Trưa hôm sau, để ăn mừng sự thành công của Âu Dương
Bích Nữ về việc sắp đặt bắt bầy hoang mã về nội cỏ Bình Dương, và để
thưởng công cho Vương Bình đã đốc thúc, điều khiển một cách đắc lực việc xây vọng mã lâu và bức tường dài kiên cố, Chu Đức Kiệt đặt tiệc ngoài
Bách Hoa đình. Trong tiệc, ngồi cùng thồi có Tam hiệp, cha con Vương
quản trang và hai mẹ con Trần nhũ mẫu, Võ Nguyệt Minh, tổng cộng bảy
người thảnh thơi yến ẩm.
Chu Đức Kiệt đem việc tìm được tờ giấy lụa trong đáy hộp kính
đựng cuốn gia phả trên bàn thờ gia tiên nói cho Vương Bình và Trần nhũ
mẫu nghe. Vương Bình nói :
- Thế ra việc viên ngói bỗng nhiên hôm qua rớt làm bể hộp kính
có lợi hơn có hại. Nắp kính không bể thì có lẽ không ai ngờ rằng trong
đáy hộp ấy đựng vật gì.
Trần nhũ mẫu đồng ý :
- Thiệt vậy, mỗi khi tôi hay Võ Nguyệt Minh lau dọn bàn thờ cũng chỉ bê nhích chiếc hộp sang bên, khi xong xuôi lại nhẹ nhàng để vào
nguyên chỗ, làm sao mà biết được chân hộp kính hai đáy và bên trong có
tờ giấy lụa đó? Trong giấy có gì không Đại lang?
Đức Kiệt lấy tờ giấy lụa để trong ngực áo đưa cho mọi người coi. Cầm tờ giấy lụa xem đi, ngắm lại, Vương quản trang đăm chiêu suy nghĩ
như cố nhớ lại dĩ vãng xa xưa. Lát sau họ Vương nói :
- Chuyến vào trong núi đi tới khu thung lũng nhỏ có cả Chu đại
lang hồi còn nhỏ đó, tôi có thấy trong khi đi đường, thỉnh thoảng cố
Trang chủ lại mở tờ giấy này ra coi và có vẻ suy nghĩ nhiều. Người
thường dừng ngựa ngắm nhìn chỗ nọ, chỗ kia như muốn kiếm thứ gì... Đại
lang có nhớ không!
Đức Kiệt lắc đầu :
- Nhớ sao được? Lúc đó ai để ý việc của người lớn!
Vương Bình nói tiếp :
- Về sau này, không hiểu cố Trang chủ có trở lại khu đó nữa hay
không, tôi bận nhiều công việc khai khẩn các đất đai ngoại thành nên
không rõ. Theo thiển ý tôi, có lẽ cố Trang chủ không đi nữa vì người bận việc điều khiển các tiêu sư trong phiêu cuộc. Đến khi Người muốn nghỉ
ngơi dẹp phiêu cuộc đi, các tiêu sư làm việc dưới quyền Người phần đông
lúc đó đã nổi danh, họ lên cả Tế Nam phủ chung vốn làm ăn. Còn cố Trang
chủ thì chỉ quanh quẩn điền viên dạy bảo luyện tập cho Đại lang và Nhị
cô, ít hoạt động.
Lam Y nói :
- Chắc chắn là phụ thân không tìm kiếm trong núi nữa. Bằng cớ
hiển nhiên là tờ giấy lụa còn được giữ nguyên nếp trên bàn thờ. Nếu thân phụ đã tìm thấy sự gì ghi trong giấy thì đã lẳng bỏ nó đi rồi, tội chi
mất công gìn giữ như vậy? Phải không?
Mọi người đồng ý khen phải. Trần nhũ mẫu nói :
- Hồi còn thiếu thời tôi nhớ, một hôm cố Trang chủ nói với phu
nhân: "Trong vùng quá khu đất đai nhà ta kia, có cả một kho tàng quý
báu". Nghe được mỗi một lần như vậy thôi. Hồi đó Đại lang mới ngót hai
năm, còn Nhị cô thì chưa ra đời, tôi vào hầu phu nhân mới được bốn năm,
quản trang Vương Bình còn thanh niên như A Hoành bây giờ...
Nghe Trần nhũ mẫu nhắc đến chuyện xưa, mọi người ai nấy đều bùi
ngùi thương nhớ người quá cố. Lam Y rút khăn tay thấm lệ, nàng nói :
- Theo những lời ghi và bức họa đồ sơ sài trên tờ giấy lụa này,
có lẽ đây là chìa khóa để mở một kho tàng thật đó! Chu huynh đọc lại
coi?
Đức Kiệt mở giấy đọc đủ nghe:
"Tam thụ Tâm.
Tòng dương Hòe.
Thập nhất Trượng.
Tây bắc Ký.
Khởi thạch Phiến.
Quá đàn Khê.
Đăng thạch Sơn.
Nhất nhật Kỵ.
Đông hướng Chỉ.
Tiểu lộ Xử.
Khởi thảo Nội".
Vương quản trang nói :
- Chuyến vào núi có cả Đại lang, cố Trang chủ bảo tôi để ý xem
có nơi nào mọc ba cây tòng, dương, hòe. Tôi cố nhận xét nhưng khó khăn
lắm, không biết chỗ nào nhất định tìm sao nổi ba thứ cây ấy lẫn lộn giữa các đám cây khác?
Từ nãy, Âu Dương Bích Nữ im lặng nghe mọi người nói chuyện bèn lên tiếng :
- Trong khu ấy, chỗ có núi, chỗ rừng rậm chi chít, và quãng nào
đất bằng, cây thưa thớ thì bụi rậm liên miên sự tìm kiếm đâu có dễ dàng? Chuyến đó, phụ thân theo con đường mòn ấy vào đến Kỳ Mã Ổ, chắc có mục
đích gì khác chớ không chủ tâm tìm kiếm kho tàng nào theo trong giấy này đâu! Ta còn thừa hiểu rằng phải tổ chức tìm kiếm theo phương pháp vị
tất đã thành công, huống chi một người như phụ thân? Chẳng qua nhân lúc
đi đường, người dặn quản trang chú ý nhìn nhận, may ra thì thấy, có vậy
thôi. Mấy câu ghi trong giấy này không xuôi. Theo ý tôi, phải đọc ngược
lại mới rõ nghĩa được phần nào. Câu cuối cùng "Khởi thảo nội" há không
phải là "Khởi hành từ khu nội cỏ của nhà đó ư?".
Lam Y khen phải :
- Tiểu muội đồng ý với hiền tẩu, suy luận xác đáng. Đọc ngược lại mới trúng.
Chu Đức Kiệt đọc lại lần nữa:
"Khởi thảo nội
Tiểu lộ xử
Đông hướng chỉ
Nhất nhựt kỵ
Đăng thạch sơn
Quá đàn khê
Khởi thạch phiến
Tây bắc ký
Thập nhất trượng
Tòng dương hòe
Tam thụ tâm".
Chàng nói tiếp :
- Ba câu đầu dễ hiểu lắm. Khởi hành từ nội cỏ của nhà, noi theo
đường nhỏ đó là đường mòn vì chỉ có một lối đi trực chỉ phía đông. Nhưng câu "Nhất nhật kỵ": đi một ngày đường "kỵ" đây có nghĩa là kỵ mã vậy
phải đi ngựa mới đúng kích thước của độ đường. Tiếc rằng không rõ đây là cho ngựa chạy hay là đi bước một?
Lam Y đáp :
- Đi bước một như thường mới phải lẽ, ngựa nào chạy nổi được một ngày trời? Cần gò cương cho ngựa đi đều bước bình thường. Con đường mòn dù vòng vèo nhưng rốt cuộc vẫn trực chỉ hướng đông. Cái khó là ở mấy
câu này:
"Đăng thạch sơn
Quá đàn khê".
- Tại sao lên núi mà còn vượt qua suối nước là thế nào?
Chu Đức Kiệt nói :
- Ngồi nhà bàn định khó suy luận lắm. Chúng ta tổ chức đến tận
nơi xem sao mới được. Trong bảy người đây, riêng Trần nhũ mẫu không xông pha được, còn Vương quản trang, Vương Hoành, và Võ Nguyệt Minh theo
chúng tôi nhé?
Ba người cùng đồng ý. Vương Bình nói :
- Nếu vậy, sửa soạn xong cho bầy hoang mã, ta sẽ khởi sự tìm kiếm.
Âu Dương Bích Nữ nói với mọi người :
- Tôi không toại ý về việc tìm ra tấm giấy lụa này, vì lẽ không một ai hiểu căn nguyên tấm giấy đó như thế nào.
Lam Y gật đầu :
- Đồng ý với hiền tẩu. Nếu các điều ghi trong giấy là chìa khóa
để mở một kho tàng chi đó thuộc nhà họ Chu, tất phụ thân phải di ngôn
cho trưởng huynh biết, lẽ nào suốt bao năm trường - hồi còn sanh thời
cũng như lúc sắp mất - phụ thân không nói một lời nào. Như vậy, tiểu
muội chắc chắn tấm giấy này không phải của tiền nhân Chu gia truyền lại.
Đức Kiệt hỏi Lam Y :
- Ý kiến hiền muội chưa chắc đã đúng. Nếu không liên hệ đến Chu
gia, vì lẽ gì phụ thân cất tấm giấy lụa dưới đáy hộp kính đựng cuốn gia
phả? Có thể suy luận là Người cất kỹ quá rồi quên mất chăng?
Lam Y đáp :
- Ngồi tại nhà mà tính toán thì nhiều giả thuyết lắm. Tìm đến
tận nơi may ra mới thấy rõ. Vương quản trang và A Hoành đại ca liệu sửa
soạn các thứ đóng trại và lương thực đầy đủ để sống nhiều ngày trong
núi. Ta liệu đi ngay, trì trễ nóng ruột lắm! Lối đi vòng từ chân núi bên hữu bức tường mới xây có tới chỗ con đường mòn phía trong nội cỏ không
nhỉ? Vương Hoành không do dự :
- Lối đó đi vòng cầu âu lên gần lưng chừng núi và xuống tới
đường mòn. Hiềm vì từ trước không ai qua lại, rất khó đi, nhiều quãng
phải dắt ngựa mà còn sợ trượt chân. Năm kia, tôi tò mò đã thử đi một lần nên mới biết.
Âu Dương Bích Nữ nói :
- Khó cũng phải qua bằng lối ấy, núi thấp không đến nỗi nào.
Không nên để bầy hoang mã mới về đây đã theo ta trở về ngay lối cũ.
Ba hôm sau, Tam hiệp, cha con Vương quản trang và Võ Nguyệt Minh đai nịt gọn ghẽ lên đường vào núi. Ngoài các dụng cụ cá nhân đeo trên
ngựa, Vương Hoành còn dắt theo hai con chở các vật dụng cần thiết và
lương thực. Tới chân núi ngoại thành, Vương Hoành đi trước dẫn đường.
Quả vậy, leo quanh sườn núi rất khó khăn vì tám con ngựa dắt theo. Sáu
người khởi hành từ sáng sớm mà mãi gần trưa mới vào tới đầu đường mòn
trong nội cỏ. Tam hiệp cho ngựa đi bước một, noi theo con đường đã quen
thuộc, trưa hôm sau tới một khu bên hữu thì rừng cây thưa thớt nhưng đầy bụi rậm dây leo. Bên tả có một quãng đất trống ngổn ngang nhiều phiến
đá lớn, nhỏ đủ cỡ.
Dưới các viên đá ấy mọc chòi ra những cụm chàm xơ xác. Toàn thể
khu đất ấy rộng tới hai mẫu, đất nứt nẻ khô khan. Phía trong sừng sững
một trái núi đá hiểm trở lạ lùng. Đức Kiệt nói :
- Đêm qua ngủ giữa rừng không kể, riêng phần đi thì đúng một ngày trời rồi đây. "Nhất nhật kỵ", ta ngừng cả lại đây xem sao.
Sáu người xuống ngựa thả rong cho chúng nghỉ ngơi. Đức Kiệt lấy
tấm giấy lụa mở ra cùng Lam Y, Âu Dương Bích Nữ xem. Chàng đọc :
Lam Y chỉ trái núi đá sừng sững bên trong khu đất mà rằng :
- Có lẽ trái Thạch sơn này chăng?
Mọi người cùng nhìn trái núi ấy và quan sát toàn khu, Âu Dương Bích Nữ nói :
- Hiểm trở thế kia thì phải bỏ ngựa lại đây họa chăng mới leo
lên được. Leo mà còn phải biết phi thân thuật nữa họa chăng mới lên nổi. Vách đá sừng sững thế kia làm gì có lối lên?
Vương Bình đồng ý :
- Chu đại nương nói phải. Núi như thế này đăng sơn sao được! Ai
leo nổi lên núi này để chôn giấu kho tàng bảo vật. Chắc ba chữ "Đăng
thạch sơn" có nghĩa khác.
Chu Đức Kiệt đưa tấm giấy lụa cho Vương Bình coi, chàng nói :
- Các đường vẽ nguệch ngoạc trong giấy cũng chấm dứt. Cái chấm
son bên tả phải chăng là cái ám chỉ trái núi đá này? Các chấm đen bên
hữu thưa thớt phải chăng cánh rừng cây thưa đầy bụi rậm kia? Theo ý tôi
thì chắc chắn là khu này rồi đó.
Vương Bình đọc lớn:
"Đăng thạch sơn
Quá đàn khê
Khởi thạch phiến
Tây bắc ký..."
Lam Y trầm ngâm suy nghĩ giây lát :
- Lên núi đá này đã xong đâu, còn băng qua một ngọn suối nữa! Suối nào tồn tại được trên một ngọn núi đá khô khan nhường này?
Âu Dương Bích Nữ góp ý :
- Hay là "Đăng thạch sơn" có nghĩa khác.
Đức Kiệt gật đầu :
- Nghĩa chữ "Đăng" này là "lên" rồi, nhưng cũng phải khởi công quan sát quanh đây xem thế nào rồi sẽ hay!
Chàng ngừng nói, đánh hơi thấy mùi thịt chiên thơm quá bèn quay
lại phía sau nhìn. Thì ra trong khi mọi người mải miết bàn tán về ngọn
thạch sơn, Vương Hoành giúp Võ Nguyệt Minh giở túi lấy thực vật xuống,
chồng đá đánh lửa đốt cành khô nấu ăn. Lúc đó vừng thái dương vừa đứng
bóng. Vương Hoành bày các ống cơm nếp nhồi trong gióng tre lùi ra mấy
tầu lá rừng sạch sẽ, đoạn nói lớn :
- Trưa rồi, mời quý vị dùng bữa.
Mọi người xúm lại ăn uống thiệt ngon lành. Xong bữa, nghỉ ngơi
chốc lát, Chu Đức Kiệt bảo Lam Y và Âu Dương Bích Nữ cùng chàng đăng sơn xem thế nào.
Cha con Vương Bình, Võ Nguyệt Minh ở lại vì không thạo thuật phi thiềm tẩu bích.
Đeo khí giới, Tam hiệp tiến thẳng vào khu Thạch Sơn, lần theo
chân núi sang phía tả, rồi đi khuất vào sau các hốc đá. Thấy phía ấy
tương đối dễ lên núi hơn, vì sườn núi có nhiều mô đá lởm chởm, Tam hiệp
liền bảo nhau lên thử xem sao. Thoăn thoắt lúc nhảy, lúc leo, ba người
theo hàng một chuyền lên cao. Lam Y dẫn đầu, Âu Dương Bích Nữ đi giữa,
Đức Kiệt đoạn hậu, đúng như mọi khi hành hiệp, ba người vẫn giữ nguyên
thứ tự "Nhất, Nhị, Tam" quen thuộc ấy. Lên đến lưng chừng núi, Lam Y
ngừng bước, nàng nói :
- Nghỉ chân quan sát đã chứ! Đăng sơn kiểu này phải dùng sức bằng phi hành luôn mười dặm đường.
Ba người bèn ngồi xuống mô đá nhìn quanh. Phía trên, sườn núi
vẫn lởm chởm y hệt quãng vừa leo. Núi đá trơ trọi không cây lớn, ngoại
trừ các cụm cây dại từ các kẽ đá mọc ra. Đức Kiệt chỉ xuống phía dưới
núi:
- Phía sau này cây cối tươi tốt hơn, khác hẳn mặt tiền, đất nứt khô khan, cây cối xơ xác.
Âu Dương Bích Nữ nói :
- Cây cối xanh tươi nhờ đất ẩm, nghĩa là nước... Hay là...
Nàng bỗng im lặng, chú ý nhìn quanh phía dưới núi. Đức Kiệt hỏi :
- Hay là sao? Hiền thê định nói là suối nước ở trong rừng kia, phải không?
Lam Y đỡ lời :
- Chắc phải đó. Và hiền tẩu có lý. Trái núi khô khan này làm gì có suối nước! Trở xuống đi, tìm kiếm làm chi cho hoài công?
Vợ chồng Đức Kiệt đồng ý cùng Lam Y nhảy chuyền lần xuống đến
chân núi. Chợt nhìn thấy sự gì, Đức Kiệt vội gọi hai nàng ngừng lại, chỉ viên đá lớn ở chênh chếch phía tay tả mà rằng :
- Coi kìa, trên mặt viên đá kia có khắc!
Ba người tiến tới xem, đọc ra ba chữ "Đăng Thạch Sơn". Nét chữ đục trên đá rất sâu.
Đức Kiệt nói :
- Lúc đăng sơn, không trông thấy vì mặt phiến đá có chữ xây theo hướng đi, thành thử mất công lên, xuống núi. Thì ra Đăng Thạch Sơn là
tên trái núi này mà chúng ta hiểu lầm là "đăng sơn".
Lam Y nói :
- Hồi nãy hiền tẩu không hiểu nổi hai câu "Đăng Thạch Sơn" và
"Quá Đàn Khê" lộn nghĩa. Ta chỉ có việc tìm ra ngọn Suối Đàn đó. Hẳn là
người đục chữ vào phiến đá kia và người viết trên tấm lụa chỉ là một.
Âu Dương Bích Nữ nói :
- Trái núi này có tên tức khi xưa phải có người ở và có sự tích
gì, chớ không lẽ bỗng dưng người ta lần mò vào chốn hoang tịch này để
làm gì?
Chu Đức Kiệt nhìn vợ mà rằng :
- Việc đó không biết thê nào mà lường được. Như mấy năm trước,
sau khi hỏa thiêu Xích Hoa viện bên Sơn Phu, Lam Y và ngu huynh thấy vợ
chồng Đới Vĩnh Khang tích trữ nhiều vàng bạc châu báu quá, bỏ đi thì
phí, mang theo thì nặng quá không được, nên đành chôn trên sườn núi
trong một khu hoang tịch. Vậy biết đâu người viết trên mảnh lụa không
cùng một trường hợp như ta?
Âu Dương Bích Nữ trách :
- Một việc như thế mà hồi còn ở Tô Châu, Chu lang không nhớ tới
lấy của đó về làm phúc phân phát cho dân nghèo, có hơn là chôn cất đi
một chỗ không?
Lam Y nói :
- Ta có thể biên thơ nhờ Âu Dương bá phụ lấy hộ, hoặc giả chừng
nào ta xuống Giang Nam thăm Người thì sẽ trở lại Sơn Phu một chuyến,
nhân dịp thăm Quan gia ổ luôn thể.
Ba người vừa đi vừa trò chuyện, lúc ra tới chỗ cha con Vương
quản trang và Võ Nguyệt Minh chờ thì vừng thái dương đã ngả non tây, Chu Đức Kiệt quyết định trở vào đóng trại ở chân núi phía trong Đăng Thạch
Sơn.
Trong khi Vương Bình, Vương Hoành và Võ Nguyệt Minh sửa soạn
căng lều tìm kiếm củi đốt lửa, sắp bữa ăn chiều thì Tam hiệp rủ nhau vào rừng lục lạo tìm suối lấy nước về dùng. Lam Y tiến về phía hữu, nàng
nói :
- Lúc đứng trên sườn núi, tiểu muội nhận thấy ở phía này có một
khu hình như trống không có cây, biết đâu đó không là vũng nước, thử tới xem?
Ba người len lỏi trong rừng toàn cây lớn cành lá sum suê gần che lấp hết ánh sánh của buổi chiều tàn. Đi được một quáng khá xa quả nhiên cây cối thưa dần, tiếng suối róc rách chảy nghe rõ mồn một lẫn với
tiếng chim đêm bắt đầu lên giọng. Tam hiệp lẹ bước đến một khu đất
trống, rộng rãi tới trên một mẫu đất. Mặt đất ngổn ngang nhiều mỏm đá
lớn, nhỏ giữa khu, một giòng suối trong vắt chảy ngang qua. Âu Dương
Bích Nữ mừng rỡ reo lên :
- Có thế chứ! Câu "Quá Đàn Khê" chắc ngụ chỉ con suối này. Nhưng lấy nước rồi trở ra kẻo tối. Mai sẽ hay.
Tam hiệp vục mỗi người hai túi nước, ra tới lều vải thì màn đêm
mờ ảo màu lam đã buông xuống toàn thể núi rừng cô tịch. Đống lửa cháy
lớn soi sáng cả một vùng quanh lều. Võ Nguyệt Minh bày ăn trong khi mọi
người cho ngựa uống nước, chất cỏ khô lên tấm vải cho chúng ăn. Đức Kiệt kể chuyện Đăng Thạch Sơn và việc tìm thấy suối trong rừng cho cha con
họ Vương và Võ Nguyệt Minh nghe. Chàng nói tiếp :
- Mai ăn sáng xong, ta giở trại vào cả trong khu đất trống có
suối nước. Nội ngày, theo lời ghi chú trong giấy, được việc càng hay,
bằng như không thấy gì thì trở về cho khỏi phí thời giờ.
Vương Bình nói :
- Mọi lời ghi chú trong giấy cho đến nay đều đúng cả, lẽ nào vào giai đoạn cuối cùng lại sai được? Bực một nỗi là không hiểu nguyên nhân vụ này ra sao cả...
... Sáng hôm sau, chờ ánh dương lên cao đánh tan hết sương rừng
lạnh lẽo, đoàn người ngựa mới bắt đầu vào rừng lần tới khu đất trống,
Vương Bình lẩm bẩm :
- Lạ nhỉ! Giữa rừng lại có khu đất trống, đá phiến ngổn ngang,
suối chảy từ đầu bên này ăn sâu vào rừng bên kia. Hẳn là gần đây phải có hoặc núi hoặc đồi là nơi đầu nguồn chứ!
Biết tánh Vương Bình thường hay lẩm bẩm nói một mình mỗi chuyến
viên lão quản trang trung thành ấy đứng trước một cảnh gì lạ, Lam Y mỉm
cười mà rằng :
- Quản trang còn định tìm nơi xuất xứ của dòng suối kia nữa hay sao?
Vương Bình cười theo :
- Già rồi đâm ra lẩm cẩm như vậy đó, Nhị cô nương.
Giữa lúc ấy, vợ chồng Đức Kiệt đi tới chỗ Lam Y và Vương Bình đứng nói chuyện. Đức Kiệt mở tấm lụa ra bảo mọi người :
- Dòng suối ghi trong giấy có lẽ đây rồi. Giờ đây, đến đoạn:
"Khởi thạch phiến.
Tây bắc ký.
Thập nhất trượng.
Tùng dương hòe.
Tam thụ tâm".
Mấy câu đều có mạch lạc với nhau. Chỉ cần nhận ra phiến đá cốt
yếu ghi trong giấy, theo hướng Tây bắc đi mười trượng tới chỗ ba cây
tùng, dương, hòe là xong xuôi mọi việc.
Mọi người nhìn quanh nhận xét.
Lam Y nói :
- Phiến đá ấy ở bên kia suối vì câu trên có nói phải qua suối.
Nhưng ngổn ngang toàn thạch bản, biết lấy phiến nào làm chuẩn đích bây
giờ?
Mấy người nhận xét hồi lâu quả không thấy viên đá nào khác thường cả.
Đức Kiệt nói :
- Đứng đây nhìn không được! Ta sang bờ bên kia chia nhau ra quan sát từng viên đá một may ra thấy gì lạ chăng?
Ai nấy đều đồng ý, nhảy qua dòng nước sang bên vì chiều ngang
suối rộng chưa được một trượng. Mọi người lom khom nhận xét từng viên đá một.
Hồi lâu, tiếng Lam Y reo lên :
- Thấy rồi, lại cả đây coi!
Mọi người đều đứng thẳng lên nhìn, thấy Lam Y đang đứng trên
phiến đá cao bằng đầu người ở gần mé rừng bên hữu chừng hai trượng.
Nàng chỉ xuống mặt phiến đá, chỗ chân đứng :
- Có hai chữ "Tây Bắc" đục trên mặt phiến đá này.
Đức Kiệt nhìn mặt trời, nhận định phương hướng, đoạn chỉ phía rừng :
- Tây bắc hướng này. Từ thạch phiến đi mười một trượng tới chỗ
ba cây tùng, dương, hòe tất phải vào quá trong rừng đến tám trượng nữa.
Nào ta cùng vào đó xem sao.
Dứt lời, Đức Kiệt đi trước, mọi người theo sau, qua khu đất
trống vào sâu trong rừng cây. Quả nhiên, đoàn người vào tới một khu có
ba cây tùng, dương, hòe gốc lớn hàng mấy ôm.
Âu Dương Bích Nữ nói :
- Chà! Mấy cây này lớn thiệt, có lẽ sống nhiều thế kỷ rồi đây!
Ba cây mọc đều đặn, đứng thành hình chân vạc, từ góc nọ qua góc kia xa độ một trượng, bụi rậm mọc chi chít kín cả quãng giữa.
Vương Hoành nói :
- Bụi rậm quá. Để tôi phát bớt đi mới được!
Lam Y rút dao rừng ra, nàng nói :
- Mỗi người một tay phát cho lẹ.
Vương Hoành sắn tay áo khởi công trước. Gã mới chặt được mấy
nhát bỗng nhiên một con trăn lớn mình đỏ, hoa, đen từ bụi rậm lao vút ra đánh quấn ngang lưng Vương Hoành.
Giật mình, Hoành nhảy vội ra khỏi bụi cây nhưng bị con ác xà
lanh lẹ quăng khúc đuôi quấn trúng cổ chân kéo lại, trong khi đầu nó cất lên toan cắn vào bả vai nạn nhân. Lúc đó, Lam Y đứng gần Vương Hoành
hơn cả. Không do dự, nàng tuốt Thái Dương kiếm như chớp nhoáng, nhảy tới lia cổ một nhát trảm đầu ác xà rớt xuống đất đầy lá khô. Ác xà quằn
quại rãn khúc, nhờ đó Vương Hoành rút được chân ra. Vương Bình chỉ ác xà mà rằng :
- Giống Bách Hoa xà này nguy hiểm lắm. Cẩn thận kẻo nó sống có đôi.
Mọi người xúm lại chặt phá hết bụi cây, đoạn dùng cành cây quét
sạch lá khô trong khu tam giác. Vương Bình trở ra ngoài lấy cuốc xẻng.
Lam Y nói :
- Để ngựa ngoài ấy lâu quá cũng không nên, lỡ có mãnh thú từ đầu rừng bên kia tới thì sao?
Đức Kiệt và Vương Bình khen phải, hai người trở ra dắt ngựa vào. Trong khi ấy, Lam Y và Âu Dương Bích Nữ xem xét mặt đất, không thấy có
dấu tích chi cả. Đức Kiệt bổ một nhát cuốc trúng giữa khu tam giác chàng nói :
- "Tam thụ tâm" là nơi chính giữa này. Đào đi!
Cha con Vương quản trang cùng Đức Kiệt xúm lại kẻ đà người cuốc đến gần hai thước sâu cũng không thấy gì.
Âu Dương Bích Nữ đến chỗ để các dụng cụ lấy một cây xiên sắt nhỏ đưa cho chồng :
Bỏ cuốc, Đức Kiệt cầm xiên sắt thọc xuống đất thăm dò. Xiên sắt
thụt xuống đất được độ một thước thì vướng phải vật gì cứng rắn.
Đức Kiệt reo lên :
- Đây rồi, vướng vật gì xiên không xuống sâu được nữa.
Ba người lại tiếp tục đào hồi lâu thấy lên được một thống lớn
bằng sứ dày dặn miệng gắn kín. Nhờ được khu ấy cao đất khô nguyên nên
chỉ dùng lá chùi qua là chiếc thống sứ men xanh sạch sẽ ngay.
Mọi người xúm lại xem xét không thấy gì lạ cả, ngoại trừ chữ "Tống" ở dưới chân thôi.
Lam Y nói :
- Chiếc hũ sứ này từ đời Tống, nhưng không đề niên hiệu.
Đức Kiệt dùng dao ngắn nạy hết các lớp trám đường gắn kỹ khắp
chung quanh nắp thống, cạy mãi mới nhấc được nắp ra. Bên trong có một
bọc vải dầu còn nguyên đầy lên miệng thống, trong thống cũng khô ráo như thường. Đức Kiệt mở bọc vải dầu, chàng nói :
- Người nào hạ thổ chiếc thống này khéo biết lựa chỗ đất cao không hề bị ngấm nước...
Giờ hết lần vải dầu, ngay phía trên lộ ra bộ kim giáp kiểu vẩy
cá vàng lóng lánh. Lam Y nhấc hẳn bộ kim giáp ra, phía dưới toàn là nữ
trang châu bảo ngọc ngà quý giá, thứ nguyên có, thứ dát vàng có. Âu
Dương Bích Nữ và Lam Y nhắc các bảo vật đó lên coi đưa cho Võ Nguyệt
Minh và cha con Vương quản trang xem. Đức Kiệt nói :
- Không có vàng. Những trang vật này là trước đây của một nhà
quyền quý nào có lẽ vì loạn lạc nên qua khu này chôn xuống đây. Duy chỉ
bực một điều là không hiểu vì lý do gì tấm lụa ghi nơi chôn bảo vật lại
thuộc về nhà ta!
Bỏ các bảo vật vào trong thống sứ, Âu Dương Bích Nữ giở bộ kim
giáp ra xem kỹ lại, nàng chợt trông thấy các đầu nỗi đều có khắc chữ
"Quan", bèn đưa cho mọi người xem.
Đức Kiệt nhìn Lam Y, nét mặt tươi hẳn lên, chàng nói :
- Có thế chứ! Các bảo vật của họ Quan. Nội tổ tứ đại Chu gia là
Đức Điền lấy người họ Quan. Mà tổ mẫu họ Quan ấy là bà cô mẫu tứ đại của Quan Long ở Mã Thạch cương, trên đường Dương Châu, Kim Lăng.
"Chắc tấm giấy lụa này của tổ mẫu để lại".
Lam Y hỏi Đức Kiệt :
- Nhưng sao lại chôn bảo vật ở đây mà không chôn ở Mã Thạch cương?
- Chắc rằng họ Quan trước kia hoặc ở quanh khu vực này, hoặc vì
lẽ chi đó đi qua đây. Ngu huynh có nhớ Quan Long nói rằng Quan gia mới
thành lập ở Mã Thạch cương một, hai đời nay chớ không phải cố thổ từ
lâu. Căn cứ vào việc tổ mẫu họ Quan kết thân với nội tổ tứ đại Chu Đức
Điền, ta có thể suy luận rằng họ Quan trước kia có ở Bình Dương.
Âu Dương Bích Nữ bảo chồng :
- Nhân dịp này, Chu lang cũng nên phái người xuống Nam mời biểu
đệ Quan Long lên Sơn Đông chơi. Nhân thể chúng ta gởi thơ về Tô Châu
thăm nhà.
Vương Bình nói :
- Chuyến này ba vị nghỉ ở nhà, vậy cho phép tôi và Hoành nhi đảm nhiệm việc xuống Hoa Nam cho biết đó biết đây.
Lam Y nhìn Đức Kiệt cười :
- Ý kiến của Vương quản trang hay đó, hiền huynh nghĩ thế nào?
Đức Kiệt cười vang :
- Ngu huynh cũng đang định nhờ hai người đi thay mới an tâm được.
Lam Y quay lại hỏi Võ Nguyệt Minh :
- Võ muội muốn theo Vương quản trang du ngoạn Giang Nam không, ta sẽ xin phép Trần nhũ mẫu dùm?
Võ Nguyệt Minh e lệ cúi đầu, nín thinh. Âu Dương Bích Nữ tươi cười vỗ vai Lam Y mà rằng :
- Im lặng là ưng thuận rồi, cô muội cứ việc nói với Trần nhũ mẫu cho Nguyệt Minh đi luôn thể là xong.
° ° °
Đoàn người trở về Bình Dương thành.
Từ đó, Chu gia Tam hiệp nghỉ lại Chu gia trang vui thú điền viên trong một thời gian mấy năm, khai khẩn thêm các đất đai trước đây bỏ
dở.
Những buổi trăng treo vách quế, gió nhẹ bên sông, Lam Y nữ hiệp
cùng vợ chồng Đức Kiệt thường uống rượu ngoài Bách Hoa đình luận đàm kim cổ, nhắc lại những hoạt động xưa khi hoa báu kiếm hành hiệp khắp bốn
phương trời.
Âu Dương Bích Nữ lần lượt năm một, hạ sanh một trai đặt tên là Chu Đức Hùng và một gái mỹ danh Chu Bích Anh.
Hai trẻ đều khỏe mạnh, bụ bẫm đặc dòng nhà võ. Chú bé Đức Hùng
giống hệt Chu Đức Kiệt, và Bích Anh giống mẫu thân Bích Nữ và cô mẫu Lam Y.
Phần Lam Y rất sung sướng, suốt ngày bế cháu, nựng cháu, nhiều khi vợ chồng Đức Kiệt bảo nàng :
- Chừng nào hai trẻ biết đi, cô muội khởi luyện cho chúng, nhé?
Lam Y nữ hiệp cười dòn dã :
- Nhất định rồi, "Đao pháp" Chu gia vốn dĩ gia truyền.
HẾT
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT