Tôi là một gác ngục nhỏ bé ở đạo An Hạnh. Nói là nhỏ bé, nhưng hai năm trước gia đình cũng phải nhờ cậy vài người, tốn một ít tiền mới lo lót được.

Vì vậy, đối với công việc, tôi luôn nghiêm túc cố gắng, lặng lẽ cẩn trọng, chờ đợi một cơ hội tốt để có thể thăng quan tiến chức.

Ngày qua ngày, tôi đều tiếp xúc với đủ mọi loại người, không thiếu một ai. Vô tội cũng có, mà tội ác tày trời cũng có. Nhưng tôi chỉ là một gác ngục nhỏ bé mà thôi, lời nói có thể có giá trị gì, năng lực lại càng không đáng nhắc đến. Không giống như một vị có tên là Trần Kiên kia, mặc dù quyền chức không phải lớn nhưng lại được quan trên nhất mực tin tưởng. Bởi anh ta có tài. Trong đạo này, việc lớn nào cũng có phần công của anh ta.

Có điều người ta nói trời không cho ai hết thứ gì. Trẻ tuổi, tài cao, vẻ ngoài không có gì thiếu sót. Thế nhưng cô vợ xuất thân quyền quý, là con gái lớn nhà quan đạo An Hạnh lại chưa kịp đưa về nhà đã phải bỏ mạng trên đường đưa dâu. Cùng nghỉ chân vĩnh viễn dưới đống đất đá ấy không chỉ một mình cô dâu mới, mà còn có rất nhiều người khác trong đoàn. Có thể nói, hoạ này chẳng phải của riêng ai.

Đương nhiên, người tự tay gây ra thảm kịch ngày hôm ấy làm sao có thể thoát thân được. Hiện tại đã đang ngồi chờ chết trong ngục, tôi nghĩ chỉ hai ba hôm nữa là hành án thôi.

Có điều, kẻ tội nhân người người căm hận ấy lại chẳng phải là người xa lạ gì. Mới cách đây có vài tháng, người ấy cũng ngồi chính trong nhà ngục này, chỉ khác lúc đó là tươi cười hớn hở, bây giờ chỉ lặng lẽ khóc lóc, dáng vẻ còn tiều tụy hơn cả người đã chết.

Chuyện mới xảy ra vài tháng trước nên tôi đương nhiên còn nhớ. Cô gái tên là Thị Hồ ấy, vốn là một trong số những tên cướp thường hoạt động ở đoạn đường núi mà người dân phải thường xuyên qua lại.

Bọn họ không phải một toán cướp lớn. Thông thường cũng chỉ chờ lúc vắng vẻ xuất hiện mà cướp ít đồ, ít tiền. Ngoại trừ hăm doạ ra thì cũng chưa hại ai. Có điều chỉ thi thoảng mới xuất hiện nên quan sai rất khó bắt được. Mãi tới khi có Trần Kiên tham gia giúp đỡ, phần lớn người trong toán cướp ấy mới bị bắt gọn. Trong số đó, có cả cô gái tên là Thị Hồ.

Cô ấy là một trong số những phạm nhận nằm trong sự quản lý của tôi. Tôi còn nhớ rõ đó là một cô gái có tính cách tương đối vui vẻ và cởi mở. Mỗi lần đưa cơm hay phải giáp mặt khác, cô gái đều cố tìm cách giữ tôi lại mà nói chuyện. Có lẽ là lâu ngày quen nói nhiều rồi, bây giờ tự dưng phải vào nhà lao, xung quanh toàn người lạ lẫm không chịu nói chuyện nên không biết phải làm sao.

Tôi cũng vì tiện cho việc thẩm vấn của quan trên, đành phải ở lại nói vài câu chuyện, tìm hiểu ít thông tin. Không biết vì lâu nay cũng giống như những phạm nhân ở đây buồn chán sống qua ngày hay vì tính cách cô gái này khiến người ta rất dễ gần gũi, tôi lại có thể cùng cô gái này nói rất nhiều chuyện.

Cô ấy kể mình vốn là một đứa bé mồ côi, được một phụ nữ lớn tuổi không chồng trong đám người kia nhặt về nuôi dưỡng. Bởi vậy không có quyền chọn lựa, tự động tham gia cùng bọn họ, trở thành một kẻ cướp đường.

Cô ấy cũng rất hay khen ngợi vị quan tên Trần Kiên. Mỗi lần nhắc đến anh ta, hai mắt đều giống như phát sáng.

Tôi nhìn ra được, cô gái này chắc chắn đã có tình cảm với người kia rồi. Cũng khó trách, Trần Kiên vốn là một người xuất sắc như vậy, quan đạo cũng còn ưng ý mà vội vã kén làm rể cơ mà.

Bởi vậy, tôi liền nói cho cô ấy biết:

-Trần Kiên đã hứa hôn với con gái quan đạo rồi. Liệu với gia thế như vậy, bọn họ có chịu nhận cô làm vợ lẽ không?

Thị Hồ vừa nghe thấy vậy liền ngẩn ra. Sau đó lẳng lặng lui về góc tường ngồi tựa lên đầu gối suy ngẫm.

Nhìn vẻ mặt buồn bã kèm theo ít tủi thân kia, tôi bất giác hối hận. Lời nói của tôi là sự thật, nhưng có lẽ sự thật ấy khiến cho cô buồn.

Hai ngày sau, Thị Hồ mới vui vẻ trở lại. Trong một lúc tán gẫu mới vô tình nói ra:

-Trước kia tôi vẫn nghĩ làm cướp chẳng có gì xấu. Giống như mọi người, chúng tôi cũng phải suy nghĩ đủ bề, cũng tốn không ít công sức để kiếm của bọn họ ít tiền. Tôi thấy số tiền ấy có đáng là bao, tính ra còn rẻ hơn cả phí thuê người hộ tống của bọn họ nữa. Nhưng giờ xem ra, mọi người lại không nghĩ về chúng tôi như vậy.

Dừng một lát, lặng lẽ thở dài. Một lúc sau lại nói tiếp, giọng xa xăm mơ hồ, khoé mắt loang loáng lệ:

-Chắc người kia cũng nghĩ về tôi như vậy…

Trời sinh chậm chạp ít nói, tôi chẳng biết phải nói gì để an ủi. Mặc dù, bản thân tôi cũng cảm thấy, cô gái này thật sự chẳng có gì xấu…

Thế rồi không hiểu vì sao, Thị Hồ được thả ra sau gần hai tháng giam giữ. Lúc chia tay, cô ấy thậm chí còn nắm lấy tay tôi, tươi cười rạng rỡ mà nói:

-Cảm ơn bấy lâu đối với tôi tốt như vậy. Tôi nhất định sẽ nhớ mãi không quên!

Lần này tới lượt tôi ngẩn người.

Nhớ mãi không quên…

Nhớ mãi không quên có lẽ không chỉ có cô ấy. Nhớ mãi không quên có lẽ cũng không chỉ có tình bạn ngắn ngủi trong gần hai tháng ấy.

Tôi nhớ, sẽ vẫn nhớ kỹ đôi mắt ấy, một đôi mắt biết cười, cong cong như vầng trăng lưỡi liềm.

Rõ ràng là một khuôn mặt rất bình thường, thế nhưng lại khiến cho người ta ghi nhớ khắc sâu đến vậy…


***


Lần thứ hai trở lại, đã không còn là cô gái vui vẻ ngày trước.

Khuôn mặt tròn xoe có phần đáng yêu trở nên hốc hác gầy mòn. Đôi mắt trong trẻo biết cười đã trũng sâu, thẫm lại như mất ngủ rất lâu ngày.

Tôi không biết cô ấy không ngủ từ bao giờ, chỉ biết kể từ ngày vào nhà giam, cô ấy gần như chẳng hề chợp mắt. Không ăn uống, chẳng nói chuyện. Chỉ lặng lẽ ngồi cuộn tròn nơi góc tường, khóc mãi rồi nghỉ, nghỉ rồi lại khóc.

Tôi vẫn không biết an ủi thế nào, chỉ có thể mỗi ngày đưa cơm, mỗi ngày nhìn cô ấy tự hành hạ bản thân mà héo mòn xơ xác.

Chuyện động trời mà cô ấy gây ra làm sao tôi không biết. Nhưng nhìn dáng vẻ cô ấy như vậy, lại nhớ tới con người vẫn thường nói chuyện với tôi ngày trước, tôi không có cách nào căm ghét nổi.

Thế nhưng tôi không căm ghét thì không có nghĩa người khác cũng vậy. Nhà giam hiện tại đối với Thị Hồ giống như một chỗ trú thân an toàn, người người ở ngoài kia đều đang muốn kiếm cho bằng được cô gái này, chỉ hận không thể rút xương lột da. Chỉ sợ chính cô ấy cũng vậy, mà người cô ấy vẫn hằng thương nhớ cũng vậy.

Tối hôm đó Trần Kiên không biết uống đến say khướt ở đâu, đột ngột xuất hiện nơi nhà giam tối tăm bẩn thỉu này.

Cả người rõ ràng nồng nặc mùi rượu, ngay cả ánh mắt cương trực sáng rõ thường ngày cũng mờ mịt như bóng đêm ở chốn ngục tù, thế nhưng người vẫn đứng thẳng, lạnh lẽo tới mức hung ác mà nhìn vào chỗ cô gái kia đang ngồi.

Thị Hồ không dám nhìn thẳng, cũng không dám khóc. Chỉ lặng lẽ vùi đầu xuống đầu gối, hai tay che kín trước đầu. Bộ dạng sợ hãi, yếu ớt giống hệt như một đứa bé vô tội bị chúng bạn hung dữ đánh đập.

Mọi người trong nhà giam không ai dám lại gần, cũng chẳng có ai lên tiếng. Không gian vắng lạnh nghe rõ từng hơi thở. Rất lâu, rất lâu sau mới thấy Trần Kiên cất tiếng:

-Ngày đó thả cô ra đúng là một sự ngu xuẩn không cách nào cứu chữa.

Tôi trông thấy được, bờ vai gầy gò kia run lên rất mạnh.

Người khác có lẽ không nghe được, cũng không thể đoán được, nhưng tôi biết cô ấy lại khóc, khóc rất thương tâm.

Người kia rời đi, Thị Hồ cũng gần như chết một nửa.

Hôm nay lại đưa cơm, tôi cuối cùng cũng nói ra:

-Đã là bữa cơm cuối cùng rồi, cô ăn đi. Dù có chết cũng phải làm một con ma no chứ.

Cô ấy vẫn lặng lẽ không đáp lời. Đói no thì có còn quan trọng gì nữa đâu, cô ấy bây giờ, vốn dĩ đã là một con ma rồi.

Tôi thở dài, bần thần ngồi xuống trước cửa giam. Cứ tựa vào đó im lặng rất lâu, không nhìn người phía trong, cũng không làm bất kỳ điều gì. Cứ coi như… để cho người bạn bất tài này tiễn cô ấy một đoạn đi.

Không biết qua bao lâu, cuối cùng cô ấy cũng mở lời:

-Ngày trước Trần Kiên đã có ơn với tôi, thế rồi tôi lại dùng cách này để đáp trả.

Cô ấy dừng lại rất lâu, giống như đã hoàn toàn kiệt sức. Giọng nói còn nhẹ hơn cả tiếng gió, cứ chập chờn leo lắt như ánh nến giữa đêm đông.

-Đó vốn dĩ là thương hại, nhưng tôi lại cứ cố nghĩ hẳn là có tí chút tình cảm nào rồi chăng? Níu kéo mãi vẫn chẳng thành. Tôi ghét Kiều Liên lắm, cô ấy xinh đẹp, cô ấy có gia thế tốt, cô ấy lại có cả Trần Kiên. Tại sao tôi lại không được như vậy? Nhưng nếu như tôi không có được, tôi cũng không muốn người khác có được một cách trọn vẹn. Bởi vậy hôm đó… hôm đó…

Thị Hồ bắt đầu khóc, tiếng nức nở không có cách nào kiềm chế. Nhưng cô ấy vẫn cố ngăn tiếng khóc lại, nặng nề cắn chặt lên môi, chỉ để lại những cái nấc nghẹn quặn thắt. Từng tiếng, từng tiếng như lóc của tôi từng miếng thịt, đau tới nghẹn thở.

-Hôm ấy… tôi tới sườn núi chỗ chúng tôi vẫn thường chặn đường cướp của, tìm được một tảng đá thật lớn, lén lút đào bới cùng cài bẫy, chỉ chờ tới lúc đoàn rước dâu đi qua sẽ đẩy từ trên cao xuống. Người ta nói đang đi bị chặn đường sẽ là điềm xui. Tôi chỉ muốn bọn họ gặp phải điềm xui, đám rước không vẹn toàn như ý mà thôi… Nhưng tôi ngu dốt quá, tại sao tôi lại không biết chứ? Một điều đơn giản như vậy… Tảng đá kia to thế, lại ở chỗ cao như vậy mà lăn xuống. Sườn núi bị động mạnh, chẳng bao lâu thì từng lớp, từng lớp đất đá vốn chỉ là tạm nằm yên trên bề mặt sườn núi thôi cũng đồng loạt lao xuống. Tôi lại chẳng có cách nào ngăn cản, chỉ có thể trơ mắt nhìn đống đất đá đổ sập xuống, trơ mắt nhìn cả đoàn người vùi xác nơi đó. Là tự tay tôi, tự bàn tay bẩn thỉu của tôi, hại chết ngần ấy người…

Cô ấy vẫn khóc, vẫn nấc nghẹn lên thành tiếng.

Còn tôi, ngoại trừ đau xót trong lòng không thể an ủi gì, càng không có cách nào giúp đỡ.


Đêm hôm ấy nằm trên giường trở mình rất nhiều lần vẫn chẳng thể chợp mắt. Tôi lặng lẽ ra ngoài, ngồi bệt xuống một góc hiên nhà, ngẩng đầu nhìn trời cao.

Bầu trời mờ mịt không có lấy một tia sáng. Không biết đã ba mươi chưa nhỉ? Tại sao trăng cũng chẳng thấy đâu?

Cứ miên man suy nghĩ mãi. Hình dáng gầy mòn yếu ớt ấy, giọng nói đầy đau khổ dằn vặt ấy, tiếng khóc không thành tiếng nghẹn ngào ấy,… Tất cả cứ bám riết lấy tôi không ngừng.

Đột ngột nhận ra, có lẽ tất cả đều là số phận.

Đó là vận mệnh của cô ấy, không có cách nào trốn cho thoát được.

Cô ấy có lỗi, cũng làm sai rất nhiều. Quá cố chấp, cũng quá ngang ngược. Đã trót lầm lỡ, chẳng thể quay đầu.

Đối với cô gái ấy, cho dù thương xót bao nhiêu cũng không đủ. Nhưng tội lỗi ấy, biết bao nhiêu kiếp mới trả hết?

Trước mắt không có chút ánh sáng. Tôi cũng không có câu trả lời.


Sáng hôm sau tới nhà giam rất sớm. Những gì diễn ra trước mắt một lần nữa lại khiến tôi đau thấu tâm can.

Thị Hồ từ đêm qua đã đập đầu vào tường tự tử. Máu chảy dọc xuống bên má, thấm ướt gần hết khuôn mặt, có lẽ là rất đáng sợ.

Nhưng tôi chỉ thấy trước mắt nhoè đi. Nước mắt cất giấu đã lâu, hôm nay cuối cùng cũng chảy xuống.

Mọi người không hiểu được, đâu đâu hôm nay cô ấy cũng phải chết, tại sao ngay trong đêm tối lại tự mình kết liễu cuộc đời? Có lẽ chỉ có mình tôi hiểu được…

Giọng nói đứt đoạn lúc chiều hôm qua vẫn còn văng vẳng bên tai:

-Tôi rất sợ ánh mắt của người đó. Tôi cũng sợ ánh mắt của tất cả mọi người. Làm sao tôi dám đứng trước mặt họ nữa, tôi không dám, vĩnh viễn không dám…

Thì ra tôi đã nhầm rồi.

Thứ khiến cô ấy đau khổ nhất không phải là cái thù hận hằn sâu của người mà cô ấy vẫn mong nhớ. Đó chính là sự dằn vặt tự trách không bao giờ có thể vơi bớt.


***


Giữa cảnh chiều chập choạng tối, tôi ngồi một mình trước một gò đất nhỏ đốt giấy tiền với ít quần áo, thấp giọng trò chuyện:

-Thị Hồ ơi, cô dạo này thế nào? Nếu đã được đầu thai kiếp mới thì tốt, nếu còn chưa được, tôi đem ít quần áo đốt cho cô, cũng thắp cho cô ít đồ ăn thức uống. Còn cả chút tiền nữa, không cần phải tiếp tục làm cướp, cũng không tới nỗi khó khăn cơ cực.

Còn nhớ sau ngày hôm ấy, tôi đã phải tìm đủ mọi cách, cầu xin, tận dụng đủ mọi mối quen biết mới có thể đưa được xác của Thị Hồ ra ngoài. Tôi tìm được bãi đất trống hoang vắng này, đắp cho cô ấy một ngôi mộ. Hi vọng ở một nơi mới, một hành trình mới, cô ấy không còn phải vướng bận với quá khứ nữa.

Sau đó tôi cũng được quan trên chuyển tới làm lính trong một phủ quan. Cuộc sống dễ chịu, thoải mái hơn, không còn mỗi ngày phải chứng kiến cảnh tù túng tội lỗi ấy nữa. Đó có lẽ là một điều rất may mắn, bởi mỗi ngày, chỉ cần đến nhà ngục, tôi giống như vẫn nghe thấy tiếng của cô ấy. Tiếng kể chuyện não nề, tiếng khóc dằn vặt đau đớn. Cũng vẫn luôn nhìn thấy bóng dáng cô ấy ở đó, tại một góc tường tối tăm bó gối cô đơn, một mình run rẩy khóc không thành tiếng. Không phải do cô ấy trở thành hồn ma bám riết lấy tôi, mà chỉ do bóng ma trong lòng tôi không cách nào buông bỏ.

Đốt xong tất cả, tôi vẫn nán lại ngồi một lúc lâu. Bần thần nhìn ba nén hương đang lặng lẽ cháy, làn khói mỏng manh giữa nền trời nhá nhem, bất chợt lại nhớ tới nụ cười rạng rỡ hôm nào.

-Tôi đến để kể cho cô nghe, vợ tôi đã sinh một bé gái rồi, đáng yêu lắm. Cô cũng phải sống thật cố gắng, kiếp sau từ từ trả nợ, đừng gặp những chuyện không vui nữa.

Nghĩ mãi cũng chỉ nói được có bấy nhiêu. Tựa như những người bạn già lâu năm gặp lại, chỉ cần yên tĩnh ngồi bên cạnh nhau vậy thôi. Bất cứ lời nói nào cũng cảm thấy thừa thãi vô nghĩa.

Tôi nghĩ trên cuộc đời này, mỗi người sẽ đều gặp phải những người họ không nên gặp. Chẳng qua thành hay bại, tốt hay xấu, là do người kia ảnh hưởng họ tới đâu, cũng là do chính họ lựa chọn như thế nào.

Tôi may mắn hơn cô ấy, tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều. Tôi bị cuộc sống ràng buộc, có những việc chẳng thể làm theo ý muốn, vì vậy cuộc đời tôi vẫn bình lặng như vậy, vẫn an ổn mà trải qua một kiếp người. Có lẽ vào một lúc nào đó, tôi cũng sẽ nhớ đến người cũ ít nhiều, nhưng hiện tại, tôi sống vẫn rất hạnh phúc. Bởi tôi còn có gia đình, còn có vợ con.

Thị Hồ, kiếp sau, kiếp sau nữa, cô phải sống thật hạnh phúc đấy!

Trời đã tối hẳn, tôi đứng dậy giũ sạch đất bám trên quần, lặng lẽ thở dài nhìn một tấm gỗ mảnh cắm trước mộ. Người bạn duy nhất trong cuộc đời tôi, cuối cùng ngay cả một bia mộ cũng không thể làm tử tế cho cô ấy, tạm bợ đến như vậy…

Tôi không dám viết thông tin gì trên bia mộ, cũng không thể nào viết tên thật. Nghĩ rất lâu, cuối cùng chỉ viết lên đó vẻn vẹn hai chữ.

Lệ Hồ.

Cuộc đời của cô ấy, chính là một hồ nước mắt, luôn luôn ầm ĩ xáo động, nhấp nhô không ngừng.

Gió vẫn cứ thổi, mây vẫn cứ trôi.

Chỉ có một kiếp người, đã vĩnh viễn dừng lại.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play