C. YÊU LÀ THỪA NHẬN

Yêu là một sự đồng hóa, lấy cái quyền lợi hạnh phúc của người làm quyền lợi hạnh phúc của mình.

Nhưng, đồng hóa không có nghĩa là uốn nắn người mình yêu thành một người lý tưởng theo quan niệm của riêng mình mà không đếm xỉa đến cái con người thật của họ. Làm thế là một điều không nên mà cũng không lợi gì… lại còn uổng công là khác. Trừ mình ra, không ai có thể bắt mình thay đổi con người của mình được. Cố gắng bắt kẻ mình yêu thành cái bóng của mình là một ảo vọng. Lúc ban đầu, vì chiều chuộng nhau cho đặng việc, người trai hay người gái đều có cái mộng là với tình yêu, mình sẽ có thể hoán cải tâm tánh người yêu theo ý của mình. Nhưng trong thực tế, đó là một điều không sao thực hiện được. Người ta đã bảo: “Yêu, tức là thừa nhận”, nghĩa là phải biết thừa nhận cái “con người” toàn diện của người mình yêu với tất cả sự tốt xấu của họ. Nếu mình cảm thấy người sắp làm bạn trăm năm với mình có những tính tình không phù hợp với mình, hãy có can đảm mà từ khước đi lúc ban đầu. Trước ngày cưới hỏi nhau phải biết nhìn, biết nghe, biết quan sát, biết phê bình cái người mà mình bắt buộc rồi đây phải nhìn mãi, nghe mãi, từ ngày này qua ngày kia, từ tháng kia qua tháng nọ cho đến suốt đời mình, mà mình không còn được quyền phê bình chỉ trích gì nữa. Vì chỉ có lúc mình chưa thành hôn là mình còn được quyền tự do nhận cùng không nhận, mình còn được quyền phê bình mà thôi. Một khi đã nhận lập gia đình với người rồi, thì đừng có mong bắt buộc người ta phải sửa đổi tâm tính người ta theo ý muốn của mình được nữa. Nếu mình là một người ăn xài rộng, đừng kết hôn với kẻ keo kiệt. Dù mình có yêu họ bậc nào, tính riết rống, xem đồng tiền như bánh xe của họ không thể nào bắt mình sống chung được với họ nổi. Sớm muộn gì mình cũng để ý đến những cái tỉ mỉ nhỏ nhen của họ, cách họ cho cũng như cách họ lấy, cách họ đối đãi với kẻ ăn người ở bủn xỉn về tiền bạc… sẽ làm cho tình yêu của mình biến thành lòng khinh khi oán ghét.

Đời sống hàng ngày của mình lúc còn tự do đã tạo cho mình một nếp sống riêng. Vậy phải để ý quan sát cách sống hàng ngày của người mình sắp sống chung kia có cách xa với nếp sống hằng ngày của mình không? Nếu cách xa nhau nhiều, thì sự sống chung đụng hàng ngày sau này sẽ gây thành bực dọc đau khổ vô ích. Phải thận trọng và sáng suốt. Phải cố gắng điều tra thật kỹ, với mắt thấy tai nghe, gia đình cùng bạn bè của người đến cầu hôn với mình… Đừng coi thường cái hoàn cảnh gia đình và bạn bè mà họ đã sống trong thời niên thiếu của họ: đó là cái lỗ hun đúc con người của họ. Ảnh hưởng ấy rất là quan trọng. Ngày xưa, người con gái gả về nhà chồng là đã “gả bán” cho cả gia đình bên chồng. Ngày nay, tuy một phần đông lấy chồng, không phải luôn luôn bị bắt buộc “làm dâu” nhà chồng như xưa nữa, nhưng vẫn không sao thoát khỏi ảnh hưởng của gia đình bên chồng.

Mình không phải là người hoàn toàn, và ở đời không có ai là hoàn toàn cả. Đòi hỏi sự tận thiện nơi kẻ khác trong lúc mình chưa tận thiện thật đáng buồn cười! Nhưng khi ta đã bằng lòng kết hôn với ai, tức là chẳng những ta bằng lòng với những tài hay tính tốt của họ, mà còn phải biết yêu cả thói hư tật xấu của họ nữa.

Văn hào J. Chardonnes nói: “Có một bí quyết để sống hạnh phúc với người mình yêu là đừng mong cố gắng sửa trị một tật xấu khó chịu nào của họ”. Vì lắm khi muốn sửa trị một tật xấu khó chịu, lại vô tình người ta làm nghiêng ngửa cả hạnh phúc của người mình yêu. Phải thận trọng! Biết đâu cái mà ta gọi là “tật xấu” ấy, lại chỉ là cái tính tự nhiên của họ; nếu phải gặp một người đàn bà lúc nào cũng thích ăn mặc đẹp cả. Không có bằng cứ nào hùng biện để tỏ tình yêu thâm sâu của mình bằng sự để cho người yêu của mình sống tự do theo sở thích của họ, nghĩa là sống tự do theo nết na và bản tính của họ. Nếu người yêu của mình là một đóa hoa hường thì hay vui lòng nhận nó với tất cả những “gai nhọn” của nó.

Thực yêu người mình yêu là giúp cho họ thực hiện được cái người của họ, giúp cho cây hường trổ hoa hường, cây lan trổ hoa lan… Yêu người nào, chẳng phải lo chiếm đoạt họ làm của riêng, bắt họ phải sống theo mình, nghĩ theo mình và cảm theo mình. Mà trái lại, phải nâng đỡ và giúp họ phát triển cái sống của họ một cách đầy đủ trong tình thương âu yếm.

Quên mình và chỉ nhớ đến người, phải chăng đó là con đường giải thoát cái “tiểu ngã” của mình, tức là lòng ích kỷ của mình. Cha mẹ mà yêu con, có bao giờ vì lẽ con mình có nhiều tật xấu mà không yêu thương nó nữa chăng? Có khi còn trái lại là khác nữa. Tình yêu của cha mẹ là thứ tình yêu thiêng liêng chân thật nhất, vì nó là tình yêu độ lượng khoan hồng của đấng sinh thành. Tại sao tình yêu của vợ chồng không nhắm vào đó để làm cho nó thành thiêng liêng siêu việt? Và chỉ có được như thế thì ái tình mới mong được bền vững và mặn nồng.

D. THUẬT CHO VÀ TẶNG QUÀ

Như trước đây đã nói, đối với người đàn bà con gái, được quà tặng là một hãnh diện, một hạnh phúc được có người “để ý” tưởng nhớ đến mình, một trong những đòi hỏi âu yếm của người đàn bà. Giá trị của món quà không phải ở nơi giá cao thấp của nó, mà là ở nơi cái “lòng” và cái “cách” của người tặng.

Món đồ tặng phải nói lên được một cái gì thầm kín mà người ta không thể nói ra bằng lời, vì nó thiêng liêng và kín đáo. Người nhận phải tinh ý để hiểu được nỗi lòng của người tặng… Người cho phải khéo lựa mà người nhận cũng phải khéo tinh để hiểu được cái ý nghĩa sâu xa kín đáo của nó. Bởi vậy, tặng quà là cả một nghệ thuật cực kỳ tinh xảo, tỏ ra giữa hai người bạn tâm tình có những tình cảm tế nhị sâu sắc. Đó là biểu hiện của xã hội văn minh: Thương nhau không cần phải tỏ ra bằng lời nói, mà phải tìm cách để được hiểu lòng nhau.

Người tặng quà có khi là người vui sướng hạnh phúc hơn người được tặng quà. Mình tìm thấy trong nét mặt hân hoan của người yêu một nguồn vui sướng không thể tả!

Người đàn ông, phần đông, trong khi lựa chọn món đồ để tặng, không biết lựa chọn món đồ sẽ làm vui lòng người mình tặng, mà trái lại, họ lựa những món đồ họ thích. Thật là một việc làm vô ý thức! Chẳng phải vì mình thích đọc sách Phật hay Lão mà tặng cho người yêu một quyển về Phật hay Lão đóng bìa tuyệt đẹp là mình sẽ làm vui lòng họ, trong khi chỉ với một món đồ trang sức tầm thường hoặc một chai dầu thơm, đã làm cho họ sung sướng hơn nhiều. Những món quà phải lựa cho người mình tặng, chứ không phải lựa cho cái thích riêng của mình.

Lại nữa, một quà tặng mà được xem thực là một món quà tặng khi nào đó là một sự chuyển đi, tình cảm một cách đầy đủ, dứt khoát và vô điều kiện. Hay nói một cách khác, đừng bao giờ tặng một món quà mà còn để ý coi chừng đến món quà ấy còn hay mất. Hễ cho là cho, người được món quà muốn sử dụng cách nào tùy ý họ, vì họ phải hoàn toàn là chủ món đồ ấy. Có người chồng kia tặng cho vợ một chiếc nhẫn. Cô vợ vô ý làm rơi mất. Ông chồng rầy la và mắng nhiếc đủ điều. Như thế đâu phải là một món quà! Cho mà không cho đứt, chưa phải là cho.

Lại nữa, một món quà tặng một cách “bất ngờ” sẽ làm cho người đàn bà hạnh phúc hơn. Người đàn ông thường không hiểu được lẽ ấy. Thường họ vụng về và suy nghĩ: món quà mà có nghĩa lý gì! Nếu họ cần món đồ nào thì mình mua mình cho, trái lại, nếu họ chưa cần dùng mà mình lại cho là phí của! Kể ra lý luận như thế thật là thực tế lắm, song người đàn bà, họ lại không nghĩ như thế. Đối với người đàn bà, món quà của chồng tặng cho là một sự chứng tỏ lòng tưởng nhớ của chồng, nghĩa là chồng họ vẫn còn yêu họ như thuở ban đầu.

Cũng vì thiếu tâm lý phụ nữ mà có lắm ông chồng, thay vì sắm quà tặng cho vợ, lại chỉ vỏn vẹn đưa một số tiền: “Thì đây, em muốn mua sắm gì thì mua sắm cho ngày sinh nhật của em!” Không quên nghĩ đến ngày sinh nhật của vợ là một điều đáng khen, song le, cần phải tự mình đi mua sắm món quà cho vợ mới quý hơn và nhã nhặn hơn, lại vừa làm vui lòng người đàn bà hơn. Và, trong khi lựa chọn món đồ tặng, cũng đừng quên là mình mua đồ cho người, chứ không phải mình mua đồ cho mình.

Tặng quà là một nghệ thuật, mà nhận quà cũng là một nghệ thuật không kém tinh vi.

Dù món đồ không mấy vừa ý mình, cũng đừng tỏ vẻ xem thường hay chê khen mà làm buồn lòng người ân của mình. Cũng đừng hỏi giá cả và phê bình sự mắc rẻ, làm thế tỏ ra mình mất giáo dục và kém tinh tế. Không gì để tỏ lòng cám ơn bằng cách ra vẻ hãnh diện đối với món đồ tặng và trân trọng mang nó vào mình hay để một nơi tôn quý. Không gì đau khổ cho người tặng khi thấy món quà của mình bị người mình tặng hắt hủi khinh thường, hay bỏ bê nó bất cứ ở đâu trong những kẹt góc trong nhà …

Kẻ nào nhận một món quà đã được người mình yêu chọn lựa kỹ lưỡng mà không đủ óc tưởng tượng để thông cảm được bao nhiêu công phu cực nhọc mà người ta đã đào óc để tìm cho ra một món đồ vừa ý mình, lại cũng vừa bày tỏ một cách kín đáo tình yêu của họ, thì người đó chưa biết cách cám ơn, cũng chưa xứng đáng thọ lãnh món quà. Phải tin tưởng rằng người thân yêu của mình họ đã bóp đầu nặn trán bao ngày bao đêm để tìm cho mình một món đồ, và họ đã băn khoăn lo lắng không biết rồi đây món quà ấy có được làm vui lòng mình không, và mình sẽ tiếp đón nó như thế nào.

Món quà mà không được tiếp nhận một cách nồng hậu tế nhị, sẽ là một đau khổ chua cay đối với người tặng quà.

Có bà vợ tiện tặn mua một cái dao cạo râu và cái áo lót mồ hôi nhân ngày sinh nhật của chồng. Ông chồng khi thấy cái áo và cái dao liền chề môi chế giễu: “Em không biết là tôi đâu có thích đồ như thế… Cái dao này “cổ hủ” quá! Từ đây có định mua gì cho anh phải hỏi ý kiến anh trước. Phí tiền vô ích!” Dĩ nhiên các bạn có biết hậu quả của nó như thế nào không! Một cơn khóc nức nở để trả lời những câu trách móc bất công và vô ý thức của ông chồng… Ta cũng dư rõ tại làm sao rồi vậy.

Mình có thể dò hỏi ý kiến một cách thật kín đáo để biết người mình muốn tặng quà họ ao ước món gì? Hoặc dẫn đi chơi các hàng có những món đồ mà mình muốn tặng và dò hỏi ý muốn. Người được tặng dĩ nhiên, đừng cằn nhằn: vì số bạc quá cao hay quá đắt! Phải cần tế nhị một chút, bằng không sẽ gây đau khổ cho người yêu vô ích.

E. HAI THỨ TÌNH YÊU

Một bậc đại văn hào nói: Theo tôi, danh vọng, tiền bạc, tài hoa đều không có nghĩa lý gì cả, mà chỉ có “yêu và được yêu lại” mới thật là có nghĩa mà thôi.

Thật vậy, không có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc được yêu và người yêu thương mình. Yêu mà không được yêu lại là đau khổ nhất trần gian. Những mối tình tuyệt vọng là những mối tình thương tâm nhất.

Tôi tin rằng người ta sẽ rất có hạnh phúc, dù ở trên một hòn đảo hoang vu mà có được vài ba người bạn chí thân thành thật yêu mình còn hơn là sống giữa phồn hoa đô hội mà lạnh lẽo cô đơn, không một bóng người tri kỷ. Câu “đắc nhất tri kỷ, khả dĩ bất hận”, miêu tả được nỗi khao khát tha thiết của lòng người là dường nào! Làm một vị Quốc trưởng hoặc làm một vị anh hùng mà được toàn thể quốc dân ca ngợi, chắc chắn sẽ không được hạnh phúc chút nào cả nếu bên mình không có được một người mà mình dám phơi trần tất cả sự thật của cõi lòng sâu kín của mình. Chính vì thế mà các người vợ hay nhân tình, các người bạn gái mà bạn lòng tâm phúc, đóng một vai trò tối quan trọng trong đời sống của các bậc vĩ nhân. Một bậc danh nhân được thiên hạ sùng bái ngưỡng mộ, thế mà lại than: “Trời ơi! Đời tôi sao mà lạnh lùng cô đơn lạ?”

… Cô đơn lắng hỏi trăng sao?

Canh khuya lặng ngắt, sương bao mịt mùng.

Trăm năm một cuộc tao phùng

Ngàn năm biết gửi tấm lòng cho ai?

Thật vậy, chỉ có tình yêu, bất cứ là thứ tình yêu nào, của một người cha hay một người con, của một người chồng hay một người vợ… mới có thể phá tan được kiềm tỏa của cô đơn.

Nhưng có hai cách yêu đương. Cách thứ nhất, là yêu cho mình, nghĩa là mình yêu thương những kẻ khác chỉ vì những quyền lợi vì tinh thần lẫn vật chất mà người ấy có thể mang lại cho mình thôi. Có nhiều người đàn bà thương chồng một cách hết sức thành thật, chỉ vì người ấy đã đem lại cho họ một đời sống yên ổn, đầy tình thương và hạnh phúc, nghĩa là không có người ấy thì đời họ sẽ không biết ra sao và làm gì mà sống được. Họ chỉ biết “thu” mà không có “trả”. Người đàn ông cũng thế, họ yêu người đàn bà vì những gì người ấy phải hy sinh để mưu hạnh phúc cho họ thôi. Con mà yêu cha mẹ phần đông cũng yêu như thế ấy! Cha, tức là người mà họ luôn luôn có thể tin tưởng nơi tình thương đầy tha thứ và nuông chiều. Thực ra, thứ tình thương này là thứ tình thương ích kỷ, thương mình chứ không phải thương người.

Lại có một thứ tình yêu khác là yêu người vì người, chứ không phải yêu người cho mình. Trong lối thương này người ta không còn nghĩ đến những lợi ích mà người ấy có thể mang lại cho họ, mà họ chỉ nghĩ đến những gì họ có thể mưu hạnh phúc cho người kia thôi. Ở đây, yêu có nghĩa là hy sinh, là lấy cái hạnh phúc của người làm hạnh phúc của mình, lấy cái lo nghĩ của người làm cái lo nghĩ của mình. Đừng bao giờ tưởng rằng đây là một thứ tình yêu lý tưởng, không bao giờ có trong đời. Biết bao kẻ làm cha mẹ, họ sung sướng vì sự thành công của con cái họ hơn là sự thành công của chính họ.

Cũng có biết bao cặp vợ chồng họ sống vì nhau, người nào cũng chỉ nghĩ đến hạnh phúc của người kia và không bao giờ nghĩ đến mình cả. Tình yêu chân thật là một thứ tình yêu “săn đón” chứ không phải là thứ tình yêu “đòi hỏi”. Họ không đòi hỏi gì cho hạnh phúc của họ cả, mà lại được hạnh phúc dồi dào; còn trái lại, những kẻ đòi hỏi hạnh phúc cho mình thì lại không bao giờ tìm được hạnh phúc. Khi mà mình chỉ nghĩ đến mình thôi thì luôn luôn mình sống trong cảnh ngờ vực và bất mãn. Tại sao mình lại cứ đòi hỏi: “Tôi có được người ta yêu mình thành thật không?” Mà không tự nhủ: “Tôi có yêu người ta thành thật không?” Khi mà mình không đem mình làm trung tâm sự sống của kẻ khác, mà lại đem kẻ khác làm trung tâm sự sống của mình, thì cuộc diện phải đổi khác. Phận sự của mình là gì bây giờ? Làm cách nào cho người yêu mình được hạnh phúc hơn? Đời sống của ta bây giờ sẽ có một ý vị thâm trầm không biết chừng nào! Những tâm hồn ích kỷ không làm sao hiểu nổi thuật yêu đương, chỉ gồm trong câu này: Yêu là quên mình, là hy sinh, là tìm hạnh phúc cho người. Trái lại, nếu yêu là đi tìm hạnh phúc cho mình, chứ không phải nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác, thì sẽ không mưu được hạnh phúc gì cho ai tất cả. Ích kỷ là nguồn gốc của đau khổ.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play