- Thực ra cũng chẳng có chi đáng kể. Mình đã là người võ lâm, thế nào chả có lúc thất bại.
Thiên Đài Ma Cơ cặp mắt lonh lanh. Tuy nàng chưa thỏa mãn về câu giải thích này, nhưng cũng không bài bác vào đâu được. Nên hỏi lảng sang chuyện khác :
- Dường như huynh đệ biến đổi tính tình khá nhiều một cách đột ngột?
Từ Văn đáp :
- Thực thế ư? Nếu đúng, thì đó là kết quả của sự lịch duyệt.
Thiên Đài Ma Cơ lại hỏi :
- Huynh đệ đã tìm được manh mối gì về người che mặt mặc áo cẩm bào chưa?
- Tiểu đệ chưa được đầu mối chi hết.
- Huynh đệ muốn báo thù hắn phải không?
- Dĩ nhiên!
- Việc này... khó đấy.
- Khó lắm ư?
- Hừ, mắt ta đã thấy hai lần. Cả huynh đệ và ta hợp sức, e rằng cũng không địch nổi hắn. Ta đã nghĩ rất nhiều về người này, mà không rõ lai lịch. Những tay cao thủ võ lâm như vậy cũng không có mấy.
- Cái đó đã hẳn. Người này giỏi còn có người khác giỏi hơn. Trái núi nọ đã cao nhưng còn núi khác cao hơn. Nếu hắn là người ít khi bôn tẩu giang hồ thì mình khó mà biết được.
Từ Văn tuy miệng nói vậy, nhưng trong lòng lại nghĩ khác. Nguyên chàng cho là đối phương sở dĩ ngụy trang làm phụ thân mình, để dễ bề hạ thủ mình. Nhưng bây giờ thì sự phỏng đoán của chàng đã bị lật đổ, vì bản lãnh đối phương muốn hạ sát mình chẳng khó khăn gì, thì hà tất hắn phải làm như vậy? Còn một điều khó khăn hơn nữa là đối phương tuyệt không mở miệng, cũng không nói rõ vì nguyên nhân gì, hạ thủ giết chàng? Đây là một điều hiếm thấy trong võ lâm. Chàng tự hỏi :
“Chẳng lẽ đây đúng là phụ thân mình? Nhưng ý nghĩ này chỉ thoáng qua, chàng nhất quyết không thể có chuyện cha giết con được.”
Thiên Đài Ma Cơ bỗng hất hàm hỏi :
- Huynh đệ! Ngươi có thể cho ta biết rõ lai lịch được chăng?
Từ Văn chấn động tâm thần, tìm lời thoái thác :
- Đại thư! Xin đại thư lượng thứ cho tiểu đệ. Theo lời sư huấn, hiện giờ tiểu đệ chưa thể trình bày được.
Thiên Đài Ma Cơ cũng chẳng nghĩ ngợi gì về câu trả lời này. Nàng nói :
- Vậy thì thôi... Ta cũng có chỗ khổ tâm như vậy.
Dĩ nhiên câu này đã cáo tố Từ Văn bất tất hỏi đến lai lịch nàng nữa. Chàng liền nói :
- Đại thư! Chúng ta gặp nhau thật khéo quá nhỉ!
- Có lẽ đúng thế! Ta định đi đến một nơi tham dự đại điển, không ngờ kẻ trước, người sau cùng vào một lữ điếm. Như vậy có kỳ không?
Từ Văn hỏi :
- Đại thư định đi tham dự cuộc lễ gì?
- Huynh đệ đã nghe nói tới hội Vệ Đạo bao giờ chưa?
- Tiểu đệ chưa từng nghe thấy.
- Ba ngày nữa, hội này cữ hành đại lễ dựng Tổng đàn, họ mời tất cả những kẻ sĩ các bang phái nổi tiếng trên chốn giang hồ đến dự lễ.
- Đại thư cũng được mời ư?
- Phải rồi!
- Thế thì đại thư cũng là một kẻ sĩ nổi tiếng...
Thiên Đài Ma Cơ hờn mát nói :
- Huynh đệ! Ngươi đừng nói những câu khách sáo này với ta.
Từ Văn xoay chuyển ý nghĩ rất mau. Chàng tự nhủ :
- Nếu mình cũng được đi tham dự cuộc đại điển này thì không chừng sẽ chạm trán kẻ thù, hay ít ra là mình cũng mượn cơ hội để thám thính...
Chàng nghĩ vậy liền hỏi :
- Phải chăng hội Vệ Đạo này mệnh danh như vậy để hành động diệt trừ tà ma, bảo vệ đạo lý?
- Đại khái là như vậy.
- Hội chủ là nhân vật thế nào?
- Huynh đệ hãy coi đây!
Nàng vừa nói vừa cầm tấm thiếp hồng đưa cho Từ Văn. Từ Văn đón lấy coi. Trên thiếp viết :
Đã một trăm năm nay, võ đạo suy đồi, chính nghĩa không được biểu dương. Võ đức đã bại hoại, thì lễ tiết đương nhiên phải khiếm khuyết. Tà ma ngày một nổi lên, đạo lý ngày một giảm sút. Vì vậy mà có cuộc tập hợp nghĩa sĩ thiên hạ tổ chức thành hội Vệ Đạo để chấn chỉnh võ đức, diệt trừ quỷ mỵ. Nay xin đính ước vào giờ Tỵ, ngày Đinh Sửu, mượn núi Đồng Bách để cử hành đại lễ lập Tổng đàn.
Kính thỉnh hiệp giá quáng lâm.
Hội chủ hội Vệ Đạo kính mời!
Trên thiếp không nêu rõ Hội chủ là ai. Kiểu thiếp này khác với đường lối thông thường. Từ Văn trả lại thiếp mời cho Thiên Đài Ma Cơ. Vẻ mặt nghi ngờ chàng hỏi lại :
- Hội chủ là ai?
Thiên Đài Ma Cơ lắc đầu đáp :
- Ta cũng không biết.
- Hiện nay còn cách ngày ước hội ba bữa, liệu đến núi Đồng Bách còn kịp không?
Thiên Đài Ma Cơ gật đầu đáp :
- Nếu đi suốt ngày đêm thì có thể kịp được.
- Vậy đại thư lên đường đi thôi...
- Huynh đệ không đi ư?
Từ Văn muốn đi lắm, nhưng ngoài mặt vẫn giả vờ hỏi :
- Tiểu đệ không được mời thì làm thế nào?
Thiên Đài Ma Cơ cười đáp :
- Chắc người đưa thiếp không tìm được đến huynh đệ. Chẳng lẽ có lý nào họ lại không mời Địa Ngục thư sinh. Huynh đệ cứ đi đi, ta bảo đảm cho, không ai dám cản trở đâu.
Từ Văn vẫn dè dặt hỏi lại :
- Liệu có được không?
Thiên Đài Ma Cơ cười lớn tiếng hơn đáp :
- Sao lại không được? Huynh đệ quả nhiên thay đổi rất nhiều, hành động không giống trước chút nào cả.
Từ Văn ngập ngừng hỏi :
- Hội của họ đã mệnh danh là Vệ Đạo, thì mục đích cố nhiên là để trừ ma. Đại thư! Xin đại thư tha thứ cho tiểu đệ nói thẳng. Cả đại thư lẫn tiểu đệ đã nổi tiếng là tà ma trên chốn giang hồ, chẳng hiểu trong tai mắt họ, mình có phải là kẻ sĩ chính đạo không?
Thiên Đài Ma Cơ nổi lên một tràng cười rộ đáp :
- Huynh đệ! Chúng ta đã làm điều gì ác đức, cả người lẫn thần không dung thứ cho đâu? Ngoại hiệu là ngoại hiệu, con người là con người. Chúng ta càng nên đi, để coi cho biết những kẻ tự mệnh danh là nghĩa sĩ Vệ Đạo, xem mặt mũi bọn họ ra sao?
- Vậy thì chúng ta đi thôi!
* * * * *
Núi Đồng Bách ở vào giữa hai đất Dự, Ngạc. Mấy bữa nay các nhân vật võ lâm lục tục kéo đến. Người đông như nước chảy. Trong đám này có cả chàng thư sinh cụt tay, đi song song với một cô gái nhan sắc tuyệt luân. Đó chính là Từ Văn và Thiên Đài Ma Cơ đến tham dự cuộc đại điển lập Tổng đàn hội Vệ Đạo.
Có nhiều người đã biết hai nhân vật này, họ chỉ liếc mắt nhìn hai người, rồi ra chiều kính trọng quỷ thần mà phải xa lánh không dám lại gần.
Thiên Đài Ma Cơ chỉ cần có Từ Văn đi bên là đủ, còn ngoài ra nàng chẳng cần để ý gì hết...
Từ Văn trong lòng lại có hoài bảo khác...
Ngoài cửa núi đã dựng Nghinh Tân Các. Đây là một nhà rạp dựng lên lúc lâm thời.
Khách tới nơi, vào trong nhà rạp nghỉ chân, uống trà rồi mới lên núi. Ra khỏi Nghinh Tân Các, trên đường lên núi có một lão già áo đen thống lãnh tám tên đệ tử chuyên việc đón khách.
Từ Văn cùng Thiên Đài Ma Cơ nghỉ chân một lúc rồi mới ra khỏi Nghinh Tân Các lên núi...
Lão già áo đen tự giới thiệu :
- Tệ nhân là Ngô Nhất Phong, Đường chủ Hắc Kỳ đường hội Vệ Đạo, phụ trách việc đón khách, xin hai vị cho coi thiếp mời.
Thiên Đài Ma Cơ cười rất tươi hỏi :
- Nếu không có thiếp mời thì sao?
Lão áo đen đáp :
- Xin thứ cho tệ nhân không thể đón tiếp được.
Thiên Đài Ma Cơ lại hỏi :
- Đối tượng của thiếp mời là những nhân vật thế nào?
Lão già áo đen đáp :
- Hết thảy những môn phái, bang hội, cùng hiệp sĩ nổi tiếng trong võ lâm.
Thiên Đài Ma Cơ hỏi vặn :
- Thế nào mới được kể là hiệp sĩ nổi tiếng?
- Cái đó... Xin lượng thứ cho bản nhân không tiện phúc đáp.
Thiên Đài Ma Cơ hất hàm hỏi :
- Cái tên Địa Ngục thư sinh liệu có đủ tư cách dự hội không?
Hắc Kỳ đường chủ Ngô Nhất Phong nghe nói biến sắc. Bất giác lão để ý ngó Từ Văn hồi lâu không trả lời. Hiển nhiên lão đã nhận ra lai lịch hai người, nhưng vì chức phận không đủ để quyết định được.
Giữa lúc ấy, một tên áo đen từ trên núi chạy như bay tới nơi, nhìn Ngô Nhất Phong thi lễ nói :
- Bẩm Đường chủ! Đệ tử vâng mệnh có lời thưa cùng Đường chủ.
Ngô Nhất Phong “Ủa” một tiếng rồi lùi lại.
Gã áo đen nhìn lão nói nhỏ mấy câu, đoạn quay đầu trở về trên núi.
Ngô Nhất Phong rảo bước đến trước mặt Từ Văn chắp tay nói :
- Thiếp mời có chỗ sơ sót. Tệ Hội chủ rất lấy làm hối hận. Xin mời thiếu hiệp!
Từ Văn thật đã không ngờ. Chàng đưa mắt nhìn Thiên Đài Ma Cơ.
Thiên Đài Ma Cơ liền đưa thiếp mời mình ra. Nàng dương cặp mày liễu lên quay lại bảo chàng :
- Huynh đệ! Chúng ta lên núi đi!
Từ Văn gật đầu, rồi cùng Thiên Đài Ma Cơ sóng vai mà đi, trong lòng vẫn ôm mối hoài nghi, tự hỏi :
- Vệ Đạo hội chủ đã truyền lệnh mời mình dự hội, và lại ngỏ lời xin lỗi thì thật khó mà hiểu được ý họ. Hội chủ là nhân vật thế nào? Bốn chữ Địa Ngục thư sinh đều bị giang hồ coi là ma quỷ hóa thân, hội này đã mệnh danh là Vệ Đạo, thì họ cần gì kết nạp mình? Hay là bên trong có điều chi ngoắt ngoéo?
Thiên Đài Ma Cơ đắc ý, tươi cười hỏi :
- Thế nào? Ta nói là bảo đảm cho ngươi được dự hội. Huynh đệ! Tiếng tăm ngươi quả đã vang dội.
Từ Văn “Ồ” một tiếng rồi đáp :
- Đáng tiếc là mình không ở trong chính đạo.
- Cái gì mà chính đạo với tà đạo? Trong võ lâm, phần nhiều là những quân tham danh hão huyền, cùng những phường khẩu thị tâm phi. Ngoài mặt ra tuồng đạo đức mà trong lòng chứa đựng mưu thâm, đáng giết có thừa. Huynh đệ hà tất phải tự ty như vậy?
- Đại thư nói đúng đó!
Đường lên núi ngoằn ngoèo, đi quanh một trái núi cao lên tới đỉnh. Trước mắt hai người hiện ra một khu đất bằng phẳng tựa vào hai bên núi cao chót vót. Xa xa đã nhìn thấy tường đỏ núi xinh, nhà liền như bát úp.
Từng bọn tân khách đến coi lễ ùn ùn đi qua.
Thiên Đài Ma Cơ cùng Từ Văn thủng thỉnh như người đi du sơn ngoạn thủy. Thực ra Từ Văn trong dạ cực kỳ hồi hộp. Chàng ngẫm nghĩ, nếu gặp bọn Thượng Quan Hoành, Táng Thiên Ông, người che mặt mặc áo cẩm bào cũng ở cả đây, thì nên hành động cách nào? Dùng sức để đối phó thì e rằng chí lớn chưa xong, người đã chết rồi.
Nếu dùng trí để cho bọn họ không lọt lưới được thì lại là thủ đoạn độc ác. Chàng chỉ sợ mình không kiềm chế được cõi lòng để mưu việc lớn.
Hai người chuyển hết một vòng trái núi thì còn cách những phòng ốc mới dựng rất gần. Nơi đây, làn sóng người đi lại không ngớt.
Trước mắt là một khu rừng trúc rất thưa, phong cảnh cũng có vẻ mỹ quan.
Đột nhiên Từ Văn dừng bước lại, cặp mắt nhìn chòng chọc vào mé hữu khu rừng trúc.
Một bóng người áo hồng nhỏ nhắn đang đứng trên một phiến đá cao trội lên, tựa hồ ngắm nhìn sơn cảnh. Làn gió núi thổi bật tà áo hồng để làn da trắng như tuyết nửa ẩn nửa hiện.
Từ Văn bấc giác quên mình. Trái tim chàng đã bay sang bên bóng người thiếu nữ áo hồng.
Thiên Đài Ma Cơ đã phát giác ra màn kịch như đâm vào trái tim này, song nàng vẫn nhẹ nhàng hỏi :
- Huynh đệ! Ngươi làm sao vậy?
Từ Văn quên hết buột miệng đáp :
- Đúng nàng rồi! Người thiếu nữ áo hồng. Bữa nay tiểu đệ phải hỏi cho ra lai lịch nàng.
Thiên Đài Ma Cơ biến sắc, nàng vừa tức giận, vừa buồn rầu, nhưng Từ Văn không biết tới. Chàng cất bước đi lại chỗ người thiếu nữ áo hồng đứng. Chàng quên cả công lực cao thâm khôn lường của người trong kiệu, và quên luôn cả thái độ thiếu nữ áo hồng đối với mình lần trước.
Thiên Đài Ma Cơ tưởng chừng như trái tim tan vỡ. Nàng phát giác ra Từ Văn đối với mình không một chút tình yêu, mà trái tim chàng đã buộc chặt vào thiếu nữ áo hồng kia. Nàng hằn học dậm chân, buồn rầu tự hỏi :
- Tại sao mình lại là cái kén tằm để tự buộc mình?
Từ Văn quên cả sự hiện diện của Thiên Đài Ma Cơ. Chàng cố rảo bước đi tới.
Lúc gần đến phía sau thiếu nữ áo hồng, chàng đảo mắt nhìn quanh, bất giác thộn mặt ra.
Bên tảng đá lồi ra sau bụi trúc rậm còn có một người, mà là một chàng thiếu niên áo trắng, mặt mũi tuấn tú.
Chàng thiếu niên này, đối với Từ Văn cũng chẳng xa lạ gì, gã là Thiếu hội chủ hội Tụ Bảo. Bất giác cơn ghen lại nổi lên. Hội Tụ Bảo ở chốn giang hồ có thể nói là một tổ chức hạ lưu. Họ không cần lựa chọn thủ đoạn để cướp đoạt. Mới đây họ đã bắt Tưởng Minh Châu, con gái nhà giầu nhất ở phủ Khai Phong để đòi tiền chuộc. Đại khái hành động của chúng là như vậy. Hồng Y thiếu nữ, một tiên nương giáng trần, mà để cho bọn người này đụng chạm vào là một điều tiết mạn.
Gã thiếu niên áo trắng quay đầu lại, nhìn thấy Từ Văn, liền biến sắc la lên :
- Địa Ngục thư sinh!
Thiếu nữ áo hồng nghe tiếng quay lại thì vừa đúng nhìn thẳng vào mặt Từ Văn. Mắt Từ Văn chạm vào mắt thiếu nữ áo hồng. Chàng run lên như bị điện giựt. Cảm giác của chàng phảng phất như trong cõi trời đất chỉ có một người đẹp là nàng.
Thiếu nữ áo hồng sịu mặt ra nói :
- May được gặp các hạ đây!
Từ Văn chỉ có một tay, chàng đành gật đầu khom lưng thi lễ :
- Quả là một cuộc hạnh ngộ!
Gã thiếu niên áo trắng chạy lại bên thiếu nữ áo hồng hỏi :
- Vi muội! Vi muộn quen biết y ư?
Nghe tiếng kêu Vi muội, đủ biết mối quan hệ giữa hai người không phải là tầm thường. Từ Văn cảm thấy đau lòng.
Thiếu nữ áo hồng đưa mắt nhìn gã thiếu niên áo trắng mỉm cười đáp bằng một giọng rất dịu dàng :
- Đây là ân nhân của tiểu muội.
Gã thiếu niên lại hỏi :
- Y là ân nhân của Vi muội ư?
Thiếu nữ áo hồng đáp :
- Có thể nói là như vậy.
- Nhưng y...
Gã nói dỡ câu, liền đưa mắt nhìn Từ Văn.
Thiếu nữ áo hồng hỏi ngay :
- Y làm sao?
Gã thiếu niên áo trắng đáp :
- Y là kẻ thù của tiểu huynh.
- Thù ư? Thù thế nào?
- Y thiện tiện sấn vào tệ hội để cướp người và giết người.
- Ủa!
Từ Văn không nhẫn nại được nữa. Lửa giận bốc lên đùng đùng hiện ra khóe mắt.
Thiếu niên áo trắng dường như có ý khiếp sợ Từ Văn, không dám nói gì.
Thiếu nữ áo hồng ra chiều tức giận nói :
- Địa Ngục thư sinh! Không nên cứ mở miệng mắng người.
Từ Văn mắt dường như tóe lửa, nhưng chàng cố nhịn hỏi :
- Tại hạ muốn thỉnh giáo phương danh cô nương?
Thiếu nữ áo hồng đáp ngay :
- Tại hạ họ Phương tên gọi Tủ Vi.
Từ Văn lại hỏi :
- Sao Phương cô nương lại giao thiệp với hạng người này?
- Các hạ kêu y bằng hạng người này là có ý gì?
- Gã là hạng đê hèn trên chốn giang hồ.
Thiếu niên áo trắng không nhịn được nữa. Gã mỉa mai :
- Địa Ngục thư sinh! Nhã hiệu của các hạ thật là cao quý, ít thấy trên chốn giang hồ.
Từ Văn mặt lộ sát khí, dằn từng tiếng :
- Hạng người như ngươi, không đáng nói câu này.
Thiếu nữ áo hồng cũng ra chiều tức giận lên tiếng :
- Tại hạ nhờ ơn các hạ cứu viện, sau này sẽ có ngày báo đáp...
Từ Văn nói :
- Tại hạ không bao giờ mong sẽ được báo đền hết.
- Đó lại là chuyện khác. Phải chăng các hạ đến đây để dự hội?
- Đúng thế!
- Sao các hạ không vào hội trường đi?
Từ Văn căm tức vô cùng. Thái độ cự tuyệt người ngoài ngàn dặm này làm thương tổn rất nhiều đến lòng tự ái của chàng. Chàng nghiến răng sa sầm nét mặt nói :
- Phương cô nương! Tại hạ xin có lời trung cáo là cô nương phải đề phòng cẩn thận dã tâm của bọn lang sói, để khỏi hối hận về sau...
Dứt lời chàng trở gót toan đi.
Thiếu niên áo trắng lạnh lùng nói :
- Hạng người này cũng đến tham dự đại lễ lập đàn của hội Vệ Đạo thì thật là điếm nhục.
Câu nói mạt sát này, dù ai cũng không chịu nổi, huống chi con người tính tình cao ngạo như Từ Văn. Tuy chàng đã thề hết sức thay đổi tính tình, chuyên tâm vào việc báo thù, nhưng người ta cũng có lúc không thể nhẫn được. Kẻ thất phu bị sĩ nhục còn tuốt gươm đứng dậy, thì Từ Văn chịu sao nổi? Chàng quay phắt người lại, trợn mắt nhìn thiếu niên áo trắng hỏi :
- Ngươi muốn chết chăng?
Thiếu niên áo trắng không khỏi run lên.
Hồng y thiếu nữ Phương Tử Vi nói xen vào :
- Các hạ đến đây là khách, xin các hạ tự trọng. Nơi đây không phải là chỗ giết người.
Câu nói này rõ ràng nàng lấy địa vị chủ nhân. Từ Văn động tâm tự hỏi :
- Phải chăng nàng là một phần tử trong hội Vệ Đạo! Có thể nàng cùng Hội chủ có mối liên quan gì? Lần trước ở trong chùa Thanh Nguyên, nàng cùng đường với người trong kiệu, vậy người trong kiệu kia cũng ở trong hội Vệ Đạo rồi. Xem chừng hội Vệ Đạo lại lịch không phải tầm thường.
Từ Văn không kể gì đến lời châm chích của đối phương, buột miệng hỏi :
- Phải chăng vị cô nương đây là chủ nhân ở chỗ này?
- Vi muội! Bên kia cảnh sắc thanh mà không tục. Chúng ta qua bên đó nên chăng?
Thiếu nữ áo hồng khẽ gật đầu, đưa cặp mắt hữu tình nhìn thiếu niên áo trắng rồi quay lại nhìn Từ Văn bằng con mắt nẩy lửa nói :
- Xin các hạ tự tiện.
Dứt lời, nàng cùng thiếu niên áo trắng sóng vai mà đi.
Giả tỉ Từ Văn còn giữ tính cách như ngày trước, thì gã thiếu niên đó khó mà thoát chết, nhưng chàng đã biến đổi tính nết, có thể nói chàng đã thâm trầm hơn nhiều.
Chàng cho là giết người ở đây rất bất tiện, và sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch báo thù của mình.
Từ Văn trông bóng một đỏ một trắng dần dần đi xa ra mà lòng chàng se lại...
- Huynh đệ!
Đây là thanh âm của Thiên Đài Ma Cơ. Không biết nàng đã đến sau lưng Từ Văn từ lúc nào?
Từ Văn quay lại mỉm cười.
Đây là một nụ cười đau khổ, nụ cười này để tự mỉa mai mình. Nhưng Thiên Đài Ma Cơ không để ý phân tích cái cười của chàng, vẫn tỏ ra con người ôn nhu, nàng nói :
- Giờ cữ hành đại lễ sắp đến rồi.
Hai mối quan hệ này thật là vi diệu. Từ Văn để ý đến Phương Tử Vi, mà Phương Tử Vi đối với chàng chẳng những không chút hảo cảm, lại còn có vẻ chán ghét nữa là khác. Thế mà chàng cam tâm nhịn nhục. Một đằng Thiên Đài Ma Cơ chung tình với chàng, thì chàng lại chẳng động tâm chút nào, song nàng vẫn giữ một mực quyến luyến không chịu xa rời. Kết quả vụ này sẽ ra sao? Cái đó khó mà biết được.
Từ Văn dần dân bình tĩnh lại, chàng phát giác ra vừa rồi chàng đã nóng giận vô ích.
Người chàng còn đeo mối thù lớn, song thân chàng lạc lõng nơi đâu chẳng rõ. Thế mà chàng còn bắt chước thói nữ nhi so kè từng chút, thì đâu phải hành vi của bậc trí giả?
Ý niệm này vừa thông suốt, chàng bình tĩnh lại hỏi Thiên Đài Ma Cơ :
- Đại thư! Đại thư nhận thấy hành vi của tiểu đệ là ngu muội lắm phải không?
Thiên Đài Ma Cơ nở một nụ cười rất hấp dẫn đáp :
- Không phải đâu! Nam nữ yêu nhau đó là thiên tính. Có điều không thể miễn cưỡng được.
Câu nói của nàng dĩ nhiên Từ Văn đã hiểu ý ngay, chàng không muốn bàn luận sâu xa về vấn đề này, e rằng đưa đến cục diện bẽ bàng. Vì chàng không yêu nàng, chàng ghét thái độ phóng đãng của nàng. Chàng liền chuyển sang chuyện khác nói :
- Đại thư! Tiểu đệ còn nhớ khi ở chùa Thanh Nguyên, Đại thư có đưa vòng ngọc ra để thư tín với người trong kiệu. Đại thư có thể nói cho tiểu đệ nghe được chăng?
Thiên Đài Ma Cơ đáp :
- Đó là tín vật của sư môn.
Từ Văn lại hỏi :
- Lệnh sư tất nhiên là một nhân vật phi thường?
- Huynh đệ lại quá khen rồi!
Dường như Thiên Đài Ma Cơ không muốn nói đến chuyện này, Từ Văn cũng không tiện hỏi nhiều nữa. Chàng nói :
- Chúng ta đi thôi!
Phía trước Tòa đại sảnh là một không trường, rộng chừng mấy mẫu. Phía Bắc không trường này dựng một tòa đài rộng đến năm trượng, cao ba trượng sáu thước.
Khói trầm nghi ngút, đèn nến thắp lên. Những đồ cúng lễ xếp cao như núi.
Trên đài, hai hán tử trung niên khăn áo chỉnh tề, chia ra đứng hai bên. Xem chừng đây là hại vị lễ sinh xướng lễ. Hai bên bày tám cái ghế Thái sư, thì trên bảy cái đã có bảy lão già ngồi. Chỉ một ghế đầu mé bên trái còn bỏ trống.
Mười sáu tên đệ tử chấp sự chia ra thị lập hai bên đài.
Dưới chân đài chỉ thấy đầu người lố nhố đen sì, nhưng ai nấy đều yên lặng không một tiếng động.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT