách của em. Dì Chatty thì mê tiểu thuyết lắm. Dì giấu chúng ở riêng trong một ‘góc bí mật’… dì lén lút tuồn chúng vào nhà từ thư viện ngoài thị trấn… cùng với một bộ bài dùng để chơi trò xếp bài, và đủ thể loại mà dì không muốn dì Kate phát hiện. Tất cả được giấu dưới nệm một chiếc ghế mà chẳng ai, ngoại trừ dì Chatty biết rằng nó còn được dùng cho một mục đích khác. Dì chia sẻ bí mật ấy với em, em ngờ là vì dì muốn nhờ em giúp che giấu hành vi vụng trộm kể trên. Thực ra chẳng cần một góc bí mật nào ở Bạch Dương Lộng Gió, bởi em chưa từng thấy ngôi nhà nào có nhiều tủ búp phê bí ẩn như vậy. Đương nhiên, có thể chắc chắn rằng Rebecca Dew sẽ không cho phép chúng được quyền bí ẩn. Chị ấy luôn hùng hục lau sạch chúng mỗi khi có thể. ‘Một ngôi nhà không thể tự làm sạch được,’ chị than thở đầy đau thương mỗi khi có bà góa nào lên tiếng phản đối. Em chắc rằng nếu tìm được một quyển tiểu thuyết hay một bộ bài, chị ấy sẽ tống khứ chúng đi ngay. Chúng đều là cơn ác mộng cho linh hồn Chính Thống giáo của chị. Rebecca Dew nói lá bài là sách của quỷ dữ và tiểu thuyết thậm chí còn tệ hơn thế. Trừ Kinh Thánh ra thì Rebecca chỉ đọc mỗi mục xã giao trên tờ Người bảo hộ Montreal. Chị ấy thích ngắm nghía nhà cửa, đồ nội thất và các buổi tiệc tùng hội hè của đám triệu phú.

“ ‘Cứ tưởng tượng đến việc ngâm mình trong một chiếc bồn tắm bằng vàng, cô Shirley ạ,’ chị thốt lên vẻ ước ao.

“Nhưng chị ấy thực sự đáng mến. Chị ấy lùng sục ra một chiếc ghế bành cũ rất êm ái từ ngóc ngách nào đó, chiếc ghế có lớp vải bọc đã phai màu nhưng rất vừa người em và tuyên bố, ‘Đây là ghế của cô. Chúng tôi sẽ giữ nó riêng cho cô.’ Và chị ấy không cho phép Xám Tro ngủ trên ấy vì sợ lông của nó sẽ bám vào chiếc váy em mặc đi dạy học, nếu thế thì đám Pringle sẽ tha hồ mà xầm xì chê trách.

“Tất cả ba người bọn họ đều đặc biệt quan tâm đến chiếc nhẫn ngọc trai của em… và ý nghĩa của nó. Dì Kate cho em xem nhẫn đính hôn gắn ngọc lam của dì (giờ dì không thể mang vừa nữa vì nó đã trở nên quá nhỏ). Nhưng dì Chatty đáng thương mắt rưng rưng lệ thú thật với em rằng dì chẳng hề có một chiếc nhẫn đính hôn nào… chồng dì nghĩ rằng nó là ‘một khoản chi tiêu không cần thiết’. Lúc ấy dì đang ở trong phòng em, rửa mặt bằng sữa bơ. Đêm nào dì cũng làm thế để dưỡng da và buộc em phải thề giữ bí mật bởi dì không muốn dì Kate biết chuyện này.

“ ‘Chị ấy sẽ nghĩ rằng ở tuổi của tôi mà còn làm chuyện này thì hợm hĩnh lố bịch quá. Và tôi chắc chắn rằng Rebecca Dew nghĩ không có người phụ nữ ngoan đạo nào nên cố gắng làm cho mình trở nên đẹp hơn. Tôi thường lẻn xuống bếp để dùng sữa bơ sau khi Kate đi ngủ, nhưng lúc nào tôi cũng sợ Rebecca Dew bất ngờ đi xuống. Cô ta thính tai như mèo ấy, ngay cả trong giấc ngủ. Giá như tôi có thể lẻn vào phòng cháu mỗi đêm để làm chuyện này… Ôi, cảm ơn cháu, cháu thân yêu.’

“Em đã tìm hiểu được đôi chút về những người láng giềng ở trại Thường Xuân. Bà Campbell (tên thời con gái là Pringle!) đã tám mươi. Em không nhìn thấy bà cụ, nhưng từ những gì em thu thập được, bà cụ là một quý bà lớn tuổi hết sức nghiêm khắc. Bà cụ có một người hầu tên là Martha Monkman, thường được gọi là ‘bà giúp việc của Campbell’, cũng già và khắc nghiệt chẳng kém bà cụ là mấy. Và bà cụ sống cùng một cô chắt gái, bé Elizabeth Grayson. Elizabeth… cô bé em chưa hề nhìn thấy lần nào mặc dù em đã ở đây được hai tuần… mới tám tuổi và đi đến trường công theo ‘ngõ sau’… một lối tắt băng qua sân sau của các nhà… Vì vậy, em không bao giờ gặp được cô bé đi học hay về nhà. Người mẹ quá cố của cô bé là cháu gái của bà Campbell, được bà cụ nuôi nấng nên người… cha mẹ cô ấy không còn. Cô ấy kết hôn với một ông Pierce Grayson nào đó, một tay ‘Yankee’, như bà Rachel Lynde hay gọi. Cô ấy mất khi sinh Elizabeth và Pierce Grayson phải lập tức rời nước Mỹ để quản lí một chi nhánh của công ty ông ta ở Paris, đứa bé sơ sinh được gửi về cho bà cụ Campbell. Chuyện kể rằng ông ta ‘không thể nhìn mặt cô bé’ bởi vì mẹ cô bé đã đánh đổi tính mạng để sinh ra cô, và ông ta chẳng bao giờ thèm để ý đến cô bé cả. Điều này rất có thể chỉ là lời ngồi lê đôi mách vô căn cứ bởi bà cụ Campbell lẫn bà giúp việc chẳng bao giờ hé môi gì về ông ta.

“Rebecca Dew bảo là họ quá nghiêm khắc với bé Elizabeth và cô bé sống với họ chẳng sung sướng gì cho cam.

“ ‘Con bé không giống như những đứa trẻ khác… mới tám tuổi đầu mà như bà cụ non. Thỉnh thoảng con bé thốt lên những lời thật kỳ lạ! “Bác Rebecca này,” một ngày nọ con bé hỏi tôi, “giả dụ bác chuẩn bị trèo lên giường rồi thì bỗng có thứ gì đó cắn vào mắt cá chân bác, bác sẽ thấy sao?” Hèn gì con bé sợ đi ngủ trong bóng tối. Ấy thế mà bọn họ buộc con bé phải làm thế. Bà Campbell bảo trong nhà của bà ta không có chỗ cho kẻ hèn nhát. Bọn họ trông chừng con bé cứ như hai con mèo dõi theo một con chuột vậy, kiểm soát từng li từng tí cuộc sống của con bé. Chỉ cần con bé tạo ra một tiếng động bé xíu là bọn họ cũng suýt nữa là lăn đùng ra xỉu rồi. Lúc nào cũng “suỵt, suỵt”. Tôi bảo cô nhá, cô bé ấy sẽ bị suỵt suỵt đến chết thôi. Nhưng có thể làm được gì đây?’

“Quả thực có thể làm gì đây?

“Em mong được một lần gặp cô bé. Em thấy cô bé có chút đáng thương. Dì Kate bảo cô bé được chăm chút rất đầy đủ về mặt vật chất… cách nói chính xác của dì Kate là, ‘Họ cho con bé ăn mặc đầy đủ’… nhưng một đứa trẻ không thể chỉ sống nhờ bánh mì được. Em không bao giờ có thể quên cuộc sống của mình tồi tệ thế nào trước khi đến Chái Nhà Xanh.

“Chiều thứ Sáu tới em sẽ về nhà để tận hưởng hai ngày tươi đẹp ở Avonlea. Điều bất tiện duy nhất là mọi người gặp em sẽ hỏi em có thích dạy học ở Summerside hay không.

“Nhưng giờ cứ nghĩ đến Chái Nhà Xanh thôi, Gilbert hỡi… hồ Lấp Lánh với lớp sương xanh lãng đãng… những cây phong bên kia suối bắt đầu chuyển sang màu đỏ rực… lớp dương sỉ nâu vàng trong rừng Ma Ám… và bóng hoàng hôn đổ dài trên đường Tình Nhân, chốn yêu thương. Trái tim em khao khát mình được có mặt ở đó ngay lúc này, với… với… thử đoán xem đó là ai nào?

“Anh có biết không, Gilbert, rất nhiều lần em hết sức nghi ngờ rằng hình như em yêu anh mất rồi!”

“Bạch Dương Lộng Gió,

“Đường Ma,

“Summerside,

“Ngày 10 tháng Mười,

“QUÝ NGÀI KÍNH YÊU VÀ ĐÁNG TRỌNG:

“Bức thư tình của bà ngoại dì Chatty bắt đầu như thế đó. Nghe bùi tai thật phải không? Chắc ông ngoại dì ấy đọc xong sẽ cảm thấy mình oách lắm đây! Anh có thích được gọi thế hơn là ‘Gilbert yêu dấu, vân vân và vân vân’ không? Tuy nhiên, nhìn chung em mừng vì anh không phải là ông ngoại của dì Chatty... hay là ông ngoại của bất kỳ ai. Thật tuyệt vời khi nghĩ rằng chúng mình còn trẻ và có cả cuộc đời phía trước... bên nhau... phải không anh?”

(Lược bỏ một số trang. Lần này, bút của Anne rõ ràng là không quá nhọn, quá cùn hay bị gỉ sét.)

“Em đang ngồi trên bậu cửa sổ trong tháp, nhìn ra hàng cây đung đưa giữa bầu trời màu hổ phách và bến cảng ở tận ngoài xa. Chiều qua, em đã có buổi dạo bộ một mình thật tuyệt. Thực ra, em phải ra ngoài một chút vì có chút phiền muộn đang chiếm lĩnh Bạch Dương Lộng Gió. Dì Chatty ngồi khóc trong phòng khách vì cảm xúc bị tổn thương, dì Kate ngồi khóc trong phòng ngủ vì hôm nay là ngày giỗ của thuyền trưởng Amasa và Rebecca Dew ngồi khóc trong nhà bếp vì lý do gì đó mà em không sao tìm hiểu ra nổi. Em chưa bao giờ nhìn thấy Rebecca Dew khóc. Nhưng khi em tế nhị hỏi han để biết có gì không ổn, chị dằn dỗi vặn hỏi em là chẳng lẽ người ta không được quyền khóc lóc thỏa thích như người ta muốn hay sao. Vì vậy, em cuốn gói lẻn đi, để chị ở lại một mình tha hồ mà tận hưởng.

“Em ra ngoài và đi dọc theo đường cảng. Không khí phảng phất hơi thở giá rét dễ chịu tháng Mười hòa vào mùi hương tuyệt vời của những cánh đồng vừa mới được cày xới. Em cứ đi, đi mãi cho đến khi hoàng hôn sẫm lại thành đêm thu lấp lánh ánh trăng. Em một mình nhưng không cô đơn. Em không ngừng trò chuyện với những người bạn đồng hành tưởng tượng, nghĩ ra rất nhiều lời đối đáp dí dỏm khiến chính em còn phải bất ngờ và tự hào về bản thân. Dẫu bị những mối lo dính dáng tới đám Pringle đe dọa, em vẫn tận hưởng cuộc sống của mình.

“Tâm hồn em buộc em phải gào rú lên vài ba tiếng về phía đám Pringle đó. Em ghét phải thừa nhận rằng mọi chuyện ở Summerside không được xuôi chèo mát mái cho lắm. Không còn nghi ngờ gì nữa, bọn họ đang kết bè kết phái âm mưu chống lại em.

“Ví dụ như đám học sinh họ Pringle hay có họ hàng với nhà Pringle chẳng chịu làm bài tập về nhà. Và có báo cho cha mẹ chúng thì cũng chẳng có tác dụng gì. Bọn họ lảng tránh một cách lịch sự và ngọt ngào. Em biết tất cả các học sinh không thuộc họ Pringle mến em, nhưng vi khuẩn xấc xược hiệu Pringle bắt đầu phá hoại tinh thần học tập của cả lớp. Một buổi sáng nọ em thấy bàn làm việc của mình lộn tùng phèo, ngăn kéo xô ra tung tóe. Đương nhiên không ai biết kẻ nào đã làm chuyện đó. Và không đứa nào có thể nói hoặc chịu khai ra kẻ nào để lại một cái hộp có con rắn giả nhảy vọt ra khi em vừa mở nắp. Nhưng mọi đứa học sinh họ Pringle cười rú rít thẳng mặt em. Em nghĩ chắc mình đã giật mình đến điếng cả người.

“Phân nửa thời gian Jen Pringle toàn đi học trễ, luôn có những lý do chính đáng đến hoàn hảo, trình bày với em một cách lịch sự, cùng một cái nhếch miệng hết sức láo xược, con bé chuyển giấy trò chuyện riêng trong lớp ngay dưới mũi em. Em sờ thấy một củ hành lột vỏ trong túi áo khoác em vừa mặc hôm nay. Em sẽ rất vui nếu được nhốt con bé ấy vào phòng kín, bắt nó nhịn ăn cho đến khi biết cư xử đàng hoàng.

“Điều tồi tệ nhất đến giờ là bức tranh biếm họa của chính em mà em nhìn thấy trên bảng đen vào một buổi sáng nọ... vẽ bằng phấn trắng với một bộ tóc đỏ chói. Cả đám học sinh chối lia lịa không phải mình làm, Jen cũng nằm trong số đó, nhưng em biết Jen là đứa duy nhất trong lớp có thể vẽ được như thế. Bức tranh được vẽ rất sinh động. Mũi em... mà, như anh đã biết, luôn là niềm tự hào và niềm hạnh phúc của em... khù khoằm và miệng em là miệng của một bà cô ế chồng chua chát phải dạy suốt ba mươi năm trong một ngôi trường đầy học sinh họ Pringle. Nhưng đó chính là em. Đêm hôm đó em tỉnh dậy lúc ba giờ sáng và oằn mình uất ức khi nhớ lại mọi chuyện. Chẳng phải lạ lắm sao, hiếm khi chúng ta trằn trọc giữa đêm vì những điều xấu xa? Chỉ vì những điều nhục nhã mà thôi.

“Đủ mọi lời đồn đại buộc tội được đưa ra. Em bị cáo buộc là ‘đánh rớt’ bài kiểm tra của Hattie Pringle chỉ vì con bé họ Pringle. Em bị chê trách là ‘phá lên cười khi học sinh phạm sai lầm.’ (Đúng em đã phá lên cười khi Fred Pringle định nghĩa một vị bách phu trưởng[3] là ‘một người đàn ông sống đến một trăm tuổi’. Em không thể nhịn cười được.)

[3] Sĩ quan chỉ huy 100 binh sự trong quân đội La Mã cổ.

“James Pringle bảo, ‘không có kỹ cương trong nhà trường... chẵng có xíu kỹ cương nào cã.’ Và có lời đồn đại em là một ‘đứa trẻ bị bỏ rơi.’

“Em bắt đầu gặp phải sự chống đối của đám Pringle trong những lĩnh vực khác. Về mặt xã giao cũng như về mặt giáo dục, Summerside cứ như là bị nhà Pringle giật dây. Hèn gì bọn họ được gọi là Hoàng tộc ở đây. Thứ Sáu tuần trước em không được mời đến bữa tiệc dã ngoại của Alice Pringle. Và khi bà Frank Pringle tổ chức một buổi tiệc trà để quyên góp cho một dự án của nhà thờ (Rebecca Dew cho em biết hội phụ nữ định ‘xây’ một tháp mới!), em là cô gái duy nhất trong giáo hội không được nhờ chuẩn bị món ăn. Em nghe nói bà vợ ông mục sư, một người mới đến Summerside, đề nghị mời em hát trong ca đoàn nhưng được thông báo rằng tất cả những người họ Pringle sẽ bỏ đi nếu bà ta làm thế. Như vậy thì ca đoàn sẽ thiếu người đến mức không thể nào hát được nữa.

“Đương nhiên em không phải giáo viên duy nhất gặp chuyện phiền phức với học sinh. Khi các giáo viên khác gửi học trò của họ đến gặp em để em ‘kỷ luật’... ôi, em ghét cái từ đó quá!... phân nửa chúng mang họ Pringle. Nhưng chẳng có ai phàn nàn gì về họ cả.

“Cách đây hai hôm em giữ Jen ở lại trường buổi chiều sau giờ học để làm nốt vài bài tập con bé cố ý bỏ dở. Mười phút sau đó, một chiếc xe ngựa từ Đồi Phong dừng lại trước trường, và bà cô Ellen xuất hiện ngay cửa... một quý bà chưa chồng lớn tuổi ăn mặc đỏm dáng với nụ cười ngọt lịm, găng tay ren màu đen thanh lịch và một cái mũi thanh mảnh như diều hâu, trông như vừa bước ra từ một cái hộp đựng đồ trang sức năm 1840. Bà rất lấy làm tiếc nhưng liệu bà có thể dẫn Jen đi được không? Bà sắp đi thăm bạn bè ở Lowvale và đã hứa là sẽ dẫn Jen theo. Jen đắc thắng ra về và thêm một lần nữa, em nhìn thấy rõ quân địch đang xếp hàng bao vây chung quanh.

“Những khi tâm trạng bi quan em hay nghĩ rằng đám nhà Pringle này là một kết hợp của họ Sloane và họ Pye. Nhưng em biết họ không phải thế. Em cảm thấy rằng mình có thể mến họ nếu họ không phải là kẻ thù của em. Đa số họ là những người thẳng thắn, vui vẻ và trung thành. Em thậm chí có thể mến cả bà Ellen nữa. Em chưa gặp bà Sarah lần nào. Bà Sarah chưa bao giờ rời khỏi Đồi Phong suốt mười năm nay.

“ ‘Quá yếu ớt... hoặc tôi nghĩ rằng bà ta quá yếu ớt,’ Rebecca Dew khịt mũi nhận xét. ‘Nhưng chẳng có gì sánh được với sự kiêu ngạo của bà ta. Tất cả đám nhà Pringle đều vênh váo nhưng hai bà cô già ấy kiêu căng hơn cả. Cô cứ nghe họ lải nhải về tổ tiên của mình mà coi. Vâng, ông bố của họ, thuyền trưởng Abraham Pringle, từng là một quý ông đáng trọng. Người anh trai Myrom thì không được thế, nhưng cô sẽ không nghe đám Pringle nói nhiều về ông ta. Nhưng tôi hết sức e ngại rằng cô sẽ khó mà yên thân được với bọn họ. Khi bọn họ đã quyết định về một điều gì hay về một ai đó, bọn họ chưa bao giờ thay đổi cả. Nhưng cứ ngẩng cao đầu mà đi, cô Shirley... cứ ngẩng cao đầu mà đi.’

“ ‘Ước gì tôi có công thức làm bánh ngọt của bà Ellen,’ dì Chatty thở dài. ‘Bà ấy hứa hẹn hết lần này đến lần khác nhưng chẳng bao giờ đưa cho tôi cả. Đó là một công thức gia truyền Anh quốc lâu đời. Bọn họ giữ kín bưng các công thức nấu ăn của mình.’

“Trong giấc mơ tuyệt vời hoang đường, em thấy mình ép bà Ellen phải quỳ gối dâng cho dì Chatty công thức làm bánh ấy và buộc con bé Jen phải cư xử cho đàng hoàng lễ phép. Điều khiến em tức điên là em có thể dễ dàng làm được chuyện đó nếu con bé ấy không được cả gia tộc chống lưng cho những trò láo lếu.

(Bỏ qua hai trang.)

“Người đầy tớ ngoan ngoãn của anh,

“ANNE SHIRLEY.

“Tái bút: Bà ngoại của dì Chatty ký tên kết thúc những lá thư tình của mình như vậy đó.”

“Ngày 15 tháng Mười,

“Hôm nay chúng em nghe thấy đêm qua có một vụ trộm ở đầu kia của thị trấn. Một ngôi nhà bị đột nhập, một ít tiền và độ chục thìa bạc bị đánh cắp. Thế là Rebecca Dew đến chỗ ông Haminton hỏi xem có thể mượn một con chó hay không. Chị sẽ xích nó ở hiên sau và dặn dò em nên cất kỹ chiếc nhẫn đính hôn của mình!

“À mà em đã phát hiện ra lý do tại sao Rebecca Dew khóc lần trước rồi. Hình như đã có một cuộc chính biến diễn ra trong nhà. Xám Tro ‘lại giở trò phá phách’ và Rebecca Dew nói với dì Kate rằng dì phải làm gì đó với con Mèo ấy đi. Nó làm chị điên đầu nhức óc lắm. Đây là lần thứ ba trong năm rồi, và chị biết là nó cố ý làm thế. Và dì Kate bảo Rebecca Dew chịu cho con mèo ra ngoài mỗi khi nó gào lên thì chẳng cần lo chuyện nó phá phách.

“ ‘Hừ, đấy chính là giọt nước làm tràn ly,’ Rebecca Dew kêu lên.

“Hậu quả là, nước mắt tuôn rơi!

“Tình hình liên quan đến đám Pringle cứ mỗi tuần lại lại thêm căng thẳng hơn. Hôm nay một cuốn sách của em bị viết một câu rất láo xược lên trên, và Homer Pringle nhào lộn dọc theo lối đi giữa hai hàng ghế sau khi tan học. Ngoài ra, em còn nhận được một lá thư nặc danh chứa đầy những lời cạnh khóe mỉa mai kinh tởm. Tuy vậy, em không cho rằng Jen là đầu têu của vụ quyển sách hay lá thư. Dẫu tinh quái nhưng con bé không hạ mình làm những chuyện như thế. Rebecca Dew giận đến bốc khói và em rùng mình khi nghĩ đến chuyện chị ấy sẽ làm gì với đám Pringle nếu bọn họ nằm dưới quyền chị. Chắc chắn là vượt xa cơn giận của bạo chúa Nero rồi. Em không trách chị ấy vì cũng có lúc chính em cảm thấy mình có thể vui vẻ tặng cho mọi thành viên của dòng tội Pringle món bùa mê độc địa chính hiệu Borgia.[4]

[4] Dòng tộc giáo hoàng nổi danh vì những vụ ám sát bằng cách đầu độc.

“Em nghĩ mình chưa kể cho anh nghe nhiều về những giáo viên khác. Anh biết đó, có hai giáo viên khác... phó hiệu trưởng Katherine Brooke dạy lớp tiểu học, và George MacKay dạy lớp vỡ lòng. Em chẳng có gì nhiều để kể về George. Anh ta là một chàng trai hai mươi tuổi tốt tính nhưng nhút nhát, giọng nói phảng phất âm hưởng vùng cao nguyên và hai đảo Scotland rất hay, gợi nhớ lều lán thấp lè tè và những hòn đảo mờ sương... ông nội của anh ta là ‘dân đảo chính hiệu’ đấy... và anh ta rất hòa hợp với đám học trò bé. Đến giờ thì có thể nói em mến anh ta. Nhưng em e là mình khó mà mến được Katherine Brooke.

“Katherine là một cô gái khoảng hai mươi tám tuổi, em đoán vậy, mặc dù bề ngoài cô ấy trông như ba mươi lăm. Em được biết cô ấy từng ấp ủ hi vọng được thăng chức lên làm hiệu trưởng, nên em nghĩ cô ấy khá hậm hực khi em nhậm chức, nhất là em lại trẻ hơn cô ấy khá nhiều. Cô ấy là một giáo viên tốt... hơi nghiêm một tí... nhưng cô ấy chẳng được ai ưa cả. Mà cũng chẳng thèm lo lắng về điều đó! Cô ấy dường như chẳng có bạn bè hay họ hàng gì, và ở trọ trong một ngôi nhà ảm đạm trên con phố Temple nhỏ xíu dơ dáy. Cô ấy ăn vận luộm thuộm , chẳng bao giờ tham dự các buổi xã giao và nghe đồn rằng khá là ‘keo’. Cô ấy nói chuyện đầy châm biếm và đám học sinh sợ chết khiếp những lời mỉa mai lọt tới xương của cô ấy. Em nghe nói cái cách cô ấy nhướng cặp lông mày đen rậm và kéo dài giọng khiến đám trẻ nhũn ra như con chi chi. Ước gì em có thể làm vậy với đám Pringle. Nhưng thực lòng em không muốn đe dọa học trò như cái cách cô ấy làm. Em muốn học sinh của mình mến em kìa.

“Mặc dù cô ấy chẳng gặp khó khăn gì để bắt đám học trò vâng lời, cô ấy cứ hay gửi vài đứa khó bảo lên gặp em... nhất là mấy đứa họ Pringle. Em biết cô ấy cố ý làm thế và em hoàn toàn chắc chắn rằng cô ấy hả hê khi em gặp khó khăn và sẽ rất vui mừng khi thấy em bị đánh bại.

“Rebecca Dew bảo chẳng ai có thể làm bạn với cô ấy. Vài ba lần hai bà góa đã mời cô ấy đến ăn tối Chủ nhật... những con người dễ mến này luôn làm vậy với những kẻ cô đơn, và lúc nào cũng chuẩn bị món xa lát gà ngon nhất cho họ... nhưng cô ấy chẳng bao giờ đến. Thế là họ đành bỏ cuộc bởi vì, như dì Kate nói, ‘việc gì cũng có giới hạn của nó’.

“Có tin đồn rằng cô ấy rất có tài, biết hát và ngâm thơ... ‘diễn cảm’, theo như lời Rebecca Dew... nhưng chẳng chịu trổ tài bao giờ. Dì Chatty có lần nhờ cô ấy ngâm thơ trong một bữa ăn tối do nhà thờ tổ chức.

“ ‘Chúng tôi thấy cách cô ta từ chối rất là thô lỗ,’ dì Kate kể.

“ ‘Nghe như gầm gừ ấy,’ Rebecca Dew tiếp.

“Katherin có giọng trầm và khàn... gần như giọng đàn ông... và đúng là khi cô ấy không vui thì nghe như tiếng gầm gừ vậy.

“Cô ấy không đẹp nhưng cô ấy có thể cố gắng khiến mình ưa nhìn hơn. Da cô ấy sẫm và ngăm đen, mái tóc đen nhánh đẹp tuyệt lúc nào cũng được hất ngược để lộ vầng trán cao và quấn lại thành một búi vụng về sau cổ. Đôi mắt không cùng màu với tóc, trong vắt và ánh màu hổ phách dưới cặp lông mày đen. Cô ấy có đôi tai đáng phải khoe ra và đôi bàn tay đẹp nhất mà em từng nhìn thấy . Ngoài ra, miệng cô ấy rất cân đối. Nhưng cách ăn vận thì thật là khủng khiếp. Dường như cô ấy có biệt tài tìm ra màu sắc và kiểu dáng mà mình không nên mặc. Chọn màu xanh thẫm buồn tẻ và màu xám nhếch nhác, những hoa văn sọc khiến thân hình cao gầy của cô ấy càng thêm cao hơn và gầy hơn. Và quần áo của cô ấy lúc nào cũng nhàu nhĩ y như vừa được mặc đi ngủ.

“Cách cư xử của cô ấy hết sức khó ưa... như Rebecca Dew hay nói, trông cô ấy lúc nào cũng như đang có dằm ở vai vậy. Mỗi lần đi lướt qua cô ấy trên cầu thang, em cứ có cảm giác cô ấy đang nghĩ những điều kinh khủng về em. Cứ mỗi lần nói chuyện là cô ấy lại khiến em cảm giác như mình đang lỡ lời. Thế nhưng em lại cảm thấy buồn thay cô ấy... mặc dù em biết cô ấy sẽ rất phẫn uất trước lòng thương hại của em. Và em không thể làm bất cứ điều gì để giúp đỡ cô ấy vì cô ấy không muốn được giúp đỡ. Cô ấy thực sự căm ghét em. Một ngày nọ, khi ba người chúng em ngồi cả trong phòng giáo viên, em đã ra một quyết định có phần vi phạm một luật lệ bất thành văn trong trường học, và Katherine nhận xét gay gắt rằng, ‘Có lẽ cô nghĩ rằng cô muốn làm gì cũng được, cô Shirley ạ.’ Vào một dịp khác, khi em đề nghị một số thay đổi mà em nghĩ sẽ có ích cho trường học, cô ấy lại mỉm cười khinh thị, ‘Tôi không quan tâm đến truyện cổ tích.’ Một lần khác nữa, khi em khen ngợi công việc và cách thức giảng dạy của cô ấy, cô ấy đáp trả, ‘Bên trong lọ mật này có bao nhiêu con ruồi chết vậy?’

“Nhưng điều khiến em khó chịu nhất là... ôi, một ngày nọ em tình cờ cầm lên một quyển sách của cô ấy đặt trong phòng giáo viên, liếc qua trang đầu sách, em nói:

“ ‘Tôi mừng vì chị viết tên là K. Katherine, nghe quyến rũ hơn Catherine nhiều, cũng như chữ K nghe nghịch hơn hẳn chữ C đỏm dáng vậy.’

“Cô ấy không trả lời em, nhưng lời nhắn kế tiếp của cô ấy được ký tên là ‘Catherine Brooke’!

“Em ách xì liên tục trên suốt quãng đường về nhà

“Em thực lòng muốn đầu hàng không cố làm thân với cô ấy nữa, nếu không có một cảm giác kỳ lạ vô căn cứ rằng dưới lớp vỏ gai góc và phớt tỉnh, cô ấy thực sự khát khao muốn có ai đó bầu bạn.

“Tóm lại, trước thái độ chống đối của Katherine và cách cư xử của họ nhà Pringle, em không biết mình sẽ ra sao nếu không có Rebecca Dew thân yêu và những lá thư của anh... và bé Elizabeth nữa.

“Cuối cùng em cũng làm quen được với bé Elizabeth. Và cô bé dễ thương nhất trần đời.

“Ba đêm trước, em cầm cốc sữa ra cánh cửa bên hông và bé Elizabeth đích thân ra lấy sữa chứ không phải là bà giúp việc, đầu cô bé chỉ vừa đủ nhô lên khỏi nửa dưới cánh cửa đóng kín, thế nên khuôn mặt cô bé như được đóng khung giữa những nhành thường xuân. Cô bé có thân hình nhỏ nhắn, nước da trắng xanh, tóc vàng óng và khuôn mặt mang vẻ trầm tư. Dưới ánh chiều thu chập choạng, cô bé nhìn em bằng đôi mắt to màu nâu lấp lánh ánh vàng. Mái tóc vàng kim rẽ ngôi giữa, giữ sát vào đầu bởi một chiếc lược tròn, rồi xõa bồng bềnh xuống vai. Cô bé mặc một chiếc váy bông kẻ ô xanh lơ với dáng vẻ một nàng công chúa ở xứ sở thần tiên. Cô bé có vẻ ‘mảnh khảnh’ như Rebecca Dew thường nói, gợi cho em nghĩ tới một đứa bé có phần nào suy dinh dưỡng... không phải nơi cơ thể mà trong tâm hồn. Cô bé giống một sợi ánh trăng hơn là một tia nắng.

“ ‘Và đây là Elizabeth ư?’ em thốt lên.

“ ‘Đêm nay thì không,’ cô bé nghiêm túc đáp. ‘Đây là đêm em là Betty vì em yêu tất cả mọi thứ trên thế gian này. Đêm qua em là Elizabeth và đêm mai em có thể trở thành Beth. Tất cả phụ thuộc vào việc em cảm thấy thế nào.’

“Trong lòng em chợt trỗi dậy một cảm giác như vừa gặp được tri âm tri kỷ. Em lập tức cảm thấy rung động.

“ ‘Thật tuyệt khi có một cái tên mà ta có thể dễ dàng thay đổi theo ý thích mà vẫn cảm thấy đó là tên mình.’

“Bé Elizabeth gật đầu.

“ ‘Em có thể chế ra rất nhiều cái tên từ Elizabeth. Elsie này, Betty này, Bess này, Elisa này, rồi Lisbeth và Beth nữa... nhưng không bao giờ là Lizzie. Em không bao giờ có thể cảm thấy mình là Lizzie.’

“ ‘Ai mà cảm thấy được thế chứ?’ em đáp ngay.

“ ‘Cô có cho rằng em thật ngớ ngẩn không, cô Shirley? Bà cố và bà giúp việc nghĩ thế đấy.’

“ ‘Không ngớ ngẩn tí nào đâu... rất khôn ngoan và rất thú vị,’ em đã trả lời như thế.

“Bé Elizabeth mở to mắt quan sát em qua vành cốc. Em cảm thấy như mình đang được đong đếm bởi một cán cân tâm hồn bí ẩn nào đó, và chẳng bao lâu sau, em rất vui mừng nhận thấy mình đủ sức qua cầu. Bởi vì bé Elizabeth nhờ em một việc... và bé Elizabeth không bao giờ nhờ vả người mà cô bé không ưa.

“ ‘Phiền cô nhấc chú mèo lên để em vuốt ve một chút được không?’ cô bé rụt rè hỏi.

“Lúc ấy Xám Tro đang cọ cọ vào chân em. Em nhấc bổng nó lên và bé Elizabeth thò bàn tay nhỏ xíu ra xoa xoa đầu nó vẻ vui sướng.

“ ‘Em thích mèo hơn em bé,’ cô bé lên tiếng rồi nhìn em với bộ dạng hơi thách thức khá là lạ, cứ như cô bé biết em sẽ sốc lắm nhưng vẫn phải nói lên sự thật.

“ ‘Cô đoán em chưa có nhiều dịp chơi với các em bé đâu, cho nên em không biết chúng đáng yêu đến mức nào,’ em mỉm cười đáp. ‘Em có nuôi riêng một chú mèo nào không?’

“Elizabeth lắc đầu.

“ ‘Ồ, không đâu; bà cố không thích mèo. Và bà giúp việc thì ghét chúng lắm. Đêm nay bà giúp việc không có nhà, cho nên em mới có thể tự đi lấy sữa. Em thích đi lấy sữa lắm, bởi vì bác Rebecca Dew là một người rất dễ ưa.’

“ ‘Thế em có buồn vì hôm nay bác ấy không đến không?’ em cười hỏi.

“Bé Elizabeth lắc đầu.

“ ‘Không đâu, cô cũng rất dễ mến. em rất mong được làm quen với cô, nhưng em đã sợ khó mà làm được thế trước Ngày Mai.’

“Chúng em đứng đó trò chuyện trong khi Elizabeth nhấm nháp từng ngụm sữa một và kể cho em mọi điều về Ngày Mai. Bà giúp việc bảo cô bé rằng Ngày Mai sẽ chẳng bao giờ đến, nhưng Elizabeth biết là không phải vậy. Nó sẽ đến vào một lúc nào đó. Vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, cô bé sẽ bừng tỉnh dậy và thấy rằng hiện đang là Ngày Mai. Và rồi nhiều điều sẽ xảy ra… những điều tuyệt vời kỳ diệu. Cô bé thậm chí có thể có cả một ngày trời để làm mọi điều mình thích mà chẳng bị ai giám sát… dẫu em nghĩ rằng Elizabeth cảm thấy điều đó quá tốt đẹp nên chẳng thể trở thành hiện thực kể cả trong Ngày Mai. Hoặc cô bé có thể khám phá ra con đường cảng dẫn đến đâu… con đường uốn khúc quanh co như một chú rắn đỏ đáng yêu dẫn đến điểm tận cùng của thế giới, Elizabeth nghĩ thế đấy. Có thể đó là nơi tọa lạc của đảo Hạnh Phúc. Elizabeth tin chắc rằng đảo Hạnh Phúc tồn tại ở một nơi nào đó là chốn bỏ neo cho những chiếc thuyền không bao giờ quay về nữa, và cô bé sẽ tìm thấy nơi đó khi Ngày Mai đến.

“ ‘Và khi Ngày Mai đến,’ Elizabeth tuyên bố, ‘em sẽ nuôi một triệu con chó và bốn mươi lăm con mèo. Em nói vậy với bà cố khi bà không cho em nuôi mèo con, cô Shirley ạ, và bà tức giận mắng em là, “Tôi không ưa cái kiểu ăn nói như thế, quý cô Hỗn Xược ạ.” Em bị bắt nhịn đói đi ngủ… nhưng em không cố ý hỗn xược đâu. Và em không ngủ nổi, cô Shirley ạ, bởi vì bà giúp việc nói với em rằng bà biết có đứa bé chết trong giấc ngủ vì đã nói năng hỗn xược.’

“Khi Elizabeth đã uống hết cốc sữa, một tiếng gõ sắc gọn vang lên từ một cửa sổ nào đó bị khuất bóng sau hàng vân sam. Em đoán là nãy giờ bọn em đã bị theo dõi. Nàng tiên bé bỏng của em chạy vội đi, mái tóc vàng óng lấp lánh giữa lối đi xuyên qua hàng vân sam sẫm tối rồi biến mất.

“ ‘Con bé có tí tuổi mà kỳ quặc lắm,’ Rebecca Dew nhận xét khi nghe em kể lại chuyến phiêu lưu của mình… thực đấy, chẳng hiểu sao nó lại đặc sắc chẳng khác gì một chuyến phiêu lưu, Gilbert ạ. ‘Một ngày nọ, con bé hỏi tôi, “Bác có sợ sư tử không, Rebecca Dew? “ “Ta chưa thấy con nào nên chưa trả lời được,” tôi đáp. “Ngày Mai sẽ có hằng hà sa số sư tử,” con bé kể, “nhưng chúng đều là những chú sư tử dễ thương thân thiện. “ “Bé con, cháu sẽ bị lé đấy nếu cứ nhìn mãi như thế,” tôi khuyên. Con bé cứ như đang nhìn xuyên qua tôi để thấy thứ gì đó ở Ngày Mai của nó. “Cháu đang suy ngẫm sâu xa, bác Rebecca Dew ạ,” con bé đáp. Vấn đề của con bé ấy là nó không cười đùa đủ mức cần thiết.’

“Em nhớ là Elizabeth chẳng hề cười lần nào trong suốt cuộc nói chuyện của bọn em. Em cảm nhận thấy là cô bé chưa học được cách cười. Căn nhà lớn quá tĩnh lặng, cô đơn và chẳng có lấy một tiếng cười nào. Nó có vẻ xám xỉn và ảm đạm ngay cả khi thế gian tưng bừng mọi sắc thu như bây giờ. Bé Elizabeth bỏ quá nhiều thời giờ để lắng nghe những lời thì thầm trong quá khứ.

“Em nghĩ rằng một trong những nhiệm vụ của em ở Summerside là sẽ dạy cô bé cách cười.

“Người bạn dịu dàng nhất, chân thành nhất của anh

“ANNE SHIRLEY.

“Tái bút: Cũng là bắt chước bà ngoại của dì Chatty đấy!”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play