Và ông kia, nhẹ dạ, thả chim bay.

Từ trên cao, nó nói xuống thế này:

“Giờ lời khuyên thứ hai, xin nhớ kỹ,

Rằng cái gì đã qua, dù rất quý,

Đừng khóc than, đừng luyến tiếc làm gì.

Chuyện đã rồi cứ để nó quên đi.”

(Ba lời khuyên của con chim bị bắt - Jalal ad-Din Muhammad Rumi)

Cổng Bách gia sâm nghiêm, không tráng lệ như hào môn An Dương hầu phủ nhưng lại mang theo khí chất của dòng dõi thư hương. Bách lão gia năm nay tuổi độ năm mươi, ngũ tuần hẳn còn đương minh mẫn, làm quan hai mươi năm chán cảnh đấu đá quan triều nên cáo lão hồi hương. Mộc quốc trọng hiền tài, Mộc đế hận không thể mua hết xương ngựa thế gian, rốt cuộc là ai nỡ buông vị thanh liêm này?

Quả thật công cuộc về nhà dưỡng lão của Bách đại nhân không hề thuận lợi, chỉ kém nước vượt năm ải chém sáu tướng mà thôi. Quân thần vì chuyện này suýt trở mặt nhau. Đều là nam nhân tuổi qua ngũ tuần, nay lại hành xử không kém mấy trẻ con. Quân bày ra bộ dáng ‘khanh không tại triều, trẫm không tham chính’. Thần trưng ra vẻ mặt ‘Hoàng thượng không thả, thần xin ba thước lụa’. Rốt cuộc Thái tử đáng thương bị quẳng cho chính sự bỏ bê mấy tuần liền phải vác thân tàn đến hòa giải cho hai lão ngoan đồng.

Kết quả của phiên điều trần chính là: Bách đại nhân lấy thân phận Ám đốc để được rời khỏi triều đình.

Ám đốc trong dân gian tựa như truyền thuyết. Tương truyền khi Mộc đế đầu tiên lập quốc dưới sự dẫn dắt của Mộc thần, triều đình vẫn chưa vào kỷ cương, quan lại được phân đến các nơi liền tạo dựng một bầu trời riêng. Trời cao hoàng đế xa, Mộc đế cũng không thể luôn để mắt đến từng thành quách một, liền lập ra một chức quan gọi là Ám đốc, chuyên trà trộn giữa dân gian để giám sát tình hình. Nhân tuyển được chọn cho chức vị này có thể nói là nhân trung long phượng, nếu không phải tình huống dân gian rối loạn thì có lẽ Mộc đế đệ nhất cũng không nỡ cách cử họ đi xa triều. Ám đốc vào dân gian, nhanh chóng giật ra từng mớ dây quan huyện địa chủ cấu kết làm càn, thẳng tay vạch tội chẳng niệm tình ai. Mộc quốc lúc bấy giờ nhanh chóng đạt đến thái bình đệ nhất, phồn hoa đệ nhất. Ám đốc cũng trở thành câu chuyện được nhà nhà truyền tụng để con trẻ noi gương, là tấm gương sĩ tử hướng đến.

Thế nhưng thói đời vẫn thường rằng: trăng tròn rồi khuyết, thịnh quá hóa suy. Thái bình phồn hoa nhanh chóng khiến các Mộc đế đời sau kê cao gối ngủ, cương vị Ám đốc cũng không cần nhiều nhân lực như trước. Đợi đến Mộc đế đương nhiệm thì Ám đốc chỉ còn lại vài vị bồi dưỡng cho có hình thức đếm trên đầu ngón tay. Mà Ám đốc trong dân gian giờ cũng chỉ còn là lời răn dọa trẻ nhỏ đừng nghịch ngợm, không khác vị Dạ Quân dưới cõi vĩnh hằng là bao, rất có tính sụp đổ hình tượng.

Thế là Bách đại nhân đội chức Ám đốc chưng cho có trên đầu, mang theo niềm vui không trọn vẹn mà đưa vợ về quê. Còn Mộc đế thì ngậm ngùi đưa tiễn hiền thần ‘phụng mệnh vì nước vì dân’, lòng cũng chẳng thoải mái là bao. Nếu không phải quê Liễu Dương của Bách đại nhân vừa được báo là có nghi vấn tham ô thì còn lâu Mộc đế chịu buông tay dễ vậy.

Bách lão gia kể đến đây, Trọng Khanh cố duy trì nụ cười trên mặt nhưng lòng lại không ngăn được mà trầm mặc hồi lâu. Tham ô không phải nghi vấn. Mà Liễu Dương e cũng không phải nơi duy nhất có án tham ô. Vẫn nghe rằng trời cao hoàng đế xa, Liễu Dương tuy không gần ngay chân thiên tử nhưng cũng là thành đô phồn hoa, nay lại thành miếng thịt tương cho tri huyện cùng hầu gia thì nói chi đến những nơi hẻo lánh giữa non sông ngập trong nghìn cây vạn cỏ này.

Lại nghĩ đến mấy mươi mạng người làng Liễu Thanh chỉ viết thành hai chữ ‘tham ô’, lòng Trọng Khanh sinh bức bối khó hiểu. Rõ ràng biết trước mắt cậu là một vị quan tốt, rõ ràng hiểu Liễu Thanh đã thành cố sự không vãn hồi. Vị thanh quan trong tay không có chứng cứ này chẳng thể giúp gì được trước cái tai họa trời ơi giáng xuống ấy, ngài ấy vô tội. Hiệu suất có thể thấp, nhưng đã tận lực rồi. Thế nhưng bức bối trong lòng vẫn cứ dâng lên. Càng không hiểu nguyên nhân càng không biết cách làm dịu lòng mình.

Bách lão gia dẫu hành xử trẻ con thế nào thì cũng đã sống trên đời hơn năm mươi năm, lại có hai mươi năm đứng giữa mờ ám chỉ quan liêu mới hiểu, làm sao bỏ qua được ánh mắt cố trấn định của Trọng Khanh. Thế nhưng ngài không phật lòng, chỉ đưa tay xoa đầu thiếu niên đang rối rắm.

Cậu áy náy nhìn ngài cười. Thiếu niên mười sáu tuổi, mấy ngày trước vừa gặp biến cố đầu tiên trong đời, nay lại lần đầu tiên học cách chấp nhận ba chữ ‘chuyện đã rồi’.

Cậu theo Bách lão gia học tập cũng đã được vài ba hôm. Vài ba hôm này thực sự dài tựa vài ba năm. Ngày đầu tiên đến Bách gia cậu liền được đưa đi làm quen hết những địa điểm kinh doanh của Bách gia tại thành Liễu Dương. Bách lão gia tử cả đời làm thương nhân, ra đi để lại cho Bách lão gia năm tiệm vải lớn xuyên suốt Mộc quốc, hai tửu lâu một ở kinh thành một ở Trúc Lâm cùng mười chi nhánh lớn nhỏ các loại. Đấy là chưa kể sản nghiệp do một tay Bách lão gia tạo dựng, Kiến Nhan lâu cũng là một trong số đó. Trọng Khanh cảm thán gót giày mình đã đi mòn hết đường xá nơi Liễu Dương rồi.

Sau, Bách lão gia lại lần lượt nói về tình hình Bách gia, từ kinh doanh đến gia vụ, không sót một việc. Ngẫm thấy Trọng Khanh cũng liên quan đến án tham ô, ngài liền tri vô bất ngôn, ngôn vô bất tẫn mà kể về trách nhiệm Mộc đế gửi gắm. Người trong chốn quan trường vốn luôn cẩn thận lời ăn tiếng nói. Chỉ e Bách lão gia đã sớm xem Trọng Khanh là người một nhà nên mới vô tư đến vậy.

Bách lão gia thực sự xem cậu như người thừa kế mà bồi dưỡng. Nhìn đống sổ sách chất thành ba chồng sừng sững trước mặt, còn có chiếc bàn tính vừa mới học khẩy chưa quen tay, Trọng Khanh không khỏi cảm thấy mịt mờ. Nếu như không xuyên không, hẳn giờ cậu vẫn là một đứa 11 chuyên văn, hằng ngày xách ba lô bắt xe đến trường, chuyện lớn là kiểm tra có ra đề mở không, chuyện nhỏ là hôm nay căn tin bán món gì. Nghe bảo lúc bằng cái tuổi này của cậu, Bách lão gia đã chông đèn đọc làu kinh sách, hơn vài tháng nữa đã thi đỗ trạng nguyên, thành gia lập thất.

Dẫu biết Bách lão gia có chút quái thai so với người thường, cậu vẫn cảm thấy xã hội hiện đại thật đầy nhân từ và dịu dàng. Cảm thán xong, bạn nhỏ Tô Trọng Khanh lại quay về thực tại, gánh trách nhiệm của thanh niên xã hội cũ phấn đấu vì nghĩa lớn.

“Ca lại lười biếng nghĩ đâu đâu rồi?” Giọng nói trong trẻo quen thuộc vang lên. Nháy mắt liền có một cái mặt bánh bao chồm lên tựa vào thư án Trọng Khanh đang ngồi. “Ca chỉ toàn lo ra! Lúc đệ đi lấy điểm tâm cho ca cũng là ba chồng sách này, bây giờ quay lại ba chồng vẫn y nguyên!”

“Khụ, Tiểu Nhạc, đây là ba chồng mới…” Trọng Khanh khe khẽ phản bác, gặp đôi mắt to trừng lớn của đứa nhỏ liền ngoan ngoãn cúi đầu gặm màn thầu xem sổ sách. Quả thật cậu cũng có hơi nghĩ lung tung, bằng không sao Bách lão gia quẳng lại cậu ở thư phòng tự sinh tự diệt mà cậu lại chẳng hay cho được?

Thư phòng của Bách gia vì cậu mấy ngày nay chiếm đóng mà ngổn ngang đầy sách. Từng chồng từng chồng sách không quy luật tùy ý chất nơi thư án cùng vài chiếc ghế ngôi, theo ánh nắng len cửa sổ rọi vào toát lên phong vị thánh hiền xưa cũ. Lò hương nơi góc phòng an tĩnh tỏa hương thanh cay của bạc hà trồng trong vườn.

Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên.

Không đúng. Có tiểu gia hỏa thường hay cằn nhằn ở đây, sao yên ắng được? Trọng Khanh vội nhìn qua Lâm Nhạc, lại bắt gặp ánh mắt sâu lắng không đúng tuổi của đứa nhỏ. Thiếu niên thầm than bất ổn, vội buông sách xuống, bế nó ngồi lên đùi cậu: “Có chuyện gì vậy Tiểu Nhạc?”

“Khanh ca…Ca có trách Bách lão gia không?”

“Hửm? Tiểu Nhạc nghe thấy rồi?”

Đứa nhỏ ngượng ngùng gật khẽ, song đôi mắt to vẫn nhìn đăm đăm cậu không yên.

Trọng Khanh cười xòa. Cậu thật sự không hiểu được đệ đệ này. Lúc thì trẻ con hồn nhiên, lúc lại già dặn hơn tuổi, có lúc vô tư rồi lại như lúc này nhạy cảm sâu sắc. Cậu ôm đứa nhỏ trong lòng, như cố ý lại như vô thức. Thân nhiệt trẻ con cao hơn người thường, lúc này khẽ truyền qua lần áo sang sẻ qua thiếu niên. Hương bạc hà mơ hồ nơi cánh mũi, khoan khoái lạ thường. Ấm áp lạ thường.

Có đệ đệ thật tốt.

Trọng Khanh nghĩ ngợi, rồi xoa đầu trấn an đứa nhỏ vẫn đang lo lắng: “Không đâu.” Cậu không có tư cách trách Bách lão gia, chưa kể đến việc Bách lão gia đã tận lực tìm chứng cứ như thế nào, chỉ riêng việc Bách gia đã rộng lòng thu nhận hai huynh đệ họ cũng đủ để Trọng Khanh tri ân không quên. Nào thể có chuyện tiểu nhân hẹp hòi lấy oán báo ân?

Thiếu niên chỉ đang vướng mắc tại một trong rất nhiều cánh cổng cậu sẽ gặp phải trong đời. Bậc thềm chặn cửa lấn cấn lòng, ai cũng sẽ trải qua. Ba chữ ‘chuyện đã rồi’ nói nhỏ thì là cười cho qua, nói lớn thì là ngầm ngùi quên. Người lớn ngang qua, thán một câu cuộc đời lại vậy. Người ta không thể mặc nhiên chấp nhận, không có nghĩa là cứ lấn cấn mãi không buông. Tô Trọng Khanh mười sáu tuổi, nếu không phải xuyên không đến đây, gặp hoàn cảnh này, thì có lẽ bài học này còn phải chờ vài năm nữa.

Nắn nắn đôi má non nớt phúng phính của đứa nhỏ, cậu thật mong mình có thể trưởng thành nhanh hơn nữa.

Cuộc sống ở Bách gia nghĩ thật yên bình. Sớm sớm được đệ đệ đánh thức inh ỏi một trận. Mặt trời lên liền theo Bách lão gia học tập dồn dập thêm một trận. Trưa về thử hết một bàn ăn đệ đệ học Bách phu nhân nấu nướng, kinh hãi thêm một trận. Chiều nghe lão phu tử giảng bài, nhàm chán một trận. Tối đến cả nhà sum vầy một bữa cơm, náo nhiệt lại thêm một trận. Đánh hết trận này đến trận khác, đến lúc trăng treo đỉnh trời, tiếng ve giữa thu vương vấn hạ ngâm nga, Trọng Khanh rốt cuộc cũng có thể ôm đệ đệ thiu thiu ngủ. Thiếu niên ngẫm lại đoạn thời gian qua, rất muốn kết một câu ‘Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên’ người người mơ ước.

Đáng tiếc ông trời trêu người, Mộc thần trên cao không phù hộ.

Nhìn gã thanh niên đang bày ra bộ dáng bề trên giữa tiệm vải nhà cậu, Trọng Khanh trong lòng phun tào.

“Này, tiểu tử kia, ngươi bị điếc à?! Tiệm vải quèn của ngươi được thiếu gia nhà ta chiếu cố, muốn bảo hộ là vinh hạnh của ngươi! Ngươi biết có bao nhiêu kẻ ở Liễu Dương này muốn được An Dương tiểu hầu gia bảo hộ không hả? Lại còn không biết điều! Thứ điêu dân chỉ lo lợi trước mắt! Ta chỉ bảo ngươi đem vài cây vải đến phủ thôi, ngươi lại dám làm càn đòi báo quan! Ta bảo cho ngươi biết, ngươi có đến huyện thái gia cũng chẳng có ai thèm nghe ngươi đâu! Cái đồ có phúc mà không biết hưởng! Im im gì chứ, nhìn ta làm gì! Còn không mau lấy mấy cây vải trong tiệm ngươi ra cho tiểu hầu gia xem!”

Trọng Khanh nhìn gã sai vặt đang vung tay chỉ trỏ trước mặt mình cùng tên tiểu hầu gia vênh váo phía sau, cố hạ đầu thật thấp, dặn mình ngàn lần không được manh động. Trong đầu thiếu niên lướt qua hàng loạt cụm từ: thượng bất chính hạ tất loạn, con cậy thế cha, chó cậy thế chủ,…

Hít một hơi sâu, thiếu niên ngẩn đầu lên, cười thiên chân vô tà hơn cả Lâm Nhạc mỗi lần xin cơm lúc trước: “ Chao ôi, hai vị đại gia thứ lỗi. Là thảo dân quản người không nghiêm, lại để bọn thô lậu làm hỏng tâm trạng của hai vị.” Nói rồi thiếu niên lia mắt nhìn lão chưởng quầy đang ăn nhịp quỳ xuống nhận tội.

“Lão nô có mắt không tròng, là lão nô có tội! Là lão nô già cả mắt mờ không nhìn ra thân phận hai vị đại gia, thấy người ăn mặc sang giàu liền tiểu nhân sinh tâm sân si! Thỉnh hai vị đại gia tha cho! Thỉnh tiểu hầu gia tha cho!”

Tiểu hầu gia càng nghe càng thuận tai, sắc mặt mười phần xuân phong đắc ý, mà gã sai vặt đi theo lại càng được nước làm tới, giẫm lên lưng vị chưởng quầy có tuổi đang quỳ rạp: “ Nào có thứ hạ nhân như ngươi! Ti tiện mà còn sân si! Thấy hai người chúng ta mà còn vênh váo!” Gã đang nói hăng, liếc thấy sắc mặt thiếu gia nhà gã hơi sậm xuống liền chữa lời: “Ngươi vênh váo với ta cũng thôi đi! Ngươi lại dám vênh váo với tiểu hầu gia! Tên này chán sống!”

“Kìa, hai vị đại gia xin đừng giận, đừng giận! Xin hỏi hai vị đại gia muốn dùng vải gì? Không nói ngoa chứ tiệm chúng tôi là tiệm vải lớn nhất Liễu Dương này, vải gì cũng có! Ngài xem, đây là loại vải mới Phong quốc đặc chế, dày lại không thô, mềm mà không xốp, rất hợp may áo choàng độ thu này!”

Gã sai vặt nhận một lượt hết năm cây vải rực rỡ trong tay Trọng Khanh. Vừa nhìn đã biết hàng cực phẩm, cả đời gã cũng không có cơ hội mặc loại vải này, thế nhưng miệng chó vẫn không mọc được ngà voi mà quát tháo: “Lớn cái gì mà lớn! Ngươi nói cũng không biết thẹn! Tiệm ngươi nhỏ như hốc chó, đều là tiểu hầu gia rộng lòng muốn bảo hộ cho! Muốn nói tiệm lớn nhất thì phải nói đến cái tiệm vải Bách gia kìa! Mớ vải này của ngươi đừng hòng bằng nhà đó! Vậy mà mỗi năm tiệm đó còn phải biếu hầu phủ mười lăm cây vải! Ngươi cái đồ có phước mà không biết hưởng!”

Vội vàng lấy thêm hơn mười cây vải nữa, Trọng Khanh gọn gàng tống hai vị tổ tông kia đi, lòng không ngừng chửi thể. Mười lăm cây vải đầu mi ấy! Bóc phét vừa thôi! Cậu tha thiết nhớ máy ghi âm thời hiện đại, bao nhiêu cẩu huyết gia tộc thương trường chính trị gì cũng đều là một công ghi âm – sama vạch trần cả. Nếu thời đại này cũng có máy ghi âm thì loại đồng đội heo chưa đánh đã khai như gã sai vặt vừa rồi sợ là đã kéo cả hầu phủ cùng tri huyện xuống ngục chứ chẳng chơi.

Trọng Khanh thở dài tiếc nuối, cẩn thận đỡ vị chưởng quầy đáng thương vào gian trong thoa thuốc. Tên sai vặt một chút phẩm hạnh cũng không có, hắn mới động thủ cậu đã vội ngăn lại, thế mà cũng không ngăn được hai dấu chân tím bầm trên lưng chưởng quầy.

“Tần thúc cực khổ rồi.” Trọng Khanh áy náy nhìn lão chưởng quầy.

Lão chưởng quầy cười xều xòa, nhiêu đây nhằm nhò gì. Ai buôn bán ở thành Liễu Dương mà chẳng phải chịu chút dọa dẫm của bọn người hầu phủ. Họ không phải không nghĩ đến việc tố cáo lên trên, thế nhưng tri huyện cùng hầu phủ thông đồng bưng bít cả, chút chứng cớ đều bị chúng xóa sạch huống chi là tố cáo. May mắn lão gia đã về, có thể nhân cơ hội tra xét sổ sách giả của An Dương hầu, đoán chừng tìm được chứng cớ ở đó. Thật ra chứng cứ chỉ cần một hai sai lệch sổ sách cũng đủ rồi, hơn trăm hộ ở Liễu Dương thành làm nhân chứng cũng không phải để trưng cho có. Đáng tiếc họ tìm bao năm nay cũng không được chút chứng cứ này. Nếu chút đau này của lão có thể giúp được trăm hộ Liễu Dương thoát khỏi bốc lột thì có hề chi.

Tần chưởng quầy không chỉ khiến Trọng Khanh không khỏi cảm phục mà còn giúp cậu hiểu biết thêm trình độ y học nơi đây. Mộc quốc tôn thờ Mộc thần, phàm là thực vật đều dùng thái độ nhiệt tình mà nghiên cứu. Huống chi nhờ Mộc thần bảo hộ, thảm thực vật ở đây thật sự đặc biệt phong phú, dược liệu cùng thực vật có giá trị dinh dưỡng cao đều rất dồi dào. Cũng vì vậy mà y học ở Mộc quốc cường thịnh nhất Đại Lục này. Thế nhưng dù nền y học ở đây có thâm sâu đến đâu thì vết bầm trên lưng Tần thúc vẫn mất một tuần mới hoàn toàn tan máu bầm. Trọng Khanh nhớ đến lọ thuốc giúp vết thương của Tiểu Nhạc đóng vảy chỉ trong một đêm, lòng không khỏi có chút gợn sóng.

“Nhìn đệ làm gì, trên mặt đệ có chữ à?” Lâm Nhạc vỗ vỗ sách lên trán ca ca ngốc. Sáng nay ca ca nó trở về từ tiệm vải liền ngẩn người liên tục, khiến nó không khỏi lo lắng. Dẫu biết nghe trộm là không tốt nhưng nó vẫn lo Khanh ca ngốc rước nguy hiểm lên người nên không kiềm được việc ngồi trước thư phòng nghe lén. Cũng không thể trách đứa nhỏ này. Từ lúc đến Bách gia Lâm Nhạc vẫn chỉ ở bên Bách phu nhân là chủ yếu, không giống Trọng Khanh thường xuyên đi theo Bách lão gia luôn tin tưởng người cha nuôi kia. Vậy nên dẫu vẫn nghe thanh danh Bách đại nhân thanh liêm chính trực, nó vẫn không kìm được mà lo lắng.

“Tiểu Nhạc này…”

“Gì cơ?” Đứa nhỏ nghiêng đầu. Thực sự xảy ra chuyện gì rồi sao?

Trọng Khanh hạ mắt, lắc lắc đầu, rồi lại ôm Lâm Nhạc lên đùi không chịu buông. Cậu không phải chưa từng tò mò thân thế Lâm Nhạc, nhưng cũng mơ hồ nhận ra sự kiêng kỵ của Tiểu Nhạc đối với đề tài này. Nếu nói thân thế cậu là không biết giải thích ra sao thì thân thế đứa nhỏ này lại là tuyệt không được giải thích. Lòng thiếu niên dâng lên sợ hãi mơ hồ, liệu đứa nhỏ này có một ngày nào sẽ bỏ cậu đi? Mà lòng đứa nhỏ lại càng rối rắm ca ca nó rốt cuộc gặp chuyện gì.

Hai huynh đệ cứ như thế ngẩn người trong thư phòng cả một buổi chiều, thẳng đến khi Tần chưởng quầy chạy đến Bách gia báo án An Dương hầu có chuyển biến!

Tác giả có lời muốn nói: ôm mặt khóc đăng chương mới...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play