Đại Thiệu quốc, Đức Trị năm thứ mười, đầu mùa đông.

Tuyết rơi.

Ngụy Tiểu Diểu nghĩ bụng cần phải đặt thêm mấy chậu than lớn trên điện Thừa Thiên mỗi khi lâm triều, nhất là phải đặt một chậu ngay cạnh bên Lễ bộ Thị lang đại nhân, tránh cho ngài ta bị cảm lạnh khiến Hoàng thượng bận lòng.

Y căn dặn thuộc hạ mang chuyện này báo cho công công quản sự ở Thừa Thiên điện. Sau đó y lại nghĩ đến việc mấy hôm nay Hoàng thượng bận rộn triều chính có vẻ mệt mỏi, thế là lại dặn ngự ý và ngự thiện phòng sắc thuốc dâng lên. Có lẽ phải khuyên Hoàng thượng sớm di giá đến Bắc Lâm Đông cung để nghỉ ngơi.

Rồi còn mấy việc chuẩn bị quần áo vật dụng mùa đông cho các nương nương, hoàng tử, công chúa, đặc biệt là Hỉ Nhạc công chúa mới mấy hôm trước vừa cảm phong hàn đến nay vẫn chưa khỏi hẳn, cần phải cẩn thận giữ ấm. Bên cạnh đó còn phải đến thương lượng với Trần công công và Thường công công về việc cung nữ bên ấy đã đến tuổi xuất cung, cũng nên tuyển chọn lứa mới rồi.

Chuyện mà Ngụy Tiểu Diểu phải làm luôn rất nhiều rất nhiều, hầu như việc lớn việc nhỏ trong hoàng cung Đại Thiệu này đều phải qua tay y.

Y đến bên ngoài ngự thư phòng, nhỏ tiếng căn dặn người dưới đi làm việc này việc kia, sau lại có thái giám các cục các ti đến hỏi chuyện đó chuyện nọ xem ý tứ của y thế nào.

Trong ngự thư phòng cất lên dăm tiếng ho khan nên y vội vàng bỏ những người kia lại, tự mình rót một chén trà nóng rồi lặng lẽ tiến vào trong đổi chén trà đã lạnh trước đó, sau đó lại lặng lẽ lui ra, tiếp tục xử lý cung vụ.

Người đời cứ cho rằng nội thị của hoàng đế thì cả ngày chỉ cần đứng ở sau lưng ngài chờ ban lệnh là được, trên thực tế thì hoàng đế bận việc ở bên trong ngự thư phòng bao nhiêu thì y bận rộn việc ở bên ngoài ngự thư phòng bấy nhiêu, thậm chí còn hơn thế nữa.

Mỗi ngày hoàng đế xử lý chính sự xong thì có thể trở về hậu cung nghỉ ngơi, còn kẻ thân làm đại tổng quản như Ngụy Tiểu Diểu thì vẫn phải tiếp tục xử lý chuyện lớn chuyện nhỏ trong cung. Tuy rằng đã lâu rồi y không cần phải hầu hạ Hoàng thượng an giấc nhưng nếu Lễ bộ Thị lang ngủ lại trong cung thì y lại phải tự mình thân chinh.

Dù sao thì người ngoài không biết về gian… à không, là tình cảm lưu luyến giữa Hoàng đế và Lễ bộ Thị lang nên y lại càng phải giúp họ che giấu, tận tâm tận lực giữ kín hết mức. Lễ bộ Thị lang là người trong lòng của chủ tử y, y sợ người khác hầu hạ không được chu đáo hoặc giả lại quá mức cảnh giác sợ hãi sẽ khiến ngài ấy không được tự nhiên.

Thật lòng mà nói thì y rất thích ở cùng với Lễ bộ Thị lang. Vị đại nhân này tính tình hiền lành dễ chịu, luôn có biệt tài khiến cho người bên cạnh có thể thoải mái thả lỏng bản thân, cứ như gió xuân ùa về. Có lẽ là do bản chất ngài ấy luôn thong dong lười nhác.

Đợi đến khi mấy vị đại thần thảo luận chính sự xong rời đi thì Ngụy Tiểu Diểu mới sai người đến ngự thư phòng mang một bát canh ấm và điểm tâm dâng lên, phần mình thì vào trong thu dọn tấu chương, phân loại quyển nào đã duyệt quyển nào chưa, cái nào rồi thì cho chuyển đến các bộ. Đây vốn là việc mà lúc còn làm thái giám hầu việc đọc sách y vẫn làm, cho đến nay Hoàng thượng vẫn giữ thói quen này.

Ngụy Tiểu Diểu thấy Hoàng thượng đưa tay day day ấn đường có vẻ mệt mỏi liền cung kính hỏi – “Hoàng thượng, có cần nghỉ một lát không ạ?”

Hoàng đế đặt tấu chương trên tay xuống, nâng tách trà lên nhấp một ngụm, sau đó mởi bảo – “Tháng trước trẫm đã triệu Thất vương gia hồi kinh, mấy ngày nữa chắc sẽ về đến nơi. Tiểu Diểu, ngươi thu xếp tiệc tẩy trần, nhớ đến chỗ Đại vương gia gọi Thanh Ca đến giúp vui.”

“Ý Hoàng thượng là mời cả Đại vương gia đến?”

“Đúng vậy, gọi hết mấy huynh đệ tỷ muội của trẫm đến, cả nhà cùng nhau ăn bữa cơm.”

“Tiểu nhân rõ rồi.”

“Còn nữa, giúp trẫm chọn một phần lễ vật cho Thất đệ.”

“Chẳng hay Hoàng thượng muốn tặng gì?” – Ngụy Tiểu Diểu hỏi.

“Ngươi cứ tùy ý lựa chọn đi.” – Hoàng đế liếc y một cái rồi lại nói – “Tuy vậy, trẫm lại cảm thấy chính bản thân ngươi mới là lễ vật hậu hĩ nhất.”

“Hoàng thượng lại nói đùa rồi, tiểu nhân gánh không nổi đâu.” – Ngụy Tiểu Diểu vẫn dùng thái độ cung kính như lúc thường để đáp trả, chẳng biểu hiện ra chút sợ hãi hoảng hốt nào. Y lớn lên trong cung cấm, trải qua nhiều năm như thế sớm đã biết cách giấu kín tâm tư cảm xúc của mình rồi. Thân làm nô tài, nhất là nô tài của hoàng đế thì hỉ nộ ái ố lại càng phải cẩn trọng hơn người.

Hoàng đế cười có vẻ bí hiểm – “Mọi người đều bảo Ngụy Tiểu Diểu có trái tim bảy phần khéo léo, giờ trẫm xem ra trái tim này cũng không phải thấu suốt lắm nhỉ.”

“Thông minh hay không đều là do người khác nói cả, chỉ cần Hoàng thượng không chê tiểu nhân ngu dốt là tốt rồi.” – Ngụy Tiểu Diểu mỉm cười hầu chuyện hoàng đế, trà bưng nước rót, thái độ chẳng xa chẳng gần, lúc nào cũng đúng mực khéo léo.

“Trẫm mà chê rồi đuổi ngươi đi mất thì còn biết vui đùa với ai nữa đây.”

“Hoàng thượng, đừng có mà ỷ thế trêu ghẹo Tiểu Diểu. Y là cận thần của ngài, không phải mấy con vẹt treo lủng lẳng ngoài hiên đâu.” – bên cạnh chợt vang lên giọng nói của một người hai mắt nhập nhèm cắt ngang câu chuyện.

“Đi làm việc của ngươi đi, không cần hầu hạ ở đây.” – Hoàng đế vừa nói vừa dịu dàng đứng dậy bước vào sau bình phong, nơi Lễ bộ Thị lang đương kê cao gối mà ngủ.

“Tiểu nhân cáo lui.” – Ngụy Tiểu Diểu khom người lui ra, lúc đóng cửa phòng lại vẫn còn nghe loáng thoáng tiếng của Lễ bộ Thị lang – “Tiểu Diểu là một con người, không phải đồ vật, làm sao có thể xem như đồ vật mà tặng tới biếu lui?”

“Trẫm chỉ nói đùa thôi mà.”

“Ngươi cũng đừng có mà không thèm để ý xem tâm tư nguyện vọng của người ta rồi đẩy người ta vào tay ai cũng được.”

“Dĩ nhiên rồi, dù thế nào thì bên cạnh trẫm sao có thể thiếu phần y được chứ. Có đói bụng chưa nào? Uống trước bát canh nóng cho ấm bụng đã.”

Ngụy Tiểu Diểu khẽ mỉm cười, lòng thầm nghĩ dưới gầm trời Đại Thiệu e chỉ có Lý đại nhân dám ăn nói kiểu đó với Hoàng đế bệ hạ thôi. Sáu năm dài trôi qua nhưng lòng yêu thương của Hoàng đế dành cho người ấy chỉ tăng không giảm, ngày một đậm sâu. Người đời ai cũng bảo hoàng gia chẳng có chân tình, nhưng nếu nhìn vào Hoàng đế bệ hạ và Lý đại nhân thì lại thấy được điều đó. Tận trong đáy lòng y vẫn mong chờ hai người có thể cả đời bền chặt đến khi bạc đầu giai lão.

Y rời khỏi ngự thư phòng, ngẩng lên nhìn một trời trắng tuyết mà thở một hơi khói dài. Mùa đông phương Bắc luôn lạnh lẽo như thế, hầu như cả đầu mày khóe miệng cũng có băng tuyết, lạnh đến run rẩy.

Mùa đông ở Sở Nam có phải cũng lạnh như thế không thì y đã chẳng còn nhớ rõ nữa, chỉ nhớ mỗi hương vị cay nồng của bát canh gừng bà ngoại nấu, nhấp một ngụm ấm hết cả lòng, uống cạn chén thì mũi cũng đầy mồ hôi.

Mà có một người sẽ từ nơi xa xôi ấy quay trở về…

Thất vương gia Tống Vĩ là đệ đệ cùng cha khác mẹ với đương kim hoàng thượng. Một năm trước hắn tự mình xin được rời khỏi kinh, Hoàng thượng bèn sắc phong cho hắn làm Sở Nam Vương, mang vùng Sở Nam giao cho hắn cai quản.

Trừ Hoàng đế ra thì không một ai có thể hiểu nổi nguyên cớ do đâu lại có kẻ không chịu làm quý tộc an nhàn sung sướng mà cứ đâm đầu vào nơi biên cảnh khỉ ho cò gáy, cứ như tự mình lưu đày ngàn dặm vậy.

Có lẽ hắn có lý do riêng nhưng người ngoài cuộc làm sao biết được chứ.

Mà những chuyện của bản thân Ngụy Tiểu Diểu thì nên quay ngược lại mười ba năm trước lúc vừa đặt chân vào hoàng thành mà kể.

Lúc ấy cũng đúng vào mùa tuyết đổ, khắp nơi chỉ tuyền một màu trắng. Tuyết cứ không thanh không tiếng mà buông mình, đáp trên quần áo y mà y cũng không buồn phủi, chỉ im lặng theo nghĩa phụ bước chân qua cửa son của nội cung.

Đằng sau cửa cung là một hành lang mái vòm sâu hun hút như một hang động không đáy, sâu như khoang miệng của một con thú lớn, nhưng y cũng không quá sợ hãi. Y biết nơi này là đâu.

Không biết là đã từng nghe ai nói qua rằng hoàng cung là nơi ăn thịt người, giờ đây chính mình lại đang bị nó nuốt chửng.

Nghĩa phụ nói một khi đã bước vào thì bất luận còn sống hay đã chết thì đều là nô tài của nơi ấy.

Khi ấy y chỉ mới chín tuổi, làm sao hiểu được thế nào là phiền muộn, cũng không mấy sợ hãi, chỉ tâm niệm một điều rằng đây là nơi mình chôn giữ cả đời.

Rời khỏi hành lang dài, bước chân đầu tiên vào nơi ăn thịt người thế mà lại nhẹ tênh. Chân giẫm nền tuyết lưu lại mấy dấu vết nhàn nhạt, quay đầu lại thì thấy tuyết đã phủ mờ hết thảy, như thể đang cố tình nói với y đã không còn đường lui nữa rồi.

Lúc đi qua con đường nhỏ ven tường thành thì tuyết đổ rất lớn, hơi lạnh xuyên qua giày chui vào bàn chân. Y nắm chặt tay nghĩa phụ, cố cắn chặt răng nén lạnh, lộ ra vài phần kiên cường.

Tay kia của nghĩa phụ nắm tay của Tiểu Nhược Thảo. Hắn đã khóc suốt từ lâu, tiếng khóc nức nở thoát khỏi cổ họng như tiếng chim hót, thật sự rất dễ nghe.

Vậy nên nghĩa phụ cũng không mắng nó, để cho nó thoải mái khóc, xem như là một chút xót thương cuối cùng.

Bởi lẽ từ nay về sau sẽ chẳng còn ai thương xót hai người nữa.

Mặc kệ tương lai là sống hay chết, cho dù có may mắn trèo được lên cao thì thân phận của hai đứa trẻ nãy vĩnh viễn chỉ là hạng nô tài, là những tên hoạn quan khiếm khuyết.

Cứ đi hết cửa này lại đến cửa khác, trên đường đi có người cúi đầu hành lễ với nghĩa phụ, có người nghĩa phụ phải hành lễ, cũng có người hỏi han về hai đứa trẻ, nhưng tuyệt nhiên không có một ai thèm liếc mắt nhìn một cái.

Cuối cùng nghĩa phụ đưa cả hai đến một gian phòng, trước tiên là cất lời thăm hỏi ân cần với một vị lão giả râu tóc bạc phơ, sau mới nói – “Hôm nay ta dẫn hai đứa trẻ này đến làm phiền Từ thái y.”

Vương triều Đại Thiệu có quy định rất nghiêm ngặt về việc dân gian không được tự thiến. Tất cả đều phải thông qua tuyển chọn, sau đó giao cho các thái y phụ trách, tránh để xảy ra những việc giết người hoặc tệ nạn.

Lão tiên sinh cất lời – “Đã được mười bốn tuổi chưa?”

Nghĩa phụ đáp – “Vẫn chưa, cả hai đều chỉ vừa lên chín.”

“Ái chà, nhỏ tuổi như vậy sao lại đưa vào đây?”

“Sớm một chút thì bớt đau đớn một chút, so với ta thì vẫn hơn.”

“Dù gì cũng chẳng dùng đến cũng chẳng thể sinh con đẻ cái, chỉ là một vật đã tàn phế mà thôi.”

“Có thì hơn là không có, ít nhất vẫn có thể đứng khi tiểu tiện giống như nam nhân bình thường.”

“Thì ra ông thương xót bọn chúng.”

“Dù không phải con cái thân sinh nhưng chúng đều theo họ Ngụy, tốt xấu gì cũng là duyên phận cha con với nhau.”

Lão tiên sinh không nói thêm gì, chỉ bảo hai đứa trẻ cởi quần đứng ra chỗ ghế. Nghĩa phụ khẽ đẩy Ngụy Tiểu Diểu – “Tiểu Diểu, con đi trước đi.”

Ngụy Tiểu Diểu chần chừ mãi chẳng nhích chân, lúc bấy giờ mới cảm thấy nỗi sợ dâng tràn trong lòng.

“Đừng sợ, còn chưa làm mà.” – lão tiên sinh ôn tồn trấn an nó.

“Mau lên nào!” – nghĩa phụ giục nó.

Ngụy Tiểu Diểu chỉ còn cách chậm rãi cởi quần ra rồi trèo lên ghế. Trong phòng có đặt bếp sưởi nhưng khi làn da thiếu đi y phục che chắn thì vẫn không tránh khỏi từng cơn run rẩy.

Lão tiên sinh lấy từ trong tủ ra vài sợi dây gân mỏng, lại cầm một chiếc khăn ướt sạch sẽ. Lão trước dùng khăn lau sạch dây gân sau lại lau sạch hạ thể của tiểu hài nhi.

Khi chiếc khăn lạnh chạm vào người thì Ngụy Tiểu Diểu theo phản xạ muốn rụt người lại, đáng tiếc là không có cách nào tránh được. Lão giả dùng dây phân tách phần tinh hoàn với phân thân, thắt chặt lại hết mức rồi mới bắt đầu xuống tay.

Đau, đau đến tận cùng.

Đau đến mức nước mắt chỉ chực tuôn trào.

Ngụy Tiểu Diểu cắn chặt môi cố nén chặt lệ trong hốc mắt. Dù có khóc thì nó cũng không muốn khóc trước mặt người khác.

Trước kia nó chưa từng khóc trước mặt mẫu thân bởi lẽ càng khóc thì đòn roi lại càng nhiều. Nó cũng không khóc trước mặt bà ngoại vì hễ nó khóc thì bà cũng không kềm được nước mắt. Nó không muốn làm bà ngoại đau lòng. Lâu dần nước mắt trở thành một điều xa xỉ đối với nó.

“Khá lắm, biết chịu đựng thì sẽ có tiền đồ.” – lão tiên sinh gật gù khen ngợi – “Chờ vài ngày quen rồi thì sẽ không đau nữa. Mỗi ngày nhớ lau rửa sạch sẽ, sau ba tháng thì mới có thể nới lỏng dây gân nếu không dịch tiết ra sẽ đau đớn vô cùng. Bởi thế ngàn vạn lần không được vụng trộm nới lỏng trước, bằng không sẽ phải thắt thêm ba tháng, còn chỗ ấy thì cả năm sau mới có thể dùng lại.”

Ngụy Tiểu Diểu yếu ớt gật đầu, đau đến mức hai chân nhũn ra, suýt chút nữa đã ngã từ trên ghế xuống.

Nghĩa phụ đưa tay dìu nó xuống, sau đó quay sang bảo Ngụy Nhược Thảo – “Tiểu Thảo, đến lượt con.”

Ngụy Nhược Thảo thấy thế thì càng sợ hãi, tiếng khóc mỗi lúc một thêm thảm thiết, mãi chẳng chịu trèo lên ghế.

Nghĩa phụ đang định mắng vài câu thì lão tiên sinh vuốt râu nhìn nó một hồi rồi đề xuất – “Đứa nhỏ này có giọng rất tốt, bằng không trước hết cứ mang nó đến phường hát đi, nói không chừng lại thích hợp hơn.”

Nghĩa phụ trầm ngâm một lát rồi thở dài đáp – “Như thế cũng được, dù không thể tiến thân nhanh nhưng cũng không tệ, xem như có thể một đời yên ổn.”

Vận mệnh của hai đứa trẻ cũng vì thế mà được vạch định, một người làm nội thị chốn cung đình, một kẻ trở thành đào kép chốn phường hát.

Nếu chỉ có thế thì có thể xem như số của Ngụy Nhược Thảo may mắn hơn so với Ngụy Tiểu Diểu. Nhưng vào năm hắn mười bốn tuổi thì cứ như chẳng thể thoát nổi số trời đã định, đều cùng là một đao cắt đứt năng lực sinh dục của chính mình. Tất thảy chỉ vì muốn lưu giữ lại những âm thanh tươi đẹp nhất của một thiếu niên.

Hoa mai vẫn nở trắng cây, hoa tuyết mịn màng vẫn buông mình từ không trung hệt như mùa đông năm ấy, chỉ có người là không còn nữa. Ngụy Tiểu Diểu bước trên con đường mình từng đi qua, hết cửa này lại đến cửa khác, quanh co uốn lượn như đi từ cửa miệng đến bụng của một con quái thú. Nơi ăn thịt người này thế mà lại không hề nuốt trọn lấy y.

