Một ngày tháng Năm nọ, cư dân Avonlea xôn xao vì vài mẩu “Tin vắn Avonlea” ký tên là “Người quan sát” xuất hiện trên tờ Tin hằng ngày của Charlottetown. Người ta đồn tác giả của hàng loạt mẩu tin trên chính là Charlie Sloane, một phần vì anh chàng Charlie này từng dấn thân vào nghiệp viết lách trong quá khứ, một phần vì một trong những mẩu tin vắn trên có ý chế nhạo Gilbert Blythe. Giới trẻ Avonlea khăng khăng cho rằng Gilbert Blythe và Charlie Sloane hiện đang là đối thủ tranh giành tình cảm của một cô nàng có đôi mắt xám và giàu trí tưởng tượng.
Như thường lệ, tin đồn hoàn toàn sai bét. Gilbert Blythe được Anne tiếp tay và hỗ trợ, đã viết các mẩu tin trên, đồng thời viết một bài tự châm chọc mình để làm bình phong che giấu thân phận. Chỉ có hai mẩu tin vắn có liên quan đến câu chuyện này:
“Nghe đồn rằng sẽ có một đám cưới diễn ra trong làng chúng ta trước mùa hoa cúc. Một công dân mới đáng kính trọng sẽ dẫn một trong những quý cô được ngưỡng mộ nhất của chúng ta ra trước bàn thờ Chúa.”
“Bác Abe, nhà tiên tri thời tiết nổi tiếng của chúng ta, dự đoán rằng sẽ có một cơn bão sấm sét dữ dội vào chiều tối ngày 23 tháng Năm, bắt đầu vào đúng bảy giờ. Khu vực ảnh hưởng của cơn bão mở rộng ra gần khắp tỉnh. Những người cần phải ra ngoài vào chiều tối hôm đó nhớ cầm theo dù và áo mưa.”
“Bác Abe quả có dự đoán một cơn bão diễn ra vào mùa xuân này,” Gilbert nói, “nhưng cậu cho rằng ông Harrison đi tán tỉnh Isabella Andrews thật sao?”
“Không đâu,” Anne phá lên cười, “tớ chắc là ông ấy chỉ đi chơi cờ với ông Harmon Andrews thôi, nhưng bà Lynde nói rằng bà ấy biết chắc Isabella sắp kết hôn, vì cô ấy trông rất vui vẻ mùa xuân này.”
Bác Abe đáng thương khá bất bình với những mẩu tin trên. Ông nghi ngờ rằng “Người quan sát” muốn giễu cợt mình, ông giận dữ phủ nhận việc xác định ngày cụ thể cơn bão xảy ra, nhưng chẳng ai tin ông cả.
Cuộc sống ở Avonlea vẫn tiếp diễn theo nhịp điệu êm đềm vốn có và thỉnh thoảng có chút thăng trầm. Kế hoạch “trồng cây” bắt đầu tiến hành, các cải tiến viên tổ chức ngày trồng cây. Mỗi cải tiến viên xung phong, hoặc được yêu cầu phải xung phong, trồng năm cây non. Vi hội hiện có bốn mươi thành viên, tổng cộng có hai trăm cây non được trồng. Yến mạch non xanh ngắt phủ lên những cánh đồng đất đỏ; những cây táo trổ hoa rực rỡ vây quanh các nông trại tựa như nữ hoàng tuyết đang trang điểm cho ngày cưới. Anne thích mở cửa sổ khi ngủ để hương hoa anh đào phất phơ trên mặt suốt đêm. Cô cho rằng như vậy rất nên thơ. Bà Marilla lại nghĩ rằng cô đang đùa với tính mạng.
“Lễ Tạ ơn nên được tổ chức vào mùa xuân,” Anne nói với bà Marilla vào một buổi chiều nọ, khi họ ngồi trên bậc cửa trước lắng nghe điệp khúc âm vang của lũ ếch nhái. “Cháu nghĩ như vậy sẽ tốt hơn là tổ chức vào tháng Mười một, khi vạn vật đều tàn rụi hay say ngủ. Thế thì chúng ta phải cố nhớ lại mới có thể cảm thấy biết ơn Chúa; nhưng vào tháng Năm thì ta không thể không cảm thấy biết ơn Chúa trời... rằng ta đang sống, nếu không vì bất cứ điều gì khác. Cháu có cảm giác y hệt như Eve có lẽ đã cảm thấy trong Vườn Địa đàng trước khi rắc rối nảy sinh, cỏ ở thung lũng đằng kia màu xanh hay vàng rực vậy? Với cháu, bác Marilla ạ, một ngày đẹp đẽ đến nhường này, hoa tươi nở rộ, làn gió chẳng biết thổi tiếp đi đâu vì cảm thấy sung sướng đến điên cuồng, nhất định chẳng khác gì mấy với thiên đường.”
Bà Marilla trông choáng váng, lo lắng nhìn quanh để đảm bảo rằng hai đứa trẻ sinh đôi không đứng trong tầm nghe. Ngay lúc đó, chúng bước ra từ góc nhà.
“Chiều nay đúng là một buổi chiều thơm khủng khiếp, phải không?” Davy hít hà vui sướng, bàn tay cáu bẩn vung vẩy cây cuốc. Khi nãy nó vừa làm việc trong mảnh vườn của mình. Mùa xuân này, bà Marilla muốn tận dụng niềm đam mê nghịch bùn nghịch đất sét của Davy thành chuyện có ích hơn nên đã phân cho nó và Dora một mảnh đất nhỏ để làm vườn, cả hai đều hăng hái bắt tay làm việc, đương nhiên với hai phong cách đặc trưng khác nhau. Dora gieo hạt, nhổ cỏ dại, tưới nước một cách chăm chỉ, có hệ thống và thản nhiên. Kết quả là mảnh đất của cô bé xanh um những luống rau và hoa ngắn ngày ngay hàng thẳng lối đều tăm tắp. Còn Davy thì làm việc sốt sắng có thừa nhưng lại thận trọng không đủ, nó đào, xới, cào cỏ, tưới nước, ghép cành một cách hăng hái đến mức những hạt giống chẳng có cơ hội để nảy mầm.
“Vườn của cháu sao rồi, cậu bé Davy?” Anne hỏi.
“Khá là chậm,” Davy thở dài. “Cháu chẳng hiểu nổi vì sao mấy thứ đó chẳng phát triển tốt hơn được. Milty Boulter nói chắc cháu đã gieo hạt lúc không có trăng, đó là nguyên nhân của mọi rắc rối. Nó nói không bao giờ được gieo hạt, giết heo, cắt tóc hay làm những chuyện quan trọng khi trăng tàn. Có phải vậy không cô Anne? Cháu muốn biết.”
“Có lẽ nếu cháu không nhổ cây lên xem mỗi ngày để xem chúng lớn ra sao ở 'đầu bên kia' thì chúng sẽ phát triển tốt hơn đấy,” bà Marilla châm biếm.
“Cháu chỉ nhổ có sáu cây thôi mà,” Davy phản đối. “Cháu muốn xem có giòi ở rễ hay không. Milty Boulter nói nếu không phải lỗi của mặt trăng thì nhất định là giòi giở trò. Nhưng cháu chỉ tìm thấy mỗi một con giòi. Con giòi đó to đùng béo mập mọng nước lại còn xoăn xoăn nữa chứ. Cháu đặt nó lên một cục đá rồi dùng một cục đá khác đập nó bẹp dí. Nó kêu chót một tiếng thiệt vui tai. Cháu tiếc là không có nhiều giòi hơn. Vườn của Dora gieo hạt cùng lúc vởi cháu, nhưng mấy thứ cây cỏ của nó mọc ngon lành. Vậy thì không thể do mặt trăng gây nên được,” Davy kết luận với vẻ trầm tư.
“Bác Marilla, nhìn cây táo kia kìa,” Anne nói. “ôi, y hệt như người thật vậy. Nó đang vươn những cánh tay dài rón rén vén chiếc váy hồng lên khiến chúng ta ngắm nhìn một cách ngưỡng mộ.”
“Những cây táo Nữ Công Tước Vàng luôn sai quả,” bà Marilla hài lòng nhận xét. “Cái cây đó năm nay sẽ lúc lỉu quả cho coi. Bác rất mừng... quả của nó làm bánh nướng ngon tuyệt.”
Nhưng không có bất kỳ ai, kể cả bà Marilla và Anne có phúc được làm bánh nướng từ những trái táo Nữ Công Tước Vàng năm đó.
Ngày hai mươi ba tháng Năm đã đến... một ngày ấm áp lạ thường, không ai nhận ra điều đó rõ ràng hơn Anne và đám học trò nhỏ đông đúc như một bầy ong của cô, bọn họ đổ mồ hôi nhễ nhại, tính toán, chia động từ trong phòng học Avonlea. Gió nóng hực thổi suốt buổi sáng, nhưng sau buổi trưa thì trời lặng gió, không khí nặng nề. Lúc ba giờ rưỡi, Anne nghe thấy tiếng sấm ì ầm. Cô lập tức cho nghỉ học để đám trẻ có thể về kịp nhà trước khi cơn bão tới.
Khi họ đi ra sân chơi, Anne cảm nhận thấy bóng tối và bầu không khí ảm đạm bao trùm dẫu mặt trời vẫn đang chiếu sáng rực rỡ. Annetta Bell níu chặt tay cô vẻ lo lắng.
“Ôi, cô giáo ơi, nhìn cái đám mây khủng khiếp kia kìa!”
Anne nhìn theo và kêu lên hốt hoảng. Phía Tây Bắc, mây ùn ùn kéo tới, cả đời cô chưa từng thấy cảnh tượng như thế lần nào. Mây đen kìn kịt, viền xoắn lam nham ửng màu trắng lóa. Nó lan ra khắp bầu trời trong xanh, đem lại cảm giác đe dọa không diễn tả nổi. Thỉnh thoảng một tia chớp lóe sáng xuyên qua đám mây đen, kéo theo một tiếng gầm man rợ. Mây đen sà thấp xuống đến nỗi dường như chạm vào ngọn cây trên các đỉnh đồi.
Ông Harmon Andrews đánh chiếc xe thùng của mình lách cách chạy lên đồi, thúc mấy con ngựa xám chạy hết tốc lực. Ông cho xe dừng lại ngay đối diện trường học.
“Xem ra bác Abe cũng đoán trúng được một lần trong đời, Anne ạ,” ông gọi lớn. “Cơn bão của bác ấy tới sớm hơn dự đoán một chút. Cháu có bao giờ thấy đám mây nào như thế chưa? Này, mấy cậu bé cô bé, ai đi về hướng nhà tôi thì leo lên nào, số còn lại nếu nhà cách trường hơn một phần tư dặm thì chạy ngay vào bưu điện và ở trong đó cho đến khi tạnh mưa.”
Anne nắm chặt tay của Davy và Dora rồi chạy như bay xuống đồi, băng qua lối Bạch Dương, thung lũng Tím và hồ Liễu Rủ với tốc độ nhanh nhất mà cặp chân bụ bẫm của hai đứa trẻ sinh đôi chịu nổi. Họ tới Chái Nhà Xanh vừa kịp lúc và gặp bà Marilla vừa chạy đến cửa, sau khi đã đuổi gà vịt vào nơi trú ẩn. Khi họ lao vào bếp thì ánh sáng đã tắt lịm như bị thổi bay đi; đám mây khủng khiếp che khuất mặt trời, bóng tối bao trùm khắp nơi như thể đang lúc chiều muộn. Vào đúng lúc đó, sau tiếng sấm vang rền và ánh chớp lóa mắt, những hạt mưa đá ào ào trút xuống, cơn cuồng nộ trắng xóa làm mờ hết cảnh vật.
Trong cơn bão táp ầm ầm, lờ mờ nghe được tiếng cành gãy va vào nhà và tiếng kính vỡ chói tai. Trong vòng ba phút, tất cả kính cửa sổ ở phía Tây và phía Bắc đều vỡ tan, mưa đá ập vào qua lỗ hổng, phủ đầy sàn nhà, hạt nhỏ nhất cũng to bằng quả trứng gà. Suốt bốn mươi lăm phút, cơn bão thịnh nộ hoành hành liên tục, không ai từng trải qua có thể quên được nó. Lần đầu tiên trong đời, bà Marilla mất đi sự bình tĩnh thường ngày mà phát hoảng thực sự, bà quỳ xuống cạnh chiếc ghế bập bênh trong góc bếp, nức nở và thổn thức giữa những chuỗi tiếng sấm inh tai. Anne mặt trắng bệch, kéo chiếc xô pha ra xa cửa sổ rồi ngồi xuống ôm lấy hai đứa trẻ ở hai bên. Ngay tiếng sấm đầu tiên, Davy đã rú lên, “Cô Anne ơi, cô Anne ơi, có phải đây là Ngày Tận thế không? Cô Anne ơi, cô Anne ơi, cháu sẽ không bao giờ dám hư nữa,” rồi cứ vùi mặt vào lòng Anne, thân hình bé nhỏ run lên cầm cập. Dora mặt hơi tái một chút nhưng vẫn còn khá bình tĩnh, tay bíu chặt lấy tay Anne, lặng thinh bất động. Kể cả một cơn động đất cũng chưa chắc có thể lay động Dora.
Thế rồi, cũng đột ngột như khi bắt đầu, cơn bão chấm dứt. Mưa đá tạnh hẳn, tiếng sấm lầm bầm lẩn về phía Đông, ánh mặt trời sáng rực vỡ òa chiếu rọi một khung cảnh đã đổi khác hẳn, thật không tin nỗi sự cải biến đó chỉ diễn ra trong vòng bốn mươi lăm phút ít ỏi.
Bà Marilla chống gối đứng dậy, lả người run lẩy bẩy rồi ngồi phịch xuống ghế bập bênh của mình. Mặt bà xanh xao và trông bà như già thêm mười tuổi.
“Chúng ta sống sót hết cả chứ?” bà nghiêm trang hỏi.
“Hết chứ, cá luôn,” Davy vui vẻ đáp lời, giờ đã khá bình tĩnh lại. “Cháu chả sợ tí nào... chỉ hơi ớn một chút lúc đầu thôi. Nó đến bất ngờ quá. Cháu đã vội vàng quyết định sẽ không đánh thằng Teddy Sloane vào thứ Hai như đã hứa, nhưng giờ có lẽ cháu sẽ cứ tẩn nó thôi. Này, Dora, nói đi, em có sợ không?”
“Vâng, em có sợ một chút,” Dora nghiêm túc đáp, “nhưng em nắm chặt tay cô Anne và lặp đi lặp lại lời cầu nguyện.”
“Ồ, anh chắc cũng sẽ cầu nguyện nếu nhớ ra,” Davy nói, “nhưng,” nó đắc thắng thêm vào, “em thấy đó, anh cũng thoát thân an toàn như em dẫu chẳng hề cầu nguyện tí nào.”
Anne rót cho bà Marilla một ly rượu phúc bồn tử cực mạnh... món rượu ấy mạnh thế nào thì hồi nhỏ Anne đã có cơ hội nếm thử... rồi mọi người bước ra cửa để nhìn quang cảnh kỳ lạ trước mắt.
Một tấm thảm trắng rộng mênh mông toàn là tinh thể đá sâu đến đầu gối, đá chất đống dưới mái hiên và trên bậc thềm. Ba bốn ngày sau, khi những hạt mưa đá tan chảy, sự tàn phá chúng gây ra có thể nhìn thấy rõ ràng, bởi bất cứ cành cây ngọn cỏ nào trong vườn hay ngoài đồng đều bị đánh bẹp. Trên những cây táo, chẳng những không còn bông hoa nào mà cành cây tán lá đều bị bẻ gãy. Và toàn bộ hai trăm cây non do các Cải tiến viên trồng đều bị bật gốc hay nát tan từng mảnh.
“Chẳng lẽ đây chính là thế giới cách đây một tiếng đồng hồ trước hay sao?” Anne ngây người. “Tàn phá nhiều đến vậy phải tốn nhiều thời gian hơn chứ.”
“Cơn bão lớn thế này chưa từng xảy ra ở đảo Hoàng Tử Edward,” bà Marilla nói, “chưa bao giờ. Bác nhớ khi bác còn nhỏ cũng có một trận bão tệ hại, nhưng chẳng đáng gì so với lần này. Chúng ta sẽ nghe được nhiều vụ thiệt hại khủng khiếp đây, cháu cứ chắc chắn là như thế đi.”
“Cháu thực sự hy vọng sẽ không có đứa trẻ nào bị kẹt lại trong cơn bão,” Anne lo lắng lẩm bẩm. Sau đó, cô được biết không có đứa trẻ nào xảy ra chuyện, vì những đứa ở xa trường đều nghe theo lời khuyên khôn ngoan của ông Andrews mà lánh nạn trong bưu điện.
“John Henry Carter đến kìa,” bà Marilla nói.
John Henry lội qua những hạt mưa đá, miệng cười nhăn nhưng vẫn đượm vẻ sợ hãi.
“Ôi, thật khủng khiếp quá phải không, bác Cuthbert? Ông Harrison bảo cháu sang đây xem mọi người có ổn không.”
“Không có ai chết cả,” bà Marilla u ám đáp, “Và không nhà chính nhà phụ nào bị sét đánh cả. Tôi hy vọng bên ấy cũng được như vậy.”
“Ồ bác ơi, không được tốt vậy đâu ạ. Bên nhà cháu bị sét đánh trúng. Tia sét đánh gãy ống khói nhà bếp, xuyên xuống hất đổ lồng của Gừng, xoáy một lỗ sâu trên sàn tới tận tầng hầm. Chính thế đấy bác ạ.”
“Gừng có sao không?” Anne hỏi.
“Thưa cô. Nó bị thương rất nặng. Chết toi rồi.”
Lát sau, Anne đi sang an ủi ông Harrison. Cô thấy ông ngồi bên bàn, run rẩy vuốt ve xác của Gừng.
“Gừng đáng thương sẽ không mắng cháu nữa đâu, Anne ạ,” ông buồn bã thốt.
Anne không bao giờ có thể tưởng tượng ra mình sẽ khóc vì Gừng, nhưng nước mắt của cô chợt ứa ra.
“Nó là bầu bạn duy nhất của tôi, Anne ạ... vậy mà giờ nó chết rồi. ôi, ôi, tôi đúng là một lão già ngốc khi buồn đau như thế. Tôi sẽ tỏ vẻ chẳng quan tâm gì. Tôi biết cháu sẽ nói vài lời an ủi ngay khi tôi câm miệng lại... nhưng đừng nhé. Nếu cháu làm thế thì tôi sẽ òa lên khóc như một đứa bé mất. Cơn bão này thật khủng khiếp phải không? Tôi đoán mọi người sẽ không dám chê cười những lời tiên đoán của bác Abe nữa. Dường như mọi cơn bão không-xảy-ra mà ông ta từng tiên đoán cả đời mình đã đồng loạt ập tới. Thật không ngờ nó lại diễn ra đúng boong ngày luôn, phải không? Nhìn cái đống hỗn độn mà chúng ta phải chịu này. Tôi phải nhanh chân kiếm vài tấm ván lấp cái lỗ trên sàn thôi.”
Ngày hôm sau, người dân Avonlea chẳng làm gì khác ngoại trừ đi thăm viếng lẫn nhau và so sánh mức độ thiệt hại. Xe ngựa không chạy được vì đá chắn đường, vì vậy họ phải đi bộ hay cưỡi ngựa. Thư từ đến trễ với đủ mọi tin xấu từ khắp tỉnh. Nhà bị sét đánh, người chết và bị thương, hệ thống điện thoại và điện tín hỗn loạn, những gia súc nhỏ thả ngoài đồng đều chết sạch.
Sáng sớm hôm sau, bác Abe lội ra lò rèn, vào và ở đó cả ngày. Đó là giây phút chiến thắng của bác ta và bác ta tha hồ mà tận hưởng. Nói bác ta vui vì cơn bão đã xảy ra là sai, nhưng dù gì cơn bão cũng đã diễn ra, nên bác ta vui vì đã dự đoán đúng... ngày cũng chính xác nữa. Bác Abe quên mất là mình từng phủ nhận ngày cụ thể diễn ra cơn bão. Còn chênh lệch vài giờ đồng hồ thì chẳng đáng gì.
Tối hôm đó, Gilbert ghé qua Chái Nhà Xanh thấy bà Marilla cùng Anne đang bận bịu đóng đinh vải dâu lên các ô cửa sổ vỡ.
“Có trời mới biết chừng nào chúng ta mới mua được kính thay,” bà Marilla nói. “Trưa nay ông Barry đi Carmody nhưng chẳng kiếm được một mảnh kính nào dù trả giá bao nhiêu. Tiệm Lawson và Blair đã bị dân Carmody vét sạch từ mười giờ. ở White Sands cơn bão có khủng khiếp lắm không, Gilbert?”
“Phải nói là có. Cháu bị kẹt lại trường với đám học trò, và cháu nghĩ một vài đứa sợ đến mất trí. Ba đứa ngất xỉu, hai cô bé lên cơn kích động và Tommy Blewett gân cổ rú lên suốt thời gian cơn bão diễn ra.”
“Cháu chỉ hét có mỗi một tiếng,” Davy tự hào. “Khu vườn của cháu nát bấy cả,” nó buồn bã thốt, “nhưng vườn của Dora cũng thế,” nó thêm vào với giọng trong rủi cũng có may.
Anne chạy xuống từ chái Tây.
“Ôi, Gilbert, cậu có nghe tin chưa? Ngôi nhà cũ của ông Levi Boulter bị sét đánh trúng cháy rụi rồi. Tớ cảm thấy mình thật chẳng ra sao khi vui vì điều đó, khi mà khắp nơi bị thiệt hại đến vậy. Ông Boulter nói rằng Hội Cải tạo đã cố ý phù phép ra cơn bão này.”
“Ồ, có một chuyện hoàn toàn chắc chắn,” Gilbert phá lên cười, “ 'Người quan sát' đã khiến danh tiếng nhà tiên tri thời tiết Abe nổi như cồn. 'Cơn bão của bác Abe' sẽ được ghi vào lịch sử địa phương. Đúng là một sự trùng hợp khác thường, nó xảy ra đúng vào ngày chúng ta đã chọn. Thực sự tớ có cảm giác hơi tội lỗi, cứ như là tớ 'phù phép' gọi nó vậy. Dù sao thì chúng ta cứ vui vẻ vì căn nhà cũ đó bị xóa bỏ đi, bởi chẳng có mấy chuyện để mà vui vẻ nữa, nhất là liên quan đến mấy cái cây non. Chưa tới mười cây còn sống sót.”
“À, chúng ta sẽ phải trồng lại từ đầu vào mùa xuân tới thôi,” Anne nói vẻ đầy tư lự. “Đó là một trong những điểm tốt của thế giới này... chắc chắn sẽ luôn có thêm nhiều mùa xuân nữa.”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT