A. CHỌN LỰA
Ái tình có lẽ là một vị thần ranh mãnh nhất… Hễ yêu là mù quáng…
Pascal nói: “Tình có những lý lẽ riêng của nó mà lý không thể nào hiểu được”
Người Hy Lạp tượng trưng thần ái tình là một người trai nhỏ có một túi tên và cây cung thần. Hễ người nào bị mũi tên ấy thì yêu thương một cách mù quáng điên cuồng… như bị nọc độc làm mất cả khả năng lý trí. Yêu thương là một cái gì đó bí mật không thể cắt nghĩa được.
Con người rất tự hào là văn minh, nhưng hễ bị mũi tên độc của ái tình rồi, thì thành một con người tầm thường ngu dại… Câu chuyện Samson và Dalila là một chân lý hết sức lạnh lùng chua chát. Lý trí mà đứng trước ái tình chỉ còn là một bửu bối hết dùng được nữa.
Cho nên bàn đến sự khôn ngoan về ái tình thật là một việc làm rất khó. Ai là người đứng tuổi, đã kinh nghiệm cuộc đời nhiều, nếu nhớ lại lúc tuổi xuân khi ái tình bồng bột, sẽ thấy lý trí không ăn thua gì nữa cả, một khi mà ái tình nổi dậy.
Nhưng ở đây không nói đến ái tình mà chỉ bàn đến hôn nhân. Như chúng ta đã thấy trước đây, hôn nhân và ái tình đâu còn giống nhau, vì hôn nhân không còn phải là ái tình thuần túy nữa… mà nó đã thành phận sự. Nói thế không bảo hai thứ đó nghịch nhau đâu. Nhưng ta nên bình tĩnh để tìm hiểu rõ ý nghĩa của hôn nhân là như thế nào.
Đành rằng hôn nhân phải căn cứ trên tình yêu và nhờ nó nuôi dưỡng suốt đời. Ngày nào tình yêu hết thì cuộc hôn nhân cũng khó bền vững, nhưng sự thật ái tình chỉ đóng góp một phần trong hôn nhân. Hay nói một cách khác người ta có thể yêu thương một người nhưng không bao giờ dám nghĩ đến sự kết hôn với người ấy. Là vì có khi kết hôn với người ấy, sẽ là một sự lầm lẫn tai hại nhất đời mình. Tại sao thế?
Dù muốn, dù không ta phải quan niệm hôn nhân là một hành động có mục đích xã hội và dĩ nhiên hành động ấy bắt buộc ta có nhiều trách nhiệm hết sức nặng nề. Ta thường có lầm tưởng hôn nhân chỉ là một hành động cá nhân và chỉ quan hệ đến cá nhân ta mà thôi… Ta không được quyền suy nghĩ và quan niệm nó một cách ích kỷ như thế được.
Ái tình chỉ là ích kỷ, ích kỷ của bên trai gái; còn hôn nhân không thể căn cứ vào lòng ích kỷ được nữa, mà nó là cơ sở của sự thành lập gia đình, sanh con và nuôi dưỡng dạy dỗ nó cho chu đáo… Nghĩa là chúng ta chẳng phải chỉ là cặp tình nhân mà thôi mà sắp trở thành một ông cha và một bà mẹ với tất cả ý nghĩa thiêng liêng của nó. Mà đã làm cha làm mẹ thì không còn được quyền chỉ nghĩ đến mình nữa, sự thực là phải sống vì con. Ái tình là vị kỷ mà hôn nhân là vị tha và vì thế ta nên để ý phân biệt lẽ ấy. Có khi nó lại nghịch nhau là khác nữa: một người đàn ông có thể yêu thương đắm đuối người đàn bà, nhưng không xứng đáng làm một người chồng… rất có thể về phương diện cá nhân, người đàn ông ấy sẽ làm cho vợ mình hạnh phúc lắm, cái đó đã là nhiều lắm rồi… Nhưng về phương diện con cái họ có giúp cho vợ mình sống một đời sống đầy đủ, hạnh phúc của bà mẹ không? Người đàn bà nào cũng vậy, bên cạnh phận sự là một người vợ, còn có phận sự của một bà mẹ… và có khi tình mẫu tử còn quan hệ hơn ái tình. Liệu anh chồng nầy có giúp cho vợ mình làm tròn thiên sứ của một bà mẹ lý tưởng không? Cho nên có khi đối với người đàn bà, người đàn ông có thể là một người tình tốt, mà là một người cha không đủ tư cách. Như thế hạnh phúc của người đàn bà không thực đầy đủ và có khi đau khổ nhiều về phần con cái… vì tình mẫu tử là tình cao nhất của người đàn bà. Người đàn ông ấy không có quyền cưới người đàn bà này làm vợ.
Người đàn bà có thể yêu người đàn ông một cách tha thiết với tất cả tâm hồn… nhưng rất có thể vì sự yêu thương quá độ ấy họ ràng buộc một cách hết sức ích kỷ người đàn ông nọ không cho bay nhảy thỏa mãn cái chí tang bồng…, và như thế có khi làm tiêu tan sự nghiệp của người này bằng những sợi dây ràng buộc của hôn nhân. Vậy lấy chồng không có nghĩa là biến người yêu của mình thành một tên nô lệ và làm khổ họ suốt đời.
Thế thì đã nói đến hôn nhân là không còn được để cho thị dục điều khiển nữa mà phải để một phần lý trí vào đặng xem xét lại… ta cần phải nhiều bình tĩnh lắm mới được.
Vậy phải được lựa chọn một cách tự do. Dù ta yêu thương ai đến bực nào, trước khi nghĩ đến hôn nhân, ta phải đắn đo suy nghĩ và cân nhắc cho thật kỹ. Trước một hành động vô cùng quan trọng của đời con người, há phải là một việc làm cẩu thả nhất thời ư? Vậy ta phải đặt vài nguyên tắc quan trọng đặc biệt trước khi quyết định.
Lựa chọn người bạn trăm năm! Danh từ ấy chỉ cho ta sự hết sức quan trọng của vấn đề. Một người bạn thường, nếu thích thì sống chung, hết thích thì xa nhau… Nhưng bảo là bạn trăm năm, ta nên nghĩ đến sự phải chịu đựng suốt một đời người của mình.
Không gì đau khổ bằng phải sống chung với một người mà mình không yêu hay không thể yêu. Xa người yêu là khổ, nhưng sống với người mình không yêu lại càng khổ hơn nữa…
Hạnh phúc gia đình phần quan trọng nhất là do nơi sự khéo léo lựa chọn lúc ban đầu. Nhưng thanh niên nam nữa đến tuổi lập gia đình, phần đông kết hôn một cách cẩu thả, liều lĩnh không tưởng tượng nổi… Phần đông, người ta vô tình đến không biết rõ tại làm sao họ lại kết hôn với nhau?
1. Tình sấm chớp
Có nhiều kẻ yêu nhau với một tình yêu ngẫu nhiên bồng bột như “bị lưỡi tầm sét”… Họ vừa gặp nhau là thốt lên họ yêu nhau đắm đuối, say mê… không hiểu tại sao yêu?
Họ gặp nhau trên toa xe, hay trong một cuộc gặp gỡ nào; đi xem hát, đi chơi chung, v.v… Rồi đâm ra có thiện cảm yêu nhau và đòi cưới hỏi nhau trong thời gian chớp nhoáng…
Những mối tình chớp nhoáng này, kết cuộc ít khi thấy nó được viên mãn… vì phải tàn tạ mau chóng theo định luật: hễ bạo phát thì bạo tàn.
Những “mối tình đầu” phần nhiều là những tình yêu sấm sét thật tai hại không thể kể: “Nằm lâu mới biết đêm dài, chơi lâu mới biết là người cố nhân”. Muốn cho tình yêu được lâu bền, trước hết người bạn trăm năm của mình phải là một người tri kỷ. Có đâu vừa gặp nhau, lại có thể vừa yêu nhau và hứa hẹn trăm năm một cách liều lĩnh thế! Những kẻ có thể làm được việc ấy phải là những kẻ thiếu kém kinh nghiệm và không sành sỏi về tâm lý ái tình. Nhưng lắm khi những mối tình này cũng được trường cửu và hạnh phúc. Cái đó là những sự may mắn phi thường… một ngoại lệ. Ta đừng quan niệm hôn nhân như một cuộc đánh số… “Có trời mà cũng có ta” và có “tận nhân lực mới tri thiên mạng”.
Nhất là tuổi trẻ là bồng bột… Muốn nghĩ đến hôn nhân phải ít ra có một số tuổi, có nhiều kinh nghiệm và nhiều quan sát. Cho nên có nhiều thanh niên nam nữ viện lấy cái tên “mối tình đầu” để che đậy một mối tình lãng mạn bồng bột và thiếu kinh nghiệm của tuổi dậy thì… Cần thiết là trong những mối tình này, dù dục vọng lên cao độ nào, người trong cuộc nên trấn tĩnh tâm hồn mình, kìm hãm dục tình để suy nghĩ coi mình có thể nào thiết lập trên mối tình chớp nhoáng ấy một cái gì lâu dài và bền bỉ không? Cái đó đòi hỏi nơi mình nhiều tự chủ… một đức tính mà thanh niên nam nữ khó lòng có được. Phải tự mình có yêu một lần rồi, mới hiểu rõ rằng, lúc mình còn trẻ trung, khó mà làm chủ được lòng những khi gặp phải mối tình đầu. Trong khi ái tình bồng bột, thật khó mà gìn giữ lý trí sáng suốt, bình tĩnh để xem xét. Khi ta yêu thì ta không thấy gì là trở ngại cả. Tất cả những gì chống lại, ta đều đạp bằng: bất kể lời can ngăn của thân bằng cố hữu, bất kể luân thường đạo lý, bất kể dư luận chung quanh… Trước kia, dù ta đã có sẵn ý định về hôn nhân như thế nào, hoặc ta tự nhủ nếu ta kết hôn, chồng hay vợ ta sẽ phải có những đức tốt nào và không có những tính xấu gì, v.v… nhưng một khi ta yêu… thì những nguyên tắc xưa kia sẽ không còn hiệu lực nữa…
Yêu nhau vạn sự chẳng nề,
Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Người trong cuộc bao giờ cũng mù quáng. Vậy gặp những trường hợp này, ta nên hỏi ý kiến quanh mình… nhưng không phải đụng ai hỏi nấy. Nhiều ý kiến quá chỉ làm rối lòng mình thêm. “Cất nhà bên đường mà đụng ai cũng hỏi ý kiến thì ba năm cất không xong”.
Bắt đầu yêu thương bao giờ cũng khởi bằng một cái mộng. Hoặc mình mơ một vị hôn phu hay vị hôn thê lý tưởng, hoặc mình cảm vì một vài nét hay đặc biệt trong dung nhan, hay trong tính tình. Rồi nhân một cái đã làm mình xao xuyến ấy… mình bắt đầu dệt mộng… Trí tưởng tượng, để phủ lên người yêu đầy hoa mộng, mình tưởng tượng, mình ban cho họ không biết bao nhiêu cái đẹp, mình thi vị hóa họ… mình siêu việt hóa họ… đối với mình, họ là một đại quân tử, một vị đại anh hùng, một bậc vĩ nhân, một con người lý tưởng mà… sự thật họ không có gì cả.
Câu chuyện “khối tình Trương Chi” vẽ một ví dụ đầy ý vị… Một đàng con gái trâm anh thế phiệt, thường ngồi dựa cửa sổ trên một cái lầu cao để thêu thùa đọc sách… Một hôm có người đánh cá, ở đâu đến đậu thuyền, trên con sông kế cạnh… Chàng có tiếng ca quyến rũ làm sao… ngày ngày nàng tựa cửa sổ lắng nghe… Và bắt đầu dệt mộng. Nàng mơ tưởng một thanh niên có tiếng ca hay như thế, chắc phải là người tuấn tú khôi ngô. Một bữa chàng không đến đậu thuyền nơi đó nữa… nàng chờ đợi suốt ngày… rồi ngày qua ngày, nàng nhớ nhung mà phát bệnh tương tư… khi nàng thấy được “người trong mộng” chỉ là một người chài lưới thô kệch thì mộng của nàng tan mất.
Câu chuyện trên đây có ba điểm nên để ý: Tình yêu bao giờ bắt đầu cũng bằng một cái mộng, kế đó là sự vắng mặt của người mình yêu là điều kiện thuận tiện nhất để cho mình dệt mộng… trí tưởng tượng nhân một vài đặc điểm mà mình đã cảm được nơi người yêu, dệt thêm những lâu đài tươi đẹp và phủ lên người mình yêu toàn là hoa lệ… Giai đoạn kết thúc là sự chung đụng hàng ngày làm lộ ra chân tướng của người mình yêu một cách hết sức trắng trợn rằng cái mộng đẹp chỉ là cái mộng mà thôi và sự thật hết sức não nề chua chát đó là giai đoạn tan mộng.
Những mối tình chớp nhoáng hay là mối tình đầu căn cứ vào một sự rung cảm đột ngột bất thường và sấm chớp như thế… thường là những mối tình lãng mạn mà tuổi thanh niên phần nhiều hay vướng phải.
Gặp những mối tình như thế, thì không còn dùng đến lý trí làm gì được nữa, dĩ nhiên đó là những mối tình phó cho may rủi… không có gì bảo đảm cả. Yêu như thế thì không thể bàn đến việc lựa chọn gì nữa được.
Nhất là phải để ý trong những “mối tình sét đánh”, cái hồi hộp của quả tim đầu tiên thường gây ra do một vài đức tính dễ yêu… nào.
Nhiều người quen với tôi, bị “mối tình sét đánh”, sau khi tan mộng thú thật với tôi: “Tôi yêu anh ấy vì ảnh nói chuyện có duyên…”, hoặc: “Tôi yêu anh ấy vì thấy anh nói ôn tồn, không suồng sã như các bạn trai khác…”, hoặc: “Tôi yêu anh ấy vì thấy anh nghiêm trang và học giỏi”, hoặc: “Tôi yêu cô ấy vì cô ấy có cái miệng cười duyên dáng quá!”. Có khi còn tệ hơn nữa: “Tôi yêu cô ấy vì cô ăn mặc kiều diễm quá!”…
Chỉ căn cứ vào một vài đặc điểm khả ái của tính tình hay dung mạo bên ngoài mà yêu và cưới hỏi nhau trong một thời gian chớp nhoáng… thật là liều lĩnh mà xem thường hạnh phúc của mình không thể nói. Những mối tình sấm chớp ấy… được đề cao và quảng cáo chỉ trên màn bạc và tiểu thuyết, chứ thật trên đời, sự hạnh phúc lâu bền của nó là một ngoại lệ mà thôi. Ta nên nhớ tiểu thuyết hay trên màn bạc người ta không trình bày cái kết cuộc miên viễn của nó sau khi kết hôn, mà người ta chỉ trình bày nó từ lúc phát khởi đến lúc kết hôn mà thôi. Người ta không dám trình bày sự thật, vì chính ngày kết hôn đó thường lại là ngày chôn cất ái tình. Và nếu họ trình bày, khán giả bị tan mộng cả, rồi làm gì hấp dẫn và lừa bịp họ được nữa? Người ta sở dĩ thích đọc tiểu thuyết hay thích xem xi nê là đi tìm an ủi và mơ mộng để bù vào sự thật ê chề chán nản của cõi đời tẻ lạnh và vô vị của thực tế hàng ngày. Cũng có một đôi cuốn tiểu thuyết hay tuồng hát sâu sắc đưa bộ mặt thật của kết quả ái tình sấm chớp ấy… nhưng rất ít, bên cạnh những tác phẩm cốt xoay tiền bằng cách thỏa mãn những đòi hỏi thấp kém của con thú trong con người.
Với kẻ bảo: “Tôi yêu anh ấy vì anh ấy nói chuyện có duyên…” sao ta không tự hỏi suốt đời anh ấy có nói chuyện duyên dáng mãi như thế không? Hay là có lúc nín thinh? Và lúc nín thinh họ có còn duyên dáng hấp dẫn mình nữa không? Và sự duyên dáng ấy có phải là thuật khéo tán tỉnh hay không? Và liệu anh ấy có nghệ thuật tán tỉnh mãi không?
Nếu yêu vì anh ấy học giỏi, nghiêm trang… biết đâu cái mộng anh ấy đâu phải học giỏi để giúp đời mà học giỏi để đào mỏ và có rất nhiều kẻ học thật giỏi để rồi sau ra đời làm tay đại bợm và chấm dứt cuộc đời mình trong chốn lao tù! Có tài không mà thôi chưa đủ. Há ta không biết câu bất hủ này: “Tài thắng đức vi tiểu nhân” mà “đức thắng tài vi quân tử” sao? Kẻ có đại tài nếu không thành bậc đại thánh sẽ là tay đại gian. Học hỏi không phải bảo đảm là một người quân tử. Trong đời kẻ “năng thuyết bất năng hành” rất nhiều…
Lấy đó mà suy ngẫm những cảm xúc nhất thời khác, ta thấy sự phán đoán của ta thường sai lầm to tát[4]. Có khi cũng đúng lắm… nhưng đó là sự cầu may. May mà được việc, người trí không bao giờ tự hào… Ái tình và hôn nhân nhất là hôn nhân, không nên xem đó là một cuộc đỏ đen đánh bạc. Những cuộc tình duyên lâu ngày từ từ mà đến, càng ngày càng thấm thía sâu xa là những cuộc tình duyên có thể miên trường được.
2. Phó cho may rủi: tình cờ và xa lạ
Người đàn bà ngày nay đỏi hỏi tự do trong sự lựa chọn. Người đàn bà xưa không có được quyền tự do ấy.
Sự thật người ta có lựa chọn gì không? Hay chỉ đòi cho được tự do lựa chọn để phó mặc cho may rủi như trong canh bạc, dường như chân ái tình đối với họ là những mối tình gây ra do sự “tình cờ” đưa đến…
Người đàn bà, về ái tình hay để cho sự “tình cờ” định đoạt số phận của mình.
Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Chẳng phải thời xưa mới có quan niệm ấy. Ngay bây giờ sự phó thác vận mạng mình cho sự hên xui của số mạng là thường tình đối với phụ nữ.
Có lẽ vì tâm hồn người đàn bà quen suy luận theo trực giác, theo cảm hứng nhất thời hơn là dùng đến lý trí… cho nên họ hay hành động theo thiên tính một cách vô lý… Hoặc vì họ dễ chiều theo một cách vô tâm ý muốn của người yêu họ, nhất là họ thường lầm lẫn hôn nhân với ái tình… cho nên người đàn bà đối với việc hôn nhân thích để cho sự tình cờ, cho sự xa lạ chi phối.
Dường như tạo hóa sắp đặt cho người đàn bà phải yêu kẻ nào họ muốn lấy làm chồng.
Họ lại thích sự “xa lạ” hơn sự “quen thuộc”.
Trong hai người đến cầu hôn mà một người họ quen thân, một người họ không biết… thì họ lại có cái khuynh hướng chọn người mà họ không biết hơn. Đó là cái ngông cuồng ngớ ngẩn của đàn bà con gái phần đông thích những cái gì có tính cách phiêu lưu… xa lạ.
Và vì thế những người đàn ông muốn được người đàn bà yêu quý mãi phải là những người có tài nghệ tuyệt vời mà người đàn bà luôn luôn thán phục… Những người tài đức tầm thường phải biết che giấu cái chỗ hạn định của tài đức mình bằng sự xa lánh hơn là để bộc lộ hết cái chân tướng của mình bằng sự sống quá thân mật với vị hôn thê trong thời kỳ tiền hôn. Người ta thường thấy, người đàn ông mà muốn được người đàn bà yêu quý mãi đừng cưới vợ tài đức bằng mình, nhất là hơn mình… Người đàn ông phải luôn luôn đối với người đàn bà là một người anh, một bậc thầy, một người cha hơn là một người bạn ngang hàng. Và ta nên nhớ: không có sự kính phục thì khó mà nuôi dưỡng tình yêu nơi người đàn bà được. Chữ “yêu” của người đàn bà luôn luôn đi sau và đi kèm với chữ “kính” và “phục”. Cũng có khi vì sự “tội nghiệp” mà người đàn bà đâm ra yêu người đàn ông và che chở bảo bọc như một bà mẹ… nhưng mối tình ấy là mối tình thiếu thốn… không bao giờ thỏa mãn người đàn bà và làm cho họ say sưa hạnh phúc được.
Nhiều cô gái vì còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm quả quyết thích có chồng những kẻ hiền từ như bụt, để họ tha hồ “đặt đâu ngồi đấy”, chỉ huy sai sửa… Nhưng sự thật, theo chỗ nhận thấy của tôi, tôi không bao giờ thấy có người đàn bà con gái nào thật sống hạnh phúc với một người đàn ông mà họ không kính phục hoặc về tài hùng… Theo lệ thường, người đàn bà dễ sống hạnh phúc với người chồng gan ruột anh hùng, nghĩa là can đảm và quyết đoán… hơn là với một người nhu nhược, rụt rè, nhút nhát. Trái lại người đàn ông dễ sống với hạng nhi nữ thùy mỵ và sẵn sàng chịu sống dưới quyền bảo bọc của họ.
Bởi vậy những người đàn bà thông minh đối với chồng không bao giờ nên tỏ ra mình thông minh lanh lợi hơn chồng… Còn những đàn bà “quá lanh”, nhất là những đàn bà ưa phê bình kích bác chồng thì chắc chắn không làm sao được chồng yêu quý…
Tính ưa phiêu lưu, tham thanh chuộng lạ… của người đàn bà khiến họ thích phó mặc cho sự tình cờ hay xa lạ định đoạt lương duyên của họ… Thật ra, là do cái quan niệm về hôn nhân và ái tình của họ sinh ra: họ có kính mới có yêu. Cho nên sự xa lạ là yếu tố cần thiết để che mắt họ, không cho họ thấy rõ chân tướng của người đàn ông và nhờ thế, nhờ sự xa lạ ấy, họ dễ mà “dệt mộng”, dễ mà để cho trí tưởng tượng tha hồ lý tưởng hóa người yêu. Người đàn ông phải luôn luôn đối với người đàn bà là một cái gì “huyền bí”. Khéo giữ cái huyền bí ấy lâu chừng nào hay chừng nấy, đó là một nghệ thuật kéo dài tình yêu của người đàn bà vậy. Nhưng những kẻ không phải là bậc vĩ nhân xuất chúng… đừng sống quá thân mật với những người đàn bà nào mà mình muốn được yêu thương trong thời kỳ vị hôn.
Một người chồng như Pythagore hay Mahomet[5] không bao giờ sợ người đàn bà khinh thường hay chê chán, và những người đàn bà có những người chồng như thế là những người vợ hạnh phúc nhất đời. Vợ của Pythagore cũng như vợ của Mahomet là những đệ tử của các ông và suốt đời thờ các ông như một vị thánh… Pythagore đối với vợ ông là một huyền bí… một huyền bí vô cùng sâu thẳm – mà bà vợ luôn luôn say sưa yêu kính suốt đời.
Ở đây ta nên để ý quan niệm về bậc vĩ nhân, anh hùng… của người đàn bà. Tùy theo tâm hồn của họ khác nhau rất xa. Nếu là người đàn bà có tính tham phú quý, chỉ biết lấy sự sống trong tiền rừng bạc biển làm hạnh phúc, thì bậc anh hùng vĩ nhân của họ là những ông thầu khoán, những con buôn mà có đủ thủ đoạn phi thường cướp bóc, hoặc những ông có tước vị cao sang mà khéo lòn khéo cúi, chỉ biết phì gia ấm thân, vinh phong thê tử… Trái lại, người đàn bà thanh cao thì bậc anh hùng vĩ nhân của họ, phải là những bậc tài đức xuất chúng, quân tử trượng phu, khinh tài trọng nghĩa…
Socrate là một bậc đại hiền, nhưng vợ ông chẳng những không cần biết tới mà còn khinh khi là khác. Ở đây ta nên nhớ: Đôi bạn trăm năm, trước hết phải là đôi tri kỷ.
Dù sao, người đàn bà chỉ có thể yêu những kẻ nào họ kính phục mà thôi. Những kẻ đại gian đại ác cũng có những hạng nhi nữ gian tham thờ kính yêu thương. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Chính là như thế!
3. Chọn theo sắc đẹp
Thích để cho sự tình cờ may rủi… định đoạt tình yêu, trong thâm tâm người đàn bà nào cũng vậy, lại muốn cho người yêu mình thương mình một cách độc nhất, với một mối tình sấm sét, và như bị sa lưới tình, không phương vùng vẫy. Tôi còn nhớ có một văn sĩ nào đã bảo: “Người đàn bà đợi người đàn ông… nhưng đợi như con nhện giăng tơ, đợi một con mồi sa lưới vậy”. Nghĩa là họ muốn người đàn ông yêu họ, yêu một cách say mê, mù quáng… Bởi vậy, không gì làm cho người đàn bà con gái hãnh diện nhất bằng thấy được người đàn ông yêu họ một cách mê đắm, như kẻ mất hồn… Họ không thể quan niệm được rằng ngoài họ, người đàn ông ấy có thể còn yêu được một người đàn bà nào khác hoặc có thể còn hạnh phúc được với một người đàn bà nào khác. Và nếu việc này có thể xảy ra, thì đó là vết thương đau đớn nhất của đời họ. Tình yêu đối với người đàn bà phải là một cái gì độc nhất vô nhị.
Thật vậy, đối với người đàn ông hay người đàn bà, khi họ yêu nhau, thì những gì tốt đẹp, duyên dáng nơi kẻ khác đều phải mờ tất cả. Tình yêu biến người mình yêu thành một nhân vật đặc biệt độc nhất và đẹp nhất… Tất cả những tình thương trước đây đối với cha mẹ, chị em, anh em bỗng xóa mờ lạt lẽo cả và càng ngày càng nhường chỗ cho tình yêu đặc biệt ấy nó xâm chiếm tất cả tâm hồn. Cho nên, cao vọng của người đàn bà khi được yêu là được người ta yêu một cách say đắm, mê hồn… không khác một con mồi sa vào lưới nhện…
Và nhất là được người đàn ông say đắm vì sắc đẹp của họ.
Một nhà tâm lý học có bảo: “Muốn làm cho người ta có thiện cảm với mình, thì nếu là người đàn ông hãy khen tài trí của họ; và nếu là người đàn bà, hãy khen nhan sắc và lối trang điểm của họ”.
Thật vậy, bất cứ người đàn bà nào cũng đều có cái “mộng” cám dỗ người đàn ông bằng sắc đẹp của mình… Cứ xem chung quanh ta thì rõ: Không có người đàn bà nào mà không chăm lo săn sóc nhan sắc của mình. Dường như đó là vấn đề tha thiết nhất của người đàn bà. Họ phí biết bao nhiêu thì giờ, tiền bạc, trí lực để trau dồi sắc đẹp, phải chăng thiên tính đã báo cho họ biết đó là phương tiện hay nhất mà cũng là giản tiện nhất để được đàn ông yêu.
Cái sắc đẹp của người đàn bà, sự kiều diễm của họ hấp dẫn và thu hút tâm hồn người đàn ông dễ dàng nhất, hơn tất cả những đức tính của họ…
Bất cứ người đàn bà con gái nào cũng cảm thấy và hiểu biết thế, cho nên họ thích dùng sắc đẹp duyên dáng để khêu gợi tình yêu, phương tiện đơn giản nhất để chinh phục người yêu…
Chính đó là nguyên nhân khiến người đàn bà, con gái ngày nay quá săn sóc đến sắc đẹp của mình… thay vì tìm cách chinh phục người đàn ông bằng những phương tiện khó khăn hơn, tức là trau dồi đức hạnh như người đàn bà khi xưa.
Ở đây, ta thấy nguyện vọng thầm kín ấy của người đàn bà thật là chí lý, song lẽ dùng sắc đẹp và chỉ dùng sắc đẹp mà thôi, để quyến rũ, cám dỗ người mình yêu thì thật là tai hại không biết chừng nào!
Tình yêu chân chính, sâu sắc phải có đủ những yếu tố sau này: Lòng yêu vị tha, hy sinh bao bọc và yêu quý kính phục. Tình yêu gây ra vì sắc dục là mối tình mỏng manh nhất. Đành rằng người đàn ông nào cũng thế, không có một người đàn ông nào mà trước hết không cảm vì sắc đẹp là một cái gì quyến rũ nhất, nhưng ta phải tạo nên sắc đẹp một cái gì khả dĩ gọi là miên viễn, cái đẹp tinh thần để nuôi dưỡng tình yêu ấy cho được lâu dài. “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Người ta yêu mình bằng sắc đẹp và chỉ vì sắc đẹp mà thôi thì thật nguy hiểm cho mình hết sức. Sắc dục là một thứ gì dễ nhàm chán nhất. Một cái đẹp mà chưa về tay mình thì đẹp thật, nhưng hàng ngày luôn nhìn thấy, lâu ngày cũng bớt đẹp và có khi lại bị xem thường… Huống chi sắc đẹp là cái dễ tàn phai nhất nơi người đàn bà… Cái đẹp của mình sở dĩ đẹp là nhờ nơi sự kín đáo… mờ ảo và xa lạ gây ra… Cho nên những người đàn ông yêu sắc đẹp vì sắc đẹp mà thôi, sẽ không bao giờ thỏa mãn với sắc đẹp của mình, dù nó kiều diễm đến bậc nào… Mình đẹp, sẽ có người đẹp hơn, nhất là cái đẹp mới bao giờ cũng đẹp hơn cái đẹp cũ… Tính “tham thanh chuộng lạ” là cái thông bệnh của con người, nhất là của người đàn ông. Bởi vậy, người đàn ông mà yêu mình vì sắc đẹp, thì sớm muộn họ sẽ chán mình vì thử hỏi mình còn có gì để cầm giữ người yêu cho chung thủy mãi… Đức hạnh không có, nhân nghĩa cũng không, ân tình cũng chả có… thế là, sắc đẹp đã phai, ái tình cũng tan mất, đấy là số kiếp của phần đông những gái giang hồ… chỉ biết đem sắc đẹp để quyến rũ và cám dỗ con người háo sắc.
Sắc đẹp mà lộng lẫy quá, khêu gợi quá, lắm khi không phải là cái may mắn cho người đàn bà, mà là một tai họa cho họ… Thật vậy, nó chỉ cám dỗ những người mà mình không muốn cám dỗ, nó sẽ là cái “mồi” cho phần đông bọn người háo sắc “bu” theo để làm tai họa cho mình. Rồi chính cái sắc đẹp ấy lại cũng không đủ sức để cầm giữ người yêu… mãi mãi.
Sắc đẹp là một con dao hai lưỡi, không khéo dùng nó đúng chỗ, nó sẽ trở hại mình không phương tránh đỡ. Người đàn bà mà đẹp quá, sẽ không bao giờ sống được yên thân… Một “con mồi” mà nhiều người thèm muốn quá, khó mà toàn thân và hạnh phúc. Sớm muộn gì cũng bị bọn tiểu nhân hiếu sắc, bất chấp luân thường đạo nghĩa, bất chấp pháp luật, giành xé chiếm đoạt và không cho mình sống yên thân hạnh phúc. Lần giở từng trang lịch sử Âu Á từ xưa đến nay, ta đều thấy cái luật lạnh lùng đau đớn ấy.
Há không phải đó là điều đáng cho ta suy nghĩ lắm hay sao?
Người đàn ông nếu họ không bị sắc đẹp làm say đắm, họ sẽ sáng suốt nhận thấy được chân giá trị của mình. Bởi vậy, những người đàn bà con gái mà có một sắc đẹp trung bình thường dễ có hạnh phúc hơn những người con gái đẹp kiểu khuynh thành. Là vì sắc đẹp của họ không đủ làm mù quáng người đàn ông, nên đức hạnh của họ nhờ đó mà được nhìn nhận đúng giá. Ngoài cái sắc đẹp, họ còn được yêu vì nết na hay đức tốt, tức là những cái gì tốt đẹp mà thời gian đã chẳng những không phai mờ, mà trái lại còn làm cho nàng ngày càng tăng vẻ đẹp.
“Như mùi hương quế, càng già càng cay…”
Cái lợi của người đàn bà con gái phải chăng không nên đem cái sắc khuynh thành của mình để làm mù quáng người yêu. Để họ có đủ bình tĩnh và sáng suốt nhận thấy cái đẹp của tính tình mình trước khi thành lập gia đình. Như thế là mình mới chắc, một khi sắc đẹp sút kém đi rồi mình vẫn được bảo đảm là chưa mất hẳn tình yêu… Những người đàn ông đứng đắn bao giờ cũng biết suy nghĩ cân nhắc lợi hại và nếu họ có say mê sắc đẹp nào mới nữa, không bao giờ họ quên cái quý đẹp trong con người tinh thần của mình.
Trau dồi sắc đẹp để người yêu và gìn giữ mãi tình yêu là điều chính đáng… Người đàn bà nào khinh thường nó, có thể vô tình làm giảm tình yêu của chồng mình. Nhưng chỉ lo trau dồi sắc đẹp, dùng đủ thiên phương bách kế để cám dỗ người đàn ông say mê mình vì sắc đẹp, như phần đông phụ nữ kim thời, đó là một điều thất sách.
Lợi dụng sắc đẹp để lung lạc đàn ông, để đùa giỡn họ như mèo giỡn chuột hoặc lợi dụng sắc đẹp để cám dỗ tất cả bọn đàn ông chứ không phải để làm say mê riêng một người đàn ông nào mà mình yêu… Đó là thủ đoạn của bọn đàn bà sa đọa, nhí nhảnh, hạng người muốn nếm ái tình muôn mặt… thì sắc đẹp khuynh thành của người đàn bà mới thật là một lợi khí vô cùng lợi hại. Nói cho đúng, sắc đẹp chỉ có giá trị là đối với hạng người đàn bà tầm thường, kém thông minh, thiếu bản lĩnh… Ngoài sắc đẹp, họ chẳng còn cái gì hay để quyến rũ và làm cho người đàn ông yêu thương say đắm. Họ sở dĩ lợi dụng sắc đẹp để lung lạc người yêu là vì họ cố làm cho người đàn ông mất bình tĩnh, thiếu sáng suốt vì sắc dục, không nhận thấy được cái xấu xa thiếu kém của con người tinh thần của họ.
Trái lại, hạng đàn bà con gái thanh cao thì sắc đẹp không là nguy hiểm nữa, vì họ sẽ không bao giờ cậy đến sắc đẹp để lung lạc người yêu. Bởi ngoài sắc đẹp, họ còn có nhiều phương tiện khác để đề cao giá trị của mình… Vả lại, họ không muốn để người yêu mù quáng vì sắc đẹp của họ mà bỏ qua không để ý đến cái đẹp đẽ của con người tinh thần của họ. Cái đẹp mà kín đáo mới thật sự là cái đẹp sâu xa. Kẻ nào không biết giữ kín cái đẹp của mình mà để nó bộc lộ ra ngoài nhiều quá, kẻ ấy chưa phải thật là khôn ngoan. Người xưa có nói: “Có tài mà không để bộc lộ cái tài của mình, người ấy mới thật là người có tài”. Đẹp mà không để bộc lộ cái đẹp của mình, người ấy mới thật là người đẹp. Và nhất là cái tài ấy không làm lụy cho mình và cái đẹp ấy không vời họa cho mình…
Anh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.
4. Chọn theo lý tưởng lãng mạn
Thanh niên nam nữ nào cũng “mộng” một người yêu theo lý tưởng mình… nhưng lý tưởng ấy thường là một lý tưởng lãng mạn… Chàng hoặc nàng ôm ấp trong lòng hình ảnh một người yêu lý tưởng… Một ngày kia chàng gặp nàng hoặc nàng gặp chàng và thấy cái “mộng” của mình đã thực hiện được nơi người ấy… Chàng hoặc nàng có lý chăng? Rất có thể… Nhưng có điều chắc chắn là cái “tâm hồn” thứ hai ấy của ta, ngoài những đức hay cũng có nhiều nét xấu vì không có cái gì là toàn bích trên đời này… Nhưng về nết xấu, thì chắc chắn là chàng hoặc nàng không nhận thấy gì cả… Chàng hoặc nàng chỉ làm ngạc nhiên vì đã gặp người yêu lý tưởng mà mình đang mong mỏi đợi chờ thôi.
Cuộc hôn nhân này nếu có thể xảy ra, phải chăng căn cứ trên một tình yêu lãng mạn? Sự thật, ngày mà họ bắt đầu sống chung nhau trong một cuộc đời thực tế, chân tướng của chàng hay của nàng, kể cả thói hư tật xấu, hiện ra chán chường trước sự thất vọng ê chề của chàng hay của nàng. Mộng bắt đầu tan một cách chua cay đau đớn…
Phần đông ái tình lãng mạn này do tác hại của tiểu thuyết diễm tình và các tuồng hát bâng quơ… dẫy đầy trên thị trường sách báo và màn bạc hiện giờ.
Trong đời thực không gì nguy hiểm bằng lấy cái mộng mình làm sự thật… Là vì “sự thật” bao giờ rồi cũng hiện lên và bắt buộc mình trở về thực tế… một cách trắng trợn. Nhất là nó sẽ đến trong những lúc mà mình không ngờ… những lúc mình chưa chuẩn bị đầy đủ để tiếp đón nó. Nhưng, nguy hiểm nhất là cái mộng làm cái thực trong vấn đề lập gia đình… Hạnh phúc gia đình phải đặt trên nền tảng vững chắc, đừng có xây cất trên bãi cát… nghĩa là trên những ảo mộng mà thời gian đến sẽ làm tan tành.
Thanh niên nam nữ cần phải được sớm giáo dục hướng về thực tế. Phải tập họ biết đem thực tế đọ với lý tưởng… với những cái mộng thầm kính của mình. Ở đời sống không lý tưởng, đời sống không ý vị gì cả; nhưng lý tưởng không phải là vọng tưởng… Lý tưởng phải đừng quá xa thực tế, thì người ta mới không sống trong ảo mộng… mà thất vọng ê chề.
5. Bạn thuở ấu thơ
Chàng và nàng biết nhau từ thuở nhỏ. Nhà hai người ở kế cận bên nhau và cha mẹ hai bên là bạn chí thân thường qua lại nhau luôn. Đôi bạn trẻ chơi với nhau thuận hòa còn hơn anh em ruột và tính tình rất ý hợp tâm đầu…
Ban đầu hai trẻ cùng học chung một trường rồi sau lớn lên, nàng vào trường nữ, chàng vào trường nam. Tuy vậy, lúc bãi trường lại cùng gặp nhau như xưa. Tình bè bạn vẫn thân mật không phai, lại càng thấy càng ngày càng đầm ấm.
Hai người cùng lớn… và đã đến tuổi dậy thì. Chàng bắt đầu để ý nhìn nàng với một cặp mắt của một thanh niên và nàng cũng bắt đầu e lệ… song le đôi bên quyết giữ gìn tình bằng hữu như xưa… thường thư từ qua lại mà thôi.
Một thời gian lâu, hai bên không gặp nhau. Chàng đi học phương xa và đã thành danh, nhưng chàng lại yêu một bạn gái lớn hơn chàng và muốn cưới làm vợ. Song nàng ấy, thực tế hơn, từ khước và đi lấy một người khác lớn tuổi hơn nàng nhiều, địa vị vững vàng hơn và nhiều kinh nghiệm về việc đời, có thể bao bọc che chở nàng đắc lực hơn những bạn trẻ cùng tuổi hay đương lứa. Chàng đâm ra thất vọng và đau khổ, vì tình yêu thì ít mà vì lòng tự ái thì nhiều… Chàng lại bi quan và không còn tin tưởng đến những mối tình son trẻ và vô vụ lợi nữa… Trong lúc chàng tuyệt vọng, thì chàng chợt nhớ đến nàng, người bạn buổi thiếu thời kia của mình. Chàng viết cho nàng một bức thư tâm sự rất não nề… Nàng còn tự do, chưa yêu ai cả… Đã bao phen nàng từ khước nhiều bạn trai khác đã gấm ghé đến nàng vì nàng so sánh với chàng, nàng cảm thấy chưa có người nào sánh kịp. Thì bỗng nàng được thư chàng trong một trường hợp đau thương. Tâm hồn người đàn bà bao giờ cũng đa cảm và thích an ủi…
Hai người lại gặp nhau: Nàng hiện là một người con gái già dặn, nghiêm trang, sẵn sàng yêu thương. Nàng cảm thấy tìm được nơi chàng một người đàn ông có địa vị, mạnh mẽ, quả quyết và đủ sức che chở bao bọc nàng. Còn chàng lại tìm thấy nơi nàng một người bạn thùy mị, thông cảm, biết an ủi chàng lúc chàng thất vọng đau khổ, nhất là vì nàng là người bạn mà chàng có thể trút bầu tâm sự…
Nàng định sẽ làm cho chàng vơi nỗi khổ vì bị hắt hủi chán chường, và nàng hy vọng trong vòng một thời gian đôi ba tháng, chàng sẽ quên vết thương lòng và trở nên yêu đời như lúc nào… Nhưng, ngoài sức tưởng tượng của nàng, chỉ trong vòng ba ngày là hai người đã yêu nhau tha thiết và tự nhủ tại sao họ đã để trôi một thời gian quá lâu để hiểu nhau và yêu nhau như thế…
Cuộc hôn nhân trong chốc lát đã thành hình, hai người vui mừng không kể xiết và cầm chắc là đã nắm hạnh phúc trong tay… Nhưng, khi hai người đến cho thầy của mình hay tin mừng ấy, một ông thầy mà hai người yêu kính như một người cha. Họ cầm chắc là ông sẽ hân hoan tán thành, bởi ông là người đã chứng kiến mối tình của hai bên từ lâu và đã biết rõ từng chân tơ kẽ tóc… Nhưng, trái với lòng mong ước của hai người, ông ta vẫn điềm nhiên và gương mặt có vẻ trầm ngâm…
- Thưa thầy, tại sao thầy có vẻ nghĩ ngợi… Dường như thầy không tán thành… Chúng con đã biết nhau lâu rồi. Biết bao năm tháng lúc ấu thơ gần gũi sống chung nhau… Bảo rằng chúng con chưa hiểu nhau, thì lạ quá!
- Không, thầy đâu phản đối… Nhưng thầy không còn ở trong cái tuổi đầy ảo mộng như chúng con và thầy đã chứng kiến không biết bao nhiêu việc đời trong thực tế rồi… Hai con bảo, chúng con đã biết nhau từ lâu, không biết bao nhiêu năm gần gũi sống chung nhau tuổi thiếu niên. Thầy biết rõ lắm. Nhưng các con ạ! Tuổi ấu thơ là một việc, mà đời sống của chúng ta lại là một việc khác. Nay đến tuổi trưởng thành, chúng con lại càng khó hiểu được nhau, vì chúng con đã đặt tình yêu của chúng con lên trên những kỷ niệm của thời thơ ấu và những tình cảm ấy đã làm sai lệch sự nhận xét của chúng con. Khi mình nhận xét việc gì, cần phải đặt tình cảm qua một bên, thì mới mong thấy sự thật một cách khách quan, nghĩa là sự thật y như nó đã xảy ra, chứ không phải sự thật như theo lòng mong ước của ta muốn cho nó phải xảy ra như thế nào… Thiện cảm hay ác cảm đều là những mối tình cảm dễ làm cho ta nhận thấy sự đời sai lạc cả.
Mối thiện cảm của đời sống tuổi trẻ của các con lúc còn là bạn với nhau không thể bảo đảm nó sẽ còn là mối thiện cảm của hai con sau cuộc sống chung nhau như vợ chồng.
Nhưng các con đừng thối chí, cứ tin tưởng, đời sẽ tươi đẹp và tương lai sẽ mở rộng cánh tay đón rước tưng bừng. Nhưng tưởng các con nên thận trọng hơn, cần một vài năm tìm hiểu nhau thêm, trước khi nghĩ đến việc lập gia đình, vì ở đây, sự tìm hiểu nhau là cần thiết nhất trong khi muốn xây dựng một tổ ấm vững vàng… không sứt mẻ. Trong vài năm, các con sẽ cho thầy rõ… kết quả của cuộc tình duyên các con, để thầy biết coi thầy có lầm lạc trong sự nhận xét cuộc đời không?
Hai người lấy nhau… và, năm năm sau, nàng đã cho ông hay: Ông là người cao kiến.
6. Tiền bạc
Lấy tiền bạc làm mục đích của đời người, đó là hạng người không bao giờ có thể hiểu được cái tình là gì cả. Thế mà gần như hầu hết con người hiện thời chỉ biết có tiền bạc, ngoài ra không còn coi trọng giá trị gì nữa cả. Cho nên đối với họ, hôn nhân chỉ là một cuộc bán buôn mà thôi.
Người con trai đi coi vợ, chỉ lựa con nhà giàu hoặc con nhà có thế lực để làm ra tiền nhiều… Không cần biết người con gái có hiền đức hay không, miễn vựa lúa đầy, nhà lầu cao, xe hơi đẹp là họ bám vào như đỉa đói… Cái “mộng” của phần đông thanh niên ngày nay là được làm cái thân “chuột sa hũ nếp”. Những cô con gái nhà nghèo, khó mong được các “ông” có bằng cấp cao ghé mắt. Tâm lý của phần đông thanh niên ngày nay quan niệm ái tình là một việc chơi qua đường và hôn nhân là một công việc bán buôn lời lỗ.
Người con gái cũng thế… Chọn chồng là chọn hạng nhà giàu, những nhà thầu lớn, những kẻ buôn to… để có thể sống trong nhung lụa bạc tiền. Tuyệt nhiên, ái tình đối với họ không còn ý nghĩa gì thiêng liêng nữa cả. Hoặc tìm lấy những kẻ cấp bằng “cao”, có lương tháng rộng, để tha hồ sống trong tiền rừng bạc bể… “Phi cao đẳng, bất thành phu phụ”.
Với hạng người này thì tiền bạc là mục đích mà ái tình là phụ thuộc. Mỉa mai thay, họ lại mong dung hòa được hạnh phúc ái tình và tiền bạc, thật là một việc “mò trăng đáy nước”.
Cô X… có một người yêu là bạn học thuở nhỏ. Hai người yêu nhau vì cảm tình tuổi trẻ… nhưng chàng chưa có một địa vị vững vàng. Một chàng trai khác, con nhà giàu hơn, có nhiều ruộng đất và nhà lầu, xe hơi… song thất học và đần độn… Nhưng không sao, chàng ngu đần mà gia tài lớn. Nàng nhận cùng người ấy kết hôn, nàng thích sống phong lưu và ăn xài chưng diện, nên cần phải có tiền nhiều, dĩ nhiên dù có nhiều thiện cảm với người bạn xưa, nàng bặm môi bẻ gãy chữ đồng… Theo nàng, đàn ông thì người nào như người nấy… không hơi sức nào kén chọn. Người quân tử mà nghèo (người quân tử làm gì mà giàu) đâu phải là người chồng lý tưởng của cô!
Một thiếu nữ khác, có ăn học nhiều, hỏi ý kiến tôi về một chàng trai mà nàng biết chỉ có tôi là thấu rõ thân thể của chàng. Nàng kể lể là nàng yêu chàng tha thiết, chàng thông minh, chàng quân tử đủ điều. Nhưng lần lần câu chuyện sang qua sang qua thực tế: “Tôi dư biết tiền bạc không làm nên hạnh phúc, nhưng dù sao cũng phải có tiền nhiều… mới có mưu hạnh phúc cho gia đình một đời sống rộng rãi và sung sướng. Với nghề nghiệp của anh ấy hiện giờ không rõ anh có thể tạo nên sự nghiệp khá giả không?” Và khi cô ấy cho tôi biết thế nào là một số tiền khá giả đối với cô, tôi lấy làm kinh ngạc hết sức!
Tôi không thể giấu cô được. Tôi cho cô rõ với cái nghề của anh ấy, kiếm được một số tiền vừa đủ để sống một đời trung bình thì được, nhưng mong rằng sẽ làm giàu thì đừng đặt nhiều hy vọng. Bấy giờ trong câu chuyện, nàng cho tôi biết là nàng chưa hoàn toàn hứa hẹn với chàng… Rồi nàng lảng sang chuyện khác… nàng nhắc nhở đến người trai đầu tiên đã đến cầu hôn với nàng mà nàng vô tình bỏ rơi, song nàng mong sẽ còn gặp lại vì chàng có địa vị chắc chắn, nhất là… chàng ăn xài rộng rãi lắm.
Và tôi chỉ cười lạt cho câu chuyện được êm đềm.
Người đàn ông mà có “địa vị cao” cũng như người đàn bà con gái mà “cha mẹ giàu”, chưa chắc sẽ được người ta yêu mình về chân giá trị của mình.
“Canh điền bất kiến điểu,
Hòa thục điểu phi lai”.
Khi cày thì chẳng thấy chim,
Đến khi lúa chín chim tìm đến ăn.
Đây là một sự thật mỉa mai và chua chát! Người con gái có gia tài to, được bọn đàn ông con trai xôn xao ngoài ngõ… chưa chắc là họ yêu mình vì cái người của mình, thực ra họ yêu cái “vựa lúa” của mình. Số phận của người con gái giàu, thường bạc phước hơn số phần của con nhà nghèo là vì thế.
Há ta không biết tình đời ấm lạnh hay sao?
“Bần cư náo thị vô nhân vấn,
Phú tại thâm sơn hữu viễn thân”.
“Khó ở giữa chợ nào ai hỏi, chẳng mua thù rước oán vẫn thờ ơ”.
“Giàu trên non lắm kẻ tìm, không ép dấu nài yêu mà rộn rực”.
Đối với những hạng vụ lợi… mà cuộc đời chỉ là tiền bạc… thì “có tiền mới có duyên”… và quyển sách này không phải viết ra cho họ.
Trở lên đại khái là những trường hợp mà sự lựa chọn không làm gì thực hiện được. Sự thật, người đàn ông cũng như người đàn bà không ai lựa chọn gì cả, mà họ thường để cho sự “ngẫu nhiên”, cho “sắc đẹp”, cho “tình cảm lãng mạn” nhất thời, cho “tiền bạc” lựa thế cho mình thôi.
Đối với hạng người ấy, sự lựa chọn không còn thành vấn đề nữa. Thực sự, vai tuồng của sự ngẫu nhiên rất là quan trọng… Sự phó mặc cho may rủi dường như ăn sâu vào tiềm thức của con người… Vì vậy, sự tự do lựa chọn là một việc khó thấy trong đời. Tuy nhiên, cũng có một số người đàn ông và đàn bà, không chịu như kẻ sống say chết ngủ, họ không chịu để cho sự hên xui, cũng không chịu để cho tình cảm lãng mạn nhất thời lôi cuốn họ như “thác ngàn”… Trái lại, họ bình tĩnh trong khi tìm một người bạn trăm năm, họ dung hòa cả tâm lẫn trí, cả tình lẫn lý để mưu hạnh phúc điều hòa, sáng suốt và miên viễn. Họ không quá thiên về lý và thiên về lý tưởng như người lãng mạn… đối với những hạng người này, ta có thể cùng bàn với họ về “thuật lựa chọn” và “thuật yêu đương”. Ta không nên quá bi quan, cũng không nên quá lạc quan. Quá lạc quan trong khi sự đời đầy cạm bẫy, đầy nhơ nhớp, đầy thối tha ti tiện… thì lạc quan là tự lừa dối, tự đem mình lăn vào hố sâu vực thẳm một cách quá ngu xuẩn còn gì! Quá bi quan, thì cõi đời tăm tối quá… Vả lại, dù sao người ta ai ai cũng có lương tri… Sở dĩ họ đui mù là vì lạc lầm một thuở, nếu có ai “khai quang điểm nhãn” thì có lẽ họ sẽ quay về lẽ phải không sai. Đành rằng “không sao kéo cẳng vịt cho dài, thúc giò hạc cho ngắn được”, nghĩa là kẻ tiểu nhân suốt đời là kẻ tiểu nhân, không phương gì cứu chữa được… Nhưng hạng người nào cũng có hạng, đâu phải tất cả thiên hạ bản tính đều sa đọa hết hay sao?
Tóm lại, không nên quá bi quan, mà cũng không nên quá lạc quan. Nhưng có điều chắc chắn, kẻ khôn ngoan bao giờ cũng cẩn thận và nhờ thế mà họ ít bị sai lầm sa ngã…
Có kẻ bảo tình yêu hãy để cho thiên tính và số mạng định đoạt; còn hơn là đắn đo cân nhắc bằng lý trí. Tôi không phản đối, có lẽ… thà như thế mà còn hơn là “già kén kẹn hom”. Nhưng bẩm sinh là người ham suy nghĩ và ít thích để cho hoàn cảnh lôi cuốn, dù là định mạng cũng vậy… “Có trời mà cũng có ta”… Một hạnh phúc mà vô tâm, kẻ trí không thèm hưởng cái hạnh phúc ấy… Tôi vẫn lạc quan… là vì tôi còn tin rằng trong đời vẫn còn hạng người không chịu để mình làm tôi mọi cho dục vọng, cho sắc dục, cho tiền bạc chỉ huy sai sửa trong vấn đề hôn nhân. Và với những người như thế, bàn đến nghệ thuật “yêu đương” và “lựa chọn” là không uổng công vô ích.
B. THUẬT LỰA CHỌN
Những kẻ yêu thương vì mối tình sấm sét, chọn nhau vì sắc, yêu nhau vì tiền, mặc cho sự ngẫu nhiên may rủi định đoạt cho cuộc hôn nhân của mình như đã kể trên, thì sự lựa chọn không thành vấn đề. Họ đã để cho tình cảm bồng bột nhất thời, cho nhục dục, cho tiền bạc, sắc đẹp lựa chọn cho họ, thì lý trí con người không còn chỗ nào được tự do dùng đến nữa. Họ là hạng đem hôn nhân và ái tình làm cuộc bán buôn may rủi… Mà thật ra, cuộc đời chỉ cho ta thấy trong vấn đề ái tình và hôn nhân, phần đông con người đã để cho số mạng hên xui định đoạt.
Thà là để cho thiên tính tìm hộ cho ta còn hơn là dùng đến lý trí… vì ái tình là một cái gì phiền phức lắm… Nhưng trong đời cũng có hạng người không chịu phó mặc cho hên xui định đoạt cuộc đời của mình, hạng người sống muốn sáng suốt và tự mình được tự do sắp đặt đời mình hơn là… “nhắm mắt đưa chân, mà xem con tạo xoay vần đến đâu”. Họ bảo: “Đời người có ba giai đoạn quan trọng nhất”.
Lúc sinh ra, lúc lập gia đình và lúc chết. Lúc sinh ra và lúc chết, chúng ta hoàn toàn bất lực, vì tạo hóa đã đoạt cả quyền lựa chọn…
Quyền họa phúc trời tranh tất cả,
Chút tiện nghi chẳng để phần ai…
Mà ta chỉ còn là:
Cái quay búng sẵn trên đời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm…
“Ta chỉ còn quyền tự do định đoạt là lúc lập gia đình mà thôi”. Nếu ta lại để cho tạo hóa định đoạt, tha hồ cho số phận hên xui, thì câu “nhân định thắng thiên” không còn nghĩa lý gì nữa cả. Quyền tự do của con người không còn gì nữa cả, mà ta chỉ còn là một cái hình máy, một món đồ chơi của tạo hóa còn gì!!!
Người con gái không thể tự mình trực tiếp đi chọn người mình yêu. Nhưng, mình vẫn luôn luôn làm chủ tình thế: mình được quyền nhận hay từ khước, nghĩa là mình được quyền tự do định đoạt số phận của mình.
Điều lầm lạc to tát nhất của người con gái là quá vội vàng nhận cuộc hôn nhân vì sợ ế chồng, hoặc vì ham lấy chồng sớm, hoặc vì giận lẫy người phụ bạc mà động lòng tự ái, nhận càn nhận bướng bất cứ người con trai đầu tiên nào đến cầu hôn với mình. Họ quên rằng: Thà sống độc thân hơn là dấn mình vào cuộc hôn nhân đau khổ để nó đày đọa giày vò mình suốt đời. Nhiều thiếu nữ tưởng tượng rằng hôn nhân là cứu cánh của đời người con gái, vì sống mà không có chồng thì đời người không còn ý nghĩa gì nữa cả. Quan niệm sai lầm ấy đã khiến không biết bao nhiêu người con gái hối hả nhận cuộc hôn nhân với một giá rất rẻ mà sau này họ phải hối hận suốt đời… Họ quên rằng: “Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người”… Cứ mở rộng mắt mà xem, mở rộng tai mà nghe… ta sẽ nhận thấy không biết bao nhiêu người đàn bà, sau một cuộc hôn nhân vội vã trong thời gian sáu tháng hoặc một năm, họ than thân trách phận, ê chề chán nản và tỏ ý, nếu họ tự do làm lại cuộc đời, họ sẽ không bao giờ lấy chồng. Họ lại còn tỏ ý thèm thuồng đời sống của những cô gái chưa chồng.
Tiếc thay tay đã nhúng chàm,
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây?
Một câu chuyện ngộ nghĩnh sau này chứng tỏ việc ấy:
Hai ông bạn già nói chuyện với nhau:
- Tại sao anh chưa lo gả con nhỏ anh cho rồi, đợi nó già hay sao?
- Tôi đợi nó có thêm chút khôn ngoan rồi hãy gả. Muộn gì!
- Anh mới nói ngược đời! Nếu để nó khôn thì làm sao mà gả?… Con trai hay con gái gì cũng vậy, nếu mà nó khôn thì nó bao giờ chịu cưới vợ lấy chồng!
NHỮNG TIÊU CHUẨN CHUNG TRONG VẤN ĐỀ CHỌN LỰA
Nguyên tắc đầu tiên để làm tiêu chuẩn trong khi chọn lựa người bạn trăm năm là chân giá trị của vị hôn phu về vấn đề đạo đức trước hết. Tất cả những vấn đề khác, như vấn đề sinh lý, kinh tế, địa vị v.v… tuy rất quan hệ, nhưng phải đứng sau. Nghĩa là nếu vị hôn phu, dù có đủ điều kiện về vật chất, địa vị, kinh tế… mà thiếu điều kiện căn bản bậc nhất đó, là đức hạnh, thì phải nhất định từ khước. Trái lại, nếu những điều kiện phụ kia thiếu sót mà điều kiện chính ấy có đủ thì ta cũng có thể dung chế cho, tuy rằng cũng khó được hạnh phúc đầy đủ sau này.
Người con gái nào cũng phải tự mình quyết định cho mình một thái độ cứng rắn về những điều kiện cần thiết nhất, mà mình phải đòi hỏi nơi người đàn ông mà mình muốn lấy làm chồng. Nếu nhận thấy người đó không có đủ điều kiện để làm người bạn trăm năm của mình, thời nhất định hãy lánh xa, đừng để họ đi sâu vào chỗ thân thiết và đến sự cầu hôn… Như thế mình mới mong tránh khỏi những cạm bẫy của người đàn ông và khỏi phải từ khước rất lôi thôi, có khi… gây ra nhiều ác cảm và tai họa bất ngờ cho mình, nếu gặp phải bọn tiểu nhân vô liêm sỉ. Những thư từ qua lại với bạn trai mà mình không muốn lấy làm chồng là những tai họa cho mình vì nó có thể sẽ phá hoại cuộc đời sau này khi mình có chồng.
Có nhiều cô gái lúc chưa chồng có nhiều bạn trai trao đổi thư từ thân mật. Và sau khi có chồng lại bị các bạn cũ đó dùng những bức “thư tình” ấy đến làm bại hoại gia cang… Người chồng Đông phương của ta mà cả Tây phương cũng vậy, nếu biết vợ mình có bạn tình trước khi có chồng, đều khó có thể tha thứ và thản nhiên hạnh phúc được. Vậy với ai mà mình biết là mình không thể lấy làm chồng, người con gái phải thận trọng trong việc giao thiệp và thư từ, nghĩa là tuyệt đối không nên thư từ thân mật.
1. Đạo đức
Điều kiện đầu tiên trong việc lựa chọn phải là điều kiện đạo đức. Trừ ra những “mối tình sấm sét” đui mù lãng mạn, người con gái, đàn bà bao giờ cũng yêu người họ kính phục, tôn quý. Họ không thể yêu hoặc lấy một người mà họ khinh. Những kẻ suốt đời không chịu lấy chồng là vì họ suốt đời chưa gặp người nào họ kính phục đến cầu hôn.
Lòng kính phục là nền tảng của đời sống yêu đương của người đàn bà. Họ không thể nào chịu thất thân với kẻ hạ tiện, trừ ra khi nào họ nhận lầm, hoặc vì kẻ hạ tiện ấy đã khéo léo khêu gợi lòng thương hại của họ. Có nhiều người đàn bà, con gái lầm lẫn “tình yêu” với “lòng thương hại”… Họ hay tội nghiệp… Và từ chỗ “tội nghiệp”, nghĩa là từ “lòng thương hại” đến “tình thương” chỉ có một bước mà thôi. Bọn lưu manh khéo léo, biết khêu gợi “lòng thương hại” ấy, nên chiếm được “lòng thương” của người đàn bà một cách rất dễ dàng… Một nhà tâm lý học có nói “lòng thương hại” của người đàn bà đã làm tai họa cho người đàn bà hơn là những “mối tình sấm sét”. Lòng thương hại của người đàn bà khiến họ có những cử chỉ hào hiệp hy sinh vô lối và ngu xuẩn không thể nói. Họ lại dám nhận càn những kẻ trụy lạc, tồi bại, có những quá khứ xấu xa, những hạng rượu chè, hoa nguyệt… làm chồng ư? Chỉ vì những người này đã khéo gây lòng thương hại của họ, tỏ vẻ hối hận cuộc đời trụy lạc của mình và hứa hẹn sẽ vì ái tình mà trở về con đường lương thiện. Có lẽ những người đàn bà, con gái này có cao vọng là đủ tài đức sẽ cảm hóa và cuộc sống hạnh phúc gia đình do tình yêu của họ đem lại sẽ chấm dứt đời sống trụy lạc kia.
Đấy là một ảo vọng não nề nhất của những người quá vị tha, nhưng thiếu kinh nghiệm như họ. Hễ “ngựa quen đường cũ”, những tâm hồn đê tiện hư hèn không làm gì trở nên cao thượng một cách dễ dàng như thế đâu… Những hạng bốc rời hoa nguyệt, suốt đời vẫn bốc rời hoa nguyệt… vì đó là bản tính của họ. Họ mê sắc mình thì sắc mình phai, họ sẽ mê theo sắc khác, tươi đẹp và mới mẻ hơn. Họ mà có thay đổi chăng… là họ khéo “đóng tuồng” với mình mà thôi vậy.
Tuyệt đối người con gái phải để ý rất kỹ và bắt buộc đòi hỏi lòng đạo đức và hạnh kiểm đứng đắn đã qua của người chồng chưa cưới của mình. Đành rằng cũng có khi có những người đàn ông mà quá khứ trụy lạc, song lại biến thành những người chồng tốt và trái lại, cũng có nhiều người, quá khứ là người đứng đắn nhưng sau khi có gia đình lại sinh ra bê tha trụy lạc. Nhưng, phải biết, đó là những trường hợp ngoại lệ và may rủi… Sự khôn ngoan bắt buộc người con gái không được quyền xem cuộc hôn nhân như một trò “đánh bạc”… và phó cho “may rủi” định đoạt đời sống của mình như thế được.
Quan niệm về hôn nhân của người con trai ngày nay bị ảnh hưởng của Tây phương thật là sai lầm tai hại: họ cho rằng người con trai phải ăn chơi trụy lạc cho đã đời trước khi nghĩ đến việc lập gia đình. Bởi thế, chín chục phần trăm người con trai ngày nay, đến ngày kết hôn thường đem đến cho người yêu của mình một tâm hồn nhơ bẩn, một quá khứ đầy bịnh hoạn thối tha và tội lỗi… Ái tình đối với họ là một vấn đề dâm dục và chỉ có thế thôi… Có nhiều kẻ không đợi đến ngày kết hôn, họ làm công việc “tiền dâm hậu thú” và tự hào có được như thế mới là văn minh. Khẩu hiệu của họ là: “phải nếm trước rồi sau mới mua, dù mua rượu hay mua trái cây cũng vậy”.
Vấn đề này ta sẽ bàn ở một nơi khác vì nó tai hại cho hạnh phúc gia đình sau này. Và đáng sợ nhất là người con gái này lại cũng cho như thế là có lý.
Nhất là bắt buộc người đàn ông, con trai phải đứng đắn, không được phép suồng sã trong thời kỳ vị hôn.
Người con gái khôn ngoan phải dè dặt, giữ gìn trinh tiết của mình trước ngày kết hôn. Người con trai rất là ích kỷ và quan niệm của họ về hôn nhân và ái tình chỉ phần nhiều chỉ là một vấn đề sắc đẹp và dâm dục mà thôi.
Trong truyện Kiều, ta thấy Kim Trọng lúc hội ngộ với Thúy Kiều buổi đầu cũng sa vào cái bệnh chung của người đàn ông háo sắc và háo dâm:
Sóng tình dường đã xiêu xiêu
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi…
Ở trường hợp này, sự quyết định là do người đàn bà. Người đàn bà con gái nào cũng vậy, quan niệm về ái tình của họ thường đứng trên lập trường tình cảm và tinh thần… chứ không phải như người đàn ông, con trai đặt ái tình trên nhục dục. Tình yêu của người con trai rất bồng bột… hễ họ muốn là muốn cho kỳ được, nhưng muốn đây là muốn thỏa mãn nhục dục của họ mà thôi… Ái tình ấy là một thứ lửa rơm… Hễ cháy cũng mau mà tàn cũng lẹ. Ở đây tôi không bàn đến luân lý đạo đức, tôi đứng về phương diện tâm lý của người đàn ông và quyền lợi của người đàn bà mà nói. Sự khao khát dục tình ta có thể sánh với sự khao khát một món ăn ngon… Lúc đói thì nhìn nó và thèm thuồng nhểu dãi… Trong thâm tâm lại nghĩ: nếu không ăn được, có thể chết được. Song le, khi ăn đã no rồi… Ta chán nó, gạt nó qua một bên và không thèm nhắc đến. Sau khi được thỏa mãn là đến lúc chán chường… Sau cuộc ái ân mà dục tình thỏa mãn, người đàn ông nào cũng vậy đều trải qua một cuộc chê chán làm sao! Cho nên tâm lý bọn đàn ông rất khinh thường bọn đàn bà dễ dãi chiều chuộng xác thịt của họ. Đấy là cái mâu thuẫn rất đáng ghê sợ của tâm hồn người đàn ông. Bởi vậy họ quý cái gì mới lạ: Vợ mình không quý bằng vợ của người và người vợ chưa cưới quý hơn người vợ đã cưới… Những cuộc hôn nhân mà khởi đầu bằng “tiền dâm hậu thú” ít bao giờ đem lại sự yêu kính của người đàn ông. Bao giờ trong đầu óc họ cũng lởn vởn một cái gì khinh bạc. Dù lỡ kết hôn với nhau rồi vì tình yêu đang bồng bột, nhưng tình yêu ấy mất sự kính nể quý trọng, sẽ mau tàn tạ và chê chán.
Vì vậy, Kiều rất sành tâm lý ấy, mới từ khước một cách cương quyết:
Vẻ chi một đóa yêu đào,
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.
Đã cho vào bậc bố kinh,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
Ra tuồng trên bộc trong dâu,
Thì con người ấy ai cầu làm chi!
Phải điều ăn xổi ở thì,
Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày.
Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương.
Mây mưa đánh đổ đá vàng,
Quá chiều nên đã chán chường yến oanh.
Trong thì chắp cánh liền cành,
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.
Mái tây để lạnh hương nguyền,
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.
Gieo thoi trước chẳng giữ gìn,
Để sau nên thẹn cùng chàng, bởi ai?
Vội chi liễu ép hoa nài,
Còn thân còn một đền bồi có khi…
Và nhờ Kiều cương quyết cự tuyệt, mà Kim Trọng yêu quý Kiều suốt đời… dù nàng đã phải trải một đời giang hồ gió bụi…
Thấy lời đoan chính dễ nghe,
Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.
Trái lại người con gái như Thôi Oanh Oanh trong Tây Sương Ký, vì quá chiều chàng Trương Quân Thoại mà thất thân với chàng trước ngày cưới hỏi… Cho nên cuộc tình duyên ấy chấm dứt bằng sự từ hôn của chàng Trương. Chàng bỏ nàng ra đi mà không trở lại, mặc dù đây là một “mối tình sấm sét”. Trương Quân Thoại yêu tha thiết nàng Oanh đến lâm bệnh tương tư gần chết… Và vì thương hại, nàng Oanh ưng lấy làm chồng và chịu thất thân với chàng… Nhưng khi thỏa mãn, chàng Trương trong tiềm thức đã khinh nàng, rồi khi lên kinh thi hội, chàng đi luôn không trở lại… Kiều đã nhắc cho Kim Trọng.
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương.
Vì nàng thương hại Trương Quân Thoại nên chiều chàng, và sau đó bị chàng khinh miệt: “Mây mưa đánh đổ đá vàng. Quá chiều nên đã chán chường yến oanh”. Cho nên khi nghĩ đến vợ chồng, đem người đó về làm bạn trăm năm thì lòng mình đã khinh khi rồi… làm sao mình còn kính trọng và yêu quý được nữa…
Trong khi chắp cánh liền cành,
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.
Cho nên, sở dĩ mà “Mái tây đã lạnh hương nguyền, cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng”, là tại lỗi nơi nàng Oanh kém tâm lý của đàn ông, lỗi nơi nàng “Gieo thoi trước chẳng giữ gìn. Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?”
Người đàn bà con gái mà khôn ngoan, quyền lợi của mình là phải biết cự tuyệt người đàn ông và đừng đi đến việc “tiền dâm hậu thú”.
Có lẽ nhiều bạn đã có xem được vở tuồng “Fille sans homme” do tài tử Sylvana Pamapnini đóng. Một cô gái đẹp nhà nghèo, đi tìm việc làm, đã gặp phải sự lừa dối bịp bợm của lũ đàn ông vô liêm sỉ, dùng đủ thủ đoạn để làm ô nhục đời trong trắng của cô. Sau cùng, nàng lại gặp được chàng André yêu nàng và nàng cũng yêu tha thiết, sau một cái “ân” mà nàng đã thọ của André. Quả đây là một mối ân tình rất đậm đà sâu sắc tưởng chừng sẽ không bao giờ phai lạt. Sau bao cơn xa cách đầy biến cố và nhớ nhung, chàng và nàng lại tìm gặp được nhau. Và trong một đêm yêu đương cuồng nhiệt, nàng đã thất thân với người chồng sắp cưới. Sự yêu thương mong nhớ và đợi chờ của hai người đã xui cho đôi bên không đè nén được lửa hương. Dù sao tuy chưa chính thức là vợ chồng, nhưng cả hai đã quyết tâm lấy nhau và không bao giờ rời bỏ nhau. Thế mà, bất ngờ thay, sáng ngày, khi hai bên từ biệt nhau, thì chàng lại buồn rầu, thẳng thắn bảo với nàng rằng đôi bên sẽ không còn gặp nhau nữa… Nàng sửng sốt, dồn hỏi lý do, thì chàng trắng trợn nói: “Tại sao em không cự tuyệt anh?”
Bị ruồng bỏ một cách quá tàn nhẫn tủi nhục, nàng bèn nghĩ đến quyên sinh. Nhưng, sợ tấm thân hoen ố, lại còn mang thêm tội lỗi, nàng quay về gia đình và tìm sự che chở khoan hồng nơi những người thân yêu luôn luôn mở rộng cánh tay đón rước nàng với một lòng thương tha thứ của mẹ cha… Đời nàng chỉ còn là một giấc mơ tàn, một niềm cay đắng nghẹn ngào…
Thật là một vở tuồng khám phá độc đáo tâm lý của bọn người đàn ông ích kỷ. Tâm lý của số đông người đàn ông là như thế, thật là một sự thật chua cay mà bất cứ người con gái nào cũng cần ghi nhớ.
Đừng nói đó là quan niệm “hủ lậu” hẹp hòi của người Đông phương mà ta thấy bàn đến ở Tây Sương Ký và truyện Kiều trên đây, dù là người Tây phương hiện đại mà phần đông chúng ta đều nhìn nhận họ có một nếp sống hết sức tự do, cũng không thể chấp nhận: không một người đàn ông đứng đắn nào mà yêu thương kính trọng một người con gái, đàn bà quá dễ dãi đối với họ về vấn đề dục tình, mặc dù họ yêu về sắc dục trước hết. Ôi! Mâu thuẫn! Thì việc đời bao giờ cũng vẫn chứa đầy mâu thuẫn kia mà!
Trong khi nhận định đức hạnh của vị hôn phu, phụ nữ thường hay vấp phải vấn đề tài đức: họ lẫn lộn tài với đức và thường quan niệm rất sai lầm rằng hễ tài cao thì đức rộng. Cho nên, họ đánh giá đức hạnh người đàn ông con trai bằng mảnh văn bằng. Văn bằng đối với phần đông phụ nữ không những bảo đảm tài học mà còn bảo đảm luôn cả đức hạnh nữa. Văn bằng chỉ là một bảo đảm tối thiểu rằng người có nó đã học đến một trình độ học thức nào… Có thể nhờ họ nhớ dai mà học giỏi, đỗ bằng cao… nhưng văn bằng ấy chưa đủ bảo đảm tài hoa của họ, hơn nữa, đức hạnh của họ. Câu châm ngôn của Á đông: “Tài thắng đức vi tiểu nhân, đức thắng tài vi quân tử…” thật chí lý. Kẻ có tài mà thiếu đức là hạng tiểu nhân đáng sợ nhất. Người ta nhận thấy: “kẻ mà có tài cao, nếu không thành được bậc đại hiền, sẽ dễ là người đại ác”. Tài hoa chỉ phụ họa và làm tăng cái tâm địa cao khiết hay đê tiện của con người. Một tên lưu manh mà có học nhiều, nguy hiểm cho xã hội không biết chừng nào, vì tài học sẽ giúp họ nhiều thủ đoạn gian manh xảo trá để trở nên một tên đại gian ác. Tào Tháo là một bậc đại tài, nếu có một tâm hồn quân tử, ắt dễ trở thành bậc đại thánh. Tiếc rằng ông có một tâm địa tiểu nhân nên mới là bậc đại gian kiểu mẫu. Bàng Quyên phản bạn. Ngô Khởi sát thê… toàn là hạng có tài mà kém đức cả. Tâm và trí là hai khu vực không liên lạc nhau: học rộng tài cao chưa phải là bảo đảm một tâm hồn cao khiết và đạo đức.
Lại còn vấn đề giáo dục.
Trong khi lựa chọn người bạn trăm năm, người con gái không nên bỏ qua vấn đề giáo dục. Cử chỉ, lời ăn tiếng nói, lễ độ, phần nhiều nhờ giáo dục tạo nên. Người có giáo dục tốt là người có những tư cách phong nhã, giao thiệp hàng ngày của họ rất là lịch sự.
Đành rằng, giáo dục tốt cũng không thay đổi gì bao nhiêu bản tính của con người, nhưng nó thay đổi được rất nhiều cử chỉ bên ngoài thêm tốt đẹp. Nó chỉ là một nước sơn hào nhoáng… và chỉ là một nước sơn mà thôi, không hơn không kém. Đừng lẫn lộn một người có giáo dục tốt, khéo léo, lễ phép, lịch sự… với người đức hạnh cao. Có khi trái ngược lại: có lắm bọn lưu manh đê tiện mà khéo léo nhã nhặn vô cùng! Họ “khéo đóng trò” nên nhiều phụ nữ dễ nhận lầm là người đức hạnh.
Tuy vậy, nước sơn lịch thiệp ấy rất cần đối với người đàn bà.
Một người đàn bà ở một giai cấp cao nhã, quen sống với nếp sống của xã hội thượng lưu, cử chỉ thanh lịch, lời nói nhã nhặn, áo quần kín đáo chỉnh tề, rất khó sống hạnh phúc bên cạnh người đàn ông quê mùa, mộc mạc, ăn nói thì phang ngang, chửi thề thô tục, đụng đâu cười to đấy, thích ở trần hay mặc quần đùi mà tiếp khách, gặp ai cũng không biết chào hỏi, toàn là những cử chỉ của kẻ mất dạy… dù tựu trung họ là người tốt và giàu có. Sự cách biệt quá rõ rệt giữa địa vị xã hội của hai bên thường gây nhiều rắc rối đáng tiếc cho cả đôi bên. Người đàn ông mà thiếu giáo dục luôn luôn cảm thấy mình ở vào một địa vị sút kém đối với người vợ có giáo dục, và vì thế anh cảm thấy tủi nhục và gây không biết bao nhiêu sóng gió trong gia đình rất nặng nề khó thở một cách rất là vô ích.
Giáo dục tuy không quá hệ trọng, nhưng cũng thường gây cho hôn nhân nhiều điều trở ngại không nhỏ… Người ta mong rằng “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nhưng sự thật ở đời, không thể quá dễ dàng như vậy được. Một thói quen lâu ngày đâu phải một sớm một chiều mà sửa đổi được. Giáo dục phải từ tuổi ấu thơ… vì đó là tuổi dễ uốn nắn; lớn rồi, lề lối đã ăn sâu vào tính nết thật khó lòng mà sửa đổi. Những gia đình thượng lưu, dạy con rất kỹ, nên thói quen lâu ngày biến thành tính cách… cũng như những thói quen mất dạy là những thứ khó sửa nhất trong đời người…
Tuy nhiên, việc đó còn ít quan trọng hơn sự quan hệ về đạo đức của hai bên. Đời sống của hai bên thật là hết sức khó thở nếu quan niệm về đạo đức của hai bên khác nhau. Cũng một việc làm mà chồng cho là phải, vợ cho là quấy; cũng một tính tình mà chồng cho là quý, vợ cho là hạ tiện; cũng một khuynh hướng mà vợ cho là thanh cao, còn chồng thì cho là dại dột… Vợ chồng cần phải thật tâm đầu ý hợp về vấn đề đạo đức, để có thể tránh sự khinh bỉ thầm lẫn nhau…
Hãy tránh xa cái cảnh mà người vợ phê bình chồng:
- Hạng người đê tiện như vậy mà nhà tôi quý lắm!
2. Nhân sinh quan
Nguyên nhân xung đột thường xảy ra trong gia đình, đáng để ý nhất là sự chống chọi nhau về quan niệm sống: người thì quá ham mê vật chất tiền bạc, kẻ thì quá thanh cao trong sạch, xem tiền bạc như phù vân.
Cô B… lấy một người chồng giàu có lớn. Có lẽ nàng ưng lấy chàng là vì nàng đã khổ nhiều về tiền bạc lúc thiếu thời. Cha mẹ làm ăn sa sút, nàng đã phải sống một đời sống thiếu hụt đủ điều. Khi nàng hứa hôn với chàng, nàng để ý thấy chàng việc gì cũng chỉ biết có tiền tiền bạc bạc, bất cứ việc gì chàng tỏ ra chỉ để ý đến phần vật chất của sự đời thôi. Chàng tặng nàng những món quà quý và rất đắt tiền nhưng nàng cảm thấy những món quà ấy không phải lựa chọn với một tấm lòng yêu thương và làm vui lòng nàng, mà chỉ vì nó đắt tiền mà chàng lấy làm hãnh diện chứng tỏ phú quý của mình thôi. Những buổi đi chơi với nàng, hoặc đi ăn ở cao lầu thì nàng thấy chàng chỉ lo ăn uống cao lương mỹ vị, chàng khoe khoang chiếc xe “Mercedes” của chàng chạy nhanh nhất v.v… Tuyệt nhiên không thấy chàng đề cập đến cái gì thanh cao siêu việt cả… Thế mà vẫn cao vọng là với tình yêu nàng sẽ hoán cải được chàng và hướng chàng về con đường cao cả hơn. Nhưng năm năm qua, chàng vẫn không thay đổi chút nào cả. Mỗi khi nàng cố gắng hướng chàng vào con đường cao thượng hơn, thì chàng cười to… bảo nàng lý sự: “Em cứ lẩn thẩn mãi… Trong đời nếu không tiền thì có làm được việc gì không… Anh thì đời sống miễn có xe hơi đẹp, nhà lầu cao, đủ mọi tiện nghi, ăn cao lương mỹ vị, nhiều thằng bạn nhậu nhẹt cười đùa hí hởn cho vui… là đủ cả rồi!”
Nhưng tiếc thay, đối với nàng, bấy nhiêu đấy đâu phải là đủ… Rốt cuộc nàng cảm thấy đời sống trong nhung lụa của nàng là chán chường, lạt lẽo làm sao ấy và nàng âm thầm đau khổ… và thâm tâm đã khinh bỉ chàng nhiều rồi…
Vấn đề tôn giáo và nhất là chánh kiến cũng phải cần xem xét đến. May thay, người đàn bà không thích chánh trị và thường hay chiều theo ý chồng, ít khi cãi cọ về những vấn đề ấy. Nhưng vấn đề tôn giáo là thường gặp hơn: người đàn bà mà tín ngưỡng cũng không nên lấy chồng không có đức tin… Nếu gặp phải những kẻ kém học, tâm địa hẹp hòi thì khó mà tránh những cuộc xô xát đáng tiếc làm mất hòa khí gia đình.
Tôi biết rất nhiều gia đình mà quan niệm về tôn giáo, nhất là về chính trị đối lập nhau, nên đã phải tan rã sau một thời gian chịu đựng nhau khổ vô cùng… Sự khôn ngoan khuyên ta chỉ kết hôn với người nào có những tư tưởng đồng với ta, hoặc gần giống với ta về những vấn đề quan trọng nhất của đời người.
Tính khí là vấn đề không kém phần quan trọng. Tính khí không phải là đức hạnh, nó là khí chất của cơ thể sinh ra.
Người ta có hai dạng: hạng hướng nội và hạng hướng ngoại. Hạng hướng nội thích trầm ngâm, sống một mình, ưa yên tĩnh… nếu sống với hạng hướng ngoại thích phù phiếm, ưa náo động, thích đông người… thật khó mà hạnh phúc lâu dài… Những kẻ có một tính khí điềm đạm, bình tĩnh, vui vẻ, khó sống chung với những kẻ thô lỗ, nóng nảy… Người đàn bà nào thích sống tự do, ưa cái gì mới mẻ, ghét những cái gì cũ kỹ, nghĩa là có đầu óc cấp tiến, khó sống hạnh phúc với người chồng thích sống theo nề nếp thủ cựu…
Người đàn bà nào thích sống được che chở, chiều chuộng, chỉ huy, không thể nào sống hạnh phúc với một người chồng ích kỷ, không thích để ý săn sóc đến vợ mình. Người đại độ khoan hồng… không thể sống hạnh phúc với người hẹp hòi, nhỏ mọn…
Ông M… là người đứng tuổi gặp bà M… trong một buổi dạ hội. Ông và bà yêu nhau. Nhưng ông thích đọc sách trầm ngâm, nghiên cứu… còn bà thì thích ca hát, nhảy múa, vui vẻ trẻ trung… Ông bà ăn ở với nhau được bốn mặt con. Thế mà một ngày kia, tôi đến thăm ông… Hỏi đến bà thì ông buồn bã trả lời: “Chúng tôi đã ly dị”. Ông nói tiếp, trước sự ngạc nhiên của tôi: “Lỗi ở tôi… Lúc yêu nàng, tôi còn ít tuổi nên thiếu suy nghĩ và kinh nghiệm. Cũng tưởng rồi sau tôi sẽ cảm hóa nàng, nhưng chứng nào tật nấy… nàng thích những gì tôi không thích. Tôi nghĩ nên để nàng tự do, tôi đâu có quyền gì bó buộc nàng, ngày tối sống bên cạnh tôi vui với sách đèn… Nàng thích tự do, không chịu ràng buộc vì mấy đứa con, vậy tôi phải thay nàng mà nuôi chúng nó. Tuổi trẻ bồng bột, nào hiểu gì trong khi lựa chọn, khiến nên đã hại cả hai đời người trong tuổi thanh xuân, kẻ lỡ chồng người lỡ vợ… Nhưng thà thế còn hơn…”.
Cũng có nhiều cặp vợ chồng vô cùng đau khổ chỉ vì ông là người Bắc, bà là người Nam hoặc trái lại… Mỗi người đều có mỗi nếp sống, tập tục, khát vọng khác nhau… Nhất là tính khí của đôi bên cũng rất khác nhau. Ấy là chưa nói đến sự khác nhau về dân tộc… Những gia đình mà vợ chồng khác nước lấy nhau là cả một sự đụng chạm xung khắc, phải hết sức khéo léo dung hòa với nhau mới đặng.
Ta nên để ý điều quan hệ này, đối với người đàn bà thì rất dễ sửa đổi những thói quen, những nếp sống bề ngoài do giáo dục tạo nên, nhưng trái lại, những quan niệm về luân lý đạo đức và những dục vọng của họ thì thật không dễ gì thay đổi. Một người đàn bà hà tiện, ghen tuông, thì luôn luôn như thế, không sao thay đổi được; nhưng một người con gái nhà quê dễ học cách điệu con gái thị thành hoặc gái giàu sang như chơi. Còn một người đàn ông hà tiện ghen ghét, rất dễ sửa đổi tính mình nếu họ gặp một người đàn bà nhẫn nại; trái lại nếu họ thô tục, mất dạy, họ vẫn luôn luôn như thế mãi, không làm sao sửa đổi đặng.
Ngày nay học vấn được lan tràn khắp chốn, dĩ nhiên người đàn bà cũng không nên không để ý đến vấn đề học thức. Dù ở ngành hoạt động nào, kẻ có học thức thông minh bao giờ cũng có lợi hơn kẻ dốt nát ngu đần. Tuy vậy, như ta đã thấy trước đây, vấn đề học thức phải đứng sau đức hạnh.
Người đàn bà khôn ngoan đừng bao giờ chịu nhận một người đàn ông kém thông minh và thiếu học thức hơn mình. Có chồng là để có chỗ nương nhờ, bao bọc, dạy dỗ mình thêm… Tôi tưởng người đàn bà nào cũng vậy, dù thông minh bậc nào cũng không thể kính phục một người chồng kém thông minh, kém học thức hơn mình, nhất là thiếu tư cách quân tử trượng phu.
Chồng phải là người thay bậc cha, bậc thầy để bảo bọc, dạy bảo…, người mà mình có thể nương cậy suốt đời. Cũng có khi người đàn bà có bụng che chở, săn sóc như một bà mẹ… nhưng được người đàn ông săn sóc và che chở thì họ thích hơn. Đó là tâm cảm hai chiều của tâm hồn người phụ nữ, rất là phức tạp.
Hơn nữa, có chồng mà kém thông minh, kém học thức hơn mình sẽ tạo nên sự khinh bỉ bên người đàn bà và mặc cảm tự ti nơi người đàn ông. Cho nên trong những gia đình ấy thường xảy ra những bi kịch đau thương do người đàn ông gây ra… rất bực tức cho người đàn bà không biết chừng nào! Mặc cảm tự ti khiến người đàn ông hay làm ra mặt “ta đây”, phách lối, khoe khoang và độc tài… cốt để bù vào cái kém cỏi của mình đối với vợ.
Người đàn ông nào cũng vậy, thích được sự kính mến thán phục của vợ mình… và chắc chắn họ sẽ không yêu được người vợ nào ưa phê bình khích bác họ. Cho nên người đàn bà có học thức cao mà lấy người chồng kém học thức hơn mình, khó được yêu thương và hạnh phúc.
Câu chuyện sau đây thật là mỉa mai hết sức. Một nhà bác học nọ cưới một người vợ rất đẹp, nhưng mà rất kém thông minh. Thế mà ông cảm thấy hạnh phúc lắm. Ông bảo: “Thỉnh thoảng tôi đọc cho nhà tôi nghe một vài đoạn sách hay hoặc một vài đoạn văn của tôi làm… Nàng không hiểu gì cả, song nàng chăm chú nghe tôi với đôi mắt dịu dàng và thán phục lắm. Bấy nhiêu đủ cho tôi hạnh phúc lắm rồi!”. Như thế, sự kém thông minh và kém học thức của người đàn bà không mấy hại cho nền hạnh phúc gia đình. Tuy vậy, nếu người đàn bà có học vấn, sẽ giúp cho chồng nhiều và nhất là biết thưởng thức tài học của chồng mình, đấy là nguồn hạnh phúc gia đình và người chồng sung sướng vì có người tri kỷ… Trái lại, nếu ông chồng mà kém hơn về phương diện ấy, nhất định sẽ bị vợ khinh thường và từ chữ “khinh” đến chữ “không yêu” cũng không xa mấy.
Nói chung, thì người đàn ông không cần vợ mình có học thức cao. Sở dĩ họ thích có vợ học cao là vì số lương và nghề nghiệp của vợ hơn là thích có vợ “bác học” và “lý sự” với họ, nhất là không kính phục họ… như một “đấng thiêng liêng”.
Muốn nói cho đúng hơn, tôi phải thú nhận rằng chính tôi đã thấy nhiều gia đình rất hạnh phúc vì người đàn ông đã cưới được vợ thông minh và học thức cao. Người đàn bà thông minh và am hiểu được tâm lý người đàn ông sẽ khéo che giấu cái khôn của mình, chắc chắn sẽ được người đàn ông luôn luôn yêu quý.
Ở đây ta cần phải để ý vấn đề học thức thật và giả… Đối với người đàn bà kém học thức, khó mà phân biệt được người đàn ông nào là chân học thức hay ngụy học thức… Thà rằng có chồng là người dốt tự biết mình là dốt, còn hơn là gặp phải hạng người “bác học nửa mùa”, dở dở ương ương… những hạng học không tới đâu mà vẫn tự hào là học thức… Họ là kẻ khó chịu nhất.
Nếu mình kém học, phải làm cách nào lựa chồng là người chân học thức? Tôi tưởng hãy coi chừng những kẻ hay khoe khoang, vì “thùng không hay kêu to”… Kẻ học thức cao, thường ít khoe khoang… vì họ đầy đủ, không thiếu kém bên trong nên ít phách lối đến ngoài… nhất là nếu mình thấy người ấy là người ham học, ít thích bè bạn… Kẻ thích bè bạn thường là kẻ nghèo kém bên trong, nên thường thích bạn bè để bàn phiếm và để được tâng bợ và an ủi nhau. Những kẻ dám sống một mình, ít thù tạc là kẻ có bản lĩnh dồi dào, một nội tâm phong phú… Hãy nhìn cách giao thiệp của người đàn ông và bạn bè họ thì rõ được chân giá trị của họ. Câu cách ngôn Tây phương: “Hãy nói anh giao thiệp với ai, tôi sẽ nói anh là người như thế nào?”. Có nhiều khi người đàn bà thấy chồng đông bạn, vội cho đó là người lịch duyệt và rất lấy làm hãnh diện. Song đó là mối nguy cho mình mà mình không biết… Không có cách nào hay để đánh giá con người bằng cách quan sát bạn bè của người ấy. Vì hễ có “đồng thinh” mới “tương ứng”, có “đồng khí” mới “tương cầu”. Và kẻ rất thanh cao không bao giờ chịu sống chung với những người ô trọc… Cũng có khi người thích giao du là người có mộng “kết phe đảng” để mưu đồ đại sự, nhưng xem kỹ những bạn thân của họ, ta sẽ thấy cũng không được mấy người. Câu châm ngôn: “Bạn thân của muôn người không phải là bạn thân của ai cả”…[6], nghĩ cũng hay hay.
Người mà bạn thân nhiều quá… ta cũng không nên quá tin. Người mà xã giao nhiều quá là người kém thành thật.
Người đàn ông ít chịu hy sinh cái sở thích của mình để làm vui lòng người đàn bà. Lúc ban đầu mới yêu nhau thì họ sẵn sàng hy sinh, chiều chuộng cho qua… Nhưng lâu ngày họ trở về nếp sống cũ, họ không thể hy sinh chiều chuộng nữa. Cho nên nếu lựa người bạn trăm năm, đừng quên để ý đến sự xung khắc nhau về sở thích. Sở thích mà xung khắc nhau có thể làm tan rã nhiều gia đình tốt đẹp về những phương diện khác. Cùng sống trong một nhà mà vợ chồng có những cái “ưa ghét” khác nhau, thật không có gì bực bội và khó chịu bằng… Ông thì thích nhạc “giật gân” và rất ghét thứ gì du dương buồn bã… Bà trái lại, không thể chịu được cái gì náo nhiệt ồn ào và rất thích cái gì nhẹ nhàng thanh nhã. Nhất là những giai cấp cao, thời giờ nhiều rỗi rãi, vợ chồng thường có những cuộc giải trí chung như nghe hát, xem kịch v.v…
Nếu không có nhận thức đồng nhau thì hay xảy ra những cuộc cãi vã vô lối, những tấn kịch vô cùng bực tức và đau đớn. Ông thì thích những phim “Huê Kỳ” đâm chém, dữ dằn… Còn bà thì thích những phim tâm lý sâu sắc thâm trầm… Thành ra, sau khi xem hát, ông chê bà khen, cãi vã nhau luôn làm cho không khí gia đình rất khó thở. Có khi ông thích bè bạn, thích du lịch, bà thích tĩnh mịch, thích sống nhàn nhã trong gia đình, không ưa thù tạc bạn bè… Cũng là sự bực mình… và đôi bên hy sinh sở thích của mình để chiều bạn… nhưng chồng thì cảm thấy vợ mình hết sức ích kỷ, vợ trách chồng vô cùng khó tính. Nếu quan sát chung quanh, ta sẽ thấy có nhiều gia đình vô phúc mà không có lý do nào chính đáng: vợ hay chồng thường hay thở ra tỏ ý bực dọc mà không thể nói ra lời hoặc trách cứ gì ai cả… Chung quy, nếu tìm nguyên nhân, ta sẽ thấy là do sự bất đồng về sở thích…
- Đi coi hát là đi mua vui… Lựa tuồng gì mà khóc sưng con mắt!
- Tôi thì thích cái gì cho thật buồn… Có đau khổ, có khóc sướt mướt… lòng tôi mới thấy nhẹ nhàng… Nhất là đi xem hát là mình tìm cái gì sâu sắc thâm trầm….
- Đời không đủ khổ ư, mà còn đi tìm đau khổ? Đã bảo là đi giải trí thì sao lại bắt suy nghĩ thêm cho mệt…
- Anh ích kỷ lắm, miễn là vừa ý anh thôi, còn người ta đây thây kệ… Sau này đừng rủ tôi xem hát nữa nhé!
Thành ra ông lén bà đi xem những tuồng ông thích. Tâm không đầu, ý không hợp… hai người lần lần sống bên nhau mà không buồn bỏ tâm sự cho nhau, như khách lạ qua đường.
Và đây một trường hợp lịch sử mà ai cũng biết… trường hợp của nữ văn sĩ George Sand. Hồi bà còn là một thiếu nữ mười tám tuổi, bà lấy ông bá tước Casimir Dudevant. Ông yêu bà lắm và quyết làm cho bà hạnh phúc. Bà cũng thế, bà cũng có nhiều thiện chí để mưu được hạnh phúc cho ông chồng. Nhưng bà là một người ăn học cao, thích âm nhạc và đọc sách. Ông thì trái lại, hễ giở sách ra đọc là ngủ liền. Nhưng vì ông phục bà lắm nên muốn làm vui lòng bà. Bà bảo ông đọc sách Pascal. Ông “vâng lời”… nhưng vừa cầm sách mà đọc… thì sách đã rời tay ông mà rơi xuống đất. Bà khinh ông hết sức.
Lại nữa, bà có nhiều tình cảm tế nhị, yêu thương nhau đâu phải vì vật dục mà cần phải nhiều âu yếm…, lời ăn nói phải phong nhã săn đón… Còn ông, ông thiếu âu yếm, tình cảm thiếu tế nhị, thường có nhiều cử chỉ sỗ sàng thô kệch. Theo ông, trong cuộc hôn nhân, ái tình là cái quyền sở hữu; anh chồng chỉ biết ôm vợ vào lòng… Đó là tất cả ý nghĩa của ái tình rồi! Tình yêu của ông chỉ ở trên lãnh vực vật dục mà thôi, còn ái tình của bà lại đứng trên khu vực tình cảm và tinh thần… Không cần phải là bậc tiên tri, cũng biết được cuộc hôn nhân ấy không làm gì bền vững được…
Có khi sự xung khắc không ở trong lãnh vực trí thức hay tình cảm mà lại ở trên lãnh vực tập quán thói quen. Một người đàn ông được cha mẹ dạy dỗ từ nhỏ quen thói tiện tặn, lại gặp một bà vợ ăn tiêu rộng, không biết lo xa… Nàng thì không thích ăn xài mà phải biên chép còn chàng thì bắt buộc phải có sổ sách đàng hoàng… Sự xung đột khó tránh là lẽ dĩ nhiên. Nàng thì cho đó là riết róng, keo kiệt, còn chàng thì cho nàng hời hợt, không kim chỉ. Nếu hai bên không ai chịu sửa đổi lấy mình, thì những cuộc xung đột ấy sẽ biến thành xung khắc.
Đối với nhịp sống của hai bên cũng đừng để xa cách lắm. Ta thử tưởng tượng chồng thì rất hoạt động hăng hái, làm việc mau lẹ, thích đi đây đi đó, ưa chơi bời bè bạn. Còn vợ thì chậm chạp, không thích cử động, thường hay mệt mỏi và ưa nhàn nhã yên tĩnh. Ông thì luôn luôn đúng mực, không chịu trễ một chút, còn bà thì luôn luôn trễ nải và không quan tâm gì đến thì giờ. Như thế làm gì tránh khỏi được sự xung đột nhau? Dĩ nhiên hai bên phải chiều nhau, nhưng đó cũng là cái khổ cho cả hai.
Tuy là những việc nhỏ… nhưng là những yếu tố thường trực xảy ra hằng ngày, có thể làm tăm tối đời người và làm cho sự sống chung càng ngày càng khó chịu sau khi mộng tình tan rã.
Lại còn vấn đề kinh tế và sức khỏe…
Lập gia đình là phải nghĩ đến việc sinh con… và có con thì phận sự làm cha mẹ bắt buộc ta phải có đủ điều kiện vật chất để nuôi dưỡng và cho ăn học đến nơi đến chốn. Có nhiều gia đình sinh con năm một mà tuyệt nhiên kẻ tạo ra chúng không nghĩ gì đến phương diện dưỡng dục chúng, phó mặc chúng sống lầm than vất vả… Có kẻ còn lương tâm thì lo chạy bán sống bán chết để lo lắng cho con, nhưng càng ngày càng mòn mỏi mà không đâu vào đâu được. Cảnh gia đình túng bấn, cùng khổ làm gì có hạnh phúc đặng. Người đàn ông rất ghét sự cùng túng, hễ cùng túng sinh quạu quọ và làm cho họ trở nên bất công, gia đình sẽ trở nên cảnh địa ngục. Bởi vậy, trước khi nghĩ đến sự lập gia đình thì phải nghĩ trước hết phương tiện kinh tế tối thiểu để nuôi gia đình. Nếu người đàn ông chưa đủ điều kiện để sống tự lập, chưa có một địa vị hay công ăn việc làm gì chắc chắn… thì đừng bao giờ nghĩ đến hôn nhân. Tiền bạc không gây được hạnh phúc, nhưng sự thiếu thốn nó sẽ là nguồn bất hòa và đau khổ cho những gia đình thiếu sự phòng xa. Có không biết bao gia đình đang sống trong cảnh thiên đàng, bỗng vấn đề tiền bạc đến làm thành địa ngục… Sóng gió trong gia đình thường là do tiền bạc thiếu hụt gây ra. Cho nên vấn đề kinh tế đâu phải là một vấn đề tầm thường, có thể bỏ qua không nghiên cứu kỹ được. Đừng tin những kẻ bảo: đôi quả tim yêu thương trong một chòi tranh là đủ… Thực tế sẽ cho ta thấy đó toàn là ảo mộng! Rất tiếc là chúng ta đều chưa phải bậc “thánh nhân”… để có thể an bần lạc đạo. Nếu được là thánh nhân cả thì sách này đâu phải viết ra mà làm gì…
Vấn đề sức khỏe cũng rất quan trọng. Sức khỏe của đôi bên là cần thiết cho hạnh phúc sau này… Không gì làm cho đời đen tối bằng phải mãi làm người nuôi bệnh cho chồng hay cho vợ. Nếu biết rằng người mình yêu có bệnh lao thì phận sự bắt buộc không được quyền kết hôn với họ.
Người đàn bà mà bệnh hoạn thì hại còn ít hơn người đàn ông bạc nhược. Là người chủ chốt, rường cột gia đình mà biến thành bệnh nhân, thì gia đình ấy tăm tối là bậc nào! Tiền thuốc men mắc hơn tiền ăn mặc… và đời sống của gia đình ấy phải thiếu thốn…
Đấy là chưa nói đến việc sinh con bệnh hoạn, một lũ con bệnh như oan hồn kêu réo hằng ngày và nhận mình chìm sâu trong bể khổ.
Ta đừng để bị lừa, vì có nhiều kẻ bệnh hoạn nhưng không sao nhìn thấy được bên ngoài. Cần thiết phải điều trị cẩn thận sức khỏe của cha mẹ, anh em, chú bác, cô dì… xem có ai có triệu chứng gì về bệnh loạn óc chăng? Tôi có biết một gia đình mà đời ông có người trong họ hơi khùng, thế mà qua đời cháu có kẻ bỗng dưng nổi cơn điên… Luật di truyền rất đáng sợ và ta phải thận trọng suy nghĩ thật kỹ trước khi lựa chọn người bạn trăm năm. Vả lại, người bệnh hoạn thường có những tính bất thường, cau có… nếu sống chung với họ, mình phải biết chiều chuộng, nhẫn nại, bằng không gia đình sẽ biến thành một cõi địa ngục.
Lại còn vấn đề tuổi tác nữa. Có nhiều phụ nữ lấy chồng không đếm xỉa gì đến tuổi tác. Đấy là một sự lạc lầm đáng tiếc.
Theo kinh nghiệm, nhà tâm lý học André Arthus để ý quan sát thấy đàn bà con gái thường lấy chồng có hai dạng: hoặc lấy hạng đàn ông mà họ vô tâm đồng hóa với người “cha”, tức là hạng người đàn ông mạnh mẽ, quả quyết và có nhiều kinh nghiệm, già dặn tâm lý, có tình yêu bao bọc, che chở, hy sinh và âu yếm… nghĩa là hạng người cao tuổi hơn. Hoặc họ ưng lấy hạng “đồng niên” cùng lứa hoặc xê dịch đôi chút, nghĩa là chồng họ là người “bạn ngang hàng”.
Sở dĩ người con gái mà thích chồng lớn tuổi, là vì lúc còn sống trong gia đình may gặp được một người cha yêu thương che chở và âu yếm, nên khi lấy chồng họ cũng mong ước tìm được người thay thế nơi một người lớn tuổi hơn mà họ thương yêu và tôn kính. Ông cha, trong gia đình, nếu nhiều tình cảm âu yếm cưng thương con gái mình, sẽ luôn luôn là mối tình đầu của tất cả các cô gái và ảnh hưởng sâu xa trong việc lựa chọn chồng sau này của chúng. Hễ người con gái mà yêu cha, bao giờ cũng tìm một người chồng là vang bóng của cha mình. Trái lại nếu gặp phải một người cha vô tình, bạc đãi con gái mình, thì khi lấy chồng, họ thích tìm người “đồng niên” để trả thù sự hắt hủi ấy… Nhưng theo lẽ thường, tình yêu của người con gái bao giờ cũng căn cứ trên sự kính phục và mong mỏi một người có nhiều kinh nghiệm để bênh vực mình, nhất là nếu ở gia đình họ thiếu tình thương của cha, họ sẽ tìm một người chồng để thay thế cái tình yêu thiêng liêng ấy. Và vì thế, nếu theo thường tình, người con gái nào mà tâm hồn sâu sắc đều thích lấy chồng cao tuổi hơn mình.
Ta cũng nên để ý điều này: người con trai và người con gái đồng tuổi, bao giờ người con gái cũng già dặn hơn người con trai nhiều. Nếu người con gái lấy chồng bằng tuổi hay trẻ tuổi hơn mình thì khó mà tìm được sự bảo đảm chắc chắn một tình yêu khoan hồng, một tinh thần cứng cỏi, điềm đạm, tự chủ để mình có thể nương nhờ. Vì vậy, kinh nghiệm khuyên ta đừng bao giờ lấy chồng nhỏ tuổi hay trẻ tuổi hơn mình nhiều, mà nên lấy chồng trọng tuổi hơn.
Tuy vậy, sự cách biệt tuổi tác ấy cũng không nên cách xa nhau quá vì nếu người chồng lớn hơn vợ nhiều quá, tuy về phương diện hạnh phúc sẽ có nhiều bảo đảm hạnh phúc hơn, nhưng phải phòng cái nạn góa bụa sau này. Người đàn ông ít mau già hơn người đàn bà, song mau chết hơn. Nhưng hiện thời, ở Âu Mỹ, tại sao người đàn bà con gái phần nhiều không chịu lấy chồng trẻ tuổi và tuy họ biết dư cái nạn góa bụa, họ vẫn thích lấy chồng có tuổi nhưng còn khỏe mạnh. Là vì họ quá đau khổ về sự háo thắng, ích kỷ, vật dục và thiếu lòng hy sinh bao bọc của những anh chồng thanh niên trẻ tuổi hẹp hòi, nên thà sống hạnh phúc trong một thời gian ngắn còn hơn sống đau khổ trong chuỗi ngày lê thê vô tận. Thật ra ở đời, không có một cái hay nào mà không có cái dở và cái lợi nào cũng có cái hại của nó. Hễ đặng một bề, thì mất một bề, người đàn bà Âu Mỹ hiện thời chưa rõ họ có lý chăng trong việc lựa chọn người bạn trăm năm của họ. Người đàn ông lớn tuổi, bao giờ vật dục cũng bớt bồng bột, nhưng già kinh nghiệm, nhiều tự chủ và hiểu biết, được quân bình với tình yêu của người đàn bà thường căn cứ trên tinh thần và tình cảm nhiều hơn vật dục. Người đàn ông mà trẻ tuổi, thì tình yêu thiên về sắc dục, rất kém về tình cảm và tinh thần, nên ít khi hạp với nguyện vọng của người đàn bà đứng đắn. Bởi vậy mới có câu cách ngôn này: “Những người trẻ tuổi chưa đủ tư cách để biết yêu thương”.
Vấn đề tuổi tác như ta thấy, không phải là không quan hệ. Theo kinh nghiệm, nó thật là một vấn đề rất hệ trọng, nhưng đã bị phần đông người ta xem thường.
Con gái đại để phải ít lắm đến tuổi trưởng thành mới nên nghĩ đến việc tóc tơ và thường ở vào độ tuổi hai mươi trở lên và hai lăm trở xuống. Con trai thì độ hai mươi lăm trở lên và ba mươi trở xuống mới thật là tuổi trưởng thành. Việc chênh lệch tuổi cũng không nên quá cao.
Ta chỉ nên nhớ kỹ điều này: đừng bao giờ cưới vợ lớn tuổi hơn mình, cũng đừng bao giờ lấy chồng nhỏ tuổi hơn mình. Ái tình của trẻ dưới hai mươi thường là thứ “ái tình sấm sét”, “ái tình lửa rơm”, ít chịu nổi thử thách của thời gian mà đi đến hạnh phúc.
Tình yêu bồng bột giữa “Roméo” và “Juliette” trong vở kịch của Shakespeare sẽ không bao giờ bền bỉ cả. Rất tiếc vì không thuận cảnh mà tình yêu ấy chấm dứt bằng cái chết đau thương của hai người. Nếu tình yêu ấy được chung quanh hai họ tán thành và hai bên đôi lứa thỏa mãn bằng một cuộc hôn nhân chính thức… thì cao độ ái tình sẽ vơi liền xuống trong tức khắc, nhất là đối với một tâm hồn mà dục vọng bồng bột sôi nổi như Roméo. Thi sĩ Byron nói: “Chết vì người yêu thì dễ, sống với người yêu mà giữ mãi được tình yêu mới khó”.
Trở lên là những điều kiện tiêu cực mà ta cần phải đặt ra, trước khi lựa chọn. Giờ đây, xin bàn về những điều kiện tích cực.
1. Nếu là người con gái, thì người bạn trăm năm lý tưởng phải có những điều kiện tích cực nào?
Trước hết, người đàn ông phải có sức mạnh. Ở đây ta phải nhìn sang hai phương diện: sức mạnh thể chất và sức mạnh tâm hồn.
Người con gái bẩm sinh yếu đuối, cần phải có người đàn ông che chở, bảo bọc. Vì vậy, chồng phải là người khỏe mạnh. Và, người con gái đời nào và ở đâu cũng thế, thường thán phục những bậc anh hùng vĩ nhân, vì đó là những kẻ có một sức mạnh vật chất lẫn tinh thần trên thiên hạ.
Có sức mạnh về thể chất là để có thể làm việc kiếm ăn hàng ngày và để bảo vệ, bênh vực người đàn bà trong lúc nguy nan. Nhưng, sức mạnh đó đừng phải là một sức mạnh vũ phu, vì nó sẽ trở lại hại mình, nếu ngày nào họ không còn thương mình nữa. Sức mạnh ấy phải đi đôi với sức mạnh tinh thần, tức là sức mạnh của những người tự chủ. Ai thường có những cử chỉ bồn chồn, nóng nảy, hễ nói thì tía lia, ra bộ ra tịch… đều là hạng tầm thường, tiểu khí… Sống chung với họ là một tai nạn.
Sức mạnh của thể chất phải ở dưới quyền kiểm soát, chỉ huy của sức mạnh tâm hồn. Thiếu tự chủ, thì sức mạnh vật chất chỉ là sự cộc cằn thô lỗ và chỉ có thế thôi. Để phân biệt cái dũng của kẻ thất phu và cái dũng của người tự chủ, hãy nhớ câu này của Tô Đông Pha: “Chỗ mà người xưa gọi là hào kiệt, ắt phải có khí tiết hơn người. Nhưng nhân tình có chỗ không nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy vươn mình xốc đánh. Cái đó chưa gọi là DŨNG. Kẻ đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cớ bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy”.
Người tự chủ là người biết làm chủ những dục vọng hèn kém của mình, biết để mình ra và quên mình nghĩa là biết hy sinh vì hạnh phúc cho người chung quanh. Người ấy là người không ích kỷ. Điều kiện hạnh phúc gia đình là phải biết diệt lòng ích kỷ… và chính lòng ích kỷ ấy là nguồn gốc của không biết bao tai họa có thể xảy đến trong gia đình và làm cho gia đình trở nên một cõi địa ngục ở dương gian. Hạnh phúc là một cái gì mà ta phải xây dựng và vun xới, không phải do số mạng đưa đến cho mình được. Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong khi bàn đến thuật yêu đương.
Nếu tìm được người bạn trăm năm biết quên mình để nhớ đến ta trước hết, đó là ta đã tìm được nguồn hạnh phúc rồi. Người đàn ông bẩm tính ích kỷ, thiếu lòng hy sinh hơn người đàn bà; vậy, ta cần để ý kỹ về điểm này, phải để ý quan sát cách người đó cư xử với gia đình, với bè bạn, với tôi tớ, với người trên… thì ta sẽ thấy rõ đức hy sinh của họ đến mức nào, cũng như mức độ lòng ích kỷ của họ đến đâu.
Người tự chủ là người có độ lượng lớn. Họ hay tha thứ và không hay vạch lá tìm sâu… Người chồng lý tưởng phải là người có độ lượng như một người cha hay một bậc thầy. Chứ cứ đi ăn thua với nhau từng lời nói, từng cử chỉ như kẻ ngang hàng… thì không sao sống chung nhau hạnh phúc được, vợ chồng trẻ mà tuổi tác ngang nhau, thường có những khí tượng hẹp hòi, câu chấp… Họ đi ăn thua với nhau từng lời ăn tiếng nói và cho sự tha thứ là yếu đuối nhục nhã.
Tóm lại, sống với một người bạn trăm năm mà thiếu tự chủ là mang tai họa suốt đời mình. Sự thiếu tự chủ ấy thường dễ nhận thấy nếu ta quan sát đến dáng điệu đi, tướng đứng và ăn nói… Kẻ không tự chủ thì đi đứng lao chao, ăn nói lấp vấp, thích rượu chè, hút xách, bài bạc… Người đàn ông hay đàn bà mà có nhiều tật nhỏ là người không có ý chí, không tự chủ… Sự tự chủ mà khó nhất là ở trong những việc nhỏ nhặt chứ không phải ở những chuyện làm to tát. Người ta có thể rất gan dạ anh hùng trong những việc lớn, nhưng gan dạ anh hùng trong những việc nhỏ hằng ngày mới thật là khó.
“Ông Tăng Văn Chính lúc thiếu thời có tật hút thuốc và dậy trễ. Sau định tâm chừa lấy. Ban đầu tật ấy thường quật lại rất mạnh, khó thể trị được, nhưng Văn Chính xem nó như kẻ thù, quyết hạ cho được nó mới thôi… Những bậc vĩ nhân tập thắng thị dục của mình bằng cách thắng hằng ngày những thị dục nho nhỏ. Kẻ khéo quan sát đều căn cứ vào đó xem xét những mãnh lực tinh thần tự chủ của con người…”[7]
Tôi sở dĩ nhấn mạnh về đức tính này là vì nó là phẩm hạnh cao nhất của con người… và người như thế mới có thể mưu được hạnh phúc cho ta mà thôi… Tính điềm đạm tự chủ là đầu mối các đức hay tính tốt của con người; thiếu nó con người sống theo thiên tính của loài vật, dã man, ích kỷ… Không điềm đạm nghĩa là không tự chủ, người ấy không thể nào học được cái thuật yêu đương, cái thuật “quên mình” để mưu hạnh phúc cho người mình yêu.
2. Đối với người con trai thì bạn trăm năm của mình phải có những đức tính nào?
Theo tôi, chỉ cần hai đức tính chủ yếu này: dịu dàng và cương quyết.
Nhưng than ôi, hai đức tính này ít khi gặp nhau nơi một người. Có những cô gái rất hiền hậu dịu dàng, nhưng không có ý chí, không dám cương quyết việc gì cả. Ấy là hạng yếu đuối, dễ bị lôi cuốn, cám dỗ, và sa ngã… suốt đời sẽ không sao cầm cán nổi gia đình, mặc dù với đức tính ấy ai cũng yêu thương.
Trái lại, có nhiều người rất cương quyết nhưng không dịu dàng. Cả hai tính ấy đều tai hại cả, và dịu dàng mà không cương quyết chỉ là một người thụ động yếu đuối, còn cương quyết mà không dịu dàng sẽ thành những kẻ cau có, gắt gỏng, hay la rầy dữ ác nữa. Bởi vậy, người đàn bà lý tưởng là kẻ có một tình yêu âu yếm dịu dàng nhưng cương quyết, cặp mắt thẳng thắn, biết nhắm vào một mục đích mà biết nhận hay từ chối bằng tiếng “ừ” hay tiếng “không”. Người đàn bà không bao giờ dám từ khước điều mà mình phải từ khước, sẽ gây tai vạ cho gia đình và nhất là hạnh phúc của đời họ trước hết. Nhiều tai họa bất ngờ sẽ đến cho những người con gái nào không dám cương quyết từ chối trước một sự mời mọc bất chánh của bè bạn. Và, một khi nhất định nói “ừ” hay nói “không”, thì phải biết cương quyết thi hành không thay đổi ý định. Và nếu người ấy có học thức và thông minh lại càng tốt, nhưng vẫn là những điều phụ thuộc cả. Cần nhất, người đàn bà lý tưởng phải kiêm đủ một cách điều hòa hai đức tính căn bản ấy.
Tóm lại, tìm một người yêu lý tưởng để kết bạn trăm năm, nếu là con gái thì vị hôn phu phải ít ra có hai điều kiện căn bản này:
Mạnh mẽ cả thể chất lẫn tinh thần: sức khỏe và điềm đạm.
Có lòng hy sinh (vì yêu là hy sinh) và khoan hồng đại độ.
Còn nếu là con trai, thì vị hôn thê phải có hai đức tính: dịu dàng nhưng cương quyết.
Ngoài ra, ta cũng nên để ý đến vấn đề kinh tế, địa vị xã hội gia đình, giáo dục, tính khí, học lực…
Sở dĩ ta phải thận trọng trong việc lựa chọn, vì nó là vấn đề quan trọng nhất của đời mình. Thà là để mặc cho số mạng hên xui, yêu theo mối tình lãng mạn, như sấm sét, một cách đui mù… rồi tới đâu hay tới đó, ta khỏi cần đắn đo suy nghĩ làm gì cho bận, như trong vở tuồng Roméo & Juliette của Shakespeare. Ở đây ái tình là một cái gì huyền bí, ta bị một lực lượng âm u bí mật nào chi phối, mà ta chỉ còn là một “con quay búng sẵn trên trời… mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”, nghĩa là không làm chủ được số phận mình. Trái lại, nếu ta không chịu buông xuôi số mạng, muốn sống một đời sống sáng suốt, làm chủ lấy một phần nào số mạng của đời người tự do, không chịu hoàn toàn làm tôi tớ cho dục vọng, cho sự hên xui, may rủi. Bởi nó tối quan trọng đến đời người, nên tục ngữ có câu: “Phải cầu nguyện hai lần, trước khi ra trận; và cầu nguyện hai lần, trước khi vượt ra bể khơi… Nhưng phải cầu nguyện đến ba lần, trước khi chấp thuận kết hôn”.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT