Paremai vô cùng lo lắng khi không thể liên lạc được với Yaimai vì cô bé tắt máy. Cô đã gọi hỏi các bạn phóng viên lưu động nhưng cũng chưa có tin tức gì.
Hai mười tư giờ đồng hồ chờ đợi để báo cảnh sát kéo dài tựa hai mươi tư năm.
“Pare cứ bình tĩnh. Có thể tình hình không xấu tới mức như chúng ta nghĩ đâu”. Tula an ủi.
“Đúng đấy Pare à. Phải thật bình tĩnh. Có thể Mai ngủ lại ở nhà một người bạn nào đó cũng nên”. Mankeo dời tay khỏi điện thoại, quay sang nắm lấy tay Paremai động viên. Cô đang giúp Paremai điện thoại kiểm tra thông tin ở gần chín mươi(1) đồn cảnh sát. Công việc này cần khá nhiều thời gian.
(1) Có tất cả tám mươi tám đồn cảnh sát trên khắp thành phố Bangkok (Thông tin năm 2010).
“Nếu ngủ lại nhà ai tại sao giờ này vẫn chưa về? Di động tại sao phải tắt? Giờ đã quá trưa rồi”.
“Có thể Mai đang trên đường về thì sao? Rồi vô tình điện thoại hết pin nữa nên không thể gọi điện báo cho người nhà được”.
“Không biết có đúng như lời Man nói không vì Mai chưa bao giờ cư xử như vậy cả. Bao giờ nó cũng về nhà đúng giờ. Nếu hôm nào không về nhà được nó sẽ gọi điện báo trước cho bố. Mà chúng ta về tới đâu rồi nhỉ?”. Cô quay sang hỏi Tula đang ngồi kế bên.
“Bình tĩnh đi Pare. Về đến Bangkok rồi. Để anh điện thoại cho cấp dưới một lần nữa, biết đâu có tin tức gì mới chăng?”.
“Cảm ơn anh, cả cậu nữa, Man à”.
“Không có gì đâu”.
Tula định nói câu gì đó nhưng tiếng chuông điện thoại vang lên. Anh ấn phím nhận cuộc gọi, ngay lập tức mặt anh trắng bệch khi nghe thấy lời nói ở đầu dây bên kia.
“Anh nói gì cơ đội trưởng Ek? Nhắc lại lần nữa xem nào?”.
Đầu dây bên kia nhắc lại: “Tôi nhận được tin báo có án mạng ở khách sạn… Nhìn trên ảnh chụp, nạn nhân tại hiện trường khá giống với cô gái mà đội trưởng đang tìm kiếm ạ”.
Đội trưởng Tula sững sờ một lúc khá lâu. Anh hỏi kỹ lại rồi nói cảm ơn và cúp máy trước khi quay sang phía Paremai.
“Pare!”. Đội trưởng Tula nhìn thẳng vào cô với vẻ lo lắng.
“Sao ạ? Có chuyện gì sao đội trưởng?”. Paremai hỏi với thái độ nóng lòng khi thấy nét mặt căng thẳng của người đối diện.
Tula nhìn vào mắt của Paremai rồi nói: “Pare hãy hết sức bình tĩnh nhé! Cấp dưới của anh gọi điện báo rằng vừa nhận được tin báo có án mạng tại…”. Tula nói tên một khách sạn nổi tiếng nằm trong khu vực mà đồn của anh chịu trách nhiệm, sau đó nói tiếp: “Cảnh sát đến hiện trường thấy xác một cô gái có hình dáng gần giống với Yaimai nên cấp dưới của anh đề nghị anh dẫn người nhà đến xem. Đoán chừng cô gái đã chết không dưới sáu tiếng(2)”.
(2) Tình trạng cứng lại sau khi chết là do chất adenoisine triphosphate hay còn gọi là ATP có trong mô của các bộ cơ bị giải phóng. Thông thường hiện tượng này sẽ xảy ra khoảng 2-4 giờ sau khi chết và cứng hoàn toàn khoảng 6-12 giờ, nhưng cũng tùy thuộc vào yếu tố môi trường. Ví dụ nếu người nào bị sốt cao và co giật, có nguy cơ tử vong cao, lúc này ATP trong các bộ cơ đã được giải phóng hết nên sẽ gây ra tình trạng toàn thân cứng lại ngay sau khi chết gọi là cadaveric spasm.
Cảm giác mất mát tràn ngập trái tim khi cô chứng kiến tình trạng của em gái đã chết.
Xác chết trong tư thế nằm ngửa, nửa thân dưới trong tình trạng lõa thể. Bộ váy hồng cô mặc bị kéo lệch khỏi ngực. Chiếc quần lót ren trùm lên trên đầu xác chết. Hai tay bị trói chặt ra phía sau bằng một chiếc áo khoác dài tay màu đen. Xung quanh cổ có những vết đỏ, giống như vết hằn của ngón tay và bàn tay. Phía trước bụng có vết đỏ thẫm. Ngoài ra, bên cạnh xác nạn nhân còn có một chiếc áo lót kiểu có móc khóa, đồng màu với chiếc quần lót, một chiếc dây buộc tóc màu đen và một chiếc giầy, chiếc còn lại rơi xuống bên cạnh giường.
Paremai hét lên, định lao vào ôm thân thể đã không còn linh hồn của em gái nhưng bị đội trưởng Tula kéo lại, an ủi cô hãy để cho nhân viên cảnh sát thu giữ bằng chứng trước. Cô than khóc vật vã trước khi ngất lịm đi trong vòng tay của đội trưởng Tula. Anh bế Paremai ra bên ngoài để sơ cứu. Mankeo cũng theo ra. Nhân viên cảnh sát đang khoanh vùng hiện trường bằng băng dính màu vàng để ngăn khách trọ tại khách sạn vây bên ngoài cửa phòng xem. Tuy vẫn chưa có một phóng viên nào tới đưa tin nhưng chỉ lát nữa thôi phóng viên của tất cả các tờ báo sẽ kéo tới vì phóng viên là những người “đánh hơi” rất nhanh.
Tula đề nghị nhân viên khách sạn mở phòng bên cạnh và cung cấp túi y tế để sơ cứu cho Paremai. Không bao lâu Paremai tỉnh lại. Cô không ngừng than khóc với trái tim tan nát. Anh và Mankeo cũng an ủi cô. Một lúc lâu sau cô bình tĩnh lại và nín khóc.
“Lạy phật! Sao lại như thế? Tại sao lại xảy ra với Mai? Lạy trời! Mai phải chịu tai họa khủng khiếp quá”. Vừa than vãn, cô vừa nấc lên nghẹn ngào. Giọng nói của Paremai thổn thức, cô phải chịu một cú sốc quá lớn.
Trong suốt quãng thời gian ngồi xe tới đây, cô luôn cầu mong đó là một sự nhầm lẫn. Xác cô gái chắc chắn không phải là Yaimai. Có lẽ lời cầu nguyện của cô chưa thấu tận thiên đình. Paremai đau đớn nghĩ.
Tula theo dõi cô một cách lo lắng. Từ lúc thông báo tin xấu cho cô, anh luôn thấp thỏm, không rời mắt khỏi cô.
“Pare có chịu nổi không? Anh phải quay lại giúp mọi người một tay. Pare ở lại đây cùng với Man nhé. Xong việc anh sẽ qua thông báo tình hình cụ thể cho em”.
“Không. Cho em đi cùng với”.
“Nhưng tinh thần cậu đang bất ổn. Cậu không nên sang đó lúc này. Nếu không kiềm chế được sẽ chỉ làm vướng chân cảnh sát thôi. Không biết chừng còn làm hỏng các bằng chứng nữa ấy chứ”. Mankeo, bạn thân của cô phản đối.
“Không!”. Paremai quay sang phía đội trưởng Tula: “Em hứa lần này em sẽ kiềm chế được bản thân, không khóc lóc than vãn làm ảnh hưởng tới các anh đâu”. Paremai hứa.
“Liệu có được không?”. Tula tỏ ra lưỡng lự, không chắc chắn.
“Đi mà đội trưởng! Cho em vào với em gái em đi! Cho em được nhìn em gái lần cuối đi mà!”. Giọng nói của cô run rẩy khiến người bị thuyết phục không thể cứng rắn từ chối được đành phải gật đầu.
Tula thấy yên lòng khi Paremai đã cứng cỏi hơn, có thể kiềm chế được tình cảm, không òa khóc và lao vào ôm xác em gái nữa. Cô để yên cho cảnh sát điều tra và bác sĩ pháp y làm nhiệm vụ khám nghiệm tử thi tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết. Cô cũng không vào làm vướng chân cảnh sát trong việc thu giữ tang vật để làm bằng chứng trước tòa trong việc tiến hành xử án sau này. Tula nhìn cô một lần nữa để biết chắc rằng cô không bị sốc do cảnh tượng thương tâm rồi quay sang tiếp tục làm việc.
“Phía khách sạn gọi điện tới đồn báo lúc mấy giờ?”. Đội trưởng Tula hỏi đội trưởng Ek đồng thời đưa mắt xem xét xác nạn nhân thật kỹ lưỡng. Trong khi đó các nhân viên điều tra và bác sĩ pháp y đang làm nhiệm vụ của mình một cách nghiêm túc và khẩn trương.
Đội trưởng Tula đưa mắt nhìn tấm ga trải giường nhàu nát và những chiếc gối bị vứt lung tung trên giường rồi nhìn khắp phòng một cách cẩn thận. Đồ dùng của khách sạn, từ điện thoại, tạp chí cho tới lọ hoa, cốc uống nước… bị rơi vãi khắp nơi, mảnh thủy tinh rơi vỡ trên sàn nhưng không phát hiện được bất kỳ vết máu nào, kể cả trên tấm thảm trải sàn cũng như trên tường.
Đội trưởng Tula nghe tiếng của đội trưởng Ek trả lời: “Khách sạn gọi đến báo lúc mười ba giờ năm phút ạ”.
Tula gật đầu, quay lại xem xét xác nạn nhân trong lúc bác sĩ pháp y đang thu giữ mẩu da ở các kẽ móng tay của nạn nhân làm bằng chứng. Ở cổ của nạn nhân có vết móng tay, có lẽ do thủ phạm ấn móng tay xuống cổ nạn nhân hoặc có thể là vết móng tay của chính nạn nhân khi cố gắng gỡ tay thủ phạm ra. Anh phải gửi xác nạn nhân đem đi mổ khám nghiệm để kiểm tra một cách kỹ càng hơn nữa.
Tiếng của thiếu tá cảnh sát Montri, một nhân viên điều tra vang lên:
“Mười ba giờ năm mươi phút ngày… tháng… năm… xảy ra vụ án mạng trên tầng mười khách sạn… Ở hiện trường không thu được giấy tờ tùy thân nhưng từ việc nhận diện của người thân cho biết nạn nhân tên là Yaimai Saisoporn, mười chín tuổi, sinh viên của trường Đại học…”. Sau đó anh mô tả tình trạng của xác chết và các bằng chứng được tìm thấy tại hiện trường trước khi nói tiếp: “Phỏng đoán nạn nhân bị kẻ xấu dùng vũ lực cưỡng hiếp, do nạn nhân chống cự nên thủ phạm đã dùng áo khoác của nạn nhân trói hai tay quặt ra phía sau rồi cưỡng hiếp trước khi bóp cổ cho đến lúc nạn nhân tắt thở. Tại hiện trường, bác sĩ tìm thấy mẩu da dính vào móng tay và kẽ răng của người chết, có lẽ trong lúc chống cự, nạn nhân đã cào cắn thủ phạm. Ngoài ra còn tìm thấy vết máu và tinh dịch đã khô dính ở bộ phận sinh dục và dưới bụng nạn nhân. Phỏng đoán nạn nhân đã chết không dưới…”.
Montri ngừng lại rồi dùng ngón trỏ đã đeo găng tay ấn xuống mặt trong cánh tay và lưng nơi có vết bầm tím của nạn nhân. Sau đó nói tiếp: “Phỏng đoán nạn nhân đã tắt thở không dưới tám tiếng đồng hồ vì vết bầm tím ở trên lưng và mặt trong cánh tay không lan rộng nữa”.
Vết bầm tím là do hiện tượng các mao mạch khu vực đó tạo nên. Hiện tượng này thường xảy ra khoảng ba mươi phút đến hai tiếng và sẽ ngừng lan rộng sau khi chết khoảng từ tám đến mười hai tiếng bởi sự tụ máu. Có nghĩa là cho dù có di chuyển hay thay đổi tư thế người chết, thì vết bầm tím trên da sẽ không dịch chuyển.
Có thể kiểm tra vết bầm tím của nạn nhân bằng cách dùng ngón tay ấn xuống vị trí của vết bầm. Nếu vết bầm vẫn lan rộng thì trên da vị trí đó sẽ xuất hiện màu trắng trong giây lát. Ngược lại, da ở khu vực đó sẽ không chuyển sang màu trắng.
Tiếng nói của thiếu tá Montri vẫn tiếp tục vang lên trong khi một nhân viên điều tra khác đang chụp ảnh, còn một người nữa làm nhiệm vụ ghi chép lại các tang vật. Đội trưởng Tula bắt đầu ghi lại danh sách những người phải triệu tập đến để lấy lời khai.
“Pare!”. Tula vừa gọi vừa quay lại nhìn Paremai khi cô đang ghi chép cái gì đó vào cuốn sổ tay. Nghe tiếng gọi, cô lập tức ngẩng lên nhìn anh.
“Có gì không đội trưởng?”. Paremai hỏi với giọng nhỏ nhẹ. Nước mắt đã được thay bằng dòng máu phóng viên trong cô. Cô ghi chép tất cả mọi thứ vào cuốn sổ tay đồng thời nhờ Mankeo chụp lại các tang vật. Trong lúc làm việc, cô cố gắng không làm ảnh hưởng tới nhân viên cảnh sát và bác sĩ pháp y.
“Em đang ghi chép gì vậy?”. Đội trưởng Tula hỏi.
Paremai cười buồn trả lời: “Các chi tiết chung chung ạ. Không có gì quan trọng đâu. Đội trưởng có việc gì không ạ?”.
“Yaimai có người yêu hay chàng trai nào đang theo đuổi không?”.
Paremai nhíu mày suy nghĩ: “Em không dám khẳng định ạ. Bởi hôm thứ bảy hẹn gặp Mai, em cũng có hỏi chuyện này nhưng em ấy phủ nhận. Còn nếu nó có mà giấu thì em chịu”.
Tula gật đầu rồi nói tiếp: “Nếu vậy từ ngày mai anh sẽ triệu tập những người có liên quan tới lấy lời khai. Còn hôm nay anh sẽ yêu cầu người dọn phòng, người đầu tiên thấy xác Yaimai và lễ tân tới lấy lời khai trước. Kết quả ra sao anh sẽ điện thoại báo cho Pare sau nhé”.
“Cảm ơn anh. Em sẵn sàng tới lấy lời khai lúc nào cũng được. Còn về bố mẹ em chắc họ cũng đến nơi rồi đấy ạ, em đã điện thoại báo rồi”.
“Được rồi. Còn về buổi họp báo, Pare định thế nào? Phóng viên các báo đang đợi cả ở bên ngoài rồi đấy”.
“Đội trưởng cứ tiến hành họp báo theo những gì anh cho là phù hợp đi ạ. Chỉ xin anh đừng nêu tên của em gái em ra mà thôi. Đúng là việc này không giấu được lâu, nhưng em cũng không muốn tên của em gái em bị nêu ra từ miệng cảnh sát hoặc nhân viên khách sạn. Còn về phần cánh phóng viên, em sẽ xin họ giữ bí mật”. Lúc đi vào phòng, cô nhìn các phóng viên tới đưa tin, thấy phần lớn đều là các bạn bè chuyên mảng tin pháp luật.
“Đồng ý”.
“Cảm ơn đội trưởng nhiều lắm. Pare sẽ không…”. Chưa kịp nói hết câu cô đã phải ngừng lại bởi tiếng gào khóc của bà Nupmai vang lên khi cảnh sát mở cửa phòng. Bà Nupmai định lao vào ôm xác con. Paremai vội vàng chạy lại đỡ mẹ, an ủi: “Đừng mà mẹ. Cảnh sát và bác sĩ pháp y đang tìm bằng chứng. Nếu mẹ vào trong bây giờ sẽ làm hỏng hết bằng chứng mất. Để cho cảnh sát làm việc mẹ nhé. Đừng vội vào làm phiền họ. Khi nào họ xong chúng ta sẽ vào trong”. Paremai rất hiểu tâm trạng mẹ lúc này bởi lúc đầu khi trông thấy cảnh tượng này, cô cũng mất hết tâm trí như mẹ cô bây giờ.
Bà Nupmai ôm chặt con gái vào lòng, khóc than vật vã: “Lạy Phật! Tại sao con tôi lại xấu số đến vậy chứ? Con quỷ dã man nào làm con bé ra nông nỗi này? Trái tim nó bằng gì mà nó lại ác độc mất hết nhân tính như vậy? Con tôi đâu có tội tình gì mà phải hứng chịu điều này chứ?”.
Paremai ôm mẹ thật chặt. Cô vừa xoa lưng mẹ vừa an ủi với giọng run run. Cảnh tượng đó khiến mọi người đều động lòng.
“Lũ người xấu ở đâu chẳng có. Chỉ là em con xấu số. Nhưng con hứa… Con sẽ lôi nó ra đền tội cho bằng được, dứt khoát không để cho nó nhởn nhơ đâu. Nó phải trả giá cho những gì nó đã gây nên”. Giọng nói của cô ẩn chứa sự quyết tâm.
Ông Metee bước vào ôm cả hai mẹ con, nước mắt chảy dài không ngăn lại được. Ông nói đứt quãng: “Bố có lỗi. Bố có lỗi con ạ. Nếu bố để ý cẩn thận hơn thì em nó đã không phải chịu tai họa khủng khiếp này”.
Tiếng khóc cùa bà Nupmai càng to hơn, cả ba người ôm nhau như để cùng đương đầu với mất mát. Paremai cố gắng nuốt tiếng nấc, cô ngẩng mặt lên để kìm lại dòng nước mắt. Cùng lúc đó ánh mắt cô bắt gặp ánh mắt cảm thông của đội trưởng Tula đang yên lặng dõi theo. Cô quay mặt tránh thì thấy cảnh bác sĩ đang dùng túi nilon bọc hai tay của Yaimai nhằm bảo vệ bằng chứng là mẩu da trong móng tay. Sau đó, xác Yaimai được gói lại cẩn thận bằng một tấm vải trắng để không làm mất những vật đi liền với xác và để cho xác không bị dính bẩn.
Cảnh tượng đó khiến Paremai không thể kìm nén được nữa, nước mắt từ từ chảy thành dòng trước khi òa khóc, cô gái nức nở với trái tim hoàn toàn tan vỡ.
Lần đầu tiên Paremai bước vào phòng ngủ của em gái trên tầng hai. Trước đó cô đã tự nhủ rằng suốt đời này sẽ không bao giờ bước quá khỏi phòng khách nhưng sau đó lại xảy ra cơ sự này.
Hôm qua buổi họp báo kết thúc tốt đẹp. Mọi người đều đồng ý giữ bí mật họ tên của nạn nhân như cô yêu cầu. Paremai thẳng thắn nói về quan hệ của cô và Yaimai. Vì vậy tất cả các phóng viên chuyên tin pháp luật đều nhận sự hợp tác và còn đề nghị giúp đỡ cô nếu có điều kiện.
Đội trưởng Tula nói với cô rằng hôm qua anh đã lấy lời khai của lễ tân khách sạn nhưng chưa phát hiện ra điều gì khác lạ. Điều quan trọng là người lễ tân đó không mô tả được hình dáng của kẻ tình nghi với lý do lúc đó có tới hai đoàn khách cùng vào nên không thể nhớ được ai với ai. Hiện tại cảnh sát đang kiểm tra cuộn băng từ camera bí mật của khách sạn.
Điều gì đã lôi kéo Yaimai ra ngoài gặp kẻ giết người tại phòng nghỉ của khách sạn? Paremai tự hỏi mình đồng thời tìm kiếm dấu hiệu bất thường.
Phòng ngủ của Yaimai được sơn gam màu nhẹ, gọn gàng ngăn nắp, không khác gì tính cách của chủ nhân. Cô tìm thấy hóa đơn bộ đồ lót nhãn hiệu nổi tiếng mà Yaimai mặc hôm xảy ra án mạng khi lục tìm thùng rác cạnh bàn máy tính. Paremai chau mày vì ngày trong hóa đơn cho biết Yaimai mua bộ đồ lót này trước hôm xảy ra án mạng có một ngày để mặc đi gặp kẻ xấu vào này hôm sau.
Cô không khỏi thắc mắc tại sao Yaimai lại dám mặc bộ đồ lót có ren khêu gợi, khác hẳn với tính cách ngoan hiền của nó thế này. Phải chăng Yaimai chủ ý ăn mặc như vậy để đi gặp người đó? Chủ động ăn mặc đẹp cả trong lẫn ngoài vì hắn ta? Nói cách khác, Yaimai phải rất thân thiết với kẻ xấu nên mới dám tin tưởng mà đi gặp hắn tại khách sạn.
Có rất nhiều câu hỏi nhưng Paremai không thể nào tự trả lời được. Cô thở dài rồi ngồi xuống mở máy tính để bàn của em gái.
Cô nhấp chuột vào thư mục “My received files” đầu tiên. Ngay lập tức, cô rất sửng sốt khi thấy rất nhiều file ảnh của một người đàn ông, chính là người mà cô nhìn thấy trên tấm ảnh trong ví của em gái.
Paremai thốt lên ngạc nhiên trước khi xem xét file ảnh một cách cẩn thận. Tất cả các ảnh đều được Yaimai đặt tên là Patiya và đánh số thứ tự từ một đến mười lăm. Cô lưu file ảnh vào USB của mình. Sau đó, cô nhấp chuột xem các thông tin khác trong máy tính và bắt gặp đoạn hội thoại MSN giữa Yaimai và người đàn ông có nick chat là Patiya Warakorn. Cô mở ra, đọc kỹ đoạn chat từ khi hai người bắt đầu nói chuyện với nhau cho đến khi anh ta hẹn gặp Yaimai tại buổi tiệc sinh nhật của mình vào hôm Yaimai bị sát hại.
Trong suốt khoảng thời gian đọc đoạn hội thoại dài hàng trăm trang này, Paremai cảm thấy lạnh sống lưng. Cô tắt máy tính, lưu tất cả mọi thứ liên quan tới Patiya Warakorn vào USB của mình rồi đưa tay lên vuốt mặt lấy lại bình tĩnh trước khi rút phích cắm và ôm CPU theo.
“Ơ, con định về luôn à Pare?”. Jidapa hỏi.
“Vâng”.
“Sao lại vội về thế? Ở lại ăn cơm tối đã. Sao mặt con tái nhợt ra thế kia? Không được khỏe à?”.
Paremai từ chối rồi vội chuyển chủ đề: “Bố đã lên xong danh sách các bạn trong nhóm của Mai chưa ạ?”.
“Xong rồi con ạ”. Ông Metee trả lời rồi đưa tờ giấy cho con gái.
“Cảm ơn bố”. Cô đặt CPU xuống rồi gấp tờ giấy lại, cất vào túi xách và nói tiếp: “Việc lấy lời khai, khi nào tới lượt bố và dì Pa, con sẽ điện thoại báo trước ạ”.
“Ừ. Thế vụ án đã có thêm manh mối gì chưa con?”.
“Chưa đâu ạ”.
Ông Metee gật đầu: “Thế con định đem CPU của Mai đi à?”.
“Vâng ạ. Con muốn kiểm tra thông tin trong máy tính cho kỹ càng”.
“Có thấy gì đáng chú ý không?”.
Paremai cân nhắc một lát rồi trả lời: “Con thấy ảnh một người đàn ông tràn ngập trong máy tính của Mai. Bố đã bao giờ nghe Mai nhắc đến cái tên Patiya Warakorn chưa ạ?”.
Ông Metee nhíu mày: “Chưa. Mai chưa bao giờ nói về người đàn ông này cả”.
Paremai gật đầu như thấy không có gì là lạ cho lắm: “Vâng. Đúng là phải như vậy”.
“Sao vậy con? Có gì liên quan tới vụ án à?”.
“Thế này đi, có gì tiến triển con sẽ gọi nói với bố sau vì có thể sự việc không như con phỏng đoán. Nhưng bố đừng vội di chuyển đồ đạc trong phòng Mai nhé. Con muốn quay lại kiểm tra phòng của em một lần nữa. Đợi vụ án kết thúc rồi muốn làm gì thì làm”.
“Thế dì vào quét dọn có được không?”. Jidapa hỏi nhẹ nhàng.
“Được ạ. Miễn sao đừng di chuyển đồ là được. Con xin phép về đây ạ. Chiều con có hẹn với đội trưởng Tula”. Cô nói rồi bước ra khỏi ngôi nhà.
“Anh đến muộn hay tại Pare đến sớm vậy?”. Đội trưởng Tula lên tiếng trêu cô ngay khi ngồi xuống ghế. Anh hẹn Paremai ở Starbucks gần đồn cảnh sát để nói về diễn biến mới của vụ án.
Paremai chuyển máy tính xách tay cô đang mở folder ảnh của Patiya đến trước mặt Tula: “Lúc sáng em lấy CPU của Yaimai về, thấy rất nhiều thông tin đáng quan tâm”.
Tula nhìn ảnh người đàn ông, hỏi: “Người đàn ông này là ai? Người yêu của Yaimai à?”.
“Nếu đội trưởng hỏi câu này lúc trước thì sẽ vẫn nhận được câu trả lời như cũ”.
“Nói như vậy có nghĩa câu trả lời ngày hôm nay đã thay đổi rồi phải không?”. Tula quay sang nhìn cô trước khi quay lại nhìn kỹ ảnh của người đàn ông. Phải thừa nhận rằng người đàn ông trong ảnh có khuôn mặt đẹp hoàn hảo như diễn viên Hollywood và nếu có ai nói với anh rằng anh ta là diễn viên, thì cũng không lấy gì làm lạ. Gương mặt điển trai thu hút mọi ánh nhìn này vừa toát lên vẻ huyền bí của châu Á vừa có nét gì đó rất Tây. Đội trưởng Tula vừa nghĩ vừa chớp mắt nhìn một lần nữa.
Paremai lặng lẽ nhìn chàng đội trưởng. Lúc đầu khi trông thấy những tấm ảnh này, cô cũng sững sờ vì vẻ đẹp trai của khuôn mặt đó. Nhưng vốn không phải người “phát cuồng vì trai đẹp” nên giây phút ấy nhanh chóng qua đi. Sau đó cô còn cảm thấy “chướng mắt” là khác. Sau khi đọc đoạn hội thoại MSN giữa Yaimai và Patiya cả đêm qua, cô càng cảm thấy câu “Không nên nhìn mặt mà bắt hình dong” thật đúng.
Đây là loại đàn ông nguy hiểm, rất đáng sợ. Hắn đã toàn dùng lời lẽ ngọt ngào để lừa phỉnh phụ nữ. Đáng chú ý là trước khi Yaimai bị sát hại một tuần, hắn đã ra sức thuyết phục Yaimai đi gặp hắn cho bằng được. Em gái cô rất trong sáng và thơ ngây, con bé đã tin tưởng hắn đến nỗi kể hết mọi chuyện cho hắn nghe, từ chuyện học, chuyện trong gia đình cho tới chuyện sinh hoạt hàng ngày. Qua các đoạn hội thoại này, cô biết rằng em gái cô đã nghiện chat với hắn rất nặng.
Paremai thấy nuối tiếc vì cô bận tối ngày nên đã không gần gũi em gái nhiều hơn. Đợt xin nghỉ phép này cô mới có thời gian cho vụ án của em gái.
Cô phải lôi kẻ xấu ra trước pháp luật để hắn đền tội cho bằng được. Paremai tự hứa với bản thân.
Paremai trả lời Tula: “Vâng ạ. Đúng như vậy. Sau khi đọc được đoạn hội thoại giữa em gái và người đàn ông này thì câu trả lời đã thực sự thay đổi rồi”.
“Anh ta là ai? Diễn viên à? Nếu nói rằng anh ta là diễn viên nước ngoài cũng không có gì lạ, bởi nhìn trong ảnh anh ta có gương mặt của người châu Âu nhiều hơn”.
“Có lẽ anh ta không phải là diễn viên đâu ạ vì trên Google không thấy có thông tin gì cả. Làm báo được bốn năm, dù không phải phóng viên mảng tin văn hóa giải trí nhưng em cũng thường xuyên theo dõi tin tức của làng giải trí Thái Lan và nước ngoài. Em chắc chắn rằng chưa từng thấy anh ta xuất hiện trên báo chí, ít nhất là trên ống kính. Nhưng nếu anh ta là người nổi tiếng thật thì có lẽ anh thuộc loại đứng phía sau nhiều hơn. Vì nếu đứng trước ống kính, chắc chắn Pare sẽ nhớ được. Gương mặt nổi bật như thế kia cơ mà”. Paremai nổi tiếng là người có trí nhớ tốt được bạn bè công nhận.
Đội trưởng Tula hơi mếch lòng vì Paremai khen ngợi người con trai khác trước mặt anh. Nhưng khi thấy nét mặt cô không hề có ý khen ngợi, anh lại cảm thấy thoải mái hơn.
“Nếu vậy thì anh ta là ai?”. Tula hỏi tiếp.
Paremai đẩy một tập giấy cô đã copy ra trước mặt anh rồi trả lời: “Đây là hội thoại chat MSN giữa Mai và người đàn ông đó. Em đã in hết ra đây. Đội trưởng giữ lấy một bản làm bằng chứng. Đại khái thế này, Mai quen với tên Patiya qua một chương trình tìm bạn chat. Hai người kết bạn và Mai hết sức tin tưởng hắn, kể hết mọi chuyện về cuộc sống riêng với hắn, gửi cả file ảnh của mình trao đổi với hắn. Hai người cũng đã cho nhau số di động. Trong các đoạn hội thoại, tên Patiya nói rằng mình vẫn độc thân, là con lai giữa Thái và Mỹ, ba mươi sáu tuổi và hiện làm việc ở một công ty sản xuất phim”.
“Em nói hắn tên, họ là gì nhỉ?”. Tula quay sang hỏi lớn.
“Patiya Warakorn ạ. Trong đoạn hội thoại, hắn bảo với Yaimai họ tên đó”.
“Nếu vậy thì có manh mối rồi vì người chủ khách sạn nơi xảy ra vụ án mạng nói rằng có người tới check in với tên họ như thế. Lễ tân nói với anh rằng hắn vào check in với tên Patiya Warakorn. Thế Pare đã thử gọi vào di động của hắn hay chưa?”.
“Thử rồi nhưng số điện thoại này đã bị khóa. Em không thể kiểm tra với hệ thống được bởi đây là số thuê bao trả trước nên không cần đăng ký sử dụng dịch vụ”.
Tula gật đầu: “Chứng tỏ hắn đã lên kế hoạch lừa ngay từ đầu”.
“Vâng. Em cũng nghĩ như vậy”.
“Thế em đang kiểm tra các công ty sản xuất phim ở Thái Lan hay chưa? Nếu chưa để anh nhận việc này cho”.
“Hiện em đang kiểm tra nhưng vẫn chưa xong vì tìm trên Google có tới bảy mươi công ty sản xuất phim. Trong đó có khoảng mười công ty nổi tiếng em chọn gọi trước, thì họ đều phủ nhận cái tên Patiya Warakorn”. Paremai vừa nói vừa đẩy một tờ giấy đến trước mặt Tula: “Đây là tên của tất cả các công ty sản xuất phim và băng đĩa nhạc cùng với số điện thoại mà em đã tìm được. Nếu đội trưởng giao việc này cho cấp dưới kiểm tra thì thật là tốt quá. Còn đây là lai lịch của tên Patiya để có gì còn so sánh, và đây là danh sách tên các bạn trong nhóm của Yaimai”.
“Được. Không vấn đề gì. Cảnh sát sẽ có được thông tin dễ dàng hơn”.
“Vâng ạ. Có một điều rất đáng chú ý. Khi em thử dùng cả tên tiếng Thái và tiếng Anh cũng như địa chỉ e-mail mà hắn dùng để chat MSN với Yaimai để tìm trên internet thì thấy tên của hắn xuất hiện cùng với một đường link. Điều đó có thể hiểu theo hai cách, một là Patiya cố ý lập một e-mail mới để chat với Yaimai, hai là e-mail sẵn có của hắn, chỉ có điều đây là e-mail cá nhân nên không thể dùng để đăng lên bất kỳ tin nào được. Điều đáng chú ý là khi sử dụng tên và họ của hắn để tìm kiếm trên Google, em bắt gặp tên của rất nhiều vị quan chức cao cấp trong Nhà nước cùng có chung họ với hắn. Để em thử tìm kiếm thông tin về nguồn gốc dòng họ Warakorn xem tại sao lại có nhiều người làm quan to mang họ này như vậy”.
“Có thể có hai lý do, một là tên Patiya này đúng là một người trong dòng họ đó, hai là hắn là loại người thích mạo danh người khác”.
“Nếu thuộc loại thứ hai thì tên này đúng là một kẻ ngu ngốc khi chọn dòng họ nổi tiếng để mạo danh, bởi vì việc tìm kiếm sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều”. Paremai nói tiêp câu của anh.
“Đúng vậy. Vì thế chúng ta bắt đầu từ việc tìm kiếm dòng họ Warakorn”.
“Vâng ạ. Bây giờ em chưa đăng tin này vì muốn kiểm tra cho chắc chắn đã. Phiền đội trưởng kiểm tra giúp em thông tin với Bộ Nội vụ xem hắn là ai và có đúng là người trong dòng họ này hay không”. Thực ra cô có thể tự kiểm tra nhưng chắc phải mất nhiều thời gian hơn.
“Ừ, cứ để anh. May là em chưa công bố tin này, vì nếu chưa xác định thông tin một cách chính xác, cho dù có đoạn hội thoại này là chứng cớ thì có thể vẫn xảy ra việc kiện tụng với tội xúc phạm danh dự của người khác bởi biết đâu tên tội phạm đã mạo danh Patiya. Hoặc giả sử Patiya đúng là thủ phạm thực sự mà ta vội vàng công bố tin này sẽ khiến hắn manh động chạy trốn mất. Vì vậy em đừng công bố tin này trong một thời gian nữa được không?”.
“Được ạ. Em cũng nghĩ như đội trưởng. Phải làm sáng tỏ thông tin rồi mới công bố ở tất cả các báo. Như thế tin sẽ có sức mạnh hơn”.
Tula mỉm cười vì điều anh muốn nói còn đồng nghĩa với việc ra đòn đối với thủ phạm một cách hiệu quả, tạo được ảnh hưởng tốt hơn việc đăng tin trên một tờ báo duy nhất nào đó. Bởi việc đăng tin trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng sẽ khiến cho người dân cả nước đều biết tới tin tức này.
Tula bình thản trả lời: “Ừ. Nếu có thông tin gì được làm sáng tỏ, anh sẽ là người cho công bố trên báo chí để tránh việc em sẽ bị kiện lại”.
“Được ạ. Cảm ơn anh”. Paremai mỉm cười xúc động: “Thế có tìm thấy giấy tờ tùy thân, chứng minh nhân dân và điện thoại di động của Yaimai không ạ?”.
“Vẫn chưa tìm thấy. Anh đã lệnh cho cấp dưới tìm kiếm trong bán kính một trăm mét kể từ khách sạn nhưng vẫn chưa thấy gì đáng nghi vấn cả”.
Paremai gật đầu nghĩ thầm có lẽ thủ phạm vẫn cất giữ những bằng chứng đó hoặc đã hủy chúng đi rồi. Cô hỏi tiếp: “Thế có tìm được đầu mối gì từ camera bí mật của khách sạn không ạ? Hôm qua tại hiện trường các anh có tìm được dấu vân tay của thủ phạm không?”.
“Phía khách sạn thông báo sẽ gửi đĩa CD vào ngày mai vì hôm qua thợ kỹ thuật nghỉ ốm. Nếu nhận được đĩa CD anh sẽ kiểm tra ngay. Còn về dấu vân tay, phía anh đang khẩn trương kiểm tra”.
Paremai cảm thấy lo lắng khi vẫn chưa có dấu hiệu gì tìm được đầu mối để truy bắt thủ phạm.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT