Dự báo thời tiết nói là trong vài ngày tới sẽ có một đợt không khí lạnh từ Xi-bê-ri tràn xuống, có thể có tuyết rơi. Các nữ sinh viên dù thích làm đẹp đến mấy cũng đành phải "hy sinh" vậy, họ mặc những bộ trang phục trượt tuyết xù xì dày cộp.
Xuân Vũ vẫn đi tàu điện ngầm đến công ty. Trong toa xe chật chội, ồn ào, cô cố tìm một chỗ ngồi tàm tạm có thể nhìn rõ khuôn mặt những người xung quanh. Mọi khuôn mặt đều nhàn nhạt lạnh lùng, không thấy cái khuôn mặt mà cô mong nhìn thấy - không, có lẽ không nhìn thấy thì hơn.
Đến công ty rồi, Xuân Vũ nhận ra thái độ của CoCo có phần lạnh nhạt với mình, cô thấy không mấy dễ chịu, chỉ còn biết cặm cụi ngồi trước màn hình. Vì hôm qua gần như cô chẳng làm việc, nên hôm nay cô rất mải miết, ngồi liền mấy tiếng đồng hồ cho đến chiều, chỉ nghỉ một lúc để ăn trưa.
Có điều, hôm nay ngẫu nhiên có một cô xin nghỉ ốm, nên Xuân Vũ đành ở lại làm thêm giờ. Cô lại tiếp tục ngồi trước màn hình vài giờ. Rồi nhận ra ngoài kia đã sắp tối, vô số ánh đèn nê-ông đã toả sáng, CoCo và những người khác đã lẳng lặng ra về, phòng làm việc chỉ còn một mình Xuân Vũ.
Căn phòng trống vắng, bỗng yên tĩnh hẳn đi. Xuân Vũ đứng dậy vươn vai, vận động... Một ngày ngồi lỳ bên máy tính, cổ mỏi, đau khiếp thật. Đã thấy đói bụng từ lâu, trên bàn có một suất ăn bố trí cho người làm ngoài giờ. Ăn xong bữa tối, cô chuẩn bị ra về.
Ra ngoài cửa phòng, bỗng có một giọng nói rầu rầu vang lên từ phía sau: "Họ đã về cả rồi à?"
Câu nói bất ngờ khiến cho Xuân Vũ phát hoảng, cô hồi hộp quay lại, thì ra là giám đốc Nghiêm Minh Lượng. Cô cúi đầu: "Vâng. Họ đã về, tôi cũng đã làm xong việc."
Vẻ nghiêm nghị của Minh Lượng bỗng trở nên hiền hoà: "Hôm nay cô vất vả quá. Hãy sang phòng tôi ngồi chơi đã."
Xuân Vũ tuy rất căng thẳng nhưng cũng không thể từ chối, cô vào phòng giám đốc, ngồi lên đi văng ở đó.
"Rất mệt phải không?"
"Không sao ạ."
"Mới đi làm, ai cũng thế cả. Cô còn khá là nhẹ nhõm đấy! Hồi ở nước ngoài, tôi gian nan ra sao các cô khó mà tưởng tượng nổi!"
Ánh mắt Minh Lượng cứ như kiến bò trên mặt cô, khiến toàn thân cô như nổi da gà. Cô cúi đầu nói:
"Anh Lượng ạ, tôi đến đây làm, chủ yếu là để điều tra xã hội làm tư liệu cho luận văn tốt nghiệp."
"Luận văn gì? Tôi nhớ luận văn tốt nghiệp đại học của tôi ngày trước viết về mạng Internet làm thay đổi phương thức sinh hoạt của con người, hồi đó nhiều người còn chưa biết Internet là gì, nhưng ngày nay chẳng ai có thể tách rời mạng."
"Tiêu đề luận văn của tôi là Tin nhắn di động và sự kết nối của nhân loại".
"Một đề tài quá hay. Đúng là cuộc sống của rất nhiều người đang thay đổi vì nó." Vừa nói anh vừa xáp lại gần Xuân Vũ khiến cô đành phải lùi sang một bên cái bàn. Bỗng nhiên có một khuôn mặt loáng qua mắt cô rất nhanh như một tia lửa.
Đó là cái khung ảnh đặt trên bàn của Minh Lượng, ảnh một thiếu nữ. Không nhìn rõ phông nền, chỉ thấy khuôn mặt cô gái đang mỉm cười và đối mắt rất hút hồn.
Xuân Vũ bỗng đưa tay sờ mặt mình và lùi lại mấy bước. Cô đã nhận ra thiếu nữ trong ảnh, tuy chưa từng quen nhưng cô đã biết tên - đó là Uẩn Hàm.
Không phải là bức ảnh cô đã nhìn thấy trong hồ sơ của nhà trường, nhưng rõ ràng vẫn chỉ là một người, khuôn mặt và đôi mắt này cô không thể nhầm. Nhưng tại sao ảnh của Uẩn Hàm lại đặt trên bàn Nghiêm Minh Lượng?
Minh Lượng lập tức cầm bức ảnh lên, khẽ nói: "Cô cảm thấy cô ấy rất giống mình, phải không?"
"Không những giống tôi mà còn rất giống một người khác, tên là Uẩn Hàm - cách đây 8 năm là hoa khôi của khoa Mỹ thuật trường tôi. Anh quen cô ấy phải không?"
Lần này đến lượt Minh Lượng phải lùi lại, anh nhích nhích miệng nghĩ ngợi, rồi nói: "Cô đã biết Uẩn Hàm, thì tôi công nhận vậy, hồi tôi học đại học, cô ấy là bạn gái của tôi."
"Uẩn Hàm là bạn gái của anh?" Xuân Vũ thật không dám tưởng tượng 8 năm về trước Nghiêm Minh Lượng hình dáng ra sao? Khó mà nhận ra anh ta có gì hấp dẫn khiến cho hoa khôi khoa Mỹ thuật phải ngả vào lòng anh?
"Không tin thì cứ đi mà hỏi người ta!" Minh Lượng bước đến bên cửa kính thấp đến tận sàn, quay lưng về phía Xuân Vũ, cúi đầu trầm ngâm. "Kể từ ngày Uẩn Hàm mất, bức ảnh này luôn kề bên tôi, dù tôi đau khổ đến mấy, tôi luôn biết cô ấy vẫn ở bên tôi."
Xuân Vũ hiểu rằng mình đã đụng đến những sợi thần kinh yếu nhất trong anh, cô vội nói: "Xin lỗi giám đốc Lượng, lẽ ra tôi không nên hỏi nhiều."
"Hôm nay quá muộn rồi, cô nên về đi!"
Xuân Vũ gật đầu, bước ra. Cô nhanh chóng rời khỏi công ty.
[Phần 2]
Văn phòng chỉ còn lại một mình Minh Lượng, anh run run tắt hết các ngọn đèn để cho bóng tối phủ vây quanh anh. Ngoài kia, chỉ cách có tấm kính là thành phố dường như không có bóng tối, mà anh thì lại không thuộc về thành phố này.
Nhìn ra bên ngoài, những toà nhà cao chọc trời san sát bên nhau đang rực rỡ ánh đèn thâu đêm suốt sáng, anh bỗng nhớ đến cái buổi sớm tinh mơ sương mù còn dày đặc, anh nằm trong căn nhà nhỏ nồng nặc mùi súc vật.
Khác với mọi người trong câu chuyện này, Nghiêm Minh Lượng sinh trưởng ở một làng miền núi nghèo khổ. Buổi sớm hôm đó là sự kiện đầu tiên khắc sâu trong trí nhớ của anh, tiếng kêu thảm thiết như xé phổi của bà mẹ đã khiến anh choàng tỉnh, mở mắt ra trong cái không khí nặng mùi hôi súc vật, nhìn thấy bố anh đang đè đầu mẹ anh và thẳng tay đánh đấm, máu me đầm đìa.
Đó là thời thơ ấu rất khác với mọi người của anh. Nhà nghèo rớt mùng tơi, nhưng anh cũng được đi học hết trung học phổ thông. Có lẽ cũng vì cảnh nghèo khốn mà anh đã sớm già dặn chín chắn. Nhìn cái nhà trống không, bà mẹ thì cả ngày khóc than, ông bố thì nát rượu bét nhè, anh quyết tâm sẽ rời khỏi nơi này, nhất định sẽ có ngày mình có thể ngẩng cao đầu. Mặc cho vô số người khinh thường, anh vẫn học rất giỏi, khi bị hà hiếp bắt nạt, anh cúi đầu nhẫn nhịn.
Anh hận người cha, vì đêm nào anh cũng nằm ngủ trong tiếng khóc lóc của mẹ. Ông không bao giờ bỏ được thói xấu đánh vợ, đủ cả tay đấm chân đá cho đến roi da gậy gộc. Mẹ anh bị đòn mà không dám kêu ai, chỉ thầm ráng chịu, rồi ngồi ôm con qua đêm dài đến sáng. Cho đến một hôm ông uống đến hai lít rượu nặng, rồi đẩy mẹ anh ngã lăn ở cửa, cầm ván cửa thẳng tay đánh đập. Ông lại trói đứa con vào giường, không thể can ngăn gì được. Nhưng rồi ông phang trúng vào thái dương mẹ anh, lúc này ông mới như bừng tỉnh cơn mê, vội đưa bà đi cấp cứu. Nhưng tất cả đã muộn, mẹ anh đã đi hết quãng đường đời một cách bi thảm.
Minh Lượng đã tận mắt nhìn thấy cha đánh chết mẹ. Anh không sao khóc nổi, anh cảm thấy nước mắt đã hoá thành máu và chảy ngược vào trong lòng. Cha anh biết mình đã phạm tội ác tày trời, ông ra vách núi nhảy xuống tự tử. Năm đó Minh Lượng vừa tròn 16 tuổi, thật sự trở thành đứa trẻ mồ côi. Sau đám tang cha mẹ, anh mới nghe nói về xuất thân thật sự của mình, thì ra, anh là kết quả của cuộc tình vụng trộm bên ngoài của mẹ, chứ không phải con đẻ của "cha" anh. Bởi thế "cha" chưa bao giờ yêu thương anh, ông luôn đánh đập vợ tàn nhẫn để trừng phạt bà cho đến khi cả hai cùng vĩnh biệt cõi đời.
Anh cảm thấy một sự nhục nhã ghê gớm, sự nhục nhã đã đóng dấu ấn lên anh từ khi chưa chào đời. Nếu không có sự tồn tại của anh, thì có lẽ số phận của bà mẹ đã không thê thảm như thế. Anh không dám ngẩng đầu nhìn ai, chỉ biết cặm cụi đêm ngày học tập, anh muốn vĩnh viễn ra đi, không muốn nhìn lại nơi này nữa.
Dựa vào chút tích cóp mà cha mẹ anh để lại, anh học xong trung học phổ thông với thành tích đứng trong top 20 toàn tỉnh, sau đó thi đỗ vào một trường đại học bề thế. Anh vốn tưởng đã vào Đại học Thượng Hải thì sẽ thoát khỏi những ánh mắt dè bỉu của mọi người, nhưng thiên hạ vãn coi thường anh, các bạn cùng lớp không mặn mà gì với anh - vì anh là dân quê nghèo khó, "quê một cục", chơi với anh thì mất mặt. Anh phải đi làm để tự lo học phí, ban ngày lên lớp, buổi tối đi gánh nước cho công trường xây dựng, nửa đêm trở về người nhớp mồ hôi, lăn ra ngủ.
Minh Lượng học ngành Tin học, sang năm thứ ba đã bắt đầu đi làm cho các công ty. Ít ra, cũng không phải nhếch nhác như dân công nữa, lại có chút tiền sinh hoạt. Chính trong năm đó Minh Lượng đã quen với cô sinh viên Uẩn Hàm, hoàn toàn là ngẫu nhiên.
Đó là một buổi tối, anh vừa đi làm thêm trở về, nhìn thấy ở cổng sau của trường có mấy tên lưu manh đang vây đánh một cô gái. Sức lực và tinh thần của một thanh niên sinh trưởng ở nông thôn đã giúp Minh Lượng đánh cho mấy tên ấy sứt đầu mẻ trán. Kể từ đó, anh trở thành người hùng trong con mắt của Uẩn Hàm. Thời kỳ đó anh vẫn duy trì thói quen dậy sớm thức khuya từ hồi ở quê, cứ 6 giờ sáng - khi các nữ sinh viên còn say giấc nồng - thì anh đã tập chạy quanh sân vận động của trường. Uẩn Hàm cũng có mặt, hai người cùng tập chạy hết vòng này đến vòng khác. Dần dà, những đám đông sinh viên đứng xem, xì xào về "chuyện lạ thời nay" - anh chàng "nhà quê" Nghiêm Minh Lượng đã tán tỉnh được hoa khôi của khoa Mỹ thuật.
[Phần 3]
Không ai hiểu nổi tại sao Uẩn Hàm lại yêu Minh Lượng - một anh chàng xuất thân nơi quê nghèo, lại chẳng có điểm gì hấp dẫn. Có hàng đàn nam sinh viên yêu vụng nhớ thầm Uẩn Hàm, nhưng cô không ưng những chàng thư sinh bóng bẩy, mà lại thích chàng trai kiểu như Ken Takakura (Nam diễn viên điện ảnh Nhật Bản, từng một thời gây ấn tượng mạnh đối với thanh niên TQ), Minh Lượng chính là Ken Takakura của cô! Minh Lượng đã khiến bọn họ ghen ghét, họ thường nạt nộ anh, có kẻ thậm chí còn tra ra được "xuất thân" nhục nhã của anh. Thế là cả trường đều biết chuyện.
Anh đi đến đâu cũng bị người ta xì xào chỉ trỏ. Anh không biết trốn đi đâu bây giờ, có cảm giác như mình bị lột hết quần áo bắt đứng trước mặt các thầy và các sinh viên. Trong khi tuyệt vọng, chỉ có Uẩn Hàm không hề xa anh, trái lại, cô công khai sóng đôi cùng anh khắp đó đây. Cha mẹ Uẩn Hàm đều là cán bộ lãnh đạo, khi nghe nói cô cặp kè với một anh chàng như thế, họ ngỡ cô đã mắc bệnh tâm thần, đến khi biết được hoàn cảnh xuất thân của Minh Lượng, họ bắt Uẩn Hàm phải cắt đứt ngay với anh.
Thoạt đầu cô vẫn không chịu nhượng bộ, nhưng cô vẫn cứ là con gái của cha mẹ, cô không muốn nhìn thấy cha mẹ quá đau buồn. Minh Lượng rồi cũng thoả hiệp, anh không muốn Uẩn Hàm phải vì anh mà quan hệ với cha mẹ bị đổ vỡ. Áp lực ở trường học và sức ép của cha mẹ đã buộc Uẩn Hàm phải chia tay Minh Lượng. Nhưng cô quá đau đớn, cứ suốt ngày khóc lóc, tinh thần hoảng loạn, nói năng lảm nhảm, đôi khi còn mộng du vào ban đêm. Cô đã được đưa đi điều trị tâm lý nhưng không có kết quả. Từ một hoa khôi của khoa, mạnh khoẻ vui tươi, Uẩn Hàm dần biến thành cô gái ngớ ngẩn rồ dại. Cho đến một hôm, bi kịch đã xảy ra. Nửa đêm, Uẩn Hàm đã vào một phòng học ngồi viết bức thư tuyệt mệnh, sau đó treo cổ tự tử.
Minh Lượng cực kỳ đau xót, nhà trường và cha mẹ Uẩn Hàm đều không ngờ hậu quả lại thành ra thế này. Cũng khó mà nói trách nhiệm thuộc về ai, nên đành xử lý qua loa cho xong vậy. Nghiêm Minh Lượng tuyệt vọng, cũng từng nghĩ đến cái chết, nhưng sự phẫn nộ và hận thù đã khiến anh phải tiếp tục sống. Học xong đại học, anh quyết định đi du học Anh quốc. Nhưng học phí bên đó rất cao, anh lấy đâu ra tiền? Anh nghiến răng bán đi một quả thận để có tiền chi phí, rốt cuộc anh cũng đã lên máy bay bay sang Châu u.
Cuộc sống của Minh Lượng ở Anh quốc gian khổ hơn hẳn ở trong nước, ban ngày đi học lập trình tin học, cả đêm đi rửa bát thuê cho các hiệu ăn, có khi còn ra bãi biển thu nhặt vỏ sò cho người ta. Cơ thể chỉ còn một quả thận khó bề kham nổi. Anh không còn khí phách của một nam nhi nữa, anh nhẫn nhục chịu đựng như một phụ nữ, anh thường bị bọn lưu manh đầu đường xó chợ hà hiếp đánh đập. Thể xác và tinh thần của anh đã bị hành hạ như ở địa ngục.
Minh Lượng thấy căm hờn mọi thứ trước mắt, thậm chí hận rằng tại sao mình lại có mặt ở chốn nhân gian, ý nghĩ sẽ biến mất khỏi cõi đời này đang đến với anh. Nhưng thật ngẫu nhiên, tại một thị trấn nhỏ ở miền nam nước Anh, Minh Lượng đã gặp một người - người ấy đã thật sự làm thay đổi số phận của anh.
Minh Lượng mở mắt ra, trên tấm kính cửa sổ chạm sàn ở trước mặt, hình như có cái bóng của người ấy. Đôi môi nhích động: "Ai đang xuống địa ngục?"
[Phần 4]
Khi Xuân Vũ rời công ty đã là hơn 7 giờ tối. Cô đi qua con đường ồn ã phồn hoa, rồi bước xuống sân ga tàu điện ngầm.
Đã qua giờ cao điểm, sân ga lúc này chỉ có một số người làm thêm giờ đang trở về nhà. Một số khác là nam nữ thanh niên đi chơi. Lên tàu, tìm được chỗ ngồi rồi, cô lập tức nhắm mắt. Hôm nay thật sự mệt mỏi, tàu chạy rung lắc đều đều như là một thứ thuốc an thần khiến Xuân Vũ cảm thấy mình như đang chìm sâu xuống lòng đất... cô ngủ rất say.
Chẳng rõ bao lâu bỗng có một bàn tay đẩy vào vai cô một cái, cô tỉnh dậy ngơ ngác, và nhận ra đã đến ga để về trường. Cô vội đứng dậy, nhưng ghế xung quanh trống trải không hề có người nào. Vậy ai đã đẩy cô một cái? Cô sờ lên vai, cảm thấy nơi đó đã nguội lạnh, chẳng lẽ bàn tay lúc nãy hẩy cô, là của một u linh trong không gian?
Cửa toa đã mở, Xuân Vũ nhảy xuống sân ngay, lại ngoảnh nhìn xung quanh, không thấy ai xuống tàu cả. Hay là vừa nãy mình đã cảm nhận nhầm? Vẫn thấy rất mệt nhưng cô cố gượng tỉnh táo rồi hối hả chạy ra khỏi nhà ga. Dọc đường cô cứ cảm thấy hình như có cái gì đó bám theo, quay nhìn thì không thấy gì. Cô đi vào trường mà cứ nơm nớp thấp thỏm.
Sân trường trong mùa đông, các lối nhỏ đều rắc đầy cành lá khô, bốn bề vắng tanh vắng ngắt. Chỉ thấy xa xa là những ánh đèn hiu hắt vẫn đang rọi xuống mặt đường. Xuân Vũ bỗng đứng lại, trong màn đêm im ắng hình như có tiếng bước chân ở phía sau cô. Đằng sau có người à?
Cô rùng mình sởn tóc gáy, từ từ quay lại. Tưởng chừng như sẽ nhìn thấy ngay một cảnh tượng đáng sợ. Rồi cô cũng nhìn thấy trong bóng tối của những hàng cây khô có một bóng người cao lớn đang dịch chuyển. Cô hít thở thật sâu, rất căng thẳng, rồi hét to: "Là ai thế hả?"
Sân trường mênh mông vọng lại tiếng hét của cô, nghe càng thêm đáng sợ. Bóng đen kia tiếp tục đi về phía cô. Ánh đèn đường mờ mờ hắt lên người ấy. Vóc người trông quen quen bỗng đập vào mắt Xuân Vũ. Là ông ta ư?
Cô há hốc miệng, những làn hơi trắng phả ra. Cô không bao giờ có thể quên ông ta. Có cả cái mùi quen thuộc ấy, mũi cô hít thấy cái mùi ấy - mùi thường có trên người ông ta, cái mùi đáng sợ không bao giờ có thể đổi khác.
Người ấy là bố dượng Xuân Vũ.
Một làn âm phong (gió lạnh hắt hiu u ám) chẳng rõ từ đâu thổi đến khiến Xuân Vũ phải lùi lại mấy bước. Cô bịt miệng để không kêu lên hai tiếng "bố dượng". Người ấy vẫn bước về phía cô, chỉ còn cách chừng hơn chục mét. Một bước, hai bước...
Xuân Vũ sởn gai ốc, run rẩy hồi lâu rồi mới quay người chạy thục mạng về phía ký túc xá. Cô chạy dưới ánh đèn đường nhờ nhờ và gió lạnh rú rít bên tai. Cô không dám ngoái lại, chỉ cắm đầu chạy cho nhanh, và đã chạy đến ký túc xá nữ sinh.
Chạy lên đến phòng ở, vẫn còn hú vía, Xuân Vũ khoá sập cửa vào, rồi đóng lại cửa sổ cho chặt. Cô ngồi co rúm dưới ánh đèn, tay bịt hai tai chỉ sợ nghe thấy tiếng đập cửa.
Run rẩy một hồi lâu, vẫn không nghe thấy tiếng đập cửa như tưởng tượng, cô mới ngẩng đầu lên và thở thật mạnh.
Đầu cô vẫn hiện lên cái bóng người lúc nãy, cô không thể nhìn nhầm, nhất là không thể nhầm cái mùi toả ra từ người ông ta. Nhưng, bố dượng sao có thể xuất hiện ở sân trường? Liệu có thể là ai đó trông na ná như ông ta? Xuân Vũ không sao hiểu nổi.
Lẽ nào đó là kết quả của việc cô đã lựa chọn "gặp người mà mình hận nhất" trong trò chơi địa ngục hôm qua?
Đúng! Người đàn ông đó chính là người mà cô hận nhất.
Cô nhắm mắt lạ, những giọt lệ từ từ trào ra. Trong bóng tối mờ mờ, hình như cô lại nhìn thấy khuôn mặt của bố. Ông nằm trong gian nhà tang lễ lạnh lẽo, khi đó cô mới 11 tuổi. Cô chứng kiến bố bị đưa vào lò hoả táng, mẹ ôm chặt cô vào lòng, áo bà ướt đẫm nước mắt.
Bố đã qua đời, hai mẹ con Xuân Vũ nương tựa vào nhau mà sống. Đêm ngủ cùng mẹ, cô có thể cảm nhận lòng mẹ luôn run rẩy. Hai năm sau, mẹ cô bị nghỉ việc cơ quan, đời sống hết sức khó khăn. Khi hai mẹ con đang bế tắc, thì một người đàn ông lực lưỡng đã đến với họ, rồi trở thành bố dượng của Xuân Vũ. Người ấy làm nghề buôn bán, khi mới về nhà cô, ông đã mua cho cô rất nhiều quần áo đẹp, mua thêm nhiều đồ diện, đối xử với mẹ cô cũng tốt. Có điều, người ông ta luôn bốc ra một thứ mùi quái dị, không rõ là mùi rượu hay mùi thuốc lá, hay là những phản ứng hoá học sinh ra do quanh năm bị ám trong chốn trà thuốc rượu chè. Cho nên, dù ông bố dượng thường bảo Xuân Vũ gọi ông là bố, nhưng cô vẫn nhất định không gọi, mà chỉ lừ lừ nhìn ông bằng ánh mắt lạnh lùng.
Tuy nhiên, hồi đó cô mới chỉ không ưa ông ta chứ chưa đến mức căm hận ông. Cô không nguôi nỗi nhớ cha, nhớ đến cái buổi trưa tuyết rơi đầy trời ấy. Nếu cô không ra đường cái chơi đùa, thì cha đã không phải vì cô mà bỏ mạng, vận mệnh cả nhà sẽ không bị thay đổi, người đàn ông có cái mùi quái dị kia cũng không thể bước vào nhà cô.
Xuân Vũ bỗng tỉnh trở lại, thoát ra khỏi những hồi ức, cô thẫn thờ, lẩm bẩm: "Nếu không vì mình, thì bố sẽ không chết, tất cả sẽ không bị đảo lộn."
Kể từ năm 11 tuổi trở đi, dường như vận xấu không ngớt đến với cô: người bố dượng đáng ghét, mẹ cô mãi mãi ra đi, cơn ác mộng ở thôn hẻo lánh nửa năm về trước... và gần đây, Thanh U - người bạn thân nhất đã chết, hai bạn cùng phòng là Văn Nhã, Tiểu Cầm, một người bị tâm thần phân liệt, một người bị tai nạn giao thông vẫn còn hôn mê...
"Vận xấu luôn đến với mình, mình lại đem vận xấu đến cho người ở kề bên..."
Đúng thế. Cha mẹ cô. Thanh U và Hứa Văn Nhã, đều là những người gần gũi nhất của cô, đều lần lượt ra đi, nay chỉ còn cô đơn độc buồn tủi.
"Các bạn nữ sinh nói cũng đúng, mình vốn dĩ là một hung tinh, ai ở gần mình đều sẽ gặp đen đủi. Có lẽ mình không nên sinh ra trên đời này mới phải!"
Xuân Vũ khóc rấm rứt, tuyệt vọng. Đúng lúc này thì tín hiệu tin nhắn lại vang lên.
Đã 12 giờ đêm, vẫn cái số máy địa ngục ấy, lại một tin nhắn:
"Bạn đã vào tầng 14 địa ngục, hãy lựa chọn: 1. Cơn ác mộng đáng sợ nhất; 2. Nơi bạn muốn đến nhất; 3. Hồi ức đau khổ nhất."
Ánh mắt cô dừng lại ở hai chữ "ác mộng", cô đã trải qua cơn ác mộng kinh khủng nhất thì trên đời này còn có thứ ác mộng nào có thể khiến cô sợ hãi nữa? Cô bèn mạnh dạn chọn "1. Cơn ác mộng đáng sợ nhất."
Chỉ vài giây sau, Xuân Vũ đã nhận được tin trả lời:
"Bạn sẽ gặp lại cơn ác mộng."
Nhìn mẩu tin này, cô giật nảy mình. Gặp lại cơn ác mộng? Thế là ý gì? Cô thấy có phần rối loạn, lúng túng, vội tắt ngay di động.
Ác mộng? Là ác mộng nào?
Vào lúc này, trong màn đêm giá lạnh bên ngoài cửa sổ, ác mộng đang hình thành.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT