Chống một cây sào dài, một mình leo lên chiếc thuyền lan, chèo đến cao nguyên đầy tuyết nơi xa tít tắp, đi tìm hồ nước tinh khiết. Một hồ nước trong vắt như tấm gương, chiếu rõ vạn vật phồn tạp nơi nhân gian, soi thấu bản thân chân thực nơi nội tâm. Bộ lạc Vân Gian trong bức họa đó phải chăng là một vùng tịnh thổ cuối cùng trên cõi đời? Công chúa Đại Đường bị gả tới nơi xa xôi, trải qua ngàn năm mây nước, nàng vẫn khỏe chứ? Lão ni đến hồ thiêng lấy nước kia, trong ánh mắt ngoái nhìn rốt cuộc chất chứa bí ẩn gì? Đám rong rêu dập dềnh trong nước hồ ấy, mỗi ngày đều nói lời ly biệt với khách qua đường, đã từng hỏi họ có thực sự muốn ra đi hay không? Nếu luôn gặp nhau ở non nước bên ngoài, chẳng thà, hãy bình thản đợi chờ nơi bến đỗ nhân sinh. Nhìn nước hồ xanh biếc đó, làm thế nào để lần nữa sắp xếp duyên phận của chúng ta?

Bốn mùa Tây Hồ

Là ai cầm một chiếc ô giấy dầu, đi xuyên qua mùa mưa đa tình, tìm mộng cũ phồn hoa chốn Giang Nam?

Là ai nhấp một ly trà trong, tựa lan can lặng lẽ dõi chốn xa, đợi một đóa sen nở trong cô đơn?

Là ai cưỡi một chiếc thuyền con, dưới trời sương trăng sáng như nước, chống chèo qua tháng năm vội vã?

Lại là ai ngắt một nhành hàn mai, viết nên bài thơ tài hoa phong lưu?

Tây Hồ, Tây Hồ trong vắt như ngọc, trên đê hoa bờ liễu đó, phải chăng là bóng dáng cố nhân trầm ngâm đang quấn quanh? Trong nhà thủy tạ bên hồ đó, phải chăng còn lưu giữ phong cảnh đã bỏ sót của ngày hôm qua?

(1) Mưa xuân đê Tô

Thủy quang liễm liễm tình phương hảo, sơn sắc không mông vũ diệc kỳ.

Dục bả Tây Hồ bỉ Tây Tử, đạm trang nùng mạt tổng tương nghi.

(Dưới nắng long lanh màu nước biếc. Trong mưa huyền ảo vẻ non tươi.

Tây hồ khá sánh cùng Tây tử. Nhạt phấn nồng son thảy tuyệt vời[1])

[1] Tô Đông Pha, “Ẩm hồ thượng sơ tình hậu vũ”, dịch thơ Nam Trân.

Tây Hồ khói mưa lãng đãng, tựa như một bức tranh thủy mặc thanh tân trang nhã, tông màu ẩm ướt, hương thơm nhàn nhạt, cổ kim hòa quyện, mê hoặc cõi lòng của biết bao khách đi đường đi tìm giấc mộng?

Bên bờ dòng người huyên náo tụ hội, lòng hồ lại là bóng lặng sóng trong. Khói mưa mờ mịt đổ trên những cành liễu rủ thướt tha, ánh sóng lay động, sóng gợn lăn tăn mê đắm hồn người. Khi ánh mắt mơ màng, mộng cảnh cũng trở nên yên bình… Đoạn Kiều[2] phía xa vắt ngang qua hồ nối liền đôi bờ, ngọn gió xoáy vòng trôi đi dường như xuyên qua thời gian ngàn năm, những năm tháng xưa cũ gột sách truyền thuyết ngàn năm, trải dài trong non nước tú lệ của Tây Hồ, mới mẻ và lung linh. Cây cầu kỳ thực không hề đứt đoạn, đứt đoạn là tình duyên một kiếp của Bạch Nương Tử và chàng Hứa Tiên. Chiếc ô giấy dầu đa tình đó, có thể níu lại giấc mộng xưa đã vội vã trôi qua của họ hay chăng?

[2] Đoạn Kiều: Tên của cây cầu, Đoạn có nghĩa là đứt, gãy.

Tình tiết ngàn năm sớm đã định sẵn, cái còn lại là truyền thuyết vĩnh hằng. Những người tay cầm ô che mưa, đứng trên cầu ngắm phong cảnh đó sẽ rơi vào giấc mộng của ai?

Khói mây nhuốm màu lên vẻ thanh tú mỹ lệ của dương liễu Tây Hồ, ráng trời sớm mở ra quang cảnh tươi đẹp của hoa đào trên đê Tô. Những khách đi đường ngang qua, bước xuyên con đường lát đá, họ rũ hết khói bụi trên người, gửi gắm ngày tháng mênh mang vào mùa mưa ngắn ngủi.

Bóng dáng áo xanh, nho nhã ung dung đó là Tô Tử chăng? Còn nhớ năm xưa, ông cùng Triêu Vân[3] chèo thuyền trên Tây Hồ, chén suông đối nguyệt, thi từ bay bổng, bất tận triền miên. Cớ sao năm tháng phiêu dạt, giai nhân mờ mịt, không chừa tung tích, để đau thương níu mộng.

[3] Triêu Vân là người thiếp của Tô Thức, vốn là kỹ nữ ở Tiền Đường, khi Tô Thức đến Tiền Đường làm quan đã thu nhận nàng làm thị nữ, khi đến Hoàng Châu thì nạp làm thiếp. Ban đầu nàng không biết chữ, sau theo Tô Thức học hành, cũng hiểu Phật lý. Khi Tô Thức làm quan ở Huệ Châu, các thiếp đều rời bỏ ông, duy có nàng Triêu Vân đi theo.

Chuyện thiên cổ ưu sầu, duy chỉ còn lại chữ Tình. Tô Đông Pha khoáng đạt hào phóng, cho dù tài cao có thể cười nhạo vương hầu, nếu như không gặp Triêu Vân, không người tri âm, sao có thể phong lưu tài mạo nhường ấy? “Thương tâm nhất niệm thường tiền trái, đàn chỉ tam sinh đoạn hậu duyên.”[4] (Tạm dịch: Đau lòng nghĩ đền nợ kiếp trước, chớp mắt ba kiếp đứt hậu duyên) Cái Tô Đông Pha hoài niệm là trăng sáng ngày xưa, còn vầng trăng sáng mới cong cong như móc câu hôm nay, một nửa là ly, một nửa là hợp. Đa tình, trước sau vẫn là người ngắm trăng.

[4] Thơ của Triêu Vân.

Bước đi trên đê Tô dài thăm thẳm là ai, suốt trên dọc đường nhặt mãi ánh trăng khi mờ khi tỏ? Thế nhưng, người đó tìm được những gì? Cho dù lặn xuống Tây Hồ, thì có thể vớt được những gì?

(2) Sen hạ Tây Lãnh

Thiếp thừa du bích xa, lang kỵ thanh thông mã.

Hà xứ kết đồng tâm, Tây Lăng tùng bách hạ.

(Thiếp đi xe du bích, chàng cưỡi ngựa đốm xanh. Đồng tâm nơi nào kết? Dưới tùng bách Tây Lăng).

(Nam triều, Tô Tiểu Tiểu[5], “Tô Tiểu Tiểu ca”, dịch thơ Điệp Luyến Hoa[6])

[5] Nàng Tô Tiểu Tiểu, danh kỹ hàng đầu ở Tiền Đường thời Nam Tề, năm mười chín tuổi, Tô Tiểu Tiểu vì tương tư mà nhiễm bệnh phong hàn, lại thêm nàng từ nhỏ đã có bệnh ho ra máu, không bao lâu sau thì ngọc nát hương chìm. Sau khi Tô Tiểu Tiểu tạ thế, một cao thủ võ lâm chung tình chiều theo nguyện vọng bình sinh của nàng mà chôn nàng dưới gốc liễu bên cầu Tây Lãnh.

[6] Bản dịch thơ trên thivien.net.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play