Có lẽ chứng kiến võ công của người yêu, Oanh Oanh không còn sợ hãi nữa, nàng cười thánh thót rồi rút ống sáo ngọc, đưa lên môi. Tiếng sáo của nàng du dương bất tận, khi trầm khi bỗng. Tiếng trầm làm lòng người chùng xuống, tiếng bỗng làm cho hồn lâng lâng, những lúc nỉ non ai oán làm người nghe xót xa cho kẻ chinh phụ chờ chồng. Bản nhạc do nàng theo huyền sử về núi quân sơn mà viết ra. Theo truyện, vào đời nhà Thương có một vị vua đi tuần phương Nam. Hai cô hầu của nhà vua đã nhớ nhung và đi tìm. Đi vào giữa hồ Động Hồ sóng nước mênh mông, hai nàng không biết phải đi đâu, ôm nhau mà khóc cho đến chết. Tấm lòng của hai nàng làm trời đất cảm động, tạo ra núi Quân sơn để chôn cất hai nàng, và những giọt nước mắt của hai nàng đã biến thành tre trúc ở Quân sơn.
Vợ chồng Từ Mộ Lâm, nhận ra võ công thần kỳ, thái độ tự tin của Tích Nhân, thong thả ngâm nga những câu thơ hẹn ngày gặp gỡ, rồi cô gái lại bình thản với tiếng sáo tuyệt vời nghe ra rung động tận tâm phế, tự hỏi không biết họ là ai. Bà vợ của ông ta, hình như bị tiếng sáo chinh phục, im lặng thưởng thức. Tửu Cái phi thân lên lầu, thấy vợ chồng Từ Mộ Lâm ngồi im, và tiếng sáo cũng thu hút ông ta nên ông ta cũng ngồi im.
Oanh Oanh dứt tiếng sáo, Tích Nhân thở dài:
- Tỷ tỷ! tiểu đệ chỉ có thể lưu lại đêm nay nữa thôi, hay là chúng ta rời khỏi nơi đây. Đây không phải là chỗ chúng ta.
- Nhân đệ muốn đi đâu thì cứ đưa ta đến đó. Hay Nhân đệ đi đâu cũng mang ta theo.. ta không thể xa Nhân đệ!
Nghe hai người lại nói chuyện ái ân trước mặt mình, Tửu Cái lại nổi giận:
- Hai đứa ngươi thật sự là ai? Hừ! giữa thanh thiên bạch nhật mà không biết xấu hổ! Tiểu tử lại đây ta đánh với ngươi ngàn hiệp. Ta phải trả thù cái ném vừa rồi!
Tích Nhân cười ha hả:
- Cái bang đệ tử hàng vạn, trên là Sử bang chủ, dưới là Tửu Cái, thế nhưng ta tha chết cho đã không biết thân lại còn dám đòi thách đánh ngàn chiêu. Ta phải đưa nương tử đi đây, có muốn thì thi thố vài chiêu cho ta xem thử! Nếu bị bại phải hứa từ nay không kiêu căng phách lối với hậu bối nữa. Dám hứa hay không?
Tửu Cái tức giận đứng lên:
- Tổ bà nó! Ta thua ngươi lần này, thì tôn ngươi làm sư phụ.
Tích Nhân cầm tay Oanh Oanh đứng lên:
- Muốn đánh thì ra tay đi, không thì ta đi đây, không mất thì giờ nữa.
Tửu Cái tức giận tung ra hai luồng chưởng lực. Cái bang có môn Hàng long thập bát chưởng rất hùng mạnh, tu vi của Tửu Cái tới năm sáu chục năm công lực. Chưởng tung ra làm căn lầu rung rinh như muốn đổ. Tích Nhân khoát nhẹ tay, nhưng dùng tám thành Đồng cổ công, Tửu cái cảm thấy chưởng lực của mình tung ra bị đánh tạt lại, một sức mạnh khủng khiếp đè tới. Ông ta hoảng hốt xuống tấn, dồn công lực xuống chân chịu đựng để khỏi bị đánh ngã, nhưng dưới chân là sàn gỗ, bây giờ không khác gì bị sức nặng ngàn cân đè xuống phải gãy đổ và ông ta bị rớt xuống bên dưới. Tích Nhân cả cười, cùng với tiếng cười, nắm tay Oanh Oanh đưa hai người ra lan can. Tư thế khinh công lơ lửng như bay lên đưa lưng đi trước , mặt quay lại của Tích Nhân đẹp vô cùng, vợ chồng Từ Mộ Lâm mở to mắt nhìn, và mở to thêm đôi mắt, khi thấy Oanh Oanh vô tình hay cố ý, hay vì sức gió phải bỏ tấm sa để lộ khuông mặt khuynh quốc của nàng. Cả hai đứng lơ lửng trên không tưởng không khác tiên đồng, ngọc nữ. Và vợ chồng Từ Mộ Lâm mở to thêm đôi mắt khi thấy Tích Nhân trong tư thế lơ lửng đó, bồng Oanh Oanh lên hai tay, quay lại, rồi chân không đạp vào đâu mà chợt lướt mình đi như sao xẹt, có phi đao hay ám khí bắn theo cách trong gang tấc cũng khó trúng, phi đao và ám khí có thể còn thua tốc độ khinh công này.
Từ phu nhân kêu lên:
- Thần kỳ! Thần diệu! Họ là ai? Không nói tới võ công, tiểu muội chưa từng thấy cặp trai gái nào tài sắc như họ.
Mộ Lâm thở dài:
- Tiểu huynh có khác gì hiền muội! Xem ra võ học mênh mông như biển cả.
- Họ có phải là người võ lâm hay không? Tiếng sáo của cô gái làm tiện thiếp say mê, tưởng như nghe nhạc trời. Còn người nam tuổi có lẽ lớn hơn Hoàng nhi chúng ta chút ít, nhưng xuất khẩu thành chương.. còn võ công! Tiểu muội nghĩ có nói ra cũng không ai tin, nhưng đây là sự thật. (Vợ Từ Mộ Lâm không đọc sách nhiều, nên tưởng Tích Nhân xuất khẩu thành chương)
Tửu Cái từ dưới lầu bước lên, chân khập khễnh, hai tay sưng đỏ, đầu tóc đầy bụi bặm, gãi tai:
- Bọn sai nha bắt lão phải bồi thường tu sửa sàn lầu lại. Mẹ kiếp! tiểu tử ấy là ai?
- Vãn bối cũng không thể nào biết được, nhưng nếu là kẻ thù của chính phái thì võ lâm chung nguyên sẽ gặp đại kiếp nạn.
Từ phu nhân phản đối trượng phu:
- Thiếp thấy họ không ác ý! Người thanh niên mặt đầy chính khí. Nếu là ác nhân, Tần tiền bối sợ e..
Tửu Cái gật đầu:
- Nếu khi ném ta xuống mấy tầng lầu, gã khống chế huyệt đạo thì ta đã trở thành miếng thịt bầy nhầy. Lúc đánh nhau, gã phát chưởng thật kỳ diệu, như bao trùm, cuốn lấy chưởng lực của ta và đẩy lại. Gã cũng sử dụng kình lực rất khéo, trấn áp từ từ đủ để sàn nhà sập xuống, và khi ta sắp rớt thì chưởng kình cũng thu lại. Nếu không, ta không táng mạng, ít nhất hai tay ta cũng gãy vụn. Đúng, cả đời ta chưa bao giờ bị thua nhục nhã thế này, nhưng gã không muốn lấy mạng ta là điều ta phải công nhận. Võ công đúng là kinh thế.
Từ phu nhân cười:
- Tiền bối đúng là người thẳng tính, có sao nhận vậy. Họ là cặp uyên ương đang âu yếm nhau mà bị tiền bối la hét, ra tay đánh người, họ không giận điên lên để giết tiền bối đủ thấy không phải ác nhân. Tiểu nữ mà bị hô hét, bị dang tay ra tát như vậy thì hừ hừ..
- Thì ngươi rút kiếm lấy đầu ta phải không? Trưởng nữ của Giang Nam Thế Gia có tiếng thông minh tinh tế và thẳng thắn đã nhận ra họ không phải ác nhân, thì đúng là không phải ác nhân.
Từ phu nhân cười:
- Tiền bối có hứa nếu thua tôn gã làm sư phụ, vãn bối thật lo cho tiền bối.
Tửu Cái gãi đầu:
- Võ công hắn giỏi hơn, ta có tôn làm sư phụ cũng chẳng sao! Không ai đặt ra luật lệ sư phụ phải lớn tuổi hơn đồ đệ.
Từ phu nhân cười lớn:
- Hình như gã chỉ đòi tiền bối nếu có thua từ nay không được coi thường, phách lối với hậu bối nữa mà thôi. Tiền bối phải nhớ lấy.
- Ta cũng chỉ muốn chúng đi chỗ khác cho chúng ta bàn chuyện thoải mái hơn. Không ngờ sự việc xảy ra như vậy.
Từ Mộ Lâm:
- Vãn bối cũng lấy làm lạ sao tiền bối lại ước hẹn ở đây?
Từ phu nhân:
- Ở đây có thể ngắm cảnh trời nước mênh mông, thuyền buồm tấp nập, đúng là nơi uống rượu ngắm cảnh tuyệt vời. Tần tiền bối uống rượu chỉ cần chút ít thức nhấm, nhưng rượu phải ngon và nơi uống rượu phải có phong cảnh tuyệt vời!
- Ta học của gia gia ngươi được bao nhiêu đó. Ta cũng có hẹn với gia gia ngươi nên chọn nơi này! Ta không thông báo cho ngươi biết sớm là để làm cho ngươi ngạc nhiên.
- Ồ! Gia phụ cũng đích thân đến đây hay sao?
- Hoàng thượng đã hạ chỉ cho Thần kiếm sơn trang, thì đâu có bỏ qua cho Giang Nam Thế Gia? Kỳ này hoàng thượng muốn dùng một mẻ lưới quét sạch bọn Bạch Liên Giáo. Ngoài vợ chồng Từ thiếu trang chủ đại diện cho thần kiếm sơn trang, Lục trang chủ hướng dẫn mười cao thủ tham gia, còn có Thập bát La hán chùa Thiếu Lân, Võ Đang Tam kiếm, Côn Luân Tứ Kiếm, Tuyệt Trần sư thái của Nga My, Hoa Sơn Thạch chưởng môn.. Vạn lý thần thâu đã lưu lại cho Cái bang đệ tử các ký hiệu từ Bạch đế thành cho đến đây. Có thể Động đình hồ sẽ là nơi trận chiến giữa chúng ta và Bạch liên giáo sẽ diễn ra. Tiêu công công đã ra lệnh cho Nhạc Dương phủ, ngay trong ngày mai chúng ta sẽ lấy Nhạc dương lâu làm nơi đón tiếp hào khách giang hồ không phải trả tiền rượu thịt, và tổng đàn của Động đình bang sẽ là nơi đặt hành dinh của chúng ta. Tiêu công công hiện có mặt ở Động đình bang.
Từ phu nhân hỏi:
- Tư Mã tiền bối đã đánh cắp thứ gì của Bạch liên giáo mà họ phải truy tìm ông ta bằng mọi cách?
Tửu Cái thở dài:
- Lão Tư Mã nhận lệnh của Tiêu công công phải tìm tổng hành dinh của Bạch liên giáo đánh cắp quyển Càn khôn thần công của chúng. Nếu không tội ông ta đánh cắp chiếc bảo bình trong cung lúc hoàng thành binh biến sẽ bị trừng trị, bang phái nào liên hệ với lão Tư Mã cũng bị tội. Sợ triều đình trừng phạt và sợ bị cô lập trên giang hồ, liên tiếp mấy năm lão Tư Mã bôn ba cố lập công nhưng cũng không tìm ra được tổng đàn của Bạch Liên ở đâu nói gì có thể đánh cắp bí lục! Vì thế lão lại đào mả của tiền giáo chủ Bạch liên giáo là Lạt thủ thần quân Lưu Đại Bình, lấy chiếc đầu lâu đem đi dấu, lưu thư lại đòi Bạch liên giáo đem Càn Khôn bí lục đến chuộc. Lạt thủ thần quân là thân phụ của Bạch Liên giáo chủ hiện thời!
Từ phu nhân kêu lên:
- Lão làm việc thương luân bại lý như vậy, chúng ta lại có thể giúp lão hay sao?
- Lệnh của triều đình sắp mãn hạn cho lão, và việc tiêu diệt Bạch liên giáo cũng là bổn phận của chánh phái chúng ta. Đánh cho tan Bạch liên giáo là bổn phận chúng ta, còn việc của lão thần thâu là việc của lão!
Từ Mộ Lâm thở dài:
- Lão thần thâu làm việc này thật tệ hại. Thần kiếm sơn trang tuân lệnh triều đình hành sự thì cũng không ngại đổ máu với Bạch liên giáo, nhưng che chở cho lão thần thâu, thì nhất định không làm!
Từ phu nhân:
- Tiểu điệt cũng sẽ thưa với gia gia không thể bảo vệ cho lão thần thâu. Giang nam thế gia nhất định cũng không che chở tội bá đạo, đào mả lấy đầu người chết như vậy. Nhất là, Lưu giáo chủ, Lạt thủ thần quân năm xưa nghe nói cũng là một chính nhân quân tử.
Tửu Cái gãi đầu:
- Lão Tư Mã là bạn thân của ta. Không giúp lão qua tai nạn này sao gọi là đạo nghĩa giang hồ?
- Vì đạo nghĩa giang hồ chúng ta cũng không thể bênh vực kẻ đào mồ! Từ phu nhân quả quyết..
Tửu Cái chưa biết nói thề nào để thuyết phục vợ chồng Từ Mộ Lâm, thì dưới lầu một khất cái hàng sáu túi chạy lên, thi lễ với Tửu Cái và vợ chồng họ Từ rồi trình báo:
- Chúng ta đã gặp nguy! Có tin Tứ Thần của Bạch liên giáo đang trên đường đi tấn công Thần kiếm sơn trang. Tứ Thánh đi tấn công Giang nam thế gia. Giáo chủ Bạch liên giáo và Tứ Cơ đi hành thích hoàng thượng nên Tiêu công công trong đêm đã lên đường gấp về kinh. Lục bang chủ sắp tới Động đình hồ cũng bỏ thuyền lên bộ, dùng khinh công đi gấp về Thái hồ! Các phân đàn Cái bang dọc trường giang, từ Động đình đến Bá Dương hồ đêm qua cũng bị Bạch liên giáo tấn công, đệ tử chết hơn mấy chục người!
Tửu Cái biến sắc mặt. Từ Mộ Lâm động dung:
- Nếu vậy vợ chồng tiểu điệt cũng phải đi gấp về Thần kiếm sơn trang. Gia phụ hiện đã quá già! Phu nhân! Chúng ta đi ngay.
Tửu Cái nghe những tuyệt đại cao thủ như Tiêu công công, tổng quản thái giám đại nội và Lục Thừa Phong đã bỏ đi, biết kế hoạch đã đổ vỡ, ngồi thừ ra. Vợ chồng Từ Mộ Lâm đứng lên thi lễ, song song dùng khinh công phóng ra lan căn lầu bỏ đi ông ta cũng không đứng lên đưa tiễn.
Trở lại Tích Nhân đưa Oanh Oanh khỏi Nhạc dương lâu, nàng nói cách thành Nhạc dương ba chục dặm về hướng đông có một sơn trang của gia đình nàng. Hiện Bốc lão và bọn thị tỳ đang ở đó chờ, và muốn Tích Nhân đưa mình tới đó. Hơn giờ sau, Tích Nhân đưa Oanh Oanh tới nơi. Tích Nhân thấy đây là một khu vườn rộng cả trăm mẫu trồng rất nhiều cây ăn trái nào quất, nào cam, nào đào, nào lý..Trong khu vườn có một căn nhà khá to. Trong khu vườn còn có chuồng ngựa, nơi nuôi gia súc. Nhưng chung quanh im lặng như tờ, không một bóng người. Tích nhân hạ chân xuống cửa nhà thấy có tấm giấy của Bốc lão lưu lại: “ không biết bao giờ chủ nhân và nhị gia về tới, lão nô và ba chị em Thanh Mai đi Nhạc Dương. Người săn sóc vườn cũng xin nghỉ hai ngày. Chỉ mỗi sáng tới cho gia súc ăn. Nếu chủ nhân về tới mà bọn lão nô chưa về kịp, xin xá tội.” Oanh Oanh đọc tấm giấy dán trên cửa mặt hoa ửng đỏ, dựa vào Tích Nhân;
- Chúng ta lại có những phút bên nhau, không ai quấy phá!
Tích Nhân lại bồng nàng lên:
- Khuê phòng của nàng tiên ở nơi nào?
Oanh Oanh rúc đầu vào Tích Nhân:
- Đúng là tên dâm tặc! Ngày đêm chỉ biết có khuê phòng!
Nàng thở dài:
- Tỷ tỷ chẳng muốn rời Nhân đệ chút nào, nhưng trễ nải hành trình của Nhân đệ cũng làm tỷ tỷ áy náy không yên. Trước khi rời thuyền tỷ tỷ cũng có dặn Bốc lão và chị em Thanh Mai chuẩn bị ngựa và hành lý cho Nhận đệ. Nhân đệ vì ta dùn dằn mãi, ta sợ..
Tích Nhân thật say mê Oanh Oanh, và cũng sợ ra đi làm nàng buồn nên cứ chần chờ, nhưng nàng đã có lời, cảm thấy không thể lưu luyến nữa:
- Nếu vậy thì tiểu đệ đi ngay bây giờ được không?
- Ta cũng đã dặn lòng, hôm nay là ngày Nhân đệ ra đi.
Đặt Oanh Oanh xuống đất, Tích Nhân âu yếm:
- Tiểu đệ không muốn rời tỷ tỷ. Nhưng thêm một ngày rồi cũng chia tay. Vậy tiểu đệ đi ngay bây giờ.
Oanh Oanh nắm tay kéo Tích Nhân vào nhà:
- Trước khi đi, ta..có chuẩn bị chút hành trang cho Nhân đệ.
Tích Nhân theo tay nàng. Cả hai vào phòng. Dĩ nhiên là phòng dành cho nàng. Oanh Oanh mở một chiếc xách mang vai:
- Tỷ tỷ không có thời gian đích tay may quần áo cho Nhân đệ, nhưng cũng dặn chị em Thanh Mai cắt may cho Nhân đệ mấy bộ. Võ phục có nho sinh cũng có. Nhân đệ đi gấp mặc võ phục dễ bị giới võ lâm chú ý khiêu khích, tốt nhất là là mặc nho sinh. Để ta mặc bộ nho sinh này xem có vừa hay không?
Không chờ Tích Nhân đồng ý, nàng cởi khuy cho người yêu. Tích Nhân ngoan ngoãn để nàng cởi bỏ và mặc bộ đồ mới. Mặc xong sửa cho ngay ngắn, nàng đội mũ cho người yêu rồi nhìn không chớp mắt. Tích Nhan đưa mắt hỏi, nàng ngã vào Tích Nhân:
- Nhân đệ đẹp quá, ta nghĩ Phan An, Tống Ngọc năm xưa không biết như thế nào, nhưng Nhân đệ nhất định cô gái nào nhìn thấy cũng mê ngay. Ta lo sợ!
Tích Nhân kéo nàng tới tấm gương đồng trong phòng, thấy mình đúng là một nho sinh, một công tử rất phương phi, còn Oanh Oanh thì đúng là người như tranh vẽ. Ôm nàng mỉm cười:
- Tiểu đệ đứng bên cũng cảm thấy không xứng đáng với nhan sắc của nàng.
- Ngoài gia gia và vài người thân trong gia đình, không ai biết mặt thật của ta. Ta cũng muốn từ nay, Nhân đệ cũng không để ai biết chân diện mục của mình. Nhân đệ có thể hứa không?
- Tiểu đệ hứa. Đã biết thuật dị dung, tiểu đệ sẽ cải đổi dung mạo, điều này cũng dễ hơn cho việc cứu ngoại tổ.
- Trước khi Nhân đệ lên đường, để ta cải đổi dung mạo cho Nhân đệ.
Oanh Oanh bày thuốc hóa trang ra, nhưng khi nàng đứng trước mặt, Tích Nhân thấy nét buồn phảng phất của nàng làm nàng đẹp não nùng, lại kéo vào lòng. Oanh Oanh ôm chần lấy người yêu, nước mắt đọng vành mi:
- Thiếp xa chàng chắc nhớ đến điên cuồng! Hay là đưa thiếp cùng đi? Chàng đâu thiếp đó! Sau khi cứu ngoại tổ của chàng ra, hai ta sông hồ tiêu dao ngày tháng.
- Khi cứu ngoại tổ xong, tỷ tỷ sẽ ở đâu để tiểu đệ đi tìm?
- Cũng sẽ đến Nam Kinh. Dưới chân núi Tử Kim Sơn tỷ tỷ có một biệt viện nhỏ là Hồng Diệp trang. Có lẽ phải hơn nửa tháng sau tỷ tỷ mới có mặt ở đó.
- Nếu chỉ nửa tháng sau, thì cũng không lâu gì lắm. Tiểu đệ sẽ cẩn thận để không đem phiền phức đến cho tỷ tỷ.
Oanh Oanh trách:
- Chúng ta đã thề cùng đồng tử, chẳng khác vợ chồng, thì tỷ tỷ ngại gì việc phạm tội với triều đình, nhất là triều đình cực kỳ tàn ác như Chu Nguyên Chương trước đây và Chu Đệ hiện nay.
Thấy Oanh Oanh chán ghét nhà Minh, có thể kêu tên tộc của vua Minh, Tích Nhân cười:
- Tỷ tỷ không sợ bị tru di tam tộc hay sao? Nếu có đứa con với tiểu đệ, thì phải nuôi nó lớn khôn làm một thi nhân nổi tiếng mới được chứ!
- Con chúng ta trở thành thi nhân nổi tiếng dưới triều đại này thì cũng dễ bị tru di.
Nàng ngồi xuống ghế và kể chuyện tàn ác của Chu Nguyên Chương với văn nhân:
- Chu Nguyên Chương đang được nhiều người cho là vua ăn mày. Lúc nhỏ ông ta không học hành bao nhiêu, Vì thế khi lên ngôi cao lại sợ bị thiên hạ nói đến sự dốt nát của mình hay dùng chữ nghĩa để mỉa mai mà mình không hiểu nên ác cảm với văn nhân, người có học. Có thể có tới hàng ngàn văn nhân thi sĩ đã bị triều Minh hãm hại dù chỉ vạch lá tìm sâu, xét từng lời từng chữ, suy già đoán non. Những văn thi sĩ nổi tiếng như nhóm “Ngô trung tứ kiệt”, như Hạ Bá Khải, Diêu Nhuận, Vương Mạc. .. đã thảm tử vì cầm bút.
Nàng cười vừa mỉa mai, vừa xót xa:
- Chu Nguyên Chương lúc nhỏ nhà nghèo không cơm ăn phải vào chùa làm sư để sống. Sau có thời đi làm đạo tặc, được kết nạp vào Minh Giáo, và nhờ nhóm Minh Giáo Hoài Tây có nhiều người giỏi như Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân, Thang Hòa, Hoa Vân.. mà lập nhiều chiến công, sau đó phản Minh Giáo, giết Tiểu Minh Vương, làm nên sự nghiệp như ngày nay. Lúc lên làm vua, lão Nguyên Chương này lại không muốn nhắc đến thời niên thiếu nghèo nàn, nên đã vì dốt mà giết nhiều người vốn muốn dùng văn chương tâng bốc ông ta. Những người bị Nguyên Chương giết vì mấy câu, mấy chữ trong biểu văn sau này có lẽ không muốn đầu thai làm người ăn học. Lâm Bá Cảnh vì trong bài biểu chúc mừng đông chí có viết “nghi tắc thiên hạ”, Nguyên Chương nghĩ chữ tắc cũng như chữ tặc cho họ Lâm mắng mình làm đạo tặc mà tru di. Giả Trợ, trong tờ biểu có viết mấy chữ “ thủ pháp tượng ngụy”, Nguyên Chương nghe hai chữ thủ pháp thành khứ phát là cạo đầu, tưởng mỉa mình làm thầy chùa năm xưa nên tru di..Không biết bao nhiêu việc như thế. Văn chương chữ nghĩa dưới trời mấy ông vua họ Chu này chỉ gây nên thảm họa.
Tích Nhân nghe sự dốt nát của Chu Nguyên Chương cả cười:
- Nếu tỷ tỷ có con chúng ta sang Đại Việt mà sống. Đại Việt nước nhỏ, nhưng vua quan đều là hạng đại nho. Sách vở trong thiên hạ đều thuộc. Tiểu đệ không ưa ông vua họ Hồ soán nghịch hiện nay, nhưng phải công nhận ông ta là một người bác học. Sách Minh Đạo do ông ta viết chê bai cả những đại nho như Trình Di, Trình Hiệu, Dương Quy Sơn, La Trọng Tổ, Lý Diên Bình..
Oanh Oanh chau mày:
- Ông ta có lẽ cũng thái quá! Những người huênh hoang thường lại mau thất bại.
Tích Nhân thở dài:
- Có lẽ tỷ tỷ nói đúng. Đại Việt đã từng đẩy lui quân Tống, ba lần đẩy lui quân Nguyên Mông sang xâm lấn. Nhưng lần này lại sợ khó lòng giữ sự độc lập tự chủ được! Lòng dân Đại Việt không theo nhà Hồ, và nhà Hồ hiện cũng không có tướng giỏi.
Oanh Oanh nhìn Tích Nhân giây lâu, như đắn đo cân nhắc, rồi hỏi:
- Nếu quân Minh xâm chiếm Đại Việt, Nhân đệ có giúp vua mình chống lại không?
- Đây là vấn đề khó khăn của tiểu đệ. Nhà Hồ có thể có thù sát hại cha mẹ của tiểu đệ, lại là kẻ soán ngôi. Giúp họ thì không thể giúp, nhưng cũng không thể để dân tộc làm nô lệ cho nhà Minh.
Oanh Oanh như đi trong lòng dạ Tích Nhân:
- Nhân đệ thấy nhà Hồ không thể giúp được nên không giúp, nhưng nếu quân Minh thắng thế sẽ huy động dân chúng đứng lên khởi nghĩa?
- Tiểu đệ tin chắc sẽ có nhiều người làm việc này. Tiểu đệ không có mộng làm vua làm chúa nên chắc cũng chỉ giúp cho những người đáng giúp mà thôi.
- Võ công Nhân đệ nhất định ở Đại Việt không ai sánh bằng. Văn học cũng không tệ tại sao lại không mang chí lớn dựng xây cơ nghiệp muôn đời, tưới đức cho muôn dân?
Tích Nhân lắc đầu:
- Cuộc sống như cánh chim trời, thong dong tự tại sung sướng hơn hàng vạn lần trói buộc trong nghi lễ triều cương. Hơn nữa...
- Hơn nữa việc gì?
Tích Nhân kéo nàng vào lòng, đùa:
- Hơn nữa làm vua Đại Việt cũng khó lập tỷ tỷ làm hoàng hậu, vì là người Hán. Dân chúng trong nước, gái đẹp trong nước sẽ bất mãn với ông vua của họ. Không làm vua để cùng tỷ tỷ tiêu sái giang hồ, nay núi mai sông chẳng phải là sung sướng như thần tiên hay sao?
Không hiểu nghĩ sao, Oanh Oanh lại chồm lên kéo cổ Tích Nhân xuống, thì thào trong tai:
- Tỷ tỷ rất muốn có với Nhân đệ một đứa con.
Hơi thở như hoa lan của nàng làm Tích nhân lại không muốn rời xa, cũng âu yếm:
- Tiểu đệ... để ..ngày mai mới lên đường.
- Ư! hãy để ngày mai đi..hãy để ngày mai đi..
Mờ sáng hôm sau, Tích Nhân với nhân dáng một nho sinh, lông mày đậm và thô, da mặt ngâm đen, vai mang kiếm, sáo; tay xách một bao nải khá lớn, (kẻ văn học đi xa không phải là người không phải chỉ cầm bút mà cũng thường mang kiếm. Lý Bạch năm xưa ngoài chiếc bút, vai cũng mang theo cây kiếm để đề phòng côn đồ, trộm cướp). Nho sinh này được một nho sinh khác không phải dưới dạng Hàn Tuân mà là một nho sinh mặt sáng như ngọc tiễn lên đường. Chàng công tử rất đẹp kia dĩ nhiên là Oanh Oanh. Họ ra cửa, trước sân đã có một ông lão lưng hơi còng, dắt một con ngựa to lớn, lông vàng rất mịn chờ đợi. Oanh Oanh tự tay lấy gói hành lý cột lên ngựa, rồi cũng tự tay tiếp lấy dây cương trao cho Tích Nhân:
- Con Thanh biêu này ngày đi ngàn dặm. Sức dẻo dai vô cùng. Mỗi ngày hiền đệ chỉ cần cho nó nghỉ ngơi giây lát ăn uống rồi đi tiếp. Đi đêm cũng như ban ngày không giảm sức lực. Nếu gặp tửu quán, trà lầu nên cho nó uống rượu. Từ nay nó là con ngựa của hiền đệ.
- Đa tạ đại ca. Mong sớm gặp lại.
Oanh Oanh lại đưa cho Tích Nhân một dụng cụ nhỏ làm bằng trúc:
- Chiếc còi này có thể gọi Thanh biêu khi nó ở cách xa, hay khi bị ai cởi mà nghe tiếng còi kêu gọi thì nó cũng lập tức quay về. Nó đã quen tập từ nhỏ, và chỉ biết người dùng tiếng còi là chủ nhân của nó.
Tích Nhân nhận chiếc còi bỏ vào áo, lên ngựa, thấy đôi mắt lưu luyến của Oanh Oanh lòng nhũn ra, không muốn xa nàng chút nào, và đây là lần đầu tiên trong đời Tích Nhân cảm thấy xa cách một người khó khăn và lưu luyến như thế nào. Phải đi mà chẳng muốn dời chân. Dù bịn rịn nhưng không thể không không đi, Tích Nhân nhẹ giật cương, con ngựa hí lên một tiếng dài, tung bốn vó. Oanh Oanh đứng nhìn theo cho đến khi không còn thấy bóng Tích Nhân. Sau đó nàng hú dài một tiếng thánh thót, giây lát trên trời cao xuất hiện một con chim điêu rất lớn, lông trắng như bông, đôi cánh giang rộng hàng trượng từ trên cao đáp xuống. Con chim còn cách mặt đất hàng chục trượng, nàng nhấc mình lên như mũi tên, thay đổi tư thế, ngồi lên lưng chim. Người và chim lại bay về hướng tây, đối ngược với hướng đi của Tích Nhân. Giống bạch điêu là giống chim to lớn còn sót lại rất ít, nhưng người cởi nó cũng phải có công lực thuộc hàng thượng đẳng, có thể đề khí làm cho thân thể nhẹ nhàng mới có thể cởi nó bay đi được. Tích Nhân nếu nhìn cảnh Oanh Oanh ngự điểu hẳn phải mở to đôi mắt, và nhận ra thân thủ khinh công của nàng cũng không thua kém gì mình!
Ra khỏi sơn trang, đến đường sơn đạo, con ngựa như muốn chứng tỏ khả năng với chủ mới, bốn vó chạm xuống mặt đường là cả người đưa tới phía trước như bay, dù lên dốc xuống đèo cũng êm ái vô cùng. Từng cởi con Hồng Lô của Tiên Nhi và Thừa Lân tặng, Tích Nhân tưởng trên đời không có con ngựa nào bằng, nhưng khi cởi con ngựa Ô Long của Phượng Hoàng Bang đi tới Sơn Thành, Tích Nhân thấy con Ô Long còn chạy nhanh và êm hơn Hồng lô. Với con Thanh biêu của Oanh Oanh, Tích Nhân không khỏi cảm khái ngựa hay rồi cũng có ngựa hay hơn. Nghĩ tới Oanh Oanh, nghĩ tới những hồng nhan tri kỷ lại cũng nhận ra giai nhân, người đẹp đến đâu thì cũng có kẻ đẹp hơn. Chưa từng gặp cao thủ xứng tay, nhưng từ ngựa hay, từ giai nhân, Tích Nhân cũng nghĩ dù gặp nhiều kỳ duyên, võ công của mình hiện cũng khó ai qua, nhưng biết đâu trên đời hẳn có lắm kẻ hơn mình. Thiên ngoại hữu thiên! ngoài trời có trời!
Trưa hôm đó, Tích Nhân dừng chân ở một quán bên đường, cho ngựa ăn cỏ, uống nước, còn mình thì dùng mấy chiếc bánh bao, rồi tiếp tục hành trình. Ngày đêm chỉ nghỉ ngơi giây lát như thế. Khi đến khu vực Ba Dương Hồ, dưới chân một ngọn núi gặp một trận huyết chiến. Đang cần đi gấp, nhưng những kẻ đánh nhau lại choán cả đường lộ, Tích Nhân đành phải dừng ngựa. Nhìn qua, thấy hai bên đều là cao thủ thượng thặng, một phía là bốn trung niên kiếm thủ đâu lưng nhau, một phía hai lão quái nhân, một người to mập, lùn thấp; một người cao lêu nghêu, lại ốm tong teo. Cả hai chỉ dùng chưởng pháp, nhưng làm cho bốn tay kiếm thủ đang ở thế hạ phong, chống chọi trong tuyệt vọng. Võ công của hai quái nhân dưới cặp mắt Tích Nhân cũng không kém Đoàn Hán Thiên. Giám sát chiến trận bên ngoài là một thanh niên khoảng trên hai mươi tuổi, có lẽ là gái giả trai nên có thể khó có nam nhân nào có thể đẹp trai như vậy. Thanh niên cũng có lẽ là người cầm đầu toán người, hai bên ngoài hai phụ nhân khoảng bốn năm mươi đứng hầu, còn có tám tay kiếm thủ giăng hàng đứng phía sau. Nhìn qua số người này, Tích Nhân biết ngay họ đều là những cao thủ thượng thặng. Thấy Tích Nhân tới, một trong hai phụ nhân phóng ra chận đầu:
- Công tử không phải là khách võ lâm, hãy quay đầu ngựa trở lại.
Lúc này Tích Nhân đã nhận ra bốn kiếm sĩ bị bao vây sử dụng Côn luân kiếm pháp và đang nguy hiểm nên thấy không thể không giúp đỡ, bèn cười:
- Tại hạ đang trên đường đến Cửu Giang Thành, quay trở lại thì làm sao đến nơi được? Xin phiền quí vị hãy nhường đường cho.
Thấy Tích Nhân là một nho sinh, mình mặc nho phục, đầu đội nho cân, tuổi tác không lớn lắm, tướng mạo chẳng có gì đặc biệt, nhưng áo quần sang trọng, còn ngựa đúng là thiên lý mã, phụ nhân cười:
- Công tử dù con nhà quan quyền đi nữa, nhưng chỗ này đã có chúng ta, thì dù là hoàng đế nhà Minh cũng không thể cãi lời. Nếu không quay đầu lại ngay, thì ta hạ sát ngay.
Tích Nhân tức giận:
- Các ngươi là cường đạo? Nữ nhân lại làm cường đạo hay sao? Ta là một văn nhân nhưng cũng luyện quyền múa kiếm vài năm. Nếu các ngươi không tuân vương pháp ta sẽ thay trời thế thiên hành đạo.
Phụ nhân cười nắc nẻ:
- Đúng là tên đồ gàn ngớ ngẩn! Ngươi không đi thì ta buộc ngươi xuống ngựa nằm lăn mấy vòng!
Dứt tiếng, phụ nhân vươn tay chộp cổ chân Tích Nhân. Thế chộp trông nhẹ nhàng nhưng mau lẹ vô cùng, chứng tỏ phụ nhân võ công cao khôn lường. Tích Nhân không búng chỉ lực chống đỡ mà chỉ rụt chân lại. Chụp hụt, phụ nhân lại chụp tới lần nữa. Lần này bà ta chụp được cổ chân, nhưng tưởng chụp phải cục sắt cứng rắn, và cảm nhận mũi giày của Tích Nhân đang nhích lên điểm cổ tay mình. Bà ta biết nguy, phóng mình ra xa, quát:
- Thì ra ngươi cũng là cao thủ võ lâm!
Tích Nhân cười nhẹ:
- Chẳng dám! Ta là học trò, chỉ biết chút võ nghệ phòng thân.
Thấy chuyện lạ, phụ nhân thứ hai phi tới. Tích Nhân xuống ngựa, con thanh biêu hình như biết chuyện tranh chấp sắp diễn ra nên hí một tiếng dài, trở mình chạy về phía sau.
Phụ nhân sau tiếng quát, tức thời phi tới tấn công.
Tích Nhân muốn chứng tỏ uy lực lúc đầu để buộc hai nên ngừng tay, tìm hiểu cuộc xung đột của nhóm cao thủ và bốn tay kiếm thủ Côn Luân, nên phụ nhân tấn công thì khoát tay. Cái khoát tay của Tích Nhân làm phụ nhân cảm thấy áp lực rất mạnh la lên một tiếng thất thanh phóng mình ra sau tránh né. Khi phụ nhân tránh né, Tích Nhân đã lạng mình vào bên bốn kiến thủ Côn Luân, và tấn công hai lão già mập ốm. Hai lão đang đắc ý, thì nhận ra hai luồng lực đạo rất mạnh ập tới, cũng buộc phải nhảy lùi lại. Khi nhìn lại thấy bên cạnh bốn tay kiếm Côn Luân là một nho sinh còn rất trẻ lấy làm quái dị, kinh ngạc. Hai quái nhân này là hai cao thủ lừng danh quan ngoại, tự phụ võ lâm Trung nguyên không mấy người ngang tay họ. Một người có thể phóng ra hai chưởng buộc họ phải tránh né, dù trong lúc bất ngờ đi nữa cũng không thể là một người trẻ tuổi được!
Khi hai quái nhân phải nhảy tránh, trận chiến tạm ngưng, Tích Nhân thấy hai quái nhân, một người cao gầy đen như lọ, mặt dài như mặt ngựa, đầu tóc bạc trắng. Còn quái nhân kia mập tròn, đầu hói không sợi tóc, nhưng ăn mặc không phải nhà sư. Bốn tay kiếm Côn Luân, cùng trạc chừng tuổi nhau độ khoảng năm mươi, ai cũng râu ba chòm và diện mạo đường đường. Mỗi người đều có một nét uy nghi, dù lúc bấy giờ mồ hôi đã đổ thấm cả áo và hơn thở không còn điều hòa. Bốn người nhìn thấy kẻ ra tay đẩy lui cường địch chỉ là một nho sinh, không quen biết cũng lấy làm kinh ngạc không ít. Quái nhân gầy ốm tức giận, quát to:
- Ngươi là ai? Có liên quan gì tới Côn Luân?
- Tiểu sinh họ Trần.. đối với Côn Luân cũng có chút ít liên quan.
Người thanh niên công tử phe phẩy quạt lông bước đến gần, cười khẽ:
- Xem ra huynh đài cũng có lai lịch phi thường, võ công còn hơn cả Côn Luân Tứ Kiếm. Xin cho biết tôn tính đại danh và liên hệ với Côn Luân như thế nào?
Nghe gã công tử nói, Tích Nhân mới biết bốn trung niên là Côn Luân Tứ Kiếm, đệ tử đắc ý của Côn Luân lão nhân, sư đệ của chưởng môn Tử Hư Tử hiện nay. Trong lòng liền có ý nghĩ, xem thử những lời nói của Điểm Thương Song Lão có đúng hay không, bèn cung tay:
- Tại hạ họ Trần tên Tích nhân.. không phải là đệ tử Côn Luân, nhưng được Côn Luân Lão Nhân truyền cho ít chiêu kiếm pháp. Thấy đệ tử của Lão Nhân bị đám đông bao vây, không thể không tương trợ.
Gã công tử nét mặt có vẻ vui mừng:
- Ngươi biết Côn Luân lão nhân đang ở đâu? Ông ta đang ở đâu?
Thấy gã vô lễ gọi mình là “ngươi”, Tích Nhân bực bội:
- Tại hạ không biết ông ta đang ở đâu. Có biết cũng không cần phải nói cho ngươi biết.
Gã công tử ngạo nghễ:
- Người không nói, thì .. hôm nay, ta buộc cho ngươi nói.
Gã lùi lại và khoác tay, nhưng Tích Nhân như điện xẹt phóng tới. Hai quái nhân mập cao cùng quát to, bốn luồng chưởng vừa nóng như lửa, vừa lạnh như băng cùng phóng ra chụp theo. Hai quái nhân kịp thấy Tích Nhân nhích động biết có biến, phóng chưởng đánh ra để buộc Tích Nhân phải quay lại chống đỡ, cứu nguy cho chủ nhân. Nhưng Tích Nhân lại không làm như họ nghĩ, chụp lấy gã thanh niên công tử, liền thúc chân khí lướt mình tới trước. Hai quái nhân, hai phụ nhân cùng bọn cao thủ nhất tề quát lên và chia ra bao vây Tích Nhân. Nhìn thân pháp của họ Tích Nhân cũng khen thầm, võ công của những người theo gã công tử đều không thua những hộ pháp thượng thặng của Đoàn Hán Thiên. Một mình cự chiến cùng một lúc cả chục người của bọn họ cũng không dễ thắng. Chính vì muốn giải quyết cho êm thắm không đến nỗi giết người khi chưa biết họ là ai, nên Tích Nhân mới dùng hạ sách chụp lấy gã công tử có vẻ là chủ nhân. Nắm cổ tay gã, Tích Nhân nghe cổ tay mềm mại biết là gái và cũng ngạc nhiên, dù trông còn rất trẻ nhưng công lực cũng rất cao. Còn cô gái khi bị khống chế vận công chống cự và trong nháy mắt cũng đánh ra liên tiếp mấy thế võ khác nhau rất hiểm ác, Tích Nhân đành phải vận công chịu đựng. Càng cựa quậy và thi triển võ công thoát hiểm, bàn tay Tích Nhân càng như vòng sắt thu hẹp, chưởng lực và cầm nã thi triển với Tích Nhân như tấn công vào sắt thép làm cô gái thêm đau đớn.
Một phụ nhân quát:
- Ngươi làm hại.. đến .. chủ nhân.. chúng ta chẳng những bầm các ngươi thành trăm mảnh mà cũng làm cỏ cả Côn Luân phái.
Tích Nhân dùng chân khí khống chế huyệt đạo cô gái, thả tay đứng bên cười nhẹ:
- Cô ta vô lễ, ta trừng trị một chút để bớt hống hách mà thôi. Chúng ta không thù oán thì làm hại cô ta làm gì? Các người là ai có hiềm khích gì với Côn Luân phái?
Cô gái bị khống chế huyệt đạo không cử động được, nhưng nói được, cất tiếng hằn học:
- Còn cẩu tặc ngươi là ai dám can thiệp chuyện bổn ..cô nương?
- Tại hạ đã nói có gặp Côn Luân lão nhân nên khi thấy đệ tử Côn Luân bị người ỷ đông hiếp yếu nên không thể đứng bàng quang.
Cô gái cười to:
- Chúng ta hai người tay không đánh với bốn người cầm binh khí lại gọi là ỷ đông hiếp yếu hay sao? Ngươi có mù mắt?
Bị cô gái bắt bẻ, Tích Nhân bối rối, vì thực tế họ rất đông người, nhưng chỉ có hai quái nhân đánh nhau với Côn Luân Tứ Kiếm.
Hơi bối rối, nhưng Tích Nhân cười nhẹ:
- Hai người xung trận, còn cả chục người bao vây, giám sát bên ngoài. Yếu tố tâm lý cũng làm cho cao thủ giảm đi năng lực. Tại hạ muốn có một đề nghị với cô nương!
- Đề nghị gì?
- Tại hạ dùng kiếm pháp Côn Luân tỷ đấu với hai lão tiến bối .. chưa biết quý danh kia. Nếu tại hạ thắng, cô nương rút lui, không làm khó dễ các vị tiền bối phái Côn Luân nữa!
- Nếu ngươi thua thì sao?
- Thì tại hạ và Côn Luân Tứ Kiếm để cô nương tùy ý xử trí.
- Ngươi đã cao ngạo thì cứ vậy. Nhất ngôn ký xuất.
- Nghe Tích Nhân ra điều kiện, Côn Luân Tứ Kiếm cũng cảm thấy khó xử. Không biết có phản đối hay không, họ đưa mắt nhìn nhau. Người có vẻ cầm đầu Tứ Kiếm thở dài, bảo huynh đệ:
- Người này không phải cuồng ngạo suông đâu. Cứ xem rồi sẽ liệu.
Cây kiếm của Côn Luân lão nhân sợ người nhận biết, Tích Nhân chỉ bọc vải che bao kiếm, lúc này rút kiếm ra. Nhận ra cây kiếm của sư phụ, Côn Luân Tứ Kiếm xúc động, cùng kêu lên kinh ngạc, và cùng vội quỳ xuống:
- Tham kiến đại trưởng lão!
Tích Nhân bấy giờ thật sự biết rõ trách nhiệm Côn Luân lão nhân giao cho, và cũng đang đứng cách Côn Luân Tứ Kiếm khá xa, nên chỉ nói:
- Các vị không nên đa lễ.
Kiếm pháp Côn Luân nguyên là lưỡng nghi kiếm pháp. Nhưng kiếm pháp này không thể làm cho Côn Luân lừng danh giang hồ. Nhu không thể bì với Thái cực kiếm pháp của Võ Đang, cương không bằng Đạt ma kiếm pháp của Thiếu Lâm. Núi Côn Luân chạy dài mấy ngàn dặm, nằm trong vùng sa mạc, tuyết phủ quanh năm, núi cao, ghềnh thác hiểm trở, khí hậu lạnh lẽo, lúc thì tuyết đổ, lúc thì bão tuyết, nhưng lúc trời quang mây tạnh thì trăng núi đất trời có nét đẹp phi thường. Côn Luân lão nhân là một thiên tài kiếm thuật, ông ta đã phối hợp kiếm pháp truyền đời của Côn Luân với biến hóa của thiên nhiên làm thành một bộ kiếm pháp mới. Ông ta sáng tác ra bộ kiếm pháp lúc ở tuổi chỉ trên ba mươi, nhưng là người vừa có căn cơ, vừa gặp được nhiều kỳ duyên nên công lực rất cao, vì thế hàng đệ tử không người nào lãnh hội và có thể thi triển kiếm chiêu đến mức như ông ta.
Thấy Côn Luân Tứ Kiếm quỳ lạy Tích Nhân, cô gái động dung:
- Côn Luân lại có trưởng lão? Ngươi bao nhiêu tuổi mà làm trưởng lão?
Tích Nhân cười to:
- Lão phu đã trên thất thập, nhờ có chút công phu thổ nạp nên giữ được dung mạo như thế này. Nếu cô nương là người biết kính trọng kẻ trưởng bối. Từ nay không nên gọi lão phu là ngươi này ngươi nọ nữa.
Lão già cao đen nhìn cây kiếm trên tay Tích Nhân, cười khà:
- Chúng ta muốn tìm Côn Luân lão nhân tỷ thí, ngươi học được chút công phu của lão kể cũng giúp chúng ta mua vui trong giây lát. Nếu ngươi thắng được ta thì có thể đem bốn tên bị thịt ra đi. Chúng ta không muốn chiếm tiện nghi, hai đánh một.
Lão đưa mắt nhìn một trung niên trong đám người của lão. Người này tiến ra hai tay đưa cho ông ta cây kiếm.
Tích Nhân hỏi cô gái:
- Cô đồng ý một đánh một?
- Không! Ta không đồng ý! Cô gái quả quyết.
Một trong hai phụ nhân cũng nói:
- Thiên trì song tiên xưa nay ai cũng biết hai người là một.
Lão to mập cũng vỗ trán, la to:
- Lão đen kia .. ngươi điên rồi phải không?
Lão gầy đen cau mày:
- Nhưng nó đâu xứng đáng cho chúng ta cùng ra tay một lúc?
- Thiên Trì Song Tiên âm dương tương hợp tuy hai mà một.
Tích Nhân cười:
- Tại hạ đã nhìn thấy sự phối hợp của hai vị nên cũng đã ra điều kiện phải đánh thắng hai vị.
Một người trong nhóm cô gái lại bước ra đưa kiếm cho lão lùn mập. Lão đen cao vẫn nói:
- Nếu ngươi muốn đổi ý thì cũng còn kịp. Hai chúng ta cùng ra tay, dù Côn Luân Lão Nhân cũng phải bại một cách chắc chắn
- Tiền bối quá đề cao mình mà thôi. Để tỏ lòng kính trọng bậc tiến bối, vãn bối xin ra chiêu trước.
Tích Nhân dứt lời liền tung kiếm tấn công lão lùn mập. Lão cao gầy tuy nói không muốn hai đánh một nhưng thấy Tích Nhân tấn công lão mập thì cũng phóng kiếm đánh ra. Tiếp xúc với hai cây kiếm của hai quái nhân, Tích Nhân thầm phục công lực cũng như sự phối hợp kiếm pháp của họ. Ngược lại hai quái nhân cũng cũng liên tiếp quát to, không ngờ công lực của Tích Nhân cao như vậy, công lực mà họ nghĩ ngay Côn Luân lão nhân cũng không thể bì được. Trong chốc lát, đều là cao thủ thượng thừa, bốn anh em Côn Luân Tứ Kiếm đôi khi cũng không phân biệt được ai là quái nhân lùn mập, ai là quái nhân cao đen. Cả hai là hai vòng kiếm quang phất phới, kiếm khí xung ra lúc lạnh như băng, lúc nóng như lửa. Kình lực trong trận xông ra chu vi hàng mấy trượng. Tích Nhân quây giữa hai vòng kiếm quang đó, cây kiếm trong tay nhanh lúc chậm, gần như chẳng biến hóa gì nhiều. Thủ nhiều hơn công. Thế nhưng những chiêu kiếm rất nguy hiểm của hai quái nhân tấn công đều bị đỡ gạt, và cả hai đôi lúc vội vàng nhảy tránh hay liên tiếp biến chiêu để chống đỡ thế tấn công của Tích Nhân.
Trận chiến kéo dài cả mấy trăm hiệp. Những cao thủ tháp tùng cô gái thắp đuốc quây chung quanh để soi sáng cho ba đối thủ, và cũng có thể theo dõi trận chiến có một không hai. Bộ kiếm pháp nào, dù tinh kỳ đến đâu, người xử dụng biến chiêu hay đến cũng luôn có một số chiêu thức nhất định. Đợi hai quái nhân thi triển hết tinh túy kiếm pháp của họ, Tích Nhân hú lên một tiếng, bắt đầu khởi thế công. Mấy chiêu kiếm đắc ý nhất trong lúc cuối đời của Côn Luân Lão nhân chưa truyền cho ai, và ông cũng nghĩ đệ tử của mình khó ai lãnh ngộ nổi vì thiên biến vạn hóa, tùy tâm xử kiếm nên truyền cho Tích Nhân và nhờ chiếu cố cho môn phái của mình. Nếu nói ông ta là thầy hay thì Tích Nhân là trò giỏi nên cây kiếm khi khởi thế công, hai quái nhân liên tiếp la hét, nhảy tránh không thấy cách gì có thể chống đỡ. Côn Luân lão nhân khi nghiên cứu bộ kiếm pháp này cũng không muốn lạm sát, dụng ý dành cho đối thủ một đường sinh lộ, nên khi sử dụng Tích Nhân cũng không ra ngoài nguyên tắc này. Làm cho hai quái nhân nhảy tránh mệt nhoài một lúc, Tích Nhân lại hú lên một tiếng nữa, và kiếm quang sau đó cũng chợt tắt. Mọi cặp mắt đều nhìn thấy hai cây kiếm của hai quái nhân rớt trên mặt đất. Còn Tích Nhân đã tra kiếm vào vỏ từ lúc nào.
Mọi người bấy giờ nhìn thấy hai quái nhân áo quần bị kiếm rạch nát nhiều nơi, nhưng da thịt không bị thương. Đều là những cao thủ thượng thừa, mọi người biết ngay, khi ra tay Tích Nhân đã tránh gây thương tích cho hai lão quái, và trong lúc hai bên đánh nhau trí mạng, việc dùng kiếm chỉ rạch nát áo quần là một việc làm khó khăn khôn cùng. Chẳng phải là tay kiếm thuật phi thường khó ai làm nổi. Bị đánh rơi kiếm và áo quần bị rạch nát nhiều chỗ, hai quái nhân cũng biết mình được nương tay, nhưng tỏ vẻ bất phục. Lão cao gầy giương mắt:
- Kiếm pháp ngươi dùng không phải là Côn Luân kiếm pháp của lão mũi trâu Côn Luân.
- Kiếm pháp này do Côn Luân lão nhân mới đắc ngộ và nhờ tại hạ chuyển truyền lại cho chưởng môn hiện nay. Tuy chưa có đệ tử Côn Luân nào biết kiếm pháp này, nhưng dĩ nhiên nó là Côn Luân kiếm pháp.
Lão lùn mập lắc lắc cái đầu trọc:
- Thua là thua, thắng là thắng. Chúng ta chịu thua ngươi nhưng chưa hẳn đã thua Côn Luân lão nhân. Lão hiện nay ở đâu? Nếu ngươi không nói, chúng ta liều chết với ngươi.
Lão cao gầy:
- Đã thua gã có liều chết .. thì ta và ngươi chết chứ đâu phải gã.
Tích Nhân hỏi cô gái:
- Cô nương có giữ lời hứa hay không?
Cô gái lúc này đã giải được huyệt đạo, không chút đắn đo:
- Ta đã hứa dĩ nhiên phải giữ lời. Tuy nhiên, việc phải buộc ngươi cho ta biết Côn Luân lão nhân đang ở đâu là việc ta phải làm. Ngươi là Côn Luân Tứ Kiếm có thể ra đi bây giờ, nhưng nay mai chúng ta sẽ gặp ngươi trở lại.
- Cô nương muốn gặp Côn Luân lão nhân vì việc gì tại hạ có thể nói cho cô nương biết không cần phải dùng vũ lực. Dùng vũ lực với tại hạ chưa chắc đã có hiệu quả.
Cô gái lộ vẻ mừng rỡ:
- Lão Nhân đang ở đâu?
Tích Nhân thở dài:
- Tại hạ cũng không biết Lão Nhân đang ở đâu, và từ nay về sau cũng không ai sẽ biết Lão nhân ở đâu. Khi gặp tại hạ ở Lôi Âm Tự, Lão Nhân biết tử kỳ của mình đã tới nên nhờ tại hạ truyền lại kiếm pháp mới nghiên cứu cho chưởng môn hiện nay, rồi tìm nơi thanh tịnh để tọa hóa.
- Ồ! Thật vậy hay sao? Cô gái tỏ vẻ thất vọng.
- Lão nhân cũng đã trên tám mươi. Không ai có thể sống mãi.
Cô gái hình như suy nghĩ, một lúc sau lên tiếng, bấy giờ lại không tỏ quá hống hách như trước:
- Cám ơn Trần đại hiệp đã cho biết tin tức..
Nhưng cô ta lại nói thêm:
- Sau này nếu biết đại hiệp không thành thật. Ta sẽ tìm đại hiệp để thanh toán.
Cô ta khoát tay, và phi thân đi ngay. Hai phụ nhân và bọn cao thủ hộ vệ cũng nhanh nhẹn phóng theo. Hai lão già mập ốm không đi ngay vẫn đứng lại, lão lùn mập:
- Chúng ta hẹn với ngươi năm năm nữa sẽ tỷ thí thêm lần nữa. Ngươi dám hứa hẹn không?
- Tại hạ chấp nhận, nhưng bấy giờ sẽ không dùng kiếm pháp của Côn Luân lão nhân truyền thụ nữa, mà sử dụng võ công của tại hạ.
- Võ công gì? Lão gầy ốm hỏi.
- Đằng tiên.
Lão ốm tò mò:
- Ngươi có thể cho ta xem qua chút đỉnh võ công này?
Tích Nhân rút cây đằng tiên quấn quanh lưng dùng công lực làm cho thẳng đứng như cây bỗng và đứng theo tư thế phòng thủ:
- Nếu tiền bối muốn có thể thử thách.
Hai lão quái nhân lượm kiếm lên, nhưng bốn cặp mắt của hai lão chăm chú vào Tích Nhân, và ánh mắt Tích Nhân cũng tập trung tinh thần nhìn hai lão quái. Thời gian trôi qua.. mỗi khi hai quái nhân nhấc tay, cây đằng tiên cũng liền nhích động, và hai lão quái liền thụt lùi trở ra và múa kiếm phòng thủ.. trận chiến quái dị kéo dài cho đến khuya, lão gầy ốm bỏ kiếm:
- Lão phu thật tâm kính phục võ công của tiểu huynh đệ.
Lão lùn mập phóng mình đi, tiếng nói vọng lại:
- Thiên trì song tiên cam tâm chịu thua, ước hẹn năm năm không cần giữ. Khi nào có dịp ghé Thiên Sơn mời đến Thiên trì một phen.
Lão cao gầy đôi mắt nhìn Tích Nhân tràn đầy cảm tình:
- Nếu có đến Thiên Sơn hãy đến gặp anh em chúng ta..Khà khà.. ngươi là người đầu tiên anh em chúng ta chịu phục.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT