Quang cảnh của quảng trường Grève lúc này trông thật dữ dội.
Nhìn xa chỉ thấy toàn những đầu người trải dài, dày đặc và chuyển động như những bông lúa trong một cánh đồng bao la.
Thỉnh thoảng, một tiếng động lạ hay tiếng rầm rì xa xa làm tất cả những cái đầu lắc qua lắc lại và làm sáng rực lên hàng ngàn đôi mắt.
Đôi khi đám người dồn lại và biến thành những làn sóng mạnh mẽ xô đẩy nhau vào hàng rào toán quân cung thủ bao quanh hai cây cột treo cổ.
Thế là toán lính vung cán giáo lên gập xuống đầu hay vai của những kẻ táo bạo xông vào họ gần nhất; đôi khi thay vì dùng cán toán kính bảo vệ cũng vung vả lưỡi giáo lên khiến cho làn sóng người vội lùi ra xa, dồn ép những kẻ đứng sau vào sát bờ thành của sông Seine.
Từ trong cửa sổ, nhìn bao quát tất cả quảng trường, d Artagnan mừng thầm khi trông thấy những người lính ngự lâm và những vệ binh bị mắc kẹt trong đám đông biết sử dụng những quả đấm và những cán gươm của họ để vạch lối ra. Ông còn để ý thấy, nhờ tinh thần đồng đội làm tăng gấp đôi sức mạnh của người lính, họ đã tập hợp lại thành một toán chừng năm mươi người vừa tầm gọi của ông, trừ một số chừng hơn mười người còn bị lạc rải rác trong đám công chúng.
Nhưng d Artagnan không phải chỉ chú ý đến lính ngự lâm và vệ binh. Chung quanh hai cột treo cổ, có một đám đông đang lăng xăng ồn ào, những gương mặt liều lĩnh và cương quyết xuất hiện rải rác đó đây giữa các gương mặt hiền lành và bình thản, những dấu hiệu được trao đổi với nhau, những bàn tay nắm lấy nhau. Trong những nhóm hoạt động nhất, d Artagnan nhận ra gương mặt của người kỵ sĩ lúc nãy đã vào quán rượu bằng cánh cửa ăn thông với khu vườn của ông và leo lên lầu nhất để hô hoán đám khách uống. Anh ta đang tập họp các toán người lại và ban bố các mệnh lệnh.
D Artagnan tự nhủ: "Chán quá, ta đã không lầm đâu, ta biết anh ta, Menneville! Anh ta làm gì ở đây vậy?".
Những tiếng rầm rì mỗi lúc một lớn mạnh làm ông ngưng suy nghĩ và đưa mắt nhìn về một phía khấc. Tiếng rầm rì này là đo đám cung thủ đông đúc dẫn hai tử tội xuất hiện. Toàn thể đám công chúng bắt đầu la hét vang rền cả quảng trường rộng lớn. D Artagnan thấy mặt Raoul tái nhợt; ông đưa tay đập mạnh vào vai chàng ta.
Nghe tiếng la hét, hai người đang đốt lửa quay lại hỏi sự việc đang diễn tiến đến đâu.
D Artagnan đáp:
- Hai tù tội đã đến!
- Tốt lắm, - họ vừa trả lời, vừa đốt lớn thêm ngọn lửa trong lò sưởi d Artagnan lo ngại nhìn họ: rõ ràng là những người này đang có những ý định kỳ lạ khi họ đốt một ngọn lửa lớn như vậy.
Hai tử tội đã đến giữa quảng trường. Họ đi bộ, người hành quyết đi trước mặt họ, năm mươi cung thủ làm thành hai hàng rào bên phải và bên trái họ, cả hai đều bận đồ đen, vẻ mặt nhợt nhạt nhưng cương quyết.
Từng bước, họ nhón gót và sốt ruột nhìn qua đầu người chung quanh. D Artagnan chú ý đến cử chỉ này và nói: "Chán quá, họ rất nôn nóng muốn được thấy cây cột treo cổ!".
Raoul thụt lùi lại nhưng không rời được khỏi chiếc cửa sổ.
Sự ghê sợ cũng có sự hấp dẫn của nó.
- Giết! Giết! - Năm mươi ngàn tiếng gào lên.
- Phải, giết! - Một trăm người giận dữ đồng thanh la lên theo đám đông.
