Mãi cuối tháng Chín Anne và Gilbert mới đến thăm được ngọn hải đăng Bốn Làn Gió như đã hứa. Họ vẫn thường định đi, nhưng lúc nào cũng xảy ra chuyện gì đó ngăn cản họ. Thuyền trưởng Jim đã “tạt qua” căn nhà nhỏ vài lần.

“Ta không khách sáo đâu, cháu Blythe ạ,” ông bảo Anne. “Với ta đến đây là cả một niềm vui thích, và ta không định từ chối bản thân điều đó chỉ vì cháu chưa xuống thăm ta đâu. Không nên có kiểu cò cưa mặc cả như thế trong lớp người quen của Joseph. Ta sẽ đến khi nào có thể, và cháu cứ đến khi nào đến được, và miễn là được nói chuyện vui vẻ với nhau thì trên đầu là mái nhà ai chả quan trọng gì hết.”

Thuyền trưởng Jim hết sức thích thú với Gog và Magog, hai con chó sứ đang ngự trên bệ sưởi trong căn nhà nhỏ cũng kiêu hãnh và trang nghiêm như hồi chúng còn ở nhà Patty.

“Hai cái con này dễ thương quá trời,” ông thường nói một cách thích thú; và ông chào hỏi chúng lúc đến cũng như lúc về, nghiêm chỉnh, không bao giờ sai khác, cũng như chào hỏi hai vị chủ nhà vậy. Thuyền trưởng Jim không có ý định xúc phạm các vị gia thần bởi sự thiếu sót trong tôn kính cũng như lễ nghi.

“Cháu đã thu vén căn nhà này gần như hoàn hảo,” ông nói với Anne. “Chưa bao giờ nó được xinh xắn như thế này. Cô Selwyn cũng có khiếu thẩm mỹ giống cháu và cô ấy làm được nhiều thứ tuyệt lắm; nhưng bà con thời đấy làm gì có mấy cái rèm cửa nhỏ xinh rồi tranh ảnh và hầm bà lằng các thứ như các cháu có bây giờ. Còn Elizabeth, cô ấy sống trong quá khứ. Cháu đã gần như đem tương lai vào nhà, nôm na thế. Ta sẽ vẫn thật là hạnh phúc ngay cả khi chúng ta không nói chuyện gì hết, khi ta đến đây… chỉ ngồi ngắm cháu và đám tranh và hoa của cháu đã đủ sướng rồi. Đẹp… đẹp lắm!”

Thuyền trưởng Jim là kẻ tôn thờ nhiệt thành cái đẹp. Mọi thứ đáng yêu nghe được hay nhìn thấy đều mang cho ông một niềm vui sâu sắc, tinh tế, tỏa sáng cuộc đời ông. Ông cũng ý thức rất rõ việc mình thiếu một vẻ ngoài dễ nhìn, và than vãn về điều ấy.

“Bà con nói ta tốt,” một dịp nọ ông nhận xét vẻ chua chát, “nhưng thỉnh thoảng ta ước Chúa trời đúc ta tốt phân nửa thôi và để phần còn lại vào vẻ bề ngoài. Nhưng đó, ta nghĩ Ngài biết Ngài đang làm gì, như một thuyền trưởng giỏi vậy. Một số người trong chúng ta phải xấu xí, không thì những người đẹp - như cháu Blythe đây - sẽ không được nổi bật như thế.”

Một buổi chiều nọ Anne và Gilbert cuối cùng cũng đi bộ xuống ngọn hải đăng Bốn Làn Gió. Ngày khởi đầu u ám trong mây xám và sương mù, nhưng đã kết thúc trong vẻ tráng lệ tím vàng. Bên những ngọn đồi phía Tây đằng sau vịnh cảng là những vùng nước sâu thẫm màu hổ phách và những vùng nước nông trong ngắt, với ánh lửa hoàng hôn bên dưới. Phía Bắc là một vùng mây trời li ti vàng rực như lửa. Ánh đỏ bừng lên trên những cánh buồm trắng của một con tàu đang lướt dọc kênh nước, hướng về một hải cảng phía Nam trên một vùng đất đầy cây cọ. Phía sau con tàu, ánh hoàng hôn ập xuống và nhuộm hồng những khuôn mặt trắng sáng ngời, nhẵn cỏ của những đụn cát. Về bên phải, ánh sáng rơi trên căn nhà cũ giữa những cây liễu bên trên con suối, và trong giây phút ngắn ngủi đem lại cho nó những ô cửa sổ rực rỡ hơn cả cửa sổ của một nhà thờ cũ. Chúng tỏa sáng từ vẻ ngoài xám xịt lặng lẽ của căn nhà như những suy nghĩ phập phồng, đỏ máu của một linh hồn sinh động bị cầm tù trong một lớp vỏ môi trường khô khan nhàm chán.

“Ngôi nhà cũ phía trên con suối kia lúc nào cũng có vẻ thật cô đơn,” Anne nói. “Em chưa bao giờ thấy nó có khách khứa đến viếng thăm. Dĩ nhiên, lối vào nhà mở ra đường trên… nhưng em không nghĩ có mấy người lui tới. Thật kỳ cục là chúng ta vẫn chưa gặp nhà Moore, khi họ chỉ sống cách chúng ta mười lăm phút đi bộ. Em có thể đã nhìn thấy họ ở nhà thờ, dĩ nhiên, nhưng dẫu vậy chắc em cũng không biết. Em rất tiếc là họ ít giao du đến thế, trong khi họ là những hàng xóm duy nhất của chúng ta.”

“Rõ ràng họ không thuộc lớp người quen của Joseph,” Gilbert cười. “Em đã tìm hiểu được ai là cô gái mà em nghĩ là rất đẹp ấy chưa?”

“Chưa. Không hiểu vì sao em chẳng bao giờ nhớ ra để hỏi thăm về cô ấy. Nhưng em cũng chưa gặp cô ấy ở đâu khác cả, thế nên em nghĩ có thể cô ấy là một người lạ. Ô, mặt trời đã lặn rồi kìa… và ngọn hải đăng kia rồi.”

Khi bóng chiều sẫm dần, con mắt đèn khổng lồ cắt từng vạt sáng xuyên qua hoàng hôn, quét một vòng tròn qua những cánh đồng và khu cảng, cồn cát ngầm và vùng vịnh.

“Em có cảm giác như nó có thể bắt lấy em và cuốn em hàng hải lý ra biển,” Anne nói, khi một làn đèn tưới đẫm họ trong ánh sáng; và cô cảm thấy khá nhẹ nhõm khi họ đến đủ gần mũi đất để nằm trong tầm với của những tia sáng rực rỡ, đều đặn kia.

Khi họ rẽ vào lối đi nhỏ băng qua những cánh đồng dẫn đến mũi đất, họ gặp một người đàn ông bước ra khỏi đó - một người đàn ông với vẻ bề ngoài phi thường đến nỗi trong một khoảnh khắc cả hai cứ thế trố mắt ra nhìn. Ông là một người rõ ràng là điển trai - cao lớn, vai rộng, các đường nét hài hòa, với một chiếc mũi kiểu La Mã và đôi mắt xám kiên trực; ông ăn mặc theo kiểu phú nông đi nhà thờ Chủ nhật; tả đến đó thì ông có thể là bất cứ cư dân nào của Bốn Làn Gió hoặc Glen. Nhưng, tuôn trào trên ngực ông dài đến tận gối, là một dòng-sông-râu màu nâu uốn khúc, và phía sau lưng ông, bên dưới chiếc mũ tầm thường, là một thác-tóc nâu dày, lượn sóng tương ứng.

“Anne,” Gilbert thì thầm, khi họ đã ra ngoài tầm nghe, “em không cho cái chú Dave gọi là ‘một ít Luật Scott’ vào cốc nước chanh em đưa anh ngay trước khi ta rời nhà chứ hả?”

“Không, em không có,” Anne nói, nén cười, sợ con người bí hiểm đang dời gót nghe được đến tận đấy. “Ông ấy là ai dưới gầm trời này vậy?”

“Anh không biết; nhưng nếu thuyền trưởng Jim giấu những bóng ma như vậy dưới mũi đất này thì anh sẽ phải mang theo một cây gậy sắt trong túi mỗi khi đến đây. Ông kia không phải thủy thủ, nếu không thì người ta đã có thể thông cảm với vẻ ngoài lập dị của ông ấy; chắc ông ấy thuộc hội mấy người bên kia cảng. Chú Dave nói họ có một vài tay lập dị bên đó.”

“Chú Dave hơi thiên kiến một tí, em nghĩ thế. Anh biết tất cả những người bên kia cảng đi nhà thờ Glen đều có vẻ rất dễ mến mà. Ôi, Gilbert, anh xem đẹp chưa kìa?”

Ngọn hải đăng Bốn Làn Gió được xây dựng trên một mỏm đá vôi đỏ nhô ra vịnh. Ở một bên, qua kênh nước, trải dài bờ cát bạc của cồn cát ngầm; bên kia, mở ra một bờ biển dài uốn cong những vách đá đỏ, vươn lên thẳng đứng từ những vịnh nhỏ đầy đá cuội. Đấy là một bờ biển đã biết đến sự diệu kỳ và bí ấn của bão và của sao. Một bờ biển như thế luôn có một vẻ cô tịch sâu sắc. Rừng không bao giờ cô tịch… chúng đầy những sự sống thì thầm, mời gọi thân thiện. Nhưng biển là một linh hồn uy dũng, mãi mãi than khóc về một nỗi buồn rộng lớn, không sao chia sẻ được, tự nhốt mình vào với chính mình trong ngàn thu. Chúng ta không bao giờ có thể xuyên thủng sự bí ẩn không cùng của biển… chúng ta chỉ có thể lang thang, kinh ngạc và mê hoặc, ở rìa ngoài của biển. Rừng gọi đến ta với hàng trăm giọng nói, nhưng biển chỉ có một… một giọng nói quyền uy nhấn chìm linh hồn ta trong tiếng nhạc huy hoàng của nó. Rừng là người, nhưng biển bầu bạn cùng những thiên thần tối thượng.

Anne và Gilbert thấy thuyền trưởng Jim đang ngồi trên một băng ghế ngoài ngọn hải đăng, tút lại những đường nét cuối cùng cho một chiếc thuyền buồm đồ chơi tuyệt vời, đầy đủ mái buồm. Ông đứng lên và chào đón họ vào nơi trú ngụ của ông với vẻ lịch sự nhẹ nhàng, không cần cố gắng, rất hợp với ông.

“Hôm nay quả là một ngày đẹp đẽ từ đầu đến cuối, cháu Blythe nhỉ, và bây giờ, ngay phút cuối, nó lại phô ra vẻ huy hoàng nhất của nó. Hai đứa có muốn ngồi xuống đây ở ngoài này một tí, khi ánh sáng còn sót lại không? Ta vừa làm xong món đồ chơi nhỏ này cho thằng cháu họ nhỏ của ta, thằng Joe, ở trên Glen. Sau khi ta hứa sẽ làm cái này cho nó ta cũng hơi hối hận, vì mẹ nó buồn bực lắm. Mẹ nó sợ thằng bé sau này sẽ muốn đi biển và không muốn khuyến khích ý nghĩ đó trong đầu nó. Nhưng mà ta biết làm sao bây giờ, cháu Blythe? Ta lỡ hứa rồi, và ta nghĩ thiệt tình nếu mà đi nuốt lời đã hứa với một đứa trẻ con thì quá là hèn đi. Nào, ngồi xuống đi. Ở lại một tiếng đồng hồ không lâu đâu.”

Gió đã rời bờ, và chỉ vỗ về khiến mặt biển vỡ thành những gợn bạc dài, và đem những chiếc bóng lấp lóa từ mọi ngóc ngách và mũi đất bay ngang mặt biển, như những cách bay vô hình. Hoàng hôn đang treo một tấm rèm bóng tối màu tím lên những đụn cát và những mũi đất, nơi lũ mòng biển đang dập dìu bay lượn. Bầu trời phủ những mảnh khăn choàng lụa khói sương. Từng cụm mây trôi lững lờ dọc đường chân trời. Một ngôi sao hôm đang giữ gác trên cồn cát.

“Chẳng phải là một khung cảnh đáng ngắm nghía hay sao?” thuyền trường Jim nói, với niềm tự hào yêu thương, gắn bó. “Dễ thương và xa hẳn chốn xô bồ, đúng không nào? Không mua không bán không mặc cả. Không phải trả đồng nào cả… tất cả biển đó trời đó đều miễn phí… ‘không cần tiền và không có giá’. Mà trăng sắp lên rồi đó… ta chẳng bao giờ chán xem trăng sẽ mọc thế nào trên ghềnh đá, mặt biển và bến cảng. Lần nào cũng có một điều ngạc nhiên trong đó.”

Họ xem trăng lên, và ngắm sự thần kỳ và ma thuật của nó trong một sự im lặng không đòi hỏi gì thêm ở thế giới hay ở nhau. Khi họ đi vào tháp đèn, thuyền trưởng Jim chỉ dẫn và giải thích cơ chế của ngọn đèn khổng lồ. Cuối cùng họ thấy mình đang ngồi trong phòng ăn, nơi một ngọn lửa đốt bằng gỗ trôi dạt đang dệt những sợi lửa lập lòe, chập chờn ẩn hiện, mang sắc màu của biển trong lò sưởi mở.

“Tự tay ta lắp cái lò sưởi này vào đấy,” thuyền trưởng Jim nói. “Chính phủ không cho người giữ đèn những thứ xa xỉ như vậy đâu. Nhìn màu sắc đám gỗ kia tạo ra xem. Nếu cháu thích có ít gỗ trôi dạt để đốt lửa, cháu Blythe ạ, hôm nào ta sẽ mang lên cho cháu một mớ. Ngồi xuống đi. Ta sẽ pha cho các cháu một cốc trà.”

Thuyền trưởng Jim chỉ một cái ghế cho Anne, nhưng trước tiên ông phải chuyển một con mèo bự chảng màu cam và một tờ báo ra khỏi đó.

“Bạn Đầu, đi xuống. Chỗ của mày là sofa kìa. Ta phải cất tờ báo này đi cho an toàn chờ khi ta có thời gian đọc xong câu chuyện ở trong đó. Nó có tên là Một tình yêu cuồng dại. Đây không phải là dòng truyện ta thích, nhưng ta đang đọc để xem bả kéo dài được đến chừng nào. Giờ đã là chương sáu hai rồi, mà so với chương đầu thì đám cưới vẫn chưa gần hơn tẹo nào, theo như ta thấy. Khi thằng bé Joe đến đây ta phải đọc cho nó nghe chuyện cướp biển. Kỳ nhỉ, những sinh vật nhỏ bé ngây thơ như bọn con nít lại thích những chuyện máu me nhất?”

“Y như thằng bé Davy của cháu ở nhà,” Anne nói. “Nó cứ thích những chuyện phải khét lẹt bạo lực cơ,”

Trà của thuyền trưởng Jim đúng là nước tiên. Ông hài lòng như một đứa trẻ trước những lời khen của Anne, nhưng cũng bày tỏ một vẻ thản nhiên hết sức tế nhị.

“Bí quyết là ta không keo kiệt món kem sữa,” ông thoải mái nhận xét. Thuyền trưởng Jim chưa bao giờ nghe nói đến Oliver Wendell Holmes nhưng rõ ràng ông đồng ý với câu châm ngôn của nhà văn rằng “trái tim lớn không thích hũ kem nhỏ”.

“Chúng cháu gặp một nhân vật trông hết sức quái đản bước ra khỏi con đường nhà ông,” Gilbert nói khi họ nhấm nháp trà. “Ai thế ạ?”

Thuyền trưởng Jim nhe răng cười.

“Đấy là Marshall Elliott, một người rất tốt, chỉ có điều hơi xuẩn ngốc. Ta đoán các cháu thắc mắc mục đích của thằng chả là gì khi tự biến mình thành một vật phẩm trưng bày bảo tàng quái dị hả?”

“Phải chăng ông ấy là một tu sĩ Do Thái tóc dài thời hiện đại hay một nhà tiên tri Do Thái còn sót lại từ thời xa xưa?” Anne hỏi.

“Không phải. Chính trị là căn nguyên sự quái dị của chả. Cả đám nhà Elliott và Crawford rồi MacAllister đều là chính trị gia từ trong trứng, và họ sống cũng Tự do hoặc Bảo thủ, và họ chết cũng Tự do hoặc Bảo thủ; và họ làm gì trên thiên đường, nơi có lẽ không có chính trị, thì vượt qua trí tưởng tượng của ta. Gã Marshall Elliott này sinh ra đã theo Tự do. Ta cũng là dân Tự do vừa phải, nhưng với Marshall Elliott thì không có vừa phải gì hết. Mười lăm năm trước có một cuộc tổng tuyển cử đặc biệt căng thẳng. Marshall nhe răng xắn tay tranh đấu cho đảng của mình. Hắn tin chắc trăm phần là đảng Tự do sẽ thắng… chắc đến nỗi hắn đứng lên trong một buổi họp chung mà thể rằng sẽ không cạo mặt hay cắt tóc cho đến khi đảng Tự do lên nắm quyền. Ờ, họ không lên - và vẫn chưa lên - và hôm nay mấy đứa được mục sở thị kết quả đấy. Marshall đã giữ lời.”

“Vợ chú ấy nghĩ sao ạ?” Anne hỏi.

“Thằng chả độc thân. Nhưng nếu hắn có vợ thì ta nghĩ cô ta cũng không thể làm hắn phá lời thề đó. Cái nhà Elliott đó lúc nào cũng cứng đầu hơn bình thường. Anh trai của Marshall, Alexander có một con chó hắn ta cưng lắm, và khi nó chết thằng chả thực tình muốn cho chôn nó trong nghĩa trang, ‘cạnh các con chiên Thiên Chúa giáo khác’, hắn nói. Dĩ nhiên, đâu có ai cho; thế là hắn chôn con chó ngay ngoài hàng rào nghĩa trang, và không bao giờ bén mảng tới cửa nhà thờ nữa. Nhưng các Chủ nhật hắn vẫn đánh xe đưa cả nhà đi lễ còn mình thì ngồi cạnh mộ con chó đó rồi đọc Kinh Thánh suốt thời gian diễn ra buổi lễ. Họ nói khi hấp hối hắn biểu vợ hắn chôn hắn cạnh con chó; cô ta là một linh hồn bé nhỏ yếu ớt nhưng đến đó thì cô ả nổi khùng lên. Cổ nói cổ không định nằm cạnh con chó nào hết cả sất, và nếu hắn thà có chỗ nghỉ ngơi cuối cùng cạnh con chó hơn là cạnh cổ, thì cứ nói ra. Alexander Elliott là một con lừa cứng đầu, nhưng hắn cũng yêu vợ, thế là hắn đầu hàng và nói, ‘Rồi, chết tiệt, cứ chôn tôi chỗ nào bà thích. Nhưng khi tiếng kèn của Thánh Gabriel thổi lên tôi sẽ chờ xem con chó của tôi bay lên cùng với cả đám chúng ta, vì linh hôn của nó cũng như bất cứ tay Elliott hay Crawford hay MacAllister chết tiệt nào từng khệnh khạng bước trên đời này.’ Đấy là những lời trăn trối của hắn. Còn về Marshall, chúng ta đã quá quen với hắn, nhưng với người lạ chắc hắn phải trông kỳ cục ghê lắm. Ta biết hắn từ hồi hắn mới mười tuổi - giờ gần năm mươi rồi - và ta thích hắn. Hắn với ta mới ra câu cá tuyết hôm nay. Giờ thì ta chỉ được mỗi việc đấy - thỉnh thoảng bắt cá hồi với cá tuyết. Nhưng không phải lúc nào ta cũng vậy đâu… không có đâu. Ta cũng từng làm những chuyện khác, như mấy đứa sẽ phải công nhận nếu mấy đứa coi quyển sách cuộc đời của ta.”

Anne đang định hỏi quyển sách-cuộc-đời của ông là gì thì bị con Bạn Đầu đánh lạc hướng bằng cách nhảy xổ lên đùi thuyền trưởng Jim. Nó là một con vật tuyệt đẹp, với khuôn mặt tròn như trăng rằm, mắt xanh sáng quắc, và bộ móng đôi trắng muốt mạnh mẽ. Thuyền trưởng Jim nhẹ nhàng vuốt ve sống lưng nhung của nó.

“Ta chưa bao giờ thích mèo cho lắm trước khi ta gặp con Bạn Đầu,” ông giải thích, với những tiếng gầm gừ hoành tráng của con Bạn Đầu làm nhạc đệm. “Ta cứu mạng nó, và khi mình đã cứu mạng một con vật thì mình buộc phải yêu nó thôi. Đấy là điều gần nhất với việc tạo ra sự sống. Trên đời này có những người vô tâm khủng khiếp, cháu Blythe ạ. Dân thành phố có vài người tậu nhà nghỉ mùa hè bên kia cảng, họ vô tâm đến độ tàn nhẫn. Đấy là loại tàn nhẫn tệ nhất - dạng vô tâm. Ta không làm sao đối phó được. Họ nuôi mèo ở đó vào mùa hè, rồi cho chúng ăn rồi cưng nựng chúng, và chưng diện cho chúng nào là ruy băng nào là dây đeo cổ. Rồi đến mùa thu họ bỏ đi để mặc chúng lại cho chết đói hoặc chết rét. Làm máu ta sôi lên, cháu Blythe ạ. Một ngày mùa đông năm trước ta thấy một con mèo mẹ già tội nghiệp chết trên bãi biển, nằm sát vào ba con mèo con chỉ còn da bọc xương. Nó chết khi cố gắng che chắn cho chúng. Những cẳng chân cứng đơ tội nghiệp của nó còn ôm lấy chúng. Trời ơi, ta khóc. Rồi ta chửi thề. Rồi ta mang mấy con mèo con tội nghiệp về nhà cho ăn rồi tìm nhà tốt cho chúng ở. Ta biết cái bà để con mèo lại ấy, và hè năm nay khi bà ta quay lại đây, ta đã qua bên kia cảng nói cho bả biết ta nghĩ gì về bả. Rành là nhiều chuyện, nhưng ta thiệt sự thích được nhiều chuyện vì lẽ phải.”

“Bà ấy phản ứng ra sao ạ?” Gilbert hỏi.

“Khóc và nói bả ‘không nghĩ’. Ta nói với bả, ta nói chứ, ‘Cô cho rằng đó sẽ là một lời bào chữa xác đáng vào ngày Phán xét ư, khi mà cô sẽ phải lý giải cho cái chết của con mèo mẹ già tội nghiệp đó hay sao? Đức Chúa sẽ hỏi cô Ngài cho cô não để làm gì nếu không phải để nghĩ, ta đoán vậy.’ Ta không nghĩ là bà ta dám để mấy con mèo lại cho chết đói nữa đâu.”

“Con Bạn Đầu cũng bị bỏ rơi ạ?” Anne hỏi, tỏ với con mèo vài cử chỉ làm thân được đáp lại một cách duyên dáng, dù có hơi kẻ cả.

“Đúng. Ta tìm thấy nó một ngày mùa đông lạnh thấu xương, bị mắc lên cây bởi cái dây ruy băng đeo cổ chết tiệt của nó. Nó suýt chết đói đến nơi. Giá cháu thấy được mắt nó lúc đó, cháu Blythe ạ! Nó mới là một con mèo con chứ mấy, sao đó nó đã tự sống được từ hồi bị bỏ lại cho đến khi bị vướng lên cây. Khi ta giải thoát cho nó, nó liếm tay ta một cách tội nghiệp bằng cái lưỡi đỏ nhỏ xíu của nó. Hồi đó nó chưa phải là tay đi biển tài năng mấy đứa thấy bây giờ đâu. Nó gầy nhom à. Chín năm trước rồi. Với một con mèo thì nó sống trên mặt đất thế là thọ đấy. Nó là một anh bạn già rất tốt, con Bạn Đầu ấy.”

“Cháu nghĩ chắc ông sẽ nuôi một con chó,” Gilbert nói.

Thuyền trưởng Jim lắc đầu.

“Ta cũng từng có một con chó. Ta thương nó nhiều đến nỗi nó chết ta không chịu được ý nghĩ tìm một con khác để thay thế. Nó là một người bạn… cháu hiểu chứ, cháu Blythe? Con Bạn Đầu chỉ là một con bạn thôi. Ta thích nó, càng thích hơn vì chút gia vị quỷ quái trong nó… bọn mèo đứa nào cũng vậy. Nhưng ta yêu con chó của ta. Ta lúc nào cũng có chút cảm thông lén lút dành cho Alexander Elliott vì con chó của hắn. Không có chút ma quỷ nào trong một con chó tốt. Đấy là lý do vì sao chúng đáng yêu hơn mèo, ta đoán vậy. Nhưng quỷ tha ma bắt ta đi nếu chúng thú vị được như mèo. Đó đó, ta lại nói nhiều quá rồi. Sao mấy đứa không cản ta? Cứ khi nào có cơ hội nói chuyện với ai đó là ta ba láp kinh dị luôn. Nếu hai đứa uống xong trà rồi thì ta có mấy thứ nho nhỏ hai đứa chắc là thích coi… nhặt nhạnh từ mấy cái xó xỉnh kỳ quặc ta từng hay thò mũi vào.”

“Mấy thứ nho nhỏ” của thuyền trường Jim thì ra là một bộ sưu tập thú vị bậc nhất toàn cổ vật, quái dị, kỳ quặc và tuyệt đẹp. Và hầu như mỗi thứ đều có một câu chuyện ấn tượng đi kèm.

Anne không bao giờ quên niềm say mê mà cô dành để lắng nghe những câu chuyện cũ đêm trăng đó bên đống lửa gỗ trôi dạt mê hoặc ấy, khi biển bạc vẫy gọi họ qua cửa sổ để mở và thổn thức vỗ vào những tảng đá bên dưới họ.

Thuyền trưởng Jim không bao giờ nói một lời khoe khoang, nhưng không thể không thấy ông đã là một người anh hùng như thế nào - dũng cảm, thành thật, không chút ích kỷ. Ông ngồi đó trong căn phòng nhỏ của mình và làm những đồ vật sống lại cho khán giả của mình. Bằng một cái nhướng lông mày, một cái cong môi, một cử chỉ, một lời nói, ông vẽ lại cả một khung cảnh hay nhân vật để họ nhìn thấy chúng như chúng xưa kia.

Vài cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Jim có một khía cạnh phi thường đến nỗi Anne và Gilbert thầm tự hỏi liệu ông có đang kéo dãn hơi quá sự cả tin của họ không. Nhưng trong khoản này, sau này họ biết, họ đã hiểu sai cho ông. Những câu chuyện của ông tất cả đều hoàn toàn là sự thật. Thuyền trưởng Jim có cái tài của một nhà kể chuyện bẩm sinh, theo đó “những mẩu chuyện bất hạnh và xa xôi” được đưa ra trước mắt người nghe sống động trong tất cả sự thấm thía tinh khôi của chúng.

Anne và Gilbert cười và rùng mình trước những câu chuyện đó, và có lúc Anne thấy mình đang khóc. Thuyền trưởng Jim quan sát những giọt nước mắt của cô với vẻ hài lòng ánh lên trên khuôn mặt ông.

“Ta thích nhìn người khác khóc kiểu đó,” ông nhận xét. “Đó là một lời khen tặng. Nhưng ta không thể kể cho xứng đáng với những gì ta đã nhìn thấy hoặc đã góp phần làm. Ta đã ghi chúng lại trong quyển sách cuộc đời ta, nhưng ta không có cái tài để viết chúng ta cho tử tế. Giá có thể dùng được đúng từ ngữ và nối chúng lại với nhau cho ra hồn trên giấy, ta có thể làm một quyển sách tuyệt vời. Nó sẽ đánh bại Một tình yêu cuồng dại liền, và ta tin là thằng Joe cũng sẽ thích nó y như các truyện cướp biển. Đúng, ta đã có một vài cuộc phiêu lưu trong đời mình; và cháu có biết không, cháu Blythe, ta vẫn thầm thèm khát chúng. Đúng, dẫu có già và vô dụng, một nỗi khao khát khủng khiếp thỉnh thoảng vẫn quét qua ta, khao khát được dong buồm ra khơi… đi… đi… mãi mãi và mãi mãi.”

“Như Ulysses, ông sẽ

Dong buồm vượt cả hoàng hôn và bể tắm

Của muôn vì sao phía đằng Tây cho đến chết,”

Anne mơ màng nói.

“Ulysses à? Ta có đọc về ổng. Đúng, chính là ta cảm thấy như vậy đó… đúng là cảm giác của đám thủy thủ già chúng ta, ta đoán vậy. Ta tính cuối cùng chắc ta sẽ chết trên đất liền thôi. Ờ, cái gì đến thì sẽ đến. Có lão William Ford ở Glen trong đời mình chưa bao giờ ra biển, vì lão sợ chết đuối. Một bà thầy bói đã phán là lão sẽ chết đuối. Rồi một ngày lão ngất xỉu và ngã sấp mặt xuống máng cỏ và chết nước. Hai đứa phải đi rồi à? Ờ, tới sớm và tới thường xuyên nha. Lần sau đến lượt bác sĩ kể chuyện đó. Cậu ấy biết cả mớ thứ mà ta muốn biết. Ở đây ta thỉnh thoảng cũng hơi cô đơn. Từ hồi Elizabeth Russell mất đi thì còn tệ hơn. Bà ấy và ta là bạn bè tốt lắm.”

Thuyền trưởng Jim nói với nỗi thống thiết của người già, chứng kiến những người bạn của mình lần lượt rời xa, từng người một – những người bạn mà vị trí không thể thay thế được bởi những người thuộc thế hệ trẻ hơn, dù cho có thuộc lớp người quen của Joseph. Anne và Gilbert hứa sẽ quay lại sớm và thường xuyên.

“Ông ấy quả thật là một ông già hiếm có, em nhỉ?” Gilbert nói, khi họ đi bộ về nhà,

“Thế nào đó, em không thể hòa hợp cái nhân cách giản dị, tốt đẹp của ông với cuộc sống sóng gió, phiêu lưu mà ông đã sống,” Anne trầm ngâm.

“Em sẽ không thấy khó như vậy đâu nếu em gặp ông hôm nọ dưới xóm chài. Một gã trên tàu của Peter Gautier đưa ra một nhận xét xấu tính về một cô gái nào đó sống dọc bờ biển. Thuyền trưởng Jim suýt thì đốt sống gã trai xấu số kia bằng ánh chớp trong mắt ông ấy. Ông ấy như một người hoàn toàn khác. Ông ấy không nói nhiều đâu… nhưng cái cách ông ấy nói chứ! Em sẽ thấy nó như tước hết da thịt khỏi xương của gã kia. Anh hiểu rằng thuyền trưởng Jim không bao giờ cho phép một lời nói xấu phụ nữ nào được thốt ra trước mặt mình.”

“Em tự hỏi tại sao ông không bao giờ cưới vợ,” Anne nói. “Ông đáng lẽ phải có những người con trai với những con tàu riêng lênh đênh trên biển, và những đứa cháu nội trèo vào lòng ông để nghe chuyện của ông… ông là kiểu người như vậy đó. Thế mà thay vào đó, ông chẳng có gì ngoài một con mèo lộng lẫy.”

Nhưng Anne đã lầm. Thuyền trưởng Jim có nhiều hơn thế. Ông có một ký ức.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play