Lãnh Như Băng gượng đề tụ chân khí để bình ổn khí huyết đang nhộn nhạo, nhìn kẻ vừa tấn công chàng.
Đó là một gã đại hán tuổi trạc tứ tuần, mày rậm mắt xếch, thân thể khôi vĩ, hiển nhiên không phải là kẻ uy hiếp thiếu nữ ban nãy.
Song phương đứng đối mặt, không ai lên tiếng, tựa hồ đều tranh thủ thời gian vận khí điều tức.
Bỗng Lãnh Như Băng cảm thấy sau lưng có người ấn nhẹ vào huyệt đạo của chàng, tuy ấn rất nhẹ, nhưng đúng ngay vào đại yếu huyệt, chỉ cần mạnh thêm vài phần là chàng sẽ thụ trọng thương. Chàng biết sau lưng không có ai, vậy người vừa điểm huyệt chính là bạch y nữ, bất giác chàng nổi giận, định phát tác, thì nghe thanh âm rành rọt ngay bên tai chàng:
− Công tử hãy mau xuất thủ, hắn thụ thương rồi.
Lãnh Như Băng nghĩ thầm:
“Thương thế của ta e còn trầm trọng hơn hắn, có lẽ chẳng còn khí lực đối địch.” Nghĩ vậy song chàng vẫn cất bước tiến lại gần gã đại hán khôi vĩ.
Đại hán thong thả giơ tay hữu, chú mục nhìn Lãnh Như Băng, thủ thế.
Bên tai chàng văng vẳng thanh âm của bạch nữ y:
− Chân đặt trung cung, thẳng người lên. Nếu không thắng thì cũng đạt được cục diện lưỡng bại câu thương.
Lãnh Như Băng nghĩ thầm:
“Cô nương hay gớm, đã biết ta nội thương trầm trọng, không thể thắng địch, còn muốn ta xuất thủ lưỡng bại câu thương, thật là nhân tâm tối độc !”.
Nhưng tay chàng đã vung, cục thế đã thành kiếm tuốt cung giương, không đánh địch, địch tất đánh ta, đành y lời nàng chân đặt ở trung cung, người thẳng lên, phóng một chiêu «Trực đảo hoành long».
Đại hán đưa tay tả tiếp chưởng. Chưởng này cả đôi bên đều liều mạng sống chết.
Lãnh Như Băng thụ trọng thương chưa hồi phục, sau chưởng liều chết này, chỉ cảm thấy khí huyết toàn thân nhộn nhạo, bóng người trước mặt đung đưa, thân hình chàng thì lảo đảo, loạng choạng. Gã đại hán rên lên một tiếng «hự» quay người bỏ chạy ra khỏi phòng.
Lãnh Như Băng gắng gượng để tụ chân khí, ổn trụ thân hình, ngoảnh đầu lại, chỉ thấy bạch y nữ chống tay hữu xuống giường, vẻ kinh hãi trên mặt chưa tan hết, khóe miệng như mỉm cười nói:
− Kết quả tốt hơn tiểu nữ dự liệu một chút.
Lãnh Như Băng thần trí chưa mê loạn, cười khẩy:
− Tại hạ thụ thương một chút, sá kể gì đâu ?
Bạch y nữ nói:
− Công tử thụ thương trước hắn, hơn nữa phạm đến nội tạng, còn người kia bất quá chỉ bị chưởng lực cực mạnh của công tử chấn động, đẩy lùi vài bước, nhất thời khí huyết nhộn nhạo, chứ không sao. Nhưng công lực của hắn lại kém công tử chút ít. Công tử đã vì tiểu nữ mà thụ trọng thương, phải tốc chiến tốc thắng mới giành lợi thế. Nếu để lâu, chân khí sẽ tiêu tán, chỉ còn cách thúc thủ chịu chết.
Lãnh Như Băng kinh ngạc nghĩ thầm:
“Trông nàng xanh xao yếu ớt, rõ ràng không biết võ công, sao lại am hiểu như vậy ?”.
Bạch y nữ nói tiếp:
− Người kia chỉ cần vận khí điều tức một lúc sẽ hoàn toàn hồi phục. Công tử thì quyết không thể trong một thời gian ngắn có thể làm được như hắn. Đợi khi công tử bị tán loạn chân khí, hắn tái xuất thủ công kích, công tử chắc chắn sẽ tử thương dưới tay hắn, chi bằng trong lúc còn dư lực, tức thời xuất thủ liều mạng, trong khi hắn còn chưa kịp hồi phục. Tiểu nữ dự liệu cục diện lưỡng bại câu thương, nhưng kết quả khá hơn hẳn, công tử vẫn còn đủ sức chi trì.
Lãnh Như Băng hít một hơi dài, thoái lui mấy bước, toàn thân dựa vào tường, từ từ nhắm mắt, vận khí điều tức. Chàng lúc này đã quá mỏi mệt, chẳng còn bụng dạ nào nghe bạch y nữ nói gì nữa. Bạch y nữ nhìn chàng, đoạn lau mồ hôi trên mặt, bước xuống giường, thong thả tiến lại bên chàng.
Lãnh Như Băng nhắm nghiền hai mắt, không có cảm giác gì.
Bạch y nữ đột nhiên đưa tay điểm vào đại huyệt «Trung nhũ» của chàng.
Chàng đã không còn có thể vận khí để kháng, lập tức cảm thấy toàn thân tê dại, ngã bệt xuống đất.
Điểm huyệt vừa rồi, bạch y nữ cũng đã phải dùng hết khí lực của toàn thân, Lãnh Như Băng bị ngã, nàng cũng toát mồ hôi đầm đìa, loạn choạng lùi bốn năm thước tựa vào thành giường mới không bị ngã.
Lúc bình nhật, mỗi khi nàng dùng khí lực như vậy, hẳn đã ngã gục, nhưng tình thế hiểm ác lúc này tựa hồ khởi phát tiềm lực sống của nàng, nàng dựa vào thành giường một lát, rồi cất bước đi ra cửa.
Hai tỳ nữ vẫn đang nằm nhắm mắt bên cửa. Bạch y nữ nhìn kỹ hai tỳ nữ một hồi, đoạn dùng chân đá vào người họ. Một tỳ nữ động đậy một hồi rồi ngồi dậy.
Bạch y nữ lau mồ hôi trên mặt, nói:
− Hoàng Cúc, ngươi mau giải huyệt cho Tố Mai.
Tỳ nữ ứng thanh, giải huyệt cho tỳ nữ kia.
Khi hai tỳ nữ đã tỉnh dậy cả, Bạch y nữ bỗng cảm thấy trong người nhẹ hẫng, người lảo đảo, loạng choạng.
Tỳ nữ hốt hoảng kêu:
− Cô nương !
Rồi cùng vội vàng đỡ hai bên.
Bạch y nữ nói:
− Chúng ta phải lập tức lên đường.
Hoàng Cúc sững sờ hỏi:
− Cô nương, chúng ta đã hẹn với phu nhân tương kiến ở đây, sao lại tùy tiện bỏ đây đi ?
Bạch y nữ đáp:
− Hành tung của chúng ta đã bị bại lộ, lưu lại đây thêm sẽ vô cùng nguy hiểm ... Tố Mai, mau đi lấy xe ngựa đem tới ngõ hẻm phía cửa sau.
Tố Mai vâng dạ, bước ra.
Bạch y nữ nói:
− Hoàng Cúc, vừa rồi chúng ta tưởng đã tận số rồi.
Hoàng Cúc vô cùng hổ thẹn, đáp:
− Chúng tỳ nữ tội đáng chết, để tiểu thư phải kinh sợ.
Bạch y nữ sợ nói:
− Chúng ta chưa hề bôn tẩu giang hồ, làm sao biết được những trò ma quỉ của chúng.
Hoàng Cúc nói:
− Tỳ nữ và Tố Mai đang cười nói vui vẻ, bỗng ngửi thấy một mùi lạ, liền bị ngất xỉu, chỉ kịp kêu lên một tiếng.
Bạch y nữ nói:
− Đó là mê hương.
Hoàng Cúc nói:
− Tiểu thư thông minh tuyệt thế, chắc là cũng biết cách khắc chế mê hương.
Hoàng Cúc chừng mười lăm tuổi, đối với bạch y nữ yêu kính hết mực, thấy nàng nhắm mắt dưỡng thần, vội im lặng xoa bóp cho nàng.
Lát sau Tố Mai chạy vào nói:
− Bẩm cô nương, xe ngựa đã sẵn sàng.
Bạch y nữ nói:
− Mau thu xếp hành trang.
Tố Mai chạy vào, rồi lại chạy ra ngay, hốt hoảng:
− Cô nương sao lại có một thanh niên đang nằm trong kia ?
Bạch y nữ đáp:
− Ta biết rồi, chúng ta mang chàng đi cùng. Ngươi hãy dùng chăn bọc kín chàng lại, mang ra xe trước đi.
Một lát sau chiếc xe rời hẻm, chạy ra đại lộ, thấy có rất nhiều nhân vật võ lâm đeo đao kiếm qua lại.
Tố Mai hỏi nhỏ:
− Tiểu thư, chúng ta đi đâu đây ?
Từ trong xe, bạch y nữ vén tấm vải che cửa, nói:
− Chạy tới Liệt Phụ Chủng ở ngoại thành.
Tố Mai sững sờ:
− Nơi ấy hoang lương, âm u, ta đến đó làm gì ?
Tuy lòng đầy nghi vấn, nhưng không dám hỏi, đành giục ngựa phóng ra ngoại thành.
Liệt Phụ Chủng cách Từ Châu bảy, tám dặm là một nhà mồ rất lớn, tương truyền mấy trăm năm trước có một phu nhân mỹ lệ họ Đường, phu quân lâm trọng bệnh mà chết, để lại cho thiếu phụ một gia sản đồ sộ. Người trong gia tộc đố kỵ, vu cho nàng tư tình, buộc nàng phải cải giá, nhưng thiếu phụ nổi giận, đào một cái huyệt ngay bên cạnh mộ phu nhân mà tự vẫn. Hai mươi mốt ngày sau khi thiếu phụ chết, đêm đêm từ nơi đó lại văng vẳng tiếng ai oán thê lương, gia tộc bèn xây cho thiếu phụ một tòa nhà mồ cực lớn, cứ mồng một, ngày rằm đều có người trong gia tộc đến thắp nhang cúng vái vong hồn tiết phụ. Từ đó tiếng khóc tắt hẳn, tiếng tăm Liệt Phụ Chủng lan truyền mấy trăm dặm, nhang khói liên tục hàng trăm năm, sau đó do hoàn cảnh binh liên họa kết, loạn lạc tơi bời, gia tộc tiêu tán, nhang khói cũng tuyệt, Liệt Phụ Chủng biến thành một khu mà mồ hoang lương, âm u lạnh lẽo.
Xe chạy năm dặm, hai bên đường đã thấy cỏ dại tràn lan, hoang vu, không một bóng người. Đường bắt đầu gập ghềnh, hẹp lại dần.
Chừng hai dặm nữa thì tới Liệt Phụ Chủng. Tố Mai cho xe dừng, nhìn bốn bề, thấy có nhiều cổ thụ um tùm, cỏ dại hút đầu người, một tòa nhà mồ cao to sừng sững nổi lên giữa nhiều cây cổ bách bao quanh.
Tố Mai rùng mình, quay đầu không dấu được vẻ kinh hãi nói:
− Tiểu thư, đến nơi rồi.
Bạch y nữ thong thả ngó quanh, đoạn chỉ tay về phía hữu nhà mồ, nói:
− Cho xe đến chỗ kia.
Tố Mai vâng dạ, nhưng sởn gai ốc, quát ngựa đi tới.
Liệt Phụ Chủng bao lâu nay không người lui tới, cỏ cao hút đầu, dày đặc, nhằng nhịt, kiện mã bị vướng chân, tự dưng hí lên một tiếng dài.
Khu nhà mồ hoang vắng, âm u lạnh lẽo, lại thêm tiếng ngựa hí não nề, nghe mà dựng cả tóc gáy.
Chỗ dừng xe vừa rồi chỉ cách nhà mồ bảy, tám trượng mà xe phải đi lâu bằng thời gian uống hết một tuần trà nóng mới tới.
Nhà mồ là một thạch thất kiên cố, tuy trải qua hàng trăm năm, trừ các cửa gỗ đã hoại, còn tường vách và mái đều hoàn hảo, chỉ có điều là cỏ dại mọc lan cả vào bên trong và nền gạch xanh đầy rêu.
Bạch y nữ hít một hơi dài, nói:
− Nơi này rất yên tĩnh.
Tố Mai nghe vậy, đoán chủ nhân có ý lưu trú tại đây thì cả kinh nghĩ thầm:
“Chốn này đầy ma quỉ và oan hồn, chẳng lẽ cô nương quả thật muốn lưu trú ở đây hay sao ?” Chỉ nghe Bạch y nữ hạ lệnh:
− Mang hành trang vào trong.
Tố Mai đành xuống xe, đem bọc chăn có Lãnh Như Băng vào trong nhà mồ.
Hoàng Cúc hỏi:
− Tiểu thư, chúng ta trú ở đây thực ư ?
Bạch y nữ nói:
− Phải ! Đỡ ta xuống xe.
Hoàng Cúc ngẩn người, dìu chủ nhân xuống xe, vào trong rồi nói nhỏ:
Nàng nhìn Lãnh Như Băng, rồi ngồi xuống bên chàng, nói nhỏ với Tố Mai:
− Ngươi ra tháo ngựa khỏi xe, rồi đẩy xe vào đây. Hãy thả cho thớt mã đi, kẻo để nó ở đây sẽ hỏng việc của chúng ta.
Hoàng Cúc kinh ngạc:
− Tiểu thư. Chúng ta định ở đây lâu hay sao ?
Bạch y nữ đáp:
− Khó nói trước. Có thể dăm ba ngày, có thể nửa tháng.
Hoàng Cúc nói:
− Chốn này hoang vu, âm trầm, chẳng có gì thuận tiện, cô nương không sợ ma quỉ nhưng cũng phải ăn uống chứ ?
Bạch y nữ đáp:
− Chúng ta tự nấu ăn được, làm gì phải lo ?
Hoàng Cúc nghĩ ở đây hoang vắng, đầy tử khí, ở đây mấy đêm khéo sợ mà chết mất, rùng mình hỏi:
− Ôi, dụng cụ nấu nướng chẳng có, rồi nào vật thực ...
Bạch y nữ không để Hoàng Cúc kể lể tiếp, nói:
− Mấy thứ ấy là báu vật hay sao mà khó kiếm ? Ngày mai ngươi tới vùng phụ cận tìm mua sẽ có đủ.
Hoàng Cúc nhìn ra bên ngoài, chỉ thấy cổ thụ vây quanh, cỏ dại lút đầu, thì ai oán nghĩ thầm:
“Thành Từ Châu thiếu gì khách điếm, không biết tại sao lại đi chọn cái chỗ quỉ tha ma bắt này mà ở ?”.
Tố Mai nhiều tuổi hơn Hoàng Cúc một chút, tuy trong lòng run sợ, nhưng không nói ra.
Bạch y nữ tựa hồ nhìn thấu tâm ý hai tỳ nữ, mỉm cười nói:
− Trông vẻ mặt thiểu não, chắc là các ngươi sợ ma thật chăng ?
Tố Mai:
− Tiểu thư không hỏi, tiện nữ không dám đa vấn, nhưng nơi này quá âm u hoang vắng, không phải là chỗ trú ngụ của nữ giới, huống hồ thân thể của tiểu thư hư nhược, đâu có chịu nổi phong hàn ?
Bạch y nữ mỉm cười đáp:
− Bệnh tật đầy mình, cùng lắm thì bị người ta bắt đi, sinh tử là do thiên định.
Thôi, các ngươi không được nhiều lời, ta đã quyết định lưu trú ở đây.
Hai tỳ nữ quả nhiên không dám nói gì thêm.
Bạch y nữ nhìn tòa thạch thất, nói:
− Nếu chúng ta có thể thu xếp một chỗ trú thân giữa đám cỏ rậm ngoài kia, thì càng kín đáo.
Hoàng Cúc chỉ thấy lạnh cả sống lưng, hỏi:
− Tiểu thư, hay là chúng ta cứ tạm ở trong này còn hơn.
Bạch y nữ lắc đầu:
− Không, ngày mai sẽ tìm một chỗ rậm và cao, bố trí một nơi thật kín đáo, sẽ không ai tìm ra chúng ta. Thôi, trời cũng đã khuya, Tố Mai ra thả ngựa đi, nhớ xóa các dấu vết cẩn thận, để khỏi ai phát hiện chỗ trú thân của chúng ta. Còn Hoàng Cúc thì mau cởi bao chăn cho người kia.
Hoàng Cúc chưa từng động chạm đến thân thể nam nhân, lúc này bất giác e thẹn.
Cởi chăn ra, chỉ thấy chàng thanh niên kiếm mi hơi chau, diện mạo anh tuấn, bất giác nghĩ thầm:
“Người này không biết là bằng hữu hay địch nhân, chưa rõ tiểu thư sẽ trừng trị hắn như thế nào ?”.
Bạch y nữ lại gần, cúi xuống nhìn chàng một hồi rồi nói:
− Hoàng Cúc, đưa kim trâm cho ta.
Hoàng Cúc vâng dạ, mở hành lý, lấy ra một ngọc hạp, mở nạp, trong ngọc hạp có rất nhiều kim trâm dài ngắn khác nhau.
Bạch y nữ cắm một cây kim trâm ngắn vào huyệt «Tiêu lạc» trên tay hữu của nàng, nhắm mắt tĩnh tọa, không nói gì.
Một lát sau, sắc mặt nhợt nhạt của nàng bỗng ửng hồng, tinh thần phấn chấn, nàng mới thong thả rút kim trâm khỏi huyệt, rồi với thủ pháp thần tốc, nàng cắm chín cây kim trâm vào chín đại huyệt của Lãnh Như Băng, xong nàng hít một hơi dài, sắc mặt trở lại tái nhợt, mồ hôi lấm tấm.
Hoàng Cúc đưa hai tay đỡ lưng bạch y nữ, hỏi nhỏ:
− Tiểu thư, người này là ai vậy ?
Bạch y nữ đáp:
− Chàng đã cứu mạng ba chúng ta, chúng ta cần phải báo đáp ân tình của chàng.
Hoàng Cúc nói:
− Vậy ư, tiểu thư định trị thương cho chàng hay sao ?
Bạch y nữ đáp:
− Thương thế của chàng tuy khá trầm trọng, nhưng nội công rất thâm hậu, chàng có thể tự mình trị thương.
Hoàng Cúc nói:
− Cô nương châm kim vào huyệt, chẳng phải là trị thương cho chàng đó sao ?
Bạch y nữ đáp:
− Ta muốn gia tăng công lực cho chàng, để chàng có thể mau chóng hồi phục.
Hoàng Cúc hỏi:
− Tại sao phải giúp chàng ta ?
Bạch y nữ đáp:
− Giúp chàng, cũng tức là giúp lão gia và phu nhân đó.
Hoàng Cúc nói:
− Tiện nữ càng nghe càng hồ đồ ...
Bỗng có tiếng vạt áo quạt gió giữa cảnh trầm tịch trong cổ mộ. Hoàng Cúc giật mình, rút ngay kiếm khỏi bao. Một bóng người chạy vụt vào, đó là Tố Mai.
Bạch y nữ nhìn sắc diện tì nữ, đã biết Tố Mai vừa gặp sự gì kỳ quái, đang định hỏi thì Tố Mai đã thưa:
− Bẩm tiểu thư, chỉ e hành tung bí mật của chúng ta cũng khó ...
Hoàng Cúc hỏi:
− Mai tỉ tỉ gặp chuyện gì vậy ?
Tố Mai đáp:
− Thấy có ba thớt mã phóng thẳng đến đây, tiện nữ vội chạy về ngay. Tiểu thư, chúng ta phải ...
Bạch y nữ nói:
− Thời gian gấp rút, chúng ta không thể lánh đi đâu kịp nữa, chi bằng cứ để xem chúng bố trí thế nào ?
Tố Mai hỏi:
− Bố trí cái gì kia ? Chúng ta phải làm gì chứ ?
Bạch y nữ bỗng nghiêm mặt, thong thả nói:
− Các ngươi phải nghe theo lời ta, cấm không được trái lệnh. Kẻ nào tự tiện hành động trái lệnh ta thì hãy dùng kiếm mà tự sát.
Giọng nói bình thường rất ôn hòa của nàng, lúc này đột nhiên trở nên nghiêm nghị, không giận dữ mà đầy uy lực với người khác.
Hai tỳ nữ vội đáp:
− Tiện nữ không dám trái lệnh.
Bạch y nữ nói:
− Đưa mạng che mặt cho ta.
Hoàng Cúc lập tức vâng dạ, lấy tấm mạng bằng vải the đen đưa cho nàng.
Bạch y nữ đeo mạng che mặt, nói:
− Lấy tấm lụa hồng đắp lên người kia, rồi các ngươi ngồi hai bên ta chờ lệnh, không được tự tiện xuất thủ.
Giữa ngôi nhà mồ, trong thạch thất âm u và thê lương ba thiếu nữ xinh đẹp, một có mạng đen che mặt, ngồi lặng lẽ, cạnh một người được trùm kín lụa hồng chẳng rõ sống chết ra sao, trông thật là thần bí và đáng sợ.
Vừa sắp đặt xong, đã nghe có tiếng nói ở bên ngoài:
− Cừu huynh, nơi này ẩn mật quá nhỉ ?
Một giọng lạnh lùng tiếp:
− Cừu huynh, chốn này thật đúng như lời đồn đại.
Tố Mai, Hoàng Cúc sớm đã được bạch y nữ chỉ giáo, đều nhắm mắt lại. Mấy kẻ đến ngoài kia là ai, chỉ có Bạch y nữ nhìn qua tấm mạng the, nhìn thấy.
Đó là hai gã võ phục đại hán đi trước, một người thấp lùn đi sau một chút.
Hiển nhiên ba gã kia kinh sợ trước cảnh bên trong thạch thất, nên đều dừng bước.
Hai đại hán tức thì rút đao định xông vào, kẻ thấp lùn vội kéo hai gã kia lùi lại vài bước. Một đại hán định nói gì, cũng bị người kia ra hiệu đừng nói. Cả ba chụm đầu vào nhau thì thì thào thào gì đó, người bên trong thạch thất không thể nghe rõ. Hai đại hán tựa hồ muốn xông vào, gã lùn can ngăn.
Hiển nhiên hai đại hán tính tình thô lậu, còn gã lùn thì thâm hiểm, sợ trong thạch thất có gài bẫy hãm hại họ chăng.
Tố Mai, Hoàng Cúc, tuy nhắm mắt, song sắc mặt tái đi, rõ ràng là mất tinh thần.
Bạch y nữ liếc sang hai bên, nói nhỏ:
− Các ngươi đừng sợ, làm gì mà tái cả mặt đi như vậy ?
Tố Mai nói rất nhỏ, khiến cho chẳng ai nghe thấy gì:
− Tiểu thư hãy nghĩ cách gì cho bọn kia đừng tiến vào trong này đi.
Bạch y nữ mỉm cười:
− Được, ta sẽ có cách để chúng không tiến vào.
Tố Mai, Hoàng Cúc, cùng buộc miệng hỏi:
− Tiểu thư hẳn đã có cách đối phó với ...
Lời chưa dứt, bạch y nữ đã cất cao giọng:
− Ba vị bằng hữu, thỉnh các vị vào trong này.
Tố Mai, Hoàng Cúc giật mình chẳng hiểu sao tiểu thư của họ lại thỉnh ba người kia vào trong thất, vội hé mắt nhìn ra.
Chỉ thấy ba gã kia không hẹn mà lập tức lùi lại vài bước.
Bạch y nữ tiếp:
− Ba vị đã tới, vì sao không vào trong này uống vài chén trà ?
Thanh âm tuy yếu, nhưng rõ ràng, mạch lạc.
Ba gã kia lại cả kinh lùi thêm mấy bước, hai đại hán lùi xa hơn cả.
Bạch y nữ cười:
− Ba vị sợ cái gì vậy ? Chúng tiểu nữ ở đây tuy không có cao lâu mỹ tửu thết đãi ba vị, nhưng cũng chẳng mai phục để hãm hại ai cả.
Hai đại hán lại lùi thêm một bước, một gã nói nhỏ:
− Nữ nhân muốn chúng ta tiến vào, chúng ta mà vào là nguy đó. Lang huynh và Cừu huynh thấy thế nào ?
Đại hán kia nói:
− Đúng đấy, đúng đấy ! Nói là không có mai phục kỳ thực đã bố trí rất nhiều hung hiểm, Lang huynh thấy sao ?
Gã lùn trầm tư một hồi, thong thả nói:
− Họ đã nói vậy, chúng ta có thể tiến vào.
Hai đại hán ngẩn người cùng hỏi:
− Sao lại thế ?
Gã lùn cười nhạt, đáp:
− Trong đó nếu quả thực có mai phục, họ đã không nói không rằng để chúng ta chẳng biết thực hư ra sao. Họ vừa nói như vậy tức là dùng kế bỏ trống thành của Gia Cát Lượng đó.
Hai đại hán nhìn nhau, nói:
− Chí phải, chí phải. Nữ nhân kia muốn dùng kế bỏ trống thành, vậy trong ấy chẳng có gì đáng sợ.
Gã lùn nói:
− Dù vậy, chúng ta vẫn phải cẩn thận mới được.
Một đại hán cau mày:
− Đã là kế bỏ trống thành, thì còn phải đề phòng cái quái gì ?
Đoạn vung cây trường đao hình thù kỳ dị xông vào trước. Gã kia không cam tụt hậu cũng lao theo. Hiển nhiên hai gã tính tình thô lỗ nặng nề, nhưng võ công chẳng phải tầm thường.
Gã lùn cười khổ, lắc đầu cũng đi theo, tay rút ra một thứ binh khí ngoại môn ít dùng trong võ lâm là «Thất sát điểu cốt tiên».
Ba người bên trong thấy chúng xông vào thì biến sắc, Bạch y nữ thở dài, lẩm bẩm:
− Lần này thì hỏng mất rồi.
Tố Mai nói:
− Trông họ võ công không kém. chỉ e chúng ta khó ...
Hai đại hán đã vào gần tới nơi, một gã gầm lên:
− Các ngươi làm trò ma quỉ gì ở trong này vậy ?
Bạch y nữ mỉm cười đáp:
− Hay chưa. Chúng tiểu nữ có hảo ý thỉnh các vị vào dùng trà, đã vô cừu vô oán với nhau, sao các vị lại hung hăng như vậy ?
Đại hán sững sờ, nhìn gã lùn ý nói:
− Đúng ! Người ta có làm gì chúng ta đâu mà chúng ta lại hung hăng thế này ?
Cả hai đại hán đều từ từ chống mũi đao xuống đất, gã lùn múa cây tiên hộ thân tiến vào, ngọn tiên cứu xoay vun vút, nhắm gần tới mặt Bạch y nữ.
Tố Mai thầm biết chủ nhân không có võ công, ngọn tiên phóng đến thế kia quá nguy hiểm, có thể làm cho bạch y nữ tử thương như chơi, bèn không chờ chủ nhân phát lệnh, rút ngay trường kiếm ra ngăn cản.
Hai đại hán ngẩn người, không ngờ một nữ oa nhi lại xuất thủ thần tốc đến như vậy, chỉ nghe gã lùn quát to:
− Hai vị làm gì vậy, không mau động thủ xử trí hai con a hoàn kia đi, lại còn chưa biết dưới vải lụa hồng là cái quỉ gì nữa đó.
− Hai con a hoàn này không chịu giữ bình tĩnh chút nào ...
Lời chưa dứt, đã thấy gã lùn chúi ngọn tiên xuống chỗ Lãnh Như Băng chuẩn bị ra đòn.
Tố Mai, Hoàng Cúc cả kinh, hai thanh trường kiếm cùng lướt tới quét phía trên để bảo vệ cho Lãnh Như Băng. Hai tỳ nữ liên thủ, công kích liền năm chiêu, hai thanh trường kiếm đan thành một làn quang võng không cho gã lùn tiến thêm nửa bước.
Gã lùn võ công tuy cao, nhưng sau khi thi triển mấy chiêu, cây tiên của hắn không sao lọt qua được kiếm võng, bèn quát to:
− Tấm lụa hồng chắc hẳn phải che vật gì hệ trọng lắm, chúng mới liều chết ngăn trở ta như vậy. Nhị vị còn chờ gì mà không động thủ ?
Miệng nói, cây tiên trong tay hắn lại thi triển mấy chiêu. Một đại hán nói:
− Đúng đấy, tấm lụa hồng chắc hẳn phải che vật gì hệ trọng lắm, hôm nay chúng ta phải xem cho rõ mới được.
Hai gã liền cùng vung đao xuất thủ. Bỗng Bạch y nữ cười nói:
− Thỉnh nhị vị dừng tay một chút đã.
Thanh âm vô cùng trong trẻo dịu dàng, nghe như tiếng nhạc linh tiên.
Hai đại hán bất giác sững lại, Bạch y nữ đã đưa cánh bay ngà ngọc yểu điệu gỡ tấm the che mặt, để lộ một khuôn mặt đẹp tuyệt trần, tươi như hoa, sáng như ngọc, khiến người nhìn ý loạn hồn mê.
Hai đại hán chưa từng được thấy một sắc đẹp khuynh thành nhường này, bất giác cứ đứng ngây ra mà ngắm.
Bạch y nữ mỉm cười nói:
− Nhị vị là bậc tráng sĩ chính trực, nam nhi anh hùng sao lại bắt chước tên quỉ lùn mà khi dễ bọn nữ nhi nhu nhược này.
Ngữ thanh của nàng dịu dàng, chậm rãi nói xong tựa hồ đã hết cả hơi, nghe thật ủy mị, yếu đuối, khiến người càng tay thõng, hồn mê.
Hai đại hán đưa mắt nhìn nhau, hai cây đao kỳ dị buông thõng xuống, Bạch y nữ nói xong hai câu, thấy rõ đã đánh trúng vào tâm tình hán tử thô tráng của họ.
Gã lùn liếc mắt, thấy thần sắc của hai gã kia thì kinh ngạc, lại quát to:
− Con yêu nữ này lộ đạo bất chính, hai vị đừng để ả ta dùng xảo ngôn mê hoặc mà trúng phải gian kế.
Hai đại hán nghe vậy mới định thần, nhưng mắt vẫn không nỡ rời khuôn mặt đẹp tuyệt trần của bạch y nữ.
Gã lùn quát lớn:
− Yêu nữ trói gà không chặt, nhị vị bắt lấy nó trước đi, rồi lát nữa sẽ tha hồ.
Ha ha ... tha hồ khoái trá ...
Tố Mai, Hoàng Cúc cả kinh, lo sợ vừa cho tiểu thư vừa cho Lãnh Như Băng.
Chỉ thấy hai đại hán tựa hồ bị lời nói của gã lùn kích động, không hẹn cùng bước lại gần Bạch y nữ.
Tố Mai, Hoàng Cúc càng hốt hoảng, càng bị phân tâm thì cây tiên của gã lùn càng như một con độc xà khẩn vây khốn, không thể tách một người ra để bảo vệ chủ nhân.
Nhưng Bạch y nữ vẫn điềm nhiên, mỉm cười nhìn hai đại hán nói:
− Nhị vị đường đường nam tử hán, lại định động thủ với một nữ nhân như ta ư ?
Hai đại hán đỏ mặt, một gã đáp:
− Ta chỉ muốn coi vật gì ở dưới tấm lụa hồng kia thôi.
Gã thứ hai đáp:
− Đúng thế.
Cả hai quả nhiên không lý gì đến bạch y nữ quay sang tấn công Tố Mai và Hoàng Cúc.
Hai tỳ nữ gắng gượng đối phó với cây tiên lợi hại của gã lùn thì còn khả dĩ cầm đồng, nay thấy thêm hai gã đại hán vung đao lên thì cả kinh, nghĩ trận đấu này dữ nhiều lành ít.
Một đại hán nói với gã lùn:
− Cừu huynh, cây trường tiên của huynh ở nơi chật hẹp này khó phát huy uy lực, hãy nhường cho huynh đệ xuất thủ.
Gã lùn ngoảnh lại, thấy bạch y nữ đã đứng dậy, tay giơ kim trâm thì kinh sợ, nghĩ thầm:
“Thạch thất hẹp như thế này, nếu yêu nữ thi triển kim trâm ám toán, thì khó bề né tránh.” Bèn vội nói to:
− Nhị vị khỏi cần tương trợ tiểu đệ, hãy bắt giữ con yêu nữ ấy đã.
Một đại hán lạnh lùng đáp:
− Cừu huynh lại muốn hai đại trượng phu chúng ta đây đối phó với một nữ nhân trói gà không chặt hay sao ?
Gã lùn phân tâm, bị trường kiếm của Tố Mai gạt cây trường tiên sang một phía, buộc hắn phải cố giành lại thế chủ động.
Hoàng Cúc thừa cơ đâm liền hai kiếm, khiến gã lùn thoái lui một bước, ngọn tiên trong tay hắn đã hơi loạn, bất đắc dĩ hắn phải dùng toàn lực nghênh địch, miệng nói:
− Nhị vị cẩn thận, con yêu nữ kia dùng ám khí đó.
Hai đại hán cả kinh, ngoảnh lại nhìn, quả nhiên bạch y nữ đang cầm kim trâm trong tay.
Chỉ thấy tả thủ của nàng cắm ngay kim trâm vào vai bên hữu, hai má tức thời ửng hồng, tinh mục phóng ra một luồng thần quang, nàng cất tiếng:
− Bắt tên quỉ lùn kia cho ta !
Hai đại hán sững sờ, hỏi:
− Sao kia ?
Bạch y nữ nhắc lại:
− Hãy bắt tên quỉ lùn kia cho ta.
Trong khoảnh khắc ấy, sáu luồng nhãn quang gặp nhau, hai đại hán đột nhiên cảm thấy tâm thần hơi chấn động.
Bạch y nữ cất bước tiến thẳng lại chỗ hai đại hán, đôi mắt nàng rực sáng, hai đại hán thấy nụ cười, vẻ mặt của nàng ẩn chứa sự uy nghiêm vô hạn, thần trí của chúng liền mơ hồ, không thuộc về chúng nữa. Bạch y nữ thì giơ tay chỉ thẳng về phía gã lùn, nói:
− Mau bắt hắn cho ta !
Hai đại hán tức thời ứng thanh, vung đao lên công kích gã lùn. Một đao nhắm tới chém xuống, một đao quét ngang sườn gã lùn, gã lùn tuy võ công cao cường, nhưng ở khoảng cách gần, lại bị bất ngờ, chút nữa thì tử thương. Hắn vội thu hồi cây trường tiên, lạng người đi năm thước để né tránh, một đao phá rách tay áo bên hữu. Hắn kinh hoàng nhìn hai đại hán hỏi:
− Nhị vị phát cuồng hay sao vậy ?
Chỉ thấy mắt hai đại hán giương tròn, ánh mắt bừng bừng lửa giận, hai con ngươi bất động, tựa hồ đúng là bị phát cuồng.
Gã lùn từng nghe trong võ lâm có thứ kỳ công thần bí gọi là «Nhiếp Hồn Đại Pháp», nhưng hắn chưa gặp bao giờ. Lúc này nhìn tình trạng của hai đại hán rất giống bị người cướp mất hồn phách, làm cho thần trí mê loạn, thì hắn càng kinh hãi, cao giọng gọi.
− Lang huynh, Thường huynh, ngay cả tiểu đệ mà hai vị cũng không nhận ra ư ?
Chỉ nghe bạch y nữ hằn giọng giục:
− Mau bắt lấy tên quỉ lùn cho ta !
Hai đại hán chẳng để ý gì đến tiếng gọi của gã lùn, nhưng lại nghe rất rõ lời của Bạch y nữ, lại vung đao một tả một hữu xông tới.
Gã lùn biết rõ võ công của hai đại hán, bình nhật nếu một chọi một thì hắn hoàn toàn chẳng ngại, nhưng nếu hai gã kia liên thủ với nhau thì hắn quyết không địch nổi. Lúc này thế công của hai gã rất hung hiểm, hắn đành vung trường kiếm đối phó với hai trường đao. Nào ngờ thế công của song đao càng lúc càng lợi hại, tựa hồ hai gã kia liều chết mà đánh.
Thạch thất hơi hẹp, cây trường tiên có rất nhiều chiêu thuật lợi hại không thể triển khai, song đao của hai đại hán rất tiện trong cận chiến, chỉ sau mười chiêu, hai đại hán đã tạo nên một màn đao quang vây bọc gã lùn, hắn lâm vào thế bại đã rõ ràng.
Hắn miễn cưỡng chi trì thêm vài chiêu, nghĩ cách thoát thân, nếu tái chiến thì khó lòng tránh khỏi tử thương, nhưng đao pháp của hai gã kia càng lúc càng nhanh, một gã lại đang chắn ngang ở cửa thất, tưởng muốn thoát thân cũng chẳng dễ.
Một gã đại hán bỗng dùng chiêu «Qua điền lý hạ» đâm chéo lên một đao nhanh như chớp.
Gã lùn để tụ chân khí ở đan điền, hét to một tiếng, mạo hiểm búng người nhảy vọt qua đầu hai đại hán ra bên ngoài, rồi cắm cổ chạy đi. Hắn ứng biến tuy nhanh, nhưng đùi bị đao chém đứt một mảng thịt, máu nhỏ thành giọt xuống nền gạch xanh.
Hai đại hán thần trí đã bị người sai khiến ứng biến không đủ linh hoạt, nên không ngăn cản được đường thoát của gã lùn.
Bạch y nữ chỉ tay về hướng tẩu thoát của gã lùn, dịu dàng nói:
− Mau truy đuổi, giết chết hắn đi.
Hai đại hán ngẩn người ra một chút, rồi co giò phóng đi.
Cả ba thân pháp cực nhanh, thoáng chốc đã mất hút.
Hoàng Cúc thấy họ đã đi xa, ánh mắt lộ đầy vẻ kính phục, nói:
− Tiểu thư tài quá. Loại võ công gì mà tuyệt vời như vậy ?
Bỗng tỳ nữ tái mặt.
Bạch y nữ đưa tay rút kim trâm khỏi vai, sắc diện ửng hồng tức thời chuyển sang nhợt nhạt, mồ hôi lạnh vã ra ướt đầu, lăn ròng ròng xuống cằm, miệng nói:
− Mệt chết đi được ...
Rồi ngã ngửa ra phía sau.
Tố Mai vội đỡ lưng bạch y nữ, gọi gấp:
− Tiểu thư, tiểu thư ...
Hai tay liên tục xoa lưng và ngực cho bạch y nữ.
Hoàng Cúc trấn tĩnh lại, hỏi:
− Mai tỷ tỷ, tiểu thư lại phát bệnh à ?
Tố Mai đáp:
− Tiểu thư quá mệt thôi.
Hoàng Cúc vẫn nghĩ đến thứ võ công kỳ lạ mà chủ nhân vừa thi triển, bắt hai gã đại hán phải cúi đầu vâng lệnh, đang nghĩ cách nên làm thế nào để tiểu thư truyền thụ loại võ công ấy cho mình. Nghĩ vậy, nhưng cũng vội cùng Tố Mai xoa bóp cho cô chủ.
Bạch y nữ từ nhỏ đã bị chứng bệnh kỳ quái, hàng trăm danh y cũng đành thúc thủ, mỗi lần quá mệt, nàng lại hôn mê bất tỉnh. Hai tỳ nữ theo hầu đã lâu, thường thấy nàng hôn mê, nên tuy khẩn trương, họ cũng không hề hoảng loạn.
Hai tỳ nữ xoa bóp một hồi, bạch y nữ đã tỉnh lại, mờ mắt, hít một hơi dài, thong thả ngồi dậy. Tố Mai nói:
− Tiểu thư thân thể hư nhược, đừng dao động nhiều, cứ nằm nghỉ một chút đi đã.
Bạch y nữ lắc đầu, thở dài:
− Trước mắt chúng ta còn ở trong tình cảnh thập phần nguy hiểm, làm sao ta có thể nghỉ ngơi.
Đoạn đứng dậy, chậm rãi bước tới bên Lãnh Như Băng nói nhỏ:
− Cất tấm lụa đi.
Tố Mai vội gấp tấm lụa hồng che người Lãnh Như Băng cất đi.
Bạch y nữ hít một hơi dài, đưa tay rút toàn bộ chín cây trâm ra khỏi người chàng, bảo Tố Mai:
− Tố Mai, giải khai ba huyệt «Thần quan», «Cự quan», «Vương đường» cho chàng.
Tố Mai y lời, giải huyệt cho Lãnh Như Băng.
Lãnh Như Băng từ từ ngồi dậy, nhìn tứ phía hỏi:
− Đây là đâu vậy ?
Bạch y nữ đáp:
− Liệt Phụ Chủng.
Lãnh Như Băng lẩm bẩm:
− Liệt Phụ Chủng, Liệt Phụ Chủng ...
Bạch y nữ tiếp:
− Là một nhà mồ cô độc, xưa kia có một nữ nhân thủ tiết, nay đã bị người đời quên đi.
Lãnh Như Băng ngầm vận khí, cảm thấy huyệt mạch toàn thân đã lưu thông thì chưa hiểu ra sao, thong thả đứng dậy nói:
− Nơi này đã gọi là Liệt Phụ Chủng, hẳn ở bên ngoài thành Từ Châu ?
Bạch y nữ đáp:
− Dĩ nhiên không phải là ở «Quần Anh Lầu».
Lãnh Như Băng nhớ lại sự tình, vội cung tay nói:
− Tại hạ đa tạ cô nương cứu mệnh.
Bạch y nữ đáp:
− Công tử cứu ba người chúng ta, tiểu nữ mới cứu một mình công tử, còn nợ lại những hai nhân mạng.
Lãnh Như Băng mỉm cười nói:
− Trong giang hồ, ngẫu nhiên giúp đỡ là chuyện bình thường, cô nương đâu cần tính toán kỹ lưỡng ...
Đoạn chàng lái sang chuyện khác hỏi:
− Không biết nơi này cách Từ Châu bao xa ?
Bạch y nữ đáp:
− Không đến mười dặm.
Lãnh Như Băng cúi mình, nói:
− Lệnh tôn võ công cao cường, thế gian này khó ai địch nổi, cô nương nếu đi cùng lệnh tôn, ắt sẽ chẳng ngại gặp bọn đạo chích, thổ phỉ trên giang hồ.
Chàng nhớ hôm ở Thanh Vân Quán cùng Vương Phi Dương liên thủ bảo vệ Trần Hải, giao đấu với phụ thân của nàng, trong lòng còn chút dư âm không hay.
Bạch y nữ tỏ vẻ đăm chiêu, hỏi:
− Sao công tử đã từng giao đấu với gia gia của tiểu nữ ư ?
Lãnh Như Băng đáp:
− Lệnh tôn võ công cao cường, tại hạ không phải là đối thủ.
Hoàng Cúc đột nhiên xen vào:
− Chỉ e công tử chẳng qua nổi một hai chiêu !
Lãnh Như Băng nói:
− Hai mươi chiêu, tại hạ tự tin có thể chi trì.
Hoàng Cúc reo lên:
− Thế thì công tử giỏi quá !
Lãnh Như Băng cung tay nói:
− Thỉnh ba vị bảo trọng, tại hạ có việc phải về ngay Từ Châu, xin cáo biệt.
Bạch y nữ nói:
− Đứng lại.
Lãnh Như Băng ngoái đầu lại, hỏi:
− Cô nương có điều gì chỉ giáo ?
Bạch y nữ hỏi:
− Trong thành có người đợi công tử chăng ?
Lãnh Như Băng đáp:
− Không sai.
Bạch y nữ định nói lại thôi. Hoàng Cúc xen vào hỏi:
− Là nam nhân hay nữ nhân ?
Lãnh Như Băng đáp:
− Là một vị lão tiền bối trong võ lâm, đương nhiên là nam nhân.
Bạch y nữ bỗng thở dài nói:
− «Quần Anh Lầu» là nơi không thể ở thêm, nếu công tử tin tiểu nữ, hãy đưa vị bằng hữu cùng đến đây.
Lãnh Như Băng trong lòng máy động, hỏi:
− Vì sao ?
Bạch y nữ đáp:
− Từ Châu sắp có phong vân tế hội, các nhân vật giang hồ đều tụ tập ở đó, các đại môn phái cũng cử hảo thủ đến tham gia. Chưa đến ngày đại hội chính thức, mà các nhân vật anh hùng đã tề tựu và khai chiến, «Quần Anh Lầu» là tụ điểm lớn nhất ở Từ Châu, cũng là nơi các anh hùng đấu trí lực gay gắt.
Lãnh Như Băng thầm kinh ngạc, nàng là một thiếu nữ thân thể hư nhược, làm sao lại thông thạo sự tình võ lâm như vậy, chàng bỗng nhớ hôm nàng tiễn đưa Dã Hạc Thượng Nhân, tựa hồ chính nàng nắm được bí mật nào đó của võ lâm mà ngay đến Trần đại hiệp danh trấn thiên hạ cũng không biết. Một thiếu nữ nhu nhược đầy thần bí.
Bạch y nữ mỉm cười hỏi:
− Công tử nghĩ gì vậy, hay là lấy làm kỳ quái về chuyện tiểu nữ biết nhiều sự việc trong võ lâm ?
Lãnh Như Băng trong lòng chính đang có vô số nghi vấn, nhưng bị thiếu nữ đoán trúng thì không tiện mở miệng xác nhận. Chàng thấy vẻ mặt thiếu nữ mệt mỏi, đờ đẫn như người vừa ngủ một giấc dài tỉnh dậy, nhưng đôi mắt thì lại mở to, đầy trí tuệ, mênh mông như biển cả, chứa đựng mọi kiến thức thiên hạ.
Bạch y nữ mỉm cười hỏi:
− Công tử sơ nhập giang hồ thì phải ?
Lãnh Như Băng bất giác gật đầu.
Bạch y nữ lại mỉm cười, tiếp:
− Giả như tiểu nữ đoán không sai, công tử nếu không gánh một trách nhiệm trọng đại, thì cũng có mối đại cừu hoặc hận diệt gia ?
Lãnh Như Băng ngây người:
“Lời này chưa hoàn toàn đúng, nhưng thân thế của ta mông lung, từ mẫu và ân sư không chịu hé miệng cho ta biết nửa lời về thân thế, ba chữ Lãnh Như Băng chẳng qua chỉ là tính danh mà mẫu thân báo cho ta biết, liệu có đúng ta mang họ Lãnh ? Từ khi có trí nhớ, chưa lần nào ta được mẫu thân đưa đi viếng một phụ thân, thật chẳng còn hiểu ra làm sao !”.
Mối nghi vấn này đã day dứt chàng mười mấy năm nay không nguôi, lúc này nghe bạch y nữ nhắc đến, nghi vấn lại trỗi dậy, trong nhất thời chàng như quên hết mọi chuyện xung quanh.
Bạch y nữ giơ tay vén vén tóc, hỏi:
− Thế nào, tiểu nữ nói đúng hay không ?
Lãnh Như Băng đáp:
− Chưa hẳn như vậy.
Bạch y nữ nói:
− Ánh mắt công tử lộ rõ vẻ kinh dị vô hạn, điều này là sớm đã thừa nhận lời tiểu nữ không sai, vì sao công tử còn phủ nhận ?
Lãnh Như Băng nghĩ thầm:
“Tuy chưa trúng, nhưng cũng gần đúng.”.
Chàng nghĩ vậy, song tựa hồ thiếu nữ nghe được tiếng nói bên trong của chàng, bỗng cười khanh khách, nói:
− Công tử hãy ngồi lại đây ! Có điều gì nan giải, cứ việc hỏi tiểu nữ.
Hoàng Cúc tiếp lời:
− Tiểu thư vô cùng tinh thông khoa tinh bốc (bói toán). Nếu công tử có điều gì nan giải, cứ kể cho tiểu thư nghe, tiểu thư sẽ bói cho công tử một quẻ ...
Lãnh Như Băng nghĩ:
“Không tin hoàn toàn, nhưng cũng chẳng thể không tin.” Chàng liền nói:
− Cô nương ngôn ngữ kinh nhân, túc kiến uyên bác ...
Bạch y nữ mỉm cười, tiếp:
− Khách khí quá ! Công tử là ân nhân cứu mệnh của tiểu nữ, tiểu nữ tận tâm tận lực giải quyết nghi nan cũng chỉ mới báo ân được một chút thôi.
Lãnh Như Băng nghĩ thầm:
“Thiếu nữ này thân thể hư nhược, không chịu được phong hàn, nhưng lời lẽ sắc bén như đao kiếm, từng câu từng chữ đều đánh trúng vào thâm tâm người khác, thật là thần bí.” Chàng bèn đáp:
− Nhã ý của cô nương, tại hạ cảm kích vô cùng. Nhưng tại hạ hoàn toàn không có tâm sự nghi nan, việc cứu cô nương đã được cô nương báo đáp qua việc trị thương, tại hạ xin cáo biệt.
Bạch y nữ thở dài:
− Thỉnh lưu bước, tiểu nữ còn chưa nói hết.
Lãnh Như Băng ngoảnh đầu lại, hỏi:
− Tại hạ cần đi gấp, thỉnh cô nương có gì thì nói ngay cho.
Bạch y nữ nói:
− Võ công của công tử khá cao, đủ bảo hộ chúng tiểu nữ, nhưng hoàn toàn không thể đối phó nổi với quần hùng tụ tập ở Từ Châu ... Tình thế trước mắt hiển minh, chúng ta đã ở cục diện khả hợp bất khả phân, thiết tưởng công tử nên biết điều này mới phải !
Lãnh Như Băng ngẩn ra:
− Nguyện nghe cao kiến !
Bạch y nữ nói:
− Dùng lực của công tử phối hợp với trí của tiểu nữ, có thể làm nên một đại sự kinh nhân ở Từ Châu. Cơ hội này ngàn năm mới có, thỉnh công tử suy nghĩ kỹ.
Lãnh Như Băng đáp:
− Tại hạ chỉ muốn đi tìm người, hoàn toàn không có ý cầu danh trong võ lâm.
Bạch y nữ hỏi:
− Hãy nói cho tiểu nữ biết, công tử muốn tìm ai ?
Lãnh Như Băng đáp:
− Tìm sư đệ của tại hạ !
Bạch y nữ nhận xét:
− Nhìn dáng dấp của công tử, xem chừng công tử rất thiếu nhẫn nại để nghe lời tiểu nữ.
Lãnh Như Băng đáp:
− Tại hạ đang có vị bằng hữu trông chờ, nên phải đi ngay.
Bạch y nữ nói:
− Công tử đã quyết đi, thì cũng khó lưu giữ công tử. Ôi, chúng ta bèo nước tương phùng, công tử đã xả thân cứu mạng tiểu nữ, tiểu nữ quyết định sẽ chờ ở đây ba ngày. Nội nhật ba ngày nếu công tử có việc gì nghi nan, hoặc nhớ đến tiểu nữ, đều có thể đến đây gặp lại ...
Nàng ho một hồi, nói tiếp:
− Quá ba ngày, công tử đừng đến đây, chúng ta không còn cơ hội gặp nhau nữa đâu.
Lãnh Như Băng tuy trong lòng có rất nhiều sự việc nghi nan, muốn thỉnh giáo nàng, có điều là cứ bị nàng nói trước, thành thử cảm thấy lòng tự tôn và cao ngạo vốn có bị tổn thương, lực phản kháng trỗi dậy, không muốn đa vấn, hơn nữa lại nghĩ đến Hứa Sĩ Công đang chờ, phải trở lại thành Từ Châu ngay, bèn cung tay nói:
− Tại hạ ghi nhớ lời cô nương, nếu có nghi nan, trong ba ngày tới sẽ lại đây thỉnh giáo.
Đoạn quay người rảo bước mà đi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT