Tôi ra khỏi phố ở phía bắc, đấy là con sông, ông quản gia bắc một cây cầu gỗ khá đẹp. Một đầu cầu đúng vào phía cái sân mở ra ngoài. Ông quản gia đứng ở đầu cầu, nói "Cậu thử đoán xem ai sẽ ăn cơm tối với chúng ta?"

Tôi không đoán ra. Ông quản gia cười, đưa tôi vào nhà ăn.Trác Mã mặc đồ mới, đứng ở cửa đón chúng tôi.Tôi nói "Được lắm, tôi chưa lên làm Thổ ti, mà các người đều đã lên chức cả rồi".

Ta Na vén váy, định quỳ xuống, tôi đỡ cô ta đứng dậy, nói "Ông quản gia bảo tôi đoán xem ai cùng ăn cơm tối nay?"

Trác Mã cười, ghé vào tai tôi "Thưa cậu, mặc kệ ông ấy, đoán không ra không phải là ngốc, đoán ra cũng không phải là người thông minh".

Trời đất ơi, bạn cũ của nhà Mạch Kỳ, ông đặc phái viên Hoàng Sơ Dân đứng ngay trước mặt tôi.

Vẫn khuôn mặt gầy gò, vẫn lơ thơ mấy sợi râu vàng hoe đáng thương, chỉ có đôi mắt ti hí trông vẻ yên ổn hơn mọi khi.Tôi nói với vị khách từ phương xa này "Mắt ông không đến nỗi vất vả như xưa".

Ông ta trả lời thẳng thắn "Bởi không phải tính toán gì cho ai".

Tôi hỏi ông ta về ông Khương, trung đoàn trưởng kia hiện tại như thế nào. Ông ta nói, ông Khương bị điều đi một nơi rất xa để đánh nhau với người Hán đỏ, chết trôi trên một dòng sông.

"Ông ta không bị thối chứ?"

Ông Dân trợn mắt, không biết tại sao tôi hỏi câu ấy. Có thể ông ta biết mình đang nói chuyện với một thằng ngốc, nên cười, nói "Trên chiến trường, trời lại nóng bức, thể nào cũng bị thối. Người chết, toàn thân là một đống thịt, chẳng khác gì con chó, con bò".

Khách chủ cùng ngồi vào mâm.

Tôi ngồi đầu tiệc, vỗ tay, Trác Mã quay ra ngoài vỗ tay, các cô hầu như đàn cá tràn vào.

Trước mặt mỗi người chúng tôi là một cái bàn gỗ hình chữ nhật, mặt bàn là hình trái cây và những bông hoa lớn hình dáng kỳ dị, nghe nói là của Ấn Độ, được vẽ bằng bột vàng.Trên khay là đồ sứ của vùng người Hán và đồ bạc của nhà chúng tôi. Ly rượu là của nước Tích Lan (Sri Lanka) được làm bằng mã não màu huyết dụ. Qua ba tuần rượu tôi mới hỏi ông Dân có gì đưa đến không. Nhiều năm trước, ông ta đưa đến cho nhà Mạch Kỳ súng đạn hiện đại và thuốc phiện.Từ xa xưa đến nay, người Hán đến vùng chúng tôi không đưa gì đến thì cũng đem thứ gì đó đi.

Hoàng Sơ Dân nói "Tôi đem cái thân xác tôi đến, đến để nhờ cậy cậu". Ông ta thản nhiên nói, ở chỗ cũ không yên.Tôi hỏi có phải ông ta là Hán đỏ không? Ông ta lắc đầu, rồi nói "Cũng cói như thân thích của người Hán đỏ".

Tôi nói "Người Hán giống nhau, tôi không phân biệt nổi ai là Hán đỏ, ai là Hán trắng (ý nói Cộng sản và Quốc dân đảng)".

Ông Dân nói "Đó là chuyện của người Hán với nhau".

Tôi nói "Dành cho ông một căn phòng".

Ông ta vỗ vỗ đầu, đôi mắt tuổi hí sáng lên, nói "Có thể trong ấy có cái cậu còn dùng đến".

Tôi nói "Tôi không thích nói chuyện thông qua người trung gian".

Ông ta nói "Từ nay tôi sẽ học tiếng của cậu. Nhiều lắm là nửa năm tôi có thể nói được, khỏi phải thông qua phiên dịch".

"Gái thì sao, tôi không muốn cho ông gái".

"Tôi già rồi".

"Ông không được làm thơ".

"Tôi cũng không cần phải giả vờ làm gì".

"Tôi không thích cái hạt giống trước kia của ông, mỗi tháng tôi sẽ cho ông một trăm lạng bạc".

Lúc này ông ta chứng tỏ là mình "Tôi không cần tiền bạc của cậu, tôi già rồi, nhưng tôi kiếm được tiền để tiêu xài".

Vậy là ông Hoàng Sơ Dân đến trú ngụ ở chỗ chúng tôi.Tôi không hỏi ông tại sao không đến nhờ nàh Thổ ti Mạch Kỳ mà đến đây.Tôi nghĩ, có thể đây là chuyện phức tạp khó nói.Tôi không muốn ai phải trả lời những chuyện khó nói, cho nên không hỏi.

Hôm ấy tôi đến nhà kẻ thù uống rượu, bỗng chủ quán nói, tối hôm qua em ông ta có về qua đây.Tôi hỏi tên sát thủ ấy ở đâu. Chủ quán nhìn tôi, thăm dò vẻ mặt tôi. Nhưng tôi biết, thằng em ông ta đang ở trong nhà, chỉ cần vén bức rèm thông vào phòng trong là có thể thấy hắn ngồi dưới một ô cửa sổ nhỏ, đang uống rượu.Tôi nói "Đi chỗ khác vẫn tốt hơn, nếu không, luật chơi vẫn còn đó, tôi không thể làm ngược lại".

Chủ quán nói "Em tôi đã một lần tha cho cậu, cậu cũng phải tha cho nó một lần".

Ông ta đang khuyên tôi phục tùng một luật chơi khác. Làm người sống trên đời sẽ phải hiểu rằng, ai cũng chuẩn bị sẵn những luật chơi khác nhau. Có lúc, luật chơi như một sợi dây trói buộc, có lúc lại như một vũ khí, giống như chuyện phục thù.Thổ ti Mạch Kỳ lợi dụng cha họ, rồi lại giết cha họ, họ phục thù là điều thiên kinh đia. Nghĩa, là luật chơi đã định.Thằng em chủ quán không giết tôi ở bờ sông, vì tôi không phải là Thổ ti Mạch Kỳ. Giết tôi tức là phản lại luật chơi, tất sẽ bị ông trời cười chê.

Tôi nói, hắn không giết tôi, không nên giết tôi. Lúc này tôi phải giết hắn, vì hắn giết anh trai tôi, nếu tôi gặp hắn mà không giết thì người khắp thiên hạ sẽ cười tôi.

Chủ quán nhắc tôi cần cám ơn em ông ta vì đã cho tôi cơ hội làm Thổ ti.

Tôi nhắc để ông ta biết không phải hắn giết người là để tôi lên làm Thổ ti.Tôi nói "Tôi không biết ông thế nào, nhưng em ông là tên sát thủ nhát gan, tôi không muốn trông thấy mặt hắn".

Cửa sổ trong nhà có tiếng động, sau đấy, có tiếng vó ngựa chạy đến tận chân trời. Chủ quán nói "Nó đi rồi.Tôi lót ổ ở đây, làm xong cái chuyện không thể không làm, chúng tôi sẽ có cái ổ khác. Chính là cậu làm chúng tôi không chốn trở về".

Tôi cười "Như thế mới hợp với luật chơi".

Chủ quán nói "Tôi cũng như mọi người, cứ tưởng cậu không theo luật chơi, tôi đã nhầm".

Hai chúng tôi ngồi trước bàn, trên mặt bàn các vị thực khách khắc lên đủ thứ linh tinh: dấu hiệu thần bí và lời nguyền, hình bàn tay, chim muông, hình đầu người trên đồng bạc trắng, thậm chí có cả hình giống như cặp môi.Tôi bảo đấy là hình cửa mình phụ nữ, ông chủ quán cứ nhất định bảo đấy là hình vết thương.Thật ra, ông ta bảo tôi xúc phạm đến ông. Lần thứ ba ông ta bảo đấy là hình vết thương, lập tức quả đấm của tôi tương trúng mặt ông ta. Ông ta lóp ngóp bò dậy, mặt dính đầy bụi đất, hai con mắt như bốc lửa.

Đúng lúc ấy ông Hoàng Sơ Dân bước vào, ngồi rất oai vệ rồi gọi rượu. Ông ta nói, sẽ giao cho tôi mấy tên lính hộ vệ để phiên chế vào đội ngũ của tôi.

"Tôi không cần bất cứ thứ gì của ông".

"Lẽ nào tôi ở đây mà còn phải lo chuyện an toàn cho bản thân?"

Thấy đấy, Hoàng Sơ Dân đúng là con người thông minh. Ông ta sẵn sàng giao phó sinh mệnh vào tay tôi. Ông ta là người hiểu biết, biết có người sẽ ra tay với ông ta, mấy tên vệ sĩ sẽ không được việc gì. Ông ta giao vệ sĩ cho tôi, khỏi cần phải lo cho bản thân. Chỉ lo ông ta biến thành tôi. Cái tổn thất duy nhất của ông ta là, đi đến đâu không có vệ sĩ trông kém oai phong. Nhưng không cần thiết phải lúc nào cũng ngó nhìn phía sau, lúc ngủ khỏi cần vểnh một tai lên, vậy tổn thất kia có đáng là bao. Uống xong bát rượu ông ta nhe răng ra cười, mấy giọt rượu dính vào bộ râu vàng hoe.Tôi bảo ông ta, muốn uống rượu thì cứ ra quán này. Ông ta hỏi tôi như thế có mất tự do không, ngay chuyện uống rượu cũng phải cố định một nơi?Tôi nói, đến quán này uống khỏi cần trả tiền. Ông ta hỏi, phải chăng tôi miễn thuế cho chủ quán? Chủ quán nói "Không, tôi ghi sổ, cậu đây sẽ trả".

Hoàng Sơ Dân lại hỏi "Ông là bạn của cậu đây à? Cậu đây có những người bạn thật là kỳ quái!"

Chủ quán nói "Tôi cũng không biết, tôi nghĩ vì thằng em tôi là một sát thủ".

Hoàng Sơ Dân bị sặc rượu, cái bộ mặt vàng ệch biến sắc.

Tôi đưa ông ra cửa, chân ông ta bước lảo đảo như người say.Tôi nói với ông ta, tên sát thủ ấy chuyên đi trả thù nhà, đến lúc này ông mới yên tâm.Tôi cảm thấy hơi men đã bốc lên đầu, phải lên cầu hứng gió sông, để rượu bốc mạnh hơn. Ông ta bảo tôi vịn vào vai ông, rồi hỏi "Em trai lão ấy là sát thủ thật à?"

Tôi nói "Điều ấy thì tôi biết, nhưng không biết ông định làm gì?"

Ông ta suy nghĩ giây lát rồi nói "Đã đến nước này rồi, tôi cũng không biết mình đang làm gì.Thế này nhé, tôi sẽ làm sư phụ cho cậu". Ông ta dùng hai tiếng sư phụ của người Hán. Cái đầu ngốc nghếch của tôi đang ù ù như ong vỡ tổ, tôi hỏi "Là người thế nào của tôi?"

Ông ta suy nghĩ, rồi hét to vào tai tôi "Bây giờ cậu không là ai, nhưng có thể trở thành bất cứ người nào mà cậu muốn".

Đúng vậy, nếu là con trai Thổ ti mà không phải là người thừa kế Thổ ti, sẽ không là gì. Sau khi anh chết, cha chưa bày tỏ ý định cho tôi làm người thừa kế. Mẹ vợ tôi viết thư đến, bảo tôi khỏi cần về thăm bà ta. Bà nói, Thổ ti Mạch Kỳ gặp nhiều chuyện buồn, bà không thể cướp người con trai cuối cùng của nhà Mạch Kỳ về làm người thừa kế của mình. Nhưng ông quản gia ngầm bảo cho tôi biết, sẽ có ngày tôi có thể đồng thời trở thành hai Thổ ti. Ông sư phụ Hoàng Sơ Dân nói toạc điều ấy với tôi.

Tất nhiên họ đều bảo tôi phải kiên nhẫn chờ đợi.

Thôi được, tôi đợi, không sốt ruột làm gì.

Cứ như vậy, xuân đi thu đến, ngày tháng trôi qua. Ông quản gia và sư phụ của tôi trông coi việc buôn bán và cai quản chợ búa, hai thằng nhỏ và Trác Mã chuyên lo những chuyện lặt vặt. Mới mấy năm, thằng con ngốc nghếch của nhà Mạch Kỳ trở thành người giàu có nhất vùng. Ông quản gia nhìn vào sổ sách nói với tôi điều ấy.

Tôi hỏi "Giàu hơn cả cha tôi à?"

"Giàu hơn", ông ta nói "Cậu biết đấy, thuốc phiện không còn có giá nữa. Nhưng việc buôn bán của chúng ta cũng mới chỉ bắt đầu".

Hôm ấy tôi và Ta Na cưỡi ngựa đi chơi, dọc đường tôi bảo cho nàng biết tin ấy. Sau ngày về biên giới, nàng không đi tìm trai nữa.Tôi cảm thấy như thế rất tốt. Nàng hỏi "Anh là người giàu nhất trong số các Thổ ti hả?"

Tôi nói "Đúng vậy".

Nàng nói "Em không tin, cứ nhìn sau lưng anh là những ai".

Tôi nhìn, sau lưng tôi toàn là người thân tín.Ta Na nhìn lên trời, nói "Hỡi ông trời, hãy nhìn xem anh giao thế giới này vào tay những ai".Tôi biết, nàng vui mới nói như thế.

Đúng vậy, hãy nhìn, quản gia của tôi là một người thọt, sư phụ là một ông già râu vàng hoe, hai thằng nhỏ có thể vì theo tôi lâu ngày, hai khuôn mặt một lớn một nhỏ trước bất cứ điều gì cũng chỉ một vẻ, thằng Nhi Y thì rụt rè xấu hổ, thằng Trạch Lang thì tỏ ra hung hăng.Thằng Trạch Lang được giao việc đứng đầu bọn gia đinh thu thuế, nó rất thích thú với việc may đồng phục cho bọn thu thuế.Trác Mã nay đã là người đứng đầu các cô hầu và người nấu ăn. Cô ta phát phì, với những phụ nữ vào tuổi này, đàn ông không phải là chuyện quan trọng, cho nên cô ta quên anh thợ bạc, hình như cô ta cũng quên cái thời làm cô hầu cho tôi.

Ta Na hỏi tôi "Tại sao Trác Mã chẳng chửa đẻ gì? Cô ta ngủ với anh, với anh thợ bạc, với ông quản gia cơ mà?"

Chuyện này tôi không sao trả lời nổi. Vậy là, tôi hỏi lại nàng chính chuyện ấy, hỏi nàng tại sao không đẻ cho tôi một đứa con.

Câu trả lời của Ta Na là, nàng chưa biết có đáng cho tôi một đứa con hay không. Nàng nói "Nếu anh thật sự ngốc thì sao? Anh bảo em lại đẻ ra một thằng ngốc nữa à?"

Cô vợ xinh đẹp của tôi vẫn chưa khẳng định được chồng mình là ngốc, tôi nghĩ.

Tôi nói với nàng "Anh là một thằng ngốc, cả đời bụng em sẽ không có gì".

Ta Na nói "Chờ cho đến khi em cảm thấy anh là ngốc thật sự, em sẽ đi tìm một người khác cho em một đứa con".

Tôi không tin nói cần một đứa con là cần, nói không cần là không cần.Ta Na cho tôi xem những viên thuốc màu hồng, bảo đấy là thuốc của Ấn Độ. Ấn Độ có nhiều thứ thần kỳ, người Anh đem về nước khốii cái thần kỳ của Ấn Độ. Cho nên tất cả những gì ngoài phạm vi lý giải của chúng tôi, chỉ cần nghe nói từ Ấn Độ, chúng tôi đều rất tin. Ngay cả anh túc từ vùng người Hán đưa đến, ông Dân cũng bảo của người Anh đưa từ Ấn Độ đến cho người Hán. Cho nên tôi tin thứ thuốc màu hồng kia có thể làm cho Ta Na muốn không có con thì không có, muốn con của ai thì đó là con của người ấy, cũng giống như chúng ta muốn ăn món ăn nào của đầu bếp nào cũng được. Quan hệ giữa tôi và Ta Na trần trụi thế đó, nhưng tôi vẫn thích sự thẳng thắn, chân thật ấy.Tôi rất kính phục Ta Na làm cho quan hệ của chúng tôi luôn trong trạng thái ấy. Nàng có đủ năng lực để thao túng những việc như thế. Nàng còn biết chọn cơ hội để đem những vấn đề ấy ra thảo luận.

Gió từ phía sau thổi tới, chúng tôi cưỡi trên lưng ngựa đi một chặng rất xa. Cuối cùng, chúng tôi lên đồi.Trước mắt là cao nguyên chập chùng, hùng vĩ. Chim ưng lượn trên cao, đôi cánh giang rộng bất động. Lúc này sự việc cụ thể trở thành trừu tượng, những sự việc lẽ ra phải khắc cốt ghi tâm lại giống như một viên đạn nóng bỏng lướt qua da thịt, tuy vô cùng nguy hiểm, nhưng chỉ đốt cháy chút lông tơ. Vợ tôi nói "Anh thấy đấy, chúng ta bàn nhiều chuyện lắm rồi".

Cảnh sắc trải rộng trước mắt khiến trái tim tôi có thể dung nạp các thứ, tôi nói "Không sao!"

Ta Na cười để lộ hàm răng trắng bóng, nói "Về thôi, những chuyện ấy chỉ làm anh đau lòng".

Cái cô gái này điều gì cũng biết!

Đúng vậy, những điều này nói ở trong phòng, nói lúc nửa đêm sẽ làm tôi đau lòng, trở thành thuốc độc dần phát tác nơi tim tôi. Nhưng lúc này, gió đưa từng cụm mây trên trời, mơn man cỏ xanh trên mặt đất, lời nói trở nên nhẹ tênh. Chúng tôi còn nói nhiều chuyện đều bị gió thổi đi, trong tim tôi không còn chút hình bóng nào.

Bỗng, Ta Na giật cương, chạy về phía sau. Nàng đi giải.Thằng Trạch Lang giật cương đi song song với tôi. Mấy năm nay nó đã trưởng thành, cái cổ rất to, yếu hầu cũng lớn. Nó nhìn đi chỗ khác, nói với tôi "Sẽ có ngày tôi giết cái con yêu tinh kia". Bộ đồ thu thuế màu nâu làm gương mặt nó trở nên thâm trầm, nghiêm túc. Nó nói "Cậu cứ yên tâm, nếu cô ta làm cái trò đĩ thoã, cháu sẽ giết cho cậu".

Tôi nói "Nếu mày giết vợ tao thì tao giết mày".

Nó không nói gì. Nó không quá coi trọng lời chủ.Trạch Lang là một đứa nguy hiểm. Ông quản gia và ông sư phụ Hoàng Sơ Dân đều nói, những con người như thế chỉ có gặp chủ như tôi mới được trọng dụng. Chủ như tôi là chủ thế nào? Tôi hỏi hai người. Ông sư phụ Dân vuốt vuốt mấy sợi râu vàng hoe, nhìn tôi từ đầu đến chân, gật đầu rồi lại lắc đầu. Ông quản gia nói, làm theo thì lòng nhẹ nhàng, thoải mái. Ông ta nói, chủ không phải là Thổ ti, cho nên không sợ chủ nghi ngờ có lòng mưu phản.

Ta Na về.

Hôm ấy tôi như chợt thấy tiến trình tốt đẹp ẩn hiện, giơ cao ngọn roi dẫn đầu mọi người, thúc ngựa phóng nhanh trên cánh đồng, chim muông hốt hoảng bay lên, mặt đất nổi sóng tràn tới, mỗi đợt sóng đều là một quang cảnh gây phấn chấn lòng người.

Hôm ấy, tôi còn nhận được một lá thư từ Trùng Khánh vùng người Hán gửi đến.Thư của chú tôi. Lần ấy chú từ Ấn Độ về, ngoài chuyện lấy một ít đồ cưới cho vợ chồng iv. Nam tước nghèo người Anh ra, còn đón vị Ban Thiền Lạt ma từ vùng người Hán về Tây Tạng. Nhưng dọc đường vị đại sư viên tịch, chú lại quay về vùng người Hán.

Thư của chú có hai phần, một phần viết chữ Tạng, một phần viết chữ Hán. Hai thứ chữ nhưng cùng một nội dung.Trong thư chú nói, viết như vậy sẽ không bị ai truyền đạt sai ý. Chú biết tôi thành công lớn trên biên giới, biết tôi hiện có một tài sản lớn, hỏi vay tôi một ít bạc. Vì người Nhật sắp thất bại, mọi người phải cố gắng, người Nhật sẽ thất bại, lời cầu khẩn của Ban Thiền đại sư sẽ được thực hiện, nhưng mọi người phải nghiến răng cố gắng hơn nữa, đánh bại lũ ác quỷ tàn nhẫn nhất thế giới. Chú nói, đến ngày chiến tranh kết thúc chú về Ấn Độ, sẽ dùng tất cả số đá quý để trả nợ. Chú nói, đến lúc ấy mọi thứ của chú đều là của thằng cháu, là tôi. Chú sẽ sửa lại chúc thư, đổi tên vị phu nhân Anh quốc kia sang tên tôi.Trong thư chú còn nói, nếu cháu cống hiến cho nhà nước số tiền ấy, chú lấy làm tự hào, tự hào vì nhà Mạch Kỳ.

Tôi bảo người chuẩn bị ngựa để thồ bạc đến Trùng Khánh, cái nơi mà trong thư chú nói.

Ông Hoàng Sơ Dân nói không cần phải phiền phức như thế, nếu buôn bán lâu dài, thồ bạc đi thồ bạc về quá phiền phức, chi bằng mở ngay một hiệu bạc, có thể gửi tiền, rút tiền. Vậy là cô tôi mở một hiệu bạc. Ông Dân viết một tờ giấy, tôi cầm tờ giấy có đóng triện đỏ hiệu bạc đưa về Thành Đô, nơi đây là của chú tôi, vậy là có thể đến bất cứ nơi nào trên đất Trung Quốc cũng có thể rút được mười vạn đồng bạc trắng. Ông Dân nói vậy. Về sau, thư của chú cho biết đã rút được mười vạn đồng bạc trắng.Từ đấy về sau, người của chúng tôi về buôn bán ở vùng người Hán không phải thồ bạc trắng đi nữa. Cũng như vậy, người Hán lên chỗ chúng tôi làm ăn, cũng không phải đem theo một đồng bạc trắng nào, chỉ cần đem theo một tờ giấy của hiệu bạc giống như hiệu bạc chúng tôi là được. Ông Hoàng Sơ Dân làm chủ hiệu bạc.

Ông thư ký nói đây là một việc hết sức có ý nghĩa.

Tôi hỏi "Những việc chưa từng có đều có ý nghĩa cả hay sao?"

"Việc có ý nghĩa tự thân nó có ý nghĩa".

"Câu nói của ông không có ý nghĩa đối với đầu óc tôi".

Ông thư ký cười. Những năm gần đây, tính cách ông ta mỗi ngày một ôn hoà hơn, ông chỉ ghi lại những chuyện trông thấy. Lúc rỗi việc, ông bày ra trước mặt một bát rượu mật ong, ngồi dưới bóng mát nhâm nhi thưởng thức. Về sau, những cây bạch dương trồng trong sân đã lớn, ông ta chuyển chỗ ngồi từ hành lang ra bóng cây bạch dương.

Ông ta ngồi dưới gốc cây, nói "Thưa cậu, những ngày này trôi chậm chạp quá".

Tôi nói "Đúng vậy, ngày tháng trôi đi quá chậm".

Ông quản gia nhận ra cảm xúc của tôi, ông nói "Cậu nói gì lạ thế? Lúc này ngày tháng qua nhanh hơn mọi khi. Xảy ra bao nhiêu chuyện không thể ngờ tới, những chuyện ấy nếu là trước đây phải mất dăm trăm năm, cậu biết không? Cậu ơi, năm trăm năm dễ thường không đủ, vậy mà cậu còn bảo thời gian trôi quá chậm".

Ông thư ký đồng ý với ông quản gia.

Tôi không còn biết nói gì, cũng không còn việc gì để làm, liền ra phố uống rượu.

Chủ quán đã quen tôi, nhưng cho đến hôm nay, tôi cũng chưa biết tên ông ta.Tôi đã từng nói với ông, chúng ta không giống như kẻ thù truyền kiếp. Chủ quán nói, kẻ thù truyền kiếp của hai anh em ông ta là Thổ ti Mạch Kỳ, không phải tôi buôn bán, thu thuế chợ, mở hiệu bạc trên biên giới.Tôi nói "Sẽ có ngày tôi lên làm Thổ ti".

Ông ta cười "Đến ngày ấy cậu mới là kẻ thù truyền kiếp của chúng tôi, nhưng đấy là việc còn lâu lắm".

Người sống ở đây rất thích coi chuyện sắp xảy ra là chuyện còn xa lắm.Tôi hỏi ông ta có cảm thấy thời gian mỗi ngày một nhanh hơn không?

Chủ quán cười "Thấy chưa, thời gian, cậu quan tâm đến thời gian rồi đấy". Ông ta nói câu ấy với giọng châm biếm.Tôi hắt bát rượu lên mặt ông ta. Chủ quán ngồi lặng đi một lúc, định nói gì đó nhưng rồi thôi, chừng như đầu óc có bệnh, cản trở ông nói. Cuối cùng, ông lau rượu trên mặt, nói "Đúng vậy, thời gian nhanh hơn trước, giống như có ai quất roi vào nó".

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play