Không khí buổi sáng đang rất căng thẳng chợt Mao ợ một tiếng, phả ra mùi cá hồi nướng vừa ăn ban nãy.
“Tớ xin lỗi.”
Hơi thở đi kèm câu nói có màu trắng.
Hai bên má Mao ửng đỏ, không biết do xấu hổ hay do lạnh. Có lẽ là cả hai. Và cả chút e thẹn nữa. Bởi dưới lớp áo khoác kia, nàng đang mặc áo len của tôi.
Nghĩ là, sự thể đã thành như thế.
Tối qua, như lẽ thường, chúng tôi hẹn nhau, và như thường lệ, cùng nhau ăn tối. Lẽ ra, chúng tôi phải vẫy tay chào tạm biệt. Nhưng khi tàu dừng để Mao xuống đổi tàu, tôi đã nắm tay Mao, giữ nàng ở lại. Cứ nghĩ sắp tới còn lâu mới gặp lại nàng, tôi không thể ngăn mình làm vậy.
Tàu dừng chỉ vài chục giây mà tôi thấy dài như thế kỷ. Phải đến khi hồi còi báo hiệu xuất phát dứt, cửa tàu đóng, Mao mới đáp lại cái nắm tay của tôi.
“Con không kịp bắt chuyến cuối của tuyến Noda nên sẽ ngủ lại nhà đứa bạn cùng công ty. Vâng, ở Musashi-koyama. Mai được nghỉ nên khoảng gần trưa con sẽ về.”
Mao thông báo với người nhà như vậy qua điện thoại.
Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến nàng nói dối. Ga Mao xuống không phải Musashi-koyama thuộc tuyến Tokyu Meguro mà là ga Kami-igusa thuộc tuyến Seibu Shinjuku, nghĩa là ga gần căn hộ của tôi nhất.
Lúc Mao gọi điện, dù thấy có lỗi với bố mẹ nàng nhưng tôi chỉ biết nín thở để tiếng mình không bị lọt vào điện thoại.
Chuyện ghé vào cửa hàng tiện lợi trước ga mua đồ uống, bàn chải, đồ vệ sinh cá nhân, chuyện cả hai hầu như không nói gì khi đi bộ từ ga về căn hộ hay chuyện vấp ngã ở thềm cửa, tất cả chỉ mới xảy ra tối qua mà tôi cứ ngỡ là từ lâu lắm.
Sáng nay, thứ Bảy, sau bữa sáng kiệm lời tại một quán ăn gia đình, chúng tôi đi dạo trong khu dân cư mà chẳng ai nói với ai câu nào.
Mỗi khi đi qua chỗ có bóng râm, cái lạnh từ dưới đế giày xộc lên khiến hai chân tôi run lẩy bẩy.
Hai con người mang mặc cảm tội lỗi băng qua khuôn viên đến Igusa Hachimangu để ra hồ Zenpukuji. Bầu trời trải rộng trên đầu.
Cơn gió nhẹ thổi tới làm mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Một cặp vợ chồng vừa bước sang tuổi xế chiều đi ngang qua chúng tôi, cất tiếng: “Xin chào.”
Vốn quen với việc chào hỏi người xa lạ, chúng ta đáp lại bằng giọng khàn khàn: “Chào hai bác.”
Bầy chim sẻ nấp trong bụi cây cất tiếng rôn rã. Tiếng hót như thúc giục bọn tôi: Mau nói gì đi.
“Lạnh thật. Tháng Một nên tất nhiên phải lạnh rồi nhỉ.”
Tôi lơ đãng nhìn về phía trước, lẩm bẩm một câu vu vơ. Từ sáng đến giờ tôi vẫn không dám nhìn thẳng vào mắt Mao.
“Nhưng đi bộ thế này tớ lại thấy ấm lên.”
Mao đưa hai tay lên miệng để hà hơi, mắt hết ngước lên nhìn bầu trời trong xanh lại nhìn xuống đàn vịt mỏ đốm dưới hồ. Duy có mặt tôi là nàng vẫn khéo léo né tránh.
“Bọn mình đi bộ cũng kha khá, cậu không sao chứ?”
“Ừ. Tớ ổn.”
Giọng Mao khó nhọc như thể sắp hết hơi khiến tôi càng thêm lo. Không phải tôi chưa từng biết đến phụ nữ nhưng cảm nhận được sự căng thẳng, bối rối của đối phương thì đây là lần đầu tiên.
Hồi còn là sinh viên, tôi có qua lại với một cô trong khoảng thời gian ngắn. Đó là cô gái không nghề nghiệp ổn định, làm thêm cùng tôi tại quán ăn gia đình. Chũng tôi cũng hẹn hò được vài lần, tặng quà cho nhau dịp Giáng sinh và có một lần duy nhất qua đêm cùng nhau.
Nếu hỏi tôi có thực sự yêu cô ấy không, tôi chỉ có thể trả lời rằng không biết, dù điều này nghe có vẻ vô trách nhiệm. Tôi ở cạnh cô ấy có lẽ không phải vì yêu mà chỉ vì muốn sắm vai một kẻ có người yêu như những người khác.
Ở quán ăn nơi chúng tôi làm việc có một bảng danh sách công việc, hằng ngày nhân viên sẽ rà soát và đánh dấu từng đầu việc trong danh sách đó, từ thay hộp gia vị đặt ở mỗi bàn cho đến kiểm tra lượng nước rửa tay trong phòng vệ sinh.
Khoảng thời gian chúng tôi yêu nhau cũng tương tự như công việc này. Lần lượt đánh dấu các đầu việc phải làm: “Buổi hẹn đầu tiên”, “Hôn trong lần hẹn thứ ba”, “Giáng sinh”, “Đi lễ đầu năm”, đánh xong mục cuối cùng cũng là lúc chẳng còn gì để làm nữa.
“Em có người khác rồi. Em muốn sống thật với lòng mình.”
Một hôm, cô ấy đột nhiên thông báo. Sau đó, cô ấy bắt đầu qua lại với một cậu nhân viên khác trong quán. Tôi xin nghỉ việc. Một câu chuyện, chỉ nhớ lại thôi cũng thấy vớ vẩn.
Nhưng với Mao, chúng tôi đã đi tới tận hôm nay mà không cần bất cứ bảng danh sách công việc nào. Bằng chứng cho việc đó hiện đang quay vòng vòng trong máy giặt ở nhà tôi.
Tôi đã rất ngạc nhiên, nhưng mặt khác cũng nghĩ đó mới đúng là Mao.
Hai mươi lăm tuổi, nếu muốn, hẳn nàng đã có hàng tá cơ hội. Trừ hồi cấp II ra, sau này chắc chắn có rất nhiều đàn ông tán tỉnh nàng. Việc nàng không chọn ai trong số đó mà lại chọn tôi thì cho đến sáng nay tôi vẫn không thực sự tin nổi.
Đi được nửa vòng hồ, chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế có ánh nắng. Mặt hồ bị ánh mặt trời phản chiếu nên hơi lóa mắt.
“Chỗ này ấm quá.”
Mao thì thầm rồi nheo mắt lại. Ánh nắng thật hợp với nàng.
Tôi đang đặt tay lên lòng bàn tay của Mao đang để trên đầu gối, nhẹ nhàng đan tay vào ngón tay nàng. Dường như dư âm của buổi tối căng thẳng hôm qua vẫn còn sót lại khiến vai Mao khẽ rung lên. Những xung động truyền qua có ngón tay, chạy lên tận ngực tôi.
Tay của Mao mềm và ấm, những ngón tay mong manh chừng như có thể bẻ gãy một cách dễ dàng.
Những lúc thế này, chẳng biết phải nói gì nên cứ từ nào xuất hiện trong đầu là tôi nói ra luôn từ đó.
“Cậu buồn ngủ không?”
“Không. Còn Kousuke?”
“Không.”
“Vậy à.”
Cuộc đối thoại tạm ngưng. Ngay cả Mao bình thường vẫn nói ào ào như suối nước nóng bị đào trúng thế mà sáng nay cũng trầm lặng khác thường.
“Tớ chuyển đến đây khi bắt đầu đi làm, cũng gần hai năm rồi.” Tôi lên tiếng vì không chịu nổi không khí im lặng. “ Nhưng bận việc này việc nọ nên tớ mới ra công viên này được khoảng ba lần thôi. Nghe bảo hôm nào gặp may là nhìn thấy cả chim bói cá đấy.”
Mao ngẩng ngay lên:
“Tớ từng nhìn thấy rồi.”
“Ở đâu?”
“Ở đây.”
“Hả?”
“Tớ chưa kể cho cậu à? Trường đại học của tớ cách đây một đoạn. Vì thế, thỉnh thoảng tớ vẫn đi dạo ở công viên Zenpukuji.”
Tôi biết Mao tốt nghiệp một trường nữ sinh nhưng không biết tên trường vì không hỏi. Mãi hôm nay tôi mới biết đó là một trường nữ sinh nổi tiếng trong vùng.
“Thế này có khi chúng mình đã từng đi lướt qua nhau cũng nên.”
Cảm thấy bất cứ một sự tình cờ nào, dù rất nhỏ cũng có thể là bằng chứng cho sự gắn kết mạnh mẽ giữa hai chúng tôi, tôi hào hứng nói.
“Làm gì có chuyện đó. Tớ ra trường một năm Kousuke mới đi làm cơ mà.”
Phải rồi. Tôi đang cố cái gì thế không biết.
“Chẳng biết tự lúc nào, Mao đã vượt qua tớ.”
“Thế ư?”
“Thì Mao tốt nghiệp một trường nữ danh tiếng, đi làm trước tớ một năm, giỏi giang, ngay cả lúc nói chuyện Mao cũng sáng suốt hơn tớ, chẳng hạn như vây giờ. Trong khi hồi cấp II thì hoàn toàn ngược lại.”
Tôi làm bộ hờn dỗi.
“Đâu có. Tớ chỉ đuổi theo Kousuke thôi, Kousuke học rất giỏi nên tớ cũng phải học chăm chỉ để theo kịp được Kousuke.”
Tôi nghe mà ngượng chín cả người.
“Tớ chưa bao giờ giỏi như Mao nói đâu, dù chỉ một giây.”
“Hồi đấy tớ thấy như thế. Cái gì Kousuke cũng biết, từ tiếng Anh, tiếng Nhật cho đến Toán.”
“Được rồi, cứ cho là vậy đi, còn cậu, sao lại học trường nữ sinh?”
“Vì tớ trượt đại học Tokyo.”
“Tok...”
Tôi không thốt nổi nên lời. Đại học Tokyo? Phải trưởng thành tới mức nào nàng mới thấy thỏa mãn đây? Nhưng đuổi theo tôi mà đi theo hướng đó là nhầm lẫn căn bản rồi.
Dõi theo mấy con chim le hôi đang bơi trên mặt nước, Mao nói tiếp:
“Tớ đăng ký vào những trường có tên Tokyo nhưng đúng là mấy trường đó thuộc đẳng cấp khác. Chỉ đọc đề thi thôi tớ còn chẳng hiểu đề đang hỏi gì. Cuối cùng trong số những trường tớ đỗ, chỉ có trường nữ sinh này là có thứ hạng cao, tớ cũng định học lại một năm nhưng bị bố mẹ thuyết phục nên tớ đã đi nhập học.”
“Sao cứ nhất định phải là Tokyo?”
Mao nhún vai:
“Hồi cấp II, Kousuke vẫn bảo ‘Sẽ học đại học ở Tokyo’ đúng không. Vì vậy tớ cũng đặt mục tiêu như thế. Nhưng cuối cùng lại vào trường nữ sinh, thật là ngược đời.”
Nếu đây không phải là công viên mà là căn hộ của tôi, chắc chắn tôi sẽ kéo Mao vào lòng. Tôi muốn ôm không chỉ cơ thể nàng mà cả sự đơn giản, nhẫn nại, ba phải đến kinh ngạc của nàng nữa.
Tôi vui nhưng đồng thời cũng cảm thấy có lỗi với nàng. Hóa ra câu nói của Mao khi xưa: “Tớ cũng muốn học đại học ở Tokyo” không phải ý nghĩ bột phát mà là một lời hẹn ước với tôi. Cũng vì lẽ đó mà lên cấp III, Mao phải học tận bốn tiếng một ngày. Chỉ cần Mao dành một phần nhỏ thời gian vùi đầu vào sách vở cho những thú vui khác, hẳn tuổi thanh xuân của nàng đã có ý nghĩa hơn. Cứ nghĩ vì mấy câu cằn nhằn vớ vẩn của mình mà tương lai của Mao bị thu hẹp, tôi không tài nào cười nổi.
Không thể nói ra cảm giác hiện tại, tôi đành ngồi im, Mao lên tiếng trước.
“Tớ luôn làm những thứ chẳng giống ai. Nhà mới của Kousuke cách nhà cũ chỉ hai mươi phút xe điện thôi đúng không? Hỏi cô giáo là tớ sẽ biết ngay địa chỉ, có thể đến gặp cậu dễ dàng, thế mà tớ cứ cố ‘để lại được học chung trường với Kousuke’ và biến nó thành mục tiêu. Đúng là ngược đời nhỉ.”
Tôi vẫn nhớ gương mặt đầm đìa nước mắt của Mao.
Hè năm lớp Chín, gia đình tôi chuyển đến sống tại một căn nhà xây sẵn ở ngoại vi thành phố Matsudo.
Hồi đấy cũng sắp tốt nghiệp nên tôi vẫn có thể ở lại trường cũ và đi học hằng ngày bằng xe điện, nhưng tôi đã chọn cách chuyển trường. Không chịu được việc bị coi là “trẻ mất kiểm soát”, tôi đã chuyển trường như để chạy trốn khỏi cảm giác cô độc và bị cô lập.
Tất nhiên là tôi vẫn nghĩ đến Mao nhưng lúc ấy, giữa chúng tôi bắt đầu xuất hiện những khoảng cách mà trước đây không có.
Mao không có gì thay đổi. Lên lớp Chín, tuy học khác lớp nhưng sau giờ học, hễ thấy tôi, Mao vẫn gọi “Kousuke” rồi chạy lại.
Người thay đổi là tôi. Là người chủ động nhưng sau nụ hôn bất ngờ ở công viên bạch quả, tôi trở nên rụt rè hơn. Việc ai đó càng ngày càng chiếm nhiều chỗ trong trái tim khiến tôi lo sợ. Chưa kể, xung quanh “ai đó” đó còn có những tin đồn nhức nhối và một gia cảnh phức tạp.
Tôi vẫn kèm Mao học như trước nếu được nhờ nhưng không còn những buổi nói chuyện phiếm đến lúc mặt trời lặn. Thậm chí tôi còn trốn khi thấy Mao loanh quanh tìm tôi ở hành lang hay cổng vào.
Mao đã nghĩ gì khi thấy tôi lảng tránh như vậy? Tôi không dám hỏi.
Vào một ngày nắng nóng khi kỳ nghỉ hè bắt đầu chưa được bao lâu, Mao tìm đến nhà tôi. Hôm sau nhà tôi sẽ chuyển đi nên đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng Mao ghé đến. Nhưng bộ dạng của Mao thật thảm hại, mắt sưng vù như tượng nữ thần thời Jomon, mặt thì đầm đìa nước mắt nước mũi.
Tôi cứ đứng đực ở bậu cửa chẳng biết làm thế nào thì mẹ tôi hớn hở chay ra kéo tay hai đứa ấn vào phòng tôi cùng hai cốc trà lúa mạch.
Ngồi đối diện nhau trong căn phòng trống chỉ còn mấy hộp các tông và chiếc giường tầng, chúng tôi hầu như chẳng nói chuyện gì cho tới lúc sẩm tối.
Trong lúc đó, Mao vẫn không ngừng khóc, xin thêm mấy cốc trà, xì mũi liên tục đến nổi thùng rác đầy ứ khăn giấy, đi vào nhà vệ sinh và cuối cùng đứng dậy thông báo: “Tớ về đây.”
Được mẹ tôi dúi cho một túi nilông có nho và bánh ma-đơ-len mà bà tiện tay nhét vào, Mao vẫy tay chào đầy đau khổ: “Cậu nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Nhớ đấy” rồi ra về dưới ánh hoàng hôn.
Nhìn theo dáng Mao, tôi băn khăn tự hỏi khoảng cách này muốn là gặp được ngay mà, sao phải khóc lóc thế?
Nghĩ lại hồi đấy tôi thấy mình thật ngớ ngẩn. Sao tôi lại tiếc công thông báo cho Mao địa chỉ chứ? Ít nhất, tôi cũng nên thu xếp một cuộc hẹn vào kỳ nghỉ hè. Nếu làm vậy, biết đâu mọi việc đã tiến triển theo hướng khác.
Ở nhà mới, tôi và em trai có phòng riêng, có trường mới, tôi được các bạn mới nhiệt liệt chào đón. Nhưng cuộc sống không có Mao thật vô vị.
Mao là chỗ dựa tinh thần duy nhất của tôi, dù nàng ngốc nghếch và toàn bị bắt nạt. Chỉ vì chút sĩ diện hão và cảm giác bất an mơ hồ, tôi đã vứt bỏ tất cả. Nếu không có cuộc hội ngộ tình cờ sau mười năm này, có lẽ đến cuối đời tôi cũng không thể gặp lại được Mao.
“Mao này.”
“Ừ?”
“Tớ rất vui được gặp lại cậu.”
“Tớ cũng thế.”
Kiểu nói chuyện thẹn thùng khiến chúng tôi cười rung cả vai.
Một bé gái chừng lớp Bốn, lớp Năm, tay dắt chú chó Corgi, len lén nhìn chúng tôi vẻ bồn chồn không yên. Tôi ngượng ngùng, mồ hôi rịn ra ướt đẫm tay nhưng lại không muốn buông tay Mao.
“Sau khi tớ chuyển trường, cậu còn bị bắt nạt không?”
“Tình hình có tệ hơn một chút.”
“Hả?”
“Nhưng chỉ còn một số đứa thôi. Nhất là những đứa suýt bị tớ vượt mặt về điểm số. Những đứa khác thấy thế có vẻ mất hứng nên số lượng đã giảm đi.”
“Một số ở đây có phải là bọn Ushioda trong vụ bơ thực vật không?”
“Ừ. Bọn đấy đấy.”
“Xin lỗi cậu. Nếu còn thằng bé mất kiểm soát bên cạnh chắc cũng ngăn chặn được phần nào.”
Thái độ nghiêm túc của tôi có vẻ trông buồn cười nên Mao lại cười rung cả vai.
“Không sao đâu. Sau khi bị tớ vượt mặt thì bọn nó cũng hiền lành hơn. Nghe nói bọn nó tốt nghiệp mà vẫn mang nỗi ấm ức của kẻ thua trận đấy.”
Mao kể những chuyện không mấy vui vẻ bằng giọng nói ngọt ngào như rót mật vào tai. Cảm giác như nhìn được cả nỗi sợ hãi của nàng, tôi thấy ớn lạnh xương sống. Phải đưa câu chuyện trở lại quỹ đạo thôi.
“Trải qua những chuyện như thế mà Mao vẫn cứ lớn lên.”
“Vì tớ có được một gia đình tốt. Mùa thu năm lớp Chín, bố mẹ chính thức làm thủ tục nhận tớ làm con nuôi, tớ cũng tự nhủ rằng không thể ỷ vào bố mẹ mãi được.”
“Vậy à. Nhờ có những trải nghiệm như vậy mà tầm nhìn của Mao vượt xa hơn tớ bao nhiêu. Hồi lớp Bảy, lớp Tám, tớ không bao giờ tưởng tượng được sẽ có ngày Mao chững chạc như một ‘người chị’ thế này đâu.”
“Tớ, là chị?”
Có lẽ vui nên Mao cứ vung vung bàn tay đang nắm tay tôi.
“Ừ, nhưng đôi khi vẫn trẻ con thế này này.”
Thấy tôi chỉ xuống tay, Mao thôi không vung nữa.
“Vậy tớ sẽ trở thành người điềm đạm hơn nhé.”
“Không cần đâu. Tớ yêu cả những tính cách trẻ con, hậu đậu đấy của cậu.”
Mao ngẩng lên nhìn tôi, cười chun mũi. Đây là lần đầu tiên Mao nhìn tôi trong sáng nay.
“Được khen thích thật.”
Tôi muốn hôn Mao. Tôi muốn cảm nhận đôi môi nàng. Nhưng bé gái kia vẫn cứ lén nhìn bọn tôi. Ra chỗ khác chơi đi.
Đợi cơn ham muốn bột phát tạm lắng xuống, tôi lại giở giọng hờn dỗi đầy đau khổ.
“Trong khi Mao không ngừng trưởng thành suốt mười năm qua thì tớ chẳng lớn thêm được chút nào.”
Mao lại vung bàn tay đang nắm tay tôi lên.
“Làm gì có chuyện đó. Tớ thấy Kousuke trưởng thành rất nhiều mà. Cậu có bao nhiêu là ưu điểm.”
“Ví dụ?”
Mao tránh không nhìn tôi.
“...”
“Quá đáng.”
“Không, không.” Mao khẽ siết chặt tay tôi hơn. “Tớ biết là cả hồi cấp II lẫn bây giờ, Kousuke đều trân trọng tớ.”
Mao nói thế làm tôi áy náy quá. Chẳng phải hồi cấp II, tôi đã nhiều lần đối xử lạnh lùng với nàng hay sao.
“Tớ xin lỗi vì hồi đó đã lạnh nhạt với cậu. Chỉ vì sợ mọi người xung quanh đàm tiếu mà tớ không dám đối diện trực tiếp với Mao. Tớ đúng là hạng công tử bột.”
Thấy tôi hối hận về cách cư xử mười năm trước, Mao liền an ủi tôi bằng giọng ấm áp.
“Nói gì thì nói, cậu lúc nào cũng ở cạnh tớ. Ngay cả lúc đi học về, dù bị tớ lẽo đẽo theo sau, cậu cũng không hề nổi cáu. Tuy rất ghét trường học nhưng khoảng thời gian được ở cùng Kousuke, tớ cảm thấy rất hạnh phúc. Bởi Kousuke rất tốt.”
“Tớ chẳng tốt đẹp gì đâu. Tớ xấu tính lắm. Tớ thậm chí còn tránh mặt Mao cơ.”
“Tại tớ dai như đỉa cơ mà.” Mao mỉm cười. “Nhưng nếu Kousuke xấu tính thì tớ không ở cạnh Kousuke thế này đâu.”
Mao mỉm cười tha thứ cho tôi. Chính nàng mới là người tốt.
“Tớ sẽ không bao giờ để Mao phải buồn nữa. Tớ sẽ dính chặt lấy cậu, đến nỗi cậu phai bảo tớ ‘lui ra’. Khi gặp Mao lần đầu, tớ vẫn còn trẻ con, nhưng ở lần gặp thứ hai này, tớ đã hiểu Mao quan trọng thế nào với tớ rồi.”
“Ừ, ừ.”
“Tớ yêu cậu.”
Câu nói cứ thế buột ra khỏi miệng tôi.
“Hả? Gì cơ?”
“Tớ yêu cậu. Mao à. Tuy có lúc, lời nói và hành động không theo đúng thứ tự nhưng tớ yêu cậu. Ngay cả công việc với Lara Aurore, nhờ có Mao mà tớ đã cố gắng. Tớ chỉ là nhân viên tép riu sắp làm được hai năm, có thể bị gạt ra khỏi dự án bất cứ lúc nào. Nhưng giờ tớ đã được tin tưởng ở mức độ nhất định. Tớ làm mọi chuyện cũng là vì không muốn mất mặt trước Mao. Tớ cứ bám lấy điều đó và đi được tới ngày hôm nay.”
Gương mặt xinh đẹp của Mao nhăn lại:
“Hi hi hi hi.”
“Không được cười.”
“Tớ đang vui mà. Nhưng tớ chưa nghe rõ lắm, cậu nhắc lại được không?”
“À, gì nhỉ.” Tự nhiên tôi lại thấy căng thẳng khi phải nhắc lại.
“Là...tớ...tớ...yêu...” Tôi líu lưỡi.
Trời đang rét căm căm mà lưng tôi ướt đẫm mồ hôi.
“Tớ cũng yêu tất cả những đặc điểm đó của Kousuke... Ôi chao, tự nhiên nói xong lại thấy tim đập thình thịch này.”
Mao siết chặt tay tôi, tôi cũng siết tay đáp lại.
Tôi chỉ yêu Mao thôi.
Tôi đã tin chắc như vậy khi nhìn thấy bầu mà đỏ ứng vì ngượng ngùng của Mao. Tôi sẽ không để mắt đến ai ngoài Mao. Với Mao, tôi có thể xoay xở mà chẳng cần đến một danh sách công việc tẻ nhạt.
Tôi định ôm ghì lấy nàng thì nghe thấy có tiếng thở phì phò dưới chân. Chẳng biết từ lúc nào, con chó giống Corgi đã xuất hiện ngay cạnh, ngước nhìn hai chúng tôi, miệng phả ra khói trắng.
Bé gái ban nãy giờ đã nhìn thẳng vào chúng tôi, chăm chú theo dõi tình hình. Có vẻ cô bé không nhận ra là mình vừa để sổng con chó.
“Chúng ta có khán giả kìa.”
Mao khóc dở mếu dở, quay sang cầu cứu tôi.
“Nếu không phiền, đoạn tiếp theo sẽ làm ở nhà tớ nhé?”
Ái chà! Một đề nghị mà chính tôi cũng thấy táo bạo.
“...Ừm, thế nhé.”
Tôi chỉ buột miệng nói nhưng không ngờ Mao gật đầu đồng ý ngay.
Rời khỏi ghế đá, chúng tôi trao con chó lại cho cô bé vẫn đứng ngây người ra rồi rời khỏi hồ nước.
Chúng tôi nắm tay nhau đi trong khu phố vẫn ngủ im lìm.
Mao lẩm nhẩm hát, miệng phả ra khói trắng. Tôi không nhớ bài hát này nhưng thấy nó rất hợp cho một buổi sáng cuối tuần.
Mao hát đi hát lại giai điệu trong sáng, du dương lúc trầm lúc bổng. Thi thoảng có đoạn phải xuống giọng đột ngột, Mao bị mất nhịp nhưng tôi chỉ im lặng, nghe tiếp giọng hát ngọt ngào như rót mật vào tai ấy.
__________
Tôi không tài nào lĩnh hội được ý nghĩa câu nói ấy.
Đó không phải là một câu khó hiểu. Ngược lại, câu nói của bố Mao rất rõ ràng, súc tích. Ông bảo: “Chuyện với Mao, cháu cứ thong thả suy nghĩ.”
Tôi không hiểu tại sao ông lại nói thế hay là ông buộc phải nói thế.
Đó là chiều muộn ngày Chủ Nhật. Bên ngoài cửa sổ treo rèm đăng ten, những cánh hoa mai khoe sắc dưới ánh mặt trời đang rung rinh trong gió.
Hôm nay lẽ ra là một ngày nghỉ trọn vẹn. Tôi về thăm con đường đi học khi xưa, đứng bên ngoài nhìn lại ngôi trường cấp II, ở chơi nhà Mao đến sẩm tối.
Nửa đầu đúng là như thế. Trước đó hai chúng tôi ghé qua nhà tôi, không khí lúc tôi giới thiệu Mao với bố mẹ vô cùng dễ chịu. Mẹ tôi, hình như vẫn nhớ Mao, cứ xuýt xoa: “Ồ, có phải cháu đến nhà cô hôm nhà cô chuyển đi phải không? Giờ xinh đẹp thế này ư?”, còn bố tôi chờ mãi mới có cơ hội được tham gia câu chuyện, sau khi biết Mao làm ở Ebisu liền thao thao kể về khu Ebisu hồi còn nhà máy bia Ebisu khiến mọi người bối rối mất một lúc.
“Cửa hàng sushi lâu đời ở khu này cũng mới sập tiệm rồi,” mẹ báo và gọi điện đặt sushi mang đến nhà rồi mở bia để chúc mừng. Như thể đánh hơi thấy mùi sushi, thằng em tôi đi làm thêm buổi tối xong rồi đi chơi tuốt đến sáng bỗng nhiên dẫn xác về. Thấy trong nhà xuất hiện một cô gái, nó cứ trố hết cả mắt ra nhưng chắc vì ngại nên chẳng dám nhìn Mao, chỉ im lặng chén sushi.
Sau khi hoàn toàn tâm đầu ý hợp với Mao, mẹ tôi lo ngay tới chuyện “Không biết chị Ikuyo ở Toyama có lên dự đám cưới được không?” làm tôi và thằng em phải nhắc: “Mẹ đừng gây áp lực linh tinh.” Cứ thế, tiếng cười và tâm trạng hân hoan kéo dài mãi không dứt.
Nhìn sang bố tôi nằm ngủ ngon lành trên thảm sưởi sau hai chai bia cỡ đại, mẹ tôi nài nỉ Mao ở lại ăn tối. Chúng tôi từ chối và vội vã rời đi.
Trong khi đó, lúc đến nhà Mao, không khí lại trái ngược hẳn.
“Dạ. Cháu xin phép.”
Sau khi xin phép bằng giọng yếu ớt đến nỗi chính tôi cũng thất vọng, tôi nhấp một ngụm trà đen. Trước đó, Mao bảo “Tớ cho vào nhé” rồi tự động cho cả đường lẫn sữa vào tách trà, thế mà trà vẫn chát. Đây là lần đầu tiên tôi thấy trà đen chát thế này.
“Bố thật quá đáng. Cậu ấy không được chỗ nào? Bố không thích con bỗng nhiên dẫn bạn trai về à?”
Ngồi cạng ghế sofa, giọng Mao run run. Mao có vẻ bị sốc với câu trả lời bất ngờ của bố hơn cả tôi, vẻ háo hức trên đường tới đây rơi rụng đâu hết cả.
Mới ban nãy thôi, Mao còn líu lo bảo “Nếu là Kousuke thì bố mẹ tớ sẽ vui mừng chào đón ngay. Tại hồi cấp II, tớ suốt ngày kể cho bố mẹ về Kousuke thôi,” thế mà giờ mặt nàng nhăn nhó vì tức giận và khó xử. Tôi thấy môi mình cũng run run lên khi nhìn Mao nên vội đưa mắt sang chỗ khác.
Đưa tay lên xoa bên má đã hằn sau những nếp nhăn, bố Mao nói như để thuyết phục con gái.
“Mao à, bố không nói Okuda không được. Bố chỉ bảo nên suy nghĩ thêm thôi. Vì hai đứa vẫn còn trẻ...”
“Con không còn trẻ nữa!” Mao hét lên , giọng đầy căm phẫn. “Con không trẻ đâu. Con có thể tự chọn được người yêu. Bố vẫn coi con là trẻ con không biết gì phải không?”
“Không phải. Không phải thế...”
Bố Mao lắc đầu, các nếp nhăn trên má sâu hơn.
“Cái gì không phải? Con đã hy vọng là bố hiểu con. Mẹ, bố quá đáng nhỉ?”
Nhưng mẹ Mao chỉ cụp mắt xuống, đáp: “Ý bố không phải là hai đứa nên chia tay. Con hãy hiểu cho bố.”
Lẽ nào bố mẹ Mao lăn tăn chuyện Mao là con nuôi? Nếu vậy thì bố mẹ Mao nhầm to rồi. Tôi không quan tâm đến chuyện đó, bản thân Mao cũng không bị mặc cảm kia.
Hay nguyên nhân nằm ở phía tôi? Dáng vẻ thô ráp với quần bò và áo khoác nhưng thay vì mang vest có lẽ đã hại tôi.
Sau khi tự kiểm điểm về cái lỗi gần như không tưởng ấy, tôi thấy hình như đó cũng không phải là lý do. Tôi đến đây không phải để hỏi cưới Mao và bố mẹ Mao cũng không phải kiểu người săm soi mấy chuyện vặt vãnh.
Vì chưa hỏi nên tôi không biết bố mẹ Mao bao nhiêu tuổi nhưng có vẻ lớn tuổi hơn bố mẹ tôi. Mái tóc húi cua của ông bố đã ngả nhiều sang màu trắng, còn bà mẹ ngồi cạnh tuy trông khá đẫy đà nhưng mu bàn tay và cổ đã có dấu hiệu của tuổi tác.
“Kousuke nói gì đi.”
Bị Mao véo tay, tôi bèn ấp úng đáp:
“Dạ, không phải cháu đến xin hai bác cho bọn cháu cưới ngay đâu ạ. Cháu đến gặp hai bác hôm nay tuy có hơi đường đột nhưng chuyện cháu yêu Mao không phải là ngẫu hứng nhất thời. Từ trước đến nay, cháu với Mao vẫn rất nghiêm túc và sau này cũng vậy. Hai bác sẽ cho phép cháu yêu Mao chứ?”
Tôi dứt lời, bố Mao liền đứng dậy, chẳng nói chẳng rằng đi về phía tủ và mở ngăn kéo.
Tôi và Mao nín thở theo dõi, không biết sắp có chuyện bất ngờ gì. Nhưng ông chỉ lấy ra bao thuốc lá nội và chiếc bật lửa dùng một lần.
“Mẹ nó lấy hộ tôi cái gạt tàn.”
Ông thở dài, quay lại ghế sofa mời tôi một điếu. Tôi từ chối vì không hút thuốc, bố Mao bảo “Xin phép anh” rồi đưa điếu thuốc lên miệng, Mao vặn vẹo:
“Bố đang cai thuốc cơ mà?”
“Bố vừa hết cai rồi.”
Ông châm lửa vào đầu điếu thuốc, hít một hơi dài rồi nhả khói xuống đầu gối. Mỗi động tác lại kèm theo một cái nhăn mặt, sau đó ông im lặng với điếu thuốc.
Trên đường đi lấy gạt tàn, mẹ Mao nhân thể bật quạt thông gió ở bếp, bật lò sưởi và đèn.
Có tiếng cánh quạt máy bay ầm ầm trên mái nhà, chắc là máy bay của căn cứ quân sự Shimofusa.
Tình hình này thì khó mà ở lại thêm được.
Vốn tôi dự định chào hỏi bố mẹ Mao cho phải phép xong sẽ vào phòng nàng xem giá sách, xem album ảnh thời cấp III và đại học. Thế mà giờ tôi lại mắc kẹt trong không khí ngột ngạt, tù túng ở phòng khách dưới thứ ánh sáng nhợt nhạt.
Chẳng biết nhìn vào đâu, tôi đành nhìn vào cái tủ bố Mao cất thuốc lá. Trên đó có một khung ảnh lồng bức hình chụp lần đi suối nước nóng hồi đầu năm. Trong ảnh, ba người trong gia đình đứng co ro vì lạnh, sau lưng là mương dẫn nước nóng bốc khói nghi ngút giữa trời tuyết rơi. Qua bức ảnh này, có thể thấy được sức mạnh gắn kết của gia đình Watarai qua cách bố trí cô con gái đứng giữa hai bố mẹ.
“Okuda này.” Bố Mao chậm rãi lên tiếng. “Cháu biết hoàn cảnh của Mao rõ đến đâu?”
Tôi liếc sang thăm dò nét mặt Mao thì thấy nàng đang nhìn tôi lo lắng. Tôi ra hiệu bằng mắt bảo nàng đừng lo rồi quay sang bố Mao.
“Việc Mao là con nuôi cháu đã biết từ mười năm trước. Cả chuyện sau đó gia đình bác chính thức nhận Mao làm con nữa.”
Tôi chỉ định chứng tỏ cho bố Mao thấy là chúng tôi không hẹn hòn kiểu ngày một ngày hai nhưng cách nói tôi có vẻ hơi ngạo mạn.
“Thế hả? Còn những chuyện trước đó?”
“Cháu không biết.”
“Chuyện hai bác vì sao nhận Mao về nuôi?”
“...Dạ chuyện đó thì...”
Trước giọng hỏi nhẹ nhàng nhưng đầy uy lực của bố Mao, các câu đáp của tôi cứ đuối dần.
“Bố! Bố bảo sẽ bỏ tật hỏi dồn người khác cơ mà.”
Bị Mao nhắc, bố Mao liền xin lỗi.
“Mao, con chưa kể cho Okuda à?” Người hỏi là mẹ Mao. Thấy con gái im lặng lắc đầu, bà mẹ hỏi tiếp: “Cả chuyện về trí nhớ cũng chưa?”
Trí nhớ?
Mao xị mặt rồi lại lắc đầu.
“Chuyện trí nhớ là thế nào ạ?”
Thấy tôi hỏi, đến lượt bố mẹ Mao quay sang nhìn nhau.
Sau khi rít một hơi thuốc dài đến nổi phát ra tiếng òng ọc, bố Mao nhả khói và thốt ra một cụm từ lạ hoắc:
“Chứng quên toàn bộ quá khứ.”
“Dạ.”
“Chứng quên toàn bộ quá khứ. Nghĩa là Mao bị mất hết ký ức.”
“Kìa ông.” Mẹ Mao xen vào. “Bác sĩ chỉ bảo nghi có khả năng đó thôi. Mao không bị thế đâu. Chắc chắn con nó bị một bệnh nhẹ hơn.”
“Đừng có trốn tránh thực tế. Còn tên gọi nào khác nữa?”
Tai tôi như thể đang phủ một lớp màng dày. Tiếng tranh cãi của bố mẹ Mao nghe xa xôi quá.
CHỨNG QUÊN TOÀN BỘ QUÁ KHỨ
Ý nghĩa của chuỗi âm thanh ấy không lọt được vào đầu tôi.
À, tôi hiểu rồi. Là chứng quên toàn bộ quá khứ. Tôi nhớ đã từng xem trong Chương trình phim tài liệu hay gì đó trên tivi. Nhưng Mao bị mất trí nhớ thật ư? Trông nàng khỏe mạnh như thế này cơ mà?
“Kousuke, cậu đừng tin những gì bố tớ nói nhé. Tớ chẳng bệnh tật gì đâu.”
Mao khẽ nói. Lúc này tôi chẳng còn đầu óc đâu để nghĩ cho Mao nữa nên thay vì gật đầu với nàng, tôi lại hỏi:
“Cậu không có trí nhớ à?”
Mao khẽ mấp máy môi nhưng rồi bị nghẹn lại, không cất nổi thành lời. Nhìn thấy con gái như vậy, mẹ Mao lên tiếng can thiệp:
“Mao ổn, rất ổn. Kết quả học tập của nó càng ngày càng tốt hơn, nó cũng tìm được công việc yêu thích và được nhận lương. Chỉ là nó không nhớ chuyện hồi bé thôi, còn lại mọi thứ đều ổn.”
“Không nhớ là từ lúc nào đến lúc nào ạ?”
Bố Mao trả lời câu hỏi của tôi:
“Từ lúc sinh ra cho tới khi được nhặt về.”
“Nhặt về?”
“Tôi đem con bé về khi thấy nó lang thang một mình ngoài đường. Đó là ngày 2 tháng Năm, cách đây 12 năm.”
Thấy tôi ngớ ra không hiểu, Mao bèn giải thích:
“Bố tớ là cảnh sát. Hàm trung úy. Mùa xuân sang năm sẽ nghỉ hưu.”
Thảo nào tóc ông cắt húi cua còn cách nói chuyện thì như tra khảo.
Nghe xong, tự nhiên tôi ngồi ngay ngắn hẳn lên dù biết chuyện hôm nay chẳng liên quan gì tới công việc.
“Ồ, thì ra bác là cảnh sát. Vậy...còn những người thân của Mao...”
“Chẳng có manh mối nào. Mao là tên được đặt sau khi bác đưa con bé về, tuổi thì dựa trên lời khai của Mao và kết luận của bác sĩ sau khi thăm khám, kiểm tra trí lực. Bác hoàn toàn không biết Mao đã ở đâu, làm gì trước khi bác đưa nó về ở tuổi mười ba.”
Nói xong, bố Mao dụi điếu thuốc chỉ còn một mẩu vào chiếc gạt tàn thủy tinh.
Tôi biết việc Mao là con nuôi của gia đình này từ ngày xưa. Nhưng biết mỗi việc đó cũng giống như chẳng biết gì. Chưa bàn đến chuyện bố mẹ đẻ của Mao còn sống hay không, tôi cứ đinh ninh rằng hiển nhiên Mao có bố mẹ đẻ. Còn chuyện Mao không có ký ức về quá khứ thì tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra.
Những thứ định nghĩa nên nàng như tên, tuổi đã biến mất như hạt cát rơi khỏi kẽ tay. Có thể Mao không cùng tuổi tôi, có thể nàng có một cái tên khác. Tôi biết tin vào thứ gì của nàng đây?
Ngồi cạnh tôi, Mao bắt đầu nài nỉ bố mẹ:
“Trước đây chúng ta đã thống nhất con không nhớ gì cũng được mà. Bố còn bảo: ‘Mao là Mao. Chỉ cần thế thôi.’ Con biết mình có lỗi khi giấu cậu ấy nhưng sao bây giờ bố mẹ lại lôi chuyện đó ra để phản đối bọn con?”
“Bố mẹ không phản đối.” Mẹ Mao lựa chọn từ ngữ. “Bố mẹ rất vui khi con dẫn người yêu về ra mắt. Mẹ cũng biết là Okuda yêu thương con. Mẹ hiểu tình cảm của hai đứa đến thắt lòng đây này.”
“Vậy thì ít ra mẹ cũng phải chúc phúc cho bọn con chứ. Sao lại thành ra thế này?”
Khuôn mặt phúc hậu của mẹ Mao méo xệch đi.
“Tại bố mẹ lo.”
“Bố mẹ lại coi con như trẻ con rồi. Việc con không có kỷ niệm ấu thơ nào thì đã sao? Con có phải đứa trẻ mười lăm tuổi đâu, năm nay con hai mươi sáu rồi, cả con và cậu ấy...”
Đang nói rất hăng, bỗng Mao dừng lại. Nàng sợ tôi thay lòng đổi dạ sau khi biết được bí mật của nàng chăng?
Phòng khách lại chìm trong yên lặng. Chỉ có tiếng quạt thông gió từ bếp vọng ra. Tiếng quạt đều đều đến lạc lõng ấy càng khiến tâm trí tôi thêm rối bời.
Nhân dạng của Mao mà tôi biết đã thay đổi. Không, nói đúng ra là nó không còn nữa. Những thứ tôi biết như tên, tuổi, ngày sinh hầu như đã bốc hơi hết.
“Kousuke...”
Mao nhìn tôi bằng ánh mắt tội nghiệp tôi chưa từng thấy ở nàng, kể cả lúc bị bắt nạt ngày xưa.
Tim tôi thắt lại.
Mới thấy Mao lo lắng thôi mà tôi đã không chịu nổi. Tôi muốn xua ngay đi những lo lắng ấy và trả lại nụ cười cho nàng.
Đúng thế. Tôi yêu Mao.
Đơn giản thôi. Tôi không yêu bản lý lịch hay cái tên của Mao. Tôi yêu một Mao tính khí thất thường nhưng luôn cố gắng, một Mao hơi kỳ cục nhưng rất tốt bụng. Những hạt cát tên tuổi, quá khứ đã trôi qua kẽ tay nhưng tình yêu thì vẫn còn nguyên trong lòng bàn tay.
“Nói thật là cháu rất sốc.” Tôi vừa mở miệng, lập tức ánh mắt của ba người còn lại chiếu thẳng vào tôi. Cố ghìm giọng xuống, tôi nói tiếp. “Cháu không hình dung nổi tình trạng không có ký ức. Nhưng kể cả vậy thì tình cảm của cháu vẫn không thay đổi. Cháu bất ngờ nhưng không sợ hãi. Đúng như bác trai nói, với cháu, Mao là Mao.”
Tôi cảm nhận được tiếng thở phào của Mao. Tôi rất muốn nắm tay nàng nhưng lại ngại bố mẹ nàng.
Mặc cho tôi thổ lộ rất chân thành, bố mẹ Mao vẫn giữ nguyên khuôn mặt rầu rĩ, quay sang nhìn nhau.
Trông bố mẹ như vậy, sự bất an hiện lên trong mắt Mao.
“Bố mẹ hiểu rồi chứ. Bố mẹ không cần lo lắng gì đâu.”
Nhìn tàn thuốc trong gạt tan, bố Mao đáp:
“Nhưng Mao này.” Giọng ông thấp và từ tốn. “Con không được làm phiền người khác đâu đấy.”
Càng lúc tôi càng không hiểu bố Mao nói gì. Không được làm phiền? Không biết hai người này đang lo gì cho Mao đây? Chẳng phải ban nãy mẹ Mao đã nói: “Chỉ là nó không nhớ chuyện hồi bé thôi, còn lại mọi thứ đều ổn” sao? Hơn nữa, làm gì có mối quan hệ yêu đương nào không gây phiền hà cho nhau, dù chỉ một chút. Tôi biết điều đó trước cả khi hẹn hò với Mao.
Bối rối không nói nên lời nhưng khi bình tĩnh lại, Mao chuyển ngay sang thế phản công.
“Thế là sao? Bố đừng nói như thể con là vật sở hữu của bố.”
“Bố không nói thế.”
“Bố có.”
Bố Mao nhoài người ra phía trước.
“Mao, bố mẹ đã nuôi dạy con còn hơn cả con đẻ, chưa bao giờ bố mẹ có ý nghĩ ấy.”
Bất chấp uy lực trong giọng nói và ánh mắt của bố, Mao vẫn đáp trả:
“Con biết là bố mẹ yêu thương con. Bản thân con cũng khiến bố mẹ lo lắng nhiều. Nhưng con không có ý định để bố mẹ tham gia vào chuyện yêu đương của con đâu.”
Trước câu nói của con gái, bố Mao chỉ biết thở dài rầu rĩ và khó nhọc khoanh tay lại. Sau đó không thấy ông nói gì thêm.
“Vậy là đàm phán đã thất bại.” Mao đột ngột đứng dậy kéo tôi đi. “Dù ai phản đối đi nữa thì con vẫn yêu Kousuke. Con sẽ tiễn Kousuke ra ga.”
“Mao...”
Mẹ gọi nhưng Mao không ngoảnh lại, chỉ bảo “Con không ăn cơm tối đâu” rồi lôi xềnh xệch tôi ra cửa.
“Cháu xin phép. Hẹn bác...”
Câu chào của tôi bị ngắt giữa chừng vì Mao đã đóng sầm cửa lại.
“Hừm... Tớ đang giận sôi máu đây.”
Uống cạn ly rượu chát chỉ trong nháy mắt, Mao đặt mạnh chiếc ly xuống miếng lót.
Tôi ngừng tay gắp cá hồi carpaccio, rót thêm thứ chất lỏng trong suốt vào ly của Mao và của tôi. Chẳng mấy chốc chai rượu đã gần cạn.
“Chết tiệt. Tự nhiên tớ thấy ức quá.”
Tôi tặc lưỡi, cho nốt lát cá cuối cùng vào miệng.
“Uống đi uống đi. Xong rồi ăn đi, anh bạn trẻ.”
Chống một tay lên bàn, Mao giục tôi uống rượu, vẻ mặt rất lạ, nửa như cười, nửa như hờn dỗi.
Trên đường ra ga Kamagaya với tâm trạng ủ dột, chúng tôi rẽ vào một nhà hàng Ý nhỏ với ý định xốc lại tinh thần để rồi cả hai say như hũ chìm.
Nhà hàng mở sau khi tôi chuyển đi nên hôm nay là lần đầu tiên tôi đặt chân đến. Nhà hàng khá nhỏ, chỉ có 6 bàn, lại kiểu nửa quê nửa tỉnh nên thực đơn hầu như chẳng có gì ngoài pizza và pasta. Nhân viên phục vụ là một cô bé có vẻ là học sinh cấp III, bên dưới chiếc tạp dề may bằng vải là quần bò. Trên bức tường theo phong cách Địa Trung Hải vẫn còn những vệt vữa, đôi chỗ đã mốc xanh mốc đỏ. Tóm lại, đây là một nhà hàng rất bình thường. Nhưng điều đó chẳng quan trọng. Chỉ cần có chỗ để uống.
“Tớ cứ chắc mẩm là được chào đón.”
“Chà, lâu lắm tớ mới nghe thấy từ ‘chắc mẩm’.”
“Ừ, chẳng ai dùng nữa.” Tôi đáp lấy lệ, thấy người bắt đầu lâng lâng. “Chắc mẩm rằng mình được chào đón , thế mà bị ruồng rẫy không thương tiếc.”
“Công nhận.”
Mao có vẻ cũng đã say.
Quán đang bật nhạc jazz hòa tấu, hình như của truyền hình cáp. Tôi không thạo về nhạc jazz nên không biết tên bài.
Hơn 7 giờ, các bàn bắt đầu có khách. Quán nằm ở ngoại ô nên khách chủ yếu là các gia đình.
“Bố mẹ vẫn nghĩ tớ là trẻ con.” Mao chu môi. “Vì có mỗi cô con gái nên bố mẹ còn muốn nuôi tớ thêm. Tớ lợi dụng tình cảm đó để sống cùng bố mẹ cho đến tận hôm nay kể ra cũng không phải nhưng thái độ vừa rồi của bố mẹ tớ lạ quá.”
“Đúng là lạ quá... Dù tớ không thể nói thế với bố mẹ cậu.”
Nhân viên phục vụ bưng đĩa thức ăn tới.
“Đây là món thịt lợn Bershire nướng.”
Nhân thể, tôi gọi thêm một chai rượu khác với chai vừa uống. Kiểu này sáng mai mới biết tay nhau đây. Nhưng trước đó còn phải xem có về được căn hộ ở Kami-igusa không đã. Cần thì tôi có thể ghé qua nhà bố mẹ ngủ nhưng sáng mai sẽ không có vest mặc đi làm.
Tôi đang nghĩ tới quãng đường về nhà xa lắc xa lơ thì Mao lên tiếng càm ràm:
“Tớ có việc làm, tháng nào cũng đóng tiền cho bố mẹ, tuy không nhiều, tớ còn biết uống rượu nữa. Thế thì đâu phải trẻ con.” Vừa làu bàu, Mao vừa cho miếng thịt hơi cháy vào miệng. “Món này ngon lắm. Kousuke thử đi. Hồi đầu năm đi nghỉ ở Kusatsu, tớ để bố mẹ tự đặt phòng cho nhanh. Thế là bố mẹ đặt luôn một phòng dành cho ba người. Nếu tớ mười sáu tuổi thì không nói làm gì, đằng này tớ hai mươi sáu tuổi rồi? Nếu chỉ có hai mẹ con thì còn thông cảm được chứ tớ ngần này tuổi đầu, sao lại bắt tớ ngủ chung phòng với bố? Thế là tớ bảo bố mẹ thuê phòng khác, tớ sẽ trả thêm tiền.”
“Ơ kìa, Mao phải không?”
Tôi ngoảnh lại chiếc bàn chênh chếch sau lưng, nơi có giọng nói khàn khàn, thô lỗ vừa phát ra.
Một ả tóc nâu đứng dậy, đi về phía chúng tôi. Ả mặc bộ đồ nỉ, đen từ đầu đến chân, gương mặt để mộc, hai má xệ xuống, lông mày như thể bị rơi đâu đó. Mái tóc xơ xác chỉ còn mỗi phần chân tóc là đen. Ai thế này?
“Đúng Mao rồi. Trời ạ, lâu quá rồi nhỉ?” Cô ả sấn sổ nhìn thẳng vào mặt tôi. “Hả? Đây là, là Okuda phải không? Sao, hai người đang hẹn hò hả?”
Tôi nhớ ra rồi. Kiểu nói chuyện như muốn gây gổ, ánh mắt khinh khỉnh này chính là Ushioda. Đứa con gái đã bôi bơ thực vật lên tóc Mao. Có vẻ cũng nhớ ra nên mặt Mao sầm lại, không nói không rằng, nằng xiên dĩa vào miếng thịt, giơ lên rồi cho tọt vào miệng.
“Xin lỗi cho tôi đi nhờ.”
Cô nhân viên phục vụ đang bưng thức ăn tới bàn khác tỏ rõ sự khó chịu, lườm Ushioda từ sau lưng. Có vẻ cô đứng vào phe chúng tôi.
“Có phải... Ushioda?”
“Giờ là Yamamoto rồi. Kia là con trai tớ. Nó tên là Aroha. Trông nó đáng yêu không?”
Theo hướng tay chỉ của Ushioda, tôi nhìn thấy một cậu bé chừng bảy, tám tuổi có màu tóc giống hệt mẹ đang cắm mặt vào máy điện tử chẳng buồn đoái hoài tới đĩa pizza trước mặt. Kiểu cười nhếch mép kia đúng là bản sao của mẹ, còn kiểu ngồi gác chân lên ghế cho thấy phương pháp giáo dục tuyệt vời của nhà Yamamoto.
“Thế này là sao?” Ushioda chống đầu ngón tay thòi ra từ tay áo nỉ lên mặt bàn, tiếp tục vặn vẹo: “Hai người hẹn hò đấy hả?”
Thấy tôi gật đầu khẳng định, Ushioda càng tăng âm lượng cho giọng nói khó nghe.
“Cái gì? Hai đứa bị hắt hủi giờ cặp với nhau à? Thú vị thật!”
Tôi muốn bôi bơ lên đầu nó một lần nữa. Thằng bé mất kiểm soát đã trở lại. Nhưng ánh mắt Mao đã ngăn cản tôi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy vẻ mặt thù địch trong ánh mắt Mao kể từ hồi cấp II.
“Mao này.” Sau lời mào đầu, Ushioda mỉm cười nham nhở rồi hỏi: “Giờ cậu còn khỏa thân đi lang thang ngoài đường không?”
“Này...”
Tôi toan mắng Ushioda thì điện thoại di động để trong túi áo nỉ của ả réo ầm ĩ. Khách hàng xung quang giật mình ngẩng lên. Chẳng thèm xin phép, Ushioda mở điện thoại ra nghe.
“A lô?”
Áp cái điện thoại màu hồng óng ánh đến nhức mắt vào tai, Ushioda đứng dựa mông vào bàn của chúng tôi.
“Thưa quý khách!” Đứng trước mặt Oshioda, cô nhân viên phục vụ nói bằng thái độ cứng rắn khác hẳn với lứa tuổi. “Mời quý khách ra ngoài nói chuyện.”
Không nhìn cô nhân viên, Ushioda phẩy tay rồi đi ra cửa, miệng vẫn không ngừng nói.
“Gì cơ? Không, bị mắng thôi. Hả? Chả sao đâu. Thế là ổn rồi còn gì?”
Thật là một đứa con gái trơ trẽn, thô lỗ từ cách bắt chuyện cho tới cách ngắt chuyện.
“Đồ con gái mắc dịch.”
Tôi tống cả miếng thịt lợn vào miệng. Quả đúng như Mao nói, miếng thịt mỡ ngọt lừ, dậy mùi xốt mù tạt. Không, giờ không phải lúc thán phục món ăn.
“Gặp phải đứa khó chịu nhỉ.”
Mao nghiêng ly rượu. Cần cổ mảnh khảnh, trắng ngần khẽ cựa quậy.
“Hay là sang quán khác.”
“Không, chẳng việc gì phải đi. Người phải đi chính là cô ta.”
Mao nói rồi với tay lấy chai dầu ô liu ở góc bàn. Mắt Mao hướng về cậu con trai của Ushioda.
“Hi hi.”
Mao cười thích thú rồi giả vờ mở nắp chai dầu, khéo léo che đi phần đầu và làm động tác đổ dầu ra lòng bàn tay.
Nhận ra ý đồ của Mao, tôi chìa tay xin: “Cho tớ với.”
“Hi hi.”
“Ha ha.”
Rúc rích như cặp tình nhân đang chơi đùa dưới ao sen, chúng tôi giả vờ làm động tác bôi dầu ô liu lên đầu nhau. Có chút men vào người thật đáng sợ.
Xem chừng như đã bôi hết chai dầu, chúng tôi quay sang thăm dò đối tượng thì thấy con trai của Ushioda cũng đang với lấy chai dầu ô liu trên bàn. Thật không hổ danh là con trai của đứa con gái ngu dốt bị Mao vượt mặt hồi cấp II.
Ba phút sau, kết thúc cuộc điện thoại, Ushioda quay lại và rú ầm lên: “Trời ơi!!!” Tiếng rú của loài quái điểu sau mười hai năm mới được nghe lại vọng đến tai chúng tôi lúc này đã đỏ bừng vì rượu nghe thật khoan khoái.
“Aroha, đấy có phải dầu gội đâu! Về nhà lại phải gội đầu rồi. Xin lỗi, gói cho tôi chỗ thừa này về. Trời ơi, cái áo nỉ này đắt lắm đấy. Đứng lên đi. Đừng có chơi nữa. Đi nào.”
Cô nhân viên mặt hớn hở hơn mức cần thiết, cho miếng pizza vào túi giấy, nhận tiền rồi tiễn hai mẹ con Ushioda ra cửa, sau đó ngoảnh lại phía chúng tôi, sung sướng giơ ngón tay cái lên. Đáp lại, chúng tôi cũng nâng ly rượu lên.
Cửa hàng trở lại bầu không khí dễ chịu vốn có, tiếng nhạc jazz ban nãy bị át đi bởi giọng nói khàn khàn quay trở lại.
“Ông bà có câu ‘Đời cha ăn mặn, đời con khát nước’.” Giọng Mao nghe như diễn viên tấu hài. “Không biết Ushioda có nhận ra là bọn mình trả đũa không nhỉ. Nhưng kiểu người như nó chỉ nhớ việc bị cậu bôi bơ thực vật lên tóc thôi. Lần sau, tớ sẽ bôi xốt mayonnaise lên đầu con trai nó.”
Hóa ra Mao thù dai hơn tôi tưởng. Phải cẩn thận với nàng.
Sau khi nhanh trí đuổi được bóng ma quá khứ đi, Mao cuộn tròn lưng, bắt đầu thả sức luyên thuyên.
“Cho đến hôm nay, tớ vẫn nghĩ bố mẹ đứng về phía tớ. Nhưng sự thật thì sao? Cái kiểu nói đó. Chẳng nhẽ tớ là sản phẩm dở đến thế ư.”
“Không phải đâu.”
“Chuyện bố mẹ tớ bất ngờ khi đứa con gái duy nhất dẫn bạn trai về nhà giới thiệu thì tớ hiểu, nhưng thái độ ban nãy của bố mẹ khác gì lót lá chuối đuổi cậu đi.”
“Tớ xin lỗi.”
Tôi cúi đầu xin lỗi nhưng cùng lúc cảm thấy một sự phản kháng dâng lên trong dạ dày. Tôi chẳng biết bố mẹ Mao cẩn trọng đến đâu nhưng cái kiểu chia rẽ tình cảm giữa tôi và Mao mà không giải thích rõ ràng là không thể chấp nhận được. Nhưng kể cả bố mẹ Mao có đưa ra lời giải thích nào đi nữa thì tình cảm của tôi dành cho Mao cũng sẽ không suy chuyển.
“Kousuke này.”
Mặt Mao chợt nghiêm lại.
“Ừ?”
“Tớ xin lỗi vì đã giấu cậu chuyện trước khi được nhặt về.”
Tôi không đáp lại ngay được.
Mười năm trước, cái thời còn vô tư ấy, Mao đã không kể cho tôi thì hẳn chuyện mất ký ức là một gánh nặng lớn với nàng. Nếu vậy, chẳng phải việc tôi có thể làm cho nàng là san sẻ bớt gánh nặng đó hay sao?
“Thực sự là tớ rất bất ngờ. Bất ngờ đến nỗi tưởng như ký ức của mình cũng bay đi mất.”
“Thế cơ à?”
Mao cười trước câu đùa nhạt nhẽo của tôi. Được đà, tôi lại nửa đùa nửa thật.
“Nếu còn bí mật nào muốn tiết lộ thì giờ là lúc đấy.”
“Ừm, làm gì có.”
Mao mỉm cười rồi đưa mắt nhìn ra chỗ khác đầy ẩn ý.
“Thật không?”
“Chà, nói thế nào nhỉ. Nhưng ai cũng có những bí mật không muốn kể, ngay cả với người yêu mà?”
“Thế hả?”
“Ừ. Chẳng hạn có người muốn giấu chuyện trong hộp đĩa Nouvo Cinema Paradiso thực sự có đĩa gì này.”
“Chuyện đó thì...”
Nghe Mao nói tôi sực nhớ ra.
Mao nhìn thẳng vào mắt tôi, nói tiếp”
“Tớ không bảo cậu phải vứt đi, tớ đã trả nó về chỗ cũ và nghĩ ‘Ít ra cậu cũng phải giấu khéo hơn’. Tớ muốn cậu trả lại cho tớ suy nghĩ trong sáng lúc tớ mới cầm hộp đĩa lên rằng ‘Trời ơi, cậu ấy thích Tornatore’.”
“Tớ thích phim đấy thật. Đến mức mua cả phiên bản đặc biệt, dù trước đó đã mua bản thường. Bản đặc biệt giờ vẫn để ở nhà bố mẹ...”
“Cậu không cần thanh minh đâu, uống tiếp đi.”
Mao cầm chai rượu lên. Tôi chìa ngay ly ra.
Có vẻ Mao cầm không được chắc nên cái chai vừa nghiêng đã chạm vào miệng ly đánh “keng”.
“Cậu không sao chứ? Đây là lần đầu tiên tớ thấy cậu say thế này.”
“Bị bố mẹ mặt nặng mày nhẹ như thế, không uống mà chịu được sao? Lẽ ra hôm nay phải là một ngày tuyệt vời.”
Về điều này thì tôi đồng ý.
“Nhưng cũng nên chừng mực thôi. Mao gục ra đấy thì tớ còn mặt mũi nào đưa Mao về nhà nữa. Bố mẹ Mao nghĩ tớ chuốc say lử đử con gái họ rồi bỏ của chạy lấy người thì cả đời này tớ sẽ không được tha thứ đâu.”
“Tớ không say. Tớ không say lử đử, cùng lắm chỉ là mệt lừ đừ thôi.” Lại còn chơi chữ thế này thì đúng là say thật rồi. “Với lại, bố tớ mà biết Kousuke vẫn thường xuyên làm cái chuyện còn hơn cả chuốc rượu với cô gái chưa chồng như tớ thì bố sẽ không bao giờ tha thứ cho cậu đâu.”
Bị động chạm, tôi nhổm dậy.
“Nhưng chuyện đó là trên cơ sở đồng thuận mà.”
“Này Kousuke, nói gì mà to thế.”
“Tớ xin lỗi...” Tôi ngồi lại xuống ghế. “Chết rồi. Tớ phải tỏ ra hết sức chân thành để ghi điểm với bố mẹ cậu thôi.”
“Đợi cậu làm mấy việc mất thời gian thế thì tớ thành bà già mất. Dù gì bố tớ cũng là người cưng chiều con gái đến mức không thấy ngại khi ngủ cùng cô con gái đã hai mươi lăm tuổi cơ mà.”
“Thế rốt cuộc tớ phải làm gì?”
Mao đặt ly rượu xuống bàn, cuộn mình sâu hơn. Thấy Mao như sắp sửa tiết lộ một bí mật, tôi bèn ghé tai vào. Mao thì thào. Hơi thở phả ra nóng ran.
“Tớ sẽ bỏ nhà đi để cưới cậu?”
“Bỏ...bỏ nhà?”
Mao gật đầu rồi nói tiếp, mặt rất nghiêm túc.
“Thử nghĩ mà xem, tòa thị chính vẫn nhận hồ sơ đăng ký kết hôn mà không cần có sự đồng ý của bố mẹ. Cứ tưởng họ cứng nhắc lắm nhưng hóa ra cũng thức thời ra phết.”
Tôi không biết tòa thị chính có thức thời hay không nhưng tôi thấy cánh cửa vừa đóng sầm trước mặt lại được mở ra.
“Bỏ nhà? Tớ thậm chí còn chẳng nghĩ có sự lựa chọn ấy.”
“Cậu thấy được không? Căn hộ hiện tại của Kousuke hơi nhỏ, bọn mình sẽ thuê căn khác rộng hơn để sống chung. Cả hai đều đi làm nên việc nhà sẽ chia nhau.”
“Giặt giũ và dọn dẹp cứ để tớ. Trông tớ thế này thôi nhưng là quần áo hơi bị giỏi đấy.”
“Nấu nướng về cơ bản sẽ là tớ. Hôm nào tớ về muộn thì Kousuke tự lo liệu.”
“Chuyện đó thì linh động được.”
Trong lúc nói chuyện, tôi cảm tưởng như ngay ngày mai, Mao sẽ bỏ nhà để cưới tôi. Việc trọng đại thế này thông thường sẽ mất từ một đến hai năm để tìm hiểu nhau rồi đưa ra quyết định, nhưng quyết định bây giờ hay sau hai năm nữa cũng như nhau cả thôi.
Mao nhoẻn miệng cười như thể đang âm mưu gì đó rôi bảo:
“Ôi, tự nhiên tớ thấy háo hức quá. Bố mẹ tớ chắc sẽ sốc lắm.”
Bức ảnh gia đình Mao chụp trong chuyến du lịch Kusatsu hiện ra trước mắt tôi.
“Nhưng làm thế thực không phải với bố mẹ Mao.”
“Cậu đừng bận tâm. Tớ cũng khác gì tên ăn trộm khi cướp đi cậu con trai từ bố mẹ Kousuke đâu. Cậu hiểu chứ?”
“Ừ.”
Xua bức ảnh gia đình Mao ra khỏi tâm trí, tôi bắt đầu tưởng tượng những ngày được sống cùng Mao.
Buổi tối, tôi một mình lê bước trong khu phố vắng vẻ. Toàn thân mệt rã rời. Sắp về đến nhà rồi. Đó là một căn hộ đi thuê, tuy không phải cao cấp gì nhưng xinh xắn và ấm cúng. Cứ cho là thế đi. Tôi ra khỏi thang máy, nhấn chuông cửa. Vài câu ngắn trao đổi qua đường dây nội bộ. Tiếng lách cách mở khóa từ bên trong, cửa mở, Mao đứng trước cửa. Tay đang chùi vào tạp dề. Mùi thức ăn hấp dẫn bay từ trong nhà ra.
Excellent! Một cuộc sống hạnh phúc.
Hoặc một tình huống ngược lại. Sau một ngày làm lụng vất vả, về nhà tôi lại nai lưng ra cọ bồn tắm. Quần áo phơi xong vứt đầy phòng khách. Phải cọ bồn tắm xong mới quay ra gấp được. Điện thoại trong nhà tắm đổ chuông. Vẫn là giọng nàng như mọi khi. “Tớ đang ở siêu thị trước ga, tối nay cậu muốn ăn gì?”
“Tôm càng xanh sốt kem cà chua.”
Giọng của Mao kéo tôi về thực tại.
“Hả?”
Đang mở thực đơn, Mao ném cho tôi cái nhìn trách móc.
“Cậu không nghe tớ hỏi à? Tớ bảo là gọi thêm pasta gì đó nhé. Cả tôm càng xanh sốt kem cà chua nữa? Tớ không ăn hết một phần nên chia đôi nhé. Nhưng thế có đủ cho Kousuke không? À, thêm 150 yên sẽ được một đĩa to này. Thế là vừa đấy nhỉ?”
“Ừ, gọi đĩa to đi.”
Tôi hờ hững đáp nhưng thật ra chỉ cần một cái cớ gì đó, dù rất nhỏ thôi là tôi có thể nhảy cẫng lên sung sướng.
Tôi sẽ được gặp Mao hằng ngày. Bấy lâu nay, mỗi lần hẹn nhau sau giờ làm, chúng tôi phải luôn lo chuyện tàu xe vì Mao ở xa, nhưng sắp không cần nữa rồi. Chúng tôi sẽ lên cùng một chuyến tàu, trở về cùng một căn hộ.
Câu nói “Con không được làm phiền người khác đâu đấy” của bố Mao cũng ít nhiều khiến tôi bận tâm. Nhưng chuyện đó thì sao chứ. Quẳng hết mấy chuyện lo lắng vớ vẩn đi. Tôi còn nhiều điều muốn hỏi về ký ức của Mao nhưng Mao vừa cãi nhau với bố mẹ xong, tôi không nên khơi lại làm gì vội. Sống với nhau rồi, những chuyện cần biết khắc sẽ biết.
Có thể chúng tôi yêu nhau không đúng theo trình tự cần phải có. Nhưng tôi chẳng bận tâm. Kể cả có một danh sách “những việc cần làm để tiến tới một đám cưới được mọi người chúc phúc”, tôi cũng sẽ vứt bỏ nó đi ngay. Danh sách đó chẳng có ích gì khi nửa kia của tôi là kiểu người bất chấp tất cả, nàng đã chọn đi ăn bít tết trong lần hẹn đầu tiên kia mà.
“Được rồi, tớ sẽ vứt nó đi.”
Suy nghĩ trong tôi chợt bật ra thành lời nói.
“Vứt cái gì cơ? Cuộc đời à?”
“Danh sách công việc.”
“Danh sách công việc? Là cái gì? Mà thôi, vứt đi, vứt hết đi. Vứt sạch sành sanh đi.”
Mao khuyên nhủ rồi đưa ly rượu lên miệng.
Tôi có dự cảm những tháng ngày sôi nổi, vui vẻ hơn hẳn hồi cấp II sắp bắt đầu. Nhưng trước mắt, tôi phải đưa Mao về nhà an toàn đã.
__________
Vừa lên tới mặt đất theo lối cầu thang hẹp, chúng tôi được ngay một cơn gió nhẹ vuốt ve hai bên má.
Mùa xuân đến rồi.
“‘Chúc mừng hai bạn.’ Đến cả chị ở quầy tiếp nhận cũng chúc phúc cho bọn mình. May thế, hôm nay lại gặp đúng người dễ chịu.”
Giọng Mao lảnh lót hơn bình thường.
Chúng tôi vừa mới đi nộp giấy đăng ký kết hôn tại phòng dịch vụ cuối tuần của toàn thị chính quận Nerima ở Shakujii. Thủ tục hóa ra rất đơn giản khiến tôi hơi chưng hửng vì chuẩn bị tinh thần suốt từ tối qua.
“Thế là chúng ta lấy nhau thật rồi.”
Tôi lẩm bẩm, ngước nhìn bầu trời xanh nhạt đặc trưng của mùa này, thấy vậy, Mao đáp lại bằng giọng cực kỳ phấn chấn.
“Ừ, lấy nhau thật rồi đấy. Từ hôm nay tớ sẽ là Okuda Mao.”
Phải rồi. Người đứng cạnh tôi đây không còn là con gái nhà Watarai nữa mà đã trở thành vợ tôi. Một trọng trách nặng nề.
Kế hoạch bỏ nhà hôm đó đã không dừng lại ở câu chuyện bên bàn nhậu.
Những ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục bàn bạc, chuẩn bị làm đơn đăng ký kết hôn, quay lại nhà Mao, được đón tiếp bằng bộ mặt khó chịu của bố mẹ nàng, bản thân gia đình tôi cũng bị chỉ trích. Dù vậy, chúng tôi vẫn không hề nản lòng, cho nhau xem sổ tiết kiệm bằng cách “một hai ba cùng giơ ra”, tôi lặng người khi nhìn thấy số dư lớn trong sổ của Mao, mỗi bên nhờ một bạn thời đại học ký tên vào chỗ người làm chứng trong đơn đăng ký kết hôn, tôi sửng sốt khi nghe bạn Mao kể chuyện thời đại học, sếp trợn tròn mắt khi nghe tôi thông báo đính hôn, chuẩn bị chuyển nhà, gói ghém đồ đạc. Và hôm nay, Mao đã chuyển từ họ Watarai sang họ Okuda.
Cả tháng nay, tôi nhớ là mình chẳng có lúc nào được nghỉ ngơi đúng nghĩa, lúc thì phải làm việc, lúc thì phải bàn bạc với Mao, lúc lại phải đi nhờ vả ai đó. Do vậy tôi hoàn toàn không có cơ hội để nghĩ xem mọi chuyện rồi sẽ đi đến đâu.
“Thế là chúng ta lấy nhau thật rồi.”
Tôi thử nhắc lại câu mình vừa nói. Tôi tưởng nói ra miệng sẽ cảm thấy thật hơn nhưng cảm giác đó vẫn không đến. Có lẽ chúng tôi nên thư thả để có một đám cưới cho đàng hoàng. Chỉ cần có màn cắt bánh cưới trước mặt bạn bè và họ hàng trong khách sạn thôi cũng đủ để có cảm giác thật.
Mao đã nói một câu rất đáng tự hào rằng “Không cần làm đám cưới vì tốn tiền và tốn thời gian. Cả nhẫn cưới cũng không cần luôn” nhưng tôi không cho đấy là suy nghĩ thật của nàng. Chỉ đi đăng ký kết hôn trong trang phục đơn giản gồm váy dài và áo khoác mùa xuân chắc chắn là không đủ. Tôi tin Mao vẫn muốn mặc váy cưới.
Cách đây vài tuần, Mao khiến tôi ngạc nhiên khi một buổi tối lao đến nhà tôi với chiếc túi giấy đựng đồ lót đủ các màu rồi tự hào khoe đống chiến lợi phẩm: “Tớ mua ở công ty nên được giảm 30% đấy. Nhìn xem, trông chúng thật mềm mại và đáng yêu.” Một Mao như thể không có chuyện không ước được khoác lên mình bộ váy cưới “mềm mại và đáng yêu”.
Chúng tôi không có sự hỗ trợ tài chính từ gia đình, riêng việc dọn ra ở riêng cũng tốn một khoản tiền tiết kiệm kha khá. Vì vậy, tuy không tổ chức được đám cưới nhưng ít nhất tôi cũng muốn sớm mua được nhẫn tặng Mao.
Tôi đang tự thề với mình như vậy thì thấy Mao mở điện thoại ra bấm.
“Cậu gọi đi đâu đấy?”
“Ừm, về nhà. Tớ phải thông báo cho bố mẹ.” Điện thoại kết nối được ngay, Mao nói như gào: “A lô, bố à? Vâng, con đây. Hả? Con chẳng nghe thấy gì cả. Vâng, con đang ở tòa thị chính. Bọn con nộp rồi...Không được. Không thay đổi được đâu. Làm thế là trên sổ hộ khẩu sẽ có dấu X to đùng đấy. Bố muốn thế à?”
Không khí có vẻ căng thẳng, tôi nín thở.
Hôm nay là Chủ nhật nên có thể đến thứ Hai đơn của chúng tôi mới được thụ lý chính thức. Nếu bố Mao bảo đợi thì giờ chạy vào lấy vẫn kịp. Trong lúc tôi có những ý nghĩ hèn nhát như thế thì ngược lại, Mao rất cương quyết.
“Vì vậy, từ hôm nay con sẽ là vợ của Okuda Kousuke. Địa chỉ của con hả? Mẹ biết đấy. Con cũng dán ở tủ lạnh còn gì? Con sẽ còn về nhà vài lần để thu dọn đồ nhưng giờ chỗ ở chính của con là ở đây. Giờ phải gọi là Mrs Okuda. Madam Okuda cũng được. À, chồng con muốn chào bố này.”
Mao nói và chìa điện thoại ra trước mặt tôi.
“Hả?”
Tôi chưa kịp định thần đã bị Mao ấn điện thoại vào tay. Không còn cách nào khác, tôi đành phải nghe.
“A lô.”
“Ồ, cháu Okuda đấy à?”
Giọng bố Mao chùng xuống. Trước mắt tôi hiện ra gương mặt rầu rĩ.
“Dạ, thưa bác. Bọn cháu vừa nộp đơn đăng ký kết hôn...”
“...”
Thôi xong, ông giận rồi.
“Cháu xin lỗi. Có lẽ bọn cháu không đi đúng trình tự nhưng cháu... cháu sẽ chăm sóc Mao. Chúng... chúng cháu sẽ sống nghiêm túc. Sẽ mua bảo hiểm, tiết kiệm tiền...”
Tôi ấp úng rồi nhận ra mình đang gật đầu liên tục. Trông thấy cảnh đó, mấy đứa học sinh cấp III đang trên đường tới câu lạc bộ bèn bụm miệng cười rúc rích. Mấy đứa bây sao hiểu được cảm giác căng thẳng của anh?
“...”
Đầu dây bên kia vẫn im lăng. Cháu xin bác. Bác nói gì đi!
“Thưa bác...”
“Thật sự là cháu thấy Mao được chứ?”
Thay cho câu trả lời là một câu hỏi với giọng từ tốn.
“Vâng... tất nhiên ạ. Nhất định cháu sẽ làm Mao hạnh phúc, vâng.”
Tôi lại cúi gập đầu. Biết là trông buồn cười nhưng tôi không dừng lại được.
“Vậy hả?” Sau một khoảng lặng ngắn, đầu dây bên kia tiếp tục. “Nếu có khó khăn gì, cháu cứ nói với hai bác nhé. Bác nghĩ Mao sẽ làm phiền cháu đấy, cháu sẽ bỏ qua cho nó chứ?”
“Dạ, vâng, vâng. Bản thân cháu cũng đã làm phiền hai bác. Cháu xin lỗi. Cháu sẽ sớm đến chào hai bác, lúc đó, hy vọng...”
Sau hai mươi cái gật đầu, cuộc nói chuyện kết thúc. Dưới lớp áo khoác nỉ có mủ, mồ hôi tôi túa ra như tắm.
Mao đang cười rung cả vai.
“Cậu vất vả quá. Trông cậu tuy xấu nhưng lại đẹp.”
Ý nàng là đẹp hay xấu đây?
Leo lên chiếc ô tô đi thuê đậu ở bãi đỗ, chúng tôi đi dọc đường Mejiro rồi ghé đại vào một quán mì ramen để ăn trưa. Kể từ sau kế hoạch bỏ nhà, ví tiền chung bị thắt chặt đến nổi tôi không mở ra nổi, ngay cả ăn một bát mì xá xíu cũng không được phép.
“Cậu làm gì mà ky thế.”
“Được rồi, được rồi. Tớ sẽ nhường phần tớ cho cậu, chịu khó đi nhé, chịu khó đi nhé.”
Miếng thịt xá xíu được thả vào bát của tôi.
Chúng tôi lại lên ô tô và đi tới trung tâm bán đồ gia dụng ở cạnh nút giao Oizumi.
Lúc chuyển nhà hôm qua, Mao đã lên một danh sách hai mươi thứ cần mua gồm thảm chùi chân, bàn chải cọ nhà vệ sinh, giỏ đựng đồ giặt, vỏ bọc dây điện, dép đi ngoài ban công, chậu cây, hạt giống v.v...
Tôi vừa định đẩy chiếc xe chất đầy hàng hóa đã thanh toán vào thang máy thì trông thấy một đám trẻ con tụ tập ở góc bên trái.
Chỗ đó tỏa ra một thứ mùi đặc trưng cùng tiếng chim non kêu chiêm chiếp. Là khu bán thú cưng. Có một cái chuồng hai tầng được ngăn ra như khu tập thể, bên trong, lũ chó con, mèo con đang lim dim ngủ.
“Ồ, có cả chó kìa. Lại xem đi.”
Một con chó giống Corgi to bằng nửa con đã phá đám bọn tôi ở công viên Zenpukuji đang nghịch đồ chơi, cái đuôi trông như mới bị cắt cứ ngoe nguẩy ngoe nguẩy. Tôi nhìn như bị thôi miên vào từng động tác lóng ngóng của nó.
“Ồ. Có chó thật.”
Mao lạnh lùng nói. Suốt từ nãy Mao có vẻ không vui vì không tìm được “cái thảm chùi chân nào dễ thương”.
“Này, cậu có nghĩ tới chuyện nuôi con gì đó không?”
“Không.”
Mao đáp ngay.
Có gì đó quen quen. Hình như từng có đoạn đối thoại giống thế này cách đây lâu lắm. Thấy tôi nghiêng đầu thắc mắc, Mao cho tôi ngay câu trả lời:
“Kousuke yêu động vật nhỉ. Hồi cấp II, cậu cũng từng suýt nhặt một con chó ở công viên bạch quả về.”
Đúng thế. Tôi nhớ ra rồi. Đó là vào mùa mưa năm lớp Tám. Trên đường đi học về, tôi trông thấy hai con chó bị bỏ trong thùng giấy đang tru lên những tiếng yếu ớt, vô vọng. Hình như đó là hai con chó lai Siberian Husky xấu xí.
Tôi định bế con chó lên thì Mao thay đổi ngay thái độ, trong khi ban nãy nói chuyện líu lo đến nhức đầu.
“Cậu bỏ xuống đi. Nghe nói mình nó có ve đấy. Người biết cách chăm sóc sẽ đến đưa nó về. Với lại con này trông không xinh.”
Đúng rồi, hoàn cảnh hiện tại giống hệt hồi đó. Tôi đành ngậm ngùi chia tay hai con chó lai dù trước đó đã một lần thất bại trong việc đem mèo về nhà nuôi. Tôi không biết hai con chó sau đó thế nào. Nếu được ai đó nhặt về như Mao nói thì tốt.
Nhớ đến con mèo dạo ấy, bất giác tôi lẩm bẩm:
“Không biết con Russian sau đó bỏ đi đâu.”
“Gì cơ?”
“Con mèo tớ nhặt về. Hình như lúc tớ mới lên cấp II. Hoặc có lẽ vẫn học cấp I. Đại khái là khoảng tầm tuổi ấy. Một con mèo lai, rất giống loài Russian Blue, tớ vẫn nhớ là mắt nó trông như màu nâu. Trong khi mèo Russian thuần chủng mắt phải màu xanh lá cây. Tớ nuôi nó mấy hôm nên vẫn nhớ.”
“Hừm. Rồi sao?”
Không biết Mao có thực sự quan tâm không mà nàng lại nhìn đi chỗ khác.
“Con mèo đấy xinh lắm. Đuôi nó có ít vằn nhưng toàn bộ lông trên mình là màu xám ánh xanh. Sờ vào mượt hơn cả nhung. Nó cũng bị bỏ rơi ở công viên bạch quả, lúc ngẩng lên nhìn tớ, nó cứ kêu ‘mi mi’, để lộ những chiếc răng bé xíu trong cái miệng đỏ chót. Chỉ một phần mấy giây là tớ yêu nó luôn.”
“Ồ. Nghe như một cuộc gặp định mệnh. Rồi sao?”
Mao bắt đầu chú ý hơn, nàng nhìn thẳng vào mắt tôi.
“Nó có vẻ yếu. Tớ đã đưa nó đến bác sĩ khám, lấy thuốc, chăm sóc nó rất tận tình nhưng khoảng một tuần sau thì nó biến mất. Giờ mới dám nói thật với cậu, hồi đó tớ đã khóc đấy. Chẳng phải bọn mèo thường bỏ đi khi biết mình sắp chết sao? Cứ nghĩ nó chết rồi là tớ lại khóc tu tu.”
“Kousuke thật tốt bụng.” Mao ghé sát vào mặt tôi. “Này, cho tớ nói một câu rất xấu hổ nhé.”
Tôi đưa mắt nhìn quanh, sau khi thấy bọn trẻ vẫn đang mải mê với đám thú cưng, tôi gật đầu. “Ừ, nói nhỏ thôi.”
Mao ghé sát vào tai tôi, bảo “Thế này nhé” rồi mặt thuỗn ra như thể đang xấu hổ thật sự.
“Thế nào.”
Mao cười bối rối rồi lại ghé vào mặt tôi, thì thào:
“Thế này, tớ thật may mắn khi lấy cậu.”
Tôi nổi hết cả da gà. Đúng là một câu nói xấu hổ và bùi tai. Tôi sướng đến nổi muốn mua hết luôn cả cửa hàng. Để cho bớt ngượng, tôi bắt đầu mở máy:
“Nhưng cậu bé ngây thơ từng rớt nước mắt vì chú mèo con đó chẳng bao lâu lại được chứng nhận là “trẻ mất kiểm soát”, chỉ có mỗi cô bé kỳ quặc để làm bạn, cuộc đời đúng là chẳng biết trước được điều gì. Rất kỳ lạ. Thế nào? Nhắc lại giai thoại này xong, cậu có ý định nuôi con gì không?”
“Không.”
Một bức tường phòng thủ bằng thép. Cố nài nỉ chút nữa xem.
“Chúng mình đã chọn hẳn một khu chung cư cho phép nuôi động vật, chó mèo không được thì ít ra chim cảnh cũng được.”
“Không được.”
“Gì mà cậu cương quyết thế?”
“Vì tốn kém lắm.” Đưa ra lý do rất thực tế xong, Mao đưa mắt nhìn ra chỗ khác. “Với lại, nếu có vật nuôi trong nhà, Kousuke sẽ dành hết tình cảm cho nó, tớ không thích thế.”
Lại một câu nói như rót mật vào tai khiến tôi sướng rơn. Kể từ bây giờ, ngày nào chúng tôi cũng nói chuyện kiểu này ư? Thế thì sao mà tôi chịu nổi?
“Vậy nếu không nuôi chó mèo thì nuôi chuột hamster hoặc rùa nhé?”
Tôi vẫn cố.
Cuối cùng, chúng tôi thỏa thuận sẽ đi xem cá nhiệt đới vào một ngày gần đây.
“Một, hai, ba, nào!”
“Nghe cứ như cậu đang vác thứ gì nặng lắm.”
Bất chấp ánh mắt dị nghị của mọi người xung quanh, tôi giang cả hai chân ra để khỏi đánh rơi Mao đang bế trên tay. Mao nặng hơn nhiều so với vẻ bề ngoài.
Cánh cửa căn hộ nằm bên phải hé mở, có ai ở trong đang nhìn ra. Thôi xong, bị trông thấy ngay đoạn xấu hổ nhất rồi. Tôi đúng là dở hơi khi cố làm cái việc “bế cô dâu vào nhà” - một việc chẳng hợp chút nào với tính cách.
“A!” Một cậu bé chừng ba tuổi xuất hiện sau cánh cửa. Cậu quay vào nhà, đoạn hét lớn: “Mẹ ơi, có một chị bị cảm.”
“Ối, không phải đâu. Chị khỏe lắm.”
Mao chưa kịp đứng xuống thì một phụ nữ chừng ba mươi tuổi ló mặt ra, thấy tư thế bất thường của chúng tôi, chị vội xỏ dép, lao ra hành lang:
“Ồ, hai em không sao chứ? Để chị giúp một tay nào.”
Có vẻ chị tưởng đây là một ca cấp cứu.
Vẫn ôm lấy cổ tôi, Mao đáp với nụ cười thân thiện:
“Chị đừng lo. Em bị thiếu máu chút thôi. Chuyện xảy ra thường xuyên nhỉ? À, phải rồi, em là Okuda, mới chuyển tới đây. Rất vui được biết chị. Bọn em sẽ qua chào anh chị sau.”
“Cảm ơn em. Chị là Hiraiwa.”
Tôi bế Mao vào nhà, lưng va phải khung cửa vì cửa căn hộ khá nhỏ, xong xuôi đâu đấy tôi quay ra hành lang lấy đồ. Thấy chị hàng xóm vẫn đứng ngây ra ở hành lang, tôi gật đầu chào rồi chui tọt vào nhà như chạy trốn.
Tại căn bếp trong ráng chiều mờ mờ tôi, Mao áp hai tay vào má, quên luôn cả việc bật đèn.
“Trời ạ, thế là bị trông thấy rồi! Ngượng quá! Dân mình chưa quen với kiểu bế nhau thế này đâu. Làm sao bây giờ, thế nào chị ấy cũng nghĩ vợ chồng mình bị dở hơi.”
“Cứ từ từ rồi xóa bỏ hiểu lầm. Có vẻ chị ấy không phải người xấu.”
Để lấy lại bình tĩnh, tôi bật đèn đi pha cà phê.
“Nóng quá!”
Mao hơi giãy lên khi nhấp một ngụm cà phê, rồi như mọi bận, nàng hướng hai con ngươi vào nhau và thổi cho bớt nóng.
Căn hộ ba phòng gồm cả bếp đang ngổn ngang thùng các tông của công ty chuyển nhà, chẳng kiếm đâu ra lối đi. Tình hình này chưa biết bao giờ mới dọn dẹp được vì mai chúng tôi vẫn phải đi làm.
“Mệt quá!” Đặt ly cà phê đã uống chừng một phần ba xuống bàn, tôi nhìn ra phía cửa trượt bằng kính ở phòng kiểu Nhật. Bầu trời nhuộm màu hồng đào. “Đến tòa thị chính, ăn trưa, lượn qua hai cửa hàng xong là cũng đến chiều. Gần đây, ngày nghỉ nào cũng thế này nhỉ.”
“Ừ. Nhưng từ giờ sẽ đỡ hơn. Bầu trời đẹp quá!”
Mao đứng dậy, khéo léo lách qua đống thùng các tông để ra mở cửa trượt. Tuy thi thoảng vẫn nghe thấy âm thanh đường phố vọng lại từ đằng xa nhưng so với nội thành thì khu này khá yên tĩnh.
Xỏ chân vào đôi dép chưa bóc mác giá, chúng tôi đi ra ban công, Mao đặt hai tay lên thành ban công còn hơi ấm từ trưa, đưa mắt nhìn ánh hoàng hôn phía Tây.
“Ngay phía Bắc kia là tỉnh Saitama rồi nhưng đây vẫn là Tokyo nhỉ. Toàn nhà là nhà.”
Đúng như Mao nói, từ tầng bốn chỉ nhìn thấy nhà. Thấp thoáng đâu đó vài ruộng rau còn sót lại. Có vài mảng cây xanh nữa nhưng chắc là cây trồng trong công viên chứ không phải cây bụi hay cây trong khu đô thị. Khung cảnh khác xa với Kamagaya, nơi còn nhiều đất nông nghiệp.
Sau khi đảo qua một loạt các văn phòng môi giới bất động sản, chúng tôi quyết định chọn thuê căn hộ này vì có góc nhìn đẹp và nhiều ánh sáng. Hướng Nam căn hộ nhìn ra con đường san sát nên tầm nhìn không bị cản trở. Ngoài ưu điểm đó ra thì căn hộ bị điểm trừ là xa ga, đi bộ từ ga Oizumi-gakuen tuyến Seibu Ikebukuro về nhà cũng mất tới mười phút.
Thực ra tôi ưng một căn hộ khác. Căn này cách ga Nishi-oi tuyến Yokosuka bảy phút đi bộ. Giá thuê rất phải chăng cách ga Ebisu và ga Shinjuku - ga đi làm của cả hai đứa - chưa đến hai mươi phút tàu điện, chưa kể không phải đổi tàu. Nhưng Mao không thích. Nàng bảo tại căn hộ nằm ở tầng một, hướng Đông, ít ánh sáng, “mọi thứ đều ẩm thấp”. Mặc cho tôi lập luận là “căn hộ chỉ cách Ebisu có hai ga”, Mao vẫn không chịu.
Biết tính Mao đã không thích thì khó lòng lay chuyển nên tôi nhanh chóng bỏ ý định thuyết phục. Và thế là chúng tôi dừng chân ở căn hộ 402 này. Mao bị hấp dẫn ngay bởi ánh mặt trời rọi qua cửa sổ, nàng ngồi phịch xuống sàn, quả quyết. “Căn này. Căn này được. Nếu giảm được 5.000 yên nữa thì tốt.” Cái kiểu mắt lim dim tận hưởng ánh nắng nhưng vẫn không quên thúc ép người môi giới thật đúng là Mao.
Đó là lý do tôi chuyển đến sống tại căn hộ không phải là căn ưng ý nhất. Về cơ bản thì căn hộ này chẳng có gì đáng phàn nàn, xây được ba năm, gần như còn mới, có thang máy, hệ thống bộ đàm gắn màn hình , bệ xí nước nóng rửa tự động, phòng tắm có máy hút ẩm và một số thiết bị tiện dụng khác. Nói thật, vì cả hai chúng tôi đều đi làm nên mới đủ tiền thuê căn hộ này. Nhưng riêng tôi vẫn không thích việc tốn thời gian đi làm hơn so với hồi ở Kami-igusa. Với người làm công ty thì việc phải dậy sớm hơn hai chuyến tàu là cả một vấn đề.
“Thật may vì tìm được căn hộ ưng ý.”
Suy nghĩ của Mao có gì đó hơi khác với tôi. Nhưng nghĩ lại, thời gian di chuyển của Mao sẽ giảm gần một nửa nên nàng vui cũng phải thôi. Bản thân tôi lúc chuyển từ Takahatafudo đến Kami-igusa, gần trung tâm hơn cũng thấy sướng hơn bao nhiêu mà.
Với lại Nishi-oi, Oizumi-gakuen, hay Takahatafudo cũng chẳng quan trọng. Dù phải mất hai tiếng đi làm. Quan trọng là có Mao bên cạnh.
Tôi ngẩng lên nhìn bầu trời đang chuyển từ màu hồng đào sang màu xanh đậm, thấy vậy, Mao bèn ngả người vào tôi.
“Để tớ đoán xem Kousuke đang nghĩ gì nhé.”
“Ừ.”
“Sáng mai lại phải lắc lư trên tàu màu vàng đi làm ư? Mình ngấy tuyến Seibu đến tận cổ rồi.”
Chà, không đúng nhưng cũng không sai.
Buổi trưa còn nóng vã mồ hôi, thế mà giờ đã có gió lạnh. Tôi định quay vào nhà thì Mao buông một câu:
“Đây là bến đỗ cuối cùng rồi nhỉ.”
Câu nói khiến tôi phì cười.
“Bến đỗ cuối cùng, Mao nói mà chẳng hiểu mình đang nói gì à? Chỉ mấy ông bà già mới dùng câu đấy thôi.”
“Ồ, thế hả?” Mao cười ngượng nghịu. Vợ tôi đáng yêu quá. “Ừ, không được phép lơ là để mình già đi nhanh chóng sau khi lấy nhau nhỉ? Cậu sẽ thế nào? Nếu như tớ béo núc ních?”
Tôi nghiêng người, nhìn một lượt từ lưng xuống đến bắp chân Mao.
“Ừm, nói thật nhé, cậu mà béo thêm chút nữa là đúng gu của tớ đấy. Thế này hơi ọp ẹp.”
“Ở đây có một con dê!”
“Giờ cậu mới biết à?”
Mao vung mạnh tay lên rồi khoanh tròn trước ngực.
“Làm sao bây giờ? Mình vừa trở thành vợ của một con thú nghiện tình dục đáng sợ.”
Bị gọi là con thú nghiện tình dục thì cần gì giữ kẽ chứ.
“Ha ha. Đã chui vào rọ rồi thì sẽ là của tôi. Tối nay tôi sẽ âu yếm em đến rã rời, ai bảo không cho tôi nuôi thú cưng.”
“Aaaaaa.”
Chúng tôi đúng là một cặp vợ chồng dở hơi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT