Trong bao rõ ràng thi thể của một vị hòa thượng. Thiếu Lâm chưởng môn biến sắc kích động hỏi :

- Thí chủ! Vụ này là thế nào?

Tưởng Úy Dân lạnh lùng hỏi :

- Xin Chưởng môn hãy nhìn nhận xem có phải là đệ tử của quý tự không đã.

Thủ tòa hộ pháp là Ngộ Nguyên bước lên một bước, lão nhìn kỹ rồi run lên nói :

- Bẩm Chưởng môn! Y là Liễu Không đệ tử đời thứ mười ba.

Thiếu Lâm chưởng môn nhìn Tưởng Úy Dân bằng con mắt sắc bén hỏi :

- Xin thí chủ giải thích cho vụ này.

Từ Văn là tay cao thủ về độc đạo chàng vừa ngó đã biết ngay buột miệng la :

- Nhà sư này chết vì trúng độc.

Những người trong trường đều cả kinh thất sắc. Tưởng Úy Dân nhìn Từ Văn nói :

- Đúng thế! Y trúng độc mà chết.

Những tăng nhân chùa Thiếu Lâm đều giương mắt phẫn nộ lên nhìn Tưởng Úy Dân.

Tưởng Úy Dân đảo mắt lạnh lùng ngó chúng tăng. Sau lão cất giọng cực kỳ nghiêm nghị nhìn Chưởng môn nói :

- Vừa may đêm qua tại hạ tá túc tại chùa Tinh Linh ngoài thành Đăng Phong. Nhà sư này ở trong chùa đó, giữa lúc đêm hôm lão đã bóc trộm một phong mật thư ra coi, thế rồi...

Thiếu Lâm chưởng môn giục :

- Thí chủ nói hết đi.

- Trước hết tại hạ xin hỏi Chưởng môn nhân, người bị chết này có phải cầm mật thơ do Chưởng môn sai đi không?

Thiếu Lâm chưởng môn trầm ngâm hỏi :

- Một phong thơ?

Tưởng Úy Dân đáp :

- Đúng thế!

Thiếu Lâm chưởng môn nói :

- Kêu Giám tự ra đây.

Một tên đệ tử dạ một tiếng rồi chạy đi. Không trường lại tịch mịch một bầu không khí rất nặng nề kỳ bí.

Lát sau một nhà sư mặt hổ rảo bước đi tới nói :

- Giám tự đệ tử là Ngộ Chân xin tham kiến Chưởng môn.

Thiếu Lâm chưởng môn hỏi ngay :

- Có phải ngươi đã sai Liễu Không đưa thơ đi không? Ngươi hãy coi kìa!

Ngộ Chân quay lại ngó xác chết để dưới đất bất giác la hoảng :

- Liễu Không! Liễu Không! Y..

Thiếu Lâm chưởng môn sa sầm nét mặt giục :

- Ngộ Chân! Vụ này thế nào ngươi hãy giải thích cho bản tòa nghe.

Ngộ Chân quay lại cúi đầu đáp :

- Hai tháng trước đệ tử đã sai Liễu Không đưa một phong sớ điệp đến hạ viện Bồ Kinh ở tỉnh Phúc Kiến.

Chưởng môn ngắt lời :

- Hai tháng trước ư?

- Đúng thế!

- Theo lời Thiên Nhãn Thánh Thủ thí chủ nói thì đêm qua y mở mật thư coi ở chùa Tinh Linh...

Ngộ Chân nói :

- Thưa Chưởng môn, tính theo ngày giờ thì y từ hạ viện trở về thì vừa đúng.

Tưởng Úy Dân hắng dặng một tiếng rồi nói :

- Trong mật phong không phải là sớ điệp.

Thiếu Lâm chưởng môn ngạc nhiên hỏi :

- Vậy nó là cái gì?

- Một bản bí đồ có đổ chất kịch độc, vì y mở trộm ra coi nên trúng độc mà chết.

Chưởng môn Thiếu Lâm da mặt co rúm lại rất khó coi còn ngoài ra ai cũng bât tiếng la hoảng.

Từ Văn hai mắt trợn tròn xoe, Tưởng Úy Dân lại nói tiếp :

- Vì vậy mà tại hạ mạo muội tới đây bái yết Chưởng môn xin chỉ thị cho biết lai lịch của bí lục này.

Chưởng môn phái Thiếu Lâm rất đỗi nghi ngờ, lão đảo mắt nhìn Ngộ Chân và Tưởng Úy Dân cất giọng nghiêm trọng nói :

- Bí lục đó tên gì?

Tưởng Úy Dân lấy trong bì thuốc ra một cái gói da dê giơ lên nói :

- Độc kinh!

Toàn trường lại hoảng :

- Độc kinh ư?

Từ Văn chấn động tâm thần bất giác la lên :

- Thế thúc! Xin cho tiểu điệt coi!

Tưởng Úy Dân kinh hãi ngó Từ Văn rồi ngần ngừ đưa cái túi da dê cho chàng. Từ Văn đón lấy tay run lẩy bẩy mở ra coi thì thấy một cuốn sách rất mỏng nhỏ cũ mèm. Ngoài bìa có viết hai chữ lớn “Độc kinh” theo lối cỏ triện, phái dưới có chứa hai chữ nhỏ “Quyển thượng”. Trước nay chàng chưa từng thấy pho bí lục chí bảo của bản môn này, song chàng căn cứ vào hình tượng mà phán đoán thì nhất quyết là báu vật của bản môn không còn sai nữa.

Từ Văn lại mở ra xem mấy trang bên trong thì đúng là Độc kinh. Chàng liền cất Độc kinh vào bọc đưa mắt nhìn Tưởng Úy Dân thì thấy lão ra chiều kinh dị liền nói :

- Thế thúc! Tiểu điệt cũng vì pho Độc kinh này mà tới đây.

Tưởng Úy Dân hỏi :

- Ngươi... vì pho Độc kinh mà tới đây ư?

- Đúng thế!

- Ngươi đã biết tình trạng này từ hồi trước rồi hay sao?

- Không phải!

Chàng không nói thêm gì được nữa, dường như cổ họng bị vật gì nút chặt nước mắt chảy quanh cơ hồ trào ra. Tưởng Úy Dân kinh hãi hỏi :

- Vụ này là nghĩa làm sao?

Từ Văn nghiến răng dằn mối đau thương cất giọng thê lương đáp :

- Hoàng Minh đại ca, y...

Tưởng Úy Dân biết rằng có chuyện bất thường liền hỏi ngay :

- Y làm sao?

- Y chết rồi.

Tưởng Úy Dân lảo đảo người đi luôn mấy bước, hai mắt trợn ngược lão rú lên :

- Hoàng Minh... chết rồi ư?

- Y chết rồi! Mà chết một cách thê thảm y bị lợi kiếm đâm xuyên qua ngực.

Tưởng Úy Dân run bần bật hỏi :

- Y chết ở đâu?

- Trong khu rừng trên đường đi Toại Bình, tiểu điệt... đã mai táng y rồi.

Tưởng Úy Dân da mặt co rúm lại người run lẩy bẩy nước mắt tuôn ra như suối.

Từ Chưởng môn trở xuống cho đến quần đệ tử phái Thiếu Lâm ai cũng kinh hãi nghi ngờ nhìn chòng chọc vào hai người nhưng không một ai lên tiếng.

Tưởng Úy Dân lau nước mắt hỏi :

- Sự việc đã xảy ra như thế nào?

Từ Văn nghiến răng đem những chuyện mà chàng đã xảy ra thuật lại một lượt. Tưởng Úy Dân mắt lộ sát khí đây là một trường hợp rất ít khi thấy trong người lão.

Từ Văn đã có ấn tượng về lão thần thâu này lúc nào cũng hoạt kê vui vẻ, cơ trí hơn người mà nay lại cảm xúc đến thế này thì không khỏi kinh ngạc. Chàng quay lại hỏi Chưởng môn Thiếu Lâm :

- Bây giờ Chưởng môn hãy giải thích đi thôi.

Chưởng môn Thiếu Lâm chấn động tâm thần hỏi lại :

- Các hạ muốn bản tòa giải thích thế nào?

- Tại sao Liễu Không lại mang Độc kinh trong người?

- Y đã vì cái đó mà mất mạng vậy bản tòa còn phải phái người đi điều tra vụ này.

- Phải chăng Chưởng môn nói vậy là để lấp liếm cho xong chuyện?

Chưởng môn Thiếu Lâm rất bực tức nhưng vẫn bình tĩnh đáp :

- Thí chủ bảo bản tòa lấp liếm thì có điều hơi quá.

Từ Văn đáp :

- Sự thực đã hiển nhiên bốn tên Ngũ Phương sứ giả đã chết vì trong kinh có chất kịch độc. Còn một người nữa là minh huynh của tại hạ bị lợi kiếm hạ sát, lúc lâm tử y có di ngôn là đệ tử của quý tự đã gây ra. Mặt khác Liễu Không cũng đã chết rồi mà dường như công lực của y không đủ để giết người cướp kinh, thế thì trong vụ này phải có duyên cớ. Duyên cớ đó xin Chưởng môn giải thích.

Chàng dứt lời đảo mắt ngó Thủ tòa hộ pháp Ngộ Nguyên.

Ngộ Nguyên đại sư mới về chùa sáng nay lại đúng thời gian xảy ra vụ án mạng. Căn cứ vào bản lãnh của đại sư thì y có thể giết Hoàng Minh được.

Tưởng Úy Dân run lên nói :

- Thưa Chưởng môn! Tiểu đồ là Hoàng Minh ẩn thân nằm vùng trong Ngũ Phương giáo cũng vì chính nghĩa võ lâm mà nay gã bị thảm tử phơi thây bên đường hiển nhiên là một vụ mưu sát.

Thiếu Lâm chưởng môn hỏi :

- Mưu sát ư?

Tưởng Úy Dân xẵng giọng hỏi lại :

- Chẳng lẽ còn không phải hay sao?

Giám tự Ngộ Chân trầm giọng quát :

- Thí chủ không được vô lễ.

Tưởng Úy Dân bi phẫn quá độ thành ra không giữ được thái độ bình tĩnh lúc bình thời, lão trợn mắt lên hỏi :

- Vô lễ ư? Bữa nay mà không giải thích được rõ ràng thì cửa Phật là nơi thanh tịnh cũng phải đổ máu.

Câu này khiến cho quần trường đều chấn động, quần đệ tử Thiếu Lâm đều mặt giận xám xanh người nào cũng giương mày trợn mắt nhưng vì giới luật ngăn cản nên họ không dám nổi hung.

Từ Văn hỏi thêm một câu :

- Chưởng môn nhân! Xin Chưởng môn quyết đoán ngay đi.

Chưởng môn Thiếu Lâm cũng tức giận hỏi :

- Phải chăng thí chủ có ý khinh thị bản tự không người?

- Không dám! Tại hạ chỉ đòi nợ nhân mạng mà thôi.

Chưởng môn ngắt lời :

- Đệ tử của bản môn cũng chết phơi thây đương trường, đó không phải là nhân mạng hay sao?

Từ Văn hững hờ đáp :

- Cái đó không thuộc phạm vi tại hạ phải trả lời.

- Thí chủ định làm gì bây giờ?

- Xin Chưởng môn trả lời về vụ giết người đoạt kinh cho.

- Trước khi sự thực chưa được rõ rệt bản tòa không có cách nào trả lời các hạ được.

- Nếu vậy thì đừng trách Địa Ngục thư sinh này thủ đoạn tàn ác.

Thù tòa hộ pháp là Ngộ Nguyên đại sư tức giận hỏi lại :

- Các hạ định làm gì?

Từ Văn hai mắt xanh lè cất giọng lạnh như băng buông thõng hai tiếng :

- Giết người!

Hai tiếng này từ cửa miệng Đại Ngục thư sinh nói ra có uy lực uy phường khiến cho người ta phải kinh hãi.

Tăng chúng chùa Thiếu Lâm tức giận đều lên tiếng hắng dặng. Chưởng môn Thiếu Lâm cất cao giọng niệm Phật hiệu rồi nói :

- Đức Phật từ bi! Bản tự từ ngày thành lập môn phái trước Phật đường chưa bao giờ có mùi máu tanh.

Từ Văn lạnh lùng nói :

- Bữa nay khó mà giữ được thể lệ đó.

Trụ trì La hán đường Nhất Tâm đại sư chắp tay nói :

- Xin Chưởng môn định đoạt.

Áo cà sa của Chưởng môn Thiếu Lâm không gió mà lay động, hiển nhiên lão rất xúc động. La Hán đường phụ trách việc bảo vệ an ninh trong chùa trụ trì tăng xin chỉ thị tức là chờ dịp xuất chiêu, hậu quả này thật đáng sợ.

Chàu Thiếu Lâm tuy đóng cửa tự thủ không hỏi gì đến chuyện thị phi của võ lâm nhưng tai mắt rất linh mẫn. Địa Ngục thư sinh gần đây có những hành vi chấn động giang hồ, đồ đệ phái này biết rõ, không cần nói đến chuyện khác nguyên một cánh tay độc của chàng trong chùa đã không ai địch nổi.

Chưởng môn nhân cặp lông mày co rúm lại không ngớt, lão tự hỏi :

- Làm thế nào để đối phó với vụ này bây giờ?

Không trường bao phủ một làn sát khí dày đặc, Tưởng Úy Dân gầm lên như người điên :

- Bữa nay mà tại hạ không báo thù được cho đồ đệ thì cũng chẳng sống trên núi Thiếu Thất này nữa.

Tiếng quát vừa dứt lão đã xông ra.

Bầu không khí trở nên khẩn trương vô cùng, bao nhiêu đệ tử hộ pháp đều thủ thế chờ đợi. Ba vị cao tăng là Ngộ Chân, Ngộ Nguyên, Nhất Tâm đều lặng người ra đứng trước Chưởng môn. Từ Văn băng người ra ngăn cản Tưởng Úy Dân run lên nói :

- Thế thúc! Xin để vụ này cho tiểu điệt.

Dứt lời mắt chàng xanh lè đảo nhìn ba nhà sư hỏi :

- Tại hạ mà ra tay thì chết chứ không bị thương, vậy ba vị cùng xuất chiến tay hay là một vị nào ra tay trước?

Thực là một câu nói cuồng ngạo nhưng cũng khiến cho người ta không rét mà run. Trong trường không một ai có thể chống cự nổi với Từ Văn vì không thể lấy bất cứ một công lực nào để chống cự lại với chất độc.

Trụ trì La Hán đường là Nhất Tâm đại sư tiến lên một bước cất giọng đanh thép nói :

- Bản tòa vì danh dự chùa Thiếu Lâm mà phải xuất chiến.

Từ Văn giục :

- Vậy đại sư ra tay đi.

Nhất Tâm đại sư đáp :

- Bản tòa là chủ vậy nhường cho thí chủ động thủ trước.

Từ Văn quát :

- Tiếp chiêu đây.

Chàng phóng ra chiêu “Độc Thủ nhất thức” với mười thành công lực. Nhất Tâm đại sư vẫy tay áo vào một cái nguyên là một thế thủ nhưng nó gồm cả thế công thật là một chiêu thức tuyệt diệu.

Những tiếng “binh, binh” chấn động chiêu “Độc Thủ nhất thức” của Từ Văn bị giải khai.

Bọn môn đồ Thiếu Lâm thấy hai bên động thủ liền tới tấp lùi ra ngoài khỏi vòng chiến.

Từ Văn dùng độc thủ phát tự do, chiêu này chàng hoàn toàn phát huy thực lực chứ không thi triển chất độc nếu không thì lúc chưởng chỉ hai bên đụng nhau Nhất Tâm đại sư nhất định bị té rồi.

Nhất Tâm đại sư thấy mình chống được một chiêu thì hùng tâm phấn khởi. Lão tưởng bản lãnh của Địa Ngục thư sinh chỉ có vậy mà thôi. Lão quát to một tiếng rồi lập tức phóng ra “Toái Bi chưởng” một trong bảy mươi hai tuyệt nghệ của Thiếu Lâm, chưởng thế cực kỳ uy mãnh khiến người coi thấy phát khiếp.

Từ Văn bản tính cuồng ngạo chàng vận toàn thân công lực vào hai tay để đón tiếp. Chàng vẫn không dùng độc chỉ dùng thực lực để so bì xem công lực của Trụ trì La Hán đường cao thâm đến đâu.

Sầm một tiếng chấn động, cuồng phong nổi lên ào ào đứng ngoài ba trượng hãy còn thấy luồng gió xô đẩy mạnh. Nhất Tâm đại sư rú lên một tiếng loạng choạng lùi lại người lão lảo đảo cơ hồ muốn té. Từ Văn cũng bị sức phản chấn hất lùi lại hai bước dài, những viên gạch xanh dưới gót chàng xéo lên bị vỡ tan hết bốn phiến.

Một chiêu này khiến cho toàn trường phải kinh tâm động phách.

Nhất Tâm đại sư là người phụ trách La Hán đường có một bản lãnh nhất nhì trong chùa mà không chịu nổi hai chiêu của Từ Văn, cứ thế mà coi thì còn ai là đối thủ của chàng nữa?

Từ Văn cất giọng lạnh như băng nói :

- Tại hạ nghĩ đến cửa Phật là nơi thanh tịnh không tiện khinh mạn nên hai chiêu vừa rồi tại hạ không dùng đến chất độc. Bây giờ tại hạ muốn mở khai sát giới xin liệt vị đừng trách tại hạ sao không bảo trước.

Nghe chàng nói đến chất độc từ Chưởng môn trở xuống không một ai mà không biến sắc.

Tưởng Úy Dân lớn tiếng :

- Hiền điệt! Không thể từ bi được đâu mà phải hạ độc thủ mới xong.

Thủ tòa hộ pháp là nguyên lão Ngộ Nguyên đại sư tuyên Phật hiệu rồi băng mình ra thay thế cho Nhất Tâm đại sư, mặt lão nghiêm trọng coi như tấm thiết bản lão run lên hô :

- Thí chủ ra tay đi!

Từ Văn nhận định Ngộ Nguyên đại sư tất có mối liên quan với Độc kinh và cái chết của Hoàng Minh, mặt chàng nổi sát khí mắt chiếu ra những tia sáng xanh lè chàng vung song chưởng lên nói :

- Ngộ Nguyên! Bản nhân muốn phóng một chiêu cho đại sư phải táng mạng.

Ngộ Nguyên đại sư tức giận, sắc mặt tím bầm cặp mắt trợn lên, tấm áo cà sa không gió mà căng phùng lên. Lão đã phát huy công lực đến tột độ bao nhiêu con mắt ngó vào đều kinh hãi.

Chưởng môn Thiếu Lâm mặt lạnh như băng mà không dấu nổi mối khích động trong lòng.

Giữa lúc sát khí đằng đằng uy hiếp mọi người, từ trong đại điện có tiếng hô lớn vọng ra :

- Phật Gia sư tổ đã tới.

Tiếng hô vừa dứt tăng chúng Thiếu Lâm trở lại thái độ nghiêm chỉnh sắc mặt trang trọng hát lên một câu tiếng Phạn rồi tới tấp lùi ra hai bên. Bày thành hai hàng để chờ Ngộ Nguyên đại sư trở lại hàng ngũ.

Boong! Boong!

Tiếng chuông ngân nga nổi lên, vẻ trang nghiêm từ hòa trở lại tựa hồ quét sạch làn sát khí trong không trường.

Từ Văn cũng không tự chủ được phải lùi lại đứng bên Tưởng Úy Dân đưa mắt nhìn lão như để hỏi ý kiến. Chưởng môn Thiếu Lâm cao giọng tuyên Phật hiệu bao nhiêu tăng chúng đều đồng thanh phụ họa.

Bỗng một vị lão tăng chân mày bạc phơ thân hình gầy như que củi mà bảo tướng trang nghiêm, lông mi dài đắp kín mắt ngồi xếp bằng trên một cái bồ đoàn lớn, bốn nhà sư mặt hổ mỗi người một tay khiêng bồ đoàn từ trong đại điện thong thả đi ra.

Bao nhiêu tăng chúng đều chắp tay khom lưng, bốn nhà sư mặt hổ đặt cái bồ đoàn xuống thềm rồi cúi đầu khép nép đứng lùi ra hai bên.

Chưởng môn Thiếu Lâm kính cẩn bẩm :

- Vị đệ tử bất tiếu mà làm kinh động đến Phật Gia.

Vị lão tăng mày trắng khẽ vẫy bàn tay khô như que củi mà không lên tiếng, toàn trường im lặng tưởng như cây kim rớt cũng nghe tiếng chuông đình lại.

Tưởng Úy Dân khẽ nói :

- Không ngờ lão quái vật này hãy còn sống ở thế gian, xem chừng chùa Thiếu Lâm không bị Ngũ Phương giáo quấy nhiễu, như vậy hẳn có nguyên nhân.

Từ Văn chau mày hỏi :

- Ta nên xử trí thế nào?

Tưởng Úy Dân trầm lặng một chút rồi đáp :

- Để xem đối phương vạch đường lối thế nào đã, vụ công án này nếu không được giải quyết hợp lý không xong.

Lão tăng mày trắng mở miệng, thanh âm lão không lớn nhưng mỗi tiếng nói ra như vật hữu hình đập vào màng tai :

- Lão tăng là Phạn Tính không nhuốm bụi trần đã ba mươi năm, không ngờ bữa nay chưa hết kiếp tục. Cửa Phật là nơi thanh tịnh không được để tanh nhơ hai vị thí chủ làm như vậy khi quá đó.

Tưởng Úy Dân toan lên tiếng thì Từ Văn đã cướp lời :

- Lão thiền sư đã biết đầu đuôi sự kiện này chưa?

Lão thiền sư đáp :

- Lão tăng biết cả rồi.

- Xin hỏi lão thiền sư nguyên nhân này từ đâu mà ra?

- Sự thực cần phải mở cuộc điều tra mới biết rõ, hai vị thí chủ hãy tạm lui ra khỏi chùa Thiếu Lâm để chờ phúc đáp.

Từ Văn sửng sốt hỏi :

- Lão thiền sư không tra ra chân tướng vụ này ngay được ư?

- Dĩ nhiên không được.

Từ Văn lại hỏi :

- Vãn bối muốn rằng lão thiền sư làm ngay bây giờ.

- Phải có thời giờ mới được.

- Xin tha thứ cho vãn bối không thể tiếp thụ lời đề nghị của lão thiền sư.

Lão thiền sư hỏi :

- Tiểu thí chủ định làm gì?

- Vụ công án này chưa giải quyết xong thì vãn bối chưa thể rời khỏi chùa Thiếu Lâm được.

Vị lão tăng mày trắng bỗng giương mắt lên hai đạo hàn quang lạnh lẽo sáng như điện chiếu thẳng vào mặt Từ Văn.

Từ Văn không khỏi giật mình lùi lại một bước dài. Theo mục quang này mà xét đoán thì công tu luyện của lão tăng đã cao thâm rất mực.

Bầu không khí biến thành khẩn trương vô cùng. Lão tăng mày trắng thu mục quang lại nói dường như để mình nghe :

- Đức Phật từ bi! Đệ tử đã quay mặt vào vách đá ba mươi năm mà vẫn còn xúc động tâm niệm. Thuyết của Đức Phật là vô tướng mà đệ tử vẫn còn có tướng thì ra ba chục năm khổ luyện vẫn chưa quét sạch bụi trần.

Chưởng môn Thiếu Lâm quỳ mọp xuống nói :

- Tội nghiệt của đệ tử thật là thâm trọng.

Chưởng môn vừa quỳ xuống bọn đệ tử cũng quỳ theo. Bầu không khí đang nghiêm trọng bỗng biến thành nghiêm cẩn phi thường.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play