Tình Trong Như Đã

- Phía bên Trung-quốc có hơn ngàn cao thủ. Phía bên Việt cũng gần 500. Minh-Không đại sư thấy, nếu xẩy ra cuộc đại chiến thì cả hai bên tổn thất không ít. Ngài đề nghị mỗi bên cử ra ba cao thủ đấu với nhau. Hễ bên nào thắng hai cuộc, coi như thắng. Nếu bên Việt thắng, thì bên Tống phải bắt đám binh lính bên họ thả những người dân Việt bị bắt. Ngược lại bên Tống thắng, bên Việt phải rút lui.

Quách Quỳ gật đầu:

- Đúng thế. Võ lâm Trung-nguyên do Giác-Minh đại sư, thủ tọa Đạt-Ma đường chùa Thiếu-lâm thống lĩnh. Phía Đại-Việt do quốc sư Minh-Không chưởng môn phái Tiêu-sơn thống lĩnh. Trận đầu Đại-Việt cử Nghi-Hòa sư thái thuộc phái Mê-linh đấu với Duyên-Hòa sư thái thuộc phái Nga-mi.

Nói đến đây nó đưa mắt nhìn Tôn Đản một cái. Tôn Đản cười:

- Tất nhiên trận này bên Đại-Việt thắng.

Tự-Mai ngạc nhiên:

- Này anh Đản, anh biết rộng đấy nhỉ.

Tôn Đản lắc đầu:

- Tôi đoán vậy thôi. Vì kiếm pháp phái Mê-linh gốc từ vua Bà. Kiếm pháp này vô địch. Khởi thủy do Vạn-Tín hầu Lý Thân tức thánh Chèm chế ra. Thánh Chèm dùng biết bao tâm não, nghiên cứu tất cả kiếm pháp Trung-nguyên, rồi tìm ra nguyên tắc khắc chế. Vì vậy thời Lĩnh-nam không một cao thủ Trung-quốc nào địch nổi kiếm pháp này.

Quách Quỳ hỏi:

- Thời Lĩnh-nam nhiều người biết xử dụng kiếm pháp này lắm ư?

Tôn Đản cười:

- Chỉ có bốn người. Đầu tiên đại hiệp Nguyễn Phan dạy cho Bắc-bình vương Đào Kỳ. Vương dạy lại cho vương phi là tể tứơng Nguyễn Phương-Dung. Ngòai ra sau khi ra khỏi nhà tù, đại hiệp Nguyễn Phan còn thu nạp một nữ đệ tử là Bồ-tát Phật-Nguyệt... Kiếm pháp Mê-linh xuất phát từ thời vua Bà vì vậy tôi mới đoán rằng Duyên-Hòa sư thái bị bại.

Quách Quỳ cười:

- Thế nhưng trận đầu bên Lĩnh-nam không thắng. Hai vị sư thái đấu đựơc 200 hiệp, rồi cả hai cùng bị gẫy kiếm. Coi như hòa.

Tôn Đản lắc đầu:

- Tôi không tin.

Tự-Mai gật đầu:

- Đúng, trận đó hòa. Vì kiếm pháp Mê-linh hiện không còn đầy đủ. Nguyên sau khi vua Bà tuẫn quốc, Bắc-bình vương cùng vương phi tử chiến ở thành Long-biên. Nữ vương Phât-Nguyệt tuyệt tích. Vì vậy kiếm pháp ảo diệu đó lưu truyền thì có, nhưng yếu quyết biến hóa bị thất truyền.

Tôn Đản không chịu:

- Nhất định phải có. Bằng chứng là sau này Lệ-hải Bà-vương còn xử dụng đánh quân Ngô những trận trời long đất lở.

Thanh-Mai gật đầu:

- Đúng! Nguyên trước khi đánh trận Lãng-bạc, vua Bà truyền chép tất cả bí quyết võ công, cùng văn minh thời Lĩnh-nam, trong đó có bộ Dụng binh yếu chỉ của công chúa Thánh-Thiên, rồi sao cho mỗi phái giữ một bản. Chắc chắn Lệ-hải Bà-vương học được kiếm pháp trong di thư ấy. Đều khiến chúng ta phải tìm hiểu xem Lệ-hải Bà-vương học ở đâu?

Quách Quỳ hỏi:

- Lệ-hải Bà-vương là ai vậy?

Trung-Từ đáp:

- Là bà Triệu. Bà Triệu quê ở Cửu-chân, cùng anh là Triệu Quốc-Đạt khởi binh vào niên hiệu Diên-hy năm thứ 11 (248). Bà cùng anh chỉ có 300 chiến sĩ. Mà đánh chiếm đựơc cả vùng Cửu-chân trong vòng năm ngày. Sử nói rằng bà đi đến đâu, đầu quân Ngô rơi đến đấy. Vì vậy người Ngô làm thơ ca tụng bà. Thơ đó nay hãy còn lưu truyền.

Quách Quỳ đọc lớn:

- Cửu Chân thị địa linh.

Hùng khí tải thiên niên.

Diên-hy xuất nhất nữ.

Trí dũng thực vô biên.

Nam nhi bất khả cập. Thế thế nhân nhân truyền.

Hoành giáo đương hổ dị.

Đăng sơn đối Bà nan.

Ghi chú

Tôi không biết tác giả bài này là ai? Cũng chẳng thấy chép trong sử Trung-quốc, Việt-Nam. Tôi ghi theo trí nhớ trong tập sách chép tay bằng chữ Hán, dạy Nam-sử cho thiếu niên Việt tên "Nam-sử cương yếu" mà tôi được học vào năm bẩy tuổi.

Tôn Mạnh hừ một tiếng:

- Thơ chữ Hán, khó hiểu quá.

Thanh-Mai dịch:

- Cửu-chân là đất thiêng,

Hùng khi trải bao năm,

Diên-hy sinh một nữ (3) Trí dũng thực vô biên,

Nam nhi không sánh kịp.

Đời đời miệng người truyền:

Cầm giáo chống hổ dễ,

Lên núi đối bà nan.

Ghi chú

Diên-hy là niên hiệu của Hậu-chúa, năm bà Triệu khởi binh nhằm niên hiệu Diên-hy thứ mười một (248 sau Tây-lịch).

Tự-Mai khen:

- Quách công tử thực không uổng xuất thân danh gia. Thơ văn nào cũng thuộc làu.

Quách Quỳ nói:

- Không hẳn thế đâu. Trứơc khi sang đây. Tôi phải học nói tiếng Việt cùng lịch sử, văn học Đại-Việt. Để tôi tiếp. Trận thứ nhì thì Huyền-Thanh đạo trưởng, chưởng môn phái Võ-đang đại diện Trung-quốc. Đại hiệp Trần Tự-An đại diện Đại-Việt.

Thanh-Mai, Tự-Mai đều bật lên tiếng ồ một lúc. Quách Qùy hỏi:

- Có gì lạ không?

Thanh Mai lắc đầu:

- Không.

Song trên mặt ba chị em hiện lên nét kỳ dị. Vì Trần Tự-An chưởng môn phái Đông-a chính là thân phụ chị em Thanh-Mai. Tuy hai người từng nghe bố kể về trận đấu này nhiều lần rồi, thế nhưng nay nghe người ngoài kể, hai người không khỏi có nhiều điều tự hào.

Quách Quỳ tiếp:

- Hai bên đấu được trên trăm hiệp, thì đi đến đấu nội lực. Khoảng nhai dập miếng trầu, đạo trưởng Huyền-Thanh yếu thế. Ai cũng kinh ngạc. Vì nội công phái Võ-đang đứng đầu Trung-nguyên. Mà đạo trưởng lại chuyên về luyện khí. Trần công tử, người có biết tại sao không?

Tự-Mai mỉm cười:

- Điều này hơi rắc rối, nên bên Trung-nguyên không hiểu là phải. Nguyên trong trận đánh Bạch-đằng, ông nội tôi bắt được cuốn phổ của phái Võ-đang. Người đem về nghiên cứu một tháng thì tìm ra rằng giữa nội công Đông-a với Võ-đang có nhiều điều trái ngược, nhiều điều tương đồng. Nhân đó người sửa đổi nội công Đông-a trở thành khắc chế với nội công Võ-đang. Vì vậy khi đệ tử Đông-a đấu với bất cứ đệ tử nào của Võ-đang, cũng thắng dễ dàng.

Quách Quỳ buồn rầu:

- Thì ra thế. Công tử là con của đại hiệp

Tự-An mà tôi quên mất.

Tôn Đản nói móc:

- Quách công tử. Người đần thật. Vậy mà cũng đòi đi ăn trộm, đến nỗi bị Tự-Mai bắt được. Hồi chiều sư phụ người nghe chị Thanh-Mai xưng là con gái đại hiệp Trần Tự-An. Ông ta sợ té đái vãi phân ra bỏ chạy mất tích. Bấy giờ công tử đứng bên cạnh không lẽ không biết? Chị Thanh-Mai là con đại hiệp Tự-An. Mà Tự-Mai là em chị Thanh-Mai, thì đương nhiên cũng là con đại hiệp Tự-An chứ còn gì nữa mà phải hỏi?

Quách Quỳ lờ đi như không nghe lời châm biếm của Tôn Đản. Nó nói tiếp:

- Triệu Thông là đệ tử của đạo trưởng Huyền-Thanh, lĩnh chức chinh di đại tướng quân tổng trấn thành Ung, xua quân tràn ra ngoài thành. Võ lâm Đại-Việt phải rút chạy. Đến gần biên giới, thì quân Đại-Việt cũng tràn ra cứu trợ bên mình. Cuộc chiến diễn ra thực kinh thiên động địa. Lúc đầu thì lực lượng hai bên ngang nhau. Sau chưởng môn phái Tây-vu cho đạo quân mấy triệu con ong xuất trận. Quân Tống bị ong đốt bỏ chạy tán lọan. Các cao thủ bên Trung-nguyên chết gần hết. Thủ tọa Đạt-Ma đừơng, La-Hán đường phái Thiếu-lâm. Chưởng môn phái Võ-đang, Nga-mi. Lục vị trưởng lão phái Không-động. Tứ kiệt phái Hoa-sơn đều tuẫn quốc... Triệu Thông bị mất một tay.

Tôn Mạnh cười:

- Cái ông Triệu Thông còn sống sót đó bây giờ hẳn có nhiều kinh nghiệm. Chắc ông ta bầy kế cứu nước hay lắm.

Quách Quỳ bị Tôn Mạnh nói mỉa. Nhưng nó không hiểu tiếng Việt, nên tưởng là lời khen. Nó gật đầu:

- Triệu đại hiệp nói rằng: muốn cứu nước phải dùng đến hai biện pháp. Thứ nhất tìm ra cho được bộ Lĩnh Nam võ kinh viết thời vua Trưng bên Đại-Việt. Như vậy nhà Đại-Tống sẽ có bộ Dụng binh yếu chỉ . Bộ binh pháp này nhiệm mầu hơn bộ Vũ-kin của Tôn Võ nhiều. Thứ nhì là toàn bộ võ công Lĩnh-nam. Như vậy các cao thủ Liêu, Tâ-hạ làm sao địch nổi?

Thanh Mai gật đầu:

- Ý kiến đó thực hay. Rồi sao?

- Quần hào đều cho là ý kiến xác đáng. Cuối cùng đưa ra đề nghị ba điều: một là dù vua Tống hôn ám, không nên đánh đổ nhà Tống. Đánh đổ nhà Tống lúc này chỉ khiến nội loạn chém giết nhau. Rồi ngoại bang tràn vào cướp nước. Ngược lại, cần trợ giúp Tống triều. Đại hội cử phái đòan yết kiến hoàng đế Thiên-thánh (Tống Nhân-tông), bầy tỏ ý đó. Thứ nhì cử nhiều cao thủ sang Đại- Việt tìm di thư. Thứ ba, hô hào võ lâm thống nhất hành động chống ngoại bang. Thiên-thánh hoàng đế không tiếc tiền, cử nhiều phái đoàn sang Đại-Việt dò la. Nhưng vô hiệu. Di thư không có manh mối nào khả dĩ lần ra.

Tự Mai cười:

- Thế thì công tử cũng ở trong một phái đoàn. Không biết phái đoàn của công tử do ai cầm đầu? Phái đoàn có bao nhiêu người?

- Cầm đầu phái đoàn là hoàng đệ Triệu Thành tước phong Bình-nam vương lĩnh phụ quốc thái úy. Năm nay khỏang 35 tuổi, văn võ kiêm toàn. Người không ra mặt, mà ẩn vào làm một nhân viên trong sứ đòan đến Đại-Việt. Sứ đòan đến Đại-Việt chỉ là bề ngoài. Nhưng thực ra để liên lạc với bốn đoàn do thám khác. Người sai sư phụ tôi cùng với hai sư thúc lên đường đi Cửu-chân, dò xét trong đại hội tại đền thờ Lệ-Hải bà vương, hy vọng tìm được di thư. Nào ngờ ban ngày xẩy ra cuộc chiến giữa tôi với Đản. Sư phụ tôi nhận xét rằng Đản xử dụng võ công Tản-viên pha lẫn với Cửu-chân. Vì vậy người đoán rằng sư phụ của Đản ắt có di thư trong tay. Song luyện tập thiếu chuyên cần. Bằng không, Đản đâu đến nỗi bị tam sư thúc bắt dễ dàng?

Thanh-Mai hỏi:

- Vì vậy, sư phụ người mới đánh thuốc mê chúng ta. Cuối cùng lục kiếm được di thư phía sau tượng đức ông. Ai ngờ trời bất dung kẻ gian. Giữa lúc đó, bị người khác đọat mất.

Tôn Trung-Luận cười:

- Cuốn sách để trong tượng đức ông không phải di thư đâu. Chẳng qua đó là cuốn phổ chép tiểu sử của ngài mà thôi.

Tự-Mai ra hiệu cho mọi người im lặng:

- Sứ đoàn của công tử đã làm được những gì?

- Tuy chưa tìm được di thư, nhưng đoàn của tôi đã tìm ra được một manh mối quan hệ hơn, đó là bắt liên lạc được với hai người, nguyên là đệ tử bang Nhật-Hồ Trung-quốc, do Khu-mật viện gửi sang. Lại cũng liên lạc được với ít nhất ba trưởng-lão của Hồng-thiết giáo Đại-Việt.

Thanh-Mai hỏi:

- Công tử có biết tên ba vị đó không?

- Không! Tôi chỉ biết trong ba vị ấy, có một vị nguyên là đại tướng Tống, tước phong hầu, được gửi về Đại-Việt, âm thầm tổ chức người Hoa thành đội ngũ, để khi quân Thiên-triều sang, thì nổi lên làm nội ứng.

- Còn hai người nguyên là đệ tử bang Nhật-Hồ Trung-quốc, họ là ai?

- Tôi chỉ nghe lỏm rằng hai người là vợ chồng. Họ cải danh. Vợ làm thầy thuốc. Còn chồng thì cạo đầu đi tu. Tuy vậy đêm đêm họ vẫn âm thầm gặp nhau.

Thanh-Mai tỏ ra rất chú tâm đến Hồng-thiết giáo. Nàng hỏi:

- Người ta nói Nhật-Hồ lão nhân là giáo chủ Hồng-thiết giáo Đại-Việt cũng là sư phụ của Đông-Nhật lão nhân, nguyên giáo chủ Hồng-thiết Trung-Quốc. Không biết có đúng không?

- Truyện này tôi nghe biết lờ mờ mà thôi. Đông-Nhật lão nhân chính là Lưu Trí-Viễn, trước đây lên làm vua. Sau khi người chết thì Hồng-thiết giáo Trung-quốc bị diệt. Cô nương! Dường như cô nương biết nhiều về giáo phái này thì phải?

- Dĩ nhiên. Vì Hồng-thiết giáo rất tàn bạo. Họ ăn bào thai để luyện công. Hồi Thập-nhị sứ quân, suýt nữa họ chiếm được nước. Sau khi Thập-nhị sứ quân bị diệt, họ vẫn bí mật hoạt động. Hôm trước phụ thân tôi có lên Bắc-biên chơi, thì được biết phái Tây-vu đang truy lùng giáo chúng Hồng-thiết dữ lắm. Bởi họ mới nổi loạn.

Quách Quỳ hỏi:

- Khi còn ở bên Trung-nguyên, tôi nghe nói Tây-vu là một nước riêng không thống thuộc Đại-Việt. Chúa Tây-vu là đàn bà. Nước Tây-vu gồm nhiều nước nhỏ như Lạng-châu, Quảng-nguyên, Vĩnh-an, Tô-mậu, Thất-nguyên, Bảo-lạc. Không ngờ Tây-vu lại là một môn phái.

Thanh-Mai đáp:

- Quách công tử, người lầm rồi. Hồi Lĩnh-nam, Tây-vu bao gồm nhiều sắc dân vùng núi rừng giáp giới giữa Giao-chỉ với Nam-hải, Tượng-quận. Công chúa Hồ Đề thống nhất lại thành phái Tây-vu. Trải đến đời đức Thuận-thiên hoàng đế (Lý Thái-tổ) lên ngôi, họ gồm 207 trang động thống nhất. Cứ năm năm bầu lấy một vị lãnh đạo. Theo truyền thống, vị lãnh đạo bao giờ cũng là phụ nữ. Bấy giờ họ không tìm ra được một phụ nữ lãnh đạo, đành cho Thân Thiệu-Anh giữ quyền làm vua. Thân Thiệu-Anh được đức hoàng đế gả em gái là công-chúa Hồng-Châu cho. Con trai Thân Thiệu-Anh là Thân Thừa-Qúy lại được hoàng đế gả nhị công chúa cho. Trong kỳ đại hội mới đây, nhị công chúa được 207 động chủ tôn làm vua. Vua Tây-vu vẫn thần phục bản triều.

Trời dần sáng. Vừng kim ô ló dạng tỏa ánh sáng ban mai xuống những chòm cây xanh bóng. Chim thức giấc hót líu lo, chào mừng một ngày đang tới. Đám trẻ bạn của Đản đã trở lại. Đản đem truyện đêm qua kể cho đám bạn nghe. Hà Thiện-Lãm chửi thề:

- Thế là cái đéo gì. Nó sang đây ăn cắp di thư. Cũng như quân cướp nước. Đã là quân cướp nước thì còn gì là tử tế nữa. Đem nó chém ra làm mấy khúc, liệng xuống sông nuôi cá cho rồi. Từ xưa đến giờ bọn Tống hèn yếu, bị vua Lê Đại-Hành đánh cho nghiêng ngửa. Bắc bị Liêu. Tây bị Tây Hạ. Nước Việt mình cũng nên đem quân sang chiếm lại đất cũ, tái lập Lĩnh-nam. Chẳng biết sao triều đình không làm thế?

Bỗng có tiếng nói êm đềm từ bụi hoa gần đó:

- A-Di-Đà Phật! Không nên! Không nên. Quách tiểu thí chủ không phải là đầu mối vụ này. Vả lại, tội trộm cần giao cho quan nha xét xử. Chúng ta không thể giết người.

Thanh-Mai, Tự-Mai cùng chạy lại:

- Sư phụ! Thì ra sư phụ ở đây! Bọn con tìm khắp nơi mà không thấy.

Tịnh-Huyền sư thái đứng dậy nói:

- Đêm qua sư phụ thấy có nhiều tiếng chân người đến ngôi đền này. Bước chân trầm mà không tiếng động, thì biết nhiều cao thủ phái Thiếu-lâm gía lâm. Vì vậy sư phụ ra bụi hoa này ngồi thiền. Mọi truyện không có gì đáng ngại.

Bà hỏi Quách Qùy:

__ Tiểu thí chủ! Sư phụ của tiểu thí chủ là đệ tử phái Thiếu-lâm, đệ nhất danh môn chính phái Trung-quốc. Tại sao lại dùng độc khí Xích Trà Luyện của Hồng-thiết giáo, xông chúng ta?

Quách Quỳ nhăn nhó:

- Tiểu bối hoàn toàn không biết gì về vụ này.

Thanh-Mai hỏi Tịnh-Huyền:

- Độc chất Xích Trà Luyện là loại gì mà sức mạnh kinh khủng. Đệ tử thò đầu ra ngoài, thế mà hít phải một chút, chân tay không cử động được nữa.

Tịnh-Huyền giảng giải :

_ Xích Trà Luyện là tên của vị giáo chủ đời thứ nhì thuộc Hồng-thiết giáo Tây-dương. Người chế ra một thứ độc chất, gồm hai thứ nước khác nhau, đựng trong một bình hai ngăn. Khi đập vỡ bình, thì hai chất gặp nhau, phát nổ, cháy, bốc thành khói bay mịt mờ. Ai ngửi phải thì chân tất tê liệt trong vòng hai giờ. Còn người nào uống thuốc giải trước thì vô sự. Độc chất này do Nhật-Hồ lão nhân mang về Trung-quốc, Đại-Việt.

Thanh-Mai gật đầu:

- Thế thì đúng rồi.

Quách Quỳ nói :

- trong đám gian tế Tống, có ba trưởng lão Hoàng-thiết giáo. Chắc ba người này trao độc chất Xích Trà Luyện cho sứ đoàn Trung-quốc chứ không sai.

Đến có có tiếng ồn ào, rồi một đoàn thiếu niên mười người, lưng đeo mã tấu tiến vào. Họ đều mặc quần áo nâu, cổ quàng khăn đỏ.

Người trưởng toán hỏi Tôn Trung-Luận:

- Bác từ! Nghe nói đêm qua có bọn trộm đến viếng đền thờ đức Ông phải không? Sự thể ra sao?

Chợt anh ta thấy Tịnh-Huyền, vội chắp tay:

- Đệ tử Đoàn Chi xin kính cẩn tham chiến sư thái.

Tịnh-Huyền đáp lễ:

- Phúc đức! Các vị đến vừa đúng lúc.

Tôn Trung-Luận thấy họ thì mừng rỡ lắm đứng dậy:

- Anh Chi! Tôi mong anh quá.

Ông giới thiệu Tịnh-Huyền và chị em Thanh-Mai với Đoàn Chi, rồi chỉ toán thiếu niên:

- Bạch sư thái đây là toán thiếu niên Hồng-hương thuộc thôn Tân-qui. Thôn này được an ninh là nhờ anh em đây.

Nói rồi ông thuật sơ lược nội vụ cho Đoàn Chi nghe. Đoàn Chi nói:

- Như vậy Quách Quỳ phạm tội trộm. Theo luật bản triều thì người lớn bị phạt lao dịch mười ngày. Trẻ con thì trao trả bố mẹ, hương chức dạy dỗ.

Tịnh-Huyền chắp tay:

- A-Di-Đà Phật! Thanh-Mai con mau cởi trói cho tiểu công tử, rồi đưa lên quan nha.

Đoàn Chi nói:

- Để tôi giải lên huyện. Từ đây lên huyện cũng không xa làm bao. Xin bác từ theo sau làm chứng.

Tôn Đản nói với bố:

- Thưa bố, duyên may gặp gỡ, con được sư thái dạy dỗ từ qua tới giờ khá nhiều. Nhân sư thái lên đường dự lễ đền thờ Lệ-Hải Bà-vương. Xin bố cho con đưa đường, để được học hỏi thêm.

Tôn Trung-Luận gật đầu:

- Gửi con vào cửa Phật là điều ai cũng ước vọng. Con theo gót Bồ-tát của sư thái. Hãy cố học lấy tư cách của danh gia đệ tử như anh Tự-Mai.

Hà Thiện-Lãm, Lê Thuận-Tông đến trứơc sư thái Tịnh-Huyền quì gối:

- Xin sư thái mở tâm Bồ-tát cho chúng con theo dự đại lễ với.

Sư thái Tịnh-Huyền phất tay, một kình lực nhu hòa đỡ hai đứa trẻ dậy:

- Các con muốn theo bà, để học đạo đức Thế Tôn, thực chúng ta có tiền duyên vậy. Nào lên đường.

...Một sư bà dẫn một thiếu nữ, bốn đứa trẻ cùng trên con đường. Con đường đọng đầy sương mai. Cỏ nở hoa thơm ngát. Nắng vàng đổ lên đồng ruộng mênh mông. Sư thái Tịnh-Huyền vừa đi vừa giảng về cuộc khởi nghĩa oanh liệt xưa kia của bà Triệu. Bà chỉ vào dãy núi xa xa:

- Các con hãy nhìn dãy núi kia. Xưa là căn cứ của bà Triệu. Lúc đầu chỉ có 300 tráng sĩ, mà khiến cho Lữ Đại mất ăn, mất ngủ. Đại phải rút quân từ Nhật-nam, Giao-chỉ, Quế-lâm các nơi về tiếp viện. Cuối cùng tràn ngập được căn cứ nghĩa quân. Khi y lên núi, doanh trại thì còn, nhưng một bóng người cũng không thấy. Tổ tiên ta anh hùng như thế đó.

Thiện-Lãm lắc đầu:

- Bà giảng như vậy, làm sao con hiểu được. Xin Bà thuật tỷ mỉ, họa may con mới thông hết.

Sư thái Tịnh-Huyền bảo Trần Tự-Mai:

- Con thuật cho các bạn nghe đi.

Lê Thuận-Tông lên tiếng:

- Trời nắng gắt quá, xin bà cho chúng con ngồi dưới gốc cây kia một lát. Bọn con mỏi chân lết không nổi rồi.

Sư thái Tịnh-Huyền gật đầu:

- Ừ, bà quên mất rằng các con chưa học võ. Nội lực không làm bao.

Cả đoàn đến ngồi đưới gốc cây đa cổ thụ. Thanh-Mai chỉ cây đa nói:

- Cây đa này cao thực, tới ba gốc. Không biết tại sao lại có sự kỳ lạ thế nhỉ?

Hà Thiện-Lãm tỏ ra sành sỏi:

- À, truyện giản dị thôi. Đầu tiên cây chỉ có một gốc. Cành mọc chĩa ra xa. Cây đa vốn có nhiều rễ từ các cành túa xuống. Rễ chạm đất, lập tức bén mầu, mọc chui xuống càng ngày càng sâu. Rễ ấy lớn dần lên, lâu năm to bằng gốc mẹ. Thế là thành một gốc mới. Vì vậy cây đa này mới có tới ba gốc.

Dưới gốc đa, có mấy cái ghế bằng gỗ đơn sơ. Ý hẳn, dân làng làm, để du khách đi qua tiện chỗ nghỉ chân. Đợi mọi ngừơi ngồi xuống xong. Tự-Mai hắng rặng một tiếng rồi kể:

- Chúng ta đã biết tường tận về truyện vua Trưng đuổi giặc Hán, lập triều đình Lĩnh-nam, làm rung động Trung-nguyên. Sau khi vua Bà tuẫn quốc ở Cẩm-khê. Các vị anh hùng như Đào Kỳ, Phương-Dung, Chu Bá, Đô Dương quân ít, thế cô dần dần cũng bị diệt. Vua Quang-Vũ nhà Hán truyền lệnh Mã Viện phải tiến chiếm từng trang, từng châu. Các trang đều tử chiến. Mã phải trải hai năm mới chiếm hết. Mỗi khi vào được trang nào. Trong trang điêu tàn, chỉ còn một số ít đàn bà trẻ con. Dân chúng chết la liệt. Bởi vậy, Hán tuy chiếm được đất Lĩnh-nam, mà không chiếm được dân Lĩnh-nam. Dân số Lĩnh-nam hồi đó trên 10 triệu người. Trừ hai triệu người Hán ra. Dân Việt tới tám triệu. Sau khi bình định xong. Mã Viện kiểm tra dân số, còn không quá ba triệu. Chính vì vậy, mà trên 200 năm. Người Việt không đủ sức vùng dậy.

Tự-Mai ngừng lại một lát rồi tiếp:

- Cuối thời Đông-Hán. Trung-quốc bị phân ra làm ba nước. Sử gọi là thời Tam-quốc. Bắc thuộc Ngụy, do con cháu Tào Tháo cai trị. Vùng Hán- trung, Ích-châu do giòng dõi của nhà Hán là Lưu Bị cai trị. Phía Đông và Nam sông Trừơng-giang do Tôn Quyền cai trị gọi là Đông-Ngô. Ba nước đem quân đánh lẫn nhau.

Lê Thuận-Tông hỏi:

- Bấy giờ bên Việt mình bị nước nào cai trị?

- Không nhất định. Niên hiệu Kiến-an thứ năm thời Hán Hiến-đế (201 sau tây lịch). Hán cử Trương Tân làm thứ sử Giao-chỉ. Đựơc sáu năm Trương Tân bị một kiếm khách giết chết.

Tôn Đản ngắt lời:

- Y bị giết trong trường họp nào? Kiếm khách đó tên là gì?

- Trương Tân mới sang. Y truyền khắp Giao-chỉ phải tạc tượng, làm đền thờ Nhâm Diên, Tích Quang. Tại Long-biên, đích thân y điều động xây ngôi đền thực lớn. Lại sai thợ tìm một cây mít to hơn ngưới ôm. Y sai đẵn gỗ mít, tìm người thợ khéo, tạc tượng Tích Quang. Bốn người thợ làm việc trong hai tháng, thì xong pho tượng, lớn bằng người thực. Tựơng Tích-Quang có tư thế ngồi vuốt râu, tay cầm sách đọc. Y truyền lệnh dân chúng khắp nơi tụ tập về đúng ngày rằm tháng hai, để làm lễ yểm tâm. Pho tựơng được đặt lên bệ, trùm một tấm vải mầu vàng. Đợi đúng gìơ Ngọ, y sẽ đến chủ tọa buổi lễ. Chính tay y gỡ tấm vải ra.

Tự-Mai ngửa tay hướng về phía Thiện-Lãm:

- Khát nước qúa. Cho xin một hớp mới đủ hơi kể truyện.

Thiện-Lãm mở bầu nước rót ra bát làm bằng nửa cái gáo dừa, hai tay bưng đưa cho Tự-Mai:

- Xin thầy đồ xơi nước, rồi kể truyện.

Tự-Mai bưng bát nước uống cạn, tiếp:

- Giờ Ngọ. Các quan tề tựu đầy đủ. Dân chúng bị bắt về dự có hàng mấy vạn. Sau hồi hồi chiêng trống. Y trịnh trọng lên đài cao gân cổ kể công ơn Tích Quang là người đầu tiên đem lễ nghĩa Khổng, Mạnh sang giáo hóa dân Việt. Dạy dân Việt cách trồng cấy ngũ cốc. Rồi y tiến vào đền, leo lên bệ, thân gỡ tấm vải phủ trên pho tượng. Khi tấm vải gỡ ra. Tất cả mọi người đều kinh ngạc đến ngẩn người, tròn mắt. Đố biết cái gì đã xẩy ra nào?

Mọi người ngừng lại, đưa mắt nhìn về phia trước. Trên đường, năm người cỡi năm con ngựa đang tiến tới. Họ cùng xuống ngựa, ngồi trên các mỏm đá dưới gốc đa nghỉ chân. Người thứ nhất khoảng 27-28 tuổi, cực kỳ uy vũ, trang phục theo lối quý phái. Người thứ nhì là một hòa thượng gầy như que củi. Người thứ ba là một thanh niên, béo tròn béo trục. Người thứ tư trang phục như một đạo sĩ. Còn ngươi thứ năm da trắng môi hồng, tuổi khoảng 17-18. Họ đưa mắt nhìn đoàn người của sư thái Tịnh-Huyền. Tất cả cùng chắp tay xá ba xá miệng niệm:

- A-Di-Đà Phật.

Sư thái Tịnh-Huyền vẫy cả bọn cùng đứng lên:

- A-Di-Đà Phật.

Thanh-Mai, Tự-Mai nhận ra thanh niên công tử chính là người chị em nàng đã gặp năm trước tại cố đô Hoa-lư, sau đó được chàng tặng hoa mấy mùa. Tự-Mai hướng thanh-niên công tử:

- Thì ra anh!

Thanh niên công tử cười rất tươi:

- Cứ có duyên, thì thế nào anh em mình cũng gặp lại nhau. Thế nào chú vẫn khỏe chứ. Hồi này lớn quá rồi.

Chàng hướng Thanh-Mai:

⬔Trần cô nương. Dung nhan cô nương ngày càng đậm đà. Không biết chú em có bắt cô nương bịt mũi, nhắm mắt khi qua những chậu hoa tại hạ tặng không?

Tự-Mai cười:

⬔Anh biết không, hoa anh cho đẹp hơn hoa trong vườn nhà em nhiều. Mỗi lần hoa đến, chị Thanh dành tưới, cắt tỉa. Chị ấy còn đem về phòng riêng, không cho em thưởng nữa.

Thanh-Mai dơ tay đánh gió em một cái. Tự-Mai lượn mình tránh khỏi. Thanh niên công tử dơ tay vẫy đám trẻ mỉm cười. Đám trẻ thấy tư thái thanh niên công tử đường bệ, thanh cao, nhẹ nhàng. Chúng cũng gật đầu đáp lại.

Tự-Mai nhớ đến bài thơ Thôi Hộ đề ở gốc đào. Nó ngâm:

Tích- niên kim nhật thử viên trung,

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng,

Nhân diện chí kim tại thử địa,

Đào hoa thành quả, khiếm Xuân phong.

Nó đổi hai câu cuối đi. Trước kia là: nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiếu Xuân phong có nghĩa: mặt hoa nay không biết ở đâu, hoa đào năm ngoái còn cười gió Xuân thành ra mặt hoa nay hiện nơi đây, nhưng hoa đào đã thành trái, mà thiếu gió Xuân.

Thanh niên công tử cùng Thanh-Mai, mặt nhìn mặt. Gió hiu hiu thổi. Hai người như lạc vào chốn Bồng-lai hoang vu. Họ đều xuất thần, quên mất rằng xung quanh có bao nhiêu người.

Thanh-Mai nghĩ thầm:

- Mình tưởng kiếp này không gặp lại chàng nữa, thì chẳng hoá ra một cuộc tình đoạn trường ư? Không ngờ hôm nay gặp chàng đây? Không biết chàng là ai? Liệu có phải là người trong võ lâm không? Mình phải làm một cái gì để phá sự yên lặng này mới được, bằng không thằng em ranh ma nó nói toẹt ra thì xấu hổ chết.

Thanh-Mai đến trước hòa thượng chắp tay hành lễ:

- Bạch hòa thượng. Chị em chúng con đang dở truyện. Không biết có làm phiền sự yên tĩnh của hòa thượng không?

Hòa thượng nở một nụ cười từ ái:

- Cô nương không nên đa lễ. Chính bọn bần tăng làm rộn sư thái và quý vị. Chúng ta là con dân Đại-Việt cả mà?

Nghe đến câu con dân Đại-Việt bọn trẻ gật đầu nhìn nhau tỏ vẻ suy nghĩ.

Thanh-Mai nói:

- Thôi chúng ta tiếp tục. Các em trả lời Tự -Mai đi.

Nàng đưa mắt nhìn công tử. Bốn mắt gặp nhau, cả hai như cùng uống một chén rượu nồng, men làm đỏ mặt lên.

Thiện-Lãm không chú ý đến bọn mới tới. Nó nói với Tự-Mai:

- Tượng bị thích chữ vào mặt.

Tự-Mai lắc đầu.

Thuận-Tông nói:

- Tượng bị cắt mất tai.

Tự-Mai cũng lắc đầu.

Tôn Đản ngơ ngác:

- Tượng bị khoét mắt.

Tự-Mai lắc đầu hỏi:

- Nếu các anh muốn phá Trương Tân. Các anh sẽ làm gì?

Thiện-Lãm cười:

- Khắc con chim cu vào mặt.

Tôn Đản nhăn nhó:

- Cấm nói tục. Chúng mình với nhau nói tục thì được. Ở đây có quí khách, có sư phụ, có chị Thanh. Nói tục là vô phép.

Thiện-Lãm cãi:

- Vô phép thì vô phép thực. Song hoàn cảnh phải nói đến cái đó.

Thuận-Tông xua tay lắc đầu:

- Tôi không làm thế. Tôi viết vào mặt tượng hàng chữ: Tên lưu manh cướp nước, giả nhân gĩa nghĩa.

Tôn Đản đáp:

⬔Tôi soạn một bài hịch kể tội Tích Quang, Nhâm Diên mưu đồng hóa dân Việt. Chính hai tên này bắt dân Việt học chữ Hán, cấm học chữ Khoa Đẩu của ngừơi Việt. Khi người Việt không đọc được chữ của mình. Thì bao nhiêu tư tưởng, lịch sử, văn minh, văn học không còn nữa... Bấy giờ một là người Việt biến thành bọn mọi rợ ngu dốt, hai là học sách vở ngoại lai. Dân Việt vĩnh viễn thành dân Hán. Hồi ấy bên đất Việt mình văn minh, tư tưởng, học thuật có phần trội hơn Trung-quốc. Võ học nhất định hơn rồi. Vì sử sách còn ghi Vạn-tín hầu thắng hết các cao thủ triều Tần Thủy-Hòang. Về thiên văn lịch số càng hơn. Bằng cớ vua Hùng sai tặng vua Chu con rùa lớn. Trên lưng khắc rõ phép làm lịch. Vua Chu sai chép lấy, gọi là Qui-lịch. Nguồn gốc lịch Trung-quốc từ đất Việt truyền qua. Sau này có sửa đổi đôi chút song căn bản vẫn giữ nguyên. Về y học, bộ Nội-kinh của họ chỉ có tính cách đại cương. Trong khi đó bộ Nạn-kinh của người Việt mình phân tích ra đến 81 nạn. Tỷ mỉ rõ ràng.

Người thanh niên công tử mới tới xen vào:

- Này em bé, em nói thế thực không phải. Trung-quốc là gốc văn minh thiên hạ. Văn minh Trung-quốc đi đến đâu, mọi văn minh khác bị lu mờ hết.

Chàng mỉm cười tiếp:

- Em phải biết rằng bên Trung-quốc vào thời Đông-Chu, Chiến-quốc văn hóa rực rỡ biết là bao. Các đại tư tưởng gia như Khổng-tử, Lão-tử, Tuân- tử, Mặc-tử. Họ trứ tác hàng vạn, hàng triệu sách thuộc lọai kinh học, sử học, thi tập, cùng tư-tưởng học . Sau gọi chung là kinh, sử, tử, tập. Khổng-Tử nói: « Chu đại úc úc hồ văn tai. Ngô tòng Chu dã ». Nghĩa là thời nhà Chu văn học rực rỡ thay. Ta theo nhà Chu. Thế mà em dám chê ư?

Tôn Đản cười:

- Này công tử. Em có chê văn minh Trung-quốc đâu? Em chỉ muốn nói rằng thời này văn minh học thuật Đại-Việt cũng rực rỡ như Trung-quốc.

Tự-Mai không chịu:

- Tự cổ chúng ta có chữ Khoa-đẩu. Mấy nghìn năm văn minh Lĩnh-nam đều chép bằng chữ này. Cho đến thời kỳ vua An-dương dựng nước là thịnh nhất. Khi lên làm tể tướng, Phương-chính hầu Trần Tự-Minh lập bốn viện Kinh-dương, Lạc-long, Âu-cơ, Bách-tộc để sưu tầm, nghiên cứu, cùng truyền bá tư tưởng đó.

Thanh niên công tử đưa mắt nhìn vị hoà thượng, rồi hỏi:

- Bốn viện đó khác nhau thế nào?

- Viện Kinh-dương chuyên về kinh. Viện Lạc-long chuyên về triết. Viện Âu-cơ chuyên về văn. Viện Bách-tộc chuyên về sử. Ngoài ra còn Thiên-văn, coi về lịch số. Y học viện coi về y học. Viện Thần-nông coi về canh nông, chăn nuôi. Thời Triệu Đà, y vốn là người Hán. Y không cấm học chữ Khoa-đẩu, nhưng dùng chữ Hán làm văn tự chính thức. Hoá cho nên văn học, tư tưởng trải mấy trăm năm suy thoái. Tuy vậy sách vở cũng không bị mai một làm bao.

Nó ngừng lại, nhìn chị với thanh niên công tử, rồi ngửa mặt lên trời cười tủm:

- Đến thời vua Trưng, công chúa Phùng Vĩnh-Hoa làm bản thống kê còn được bẩy mươi tư nghìn, chín trăm tám mươi tám bộ. Bà cũng chia ra bốn lọai là kinh, triết, văn, sử. Kinh thì có các bộ Bách-tộc, Kinh-dương, Lạc-long, Thiên-huấn, Điạ-nghĩa. Triết thì ôi thôi nhiều vô kể. Văn thì có hàng hai chục ngàn bộ. Sử thì chỉ có chín mươi chín bộ mà thôi. Những sách chép về y học, thiên văn học, lịch số học, cùng hàng nghìn bộ môn lặt vặt. Có thể nói, đương thời, văn minh hai nước Hoa, Việt ngang nhau. Khi Mã Viện chiếm nước ta, y ra lệnh thu hết sách chở về Lạc-dương, cấm học chữ, tàng cất sách bằng văn tự Khoa-đẩu. Vì vậy nay chúng ta không biết đâu mà mò.

Thanh niên công tử cười:

- Xin lỗi các em, anh nghe lầm. Các em cứ tiếp tục câu truyện đi.

Tự-Mai không chú ý đến thanh niên công tử nữa. Nó nói:

- Tất cả đều đoán không đúng. Pho tượng bị cụt đầu.

Đám trẻ cùng cười ồ lên, đầy vẻ khoái trá. Tự-Mai tiếp:

- Trương Tân nổi giận la hét. Nhưng nào biết ai đã làm truyện đó? Y truyền lệnh thu tất cả nồi, bát, xanh bằng đồng. Bắt dân chúng đúc pho tượng khác. Rồi tổ chức một buổi lễ thứ nhì. Lần này cẩn thận hơn. Y cắt cử một toán quân canh gác. Đến ngày lễ. Y cũng trịnh trọng gỡ tấm vải che tượng ra. Một lần nữa tất cả mọi người đều trợn tròn mắt.

Thanh niên công tử hỏi:

- Cái gì đã xẩy ra?

Tự-Mai cười:

- Trong tấm vải không phải là pho tượng. Pho tượng biến mất. Thay vào đó là một người. Người ấy quát lên một tiếng, đưa lưỡi kiếm. Đầu Trương Tân rơi xuống đất. Kiếm khách ấy vọt người lên, đục thủng mái đền, rồi biến mất. Đám võ sĩ hộ vệ Trương Tân không kịp trở tay.

Thanh niên công tử hướng sư thái Tịnh-Huyền xá một xá:

- Thực đúng thầy nào, trò đó. Em nhỏ này, mới có bấy nhiêu tuổi mà kiến thức sâu xa hiếm người bằng. Xin phép sư thái để chúng tôi được tạ thầy đồ tí hon một lễ vật. Không biết sư thái có cho phép không?

Sư thái Tịnh-Huyền chắp tay:

- A-Di-Đà Phật. Công tử quá khen. Tự-Mai, con mau tạ ơn công tử đi.

Công tử phất tay không cho Tự-Mai hành lễ, rồi tháo trên cổ ra chuỗi tràng hạt bằng ngọc mầu xanh, đeo vào cổ cho Tự-Mai:

- Món quà này không xứng đáng với những kiến thức về anh hùng Đại-Việt của em.

Mọi người đều kinh ngạc đến ngẩn người ra. Vì không ngờ công tử tặng món quà quá lớn. Trong khi chỉ mới biết nhau.

Tự-Mai đinh từ chối. Sư thái Tịnh-Huyền vẫy tay:

- Con đa tạ sư huynh đi. Con phải nhớ. Duyên pháp nhà Phật không phải một lát mà có. Ngọc sư huynh tặng con không thể quí bằng vật mà công tử dùng hàng ngày. Vật công tử dùng hàng ngày không gì quí bằng tràng hạt.

Tự-Mai chắp tay :

- Đa tạ công tử tặng quà.

Rồi nó liếc mắt nhìn chị, nháy mắt, méo mồm một cái.

Thanh niên hỏi:

- Thế sau khi Trương Tân chết rồi thì ai thay thế y cai trị Giao-chỉ? Võ lâm Việt có giết thứ sử nữa không?

Tự-Mai đáp:

- Sau khi Trương Tân bị giết. Quan lại Trung-quốc cai trị Giao-chỉ, Nhật-nam, Cửu-chân, Quế-lâm kinh tâm động phách. Triều Hán cử nhiều người sang thay thế. Nhưng họ đều sợ hãi không giám đáo nhậm. Cuối cùng triều Hán cử Sĩ Nhiếp kiêm nhiệm.

Tôn Đản hỏi:

- Thế Sĩ Nhiếp là người tốt hay xấu?

Thiện-Lãm cười khì:

- Đản ơi! Mày lẩm cẩm quá đi. Đã là quân Hán sang đất mình kiếm ăn thì làm gì có đứa nào tốt nữa.

Tự-Mai cười:

- Không hẳn vậy đâu. Y cũng có cái tốt. Cái tốt của y xuất phát từ tham vọng. Y muốn nhân thời thế loạn lạc, mưu đồ lập nghiệp lớn. Tạo dựng một triều đình riêng như Triệu Đà khi xưa.

Thuận-Tông chửi thề:

- Con mẹ nó. Cũng một loại muốn ngồi lên đầu lên cổ dân mình.

Tự-Mai tiếp:

- Tổ tiên nhà họ Sĩ vốn người đất Lỗ vùng Sơn-Đông. Thời Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, bỏ quê hương, đến Lĩnh-nam lập nghiệp ở Thương-ngô thuộc Nam-hải. Trải sáu đời, đến cha Sĩ Nhiếp là Sĩ Tứ, làm thái thú Nhật-nam cai trị dân Việt mình.

Thiện-Lãm cau mặt:

- Lại một thứ tham quan. Chắc trước khi đến cai trị, hẳn y đã nghe tin thái thú đời trước là Nhâm Diên bị giết?

Tự Mai tiếp:

- Sĩ-Tứ cho con là Sĩ Nhiếp sang kinh đô Lạc-dương theo học. Y đỗ Hiếu-liêm được bổ làm thượng thư lang. Chỉ ít lâu thì bị cách. Y tiếp tục học, thi đậu Mậu-tài. Vừa lúc đó Sĩ Tứ bị giết.

Tôn Đản hỏi:

- Ai giết?

- Không rõ tên họ, gốc tích. Chỉ biết đó là một thiếu niên mười hai, mười ba tuổi như bọn mình. Nguyên Sĩ Tứ thấy dân chúng Nhật-nam thờ kính đại anh hùng Đô Dương thời Lĩnh-nam. Họ còn bịa đặt ra lời phán của Đô đại vương bằng cách mời ngài về đồng. Ngài chuyên phán phải làm thế này, thế kia. Mà những điều đó toàn hướng về phản Hán phục Việt. Một hôm Sĩ Tứ sai bắt giam hai bà đồng tra tấn bắt phải khai rằng Đô đại vương không linh thiêng gì cả, chẳng qua bọn mưu phản bịa đặt ra mà thôi. Sĩ Tứ nhân đó truyền phá bỏ tượng Đô đại vương, bắt thờ Nhâm Diên. Dân chúng họp nhau làm đơn kêu nài rằng Đô đại vương rất linh thiêng. Sĩ Tứ truyền lệnh rằng : « Cho phép hầu đồng Đô đại vương một lần nữa, rồi cấm hẳn ». Một mặt y chuẩn bị trong lúc Đô đại vương về đồng. Y sẽ bắt ông đồng đánh một trận, chứng tỏ Đô đại vương không nhiều phép tắc bằng y.

Tự-Mai ngừng lại hỏi công tử:

- Thưa công tử. Nếu công tử là dân chúng hồi đó. Công tử sẽ đối phó ra sao?

Công tử cười:

- Anh sẽ phao rằng Đô đại vương bận đi phó hội với vua Bà. Ngài nhập mộng cho biết phải hơn năm sau mới về. Đợi cho Sĩ Tứ phá tượng Đô đại vương thờ Nhâm Diên, rồi bí mật đập tượng Nhâm, nói rằng Đô đại vương sai âm binh đập.

Tự-Mai gật đầu:

- Mưu trí của anh tuyệt vời. Tiếc rằng hồi đó, nghĩa sĩ Nhật-nam lại không làm thế. Vì vậy mới khiến cho hàng ngàn dân chúng chết oan. Đúng ngày dân chúng tổ chức hầu đồng Đô đại vương. Ông đồng vừa ngồi vào chiếu, thì một thiếu niên trợn mắt quát lớn lên rằng : « Ta là Cửu-chân vương Đô-Dương đây. Dù thế nào chăng nữa ta, cũng là Đô đình hầu, tước phong thái thú Phù-phong. Ta cũng đã từng theo vua Quang-Vũ lập đại công. Hà cớ gì thằng ôn con Sĩ Tứ giám phá đền ta? ». Nói rồi nhảy múa lung tung. Sĩ Tứ bật cười cho rằng thằng bé con được người lớn sai ra dọa y. Y không cho binh lính bắt nó, mà chính y nhảy vào túm áo đứa bé. Y dơ tay định tát, ra cái điều y tát cả Đô đại vương. Nào ngờ, thiếu niên chuyển tay một cái phóng chỉ vào giữa trán Sĩ Tứ. Y bị lủng sọ, ngã vật xuống giữa chiếu chết liền. Còn thiếu niên nọ bồi thêm hai chỉ, giết quân hầu rồi phóng mình vào đêm tối.

Bọn trẻ khoái trá reo lên:

- Tuyệt. Hay tuyệt. Con cháu Phù-đổng Thiên-vương mà.

Thiện-Lãm hỏi Thanh-Mai:

- Chị Thanh ơi. Em nghe nói thời Lĩnh-nam, Khất-đại-phu Trần Đại-Sinh với Bắc-bình vương Đào Kỳ đã chế ra chỉ này, với tên là Lĩnh-nam chỉ, có đúng không?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play