Cô tỉnh rồi lại lịm đi, cô muốn lịm đi hơn, vì như thế sẽ không cảm thấy đau đớn. Cơn đau khốn kiếp. Nó là con quỷ đáng sợ nhất cô từng chống chọi và lần nào nó cũng đánh bại cô. Có những lúc, khi tác dụng của thuốc giảm đau cho phép cô tỉnh táo để suy nghĩ nhưng vẫn đủ khống chế cơn đau, hay khi thuốc bắt đầu phát huy tác dụng, cô biết đây là cái giá phải trả cho cơ hội lần thứ hai đó. Không có sự hồi phục thần kỳ nào hết, không có hành trình trở về với sự sống nào dễ dàng. Cô đành vui vẻ mà chịu thôi.

Mọi quyết định trong cuộc đời, mọi bước đi của cô, đã đẩy cô thẳng tới con đường hoang vắng đó cùng vụ tai nạn. Đó là thời điểm cô tiêu đời, cũng là lúc cô bị ném trở lại. Chẳng có con đường vòng nào, càng không có đường tắt từ cái chết tới sự bình phục hoàn toàn.

Cô vẫn nhớ mọi khoảnh khắc sau khi chết, rõ ràng đến mức ngay cả tác dụng của thuốc cũng không ảnh hưởng đến được. Tuy nhiên thời gian thực lại rất mơ hồ. Đôi lúc cô nghe thấy những y tá nói chuyện trong phòng chăm sóc đặc biệt, từ ngữ trôi ra trôi vào đầu cô và thỉnh thoảng có chút ý nghĩa nhưng thường là không. Khi cô thực sự hiểu những lời nói, cô cảm thấy băn khoăn một điều: cành cây đâm xuyên qua ngực cô ư? Thật nực cười. Nhưng sao cô không cúi xuống xem điều nực cười đó? Ký ức của cô về thời điểm trước đó, hay khoảng giữa ấy đều rất mờ nhạt. Cô không có chút ý thức nào về thời gian, về ngày tháng hay cái gì khác ngoài giường bệnh và cuộc chiến không ngừng nghỉ chống lại Con Quỷ Đau Đớn.

Các y tá cũng nói với cô, giải thích đi giải thích lại chuyện gì đã xảy ra, họ đã làm gì và tại sao phải làm vậy. Cô cóc cần quan tâm, chỉ cần họ mang thuốc đến để cầm chân Con Quỷ nọ. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó - sớm thôi, theo suy đoán của cô - bác sỹ phẫu thuật sẽ yêu cầu giảm liều lượng thuốc. Ông ta không phải là người chịu đau đớn, với xương ức bị chẻ làm đôi, vậy việc quái gì ông ta phải quan tâm? Ông ta là người cầm dao mổ, có phải người nằm đây hứng chịu những nhát dao đâu. Cô chỉ lờ mờ biết ai trong số những người đang chăm sóc cô là bác sỹ phẫu thuật, nhưng khi đầu óc tỉnh lại cô nhớ ra vài lời cực kỳ chua cay muốn nói với ông ta. Được rồi, ông cắt đôi xương ngực của tôi, cớ sao còn phải cắt đôi thuốc của tôi nữa? Lão khốn.

Khi dần dần thoát khỏi trạng thái mụ mị do thuốc, phải mất một lúc cô không thể nghĩ được gì ngoại trừ Con Quỷ nọ và làm thế nào để sống sót thêm một giờ nữa. Sau đó các y tá giúp cô ra khỏi giường mỗi ngày hai lần, đặt cô vào một chiếc ghế để cô ngồi - chà, cứ như là giường của bệnh viện không dựng lên thành ghế được, còn cô không hề phải kìm nén những tiếng thét đau đớn mỗi lần dịch chuyển ấy. Họ chỉ cần nhấn nút thôi và đầu giường sẽ nâng lên, rồi cô chỉ việc nằm đó và lênh đênh như một con sóng thôi mà?

Nhưng không, cô phải dậy. Cô phải đi lại, nếu cái việc cô đang làm có thể gọi là bước đi. Cô gò người lết từng bước đau đớn, lê bàn chân thay vì nhấc chúng lên như bình thường, vừa loay hoay với đống dây nhợ, ống, kim lằng nhằng trên người vừa phải che đi cái mông vì tất cả những gì cô mặc trên người là một trong những chiếc áo choàng tồi tàn của bệnh viện. Nó thậm chí còn chẳng được buộc vào, chỉ như một mảnh vải phủ lên người cô với một cánh tay thò được qua ống tay áo. Nhưng cô nhanh chóng sỉ vả sự e thẹn của mình - bệnh viện đâu phải là nơi dành cho sự riêng tư.

Các y tá nói chuyện với cô cả ngày, động viên cô trên mỗi bước đi, dù thực ra chỉ có hai bước chân tới cái ghế họ bắt cô ngồi, khuyến khích cô cố gắng tự nhấp một ngụm nước, rồi một thìa nước táo khi họ bắt đầu cho phép cô ăn thức ăn bình thường, Họ hỏi liên tục, cố gắng bắt cô nói, cố gắng lấy thông tin từ cô, nhưng có điều gì đó đã xảy ra với cô khủng khiếp hơn cả lần thoát chết phi thường này: cô đã không nói được nữa.

Khi cô tỉnh táo, não của cô chưa bao giờ ngừng hoạt động - có thể chậm, nhưng nó vẫn làm việc. Sau khi bác sỹ phẫu thuật bắt đầu cho cô ngừng dùng thuốc, cô cảm thấy đầu óc tràn ngập những suy nghĩ, quá tải so với sức chứa của não bộ. Lúc đầu, việc não bộ không thể điều khiển lưỡi làm cô buồn phiền không ít, nhưng khi suy nghĩ dần dần thông suốt, cô nhận ra mình không nói được không phải do tổn thương não mà là một kiểu quá tải thông tin. Cho tới khi cô tự phân loại được thông tin, hiện tượng câm tạm thời này là một cách tự bảo vệ của não.

Có quá nhiều điều cô cần suy nghĩ. Dường như họ chả biết cô là ai, vì vào mỗi ca trực, một y tá lại hỏi tên cô. Nhưng tại sao họ lại không biết cô là ai? Túi xách của cô đâu? Bằng lái của cô trong ví còn mà? Không lẽ túi của cô bị mất rồi? Cô không nghĩ vậy. Cô có ký ức, cô nghĩ nó là ký ức, về gã - người đàn ông, tên "giết người" - đã lấy túi xách của cô, rồi lại quẳng nó vào trong ô tô. Có phải gã đã lấy bằng lái xe của cô. Gã muốn lấy nó làm cái quái gì? Dù gì thì nó cũng là lý do mọi người không biết cô là ai. Những cái tên… ý nghĩ của mỗi cái tên là gì? Đối với Drea nó có ý nghĩa rất nhiều: một Andie nghèo khổ bị bỏ rơi trong nhơ nhuốc, và một Drea lôi cuốn đã thế chỗ.

Cuốn hút thì chẳng có gì là sai, nhưng Drea đã làm thật nhiều việc sai trái. Nằm trong cái phòng kín bưng này, chẳng thể biết giờ đang là ngày hay đêm, thời gian được đánh dấu bằng việc các y tá luân phiên tới chăm sóc, cô nhìn lại bản thân, nhìn lại con người trước của mình, trước sự phơi bày khắc nghiệt của thực tại mới mẻ.

Cô đã quá ngu dại. Cô đã lợi dụng đàn ông, những kẻ như Rafael và lấy làm hãnh diện về điều đó, nhưng bọn chúng cũng đang lợi dụng cô. Những kẻ ấy chỉ muốn thân thể cô và đó là cái cô dâng cho chúng, vậy chính xác là cô lợi dụng được gì ở chúng? Bọn chúng vui vẻ chu cấp cho cô còn cô thì sẵn lòng đón nhận, việc đó biến cô chính xác thành loại người cô ghê tởm: một con điếm. Không kẻ nào trong số chúng và nhất là Rafael, thèm mảy may quan tâm liệu cô nghĩ gì trong đầu, cảm xúc của cô ra sao hay cô ghét gì, thích gì. Chẳng tên nào trong số chúng xem cô như một con người, bởi vì bọn chúng chẳng quan tâm, theo cách nào đi nữa. Cô chẳng khác gì món đồ miễn phí với chúng; với giá trị duy nhất là thỏa mãn tình dục.

Nhưng chúng trả cô quá bèo bởi vì chính cô đã bán rẻ mình. Drea chẳng thể nhớ đã bao giờ cô thấy mình có giá trị, có khi nào cô đặt mình ở tầm cao hơn. Chưa một lần cô đưa ra quyết định dựa trên điều gì đúng đắn, điều gì nên làm; thay vào đó, cô chạy theo bất cứ cái gì cao giá nhất, có lợi cho mình nhất. Đó là tiêu chí duy nhất của cô. Có lẽ ai cũng dùng nó làm căn cứ đưa ra hầu hết các quyết định, nhưng họ vẫn còn ngoại lệ khi giúp đỡ bạn bè, họ hy sinh nhu cầu vật chất cá nhân để lo cho con cái hay cha mẹ, làm từ thiện hay một điều gì đó. Cô chẳng làm gì trong số đó cả. Cô chỉ chăm chăm lo cho Drea - từ đầu chí cuối và luôn luôn như thế.

Giờ đây, cô tự nhìn bản thân bằng con mắt khắt khe, tàn nhẫn. Cô đã nhìn ra tất cả lỗi lầm của mình, một cuộc đời chỉ toàn là dối trá. Chỉ một lần suy nhất - lần duy nhất - cô không đóng kịch, đó là khi cô ở với gã, nhưng lúc đó cô quá sợ để có thể tiếp tục vai diễn, và dù có diễn hay không, gã cũng nhìn thấu cô rồi. Gã là người duy nhất làm được điều đó. Đó phải chăng là lý do khiến cô đáp lại gã một cách mất kiểm soát như vậy, về cả cảm xúc lẫn thân xác? Không thể nói gã làm tan vỡ trái tim cô, vì rõ ràng cô không, chưa, và không thể yêu gã - quái quỷ thật, cô thậm chí còn không biết tên gã! - nhưng cùng lúc với sự hắt hủi của gã làm cô đau đớn hơn bất cứ điều gì, trừ việc mất con. Rõ ràng có điều gì đó, nhưng cô không biết nó là gì, chỉ là có điều gì đó thôi.

Alban. Cái tên nghe có vẻ ngớ ngẩn; cô chưa bao giờ đặt tên cho con là Alban. Nhưng ở nơi đó, cái tên ấy là hợp nhất. Cô biết, cũng chẳng rõ sao mình lại biết, rằng đó là một cái tên cổ, có từ nhiều thế kỷ về trước. Và người phụ nữ kia… cô ta không tự giới thiệu, nhưng Drea biết tên cô ra là…Gloria. Cô nhẩm trong đầu lần lượt mười một người đứng quanh mình lúc đó, cô biết rõ tên của họ và cả dấu hiệu riêng. Gregory, người chôn cất. Gloria đã nhắc đến tên ông ta, vậy là quá rõ rồi. Thế còn Thaddeus? Và Leila? Và tất cả những người khác, sao tên của họ lại vang lên nhẹ nhàng trong đầu cô khi cô thấy mặt họ?

Tâm trí cô trôi nổi giữa thế giới đó và thế giới thực. Cô không muốn rời nơi đó, cô không muốn ở đây, với kẻ đồng hành dai dẳng, Con Quỷ Đau Đớn. Cơ hội thứ hai không phải hiện hữu trong cuộc đời này, mà cơ hội thứ hai là để đạt đến cuộc đời đó. Muốn vậy, cô phải sống cuộc đời này đã.

Cô tiếp tục bị giằng co giữa những quyết định đúng và sai. Quyết định sai lầm có ở mọi nơi, phạm phải nó dễ như nhặt một trái cây dưới đất. Trong khi hầu hết quyết định đúng đắn lại vô cùng khó khăn, như trèo lên hái trái trên ngọn cây. Nhưng đôi khi chúng lại nằm ngay đó, trên mặt đất trước mặt mình và chỉ cần cúi người để nhặt. Tuy nhiên, thay vì động tác tưởng như vô cùng giản đơn đó, cô lại phân vân và chộp lấy một cái sai lầm - thậm chí nhiều khi còn cố tình chọn nó. Cô ương ngạnh như vậy đó.

Quyết định đúng không có nghĩa cô phải là một vị thánh. Thật may mắn, bởi vì thậm chí với hiểu biết mới mẻ này Drea cũng không nghĩ mình có thể đạt tới cảnh giới đó. Thực ra, cô bắt đầu thấy mệt mỏi với chuyện này. Thôi được, cô sẽ cố. Cô sẽ gắng hết sức, một việc cũng tệ chẳng kém nhưng cô muốn quay lại nơi đó, muốn gặp lại Alban. Ở đó cô không phải mẹ anh, cô biết thế, nhưng họ đã có phút chốc ngắn ngủi được sẻ chia tình cảm máu mủ, cơ thể cô đem đến sự sống cho anh và cô khát khao được cản nhận âm vang của tình yêu thương đó lần nữa.

Ý nghĩ của cô liên tục bị ngắt quãng bởi nhân viên bệnh viện, họ càng lúc càng rồ lên vì cô không hé nửa lời. Họ hỏi không ngớt, nói chuyện với cô, thậm chí còn đưa một quyển sổ và bút để xem cô có biết viết không. Cô biết nhưng cô không làm. Cô chẳng muốn viết lách gì, cũng chẳng có nhu cầu nói. Cô cứ nhìn chằm chằm vào cây bút trong tay tới khi họ phát chán và cất nó đi.

Tay bác sỹ phẫu thuật, người mà cô vẫn ôm mối hận thấu xương, rọi một tia sáng vào mắt cô rồi bắt cô trả lời câu hỏi, nhưng Drea chẳng đáp câu nào hết. Cô chỉ muốn nện lão một trận khi lão ta ở gần đến vậy.

Lão ra trao đổi với một bác sỹ chuyên khoa thần kinh. Họ đo điện não đồ của cô và khám phá ra các khớp thần kinh hay cái gì đó bị kích thích dữ dội. Họ chụp cắt lớp não, tìm xem có tổn thương nào dẫn đến hiện tượng mất khả năng nói của cô không. Họ đứng thảo luận ngay bên ngoài phòng cô, cứ như cánh cửa trượt bằng kính không mở toang ra thế kia, còn cô thì bị điếc ấy.

"Các bác sỹ đã nhận định sai," vị bác sỹ chuyên khoa thần kinh nói thẳng. "Không có chuyện cô ta đã chết. Nếu bị thiếu oxy lâu như vậy, ít nhất cô ta cũng bị tổn thương não. Thậm chí có thể xảy ra những biến chứng kinh khủng nhất, và cả hai chúng ta từng chứng kiến rất nhiều trường hợp như vậy. Tôi không tìm thấy dấu hiệu nào dẫn tới việc cô ta không nói được. Có lẽ cô ta bị câm từ trước rồi, hay bị điếc. Anh thử ngôn ngữ ký hiệu nào chưa?"

"Nếu bị điếc, cô ta đã sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và cố gắng để giao tiếp," tay bác sỹ phẫu thuật trả lời cộc lốc. "Nhưng cô ta không làm thế. Cô ta cũng chẳng dùng thứ ngôn ngữ nào khác, và không thèm viết, vẽ hay tỏ dấu hiệu nào chứng tỏ cô ta nghe thấy chúng tôi. Nếu phải so sánh, tôi cho rằng hiện tượng hoàn toàn không giao tiếp này là biểu hiện của chứng tự kỷ, nhưng cô ta vẫn có thể giao tiếp bằng mắt và làm mọi việc các y tá yêu cầu. Cô ta hiểu những gì chúng tôi nói. Cô ta có hợp tác, Chỉ không giao tiếp thôi. Hẳn phải có nguyên nhân gì đó."

"Theo những gì tôi thấy thì không hẳn vậy." Cô nghe thấy vị bác sỹ chuyên khoa thần kinh thở dài. "Cái cách cô ta nhìn mọi người… như thể chúng ta là những sinh vật khác và cô ta đang nghiên cứu chúng ta. Người ta không nói chuyện với vi khuẩn làm gì. Kiểu như thế."

"Đúng. Cô ta nghĩ chúng ta là những con vi khuẩn."

"Cô ta không phải là bệnh nhân đầu tiên cảm thấy như thế. Xem nào, theo tôi anh nên nhờ một bác sỹ tâm lý. Những gì xảy đến với cô ta thật quá đau đớn. Cô ta có thể cần sự giúp đỡ để vượt qua."

Đau đớn? Thật thế sao? Những gì đã xảy ra lúc trước đúng là đau đớn tột độ, nhưng việc cô đã chết thì… không. Cô không thể nhớ mình đã bị đâm xuyên qua ngực. Cô biết việc đó đã xảy ra, có chút ký ức mơ hồ về việc tự mình chứng kiến, nhưng hơn tất thảy cô mừng vì mình đã chết, nếu không cô sẽ không gặp Alban, không biết rằng xứ sở kỳ diệu đó tồn tại, rằng còn có điều gì nữa đang chờ ở ngoài kia. Cuộc sống này chưa phải là tất cả; còn có nhiều hơn thế, hơn rất nhiều, và khi người ta nói về cái chết là sự "ra đi", họ hoàn toàn đúng, bởi vì linh hồn sẽ đi tiếp tới một cảnh giới khác. Thông suốt được việc đó là điều an ủi nhất cô có thể nghĩ lúc này.

Thế rồi một nhà tâm lý, bác sỹ Beth Rhodes, đã tới vài lần để trò chuyện với cô. Cô ấy bảo cứ gọi cô ấy là Beth. Đó là một phụ nữ xinh đẹp, nhưng hôn nhân đang trục trặc và cô ấy quan tâm đến việc đó hơn là các bệnh nhân của mình. Drea/Andie hay là Andie/Drea nhỉ? - nghĩ bác sỹ Beth nên dành thời gian tập trung vào việc quan trọng, bởi vì vợ chồng cô ấy yêu nhau, họ có hai đứa con phải nuôi nấng, vậy họ nên thu xếp, tìm hướng giải quyết và rồi cô ấy có thể toàn tâm toàn ý với bệnh nhân của mình.

Nếu nói thì cô sẽ nói như vậy. Nhưng cô cảm thấy chẳng việc gì phải trả lời các câu hỏi của bác sỹ Beth, ít ra là bây giờ. Cô vẫn còn vài điều cần phải suy nghĩ.

Ví dụ: không ai biết cô là ai. Cho tới khi cái thế giới này quan tâm đến cô. Drea Rousseau/Andie Butts đã chết. Cô vẫn không gặp nguy hiểm gì với Rafael, và tên sát thủ. Cô đã có thể bắt đầu một cuộc sống mới, như con người cô muốn. Có điều một trong số những người thường xuyên tới phòng của cô là cớm, là thám tử, anh ta không điều tra cô vì bất kỳ tội danh nào ngoài việc lái xe với biển số giả và không có bằng lái, chẳng có cái nào là trọng tội, nhưng vẫn còn rất nhiều điều phải làm rõ.

Rồi cũng đến ngày cô được chuyển từ phòng chăm sóc đặc biệt sang phòng thường. Khi các y tá chuẩn bị di chuyển cô, tháo các loại ống, tíu tít chuyện trò với cô, nói rằng cô đã vượt qua mọi việc cừ như thế nào và họ sẽ rất nhớ cô, đột nhiên cô đặc biệt chú ý tới một người. Tên cô ấy là Dina, ít nói nhất trong nhóm điều dưỡng nhưng lúc nào cũng nhẹ nhàng và kiên nhẫn, chăm sóc cô từng chút một.

Dina sắp ngã. Drea/Andie thấy điều đó. Không rõ ràng lắm, chỉ là những hình ảnh mờ nhạt nhưng cô thấy điều đó. Dina sẽ ngã xuống các bậc thang… màu xám, những bậc thang bê tông, giống trong một khách sạn hay trong… bệnh viện. Đúng rồi. Dina sẽ ngã cầu thang ở bệnh viện. Cô ấy có thể sẽ bị vỡ mắt cá chân, việc này vô cùng tệ hại vì cô ấy có một bé con mười tháng tuổi đã biết bò nhanh thoăn thoắt.

Cô vươn ra nắm lấy tay Dina, lần đầu tiên cô chủ động tương tác với họ. Các y tá nhìn cô kinh ngạc.

Cô liếm môi, vì sau tất cả quãng thời gian qua cô gần như quên mất cách để thốt nên lời, sự kết nối giữa trí óc và miệng quá mong manh. Nhưng cô phải cảnh báo Dina, vì vậy cô gắng sức và cuối cùng cũng bật lên thành tiếng.

"Đừng… đi… cầu… thang." Andie nói.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play