Cơn khát đánh thức nàng dậy vào giữa đêm. Cơn khát kinh hoàng chẳng khác nào đòn tra tấn khủng khiếp nhất. Miệng nàng khô đắng và đầu đau nhức. Ngay khi vừa tỉnh dậy, nỗi kinh hoàng của đêm hôm trước lại hành hạ nàng, Flora nằm sấp với cơn hối hận vô biên. Nỗi đau khổ khiến nàng không còn tâm trí đâu ngồi dậy tự rót cho mình một ly nước. Tấm mền nhồi lông vịt ấm áp rớt xuống giường và trong khi mải cúi Flora lao cả đầu xuống giường đau điếng. Nàng thở hổn hển, mồ hôi lạnh toát ra đầy người. Phải chờ một lát mới đỡ đau. Nàng nằm đó, mắt nhìn xung quanh bất động, cố nghĩ xem phải làm gì bây giờ. Flora vẫn thấy khát. Cẩn thận, nàng ngồi lên, mở đèn ngủ. Nhưng vừa buông tay ra khỏi đèn, nàng vội nhào ra khỏi giường, xô cửa phòng tắm trong khi cơn buồn nôn đã lên đến cực điểm. Cảm giác kinh hoàng nhất đã qua đi. Sau khi nôn thốc nôn tháo, Flora ôm cái bụng rỗng quỵ xuống nền nhà tắm. Toàn thân đau nhừ như bị ai dánh. Lúc này nàng mới nhận ra trên người chỉ có mỗi cái váy ngủ mỏng manh, cái đầu đau nhức của nàng dựa vào bồn tắm màu nâu sậm, mồ hôi toát ra như tắm, nàng nhắm mắt lại tưởng như chết đi được. Nàng cứ ngồi như thế một lát, chờ mãi vẫn không thấy hồn lìa khỏi xác, nàng liền mở mắt ra nhìn khung cảnh một lần nữa. Vẫn căn phòng tắm, trong con mắt nàng lúc này nó dường như rộng mênh mông, mọi hình ảnh nhòe nhoẹt. Qua cánh cửa phòng tắm mở toang, hành lang như dài đến vô tận. Muốn vùi mặt xuống gối ấm nệm êm để quên hết sự đời cũng phải đi một quãng đường xa như vòng quanh thế giới. Flora run rẩy đứng lên kéo lê đôi chân trần men theo chân tường trở lại giường. Nàng ngã vật xuống giường, mệt mỏi, không còn hơi sức đâu để kéo chăn phủ lên người nữa. Nàng nghĩ: Mình ốm nặng rồi, Flora thấy lạnh cóng. Cửa sổ thì mở, khí lạnh trời đêm ào vào trong phòng khiến nàng có cảm giác vị vùi xuống đáy xô nước đá khổng lồ. Nàng biết nếu mình không chết ngay trong phòng tắm thì nằm đây cũng đến chết vì chứng viêm phổi mất. Nàng vùi mình vào đống chăn, cái túi chườm đá lạnh ngắt từ bao giờ. Hai hàm răng Flora va vào nhau cầm cập. Nàng không sao ngủ lại được. Đêm đó cứ dài mãi ra. Mấy cái gối như ghồ ghề lên và nóng bỏng dưới đầu nàng, bộ áo ngủ ướt đẫm mồ hôi. Nàng cầu trời cho bình minh mau tới để có ai đó đến bên an ủi nàng, thay dra trải giường và làm cái gì đó cho đầu nàng khỏi đau nhức. Nhưng phải mất tới nhiều giờ sau, ánh bình minh yếu ớt nhợt nhạt mới hiện ra trên bầu trời, và cho tới lúc đó thì nàng đã thiếp đi vì quá kiệt sức. Cuối cùng, dì Isobel đã cứu nàng. Lo lắng vì không thấy Flora xuống nhà ăn sáng, Isobel đã lên lầu và phát hiện ra.

- Chắc lại ngủ nướng rồi chứ gì cô bé? Tốt hơn hết là ta nên… - Bà ngừng lại khi thấy cảnh hỗn độn trong phòng Flora. Quần áo từ tối hôm qua vương vãi trên sàn nhà, giường chiếu lộn xộn, chăn mền xộc xệch, dra trải giường rớt xuống thảm dưới chân giường. – Rose! – Bà đến bên thấy Flora nhợt nhạt như bóng ma nằm đó. Tóc dính bết trên trán. Flora nói giọng thều thào:

- Cháu thực sự không sao đâu ạ! Tối qua cháu bị ốm, chỉ có thế thôi dì Isobel ạ!

- Ôi! Tội nghiệp cháu tôi. Sao cháu không gọi dì dậy?

- Cháu không muốn làm phiền ai ạ.

Isobel đặt tay lên trán nàng. – Trời ơi! Sốt cao quá rồi nè.

- Cháu đau quá đi.

- Coi quần áo của cháu xộc xệch kinh khủng chưa nè. Ta sẽ đi gọi bà McLeod, cháu sẽ thấy dễ chịu ngay thôi. – Bà ra phía cửa. – Nào, bây giờ thì đừng có nhúc nhích nhé Rose. Đừng có nghĩ tới chuyện ngồi dậy đấy!

Khi Isobel và bà y tá đến, họ lo cuống quýt cả lên. Flora chỉ chờ có thế. Nàng mong chờ những khuôn mặt lộ vẻ quan tâm, những bàn tay dịu dàng, những tấm dra trải giường sạch sẽ, những túi chườm đổ đầy nước nóng ủ trong bọc len. Mặt nàng được rửa sạch bằng nước ấm. Cả tay nàng cũng được chùi rửa sạch sẽ. Rồi thì mùi dầu thơm dễ chịu lan tỏa trong phòng, thêm một cái áo khoác choàng trên vai.

- Áo của ai thế ạ? – Flora hỏi khi dì Isobel khoác áo lên vai nàng.

- Của dì đấy. – Chiếc áo màu hồng tôm với nhiều đường ren duyên dáng và hai cánh tay áo thật rộng.

- Áo đẹp quá dì ạ.

- Bà Tuppy cho dì đấy. – Bà Tuppy. Flora cảm thấy hổ thẹn và tội lỗi. Nàng bật khóc.

- Ôi! Dì Isobel. Dì đã phải chăm sóc bà Tuppy yếu đến nỗi không thể ra khỏi giường, bây giờ lại phải chăm sóc cháu. Lại chuyện buổi khiêu vũ sắp tới và còn trăm thứ việc nữa chứ. – Nàng khóc, nước mắt rưng rưng rồi giàn giụa trên má nàng. – Vậy là cháu đã làm phiền dì quá đi rồi.

- Không, cháu có làm phiền gì đâu. Đừng có nghĩ vớ vẩn thế! Đã có bà y tá chăm sóc cho bà nội Tuppy mà bà ấy cũng đang hướng dẫn dì chăm sóc cho cháu đây, phải không bà y tá?

Bà y tá nhặt mấy chiếc áo ngủ dơ lên: - Ôi! Áo ướt đẫm như vừa đi mưa về vậy. – Bà bước nặng nề ra khỏi phòng. Nghe tiếng chân cũng biết bà đang đến bên máy giặt. Dì Isobel lấy khăn giấy, khẽ lau nước mắt cho Flora.

- Để đến khi Hugh đến thăm bệnh cho bà Tuppy, dì sẽ nói với cậu ta…

-Đừng! – Flora nói lớn khiến dì Isobel ngỡ ngàng. Bà dịu dàng hỏi lại.

- Đừng là sao hả cháu?

- Cháu không muốn gặp Hugh. Cháu chẳng muốn gặp ông bác sĩ nào cả. – Nàng cầm lấy tay dì Isobel. Dự định sẽ cầm mãi nếu như dì không chịu nhượng bộ nàng. – Cháu có làm sao đâu. Đúng là cháu ốm, nhưng giờ cháu thấy khỏe rồi, như chưa hề có chuyện gì xảy ra vậy. Cặp mắt nàng hoảng loạn. Dì Isobel trân trân nhìn nàng như thể nàng phát điên.

Flora gào lên man dại: - Cháu không muốn bác sĩ bác siếc gì hết. Thỉnh thoảng cháu vẫn ốm như thế này mà.

Muốn làm dịu cơn điên dại nguy hiểm của cô cháu gái, dì Isobel nói thảng thốt: - Được, được rồi mà. Nếu cháu không muốn thì… - Flora từ từ buông tay dì Isobel ra.

- Dì hứa nhé?

Dì Isobel rụt tay lại và ngay lập tức trở nên cứng rắn: - Nghe này cháu, nếu cháu nhắm chứng minh giữ được lời hứa thì ta mới hứa. Còn không, không bao giờ ta hứa bậy đâu.

- Thôi mà dì.

Dì Isobel lặng lẽ ra khỏi cửa. Dì dịu dàng dặn với lại:

- Cháu nên ngủ đi một chút. Ngủ được sẽ thấy khỏe hơn đấy cháu ạ.

Nàng ngủ và mơ những giấc mơ khủng khiếp. Nàng mơ thấy mình đang đi trên bờ biển, bãi cát đầy những con nhện đen sì. Rose cũng ở đó, chị nàng mặc áo tắm hai mảnh bước đi dọc bờ biển nhầy nhụa những dầu. Một hàng dài những gã hảo ngọt hau háu bám đuôi Rose. Nhưng đột nhiên họ quay ngoắt lại nhìn Flora trong lúc trên người nàng không có một mảnh vải che thân. Rose cười phá lên. Flora ráng bỏ chạy, nhưng chân nàng không sao nhúc nhích được. Bờ cát đen ngòm biến thành bùn lầy. Thế rồi có một gã đến ngay sau lưng nàng. Gã ta tóm được nàng, đánh nàng rất mạnh vào mặt và giơ tay lên định kết liễu đời nàng. Nàng tỉnh dậy, mồ hôi lạnh toát ra đầm đìa. Lúc ấy, bà y tá McLeod đang nhẹ nhàng lay nàng dậy. Nàng nhìn lên cặp kính của bà ta, khuôn mặt lưỡi cày và mái tóc hoa râm. Bà y tá bảo:

- Nào cháu gái, đến giờ phải dậy rồi. Bác sỹ Kyle sẽ thăm bệnh cho cháu.

- Nhưng cháu không gặp anh ta đâu. – Flora nói rành rẽ. Nàng vẫn còn run bần bật sau cơn ác mộng. Nhưng cái bóng to tướng của Hugh đã hiện ra ở dưới chân giường.

- Tội nghiệp quá nhỉ. Không gặp không được đâu, bởi vì bác sĩ đã đến đây rồi.

Ngay lập tức, nàng quên phắt giấc mơ. Flora chớp chớp mắt, hình ảnh của Hugh hiện ra ngày càng rõ nét. Nàng rầu rĩ nhìn anh, cảm giác như mình đã bị phản bội.

- Tôi đã nói với dì Isobel là đừng kể với anh chuyện tôi bị ốm cơ mà.

- Cũng như những người phàm trần khác, không phải lúc nào lời nói của dì Isobel cũng đều đi đôi với việc làm.

- Nhưng dì ấy hứa rồi.

Bà y tá bảo: - Này cháu, ta biết không bao giờ cô Armstrong lại có thể bỏ mặc cháu trong tình trạng thế này. Tôi phải đi xuống dưới nhà.

- Vâng, xin cứ tự nhiên ạ.

Cùng với tiếng sột soạt của cái tạp dề hồ bột, bà y tá bỏ đi. Hugh nhẹ nhàng khép cửa lại phía sau lưng bà, quay lại ngồi bên Flora. Anh ngồi xuống mép giường, trông không giống như bác sĩ đang thăm bệnh cho bệnh nhân chút nào.

- Dì Isobel bảo cô bị ốm.

- Phải.

- Phát bệnh khi nào thế?

- Lúc nửa đêm. Tôi không biết lúc ấy là mấy giờ. Tôi không nhìn đồng hồ.

- À, để tôi xem nét mặt cô xem sao. – Anh vén tóc cô lên, sờ trán cô. Bàn tay anh mát lạnh. Nàng nghĩ: Đêm qua anh ta đã tát mình. Ký ức ấy khó tin đến nỗi nàng có cảm tưởng nó như hiện ra trong một cơn ác mộng khác, dù biết cái tát ấy là thật 100%. Nàng vẫn cầu nguyện, ước gì nó biến thành một giấc chiêm bao.

- Cô thấy đau khắp nơi có đúng không?

- Phải.

- Những chỗ nào nào?

- Chỗ nào cũng đau, nhưng bụng là đau nhất.

- Chính xác là đau ở chỗ nào nào?

Nàng chỉ cho anh ta xem.

- Hay cô bị đau ruột thừa?

- Tôi chẳng có ruột thừa gì cả. Tôi cắt ruột thừa cách đây 4 năm.

- À, vậy có thể bỏ qua khả năng đó. Hay cô bị trúng thực? Có dị ứng với món đồ ăn nào hay không?

- Không.

- Cô đã ăn những gì nào? Trưa hôm qua cô ăn gì?

Cứ phải moi óc để nhớ khiến nàng thấy mệt mỏi. – Thịt cừu muối và khoai tây chiên.

- Còn bữa tối qua?

Nàng nhắm mắt: - Tôi ăn bò bít tết và rau trộn.

- Thế còn trước đó?

- Ăn sò.

- Sò hả? – Anh ta nhắc lại như thể chấp thuận sự lựa chọn của nàng, sau đó lại hỏi: - Cô ăn sò phải không?

- Tôi thích ăn sò mà.

- Tôi cũng thích sò lắm. Nhưng sò phải tươi thì ăn mới được.

- Anh cho rằng tôi ăn phải sò ươn ư?

- Hình như là thế đấy. Cô thấy vị của nó thế nào? Ăn sò ươn thì biết liền à.

- Tôi… tôi không nhớ.

- Trước đây tôi cũng đến Fishers' Arms ăn sò và sau đó thì rắc rối to. Giờ tôi thấy mình cần phải đến đó nói vài lời với ông chủ nhà hàng trước khi ông ta giết hết dân cư vùng này bởi vì cái món sò của quán ăn.

Hugh đứng lên, rút trong túi áo ra một cái hộp nhiệt kế bằng bạc. Anh trầm ngâm: - Buồn cười thật đấy. Vậy mà gã Ardmore lại không gọi cho tôi nhỉ. Anh ta cầm cổ tay nàng lên bắt mạch.

- Brian ăn tôm càng.

- Tội nghiệp cô quá. – Hugh lẩm bẩm yêu cầu nàng há miệng ra để đặt nhiệt kế vào. Nàng nghĩ mình bị giam hãm, bị quy phục, cứ phải nằm đó nghe cái giọng chua cay của Hugh. Để khỏi phải đối mặt với anh ta, Flora quay ra ngoài cửa sổ nhìn trân trân ra ngoài. Những đám mây buổi sáng trôi chầm chậm ngang qua bầu trời. Một con chim hải âu kêu lên thảm thiết. Nàng chờ một lát những mong Hugh lấy quách cái nhiệt kế ra khỏi miệng của nàng cho rồi để anh ta có thể biến đi bỏ nàng nằm chết khô ở đây nàng cũng cam lòng. Thời gian trôi qua thật chậm, Hugh chẳng lấy nhiệt kế ra, cũng chẳng biến đi, càng chẳng bỏ nàng chết khô. Cả căn phòng bất động lạ lùng như thể nước lạnh tràn vào rồi bị đông đá khiến mọi vật đều chết cứng. Một lát sau, vì tò mò Flora quay lại nhìn Hugh. Viên bác sĩ không động đậy. Anh đứng bên giường nàng, vẫn cầm cổ tay nàng, mắt nhìn xuống và vẻ mặt trầm ngâm. Cổ tay áo rộng tụt xuống để lộ cánh tay Flora trông gầy guộc như que sậy. Nàng tự hỏi phải chăng mình đang bị một căn bệnh hiểm nghèo và Hugh đứng đây định nói với nàng rằng nàng không thể qua khỏi. Dì Isobel bước vào, cứu nàng thoát khỏi tình thế khó xử. Trước tiên, dì mở cửa ló đầu vào trước như thể sợ Flora nhảy dựng lên lao vào dì mà bóp cổ. Dì hỏi giọng vui vẻ:

- Người bệnh sao rồi?

Hugh bỏ tay Flora xuống, lấy nhiệt kế ra xem. – Cháu nghĩ cô ấy bị trúng thực. – Anh nói với dì Isobel. Hugh đeo kính lên để nhìn cái nhiệt kế cho rõ.

- Trúng thực ư?

- Dạ phải. Đừng có hoảng lên thế dì Isobel à. Bệnh không có lây đâu mà sợ. Cô ấy đã ăn phải sò ươn ở nhà hàng Fishers' Arms hôm qua.

- Ôi, tội nghiệp Rose. – Giọng lo lắng của dì Isobel khiến Flora cảm thấy như mình có tội.

- Tại cháu thèm quá đấy mà. Cháu thích ăn sò lắm dì ạ.

- Thế còn buổi dạ vũ thì sao? Không lẽ cháu cứ nằm trên giường như thế này cho đến ngày dạ vũ được tổ chức à?

Hugh bảo: - Không nhất thiết đâu dì à. Nếu cô ấy biết nghe lời thì sẽ mau khỏi thôi. Và khi buổi dạ vũ được tổ chức thì cô ấy tha hồ mà ca hát nhảy múa. Mọi việc cần làm là bỏ đói cô ấy vài ngày và giữ cho Rose nằm tĩnh dưỡng trên giường bệnh. – Hugh đứng lên, khoác túi lên vai. Một tay vẫn đặt lên trên thành giường. Anh nói với Flora: - Cô sẽ thấy rất thất vọng và buồn bã trong suốt ngày hôm nay và ngày mai. Đó chỉ là một triệu chứng thường gặp khi bị trúng thực. Đừng vì thế mà buồn bã ủ ê quá mức đấy nhé.

Vào cái lúc Hugh nói đến từ "ủ ê", Flora chỉ chực trào nước mắt. Hình như Hugh đã nhận ra điều ấy, bởi vì ngay lập tức, anh dẫn dì Isobel ra khỏi phòng. Khi đã bước ra khỏi ngưỡng cửa rồi, Hugh còn quay lại mỉm một nụ cười hiếm hoi và bảo: - Tạm biệt nhé, Rose.

Không dừng được, Rose nhoài người vồ lấy cuộn khăn giấy dùng để lau mặt

***

Về chuyện buồn nản thì Hugh nói đúng. Suốt ngày đầu tiên, Flora ngủ vùi, nhưng ngày hôm sau, nàng cứ ủ rũ không sao vui lên được. Đúng là người buồn thì cảnh có vui bao giờ. Trời xám xịt, mưa sụt sùi. Ngoài cửa sổ, những cụm mây đen ngòm ướt sũng và những con chim hải âu chấp chới bay thì chẳng còn gì khác hay ho để xem. Triều lên, tiếng sóng vỗ bờ nghe sao mà buồn đến thế. Bóng tối buông xuống thật nhanh, đến độ mới 3 giờ chiều, trong nhà đã phải bật đèn. Cảm giác tủi thân, cô độc xâm chiếm tâm hồn nàng, nó cứ mãi hành hạ nàng như tiếng chày giã gạo thình thịch reo không mệt mỏi. Nàng nằm trên giường lạ, trong một ngôi nhà lạ, một lần nữa nàng cảm thấy mình không còn là mình nữa. Không bao giờ nàng có thể tin nổi mình lại đóng vai một kẻ xuẩn ngốc và trâng tráo đến thế. "Chị em sinh đôi giống như hai nữa của một con người. Chia lìa họ chẳng khác nào xé thân xác của một người ra làm hai". Ở London, chính Rose đã nói câu ấy. Nhưng lúc ấy Flora không để ý đến câu nói này của chị, giờ thì nàng thực sự phải suy nghĩ về câu nói ấy của Rose. Bởi vì Rose là một kẻ đồi bại, sống vô lương tâm, vô đạo đức. Chẳng lẽ đó là những tính cách chưa bộc lộ của chính Flora hay sao. Nếu như mẹ của cô chọn Flora và cha cô chọn Rose thì liệu Flora có trở thành một con người như Rose hiện nay hay không? Mới 17 tuổi đầu đã hăm hở leo lên giường với một người đàn ông có vợ. Liệu Flora có bỏ Antony vào đúng cái lúc mà anh cần cô nhất để bay đến Spectsai hú hí với một anh chàng Hy Lạp giàu có. Liệu Flora có không ngần ngại lợi dụng Rose như Rose đã lợi dụng nàng. Lúc đầu, mọi khả năng đó dường như không thể xảy ra. Nhưng sau cái buổi tối cùng với sự kiện diễn ra trong xe của Hugh, Flora không còn tin chắc nữa. "Chính vợ anh đã làm cho anh đến nông nỗi này". Đó là những lời của Rose, nhưng Flora là kẻ phun những lời ấy ra. Câu nói khủng khiếp và vô lương tâm. Nàng nhắm mắt, úp mặt vào gối nhưng cũng chẳng đỡ hơn, bởi vì nàng không sao trốn khỏi những gì có sẵn trong đầu nàng. Và nàng biết mọi chuyện không dừng lại ở đó, sẽ còn nhiều nét mặt khó chịu, nhiều vẻ hoài nghi, nhiều thái độ ghê gớm nữa được biểu lộ với nàng. Tất cả những thứ đó treo lơ lửng trên đầu như một quả bom nổ chậm. Khi thời gian hết, nàng làm sao dám đứng trước bà Armstrong nói lời tạm biệt và khi đi rồi, nàng sẽ phải đi về đâu. Nàng không thể quay về Cornwall. Nàng nhất định phải đi, bởi vì Marcia và cha nàng xứng đáng được hưởng chút thời gian cuối cùng hạnh phúc bên nhau. Vậy đến London ư? Sống được ở đó cũng gặp đủ loại rắc rối. Nàng sẽ phải đi đâu? Làm việc cho ai? Và làm công việc gì? Nàng mường tượng ra cảnh mình đứng chờ trên bến xe buýt, xếp hàng trong mưa, ngồi ăn cơm hộp cho qua bữa trưa. Dùng hầu hết tiền lương để trả tiền thuê nhà. Mong mỏi có thêm bạn mới và cố gắng tìm lại bạn cũ để thỉnh thoảng còn tới lui tâm sự. Và cuối cùng là cái bóng ma của Hugh. Nhưng nàng cố ngăn mình không nghĩ về Hugh, bởi vì mỗi khi nhớ về anh ta, nàng lại muốn mình tan ra trong nước mắt. Nếu mình là Rose, mình chẳng cần người nhà Armstrong nghĩ gì về mình, chỉ việc nói tạm biệt rồi đi, không bao giờ quay đầu nhìn lại. Nhưng mình không phải Rose. Nếu mình là Rose, mình chẳng cần phải đi tìm việc làm hay phải đứng đợi xe buýt với đôi chân tê cóng, chỉ việc gọi taxi và thế là xong. Nhưng mình lại chẳng phải là Rose. Nếu mình là Rose, mình sẽ biết cách khiến cho Hugh phải yêu mình. Đối với chuyện này thì chẳng có giải pháp nào nữa rồi. Mọi người ở đây thật tốt bụng. Dì Isobel đã nhắn với Antony hiện đang ở Edinburgh rằng Rose bị ốm. Jason ra ngoài hái một bó hoa to tướng rậm rạp toàn lá là lá mang vào tặng nàng. Anna Stoddart cũng gửi cho nàng một bó hoa khô. Tôi rất lấy làm tiếc khi biết tin chị không được khỏe, tôi hy vọng tới thứ Sáu, chị đã hoàn toàn bình phục rồi. Brian và tôi gửi lời hỏi thăm chị, chúc chị mau bình phục. Anna. Isobel bảo nàng.

- Hoa này lấy từ nhà kính của nhà Ardmore đấy. Nhà kính của họ đẹp nhất vùng này, khiến dì lúc nào cũng phải ghen tỵ. Rose, Rose à, cháu lại khóc nữa rồi.

- Cháu không sao ngăn được, dì ạ.

Dì Isobel thở dài kiên nhẫn lấy khăn giấy đưa cho nàng, bà McLeod cũng hay ghé thăm. Một lần bà đến mang theo món đồ khâu vá mà bà gọi là cái áo đầm dạ hội cho nàng xem.

- Cháu nhìn này, ta đang viền đăng ten cho áo của cháu đấy. Để cho nó vừa hơn, ta nghĩ cháu nên đeo một cái thắt lưng hẹp bản. Bà Watty có mấy hạt ngọc trai giả trên nút áo, bà ấy không xài nữa có thể cho ta để đính vào áo của cháu.

Rồi thêm một tấm thiệp chúc mau lành bệnh của bà Watty và một bó hồng cuối cùng quý giá của bà nội Tuppy gửi cho nàng. Chính bà nội đã ra lệnh cho ông Watty cắt hoa đem vào cho nàng. Tự tay bà cắm hoa vào bình rồi nói dì Isobel mang xuống để trong phòng Flora. Đây là hoa của con bệnh cũ gửi cho con bệnh mới đây.

- Hugh có đến thăm bệnh cho bà Tuppy mỗi ngày không ạ? – Flora hỏi dì Isobel.

- Bây giờ thì không cần thăm bệnh mỗi ngày nữa đâu. Khi nào tiện đường thì thằng bé ấy ghé qua thôi. Sao cháu hỏi thế? Cháu muốn gặp nó à?

Nghe như có tiếng cười vui trong giọng dì Isobel, Flora bảo: - Dạ, không ạ.

Bình minh của ngày thứ Năm báo hiệu một ngày đẹp trời. Flora tỉnh dậy, bầu trời rực rỡ như một đồng xu được đánh bóng. Ánh nắng này, bầu trời xanh này và tiếng những con chim hải âu gợi cho nàng nhớ đến mùa hè.

- Trời đẹp quá! – Bà McLeod reo mừng, vội vã đến bên cửa sổ vén màn cửa lên, thay cho Flora túi chườm mới dọn dẹp giường và trùm chăn cho nàng kín mít đến nỗi Flora ngộp thở.

- Chắc cháu phải dậy thôi. – Nằm mãi nàng cũng thấy chán.

- Đừng có làm cái việc điên rồ ấy. Chừng nào bác sĩ Kyle chưa cho dậy thì đừng có dậy.

Ngay lập tức tâm trạng của Flora ỉu xìu, nàng ước gì bà y tá đừng có nhắc đến tên anh ta, mặc dù thời tiết tươi đẹp nhưng nàng vẫn buồn bã làm như thể ốm là luôn luôn đi kèm với buồn vậy. Những lời nói ngang ngược xốc óc không thể tha thứ của nàng với Hugh khiến nàng không sao quên được. Nó cứ treo lơ lửng trên đầu như một cây kiếm dài và sẽ treo mãi ở đó cho tới khi nàng bắt mình phải xin lỗi anh ta. Chính cái ý nghĩ ấy làm nàng muốn bệnh hoài. Nàng rúc sâu vào trong chăn. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trông nom người bệnh, bà y tá dò xét:

- Cháu không thấy khỏe à?

- Cháu khỏe, không sao đâu ạ. – Flora đáp chiếu lệ.

- Hay ăn cái gì nhé? Cháu đói không? Để bác nói bà Watty làm cho cháu mấy cái bánh ngọt.

Flora nói lạnh lùng: - Nếu bác mang bánh ngọt đến cho cháu, cháu sẽ lén vứt ra ngoài cửa sổ.

Bà y tá tặc lưỡi, xuống nhà bếp, cảm thông với cô bệnh nhân đang sắp sửa bình phục tuy còn hơi khó tính. Lát sau, dì Isobel xuất hiện bưng khay điểm tâm lên. Tuy không được thịnh soạn lắm nhưng cũng có một cái bánh mì chiên bơ, một hũ mứt cam và một ấm trà.

- Có thư cho cháu đây. – Dì Isobel thông báo. Dì lôi một tấm bưu thiếp trong túi ra đặt trên khay. Flora nhìn thấy trên tấm bưu thiếp ấy là tháp Eiffel. Bầu trời xanh, những cây dẻ xanh mơn mởn và tháp Eiffel. Paris ư? Bối rối, nàng lật tấm thiếp lên xem, nó có ghi địa chỉ. Chữ viết nguệch ngoạc, gửi cho cô Rose Schuster, Fernrigg House, Tarbole, Arisaig, Argyll, Écosse. Bối rối, nàng đọc những dòng chữ phía dưới, viết rất nhỏ vì chỗ trống trên tấm bưu thiếp rất có hạn.

"Chị nói sẽ liên lạc với em mà. Trên đường đi Spetsai, chị quyết định ở lại Paris vài ngày. Chị gửi bưu thiếp này đến Fernrigg cho em, bởi vì chị có một linh cảm rất mạnh mẽ rằng em đang ở đó, là cô dâu ngoan hiền của gia đình và biết đâu được đấy, em lại chẳng sắp cưới Antony đến nơi. Nhớ cho chị gửi lời hỏi thăm đến anh ấy nhé."

Chẳng có ghi ngày, tháng, cũng chẳng kí tên. Dì Isobel hỏi:

- Bạn cháu gửi cho cháu à?

- Vâng, bạn cháu gửi đấy ạ.

Rose khôn khéo thật. Dì Isobel không bao giờ đọc thư của người khác. Nhưng nếu dì có đọc những dòng này thì dì cũng chẳng biết được gì. Flora thấy những ngón tay mình dơ bẩn khi rờ vào tấm bưu thiếp của Rose. Nàng tụt khỏi giường, ném nó vào trong sọt rác. Thấy thế dì Isobel hỏi:

- Cháu không bệnh lại đấy chứ?

- Không đâu ạ. – Để làm dì Isobel yên tâm, nàng phết mứt lên mẩu bánh, cắn một miếng rõ to. Sau khi bữa ăn sáng ít ỏi nhanh chóng biến mất trên khay, dì Isobel trở ra. Flora chỉ còn ở lại một mình. Dù cố nén nhưng thông điệp của Rose vừa làm cho nàng lo lắng vừa khiến nàng tức giận. Đồng thời nàng tự trách mình, nàng mong muốn có ai đó ở bên mang tình yêu thương an ủi mình. Nàng muốn có một chút trách móc, một chút quan tâm, muốn một người có thể làm chuyện đó và Flora cần gặp người ấy ngay. Bướng bỉnh không chờ người ta cho phép, Flora trở dậy, rời khỏi giường tìm quần áo, nàng muốn gặp và nói chuyện với bà nội Tuppy.

Jessie McKenzie đã từ Portree trở về. Sau vài ngày chăm sóc người ốm, Jessie quyết dịnh về nhà. Nhà cô là một ngôi nhà nhỏ trong làng chài, hệt trong một ngõ hẻm ở Tarbole. Jessie ở đó giữ nhà cho anh cô, một phu khuân vác làm việc trong một ngôi nhà hun khói cá. Mỗi sáng sớm, Jessie leo lên đồi đến nhà bác sĩ. Cô sẽ trả lời điện thoại, ghi lại lời nhắn, nói chuyện với những doanh nhân ghé qua thăm nhà của Hugh, buôn dưa lê với máy người hàng xóm rỗi việc và nhàn tản uống trà. Sau khi làm xong công việc cốt để vui vẻ qua ngày ấy, cô vui vẻ xào xáo đống đồ đạc trong nhà. Bôi bẩn mọi thứ hơn là dọn dẹp cho sạch sẽ, giặt giũ quần áo cho viên bác sĩ và nấu bữa tối cho anh ta. Bởi vì viên bác sĩ này rất bận rộn, thế nên Jessie luôn luôn về nhà trước khi anh ta xuất hiện ăn cái bánh nhân cá hay bánh nhân thịt cừu hoặc vài miếng sườn nướng. Bữa chính của Hugh chỉ có thế, quanh đi quẩn lại chỉ có món ăn ấy ngày này qua tháng khác. Jessie cứ để đồ ăn đó, bánh cứng lại trong lò nướng và bữa tối bao giờ cũng được dọn ra vẻn vẹn trên hai chiếc đĩa. Thỉnh thoảng, khi cô quay lại vào sáng sớm hôm sau thì thấy bữa tối vẫn còn trong lò nướng chưa hề được đụng tới, Jessie sẽ lại lắc đầu, quăng đồ ăn vào trong thùng rác và ngay lập tức cô ta có nhu cầu phải kể lể với ai đó rằng nếu bác sĩ không tự chăm sóc cho bản thân, sẽ có ngày anh ta cũng ngã quỵ và biết đâu còn bệnh nặng nữa. Là người quản gia của viên bác sĩ, Jessie thấy mình quan trọng hơn. Cô thấy địa vị của mình cũng khá vẻ vang trong cái thị trấn này. Người ta vẫn thường hỏi cô rằng nếu không có cô thì Hugh sẽ sống ra sao đây? Jessie sẽ lắc đầu khiêm tốn nhưng thực ra trong lòng thấy tự hào. Nhưng khi Jessie tự hỏi: thế còn những người dân ở thị trấn này sẽ sống ra sao nếu không có cô? Nếu không có Jessie trả lời điện thoại, ngày này qua ngày khác ghi lại những lời nhắn cho Hugh thì nhiều người đâu có được cứu chữa kịp thời. Trời, cái thị trấn này làm sao thiếu Jessie McKenzie được cơ chứ. Thế nên vào sáng ngày thứ Năm, khi từ Portree trở về, Jessie sửng sốt khi bước vào nhà bếp của bác sĩ Kyle. Đó là một ngày đẹp trời, trong lúc leo lên đồi đắm mình trong ánh nắng mặt trời và trong không khí se lạnh nghĩ tới cái đống bừa bộn nhà bác sĩ Kyle mà Jessie thấy lòng lâng lâng tự hào. Thấy chưa? Vắng cô mấy ngày là biết tay nhau mà. Tính tổng cộng thì cô đã đi vắng gần một tuần, cũng phải nói thêm là cả thế giới này đều biết bác sĩ Kyle tự chăm sóc mình vụng về đến mức nào. Thế nhưng Jessie nhìn thấy mọi vật gọn ghẽ đến không ngờ, sàn nhà sạch bóng, bồn rửa chén sáng bóng ngay phía trên bếp và tìm mãi Jessie mới thấy có một cái đĩa bẩn. Jessie sửng sốt đến lặng người, mãi sau cô mới nhận ra chuyện gì đã xảy ra ở đây. Bác sĩ đã tìm người khác thế chỗ của cô. Anh ta đã để cho ai đó vào căn bếp của Jessie này. Cô điểm ngay trong óc những người có thể giữ vai trò ấy. Bà Murdoch, ý nghĩ ấy khiến Jessie nổi da gà. Nếu đúng là bà Murdoch thì lúc này cả thị trấn này sẽ đều biết Jessie đã bị hạ bệ, họ sẽ đàm tiếu về cô, cười nhạo sau lưng cô. Nghĩ tới đó, Jessie chỉ muốn xỉu. Nhưng cơn hoảng hốt của Jessie qua mau khi nghe những tiếng động quen thuộc ở trên lầu. Bác sĩ đã ra khỏi giường, đang mặc quần áo. Cô có thể nghe tiếng chân anh ta trong phòng ngủ, Jessie tự nhủ: Tôi cứ ngồi lỳ ở đây, không đi đâu cả. Quyền tư hữu là quyền thiêng liêng nhất trong mỗi cá nhân, mà hay là cái gì ấy nhỉ? Jessie không rành luật pháp lắm. Nhưng cô chỉ biết rằng nếu như cô mà rời căn nhà này thì thế nào người cũng cho cô đi luôn. Còn khuya nhé, không có bất cứ người phụ nữ hãnh tiến nào ở Tarbole này có thể giành được chỗ làm của cô. Ý nghĩ ấy làm cho Jessie gan dạ hẳn lên, cô cởi áo khoác treo lên cái móc đằng sau cửa ra vào và bắt đầu đun nước vào lúc bác sĩ Kyle xuống tới nơi, thịt nướng được nêm nếm vừa miệng Hugh Kyle, trứng cũng được chiên xong nằm gọn ghẽ trong chiếc đĩa trắng tinh, không một vết dầu mỡ dính ở trên mép đĩa. Bác sĩ đến bên cửa chính, lượm thư từ, Jessie nghe tiếng chân anh ta vào tiền sảnh. Hugh gọi lớn:

- Jessie!

Cô giúp việc lấy giọng mình có thể vui vẻ nhất đáp lại:

- Chúc một buổi sáng tốt lành. Bác sĩ Kyle.

Và khi anh bước qua ngưỡng cửa, Jessie niềm nở ra đón. Trông anh ta ăn mặc gọn ghẽ và chỉnh tề, Jessie có hơi thất vọng một chút nhưng chí ít trông Hugh Kyle cũng chẳng có vẻ gì là hùng hổ như một người sắp sửa cho quản gia của mình nghỉ việc, trái lại anh ân cần hỏi:

- Cô khỏe không Jessie? Mọi việc tốt đẹp cả chứ?

- À, bác sĩ, cũng không có gì quá tệ đâu ạ.

- Mẹ cô sao rồi?

- Bà phấn khởi lắm, thưa bác sĩ. Mẹ tôi phục hồi nhanh như có phép lạ vậy.

- Tuyệt quá nhỉ, mừng cho cô đấy.

Anh ngồi xuống bàn, cầm dao rọc lá thư đầu tiên. Thư này được đánh máy cẩn thận. Con dấu bưu điện của Glassgow chạy ngang trên phong bì. Thế là Jessie có dủ thời gian dọn trứng và thịt chiên ra. Động tác hơi có vẻ điệu đàng hơn bình thường một chút, cô rót trà rồi cũng bằng cái vẻ điệu đàng ấy cô đặt ly đến trước mặt anh. Trà thơm nghi ngút khói như mời gọi, bánh mì nướng giòn tan. Bữa sáng mới tuyệt làm sao! Jessie lùi lại chăm chú nhìn ông chủ. Trước tiên, Hugh đọc chữ ký ở phía dưới rồi mới lật ngược bức thư đọc nốt bên kia. Nhìn thấy chữ ký bay bướm trên lá thư ấy, Jessie gọn giọng hỏi:

- Mấy ngày qua, anh xoay sở ra sao hả bác sĩ?

- Hả? – Hugh nhìn lên. Chắc chắn anh không nghe Jessie vừa nói cái gì. Cô biết ngay bức thư kia chắc chắn là phải quan trọng lắm.

- Tôi vừa hỏi khi tôi đi rồi, anh xoay sở ra sao trong ngôi nhà này?

Hugh tặng cô một nụ cười hiếm hoi. Đã lâu lắm rồi cô không thấy anh vui vẻ như vậy.

- Jessie à, tôi mong cô còn hơn mong mẹ về chợ nữa đấy.

- Thôi, đừng có giỡn nữa mà.

- Tôi nói thật đấy. Không có cô, nhà cửa như một đống hỗn độn vậy. – Chợt Hugh chăm chú nhìn món thịt chiên và trứng. - Ồ, chắc là ngon lắm đây. – Anh đặt lá thư sang một bên và bắt đầu ăn. Nhìn cái cách Hugh ăn uống, Jessie cứ tưởng cả tháng nay anh ta phải nhịn đói.

- Nhưng tôi có thấy nhà cửa bề bộn gì đâu?

- À, có một cô tiên tốt bụng đến và chùi rửa, dọn dẹp nhà cửa cho tôi. Và khi cô ấy đi rồi thì y tá của tôi đến đây hàng ngày để sắp xếp mọi thứ gọn gàng như cũ.

Y tá của Hugh không làm Jessie phải bận tâm. Việc của y tá là ở phòng mạch. Cô ta có gia đình rồi và cũng chẳng phải người lạ. Nhưng còn cô tiên tốt bụng là ai thế nhỉ? Không lẽ lời ca ngợi ấy lại dành cho bà Murdoch. Một lần nữa, Jessie chỉ muốn xỉu. Nhưng trước khi xỉu, cô phải tìm cho ra sự thật mới được.

- Nếu bác sĩ không phiền thì tôi xin hỏi, cô tiên tốt bụng đó là ai được không ạ?

- À, tôi có phiền gì đâu. Tôi nói ngay cho cô biết đây. Đó là vợ sắp cưới của Antony Armstrong. Mấy ngày nay cô ấy ở lại Fernrigg. Chiều hôm nọ, cô ấy có ghé qua đây cọ rửa giúp tôi đấy mà.

Vợ sắp cưới của Antony Armstrong. Cảm giác nhẹ nhõm lan tỏa trong người Jessie. Chẳng phải là bà Murdoch. Thế là tiếng tăm của Jessie vẫn được bảo toàn. Địa vị của cô ở Tarbole vẫn còn nguyên vẹn, không ai cướp mất công việc của Jessie cả. Phải rồi, công việc của cô, cô đang là cái gì thế nhỉ? Sao cứ đứng ở đây mãi làm mất thời giờ trong lúc mọi đồ đạc trong nhà đang chờ bàn tay cô thu vén. Với một vẻ hồ hởi thiếu vắng trong nhiều năm trời, Jessie dọn dẹp mấy cái nồi dơ, đi lấy bàn chải, chổi và khi Hugh ra khỏi nhà sáng hôm ấy cô đã quét xong một nửa cái cầu thang. Vừa làm vừa xô đồ đạc ầm ầm, cô quét mạng nhện, lau bụi, giờ thì cảm giác mát mẻ sạch sẽ đã có mặt ở mọi góc nhà, Jessie vui sướng hát vang:

"Mình sẽ gặp nhau thôi anh. Chỉ tiếc không biết gặp nhau ở đâu và khi nào…"

Ra đến cửa, Hugh gọi lại: - Jessie à, nếu có ai gọi, nhắn với họ rằng tôi ở phòng mạch lúc 10 giờ. Và nếu có ai đó cần gặp tôi gấp cứ bảo họ liên lạc với tôi tại Fernrigg. Hôm nay tôi ghé qua đó thăm bệnh cho bà Armstrong. Anh mở cửa, ngần ngừ một lúc rồi quay lại: - À, Jessie này. Sáng nay trời đẹp đấy. Cô mở hết tất cả các cửa sổ ra để đón ánh mặt trời vào trong nhà nghe không?

Nếu bình thường, Jessie đã nhảy dựng lên phản đối cãi lại ý kiến quái gở ấy rồi. Nhưng sáng nay cô đáp gọn ghẽ:

- Tuân lệnh, thưa ông chủ. – Thậm chí cô còn không rời tay khỏi công việc khi trả lời câu hỏi đấy. Và hình ảnh cuối cùng Hugh thấy khi rời khỏi nhà là Jessie mặc chiếc áo choàng không tay, đeo găng tay nilon cặm cụi làm công việc chùi rửa.

***

Anh mở toang cửa và chào: - Chúc một buổi sáng tốt lành.

Bà Tuppy vẫn còn đang ăn bữa điểm tâm. Bà ngẩng lên nhìn anh qua cặp kính bởi bà đang đọc thư trong khi ăn – Chào Hugh.

Anh bước vào, khép cửa lại. – Sáng nay thời tiết đẹp tuyệt vời. chưa bao giờ trời đẹp đến thế.

Bà Tuppy không nói gì. Thật lòng mà nói, bà hơi bị bất ngờ. Bữa sáng vẫn còn trước mặt, giường chiếu chưa gọn gàng, cho dù là Hugh thì bà Tuppy vẫn cảm thấy hơi ngượng ngùng một chút. Bà bỏ kính ra nhìn anh nghi hoặc tự hỏi: không hiểu hôm nay có chuyện gì mà trông Hugh có vẻ vui vẻ làm vậy.

- Cháu đến đây sớm thế này chắc chẳng là có chuyện gì phải không?

- Sáng nay cháu có việc phải sang phòng mạch một chút. Trước khi đến phòng mạch, cháu quyết định ghé qua vài nơi và cháu đến thăm bà trước.

- À, cháu đến hơi sớm hơn mọi ngày đấy! Bà nghĩ cả bà và McLeod đều chưa sẵn sàng để cháu có thể thăm bệnh được ngay.

- Bà McLeod biết cháu đến rồi. Một hay hai phút nữa, bà ấy sẽ lên đây ngay.

Bà Tuppy bảo anh: - Thế còn cháu. Có gì vui mà trông có vẻ phởn phơ thế?

Hugh đến bên chỗ thường xuyên dành cho anh mỗi khi anh đến thăm bệnh, dựa lưng vào thành giường của bà Tuppy: - À, Jessie McKenzie đã quay trở về rồi. Cô ấy vui gì mà hát luôn miệng, luôn tay lau chùi dọn dẹp đồ đạc khiến nhà cháu cứ sạch bóng cả lên.

- Rất đáng mừng. Nhưng đó không phải là lý do giải thích cho cái vẻ tự mãn của cháu sáng ngày hôm nay.

- Vâng, đúng là không phải hoàn toàn là do Jessie đâu ạ. Cháu có chuyện muốn nói với bà.

- Chuyện vui phải không?

- Hy vọng thế. – Cũng như mọi khi, anh đi thẳng vào đề: - Cháu vừa nhận được bức thư sáng nay. Thư của anh chàng David Stephenson, cách đây ba năm anh ấy được nhận vào làm việc tại một bệnh viện ở Edinburgh. Và từ đó đến nay David làm việc cho bệnh viện Victoria ở Glasgow. Cháu đánh giá anh ta rất cao. David khoảng 30 tuổi, có một cô vợ trẻ. Trước đây cô này cũng là y tá. Họ đã có hai con nhỏ. Hai vợ chồng họ đã chán cuộc sống nơi thị thành và muốn về Tarbole sinh sống.

- Họ sẽ hợp tác với cháu à?

- Vâng ạ.

Bà Tuppy không nói gì. Dựa lưng trên gối, nhắm mắt lại bà đếm đến 10. Sau đó, bà mở mắt ra. Hugh đang chờ đợi nhận xét của bà.

- Trước khi tham khảo ý kiến người khác, cháu muốn hỏi ý bà thế nào ạ.

Bà nói với anh: - Theo ta, cháu là đứa chuyên môn chọc gan chọc ruột người khác.

- Cháu biết, cháu làm bà giận bởi không nói với bà từ trước. Cháu biết thừa là mọi người đều mong cháu tìm được người về đỡ đần công việc ở phòng mạch, thế mà tìm được người ấy rồi, cháu lại giấu giấu giếm giếm, chẳng ra làm sao cả.

Hugh rất hiểu bà Tuppy. – Nhưng bà hài lòng chứ ạ?

Bà gắt gỏng: - Hài lòng chứ sao không. Chưa bao giờ ta hài lòng về cháu đến thế. Nhưng giá như cháu nói trước với ta thì hay biết mấy. Suốt khoảng thời gian vừa rồi, ta đã lo lắng vô ích. Không biết rồi đây có người đỡ đần, cháu sẽ sống ra sao.

- Bà Tuppy à. Bà quên rằng cháu đã không còn ở tuổi của thằng Jason nữa hay sao?

- Ý cháu muốn nói là cháu hoàn toàn có thể tự xoay sở được, không cần phải nghe ý kiến của một bà già hay chõ mũi vào chuyện của người khác như ta chứ gì?

- Cháu đâu dám nghĩ thế!

- Nhưng rõ ràng là lời nói vừa rồi ám chỉ điều ấy. – Nói thế thôi, nhưng trong bụng bà rất mừng. Không muốn giữ mãi nét mặt cáu kỉnh, bà mỉm cười và bảo anh: - Vậy là cháu sắp được nhàn hạ rồi đấy. Có thời gian thư giãn một chút đúng không nào?

- Thưa bà, cũng chưa nói chắc được đâu ạ. Thứ Tư tới anh ấy sẽ đến phòng mạch của cháu xem qua một chút, rồi mới cho ý kiến.

Bà Tuppy tỏ vẻ tinh tường: - Thế vợ chồng nó sẽ sống ở đâu?

- Đó cũng là một trong những vấn đề cần phải thu xếp. Họ chưa có nhà.

Bà Tuppy đã có sẵn ý tưởng: - Mọi người ở nhà này sẽ thông báo đến khắp mọi nơi hỏi xem liệu thu xếp cho họ một chỗ ở có được không?

- Xin đừng loan tin vội cho đến khi mọi chuyện đã thỏa thuận xong.

- Thôi được, ta sẽ không hé môi đâu. Bác sĩ Stephenson, cộng tác viên của bác sĩ Kyle, cứ tạm cho là như thế đi.

Vậy là đã phổ biến xong tin tức, Hugh đi ngay vào việc. – Sáng nay, bà thấy trong người thế nào?

- Khỏe hơn hôm qua. Nhưng ta nghĩ ngày mai chắc sẽ không được như vậy. Ta bắt đầu thấy trong người bồn chồn làm sao ấy. Nói thật với cháu nhé: chắc ta phải nằm trên giường bệnh lâu hơn cháu tưởng.

- Theo cháu thì tuần sau bà có thể đứng lên đi lại mỗi ngày một hay hai giờ đồng hồ.

- Còn Rose thì sao hả cháu? Cái cô bé Rose tội nghiệp nhỏ bé của ta, sức khỏe thế nào?

- À, cháu vẫn chưa gặp cái cô bé Rose nhỏ bé tội nghiệp đâu ạ.

- Thế thì phải đi gặp con bé ngay, xem con bé khỏe chưa. Mấy con sò ấy thật ghê quá đi thôi. Giờ thì người ta phải nhắc chừng nhau ăn uống cho cẩn thận hơn. Ngày mai con bé mà không xuất hiện trong buổi tiệc khiêu vũ thì hư bột hư đường hết trơn. Mục đích tổ chức ra bữa tiệc ấy là để mọi người cùng biết mặt Rose, chứ không có ý gì khác.

Trong lúc bà nói, Hugh đi loanh quanh trong phòng đến bên cửa sổ như thể ánh sáng rực rỡ của buổi sáng làm anh không thể dằn lòng bỏ mọi việc đến ngắm nó. Nhìn cái lưng Hugh bà Tuppy tự hỏi không hiểu anh có nghe bà đang nói gì không. Cảnh hiện ra trước mắt làm bà hơi ngờ ngợ, bà hỏi:

- Cháu biết không, cái hôm ta cảm thấy mình mệt lả, cháu cũng đến đây đứng bên cửa sổ như vậy. Hôm ấy ta có nói muốn gặp Antony và Rose. Và thế là cháu đã thu xếp cho ta được thỏa ước nguyện. Cháu và Isobel yêu quý của ta. Ta rất biết ơn hai người, Hugh ạ. Mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp. Ta thật may mắn vì có hai người giúp đỡ đấy.

Bà trìu mến nhìn cái lưng của Hugh chờ câu trả lời. Khi anh quay lại định nói câu gì đó, chợt có tiếng gõ cửa. Tưởng đó là bà y tá đến mang khay điểm tâm đi, bà Tuppy gọi với: - Cứ vào đi, cửa mở.

Rose bước vào. Người đầu tiên cô nhìn thấy là Hugh. Bóng anh gần choán hết cửa sổ. Nàng dừng lại chỉ khoảng một phần mười giây, sau đó không nói lời nào quay ngoắt người định bước ra. Bà Tuppy chỉ kịp nhìn thấy cái chân dài đi vớ len màu đen nhún nhảy bên dưới vạt váy ngắn như của con nít. Hugh cũng sững người nhưng anh nhanh mồm nhanh miệng hơn bà Tuppy.

- Cô quay lại đây ngay! – Hugh ra lệnh. Bà Tuppy cau mày. Giọng nói sao nghe khó chịu thế nhỉ. Cả Hugh và bà đều chờ, Rose chầm chậm quay lại đứng ngay ngưỡng cửa như thể cô sắp sửa quay lưng đi tiếp. Trong con mắt của bà Tuppy, Rose chỉ mới qua tuổi 15 chứ không hơn. Cặp mắt lạnh lùng của Hugh nhìn Rose không chút trìu mến. Hoàn cảnh này thật quá nực cười. Bà Tuppy biết rất rõ Rose khá vui tính và nó sắp sửa cười khúc khích cái anh chàng bác sĩ khó chịu này. Bà Tuppy sẵn sàng nghe tiếng cười đó, nhưng trông con bé sắp sửa òa lên khóc hơn là phá ra cười. Bà Tuppy những mong giọt lệ đang rưng rưng trên mắt của Rose kia đừng rơi xuống má. Sự im lặng lạ lùng cứ kéo dài mãi, cuối cùng Hugh lên tiếng:

- Ai cho cô ra khỏi giường thế?

Chưa bao giờ thấy Rose khó chịu như thế: - Thật ra thì chẳng có ai cả.

- Thế bà y tá không bảo cô phải nằm im trên giường hay sao?

- Có, bà ấy có nói. Chuyện tôi dậy và đi lại như thế này chẳng phải lỗi của bà ấy.

- Thế tại sao cô dám ra khỏi giường?

- Tôi định lên thăm bà Tuppy. Tôi không biết anh ở đây.

- Tôi không hỏi chuyện đó.

Không chịu được nữa, bà Tuppy lên tiếng: - Hugh à, đừng có ăn hiếp Rose nữa mà. Nó đâu còn trẻ nhỏ gì nữa. Nó được phép ra khỏi giường nếu nó thích mà. Rose, đến mang cái khay này đi giúp bà để bà nhìn cháu cho rõ nào.

Mừng vì có bạn đồng minh. Rose khép cánh cửa lại đến mang khay đi, đặt lên bàn gần đó. Bà Tuppy nắm lấy tay cô, kéo nàng ngồi xuống bên cạnh bà: - Nhưng sao cháu gầy quá. Tay chân gì mà khẳng khiu thế này? Chắc mấy bữa trước, cháu phải khổ sở lắm phải không?

Trông dáng vẻ mệt mỏi và tiều tụy của Rose, bà nghĩ chắc phải có lý do gì đó con bé mới trở dậy, lên đây, thế nên bà hỏi: - Có lẽ cháu nên nằm lại giường. Ngày mai, khi tiệc sẵn sàng, cháu phải bình phục, khỏe mạnh mới được. Cứ nghĩ xem, nếu không có mặt cháu trong bữa tiệc thì cả nhà đã phí công vô ích rồi đấy. Bà quay sang báo với nàng một tin vui. – À, có chuyện này ta muốn nói với cháu. Cháu không phải lo lắng gì nhiều về chuyện cắm hoa nữa đâu, bởi vì Anna sẽ mang theo hoa từ nhà kính của Ardmore. Con bé hứa sẽ mang đến đầy một xe luôn đấy. Anna cắm hoa đẹp lắm! Các bình hoa luôn luôn… - Giọng hồ hởi của bà Tuppy tắt lịm, Rose chẳng trả lời. Con bé cứ ngồi đó, mắt nhìn xuống, khuôn mặt không chút xao động. Khi không trang điểm, trông nó mới xanh xao làm sao. Mái tóc mất đi vẻ bóng mượt, và cặp môi mọng giờ khô nẻ khiến bà Tuppy vô cùng lo lắng. Bà nhớ lại hình ảnh của cô bé Rose cách đây 5 năm về trước luôn sưng sỉa vô cớ. Nghĩ tới đó, bà Tuppy lại tự nhủ: đứa nào ở tuổi 17 lại chẳng hay hờn giận. Nhưng đây là đầu tiên tiên bà nhìn thấy khuôn mặt đau khổ của Rose. Nghĩ về Antony, bà Tuppy thấy lo lo vì sợ con bé hay nhõng nhẽo. Trong từ điển của bà Tuppy, nhõng nhẽo là một tội không thể tha thứ được, là một bằng chứng của sự chiều chuộng thái quá. Mọi ý nghĩ lướt nhanh trong đầu bà, bà cố tìm ra nguyên nhân của tình trạng này. Dĩ nhiên là con bé đang ốm nhưng… không lẽ nó vừa cãi cọ với ai, với Antony chăng? Nhưng Antony đâu có ở đây. Chẳng lẽ cãi nhau với Isobel? Không thể nào. Từ bé đến giờ, Isobel có cãi nhau với ai bao giờ đâu. Bà bắt đầu mất kiên nhẫn.

- Rose, cháu gái yêu quý của bà. Cháu làm sao thế?

Trước khi Rose kịp trả lời, Hugh đã nói thay: - Cháu gái yêu quý của bà không sao đâu ạ. Chỉ vì cô ấy bị trúng thực và ra khỏi giường quá sớm thôi ạ.

Anh quay lại đến giường bà Tuppy, lấy lại dáng vẻ bác sĩ của mình trước khi Rose kịp định thần. Như mọi khi, bà Tuppy rất cảm ơn Hugh đã cứu vãn tình thế khó xử. Anh hỏi Rose:

- Cô thấy trong người thế nào?

- Khỏe. Chỉ có điều chân còn hơi run thôi.

- Cô ăn sáng chưa?

- Rồi.

- Ăn vào lại thấy khó chịu à?

Rose bối rối: - Không.

- Nếu đúng như thế thì tốt hơn hết là cô nên ra khỏi nhà đi một vòng hít thở không khí trong lành. – Khi thấy Rose tỏ ra không hứng thú gì, anh nói tiếp: - Đi ngay bây giờ đi. Trong lúc trời còn đang nắng đẹp.

Để khích lệ, bà Tuppy vỗ nhẹ vào tay Rose: - Thấy chưa, sao cháu còn chưa làm đi, sáng nay trời đẹp lắm đấy, cháu sẽ thấy khỏe hơn nhiều.

- Thôi được ạ. – Ngần ngừ, Rose đứng lên đi ra cửa. Nhưng lúc ấy, ý thức về sự gọn ghẽ trong con người bà Tuppy thức tỉnh. Bà gọi với: - Rose à, cháu yêu quý, nhưng cháu xuống tầng trệt thì hãy mang theo cái khay của ta đây nè. Nếu được như thế bà y tá khỏi đi tới đi lui nhiều lần. Nếu cháu thấy bà ấy thì bảo bà ấy lên đây ngay nhé. – Và khi Rose khệ nệ bưng cái khay ra bà còn nói thêm: - Khi nào đi, nhớ nói qua với bà Watty một tiếng thế nào bà ấy cũng nhờ hái đậu đấy.

Khi đã sắp xếp mọi chuyện trong nhà xong xuôi, giác quan thứ sáu khiến bà Tuppy lo lắng. Còn bà Watty thì không vui vẻ gì khi thấy Flora xuất hiện. Bà đồng ý ngay ý kiến của bà nội Tuppy. Đúng là bà đang cần một ít đậu cho nồi xúp buổi chiều nên đã đưa một chiếc giỏ to tướng cho Flora, bảo cô hái đậu bỏ vào đầy giỏ mang về.

- Bà y tá có biết cháu đã ra khỏi giường và sắp bình phục trở lại không?

- Có ạ, cháu vừa gặp bà ấy. – Nhưng lúc ấy bà McLeod quay lưng lại.

- Thế thì đừng để bà ấy nhìn thấy mặt cháu nhé, kẻo bà ấy lại bắt cháu nằm bẹp trên giường đấy.

- Vâng ạ!

Mang theo cái giỏ nàng đi ra tiền sảnh. Nàng chẳng thích hái đậu tí nào, cũng chẳng muốn đi dạo. Nàng định ở bên bà Tuppy, muốn định ấm cúng vui vẻ một chút nhưng chính Hugh đã làm bể kế hoạch của nàng. Thế sao Flora nghe mọi người bảo 9 giờ sáng anh ta mới ra khỏi nhà cơ mà. Không muốn phải trở lên lầu lấy áo khoác nên nàng mượn tạm cái áo khoác to xù xụ của ai đó treo gần cửa ra vào. Đó là cái áo khoác to xù xụ cổ viền lông thỏ. Trong khi đang gài nút áo, Hugh xuất hiện ở chân cầu thang, hai tay đút túi quần, túi khoác trên vai vung vẩy bên mình. Anh bảo nàng:

- Tôi vừa xin phép bà y tá hộ cô rồi đấy. Bà ấy bắt buộc phải chấp nhận thôi. Cô đi ra ngoài đấy à?

- Phải, đi hái đậu. – Nàng nói vẻ đầu hàng. Mắt anh như ánh lên tia thích thú. Hugh rút tay ra khỏi túi quần, mở cửa và giữ cánh cửa ở đó để nàng đi ra. Nàng bước ra ngoài, ánh sáng mặt trời làm nàng loá cả mắt. Qua rặng cây, nước biển xanh ngắt trải dài như một tấm lụa màu ngọc bích. Cảnh triều lên mới đẹp làm sao! Không khí ngây ngất lòng người, những con chim hải âu vỗ cánh vui vẻ kiếm mồi. Hugh nhìn lên.

- Chim đang bay vào đất liền kìa. Như vậy sắp có bão rồi.

- Hôm nay sao?

- Hoặc có thể ngày mai.

Họ cùng nhau bước xuống bậc tam cấp. Phải che mái hiên thôi. Nếu không, mưa sẽ tạt vào nhà. Họ đã bước đến bên lối đi rải sỏi, Flora dừng lại.

- Anh Hugh này.

Anh dừng lại, nhìn nàng chờ đợi. Ngay bây giờ, phải nói ngay bây giờ đi. Nàng tự nhủ.

- Tôi cực kì xin lỗi vì những gì mình đã nói đêm hôm trước. Về vợ anh ấy mà. Tôi không có quyền thốt lên những lời kinh khủng ấy, thật không sao tha thứ được. Tôi không mong anh quên nó đi, nhưng tôi muốn nói để anh biết tôi rất lấy làm tiếc. – Đó, nói ra rồi đó. Xong rồi nhé. Cảm giác nhẹ nhõm khi nói ra được lời xin lỗi khiến Flora muốn trào nước mắt. Nhưng Hugh chẳng có chút ấn tượng nào về sự hành hạ của Flora, anh nói:

- Có lẽ tôi cũng phải xin lỗi cô, nhưng tôi biết không nói ra thì hơn.

Nàng nhíu mày không hiểu. Nhưng Hugh không có ý định giải thích.

- Thôi đừng bận tâm nữa, cô nhớ bảo trọng, đừng hái quá nhiều đậu. – Anh quay lưng bước đi và như chợt nhớ ra điều gì Hugh dừng lại: - Khi nào Antony về?

- Chiều ngày mai.

- Tốt đấy. Tối mai tôi sẽ gặp lại cô. Thế nhé.

- Anh có đến dự tiệc không?

- Nếu có thể, tôi sẽ đến. Cô có muốn tôi đến không?

- Có, tôi muốn lắm chứ. Nàng nói chữa. – Bởi vì ở đây tôi biết có ba người thôi. Nếu anh không đến, vậy tôi chỉ có mỗi hai người quen.

Hugh tủm tỉm: - Yên tâm đi, cô sẽ không sao đâu mà. Với vẻ hài lòng ít khi gặp ở anh, Hugh vào trong xe phóng đi. Flora nhìn theo xe anh ra khỏi cổng rồi mới mất hút khỏi tầm nhìn, nàng vẫn còn buồn bã, giờ thì hơi bối rồi nữa, lời xin lỗi của tôi không nên nói ra. Anh ta sẽ xin lỗi về chuyện gì đây? Tại sao lại không nên nói ra? Nàng loay hoay một lúc lâu và sự nỗ lực ấy vượt quá sức nàng, nàng mặc kệ rảo bước nhanh ra vườn rau.

***

Ngày thứ Sáu, dì Isobel thức dậy nghe tiếng mưa rơi. Mưa suốt chiều qua và suốt cả tối qua. Thỉnh thoảng dì tỉnh giấc nghe tiếng gió hú lên từng hồi. Tiếng mưa rớt rào rạt ngoài khung cửa. Dì biết ông Watty suốt đêm không ngủ, đi tới đi lui lo che chắn cho cây cối trong vườn và lo chăm sóc cho đám chậu cây Anna mang từ Ardmore tới. Nhưng từ lúc 7 giờ sáng, trời hình như tạnh hẳn. Isobel ra khỏi giường, đến bên cửa sổ kéo rèm cửa ra thấy bầu trời mang một màu xám nhạt. Sương mù lơ lửng trên mặt biển, bầu trời bình minh màu hồng rực nhưng lại mọng nước đe dọa những cơn mưa tầm tã sắp tới. Không nhìn thấy những hòn đảo phía xa xa, sóng vẫn dữ dội vỗ vào bờ đá ngoài vườn. Có thể trời sẽ mưa, nhưng gió thì ngừng hẳn. Dì đứng đó chưa muốn bắt tay ngay vao việc, nghĩ tới 20 giờ tới đây không được ngơi nghỉ, dì Isobel thấy nản lòng, sau khi uống ly cà phê buổi sáng, dì thấy khỏe hơn. Chiều nay, Antony sẽ từ Edinburgh trở về. Ý nghĩ sẽ được gặp Antony khiến dì vui hẳn lên, dì quay vào sửa soạn để tắm sáng. Jason không muốn đến trường.

- Cháu chỉ muốn ở nhà giúp mọi người một tay. Nếu cháu được đi dự tiệc thì không có lý do gì cháu lại không được ở đây giúp đỡ mọi người.

- Cháu sẽ không được dự tiệc. Ai cho cháu đến dự đâu mà cháu mơ. – Dì Isobel nói lạnh lùng.

- Dì sẽ viết thư cho thầy hiệu trưởng Fraser bảo hôm nay cháu cần phải ở nhà. Mẹ của bạn cháu vẫn làm thế mà.

- Phải, nếu muốn ta sẽ làm nhưng ta không chiều theo ý cháu đâu. Giờ thì ăn trứng đi.

Jason im bặt. Nó cũng không thích buổi dạ vũ cho lắm bởi vì nó sẽ dự buổi dạ tiệc ấy trong bộ đồng phục của ông nội khi ông bằng tuổi Jason thường mặc. Jason ghét bộ đồ đó lắm. Đồ bằng nhung và trông nó cứ ẻo lả thế nào ấy. Nó sẽ kể cho bạn Doogie Muller của nó nghe. Doogie Muller hơn Jason có một tuổi, mà cao hơn nó cả một cái đầu. Cha nó có cả một chiếc du thuyền. Khi nào bằng tuổi Doogie, Jason sẽ được lên du thuyền ấy. Chả gì thằng Doogie là bạn thân của nó mà. Jason ăn hết quả trứng và uống sữa. Nó nhìn dì Isobel, quyết năn nỉ lần cuối cùng.

- Cháu sẽ giúp bà trẻ mà. Cháu còn giúp được bà Watty nữa cơ.

Bà trẻ Isobel đến bên bàn, vuốt tóc nó. – Phải, bà biết cháu giỏi lắm, cháu làm gì cũng hay cả. Nhưng việc của cháu là phải đến trường. Chiều nay, khi chú Antony trở về, chú ấy sẽ giúp bà Watty, cháu đừng có lo.

Jason quên mất chuyện chú Antony. - Ồ! Chiều nay chú ấy về ư?

Bà trẻ Isobel gật đầu. Jason chẳng nói gì thêm. Nó thở phào nhẹ nhõm. Tuyệt quá rồi. Bà trẻ nhìn nó vẻ âu yếm nhưng bà không sao đọc được ý nghĩ sâu thẳm trong tâm can nó. Nó muốn chú Antony gắn thêm mấy sợi lông ngỗng lên bộ cung tên hoàn thành vào tuần trước. Khoảng 9, 10 giờ sáng, Anna Stoddart lái chiếc xe Land Rover từ Ardmore qua cổng nhà Fernrigg. Xe xóc nảy lên khi đi qua mấy cái ổ gà. Tới khi nào người ta mới sửa mấy cái ổ gà này không biết nữa. Xe băng qua lối đi trải sỏi, đậu phía sau chiếc xe tải màu xanh, Anna nhận ra chiếc xe đó là của ông Anderson, đầu bếp khách sạn Tarbole Station, cửa chính mở rộng, Anna bước xuống xe, hai tay đút sâu trong túi áo bằng lông cừu. Cô bước lên bậc tam cấp, mọi đồ đạc trong phòng đã được dọn sạch sẽ, những đồ trang trí nội thất quá nặng nề được đẩy sát vào tường. Bà Watty đang hút bụi, dì Isobel bước xuống lầu ôm theo một đống khăn trải bàn trắng muốt. Cả hai đều nhìn thấy Anna, gật đầu chào cô và tiếp tục công việc. Dì Isobel nói:

- Anna, rất mừng được gặp cháu. – Nhưng giọng bà có vẻ hơi lơ đãng và đi thẳng vào phòng ăn. Anna không biết làm gì cũng đi theo bà. Cái bàn lớn đã được kê sát vào góc phòng. Dì Isobel quăng gánh nặng trên tay lên bàn: - Trời ơi! Sao nó nặng thế không biết! ơn trời, không phải ngày nào cũng phải dùng đến mấy cái khăn trải bàn này.

- Dì Isobel, cả ngày hôm nay dì bận rộn rồi.

- Phải, chắc thế rồi. Cháu có mang thêm chậu cây đến không?

- Có ạ, đầy cả một xe. Nhưng cháu cần có ai đó đỡ xuống dùm.

- Ông Watty sẽ giúp cháu. – Dì Isobel vuốt vuốt tấm khăn trải bàn, sau đó lại quên ngay.

Anna chạy theo hỏi với: - Ông Watty ư? Bà Watty ơi! Ông Watty đâu rồi?

- Ông nhà tôi loanh quoanh đâu đây ấy mà. Nói xong, bà cất giọng véo von gọi chồng: - Ông Watty à. À, ông đây rồi, giúp cô Stoddart dỡ đồ xuống xe đi. À, ông đang chẻ củi à, thế mà tôi quên mất đấy. Thế Rose đâu rồi?

- Tôi không biết. – Bà Watty mải mê hút bụi trong nhà.

- Thôi để dì kiếm Rose cho. – Dì Isobel nói, đi ra sau: - Chắc con bé đang trong phòng khách. Ông Watty có mang đến mấy cành cây trồng trong chậu để trang trí thêm. Rose ở đó giúp họ, nhưng con bé không được khỏe. Có lẽ cháu sẽ giúp nó được đấy.

Ông Anderson đến từ khách sạn Tarbole chịu trách nhiệm nấu nướng đang đi ra khởi nhà bếp tìm dì Isobel. Thế là dì Isobel vội vã đi theo ông ta. Trước khi đi, dì quay lại nói với Anna:

- Xin lỗi, dì phải đi rồi. Cháu tự tìm Rose được không?

- Đừng lo, cháu sẽ tự tìm cô ấy. – Mọi việc quá quen thuộc với Anna, từ khi còn bé Anna vẫn hay đến dự tiệc ở Fernrigg, thế nên cô biết mọi chuyện sẽ diễn ra theo trình tự như thế nào. Này nhé, đầu tiên là ngồi nói chuyện, uống rượu diễn ra trong phòng khách, sau đó ra phòng ăn dùng bữa rồi khiêu vũ ở ngoài tiền sảnh. Brian bảo những bữa tiệc ở nhà bà Tuppy chán ngắt. Anh ta than vãn khi phải gặp những khuôn mặt cũ, mặc những bộ đồ xưa cũ và những chủ đề đàm thoại không bao giờ thay đổi. Nhưng Anna lại thấy thích như thế, cô không thích có chuyện xáo trộn hay đổi mới gì cả. Trong khi dọn dẹp, mọi thứ có hơi lộn xộn một chút, nhưng Anna biết đến 8 giờ tối thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Cũng như mọi khi; căn nhà sẵn sàng chờ đón khách đến. Không một chi tiết nhỏ nào được lãng quên, chỉ có điều tối nay không giống như mọi khi là không có mặt bà Tuppy. Nhưng người ta vẫn thấy sự hiện diện của bà trong từng chi tiết dù bà không hiện ra trước mắt mọi người trong bộ đồ nhung màu xanh nhạt và những đồ kim cương gia bảo chuyển từ đời này qua đời khác. Bà sẽ ở trên lầu nghe nhạc, có khi còn uống một chút rượu Champagne nhớ về những ngày xưa. Chợt có tiếng bà Watty vang lên:

- Cô đứng tránh sang bên một chút được không cô Stoddart. Tôi định cọ chỗ sàn nhà này đây nè.

Anna xin lỗi, bước ra ngoài kiếm Rose. Cô thấy Rose trong phòng khách, quỳ gối bên chiếc đàn Piano to tướng cố tìm mấy cành thông vương vãi dưới sàn nhà. Bên cạnh cô là bình hoa to tướng cắm đầy hoa hồng xen lẫn với mấy cành thủy tùng xanh ngắt. Thấy Anna bước vào, Rose nhìn lên, nét mặt lơ đãng: - Xin chào – Chào Anna. Ơn trời, chị đã đến. Mọi người kỳ vọng vào tôi quá nhiều. Họ không thể tin nổi khi tôi nói rằng bây giờ cắm sáu cành hoa cho thẳng lên tôi cũng làm không nổi thì làm sao có thể xoay sở với những bình bông to tướng này.

Anna cởi áo khoác vắt lên trên lưng ghế bước đến giúp một tay.

- Cô hãy cắt mấy cành này dài ngắn khác nhau, sau đó cắm rải ra. Đây này, làm như tôi vậy đó.

Rose trầm trồ nhìn bàn tay của Anna. – Chị giỏi thật đấy, sao chị cắm hoa đẹp thế? Làm thế nào chị học được cách cắm hoa đẹp tuyệt vời này? Ai dạy chị thế?

Nghe người ta khen mình khéo léo thật mát lòng mát dạ. Anna đáp: - Không có ai dạy cho cô cả. Những cái gì cô làm giỏi đều là do cô thích, rồi sau đó tự tìm tòi nâng cao tay nghề mà thôi.

- Chắc phải có mấy bông cúc vàng nữa, Rose ạ. Có thêm cúc vàng, bình hoa sẽ rực rỡ hơn.

- Dì Isobel đã kêu ông Watty mang hoa đến, nhưng sau đó dì còn giao cho ông ấy cả núi việc, thế nên ông lão tội nghiệp ấy quên mất rồi. Lúc nào chả vậy, khi chuẩn bị có vẻ lộn xộn, nhưng cuối cùng chuyện vẫn đâu vào đó.

- Chị định đặt bình hoa này ở đâu?

- Dì Isobel bảo sẽ đặt ở trên chiếc đàn Piano này. – Rose đứng lên mang bình hoa đặt vào chỗ của nó. Anna thầm khen dáng vẻ của Rose. Cô ấy có đôi chân dài, cái eo thon, mớ tóc sẫm màu mượt mà, dù ăn mặc bình thường nhưng vẫn rất nổi bật. Anna vẫn ước ao mình được như thế, nhưng cô hề ghen tỵ chút nào. Đó phải chăng là cảm giác của một phụ nữ có thai hay bởi bản thân cô cũng yêu mến Rose rất nhiều. Chưa bao giờ Anna nghĩ mình có thể mến được Rose trước kia, khi Rose còn trẻ Brian đã đưa cô ấy và bà mẹ đến câu lạc bộ du thuyền dùng bữa. Hôm ấy Anna đã co rúm người lại trước những lời nhận xét vô tình của Rose và cặp mắt khinh khỉnh của cô ta. Cứ nhớ đến cảnh đó là Anna lại không muốn gặp lại Rose nữa. Nhưng giờ Rose đã thay đổi rồi, chắc là do Antony đây. Mà không biết có phải vì Antony hay không nữa, chỉ biết Rose đã trở nên một con người hoàn toàn khác. Khi Brian mời cô đi ăn tối, Anna thậm chí không bận tâm nữa. Thật vậy, Anna cảm thấy dễ chịu khi tự đi mua sắm vì biết trong thời gian đó chồng mình được vui vẻ tiêu khiển bên cô gái xinh đẹp. Nói ra thì thật phức tạp, nhưng thực ra Anna muốn chồng mình vui, như thế là cô mãn nguyện lắm rồi. Rose thay đổi có lẽ bởi cô ta đã trưởng thành hoặc cũng có thể cô học được cách chấp nhận. Rose lùi lại nhìn bình hoa trên đàn Piano.

- Chị nghĩ sao?

Vẫn còn quỳ trên sàn nhà, Anna đáp: - Đẹp lắm! Rose à, tôi muốn nói với chị một chuyện. Khi đi chơi với chị về, Brian hài lòng ghê lắm. Tuy nhiên anh ấy đã xin lỗi vì chuyện sò ươn, Brian nổi giận thực sự, anh gọi điện ngay đến Fishers' Arms mắng mỏ cho viên quản lý nhà hàng một trận. Đó đâu phải lỗi của anh ấy.

Rose quỳ xuống bên cạnh Anna vơ mấy cành cây vương vãi trên sàn nhà vào cho gọn. Mái tóc xõa xuống che khuôn mặt cô.

- Tôi chưa kịp cám ơn chị vì mấy đóa hoa khô. Thật ra chị cũng không cần phải bận tâm đến thế đâu.

- Ồ có chứ. Tôi thấy mình có lỗi theo một cách nào đó.

- Brian sao rồi?

- Anh ấy khỏe. – Anna nói thêm: - Đương nhiên là mắt thì chưa khỏi.

- Mắt anh ta sao?

- Tội nghiệp, anh ấy va đầu vào cửa ấy mà. Tôi không biết làm sao mà Brian lại đi đứng không cẩn thận như vậy. Chị biết không, một bên mắt tím bầm.

Cô mỉm cười như thể Brian luôn đi đứng vụng về.

- Nhưng không sao đâu, máu bầm cũng tan nhanh ấy mà.

Rose nói: - Kinh khủng quá. Chị nghĩ mình có nên ra vườn tự hái mấy bông cúc không nhỉ?

- Thôi cứ để ông Watty làm đi. – Anna lại hơi rụt rè. – Vấn đề là mặc dù mọi người chưa biết đâu, nhưng để tôi nói chị hay, tôi không được phép đi lại nhiều hay mang vác nặng. Hugh khuyên tôi thế mà. Chị cũng biết rồi đấy, tôi sắp có em bé.

- Thật ư?

Anna gật đầu, được san sẻ niềm vui đó thật tuyệt vời biết bao: - Phải, đến mùa xuân là tôi ở cữ rồi.

- Ồ, chúc mừng chị. Mùa xuân, mùa xuân rất hợp với sinh nở và ở cữ đấy. Chị có cả một mùa hè để chăm sóc em bé, cho bé tắm nắng và chơi đùa thỏa thích.

Anna ngần ngừ một lát. Ý nghĩ này đã thoáng hiện trong óc cô vài lần rồi, nhưng giờ cô chắc mình muốn nói ra ngay. – Tôi tự hỏi chị làm mẹ đỡ đầu cho con tôi được không? Tôi chưa bàn với Brian, nhưng nếu tôi nói ra chắc chắn anh ấy sẽ đồng ý ngay, thế nên tôi hỏi chị trước. Tôi muốn chị làm mẹ đỡ đầu cho con tôi nếu như chị cũng muốn thế,

Rose ngần ngừ, lát sau cô bảo: - Vâng, tất nhiên rồi. Tôi thích lắm! Được như thế thì còn gì bằng. À, vấn đề là ở chỗ tôi sẽ không ở đây lâu và…

- Chị ở đây hay không, không quan trọng. Dù cho chị ở đâu thì chị và Antony vẫn là những người đặc biệt của gia đình tôi. Hai người trở thành cha mẹ đỡ đầu cho con tôi là tuyệt vời nhất.

Phải nói chuyện tình cảm nhiều như thế thì quá sức đối với một người hay bẽn lẽn như Anna. Cô bối rối quay mặt đi, cố đánh trống lảng sang chuyện khác. – Giờ mình cắm bình bông khác đi.

Vào khoảng 2, 3 giờ chiều, mọi thứ đã đâu vào đó. Vì không có chỗ nào để ngồi, nên mọi người tụ tập trong nhà bếp để đón mừng khách quý. Bà Watty làm bánh bột ngô, chồng bà đã lái xe đến Tarbole đón Jason về nhà. Bà y tá thì đang ủi đồ, còn dì Isobel thông báo với mọi người dì sẽ vào phòng mình sơn lại móng chân, móng tay. Mắt dì sáng lên nhìn Flora.

- Rose à, cháu cũng nên sửa soạn lại một chút đi. Cả ngày hôm nay cháu bận rộn như một con ong chăm chỉ rồi. Đi nghỉ đi cháu.

Nhưng Flora không muốn đi nằm. Thay vào đó, nàng ước ao được ra ngoài đi dạo một mình.

- Cháu sẽ dắt Plummer đi dạo ạ.

Dì Isobel tươi tỉnh hẳn lên: - Ồ, cháu đi được ư? Cả ngày hôm nay, con Plummer cứ đi theo dì nài nỉ đi đòi đi chơi, nhưng dì không còn hơi sức đâu để ý đến nó nữa.

Flora nhìn đồng hồ. – Theo dì thì mấy giờ Antony có mặt ạ.

- Bất cứ lúc nào, nó sẽ rời khỏi Edinburgh vào sau giờ ăn trưa. Dì phải đi nằm chút đây nếu không sẽ quỵ mất.

Dì Isobel đi rồi, bà Watty ngồi uống trà, Flora đi lấy áo khoác. Nàng thấy con Plummer ngồi ngoài tiền sảnh cáu kỉnh trông khác ngày thường. Nó ghét mọi chuyện xáo trộn lên như thế này và bực bội vì bị xích ngay ngoài cửa chính. Khi Flora bước đến, con chó ngước lên nhìn nàng, mặt nó ủ rũ, ánh mắt buồn rầu nhưng khi nhận ra nàng sẽ đưa nó đi dạo, nó vui mừng khôn xiết. Plummer cào cào móng xuống nền nhà, tai dựng ngược lên. Nó kêu ư ử sung sướng. Khi bước ra ngoài, nó ngậm theo một cành cây tìm thấy dọc trên đường đi. Cứ thế, Flora và Plummer ra khỏi nhà. Trời mát, lặng gió, bầu trời xám xịt, mặt trời vẫn còn ướt sũng nước mưa từ đêm hôm trước. Cả Flora và Plummer bước ra ngoài cổng đi trên con đường hướng về Tarbole. Đi được một dặm, con đường dốc hẳn xuống thoai thoải bên bờ cát. Con Plummer hăm hở dúi mũi dọc theo bờ cát trắng, còn Flora đứng đó kéo cao cổ áo, dựa lưng trên bức tường đá sát bờ biển chờ Antony. Trên đường, xe thưa thớt. Mỗi khi có bóng dáng cái xe hơi nào hiện ra trên đỉnh đồi, nàng lại ngước mắt nhìn lên để xem đó có phải là xe của Antony hay không. Nàng ngồi đó nửa giờ đồng hồ, bắt đầu lạnh cóng thì Antony hiện ra. Flora nhận ra ngay xe của anh. Nàng rời tảng đá đứng ngay ra giữa đường vẫy tay điên cuồng khiến xe phải dừng lại. Antony thấy nàng, cho xe chạy chậm lại, đậu xe bên lề đường.

- Flora.

Anh ra khỏi xe. Cả hai gặp nhau ở giữa con lộ mừng rỡ ôm choàng lấy nhau. Chưa bao giờ nàng cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng khi gặp bất cứ người nào như nàng gặp Antony như lúc này đây.

- Tôi đang chờ anh đây. Tôi phải gặp anh trước bất cứ ai.

- Cô ở đây đợi bao lâu rồi?

- Lâu lắm rồi đấy. Nhưng đó là do cảm tính của tôi thôi.

- Hình như cô lạnh phải không? Nhanh lên, vào trong xe đi.

Vừa định nghe theo lời anh, nàng nhớ ra Plummer đang lang thang ở tít đằng xa. Flora gọi nhưng nó không nghe thấy. Antony huýt gió, ngay lập tức tai con Plummer dựng đứng lên. Nó quay ngoắt lại nhìn về hướng phát ra âm thanh quen thuộc ấy. Antony huýt gió một lần nữa. Plummer phóng thật nhanh về phía họ, nhào vào lòng Antony. Phải dỗ dành mãi nó mới chịu leo lên ghế sau, ngồi lên trên két bia cùng với quần áo và vali của ông chủ. Flora nhận thấy anh còn mang theo cả đống đĩa hát nữa. Khi đã yên vị bên cạnh Antony ở hàng ghế trước, Flora hỏi:

- Anh mang đĩa hát về làm gì?

- Để tối nay mở cho mọi người nghe. Sẽ có khoảng thời gian ban nhạc nghỉ ngơi, ăn tối, lúc đó cần có nhạc thay thế. Nếu không có nhạc, bữa tiệc sẽ trầm hẳn xuống. Những đĩa nhạc mà bà nội Tuppy toàn là nhạc tiền chiến, nên tôi mang về mấy cái đĩa nhạc hiện đại. Nhưng trước hết cô không sao chứ?

- Tôi khỏe.

- Cô ngốc quá à. Tôi hoảng cả lên khi biết tin cô ăn phải sò ươn. Dì Isobel cuống cuồng gọi điện cho tôi, làm như do lỗi của dì ấy mà cô bị ốm vậy. Cô đi ăn tối với Brian à?

- Vâng.

- Thế mà tôi cứ tưởng dì Isobel bịa cơ đấy. – Antony thản nhiên: - Giờ thì cô đã biết đi lang thang với Casanova của Arisaig dẫn đến hậu quả gì rồi chứ? Thế còn bữa tiệc tối nay thì sao? Chắc là dì Isobel đã mệt lử?

(*)Người nổi tiếng về việc quyến rũ phụ nữ.

- Gần như thế. Tôi nghe nói dì lên lầu nghỉ ngơi. Anna Stoddart cũng đã đến. Tụi tôi hái trụi hoa cúc của bà Tuppy làm bà Watty giận đến độ không muốn nhìn mặt tụi tôi nữa.

- Lần nào tiệc tùng cũng thế mà. Thế bà nội sao rồi?

- Chờ gặp mặt anh đấy. Ngày nào bà cũng nói khỏe hơn rồi. Tuần tới có lẽ bà sẽ được phép ra khỏi giường một hoặc hai tiếng một ngày. Tuyệt quá phải không?

Thình *** h, Antony hôn nhanh vào má nàng. – Còn em, sao trông gầy đi thế? Má hõm vào rồi đây này.

- Em không sao.

- Em không thích chuyện này phải không, Flora? Anh đã yêu cầu một chuyện quá sức với em rồi.

Nàng nói thật lòng. – Không, chẳng phải em căm ghét hoàn cảnh này, mà em căm ghét chính mình. Càng ngày, em càng thấy mình thiển cận, nhỏ nhoi và tệ hơn là càng lúc em càng thấy yêu quý mọi người ở đây. Nếu chỉ cho em là Rose một phút đồng hồ thôi, em sẽ cưới anh ngay, em không nói dối đâu. Antony, em sẽ giữ lời đã hứa với anh, còn anh cũng sẽ giữ lời hứa của mình chứ? Anh sẽ nói hết với bà nội sự thật phải không?

Antony ngồi đó quay mặt nhìn ra phía trước, tay buông xuôi trên vô-lăng. - Ừ.

Flora thấy tội nghiệp cho anh ta. Kinh khủng thật, ước sao bây giờ mình có thể nói hết với bà và mọi chuyện sẽ kết thúc. Nhưng còn bữa tiệc, còn đỏ mọi thứ nữa.

- Mai anh sẽ kể hết cho bà nghe.

Thế là xong, Antony không muốn nói thêm về chuyên ấy nữa.

- Bây giờ thì vì Chúa, hãy về nhà thôi. Anh đói ngấu và bà Watty đang làm bánh bột bắp đấy. Hãy quên cái ngày mai ấy đi, đừng nghĩ về nó nữa. Như đà điểu rúc đầu xuống cát nóng.

Antony nổ máy, nhưng Flora ngăn lại:

- Còn một chuyện nữa. Nàng thò tay vào tìm trong túi áo. – Chuyện này nè.

- Chuyện này là chuyện gì?

- Có một tấm bưu thiếp.

- Bưu thiếp gì mà nhàu nát thế?

- Em đã ném nó vào trong sọt rác, rồi nghĩ anh nên xem nó nên lại nhặt lại, vì thế nó mới dơ như thế này.

Sợ bẩn tay, Antony nhón hai ngón tay gắp lấy tấm bưu thiếp: - Paris ư?

Anh lật mặt kia lên xem, nhận ra nét chữ, im lặng đọc cho đến hết. Khi đọc xong, cả hai im lặng một lúc lâu. Sau đó, Antony nói: - Thật quá lắm.

- Em cũng có cảm giác y hệt như anh.

Anh đọc lại lần nữa. Óc hài hước khiến Antony vui hẳn lên: - Em thấy đấy, xét theo một khía cạnh nào đó, Rose cũng thông minh đấy chứ. Cô ta đã dàn xếp hết mọi chuyện, như anh và em vào bẫy như hai đứa ngốc vậy. Không, chỉ mình anh ngốc thôi. Trò nhạo báng này nhằm vào anh đây mà.

- Chị quyết định ở lại Paris vài ngày. Anh có nghĩ chị ấy sẽ đi Spetsai không? Chắc chị ấy gặp một chàng trai trẻ nào đó trên máy bay. Có khi giờ này Rose đang ở Monaco cũng nên.

- Anh không biết. – Antony trả cho Flora tấm bưu thiếp. – Quăng nó vào lò sưởi khi chúng mình đến Fernrigg. Mọi chuyện về Rose đến đây là kết thúc, dù cho cô ấy ở đâu đi chăng nữa, cũng không quan trọng.

Antony nổ máy xe, Flora không trả lời. nàng biết mọi chuyện về Rose vẫn chưa kết thức, nàng vẫn phải đóng vai chị ta cho đến khi Antony kể hết với bà nội Tuppy toàn bộ sự thật.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play