Thật ra có lẽ là con quái thú đó đang từ từ tiêu hóa y, chỉ có y là không cảm nhận thấy thôi.

Nghiêm túc mà nói thì cuộc sống trong cung của Ngụy Tiểu Diểu cũng không có gì quá gian khổ, lại càng không có những đắng cay tủi hổ mà người ta cứ nghĩ các yêm nô phải chịu, so với người khác thì tương đối dễ dàng hơn một chút. Nghĩa phụ kỳ vọng rất nhiều ở y nên dạy dỗ vô cùng nghiêm khắc mà bản thân y tính tình lại hiền lành và thông minh lanh lợi. Đặc biệt y là người chịu thương chịu khó, hoàn toàn khác với những kẻ lười nhác xung quanh.

Năm y mười tuổi thì được chọn làm nô tài hầu hạ việc đọc sách của Tam hoàng tử, sau thăng thành nội thần tâm phúc của ngài, cũng tức là đến lúc được bay lên cao.

Ngụy Tiểu Diểu quả không phụ mong mỏi của nghĩa phụ mình, chẳng mấy chốc đã chiếm được lòng tin cẩn của Tam hoàng tử. Năm ngài mười sáu tuổi đăng cơ làm hoàng đế liền phong y lên hàng chính tứ phẩm, ngoài việc đảm nhận chức thị quan bên người thì ngài cũng giao cho y quản lý ti bỉnh bút, sau đó dần thăng tiến.

[2: Là một cục chuyên lo liệu việc chấp bút cho Hoàng đế.]

Một năm sau, Thái thượng hoàng đưa Hoàng thái hậu rời kinh ngao du bốn bể, mang theo cả Đại tổng quản nội cung để tiện việc hầu hạ, Ngụy Tiểu Diểu trước được thăng thành Phó tổng quản, hai năm sau thì chính thức tiếp nhận chức vị Đại tổng quản. Hoàng đế phong cho y là nội quan có phẩm hàm cao nhất, ở hàng tam phẩm, chưa quá hai mươi đã trở thành kẻ có quyền lực nhất trong chốn cung đình. Thỉnh thoảng y còn kiêm thêm chân chạy việc vòng ngoài cho Hoàng đế, các quan viên thấy y đều phải gọi một tiếng Ngụy đại nhân, chẳng ai dám gọi y là công công cả.

Nghĩa phụ y thấy đứa trẻ mình dày công nuôi dưỡng nay đã công thành danh toại thì động lòng, vì tham ô vinh hoa phú quý mà phạm đại tội. Ngụy Tiểu Diểu niệm tình phụ tử sư đồ nên khẩn cầu Hoàng đế khai ân, ngài cũng vì có lòng sủng ái nên bỏ qua không giết, chỉ tịch thu tài sản rồi trục xuất khỏi cung.

Ngụy Tiểu Diểu đích thân tiễn nghĩa phụ rời cung, Ngụy Nhược Thảo cũng có mặt. Hai người mang ngàn lạng bạc ròng cùng một số vật quý giá tặng cho ông để dưỡng già.

Lúc đến cổng hoàng thành thì cả hai nhất loạt quỳ gối dập đầu – “Nghĩa phụ, xin bảo trọng.”

Lão thái giám quay đầu nhìn chốn cung đình sơn son thếp vàng hồi lâu, sau cùng thở dài nâng cả hai dậy. Chúng là những đứa trẻ có tương lai vô cùng tươi sáng, cũng là những đứa con hiếu nghĩa nhất. Những kẻ khác vì không muốn bị ông ta liên lụy nên đã sớm cắt đứt quan hệ. Chao ơi, nhân tình thế thái, lòng người dễ đổi thay cũng chỉ đến thế mà thôi.

Ông ta dặn dò Ngụy Tiểu Diểu – “Lòng vua khó đoán, con phải tự biết mà định liệu.”

Kế lại vỗ tay Ngụy Nhược Thảo – “Nghĩa phụ có nghe bảo giọng hát của con rất hay, đưa con đến phường nhạc quả là đúng đắn.”

Cha con ba người chẳng nói gì nhiều, cũng chẳng quá đau lòng. Có thể đi ra từ nơi tranh đấu mịt mờ này chưa chắc đã là chuyện không tốt. Những oan hồn chốn ấy còn gọi là ít sao?

Lão nhân đã trải qua cả nửa đời tại chốn cung cấm nay lầm lũi một mình cất bước, tay áo phất phơ, mái đầu bạc trắng khẽ lay động theo chiều gió, bóng dáng cô độc trên con đường thênh thang ra chiều đã thấu tỏ tình đời đen trắng.

Nghĩ đến lần biệt ly này là không hẹn ngày gặp lại khiến Ngụy Tiểu Diểu không kềm được mà nước mắt lưng tròng dõi theo bóng nghĩa phụ mỗi lúc một xa. Nghĩa phụ y tuy nghiêm khắc, cũng không ít lần khiến y cảm thấy đau khổ nhưng dù sao vẫn đối với y rất tốt, dù sao vẫn là thân nhân của y.

Ngụy Nhược Thảo cất tiếng hát, chất giọng du dương động lòng người, bùi ngùi réo rắt, nửa than nửa khóc, hệt như cái ngày mới vào cung năm ấy.

Tổ tịch ly ca, trường đình biệt yến, hương trần dĩ cách do hồi diện

Cư nhân thất mã ánh lâm tê, hành nhân khứ điệu y ba chuyển

Họa các hồn tiêu, cao lâu mục đoạn, tà dương chích tống bình ba viễn

Vô cùng vô tẫn thị li sầu, thiên nhai đích giá tầm tư biến.

Khúc ca tiễn biệt, trường đình thết tiệc,

Hương đã xa sao mãi ngoảnh mắt nhìn

Ngựa của người tiễn chân hí vang cách cả cánh rừng

Thuyền chở người đi đã trôi theo sóng nước dần xa.

Phòng vắng ngẩn ngơ, lầu cao mờ mịt

Tà dương chiếu rọi con sóng xa bờ

Nỗi sầu biệt ly vô tận, lòng này trải khắp góc bể chân trời.

(Đạp Toa Hành – Yến Thù, trích Tống Từ Tam Bách Thủ)

Nhìn lại về phía phường nhạc thì có thể nghe thấy tiếng hát phảng phất từ nơi đó đưa đến, hòa cùng trăm ngàn hoa tuyết buông mình nhuộm trắng cả một vùng.

Ngụy Nhược Thảo những năm về sau này không còn mang tên cũ. Người chưởng quản nhạc phường là Đại vương gia đã cải tên cho y thành Thanh Ca, lại được Hoàng thượng ban cho lời khen “Không cốc tuyệt âm”, là giọng ca đệ nhất đương thời, hiện giờ chỉ nguyện vì một mình Đại vương gia mà cất tiếng, đến cả Hoàng đế cũng phải có được sự chấp thuận của Đại vương gia mới có thể thưởng thức.

Chà, sao bỗng dưng hôm nay lại nhớ về những chuyện cũ thế này.

Ngụy Tiểu Diểu than thầm trong bụng, sau đó phủi sạch tuyết bám trên người rồi dẫn theo hai thám giám thân cận đi vào kho giúp Hoàng thượng chọn lễ vật ban tặng Thất vương gia.

Kho tàng của hoàng cung dĩ nhiên lưu trữ toàn những kỳ trân dị bảo, thứ nào thứ nấy sáng loáng rực rỡ, hết thảy đều được bảo quản cẩn thận, cũng được ghi chép rất tỉ mỉ.

“Đây là san hô hồng ngọc của Đông Hải tiến cống, hình dáng như rồng cưỡi mây, là vật mang điềm lành nên mới được dâng lên.” – thái giám phụ trách bảo khố vừa đi sát cạnh vừa ân cần giải thích cho Ngụy Tiểu Diểu – “Đôi bình gốm cổ hình thiên nga này là do quan lại địa phương dâng tặng. Bộ chiến giáp nạm vàng khảm ngọc này là do Thái thượng hoàng lúc còn tại vị hạ lệnh chế tạo, dự định ban cho Hộ quốc Đại tướng quân. Chỉ tiếc Đại tướng quân tự nhận công lao nhỏ bé chẳng dám nhận, Thái thượng hoàng cũng không muốn làm ông ấy khó xử nên đã ban tặng thứ khác.”

Ngụy Tiểu Diểu đưa tay chạm vào bộ chiến giáp ngọc thạch lạnh như băng, bề mặt trơn nhẵn bóng loáng, lòng thầm nghĩ nếu khoác trên người Thất vương gia thì sẽ rực rỡ biết mấy, càng thêm phần oai phong lẫm liệt, xem chừng vô cùng thích hợp, vì vậy sai người dùng tơ lụa bao bọc lại cẩn thận.

Hơn một năm trước y cũng từng vào nơi này một lần để chọn giúp Hoàng thượng lễ vật mừng ngày sinh của Thất vương gia, thậm chí còn mang đến tận phủ cho hắn.

Khi ấy Hoàng thượng có căn dặn – “Tiểu Diểu, tặng lễ vật xong cũng không cần hồi cung ngay, ngươi thay trẫm cùng Thất đệ uống một chén rượu mừng.”

Kết quả y không chỉ uống cùng Thất vương gia một chén rượu, sau khi bị Thất vương gia nửa mời nửa ép uống thật nhiều đã vì say rượu mà ngủ lại vương phủ một đêm, trọn một đêm không hồi cung.

Thật sự thứ lễ vật thật sự mà Hoàng thượng muốn đưa đi là gì thì kẻ thông minh như y sao có thể không biết chứ – là chính y.

Y đã bị biến thành thứ lễ vật tốt nhất ban đến chỗ Thất vương gia một đêm. Đến tận bây giờ y vẫn không muốn nhớ đến chuyện của ngày hôm đó, thậm chí một lòng tin tưởng cái đêm ấy hoàn toàn không tồn tại, ngay cả chỉ là giấc mơ cũng không phải.

Ba ngày sau, Thất vương gia tự thỉnh cầu được đến Sở Nam, bình định điêu dân.

Hoàng đế cũng nhanh chóng chấp thuận, liền cắt đất ban phong hắn thành Sở Nam Vương, xem như mang Sở Nam cho hắn làm lãnh địa, trở thành vị thân vương duy nhất không ở kinh thành.

Sự kiện này đã kéo theo một trận tranh luận đồn đoán ầm ĩ. Chẳng một ai hiểu nổi vì sao một Vương gia cao quý lại muốn chạy đến nơi biên cảnh hoang tàn như thế. Nơi đó trăm triệu lần chẳng bì kịp với chốn kinh kỳ phồn hoa đô hội, càng chẳng cần phải nói đến việc thường xuyên đối mặt với sự quấy nhiễu của chư quốc phía Nam.

Chỉ có Ngụy Tiểu Diểu là dường như có thể hiểu được, mà cũng có thể là không.

Những chuyện mà y không muốn hiểu vốn có rất nhiều nhưng lại không thể không hiểu. Lòng y dẫu có khéo léo đến mấy thì thật ra cũng chỉ là một khối cầu thủy tinh trong suốt, không thể không cảm thấy lo sợ trước thế đạo cung đình.

Đức Trị hoàng đế là vị minh quân nhân từ hiếm có, vương triều Đại Thiệu dưới sự cai trị của ngài khắp nơi đều là cảnh thái bình, quốc thái dân an. Tuy nhiên ngồi ở vị trí của ngài thì chuyện cần phải làm, đường cần phải đi dẫu không thấy cảnh máu chảy đầu rơi ghê rợn thì cũng tránh sao được chuyện dùng máu lót đường.

Trong lòng Ngụy Tiểu Diểu than thầm, nghĩa phụ, người nói lòng vua khó đoán, dặn con phải biết tự định liệu cho ổn thỏa, đừng để mọi thứ thay đổi chỉ trong một cái chớp mắt. Nhưng cho dù y đứng ở địa vị hơn người thì chung quy vẫn chỉ là bậc hạ tiện, nếu để Thất vương gia dính vào thì chỉ e sẽ làm bẩn sự tôn quý của hắn thôi.

“Đại tổng quản có cần chọn thêm gì không ạ?” – thái giám trông coi bảo khố hỏi.

“Ừm!” – Ngụy Tiểu Diểu tiếp tục chọn thêm một vài món để thay Hoàng đế ban thưởng cho tướng soái quan viên dưới trướng Thất vương gia, biểu thị lòng vua yêu dân rộng rãi.

Thế lực của Vương gia ở Sở Nam chỉ vừa xây dựng, làm thế này một phần là vì muốn mượn sức quân đội củng cố trung tâm quyền lực, mặt khác là muốn bọn họ hiểu được cuối cùng thì bọn họ vẫn là đang hiến sức cho triều đình. Vật phẩm Hoàng đế ban cho họ không gì khác hơn là một sự tỏ rõ uy quyền, còn thứ bọn họ đưa hai tay nhận lấy không chỉ là ơn vua mà còn là uy phong của ngài nữa.

Sau khi chọn lựa và ra lệnh đóng gói kỹ càng, y đề tên những người được thưởng lên thiếp vàng và đóng ấn vua, đợi đến khi Thất vương gia về sẽ sai mang đến vương phủ cho ngài ấy.

Nhìn qua thì cứ nghĩ lễ vật Hoàng đế ban thưởng là tùy tiện nhưng thật chất trong đó là tầng tầng lớp lớp quy củ, tất thảy như những sợi tơ nhỏ cùng kết thành một tấm lưới đại diện cho thể chế của cung đình và xã tắc, mang toàn bộ những kẻ từ ti tiện như người hầu kẻ hạ đến những kẻ sang quý, bao gồm chính cả Hoàng đế trói chặt lại, ai cũng đừng mong thoát ra.

Sau khi mất gần hai canh giờ ở bảo khố y bèn chuyển sang ngự thiện phòng, cho gọi mấy tên thái giám cai quản chỗ này đến dặn dò tiệc tẩy trần. Ngụy Tiểu Diểu vừa đi vừa phân phó, một khắc chẳng ngơi việc.

Bất thình lình có một thị vệ chỗ Hoàng thượng chạy đến báo – “Bẩm Đại tổng quản, Sở Nam vương đã vào thành rồi.”

Ngụy Tiểu Diểu không tránh khỏi kinh ngạc, theo lời Hoàng thượng thì hẳn là phải vài ngày nữa ngài ấy mới trở về, sao chớp mắt đã đến nơi rồi. Thế là y vội hỏi – “Ngài ấy đang ở đâu?”

Thị vệ ngập ngừng hồi lâu, sau đó mới đáp – “Ở Diểu Nhiên cư.”

——————————–

Diễu Nhiên cư là nơi ở của Ngụy Tiểu Diểu, bao gồm một phòng khách và một phòng ngủ lớn, lại thêm bốn gian phòng nhỏ, còn có tiền đình và hậu viện, nhìn qua thì không lớn mấy, chỉ giống như nhà của bá tánh thường dân.

Nếu chiếu theo phẩm ngạch của y thì phải có hai sân lớn cạnh lối vào, tôi tớ sai bảo cũng phải cỡ chừng năm mươi người. Nhưng thật chất nơi này ngoại trừ tầm mười thái giám chuyên chạy việc bên ngoài thì chỉ có hai tiểu thái giám lo việc quét tước hầu hạ thôi. Bình thường y ở phòng lớn, hai tiểu thái giám ở phòng bên, bốn phòng nhỏ đều chia cho mười thái giám còn lại. Bọn họ có người nhỏ hơn y, cũng có người lớn hơn, nhưng ai nấy đều xem y như thầy, đi theo học cách đối nhân xử thế trong cung cấm. Có lẽ sau này trong số ấy sẽ có người bắt được cơ hội thể hiện tài năng, từ kẻ bình thường bay lên cao.

So với một số đại hoạn quan thích tiền hô hậu ủng, thích hưởng thụ vinh hoa phú quý thì y hoàn toàn khác hẳn. Y không thích kiểu nô bộc theo sau hàng đàn lũ lượt, chỉ thích cuộc sống giản đơn, việc hàng ngày có thể tự làm được gì thì đều tự làm, chẳng cần ai ra tay làm hộ.

Các hoạn quan có phẩm ngạch cao thường sẽ tích cóp sản nghiệp bên ngoài cung để sau này có cái mà hưởng phúc lúc về già, nhưng y thì lại không như thế. Y thầm tính nếu không gặp chuyện bất trắc gì trong cung mà có thể an thân đến già, chờ khi có thể xuất cung thì sẽ quay về Sở Nam tìm một nơi yên tĩnh sống qua ngày.

Trồng rau, nuôi chim, tránh xa chốn thị phi, cứ thế mà vượt qua những ngày tháng cuối cùng rồi nhắm mắt xuôi tay, như thế chẳng tốt hơn sao.

Y đã sớm nghĩ đến chuyện phải thu xếp thế nào. Trước khi chết sẽ dặn dò người tại nơi đó chỉ cần làm một lễ tang đơn giản, không xa hoa ầm ĩ cho bớt rách việc. Y đã từng thấy lễ ra cung của một lão thái giám vẫn còn gia đình. Ông ta một tay ôm bảo bối, quỳ gối từ ngoài cửa lớn lết vào đến tận từ đường, sau đó dập đầu trước bài vị cha mẹ khóc lớn, bẩm báo với tổ tông cha mẹ rằng con đã mang tấm thân hoàn chỉnh trở về rồi đây.

Tiếng khóc than của một lão nhân đầu tóc bạc phơ như thế khiến ai nấy nghe thấy đều phải mủi lòng thương cảm.

Nhưng y không cần phải giống như thế, không cần nhận tổ quy tông, không cần quỳ từ ngoài cửa vào đến từ đường, không cần khóc đến tê tâm liệt phế chỉ vì cầu trăm năm sau có thể được đưa về từ đường mà thờ phụng. Nhưng không thể phủ nhận khi ấy lòng y cũng rất xúc động. Người duy nhất y muốn quỳ lạy là bà ngoại thì đã tạ thế nhiều năm, căn nhà cũ đã bị san bằng, đến cả bài vị của tổ tông cũng chẳng biết lưu lạc phương nào. Còn nói về mẫu thân y thì nghe bảo là sau đó vì đắc tội vợ lớn mà bị đuổi khỏi nhà họ Trần, từ đó bặt vô âm tín, sống chết không rõ.

Y đã không còn là người mang họ Hà, lại càng không phải người nhà họ Trần, mà thật ra đến cả người nhà họ Ngụy cũng không phải nốt.

Sống là người không họ, chết là ma không nhà.

Một người cô độc như thế thì quyền thế phú quý cũng chỉ là phù du, trong mắt y thì những hư danh này tài lộc này sau cùng sẽ hóa hư vô, vậy thì cần chi tham lam luyến tiếc?

Cho nên y mới dùng hai chữ “Diểu Nhiên” làm tên chỗ ở của mình, như một lời suy tính trước cho tương lai… Khi sống thì an phận thủ thường, cúc cung tận tụy, chết cũng đâu cần rình rang lễ lạc.

Nhưng đời người dẫu thế nào cũng sẽ xảy ra những việc ngoài ý muốn, tỷ như việc Thất vương gia hồi kinh sớm hơn dự định, lại còn xuất hiện ở Diểu Nhiên cư nữa.

Ngụy Tiểu Diểu vừa nghe báo thì vội vã bỏ lại mấy người kia ba chân bốn cẳng chạy về, vội vàng đến mức dọc đường ai cũng phải kinh ngạc. Thường ngày Đại tổng quản khoan thai cẩn thận, hiếm khi thấy y như thế này.

Lúc y về đến nơi thì đã hổn hển thở không ra hơi nên không vội vào mà đứng bên ngoài một chốc, đợi đến khi bản thân đã hô hấp lại bình thường mới khôi phục lại dáng vẻ thường ngày và bước vào.

Dáng hình cao lớn lạnh lùng thu vào tầm mắt, vừa quen thuộc mà sao cũng quá đỗi xa lạ.

Có lẽ với con người này thì mắt nhìn thấy quen nhưng lòng lại thấy lạ.

Hoàng cung tuy bảo lớn nhưng thật chất cũng chỉ là một khối hình vuông vức dưới gầm trời, người thường ra vào chốn này dù ngẩng đầu không gặp thì cúi đầu cũng thấy. Bản thân y rất ít khi đứng một mình với Thất vương gia, bình thường đều là cùng những người khác gặp mặt, còn nếu bảo là chỉ có riêng hai người chắc chỉ được chừng năm sáu lần, tính cả cái đêm một năm về trước…

Tống Vĩ nhìn thấy y thì nét mặt hầm hầm chợt bừng sáng, vẻ mặt cương nghị lãnh đạm tựa chừng nhạt đi vài phần, ánh mắt cũng không còn như sương tuyết lạnh lẽo mà đã có một chút tia ấm.

“Tiểu nhân tham kiến Thất vương gia.” – Ngụy Tiểu Diểu cung kính vái chào từ cách đó một quãng xa.

“Ta đã nói rồi, không cần hành lễ với ta.” – trong chớp mắt kẻ mặt lạnh đã xuất hiện trở lại.

“Tiểu nhân không dám.” – Ngụy Tiểu Diểu vẫn duy trì dáng vẻ cung kính – “Tiểu nhân to gan, xin hỏi Vương gia đã gặp Hoàng thượng chưa ạ?”

“Vẫn chưa.”

Ngụy Tiểu Diểu run rẩy một chút rồi ướm lời – “Có cần tiểu nhân báo cho Hoàng thượng một tiếng không?”

“Không cần!” – Tống Vĩ sấn bước lại gần y.

Ngụy Tiểu Diểu vì tuân theo phép tắc mà không dám phản ứng, lảng tránh hoặc lui lại đều là bất kính, đặc biệt là trước mặt chủ tử, bởi thế y chỉ biết đứng im một chỗ chịu trận.

“Cho ngươi.” – Tống Vĩ lấy ra một chiếc túi nhỏ màu xanh đưa cho y.

Ngụy Tiểu Diểu sững người nhìn chiếc túi một cách khó hiểu, khi lén ngước lên nhìn mới thấy cằm của Thất vương gia lún phún râu, búi tóc có phần rối bù, vạt áo và giày đều lấm tấm bùn đất, trên nét mặt không giấu nổi vẻ phong trần mệt mỏi. Chỉ bấy nhiêu là đủ để hiểu hắn đã chịu cảnh một nắng hai sương rong ruổi đường trường để về như thế nào rồi.

Do đâu mà phải vội vã hồi kinh đến vậy? Là có chuyện khẩn cấp? Chẳng lẽ chư quốc phía Nam lại xâm phạm biên cảnh hay là có chuyện khó bề xử trí ở Sở Nam?

Đương lúc y vẫn còn chưa hết nghi hoặc, thậm chí còn đang sốt ruột lo lắng thì Tống Vĩ lại đẩy chiếc túi về phía y – “Cầm!”

Ngụy Tiểu Diểu không tiện hỏi nhiều, chỉ đành đưa hai tay nhận lấy – “Tạ Vương gia ban thưởng.”

“Mở ra, ta muốn thấy ngươi ăn nó.”

“Tiểu nhân tuân mệnh.” – Ngụy Tiểu Diểu chẳng dám chậm trễ mà bụng thì than thầm. Thôi rồi, không cần biết là thứ gì, dù có là thuốc độc thì cũng phải nuốt.

Y mở túi, bên trong lại được bọc cẩn thận bằng giấy dầu, mở ra thì thấy một ít quả màu đỏ, dù không phải vừa hái trên cây xuống nhưng vẫn còn rất tươi.

“Đây là…” – hai mắt Ngụy Tiểu Diểu chợt sáng bừng.

“Quả xà đằng.”

Ngụy Tiểu Diểu không khỏi mở to hai mắt kinh ngạc pha lẫn niềm vui. Loại xà đằng này sinh trưởng ở vùng Sở Nam, vốn là thứ quả dại yêu thích của bọn trẻ con. Bình thường nếu không cẩn thận bị dính phải nhựa cây xà đằng thì sẽ ngứa ngáy khó chịu, có khi phải gãi đến tróc da đổ máu mới thôi. Mặc dù là thế thì thứ quả này vẫn là món ngon khó cưỡng đối với bọn trẻ nhỏ, chỉ cần thấy có đứa trẻ nào vừa gãi vừa khóc, răng dính đầy màu đỏ thì biết ngay chính là vì tham ăn mà thành.

[3: Đây là một loại cây phân bố chủ yếu ở Nhật Bản, Triều Tiên, Giang Đông, Tứ Xuyên…]

Khi xưa mỗi khi có thời gian rảnh y vẫn cùng mấy đứa bạn hàng xóm chạy đến bãi đất hoang, cũng đã từng bị dính nhựa cây xà đằng nên hương vị của nó cùng loại cây này đã vĩnh viễn khắc sâu trong ký ức.

Chẳng lẽ vì mấy quả xà đằng này mà Thất vương gia mới ra roi thúc ngựa chạy về?

“Ăn!” – Tống Vĩ vẫn là kẻ kiệm lời như xưa nhưng thốt nhiên lại có cảm giác là đang lấy lòng một ai đó.

“Tạ ơn Vương gia.” – Ngụy Tiểu Diểu không phỏng đoán nữa, nhón lấy một quả bỏ vào miệng, vừa cắn lấy thì nước đã tứa ra, đồng thời cũng mở ra bao nhiêu là ký ức tuổi thơ.

Quả xà đằng vốn chẳng phải quý hiếm, ở Sở Nam đâu đâu cũng có thể thấy, hương vị cũng chẳng phải ngon lành gì, vừa ngọt vừa chua, chua rồi lại chát, ăn nhiều sẽ cảm thấy ê răng. Chợt nghĩ lại chính mình năm xưa vì tham ăn mà không ít lần ê ẩm hết cả hai hàm răng thì khóe miệng y chợt nhếch lên, tận trong đáy lòng chẳng giấu nổi một nụ cười.

“Ăn tiếp!” – Tống Vĩ nhìn y chằm chằm nên dĩ nhiên nhìn thấy cả nụ cười kia, lòng thầm nghĩ mình xem thứ quả kia như bảo bối mà mang về quả là đáng giá. Khi hắn lần đầu tiên ăn loại quả này ở Sở Nam còn nghĩ lúc Ngụy Tiểu Diểu còn nhỏ chắc chắn đã từng ăn qua, vì vậy mới muốn mang một ít về cho y.

Ngụy Tiểu Diểu lại ăn thêm một quả nữa, rồi chẳng biết nghĩ gì mà lại chìa chiếc túi về phía Tống Vĩ – “Vương gia cũng ăn một quả đi.”

Tuy vẻ mặt vẫn cung kính nhưng sự dè dặt đã không còn nữa, mặt mũi hơi cong lên càng hiện ra vẻ ôn hòa thanh tú như vầng trăng non.

Tướng mạo Ngụy Tiểu Diểu cùng lắm chỉ tính là mi thanh mục tú, không phải dạng người thấy người mê, nhưng chỉ cần một nụ cười nhẹ, chỉ cần thái độ thân cận một chút cũng đủ làm Tống Vĩ quên hết tất thảy, động lòng cực điểm.

Hắn không cầm lấy túi mà trực tiếp kéo tay Ngụy Tiểu Diểu, hé miệng cắn ngay quả xà đằng trên tay người kia, thậm chí còn làm ra vẻ vô tình liếm tay y nữa.

Nào ai biết là chua hay ngọt nữa đâu, chỉ biết có một ngọn lửa đang xộc thẳng lên đầu hắn thôi. Hắn muốn liếm môi kẻ này, muốn liếm hai điểm nhỏ trước người y, muốn liếm hết tất thảy của y.

Ăn quả xà đằng cái quái gì chứ, bổn vương chỉ muốn ăn Ngụy Tiểu Diểu thôi…

Ngụy Tiểu Diểu khẽ run rẩy, ngón tay cứ như phải bỏng, cái nóng truyền từ đầu ngón tay đến thẳng các bộ phận khác trên cơ thể.

Ngoại trừ cảm giác ẩm ướt chỗ ngón tay thì y càng cảm nhận được một cách rõ rệt hơi thở và khí thế át người của Tống Vĩ mỗi lúc một đậm quanh mình, phảng phất như một con thú đói khát, ban đầu chỉ cắn tay, giây tiếp theo sẽ nuốt chửng cả y.

Y cảm thấy vô cùng hoảng hốt, nếu không phải vì ngại thân phận đôi bên thì đã sớm tránh đi chỗ khác rồi.

Tống Vĩ cố bình tĩnh thu tay về. Có trời mới biết hắn đã lấy hết sức bình sinh thế nào mới kềm nổi khát vọng hạ gục người trước mắt mà mặt vẫn không biến sắc – “Là hái cho ngươi, ăn cho xong đi!”

“Dạ!” – Ngụy Tiểu Diểu cúi đầu yên lặng ăn tiếp, động tác không nhanh không chậm, vẻ ngoài có vẻ thong thả nhưng ai biết đâu trong lòng y đang lo sốt vó cả lên.

Chẳng mấy chốc mà đã ăn đến quả cuối cùng, miệng đầy vị chua, cổ họng cũng thế.

“Ăn ngon chứ?” – Tống Vĩ hỏi.

“Dạ rất ngon, ngọt lắm.” – Ngụy Tiểu Diểu trả lời, lòng cũng hơi rúng động, đầu lưỡi vẫn còn đương cảm nhận hương vị quả xà đằng cũng vì thế mà phức tạp.

Thế này có khác gì làm tất thảy để đánh đổi một nụ cười của phi tử?

Nhưng y chỉ là một yêm nô thân thể khiếm khuyết, gánh sao nổi cái danh hồng nhan họa thủy, thế có khác gì giết y đâu. Nghĩ đến đây y chỉ muốn cất tiếng cười khổ, bao nhiêu vị ngọt cũng chẳng còn, chỉ sót lại mỗi chua và chát.

Tống Vĩ chợt vươn tay về phía y, ngón tay thô ráp khẽ quệt đi vệt nước còn vương lại nơi môi dưới y, sau đó thu tay về liếm lấy chỗ nước ấy – “Quả nhiên là rất ngọt.”

Lần này Ngụy Tiểu Diểu không đứng yên một chỗ nữa mà chủ động lui lại tạo khoảng cách, xoay người thở dài, kín đáo liếm môi mình, sau đó mới kính cẩn bẩm – “Đã không còn sớm nữa, Vương gia nên đến diện kiến Thánh thượng thôi.”

“Không vội.”

Nhưng ta vội! Ngụy Đại tổng quản hiền hậu rốt cuộc đã không còn có thể nhẫn nhịn nổi nữa, thiếu chút nữa là vất sạch phép tắc quy củ rồi. Tên nam nhân này có ý đồ phá hoại vỏ bọc của y, từng chút từng chút một xuyên thủng lớp phòng vệ của y, khiến y chỉ muốn hét vào mặt hắn rằng:

“Đừng có cư xử kiểu đó với ta, ta không chơi nổi với ngài đâu.”

Thất vương gia mắt tinh như ó, liếc qua cũng đủ để nhìn ra thái độ mất kiên nhẫn cố che giấu của Ngụy Tiểu Diểu, lòng hắn cũng không nén nổi tiếng thở dài.

Thôi bỏ đi, không cần bức y đến cùng, dù gì hắn cũng còn thời gian hai năm, sau đó còn cả một đời, không cần nóng vội đến vậy.

Đối với Ngụy Tiểu Diểu thì từ trước đến nay dù bao nhiêu kiên nhẫn hắn cũng có thừa.

Đã không cần nhiều lời nữa thì cứ thế mà phẩy tay áo, mang theo ánh nhìn ảm đảm mà đi thôi.

Ngụy Tiểu Diểu nhìn dáng hình cao ngạo ngất trời thì bỗng lại sinh áy náy như thể mình không đúng. Nhưng rồi y lại nghĩ mình nhất định là uống lộn thuốc rồi, nhưng sau cùng vẫn nói với hắn – “Vương gia phải rửa mặt mũi tay chân đã rồi hẵng đi gặp Hoàng thượng.”

“Được!” – Tống Vĩ dừng bước, quay phắt lại, hai mắt sáng rực lên – “Nhưng ngươi phải hầu hạ ta.”

Câu cuối cùng khiến cho Ngụy Tiểu Diểu phải lấy làm kinh hãi. Chao ơi, thế này thì không cần nhờ ai đó sau này mai táng giúp nữa, y chỉ muốn tự chôn chính mình ngay bây giờ thôi.

–o0o–

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play