Sơn Tĩnh Cổ Tự --

Lý Mỹ-Linh hỏi Tạ Sơn:

- Tạ điện-súy, hôm qua chú hai tôi còn ở đây với chúng ta. Làm cách nào chú hai truyền lệnh về cho Khu-mật-viện được?

Tạ Sơn gật đầu:

- Khải tấu công chúa, được. Nếu vương-gia muốn, chỉ cần hai gìơ lệnh tới Thăng-long. Khu-mật-viện làm lệnh trong nửa giờ. Lệnh gửi từ Thăng-long tới Trường-yên trong nửa giờ. Đạo Quảng-thánh chỉ cần một giờ là có thể lên đường. Từ Trường-yên tới đây không cần tới một giờ.

Mỹ-Linh chỉ Tịnh-Huyền, công-chúa Bảo-hòa, Thân Thừa-Qúi giới thiệu với Ngô An-Ngữ. Ngô An-Ngữ vội hành lễ quân cách. Nhưng trong đầu óc chàng nghi hoặc không ít. Vì chàng biết rõ Tịnh-Huyền là sư thúc của vợ, nay bỗng nhiên lại là đại công chúa, em đức hoàng-đế.

Công-chúa Bảo-hòa chỉ ghế nói:

- Ngô tướng quân ngồi đây. Thì ra phu nhân Tạ tướng quân lại là em Ngô tướng quân. Cả hai vị cùng là cao đồ phái Mê-linh. Ở Lạng-châu tôi có nghe danh Thụy-khê song-phụng hành hiệp cứu đời. Hai phu nhân cũng đi theo giúp trong quân ư?

Hàn Diệu-Chi e thẹn:

- Công-chúa quá khen, làm chị em tiểu-nhân hổ thẹn.

Tịnh-Huyền ngắt lời:

- Diệu-Chi! Bảo-hòa là cháu của ta. Con là đệ tử của sư tỷ ta .Hai bên tuy không cùng môn hộ, mà tình thâm nào kém ruột thịt. Hai con ít tuổi hơn Bảo-Hòa, thì gọi là sư tỷ được rồi. Đừng khách sáo, nào công chúa, nào tiểu-nhân, nghe không thân mật tý nào cả.

Hàn Diệu-Chi, Ngô Thuần-Trúc hướng công-chúa Bảo-hòa:

- Sư-tỷ.

Công-chúa Bảo-hòa chắp tay tạ Tịnh-Huyền:

- Đa tạ cô-mẫu lại cho con thêm hai sư muội.

Tịnh-Huyền tủm tỉm cười. Công-chúa tháo hai chiếc vòng ngọc đỏ tươi trên tay đeo vào tay Hàn Diệu-Chi, Ngô Thuần-Trúc:

- Gọi là chút quà mọn làm lễ diện kiến. Đúng như cô mẫu nói hễ có duyên, thì tự nhiên gặp nhau . Chị sinh ra làm công-chúa, các em sinh ra là khuê nữ. Vì sẵn có duyên từ tiền kiếp, nên hôm nay lại tái hồi ở đây. Nguồn gốc tuy có khác, song chúng ta cùng nhau gánh vác sơn-hà. Ở Bắc-biên, chị nghe nói nhiều về Thụy-khuê song phượng hành hiệp suốt một giải Long-thành, nên trong tâm sẵn có lòng muốn kết thân, mà chưa có dịp. Hôm nay mới được như nguyện.

Thanh-Mai nhìn công-chúa Bảo-hòa, trong lòng nàng rộn lên những niềm vui:

- Hồi ở nhà, mình thường nghe bố nói: Thằng cha Lý Công-Uẩn, xuất thân chăn trâu, chăn bò, nhưng thực có phúc. Nó sinh ra muời ba con gái, đều khác đời. Công chúa An-quốc giúp cha dựng nghiệp. Công-chúa Bảo-hòa tổng trấn biên cương .

Thanh-Mai vẫn tự hào được bố truyền dạy bản lĩnh hơn người. Hôm nay nàng mới biết ngoài bầu trời này còn bầu trời khác. Nàng nghĩ thầm:

- Bắc cương hiện có hai trăm khê động. Suốt từ thời Lĩnh-nam đến giờ, tự tách ra khỏi chính quyền trung-ương. Dù thời Hán thuộc, Tùy thuộc, Đường thuộc họ sống tự tại. Thuế không đóng, binh dịch không tuân. Mỗi khê, mỗi động như một nước. Gần đây triều Ngô, Đinh, Lê tuy họ qui phục, nhưng vẫn giang sơn một cõi, giống như sứ quân. Khi vua Lý lên cai trị, họ mới chịu nộp thuế, chịu binh dịch, nhưng vẫn không nhận các chức quan của triều đình cử tới. Phải đợi tới khi con gái thứ nhì của đức vua được phong Lĩnh-nam bảo quốc hòa dân công chúa kết hôn với họ Thân, trở thành vua bà vùng Lạng-châu, các sắc dân 207 khê-động dần dần qui tụ, thống nhất thành một khối. Nay trên danh nghĩa hai vị là phò-mã, công-chúa giữ chức vụ tổng-trấn Bắc-cương, chứ thực ra là vua vùng núi rừng Đại-việt. Triều đình, cũng như võ-lâm không ai hiểu bằng cách nào công-chúa khiến các khê-động qui phục mau như vậy. Bây giờ thấy thái độ đối với ba đứa trẻ, với Diệu-Chi, Thuần-Trúc, mình mới biết công-chúa dùng đức thu phục nhân tâm.

Hàn Diệu-Chi dẫn vào hai đứa con trai, một đứa tên Tuấn mười tuổi. Một đứa tên Hiến, tám tuổi. Thuần-Trúc chỉ có con gái tên Thuần-Khanh tám tuổi. Ba đứa trẻ theo lời chỉ của bố mẹ hành lễ với mọi người.

Thanh-Mai hỏi Ngô An-Ngữ:

- Sư huynh, các cháu đã tập võ chưa? Chúng tập võ công Đông-a hay Mê-linh?

An-Ngữ đáp:

- Anh cho cháu tập võ công Đông-a trước. Bản lĩnh chúng cũng khá. Anh chờ chúng lớn rồi mới cho tập võ-công Mê-linh.

Khi An-Ngữ nói đến đó thì Tuấn đang hành lễ với Thân Bảo-Hòa. Thình lình Bảo-Hòa nắm tay đấm thẳng vào mặt nó. Không tránh né, cũng không đỡ đòn, nó xuống đinh-tấn, vung chân phải đá vòng vào mặt nàng. Bảo-Hòa tuyệt không ngờ thằng bé phản ứng lạ lùng như vậy, nàng phải nhảy lùi lại sau mới tránh khỏi. Tuấn không nhân nhượng, nó vọt người theo tấn công liên tiếp hai đòn rồi mới ngừng lại.

Ngô An-Ngữ bảo con:

- Con mau tạ ơn quận-chúa đã dạy con bài học phản ứng đi.

Tuấn cúi đầu tạ ơn. Thân Bảo-Hòa kéo nó lại gần, hôn lên trán:

- Bé ứng phó mau thực. Tại sao bé không đỡ đòn của cô mà chỉ tấn công thôi. Quyền pháp phái Đông-a nghiêm chỉnh, kín đáo. Bao gìơ cũng bảo vệ hạ bàn rất vững, mà bé không bảo vệ, chỉ lo tấn công?

Tuấn kính cẩn nói:

- Thưa quận-chúa. Nếu người tấn công cháu là kẻ thù thì cháu phải thủ cho chắc rồi mới phản đòn. Còn đây quận chúa muốn thử nghiệm võ công của cháu. Mà thử nghiệm là gì? Tức muốm biết bản lĩnh của cháu. Quận chúa đâu phải kẻ thù? Đã không phải kẻ thù thì quận chúa tấn công chỉ là gỉa. Gỉa thì không cần đỡ. Không lẽ quận chúa là người lớn lại đánh chết cháu?

Thình lình Bảo-Hòa xỉa tay vào mặt Tuấn. Nó trầm người xuống tránh khỏi, rồi bật ngược người lên, hai chân đá hậu vào cổ nàng. Bắt buộc Bảo-Hòa phải lùi lại hai bước để tránh đòn. Chân nàng quét dưới đất. Nếu trúng hai tay, nhất định Tuấn sẽ ngã lộn đi một vòng. Nó co tay lại, rồi duỗi ra thực mạnh, người vọt lên cao. Nó lộn một vòng. Chân phải nó đá vào huyệt Nhân-nghinh trước cổ, chân trái đá vào huyệt Hạ-quan bên tai. Bảo-Hòa chụp hai chân Tuấn. Nàng không dám dùng kình lực, sợ nó bị thương. Còn ở trên cao, nó co chân lại, hai tay biến thành chỉ, xỉa vào tay nàng. Bắt buộc Bảo-Hòa phải lui lại hai bước nữa.

Thân Bảo-Hòa gật đầu:

- Đứa trẻ này đã nhanh trí, lại minh mẫn, sự nghiệp sau này không nhỏ. Này Tuấn, sau này lớn lên cháu định làm gì?

Tuấn chắp tay:

- Thưa quận-chúa, cháu sẽ phải như Bắc-bình vương Đào Kỳ, hay ít ra cũng phải như Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung.

Huệ-Sinh bật lên tiếng :

- A-di-đà Phật. Trung-tín hầu, Bắc-bình vương sinh vào thời loạn thì mới có sự nghiệp trùm hòan vũ. Chứ nay con sinh vào thời bình thì sao thi hành được cái chí đó?

Ngô Tuấn kính cẩn chắp tay:

- Bạch đại-sư, Đại-việt mình không bao giờ có thái bình cả.

Thanh-Mai gật đầu liền ba lần, rồi hỏi:

- Tuấn, tại sao con bảo Đại-Việt không

bao giờ có thái bình?

Tuấn nhìn bố, nhìn mẹ rồi nói:

- Bố với mẹ cháu thường bàn rằng kể từ nghìn xưa, người Trung-quốc ảnh hưởng bởi các văn gia, tự coi mình là thiên hạ. Ông vua nào cai trị Trung-quốc cũng bắt các nước phải tuân phục. Hễ nước nào không tuân phục thì họ đem quân đánh. Như Đại-việt hiện nay tuy có thái bình, nhưng phương Bắc người Tống không ngừng kiếm truyện. Phương nam họ xúi Chiêm-thành cướp phá. Vậy thì thái bình ở chỗ nào.

Tịnh-Huyền hỏi:

- Nếu như con là vua Đại-việt, thì con làm gì?

- Con không bao giờ muốn làm vua. Có muốn làm cũng không được. Con chỉ muốn được cầm quân. Nếu con cầm quân, thì trước tiên đánh Chiêm cho chúng sợ, không dám quấy phá. Rồi đem quân đánh sang Trung-quốc đòi lại đất cũ thời vua Hùng.

Huệ-Sinh gật đầu tỏ vẻ tán thành. Ông hỏi Ngô An-Ngữ:

- Lý luận của cháu thực là lý luận của hào kiệt. Không biết Ngô tướng quân đã đặt tên tự cho cháu chưa?

- Bạch đại sư chưa. Xin đại sư ban cho cháu một tên tự.

Huệ-Sinh ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Được, tôi đặt cho cháu tên tự là Thường-Kiệt. Trên đời này, tất cả đều là vô thường. Nhưng tinh khí anh kiệt thì muôn thủa. Vì vậy cháu phải xứng đáng với chữ thường kiệt.

Ngô Tuấn chắp tay tạ ơn:

- Đa tạ đại sư. Đệ tử nguyện ghi lời đại sư dạy dỗ.

Thường-Kiệt ngừng lại hỏi Thân Bảo-Hòa:

- Thư cô, cô nhận cháu làm đệ tử có được không?

Bảo-Hoà vuốt tóc nó:

- Được chứ, bây giờ thì cô chưa đủ bản lĩnh dạy cháu. Cháu cứ học với bố mẹ đi, lớn lên cô sẽ thu làm đệ tử.

Mỹ-Linh kéo Thường-Kiệt lại ngồi bên cạnh:

- Cháu học văn chưa?

- Có, cháu đã học Tứ-thư. Còn Ngũ-kinh mới bắt đầu. Cô ơi, tại sao mình không có chữ, mà phải học chữ của người Tầu?

Mỹ-Linh khẽ cắn vào má Thường-Kiệt:

- Mình có chữ đấy cháu ạ. Thời cổ mình có văn-tự Khoa-đẩu. Sau thời Lĩnh-nam, người Tầu cai trị mình, họ cấm không cho học, bắt học chữ Nho. Bao nhiêu sách vở chở về Tầu hết. Vì vậy những sách của mình viết vào thời Hùng-vương, An-dương-vương có hàng nghìn, hàng vạn, mà nay không còn lưu giữ được bộ nào cả. Thời Tần Thủy-hòang về trước, học thuật Trung-quốc rực rỡ vô cùng. Bách-gia, chư tử đều khởi từ đó. Bên mình thịnh hơn. Thế mà nay người Việt chỉ biết sách vở Tầu mà thôi, vì sách Việt thất truyền.

Thường-Kiệt nhăn mặt:

- Không lẽ trên toàn nước Việt mình, nay không còn ai biết chữ Khoa-đẩu?

Câu hỏi của thằng bé không ai trả lời được, người nọ nhìn người kia. Lê Thuận-Tông cũng thắc mắc với Tịnh-Huyền:

- Bạch sư phụ, theo con nghĩ thì mình chẳng nên tìm bộ Dụng binh yếu chỉ cùng bộ Lĩnh-nam vũ-kinh làm chi. Vì hai bộ đó viết bằng văn-tự Khoa-đẩu. Dù mình có tìm được cũng vô ích mà thôi. Câu nói của Lê Thuận-Tông kéo mọi người về thực tại: đang phải đối phó với các đoàn dò thám của nước Tống. Khai-quốc vương cùng Tôn Đản, Trần Tự-Mai không biết đi đâu?

Tịnh-Huuyền nói:

- Việc ở đây coi như tạm xong. Bắc biên cương không thể vắng mặt chủ soái lâu ngày. Thừa-Qúi với Bảo-Hòa phải lên đường về Bắc-biên ngay. Bần ni cùng với Lê Thuận-Tông, Trần Anh trở về Mê-linh. Nùng đạo sư cần dẫn Hà Thiện-Lãm về tổng đàn cho làm lễ nhập môn.

Bà chắp tay nói với Huệ-Sinh:

- Bồ nhi cùng với Tự-Mai, Tôn Đản không biết bao giờ trở lại. Phiền đại-sư cùng Thanh-Mai ở lại chờ bọn họ.

Phò-mã Thân Thừa-Qúi nói với Tôn Trung-Luận:

- Tôn tiên sinh, xin tiên sinh chuẩn bị hành trang cùng gia đình, lên đường với chúng tôi cho tiện. Cháu Đản đi với Khai-quốc vương, khi việc kết thúc sẽ cũng lên Bắc-biên sau.

Công-chúa Bảo-hòa hạ lệnh:

- Bọn Tống bằng đủ mọi cách ắt trở lại đây. Việc đầu tiên, chúng sẽ lật tường viên gạch, viên ngói ở đền thờ Nhâm-Diên tìm di thư. Vậy Tạ điện-súy cùng Hàn sư muội ở lại canh chừng đền thờ Tương-liệt đại-vương, Lệ-hải Bà-vương. Võ công chúng rất cao thâm, tuyệt đối không được giao chiến với chúng. Nếu cần dùng quân sĩ với cung nỏ. Chúng có làm bậy, chỉ cần xuất hiện chúng thấy động sẽ bỏ đi. Ngô tướng quân cùng Hàn sư muội trấn ngoài đảo Nghi-sơn, chu toàn nhiệm vụ Khu-mật-viện giao cho.

Bà nói với con gái, con trai:

- Mặc dầu có Đàm an-vũ-sứ, cùng Nguyễn Khánh theo kèm sứ-đòan. Tuy vậy ta cũng không an tâm. Hai con tiếp tục theo dõi chúng, dù phải sang Chiêm.

Bà nói với Thanh-Mai:

- Sư muội biết nói tiếng Chiêm, tiếng Hán. Võ công kiến thức sư muội không mấy người có. Ta nhờ sư muội theo giúp hai con ta.

Mỹ-Linh thấy sắp phải về Thăng-long. Mắt nàng đỏ ngầu, long lanh muốn khóc. Nàng nói với công-chúa Bảo-hòa:

- Cô ơi. Cô cho con ở lại đây chờ chú hai. Đây là lần đầu tiên con gặp chị Bảo-Hòa cùng anh Thiệu-Thái. Cô cho con ở lại đi, để chúng con có dịp truyện trò với nhau.

Thấy từ lúc gặp nhau, Thiệu-Thái, Mỹ-Linh truyện trò rất tương đắc, không muốn xa nhau. Thân Thừa-Qúi vốn dễ tính hơn vợ. Ông sợ vợ bắt cháu về Thăng-long. Ông nói :

- Ừ cháu ở lại. Khi bác về qua Thăng-long thế nào cũng vào hội kiến với bố cháu. Bác sẽ nói với bố cháu cho.

Ông dặn hai con:

- Bình-Dương chưa từng ra ngoài nhiều. Các con phải chiếu cố cho em nghe .Nếu có gì sơ xẩy thì bố đánh què cả hai. Mọi việc nhất thiết phải nghe lời dạy dỗ của đại-sư Huệ-Sinh.

Mọi người lên đường tức thì.

Huệ-Sinh nói với Đinh Ngô-Thương:

- Sau đây chúng tôi không giám làm phiền đại-nhân nữa. Chúng tôi xin đến chùa Sơn-tĩnh ở, hầu chờ vương-gia.

Đinh Ngô-Thương hỏi:

- Bạch thầy, nơi đây là chốn bụi hồng, sợ ô uế áo nhà Phật. Vì vậy thầy cần nơi yên tĩnh hành Thiền. Chùa Sơn-tĩnh là chi phái của chùa Tiêu-sơn. Tuy nhiên còn công-chúa, quận chúa thì sao? Vì Nguyên-Hạnh đại-sư trụ trì Sơn-tĩnh tự từ lâu, không chấp thuận cho nữ nhân ở trong chùa.

Thân Bảo-Hòa ngắt lời Đinh-ngô-Thương:

- Tôi nghe Nguyên-Hạnh đại-sư tổ chức một lực lựơng tên Hồng-hương, tiếng tăm vang dội. Tổ chức ấy như thế nào?

Đinh Ngô-Thương tỏ vẻ hãnh diện:

- Ngài Nguyên-Hạnh thực là đại Bồ-tát, che chở cho trấn chúng tôi. Ngài vốn bác học đa năng, thường chú ý đến thanh thiếu niên. Từ khi về trụ trì Sơn-tĩnh, ngài chiêu tập bọn vong mạng, bọn thiếu niên hư hỏng, đem về dạy dỗ, dùng các thiếu niên đó san bằng khu thung lũng hoang vu, thành lập bốn xã Sơn-tĩnh. Mang tên Đông, Tây, Nam, Bắc. Dân trong xã hoàn toàn ăn chay, sống như những tăng sĩ. Chỉ khác một điều họ được lấy vợ, lấy chồng.

Thanh-Mai đã từng nghe nói về Nguyên-Hạnh. Nàng thắc mắc:

- Thưa Đinh đại nhân, thế tại sao đại nhân lại dạy rằng ngài Nguyên-Hạnh che chở cho trấn Thanh-hóa?

Đinh Ngô-Thương vui vẻ đáp:

- Cô nương hỏi vậy thực phải. Nguyên nam nữ thiếu niên trong bốn xã Sơn-tĩnh được học văn, học võ, luyện tập, tổ chức thành đoàn ngũ như binh sĩ, lấy tên là Hồng-hương thiếu niên. Họ đều mặc quần áo nâu, cổ quàng khăn đỏ. Họ sang các làng xung quanh giúp tráng đinh canh phòng đạo tặc, giúp người gìa yếu, chăm sóc trẻ mồ côi. Thành ra trấn chúng tôi suốt bao năm qua không có trộm cắp. Tối đến đi ngủ, nhà không phải đóng cửa. Khi có trận mạc, các thiếu niên Hồng-hương theo giúp trong quân.

Huệ-Sinh nói với Mỹ-Linh, Bảo-Hòa:

- Nguyên-Hạnh đại sư là đệ tử của Bố-Đại hòa thượng đấy. Bố-Đại hòa thượng là thái sư thúc của ta. Như vậy ta phải gọi ngài Nguyên-Hạnh là sư thúc. Sư thúc không muốn cho con gái ở trong chùa, thì chẳng nên trái ý người.

Đinh Ngô-Thương tiếp:

- Các xã Sơn-tĩnh mỗi năm mở đại hội vào tháng 6-7-8 cho thập phương kéo về ăn ở trong xã, học đạo, luyện Thiền. Còn ngòai ra ngài không muốn cho đàn bà con gái lên chùa.

Mắt phượng dựng ngược, quận-chúa Thân Bảo-Hòa hỏi Đinh Ngô-Thương:

- Đại-sư Nguyên-Hạnh xuất thân từ đâu? Niên kỷ bao nhiêu rồi mà còn hồ đồ như vậy? Phàm cao tăng,thì tứ đại giai không. Nam cũng thế, nữ cũng vậy. Con chó con mèo với hòa thượng đều vô thường cả, có khác gì nhau? Sơn-tĩnh là ngôi chùa thuộc hệ thống Tiêu-sơn. Trước đây tôi đã từng ở trên chùa Tiêu-sơn được thì sao không ở trên chùa Sơn-tĩnh được?

Đinh Ngô-Thương thở đài:

- Quận chúa dạy vậy thì đúng phép Phật rồi. Song đây là môn qui của chùa Sơn-tĩnh. Bởi Sơn-tĩnh là nơi đức Phật hóa thân giáng thế đến mấy lần, trong xác tổ Vô-Ngại của phái Tiêu-sơn. Phụ thân Nguyên-Hạnh đại sư họ Hồ nguyên là người võ lâm Trung-nguyên, sang kiều-ngụ trong trấn. Đại-sư đi tu lúc mười tuổi, là người cực kỳ thông minh, học đâu hiểu đó. Đại-sư đã trứ tác nhiều sách vở về Phật-giáo. Tuy vậy đại-sư cũng không dám bỏ qui luật nghìn năm của Sơn-tĩnh.

Tính Mỹ-Linh ôn hòa. Nàng sợ người chị họ vốn tính cương cường không mấy tin Phật pháp, nếu bà chị có quyết định gì khác, phạm đến vị cao tăng, e khó ngăn cản:

- Thôi chị Bảo-Hòa, Phật giáo có muôn vàn pháp môn. Chúng ta theo Thiền-tông thì lấy yếu chỉ kinh Kim-cương, Lăng-gìa làm lẽ chính. Vua cũng thế, tôi cũng vậy, chó, gà cũng không kém. Ta chẳng nên bắt người khác theo mình. Chị em ta cứ ở nhờ trong dinh tổng-trấn là được rồi. Tuy nhiên Sơn-tĩnh là nơi đức Phật phân thân giáng-sinh, chúng ta cần tới hành hương. Một là lễ Phật, hai là thăm danh lam thắng cảnh.

Mỹ-Linh kính cẩn nói với Huệ-Sinh:

- Sư-phụ. Bao gìơ sư-phụ lên chùa Sơn-tĩnh?

- Ngay bây giờ.

Nàng chỉ Thiệu-Thái, Bảo-Hòa:

- Xin sư phụ cho chúng con đi cùng.

- Con là đệ tử Tiêu-sơn, đương nhiên đến vùng Cửu-chân thì phải lên chùa Sơn-tĩnh lễ Phật. Kể từ khi bản-phái được thành lập, thì chưởng môn bao gìơ cũng trụ trì tại Tiêu-sơn. Vị chưởng-môn sẽ chọn trong tăng chúng, vị đạo hạnh cao nhất, cử vào trụ trì chùa Sơn-tĩnh. Sơn-tĩnh vẫn là ngôi chùa thuộc quản nhiệm của bản phái.

Khi Mỹ-Linh chuẩn bị lên đường, nàng đọc được trên mặt Tạ Sơn những nét lo âu. Biết tính người sư-huynh vốn cẩn thận, tận tụy. Nàng nói mấy câu an ủi:

- Sư huynh khỏi lo cho em. Em theo sư-phụ lên chùa lễ Phật. Cạnh còn chị Thanh-Mai, anh Thiệu-Thái, chị Bảo-Hòa, thì dù bọn Tống có hung dữ đến đâu, chúng cũng chẳng làm gì đựơc em.

Thanh-Mai hỏi Thân Bảo-Hòa:

- Thân quận chúa.Tôi nghe nói khắp Lĩnh-nam mình, phái Sài-sơn là hậu duệ của Phù-đổng thiên vương, thì thuật kỵ-mã đứng đầu. Thứ đến phái Tây-vu. Vậy bản lĩnh kỵ mã của quận chúa hẳn không ai bì kịp. Nhất là bản lĩnh đang phi ngựa, đổi ngựa cho nhau.

Bảo-Hòa cười:

- Em sống ở trên rừng, lại sát biên giới, bắt buộc từ sáu tuổi phải biết cỡi ngựa. Bản lĩnh tuy cũng khá, song không bõ làm trò cười cho chị.

Mỹ-Linh nói với Bảo-Hòa:

- Chị dạy em thuật đổi ngựa đi.

Ngựa Huệ-Sinh, Thanh-Mai là chiến mã của phủ Khai-quốc vương, to lớn hùng dũng. Còn ngựa của Bảo-Hòa là ngựa rừng, nhỏ con, trông không xứng tý nào cả. Còn Thiệu-Thái thì cỡi con cọp mầu đen như nhung. Mỹ-Linh hỏi:

- Anh Thái này, làm cách nào con hùm xám này chịu để cho anh cỡi. Lỡ ra nó táp anh một miếng thì sao?

Thiệu-Thái cười:

- Ở Lạng-châu, ai cũng nuôi thú rừng giữ nhà hoặc săn bắn. Con hùm này mồ côi mẹ từ bé. Anh đi săn gặp nó bơ vơ một mình. Anh bắt dem về nuôi. Nó chơi đùa với Bảo-Hòa suốt ngày. Hồi đầu nó đữ lắm. Sau này Bảo-Hòa thường uốn nắn, huấn luyện nó , riết rồi nó trở thành hiền như con mèo.

Thiệu-Thái hú một tiếng dài. Con cọp đang nằm ở gốc cây đứng dựng dậy, chạy lại vẫn đuôi như con chó. Bảo-Hòa ôm lấy cổ nó, vuốt lên bộ lông đen bóng. Nó liếm tay Bảo-Hòa như ...chó. Bảo-Hòa nói với nó:

- Sơn-Sơn ơi, mi phải ngoan ngõan với Mỹ-Linh nghe. Mỹ-Linh bảo gì mi cũng phải tuân như tuân lệnh cô, thì cô mới thương nghe.

Con hùm gật gật cái đầu. Mỹ-Linh vọt lên lưng nó. Bảo-Hòa hô:

- Phi.

Con cọp phóng theo đàn ngựa. Thiệu-Thái cỡi ngựa của Mỹ-Linh. Ngựa của Huệ-Sinh, Thanh-Mai, Thiệu-Thái phải có cương. Còn ngựa của Bảo-Hòa, cũng như con cọp, không cương. Bảo-Hòa điều khiển như điều khiển người. Ngựa Bảo-Hòa phi song song với ngựa Thiệu-Thái. Thình lình nàng quát lên một tiếng. Cả hai anh em vọt lên cao. Nàng đáp xuống lưng ngựa Thiệu-Thái, Thiệu-Thái đáp xuống lưng ngựa nàng. Bảo-Hòa nói với con cọp:

- Sơn-Sơn ơi, đi chậm lại, ngang với ngựa của cô đi.

Con cọp chạy chậm lại. Bảo-Hòa nói với Mỹ-Linh :

- Em vận khí vào đơn điền, rồi dẫn chân khí theo túc Dương-minh vi-kinh, túc Thái-âm tỳ-kinh đến huyệt Túc-tam-lý, Âm-lăng-tuyền, sau đó vọt lên cao theo thức Thần-ưng lăng không, em sẽ đáp lên lưng ngựa chị. Chị cũng sẽ vọt lên lưng con hùm.

Mỹ-Linh vận khí thử một lần, thấy không có gì khó khăn. Nàng làm lại ba lần cho ăn chắc, rồi vọt lên cao. Nhưng thay vì vọt về trước, nàng lại chỉ lên thẳng. Thành ra khi nàng rơi xuống, thì ngựa Bảo-Hoà cũng như con hùm đã tới trước. Thế là nàng rơi xuống đất. Nàng phải vận khí để đáp xuống, thì con hùm phản ứng rất nhanh. Nó ghì chân trước, hai chân sau, theo đà của mình quay một vòng, đầu nó đã trở ngược chiều, nó vọt tới, vừa đúng lúc Mỹ-Linh đặt chân xuống lưng nó. Không cần điều khiển, nó lại quay một vòng, chạy theo đàn ngựa.

Nói thì chậm, chứ động tác Mỹ-Linh vọt lên. Con cọp ghì chân trước quay một vòng, vọt tới đỡ chân chủ, rồi quay một vòng nữa, tiếp tục phi... xẩy ra trong chớp nhoáng.

Bảo-Hòa nói vọng sang:

- Bình-Dương ơi, khi em vọt, thì phải tính tới truyện ngựa đã tới phía trước mấy bước. Vì vậy em phải vọt về trước thay vì lên cao. May mà con hùm nó biết, lùi lại đỡ em. Chứ không em đã rơi xuống đất. Em làm lại đi.

Mỹ-Linh quát lên một tiếng người vọt lên cao, về phía trước. Người nàng rơi xuống vừa đúng lúc con cọp chạy tới. Nàng đứng trên lưng nó an tòan.

Bảo-Hòa tiếp:

- Bây giờ em lại ngồi xuống lưng hùm như thường. Được rồi. Em hít hơi tụ khí vào trung Đơn-điền, rồi dẫn tới huyệt Túc-tam-lý, Âm-lăng-tuyền như hồi nãy, sau đó vọt lên xéo về trước ngựa chị.

Mỹ-Linh vọt lên như Bảo-Hòa nói. Nàng đã đáp trên lưng ngựa của mình. Ngược lại Bảo-Hòa đáp trên lưng cọp. Thiệu-Thái nhìn Bình-Dương, lòng chan chứa niềm vui:

- Bây giờ Bình-Dương, Bảo-Hòa với anh cho ngựa chạy song song... Được rồi. Bình-Dương với Bảo-Hòa đổi ngựa. Sau đó Bình-Dương đổi ngựa với anh.

Ba anh em vừa phi ngựa, vừa đổi ngựa. Hai con ngựa, một con cọp vẫn phi song song, bụi bay mịt mù.

Từ dinh tổng-trấn Cửu-chân đến chùa Sơn-tĩnh phải mất nửa ngày sức ngựa. Ba người vừa đi, vừa đổi ngựa trên không. Trong khi đó thì Huệ-Sinh giảng kinh cho Thanh-Mai nghe. Từ lúc biết Huệ-Sinh kết huynh đệ với bố mình, Thanh-Mai không cần gĩư ý tứ, lễ nghi khách sáo. Nàng biết nội công phái Đông-a nhà mình phát xuất từ phái Tiêu-sơn. Ngược lại ngoại công phái Tiêu-sơn lại phát xuất từ phái Đông-a. Mà nội công phái Tiêu-sơn lại rút từ yếu-chỉ kinh Tượng-đầu, Lăng-gìa. Nàng hỏi:

- Thưa sư bá. Hôm trước, thiền-sư Minh-Thiên, thủ tọa Đạt-ma đường phái Thiếu-lâm lúc đầu cứ lầm rằng chưởng pháp của Tiêu-sơn với Thiếu-lâm là một. Rồi sau chỉ đấu một chiêu với anh cả, mà nhận ra chỗ khác biệt giữa Tiêu-sơn Tượng-đầu chưởng với Thiếu-lâm Kim-cương chưởng là tại sao?

Minh-Thiên đáp:

- Trước hết Tượng-đầu chưởng rút yếu chỉ nội công từ kinh Tượng đầu tinh xá. Kim-cương chưởng rút yếu chỉ từ kinh Kim-cương. Cả hai cùng gốc từ pháp môn Thiền-na nhà Phật. Cả hai cùng có chủ yếu là bỏ ra ngòai Nhân, ngã tứ tướng. Tức khi nhập Thiền, bỏ ra ngòai Lục-căn tức Nhãn-căn, Nhĩ-căn, Tỵ-căn, Thiệt-căn, Thân-căn, Ý-căn. Tức nhìn mà không thấy, nghe mà không biết, ngửi mà không triệt hương, lưỡi tuy có, mà không cảm thấy vị, thân tuy tại thế, mà tự biến đi không biết, ý không tức tư tửơng không họat động... Bởi vậy phần nội công hai pho chưởng giống nhau. Còn khác nhau là Kim-cương chưởng do tổ thứ tám của phái Thiếu-lâm chế ra, sức mạnh vô song. Nhưng sức ấy chỉ hóa giải lực đối phương, tuyệt không phản kích.

Thanh-Mai ngắt lời:

- Như vậy thì chưởng pháp Thiếu-lâm chẳng có ích gì sao?

- Không phải tất cả Thiếu-lâm chưởng đều dùng để hóa giải, mà chỉ có Kim-cương chưởng mới hóa giải mà thôi. Còn Tiêu-sơn Tượng-đầu chưởng do tổ Duy-Giám của Tiêu-sơn chế ra. Sự thực tổ Duy-Giám không phải là người khởi chế ra. Tổ chỉ nhân Thiên-ưng chưởng, sửa đổi cho bớt hung hiểm mà thôi. Như cháu biết, Thiên-ưng chưởng đo tổ sư phái Đông-a dùng Thiền-công phái Tiêu-sơn chế ra. Vì vậy Tiêu-sơn Tượng-đầu chưởng phát ra vừa có cái nhu hòa, hóa giải lực đối thủ của nhà Phật, vừa có cái sát thủ đượm phong lôi, thủy, hỏa, ghê gớm của tục gia.

Thanh-Mai vẫn nghe biết rằng tổ của nàng là Trần Tự-Viễn nhân học Thiền-công phái Tiêu-sơn rồi thành lập phái Đông-a. Song nàng chưa được phân giải rõ ràng. Hôm nay nghe Huệ-Sinh giảng, nàng như sáng mắt ra. Nàng hỏi:

- Trong Đông-a chưởng pháp, phân rõ rằng khi phát chưởng, thì thận khí thuộc thủy, tâm-khí thuộc hỏa. Phải làm sao cho thủy chế được hỏa, thì sức mới mạnh. Hiện trong phái Đông-a rất ít người có khả năng vận khí thăng bằng thủy hỏa. Cháu đã nhiều lần thử, mà không thành công. Bố cháu bảo rằng muốn đạt tới trình độ đó phải trên bốn mươi tuổi. Thưa sư bá, sư bá có cách nào giúp cháu vượt qua cái khó khăn ấy không? Thế trong phái Tiêu-sơn, thủy hỏa khác nhau ra sao?

Huệ-Sinh mỉm cười:

- Để ta đọc cho cháu nghe:

Thủy hỏa nhật tương tham,

Do lai vị khả dàm.

Báo quân vô sở xứ,

Tam tam, hựu tam tam.

Tự cổ lai tham học,

Nhân, nhân chỉ vị Nam.

Nhựơc nhân vấn tân sự,

Tân sự nguyệt sơ tam.

Thanh-Mai đã nghe bố nói rằng Huệ-Sinh là một cao tăng đắc đạo, thành Bồ-tát rồi, song vẫn chưa rời thế tục, nguyện ở lại giúp thế gian. Bây giờ nghe ông đọc bài kệ, nàng tự nghĩ thầm:

- Sư bá muốn dạy thêm Thiền-công cho mình, mà không muốn trực tiếp giảng. Bài kệ trên nói: Thận khí là nước với tâm khí là lửa, hàng ngày vốn có sẵn trong người, kiềm chế lẫn nhau. Nguồn gốc của chúng không thể bàn đến được. Ta nói cho cháu biết chúng không có xứ sở. Ba với ba cộng thành sáu. Tại sao sáu vẫn là sáu? À phải rồi trong kinh Thủ-lăng-nghiêm có nói rằng : « Nhất căn ký phản nguyên. Lục căn thành giải thoát. » Nghiã là một căn đã hoàn nguyện. Sáu căn thành giải thoát. Trong phép luyện Thiền-công, nếu luyện căn nào mình cho là quan trọng. Căn đó thành rồi thì năm căn khác cũng đạt được. Đọan dưới người muốn nói gì? Từ xưa đến giờ người đến học đạo, luyện công đều chỉ có một phương hướng. Nếu nay có ai hỏi cái mới, thì cái mới cũng như trăng mồng ba. Trăng mồng ba là trăng mới ló, vậy tức phải trở lại nguồn gốc.

Thanh-Mai vừa tìm được một tia sáng, yếu chỉ Thiền-công Tiêu-sơn. Nàng hướng vào Huệ-Sinh:

- Đa tạ sư bá chỉ điểm.

Huệ-Sinh mỉm cười:

- Cháu hít hơi, dẫn khí theo Đốc-mạch, tới huyệt Chí-dương thì chia làm hai. Một cứ tiếp tục dẫn theo Đốc-mạch tới huyệt Mệnh-môn. Sau đó dẫn khí từ huyệt Chí-dương vào tâm, cùng một lúc dẫn khí từ huyệt Mệnh-môn vào thận. Cuối cùng giáng khí từ tâm xuống thận.

Thanh-Mai vận khí như Huệ-Sinh giảng, quả nhiên nàng cảm thấy chân khí nhộn nhạo tụ vào đơn điền mạnh vô cùng. Huệ-Sinh vẫy tay cho anh em Thiệu-Thái, Bình-Dương cứ tiếp tục đổi ngựa, phi ngựa. Ngựa ông với Thanh-Mai lùi lại sau. Ông chỉ vào khu rừng ven đường:

- Ta tạm vào đó.

Hai người ghì ngựa dừng lại. Huệ-Sinh chỉ vào cây thông bằng cổ chân, bảo Thanh-Mai:

- Cháu vận Đông-a chưởng pháp đánh vào cây này cho sư bá xem nào?

Thanh-Mai hít hơi, vận khí phát chiêu Thủy ba vô để hướng vào gốc cây. Chưởng phong ào ào phát ra. Bộp một tiếng, cây rung rinh như bị bão, nhưng không gẫy. Nàng đỏ mặt:

- Công lực cháu thấp qúa không bõ làm trò cười cho sư bá.

Huệ-Sinh vẫy tay:

- Cháu còn trẻ. Công lực thấp thì tập sẽ cao. Không có ai sinh ra mà biết hết cả. Nào, bây giờ cháu vận khí theo Đốc-mạch dẫn đến huyệt Mệnh-môn rồi đưa vào thận. Sau đó chuyển ra Nhâm-mạch, dẫn vào Thủ-tam-âm kinh, rồi lại phát chiêu Thủy ba vô để.

Thanh-Mai vận khí lần thứ nhất, không thông. Đầu óc nàng chóang váng. Huệ-Sinh búng tay một cái, viên sỏi từ tay ông kêu rít lên vo vo, trúng giữa huyệt Đại-trùy của nàng. Nàng cảm thấy như người bay bổng lên, cái chóng mặt biến mất. Huệ-Sinh nhắc nhở:

- Phàm vận khí theo Thiền-công, phải bỏ ra ngoài lục căn. Sắc tướng, lục căn làm cho khí phân tán khắp cổ, vì vậy bị nghẹt tại huyệt Đại-trùy. Bây giờ cháu vận lại một lần nữa.

Thanh-Mai tập trung tinh thần, nhắm mắt. Đầu tiên bỏ ra ngòai tiếng động xung quanh. Quả nhiên một căn bỏ ra được, năm căn còn lại cũng biến mầt. Lần thứ nhì nàng được như ý muốn. Chưởng phong phát ra không có gió. Chưởng trúng vào thân cây, phát ra tiếng bịch. Tiếng kêu vang đi rất xa, kéo dài như một luồng sóng biển, liên miên không ngừng.

Huệ-Sinh hỏi:

- Cháu thấy thế nào?

- Bạch sư bá, cháu hiểu rồi. Chưởng đầu cháu phát ra, dùng chân khí hỗn hớp của cơ thể, nên âm dương thăng bằng. Vì vậy cây rung lên thực mạnh. Chưởng sau cháu phát ra xử dụng thận khí. Thận chủ thủy, thuộc thuần âm, nên chưởng phát không có gió, trái lại sức âm nhu trấn động rất đài.

Huệ-Sinh gật đầu:

- Cháu thông minh thực. Ta e rằng còn hơn thân phụ cháu. Bây giờ cháu lại vận khí theo Đốc-mạch, dẫn đến huyệt Chí-dương, đưa vào tim. Rồi từ tim, cháu chuyển khí ra Thủ-thiếu-âm tâm kinh, Thủ-khuyết-âm tâm bào kinh, cuối cùng lại phát chiêu Thủy ba vô để xem nào!

Thanh-Mai hít hơi vận khí, phát chiêu. Chưởng phong phát ra ào ào như sóng vỗ, cát bụi bay mịt mù. Cây bật lên tiếng rắc, rồi đổ xuống.

Thanh-Mai trợn tròn mắt ra vì ngạc nhiên. Nàng không ngờ chưởng lực của mình lại mạnh như vậy. Huệ-Sinh như biết nàng định đặt câu hỏi, ông vẫy tay:

- Cơ duyên chỉ có chốc lát. Cháu gắng mà học. Đừng thắc mắc nữa. Nào bây giờ cháu vận khí như ta dạy, dẫn khí vào tâm, thận cùng một lúc, rồi đưa tâm khí, thận khí vào đơn điền, chuyển ra Đốc-mạch, đưa vào Thủ-tam-dương kinh, sau đó phát chưởng.

Thanh-Mai vận khí xuất chiêu, hướng vào gốc cây. Chưởng phong phát ra như cơn gió lốc. Binh một tiếng, gốc cây bật tung lên cao, rồi rơi xuống. Nàng chạy lại xem, thì gốc cây bị tiện đứt bằng phẳng như tiện.

Huệ-Sinh giảng:

- Cái khó nhất khi luyện Thiền-công là bỏ ra ngoài Lục căn. Trong khi giao đấu, muôn hình, ngàn trạng hiện ra, rồi lo lắng, rồi hiếu thắng...Vậy phải làm thế nào bỏ được Lục-căn?

Thanh-Mai lắc đầu:

- Cháu không làm được như thế.

- Làm được chứ! Bản sư cháu có dạy cháu kinh Bát nhã ba la mật đa tâm kinh rồi mà. Phàm trước khi đọc kinh, muốn lòng trong sáng như trời không mây, thì người Phật tử phải khởi đầu bằng kinh Bát-nhã. Sau đó muốn tụng kinh gì thì tụng. Đôi khi tụng kinh rồi, không hiểu nổi, lòng vướng mắc, phiền tạp, thì một lần nữa tụng kinh Bát-nhã, lòng trong sáng trở lại.

Những điều Huệ-Sinh giảng, Thanh-Mai đã được Tịnh-Huyền dạy rồi. Có điều nàng không ngờ giữa tụng kinh với luyện công lại là một. Như tỉnh ngộ, nàng nói lớn lên:

- Cháu hiểu rồi. Sư phụ dạy cháu Phật-pháp có muôn vàn pháp môn, nhưng chung qui vẫn chỉ có một mối. Đạo Thế-tôn vô thủy vô chung.

Huệ-Sinh vui vẻ:

- Từ sau này luyện công,cháu đừng quên những gì học hôm nay, cũng như những điều tự khải ngộ. Thôi ta đi.

Hai người lên ngựa, chạy theo anh em Thiệu-Thái, lát sau đuổi kịp.

Bảo-Hòa tinh ý, quay lại nói với Thanh-Mai:

- Những người có duyên phần từ kiếp trước, thì kiếp này trước sau gì cũng gặp nhau.

Huệ-Sinh mỉm cười. Đến đó ông chỉ về dẫy núi xa xa:

- Kìa là chùa Sơn-tĩnh.

Trên ngọn núi xa xa, mây trắng trôi qua, khi khuất, khi hiện một dẫy nhà ngói đỏ, giữa những lùm cây xanh rì. Ngựa phi một lát đã tới gần. Ngọn núi không cao, đứng dựng giữa cánh đồng lúa con gái xanh rì. Trên đồng nhấp nhô những người đánh kỳ, tát nước. Họ thấy bốn con ngựa, một con hùm phi như bay, thì dừng tay đứng nhìn. Tới chỗ đường quẹo vào chân núi, cả năm người gò cương ngựa đi chậm lại. Hai cô gái đang tát nước nhìn thấy Thân Thiệu-Thái nói bâng quơ:

- Chàng này coi được quá.

Một cô khác tiếp:

- Người gì mà béo ụt, béo ịt, giống con lợn nhà mình quá.

Các cô cùng cười lên. Một cô tiếp:

- Nếu đem bán lợn đứng, cũng được mấy quan tiền đấy.

Một cô thêm:

⬔Thôi để em đem chàng lợn về làm chồng. Có lợn còn hơn nằm không.

Nói rồi cô cất tiếng ngâm sa mạc:

Hỡi anh đi đường cái quan,

Dừng chân đứng lại em than đôi lời.

Các cô gái nông thôn thường hát trêu ghẹo con trai qua đường, Thiệu-Thái thấy đã thường, chàng lờ đi như không biết. Còn nếu chàng hỏi han điều gì, các cô sẽ hát trêu tiếp, không biết đâu mà trả lời. Còn Mỹ-Linh lần đầu tiên được nghe hát Sa-mạc, nàng hỏi cô gái:

- Chị ơi! Chị muốn hỏi anh tôi điều gì?

Cô gái vừa hát cười:

- À, tôi muốn hỏi khi khăn của anh cô rơi thì ai nâng cho. Lại khi túi của anh ấy rách thì ai sẽ sửa cho?

Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai:

- Thế nghĩa là gì?

Thanh-Mai đáp:

- Cô ấy muốn hỏi anh Thiệu-Thái có vợ chưa đấy.

Bảo-Hòa nói sẽ:

- Để chị trả lời cho.

Nàng cất cao giọng hát:

Đối địch thì dịch lại đây,

Bên thừng bên chão xem dây nào bền.

Cô gái cũng không vừa:

Đêm qua trời sáng trăng rằm,

Anh đi qua cửa, em nằm không yên.

Mê anh chẳng phải mê tiền,

Mê anh béo ị giống con lợn sề.

Thấy anh em tưởng ngủ mê,

Tưởng rằng lợn đực đem về giết ăn.

Thân Thiệu-Thái hát đáp lại:

Đố ai đốt cháy ao bèo,

Để ta gánh đá bên đèo về ngâm.

Bao giờ cho đá mọc mầm,

Thì ta kết nghĩa tri âm với nàng.

Một cô gái cười khúc khích:

- Anh ơi, làng em năm nay thiếu một ông ỉn. Xin mời anh về làng thay thế ông được không? Cam đoan cả làng sẽ chiều chuộng anh hết sức.

Thiệu-Thái ngơ ngác:

- Ông ỉn là ông gì vậy?

Đến đó, Thiệu-Thái phải cho ngựa chạy theo Huệ-Sinh, vì ông đã đi khá xa. Một cô gái không chịu thua hát vọng theo:

Ba cô cỡi ngựa lên chùa,

Cái cô áo trắng bỏ bùa cho sư.

Sư về sư ốm tương tư.

Ốm lăn, ốm lóc cho sư trọc đầu,

Ai làm cho dạ sư sầu,

Cho ruột sư héo như bầu đứt dây.

Huệ-Sinh là cao tăng đắc đạo, ông đã vượt ra khỏi vòng nam, nữ. Vì vậy khi nghe cô thôn nữ hát ghẹo, ông cười khoan thứ:

- Trước đây bần tăng nghe nói con gái xứ Thanh-hóa miệng cười tươi như hoa, mà rút kiếm chém giặc lúc nào không hay. Hôm nay mới được biết, sự thực còn hơn lời đồn.

Năm người cho ngựa men theo con đường núi lên chùa. Hai bên đường trồng hoa, cây cảnh cắt tỉa thực tinh vi. Khi mới vào dốc đường là hai cây ngâu hoa vàng, cắt tỉa thành hình hai con hạc chầu. Kế đến là những hàng thược dược mầu vàng, mầu đỏ. Qua hàng thược dược, tới ngọn suối, nước chảy róc rách. Bên bờ suối có mấy con hạc trắng dứng tỉa lông. Cạnh suối là một vùng cỏ non mọc xanh mơn mởn. Mấy con nai nằm phơi nắng dưới gốc cây.

Ngựa lên được khỏang trăm trượng, tới cổng thứ nhất. Cổng lợp ngói tráng men xanh . Cánh cửa gỗ lim mầu đen óng ánh. Cột tô son đỏ chói.

Hai nhà sư trẻ túc trực trong cánh cổng, có lẽ là tri-khách tăng. Hai người kính cẩn hành lễ:

- A-di đà Phật. Đệ tử kính thỉnh pháp danh đại-sư cùng cao danh, qúi tính các vị thí chủ.

Huệ-Sinh đáp:

- Bần tăng là Huệ-Sinh.

Rồi ông giới thiệu bọn Bình-Dương.

Hai vị tri-khách nghe đến tên Huệ-Sinh, vội vàng hành đại lễ:

- Thì ra sư bá giá lâm. Đệ tử Hạnh-Chân và Hạnh-Như kính cẩn vấn an sư bá.

Hạnh-Chân cầm dùi đánh vào cái chuông treo trước cổng năm tiếng, rồi đứng tránh sang một bên nhường lối cho Lâm-Khu đi. Hai người chạy ra cầm dây cương ngựa cột vào những cái cọc trước cổng. Khi nhận ra con cọp không cương, Hạnh-Như kinh hãy kêu lên, lùi lại:

- Ối... A-di đà Phật, ông ba mươi.

Con hùm dường như muốn trêu chọc Hạnh-Như, nó gầm lên một tiếng nhe hàm răng trắng ởn. Hai nhà sư trẻ vội núp sau Huệ-Sinh.

Thân Bảo-Hòa cười:

- Này hai tiểu sư phụ. Tôi nghe nói trong kinh Phật dạy rằng người tu hành thì dù nhảy vào miệng cọp đói, dù xẻo thịt cho chim ưng ăn cũng vui lòng, có đúng không?

Hạnh-Chân vừa run vừa đáp:

- Có...đúng như thế.

Bảo-Hòa càng đùa:

- Hai vị tiểu sư-phụ. Hai vị là đệ tử nhà Phật, vậy hãy nhảy vào miệng ông kễnh nhung đi, để thành chính qủa. Ông kễnh này đói lắm rồi đó. Hai tiểu sư phụ đi tu từ nhỏ, thân thể tinh khiết, chắc thịt thơm ngon lắm.

Con hùm hiểu được tiếng chủ. Nó lại quen lối đùa của Bảo-Hòa. Nó nhe răng từ từ tiến lại trước hai nhà sư trẻ. Hạnh-Như run rẩy:

- Ông kễnh ơi. Thịt bần tăng hôi lắm. Đã ba ngày bần tăng chưa tắm. Nếu ông kễnh ăn thịt bần tăng vào ắt sinh bệnh đấy.

Huệ-Sinh biết Bảo-Hòa đùa, ông muốn biết cô gái miền thượng-du này đùa đến đâu. Ông mỉm cười đứng nhìn. Bảo-Hòa bảo con hùm:

- Sơn-Sơn ơi, trong hai vị tiểu sư phụ đây, mi muốn ăn vị nào trước? Tội nghiệp từ sáng đến giờ mi chưa có gì bỏ bụng, chắc đói lắm rồi.

Hai nhà như thấy con hùm đến gần, thì càng run, núp sau Huệ-Sinh, miệng lắp bắp:

- Sư bá. Xin sư bá cứu đệ tử với.

Hạnh-Chân chỉ Hạnh-Như:

- Ông kễnh ơi! Ông có đói thì xơi thịt em bần tăng trước. Thịt em bần tăng mềm hơn thịt bần tăng.

Chợt có tiếng nói lớn:

- Hạnh-Chân, Hạnh-Như. Đại-hùng, đại-lực các con để đâu? Hãy can đảm tiến lên đứng đối diện với ông ba mươi xem nào. Nếu ông nhảy vào vồ, thì dùng võ công chống lại.

Hai nhà sư trẻ qua cái sợ ban đầu. Được người nhắc, can đảm trở về. Hai người đứng Đinh-tấn, quắc mặt nhìn con hùm xám. Có tiếng nói:

- Hãy đem Phật-pháp ra mà thuyết giảng.

Hạnh-Như dõng dạc nói:

- Này ông kễnh. Giữa bần tăng với thí chủ không thù, không óan. Hà cớ thí chủ lại làm dữ với bần tăng? Nếu như các tiền kiếp của bần tăng có gây nghiệp qủa với thí chủ, thì thí chủ cứ tiến đến mà đòi nợ.

Con hùm không thấy Bảo-Hòa đùa nữa. Nó lùi lại gật đầu, đứng dựng bằng hai chân sau. Hai chân trước chắp lại hành lễ với mấy nhà sư vừa từ trên núi xuống. Bảo-Hòa nhìn lại người dạy Hạnh-Chân, Hạnh-Như là một vị hòa thượng gầy người vừa phải, trông sắc tướng không lấy gì làm đặc biệt. Hai hàm răng gồ ghề, cái vàng, cái đỏ, con mắt lờ đờ như người tửu-sắc. Đi cạnh hoà-thượng là ba nhà sư trung niên khác.

Nhà sư hỏi Huệ-Sinh:

- Quốc sư. Ngọn gió nào thổi quốc-sư tới đây thăm ta.

Huệ-Sinh hành lễ:

- A Di đà Phật. Sư thúc, người vẫn thường an lạc chứ? Tiểu đồ vì lời nguyện, dùng hết sức giúp dân Việt xây dựng quốc uy, rồi mới tịch, nên theo giúp Khai-quốc vương, vì vậy mới tới thăm sư thúc.

Ông giới thiệu bọn Thanh-Mai, Thiệu-Thái, rồi ông chỉ vào vị hòa thượng:

- Vị này là Nguyên-Hạnh, sư thúc của bần tăng.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play