- Treo cổ! Treo cổ! - Khối người đồng thanh kêu lên - Đức vua vạn tuế!
D Artagnan nói thầm:
- Lạ kìa? Ta tưởng chính là ông Colbert đã ra lệnh treo cổ họ chứ.
Lúc đó, công chúng xô đẩy nhau khiến hai tử tội phải tạm thời đứng lại. Những người có gương mặt liều lĩnh và quả quyết mà d Artagnan chú ý lúc nãy đã xô đẩy, chen lấn và tiến sát đến gần đụng toán cung thủ đứng làm hàng rào.
Toán quân áp dẫn tử tội lại bước đi.
Tình hình, những người mà d Artagnan vẫn theo dõi nãy giờ la lên: "Hoan hô Colbert!" Họ xông vào tấn công toán quân áp giải đang cố gắng chống cự lại một cách vô ích. Đằng sau họ là đám đông công chúng.
Thế là một cuộc hỗn loạn ghê gớm diễn ra giữa những tiếng la hét náo động cả quảng trường. Lần này không phải những tiếng la hét vì nóng ruột chờ đợi hay vì vui mừng mà là những tiếng la hét vì đau đớn.
Thật vậy, những thanh gươm chém xuống, những cây giáo đâm thủng, những khẩu súng "mút" nổ vang.
Trên quảng trường diễn ra một cuộc náo động cực kỳ hỗn loạn, trong đó d Artagnan không còn phân biệt được gì nữa. Rồi tất cả bỗng nhiên lại im lặng như có ai điều khiển rõ rệt. Hai tử tội được cướp khỏi tay đám vệ binh và được dẫn về phía quán "Hình ảnh Đức Bà".
Những kẻ dẫn họ đi la to: "Hoan hô Colbert"!
Dân chúng ngần ngại, không biết nên xông vào tấn công toán cung thủ hay những kẻ cướp tù.
Điều làm dân chúng ngần ngại ấy, là những kẻ cướp tù đang la to: "Hoan hô Colbert"! cũng đồng thời la lên: "Không treo cổ! Đem đốt! Đem đốt! Đốt chết những tên ăn cắp! Đốt chết những tên làm dân chúng đối khổ!".
Những tiếng la đồng thanh này làm dân chúng hân hoan.
Họ đến là để xem hành quyết, thế mà bây giờ họ được tặng cho cơ hội tự tay hành quyết các tử tội.
Đó là điều chắc chắn làm cho họ thích thú nhất.
Vì thế, họ liền đứng dậy ngay về phe những kẻ cướp tù chống lại các cung thủ, và họ cùng la lên với những kẻ đó, lúc đầu là thiểu số bây giờ đã trở thành đa số dày đặc.
- Phải! Phải đem đốt những tên ăn cắp! Hoan hô Colbert!
D Artagnan kêu lên:
- Chán quá! Ta thấy chuyện này quan trọng đấy!
Một trong hai người đốt lửa tiến đến gần cửa sổ, tay cầm khúc củi đang cháy, nói:
- Ồ! ồ! Sự việc bắt đầu gay cấn rồi.
Đoạn quay về phía người kia.
- Dấu hiệu đây!
Rồi thình lình gã dí khúc củi cháy vào một lớp ván.
Quán rượu "Hình ảnh Đức Bà" không phải là một ngôi nhà còn mới lắm, vì thế chẳng cần phải lạy nó mới bắt lửa. Chỉ trong một giây, các lớp ván kêu răng rắc và ngọn lửa bùng lên lách tách. Một tiếng hét lớn từ bên ngoài đáp lại những tiếng la của hai kể đốt nhà.
D Artagnan không trông thấy gì hết và ông đang mải nhìn ra phía quảng trường, bỗng cảm thấy mùi khói làm sặc sụa và hơi nóng của ngọn lửa như muốn nướng ông. Ông quay lại kêu lên:
- Kìa! Kìa! Lửa cháy ở đây à? Các anh điên khùng rồi sao?
Hai người kinh ngạc nhìn ông:
- Sao? Việc này chẳng phải đã được tính trước rồi sao?
- Tính trước rằng các anh sẽ đốt nhà của tôi à? - D Artagnan vừa gầm lên vừa giật lấy khúc củi cháy từ gã đốt nhà và dí vào mặt gã.
Tên kia toan xông đến tiếp cứu bạn mình, nhưng Raoul đã túm lấy hắn, giơ bổng lên và ném qua cửa sổ, trong khi d Artagnan xô bạn hắn lăn xuống cầu thang.
Raoul, được rảnh tay trước tiên, vội vã giật những lớp ván đang cháy bốc khói ném ra khỏi phòng. D Artagnan liếc thấy nguy cơ cháy nhà không còn nữa ông chạy đến phía cửa sổ.
Sự hỗn loạn lên đến tột độ. Đủ tiếng la hét vang lên cùng một lúc: "Đốt đi! Giết đi! Treo cổ chúng đi! Đốt chết chúng! Hoan hô Colbert! Đức vua vạn tuế!".
Nhóm người cướp hai tử tội khỏi tay các cung thủ tiến đến gần nhà của d Artagnan, hình như có ý định dẫn vào đây.
Menneville đi đầu, la lớn hơn ai hết:
- Đem đốt chúng! Đem đốt chúng? Hoan hô Colbert!
D Artagnan bắt đầu hiểu. Người ta muốn đốt các tử tội, và ngôi nhà của ông được chọn làm cái giàn hoả. Ông rút gươm ra cầm tay và đặt một bàn chém lên bờ cửa sổ, la lớn:
- Dừng lại! Menneville, anh muốn gì?
- Thưa ngài d Artagnan, - anh ta la lên, - tránh ra, tránh ra.
- Đem đốt! Đem đốt những tên ăn cắp! Hoan hô Colbert!
Đám đông la lên. Những tiếng la này làm d Artagnan nổi cơn giận. Ông nói:
- Chán quá! Đem thiêu sống những kẻ khốn khổ này trong khi họ chỉ bị xử treo cổ thôi! Đồ hèn!
Trong lúc đó, trước cửa ra vào, đám người hiếu kỳ bị dồn vào vách tường mỗi lúc một đông nghẹt làm nghẽn cả lối đi.
Menneville và nhóm người của anh ta đang lôi hai tử tội đi chỉ còn cách cánh cửa ra vào có mười bước. Menneville tay cầm súng lục, cố sức kêu lên lần cuối:
- Tránh chỗ! Tránh chỗ!
- Thiêu sống đi! - Đám đông lập lại. - Quân tay hãy thiêu sống những tên ăn cắp! Hãy thiêu sống cả hai đứa trong quán "Hình ảnh Đức Bà"!
Lần này không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là họ muốn hoả thiêu luôn cái nhà của d Artagnan. D Artagnan nhớ lại tiếng gọi luôn luôn rất có hiệu quả của ông ngày xưa:
- Hãy đến với tôi, các ngự lâm quân! - ông thét lên bằng một giọng của người khổng lồ, một giọng đã từng chế ngự tiếng gầm của đại bác, của biển cả và của bão tố. - Hãy đến với tôi, hỡi các ngự lâm quân!
Và hai tay đánh đu vào lan can, ông buông mình rơi xuống giữa đám đông làm họ vội vã tránh xa.
Liền đó Raoul cũng phóng xuống bên cạnh ông. Cả hai đều lăm lăm thanh gươm trên tay. Tất cả những người lính ngự lâm ở quảng trường đã nghe tiếng gọi của d Artagnan. Tất cả chạy về phía tiếng gọi và nhận ra ông. Lần này đến lượt họ kêu lên.
- Hãy đến với chưởng quan! Hãy đến với chưởng quan?
Và đám đông dãn ra trước mắt họ như trước mũi của một chiếc tàu. Đúng lúc này, d Artagnan và Menneville đứng đối diện nhau.
- Tránh chỗ! Tránh chỗ! - Menneville kêu lên khi thấy mình chỉ còn đưa cánh tay ra là đụng được vào cánh cửa.
- Không được vào đây! - D Artagnan nói.
- Này, Menneville vừa nói vừa chĩa khẩu súng lục vào người d Artagnan, bấm cò.
Nhưng nhanh như cắt, trước khi viên đạn kịp nổ, d Artagnan đã lấy cán gươm đánh bật cánh tay của Menneville và đâm lưỡi xuyên qua người gã.
- Tao bảo mày hãy ở yên mà? - D Artagnan nói với Menneville đang ngã gục dưới chân ông.
- Tránh ra, Tránh ra! - Những người của Menneville kêu lên. Lúc đầu hoảng sợ nhưng họ liền trấn tĩnh lại ngay khi thấy họ chỉ có hai địch thủ thôi.
Nhưng hai địch thủ này là hai ngươi khổng lồ với một trăm cánh tay, thanh gươm vung lên trong bàn tay họ như lưỡi kiếm rực lửa của thiên thần. Gươm đâm bằng mũi, chém ngược, chém xuôi Mỗi nhát là một người gục gã.
- Vì Đức vua! - D Artagnan kêu lên mỗi khi ông chém một người, nghĩa là mỗi khi một người gục ngã.
- Vì Đức vua! - Raoul lặp lại.
Tiếng kêu này trở thành hiệu lệnh cho những người lính ngự lâm tập họp lại bên cạnh d Artagnan.
Trong khi đó, các cung thủ lấy lại bình tĩnh, mở cuộc tấn công tập hậu vào các nhóm cướp tù. Cuối cùng chỉ còn nghe những tiếng kêu tuyệt vọng xin tha mạng sống của những kẻ chiến bại.
Hai tử tội lại rơi trở vào tay của những cung thủ.
D Artagnan tiến đến gần họ, và trông thấy gương mặt họ nhợt nhạt như người sắp chết. Ông nói:
- Hỡi những kẻ đáng thương, các anh hãy tự an ủi đi, các anh sẽ không phải chịu cuộc hành hình ghê gớm mà những tên khốn nạn kia đã đe doạ các anh. Nhà vua đã xử các anh bị treo cổ. Các anh sẽ chỉ bị treo cổ thôi. Bây giờ hãy đem họ đi treo cổ đi, chỉ thế thôi!
Không còn chuyện gì nữa ở quán "Hình ảnh Đức Bà". Ngọn lửa được dập tắt bằng hai tấn rượu nho, vì không có nước.
Những kẻ âm mưu bạo loạn đã trốn qua ngả khu vườn. Những cung thủ lôi hai kẻ tử tội đến các cột treo cổ.
Cuộc hành quyết không kéo dài lâu. Người hành quyết, không cần biểu diễn theo nghệ thuật, chỉ thi hành nhiệm vụ của mình và kết liễu đời của hai kẻ khốn khổ trong một phút thôi.
Trong khi đó, mọi người xúm xít chung quanh d Artagnan, họ khen ngợi, vuốt ve ông. D Artagnan lau vầng trán đẫm mồ hôi, chùi thanh gươm đầy máu chảy ròng ròng và nhún vai nhìn Menneville đang lăn lộn giẫy chết dưới chân. Và trong khi Raoul đưa mắt đi chỗ khác với một vẻ thương hại, ấy chỉ cho những người lính ngự lâm thấy cây cột treo cổ còn lủng lẳng xác hai tử tội. Ông nói:
- Những kẻ đáng thương! Tôi hy vọng họ đã cảm ơn tôi trong khi chết!
Những lời này lọt vào tai Menneville đúng vào lúc chính gã cũng thở hơi thở cuối cùng. Một nụ cười buồn khổ và nhạo báng nở trên môi gã. Gã muốn trả lời, nhưng côd gắng này làm gã kiệt sức thở hơi cuối cùng. Raoul thì thầm:
- Ồ, tất cả những điều này thật là ghê gớm, chúng ta hãy đi, thưa Hiệp sĩ.
D Artagnan hỏi:
- Cháu có bị thương không?
- Thưa không, cảm ơn.
- Vậy cháu thật là một tay kiếm dũng cảm, chán quá!
Cháu có cái đầu giống cha cháu và hai cánh tay giống Porthos.
- À! Nếu Porthos có ở đây, ông ta sẽ thấy nhiều cái hay lắm.
- Đi, Hiệp sĩ, đi! - Raoul nằn nì.
D Artagnan vừa bước vào quán "Hình ảnh Đức Bà" vừa nói:
- Một phút chót nữa thôi cháu, để ta lấy xong ba mươi bảy đồng rưỡi, ta sẽ đi với cháu. Ngôi nhà này sinh lợi rất khá, nhưng quả thật, ta thích nó ở trong một khu phố khác hơn, dầu nó có phải sinh lợi ít hơn một chút.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT